Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


“BIẾN CỐ” NGÀY TRỞ VỀ



N ăm nào cũng vậy, trước lễ Giáng Sinh đến sát tết nguyên đán là thời điểm Việt Kiều từ các nơi trên thế giới về Việt Nam nhộn nhịp nhất. Chỉ riêng trong nhóm Ngũ Long Công Chúa của chúng tôi thôi đã hết ba đứa có thân nhân về thăm nhà rồi.

Trước giờ, họ nội họ ngoại nhà tôi không có ai định cư nước ngoài cả. Mỗi khi bạn bè xôn xao lên chương trình đón tiếp Việt Kiều, tôi luôn là người ngoại cuộc, dửng dưng không góp một lời bàn.

Nên khi nghe Quỳnh rủ thứ bảy này cùng ra phi trường Tân Sơn Nhất đón vợ chồng chị Diệp, tôi ngoay ngoảy từ chối lập tức.

-Nga là bạn thân nhất của Quỳnh, khi chị Diệp chưa theo chồng định cư Canada, Nga vẫn đến ăn uống chung với chị em Quỳnh, có xa lạ gì mà ngại?

À, điểm này thì tôi công nhận đúng.

Mỗi khi bạn bè của em gái tới chơi, chị Diệp là người xuống bếp lãnh khâu nấu nướng, không đổ bánh xèo cũng làm nem rán, gỏi cuốn hay bò né. Đặc biệt, nước mắm chị pha tuyệt ngon. Ngũ Long Công Chúa tranh nhau xì xụp húp nước mắm, vừa hít hà vừa xuýt xoa với nhau:

-Cay xé lưỡi!... Mà ngon quá!

Nhưng còn có Oanh - Trâm - Huyền nữa, sao Quỳnh chỉ muốn riêng tôi cùng gia đình nó đi đón vợ chồng chị Diệp?

Quỳnh cười cười, giải thích:

-Để Nga làm quen cảnh đưa đón ở phi trường. Biết đâu sau này chị Phượng cũng xuất cảnh, Nga khỏi bỡ ngỡ.

Tôi không tin, ngầm hiểu Quỳnh tạo cơ hội “đẩy thuyền” cho tôi với em chồng chị Diệp đấy thôi. Quỳnh vẫn nhắc nhiều đến người con trai này. Hẳn trong số bạn thân của em gái, chị Diệp “chấm” tôi, nên năm nay về Việt Nam ăn tết, vợ chồng chị dẫn cả anh ta theo, mục đích “coi mắt” tôi chăng?

Thú thật, tôi nửa tò mò, nửa… háo hức, nhưng vẫn vờ vĩnh nhăn nhó, chờ Quỳnh nài nỉ thêm vài câu mới làm như bất đắc dĩ phải… gật đầu.

Theo lịch trình, chuyến bay 10 giờ hạ cánh Tân Sơn Nhất thì 7 giờ Quỳnh đã thúc hối cả nhà gọi xe ra phi trường, dù di chuyển chỉ mất mươi phút chạy xe. Chị Diệp mới xuất cảnh năm ngoái mà như thể chị em xa nhau đã hàng chục năm, khiến tôi vừa buồn cười vừa cảm động.

Tôi lại vẩn vơ nghĩ: Nếu có một ngày chị Phượng cũng đi định cư theo nhà chồng, thì không biết bao nhiêu lâu chị tôi mới về thăm?

Thái -anh rể tương lai của tôi- và chị Phượng yêu nhau đã hơn 6 năm.

Trước khi đi định cư Hoa Kỳ, ba má anh có đến nói chuyện với gia đình tôi. Hai bên cha mẹ cùng thỏa thuận sau thời gian ổn định cuộc sống sẽ xúc tiến việc cưới hỏi cho hai con. Với công nghệ truyền thông hiện nay, thời gian hay địa lý chẳng là trở ngại cho những cặp yêu xa.

Thế nhưng… nào ai đoán trước được tương lai? Anh Thái vừa ổn định cuộc sống mới nơi xứ người rồi thì dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu. Đám cưới đương nhiên phải gác lại, đợi chờ.

Đến khi các đường bay quốc tế kết nối lại, thì bất ngờ ba anh Thái phát hiện bạo bệnh, dai dẳng nhiều tháng trước khi ông qua đời. Thêm một lần, anh Thái lỗi hẹn.

Dĩ nhiên cả hai người cùng buồn lắm. Chị Phượng than với tôi:

-Đúng là “nói trước bước không qua”! Thôi, từ giờ anh chị không tính trước gì nữa. Chuyện khi nào đến thì đến.

Tôi không phản bác, cũng không đồng ý. Làm sao với chuyện quan trọng nhất của cả một đời người mà lại không lên kế hoạch trước thật kỹ càng chứ?

Tôi cũng tin dù mất thêm thời gian thì cuối cùng, hai anh chị cũng sẽ về một nhà, hạnh phúc bên nhau thôi. Tình yêu của họ nồng nàn và kiên vững như thế cơ mà!

Gia đình Quỳnh đến sảnh chờ của phi trường quá sớm, so với giờ dự kiến máy bay hạ cánh. Chưa kể thời gian cho hành khách làm thủ tục, nhận hành lý… Tân Sơn Nhất những ngày cuối năm luôn đông nghịt người đón đợi thân nhân. Tôi và Quỳnh hết đứng thì chỉ biết đi đi lại lại cho đỡ tê chân, chứ không tìm ra được một ghế trống.

Chờ lâu thấm mệt, tôi cố gắng cũng không ngăn được những cái ngáp dài uể oải. Chẳng soi gương cũng biết mặt mũi mình lúc này đang nhăn nhó, rất khó coi. Tôi thầm hối đã nghe lời Quỳnh theo đến đây. Giá đừng gặp còn tốt hơn để em chồng chị Diệp đánh giá tệ hại.

Nghĩ thế, tôi bảo Quỳnh:

-Nga về trước đây, không chờ được nữa. Nga mệt muốn xỉu rồi nè.

Quỳnh vội vàng níu cánh tay tôi:

-Ấy… Ấy! Không được về!... Chịu khó chút đi, Nga. Quỳnh lỡ hứa chắc chắn với vợ chồng chị Diệp rồi…

-Không biết! Kệ Quỳnh!

Còn đang co kéo thì ngay lúc ấy, sau lưng tôi có tiếng ai thình lình cất lên:

-Nga! Có phải Nga đấy không, em?

Tôi quay sang, hết cả vùng vằng mà chuyển qua “đứng hình”, như tượng đất.

-Đúng Nga rồi… Ô hay, sao em biết hôm nay anh về mà ra đón thế?

Bây giờ không chỉ “đứng hình” mà tôi còn… câm và điếc nữa! Ú ớ không phát thành lời, tôi cứ thộn mặt ra, mở to mắt nhìn người đối diện.

Thái -anh rể tương lai của tôi- hai tay vịn xe đẩy hành lý nặng trĩu, mặt tươi cười. Anh đảo mắt nhìn quanh, hỏi:

-Phượng đâu? Có đi với em không?

Chưa thoát khỏi bàng hoàng lẫn bối rối, tôi chỉ ngớ ngẩn lắc đầu trước các câu hỏi dồn dập của Thái:

-Phượng khỏe không? Em đi với ai thế? Mà ai nói em biết hôm nay anh về?

Ai nói ư? Nếu đã có một ai nói thì tôi đâu sửng sốt thế này? Quá đột ngột nên tôi chẳng kịp phản ứng, chưa biết phản ứng ra sao.

-Thôi, về nhà rồi nói chuyện sau. Hẳn Phượng đã chuẩn bị vài món đặc sản đãi anh, phải không? Anh thấy đói lắm rồi đây.

Vừa nói, Thái vừa đẩy xe hành lý về địa điểm đón taxi. Quen phong cách nước ngoài, anh sải chân nhanh quá.

Tôi bỏ mặc Quỳnh, lếch thếch chạy theo:

-Khoan hãy gọi taxi, anh ơi!

Và tôi cố tìm lý do… hoãn binh:

-Em cũng đang đói lắm. Ăn chút gì đã rồi về sau, nghe anh!

Trong lúc Thái chăm chú chọn món ăn, tôi viện cớ đi toilet để gọi điện báo cho chị Phượng.

Chuông reo dồn dập. Đầu dây bên kia, chị tôi bắt máy mà không nói một lời, chỉ nghe tiếng thở dồn dập. Dĩ nhiên chẳng cần hỏi, tôi thừa hiểu tâm trạng chị lúc này.

-Chị bảo em trả lời anh Thái sao đây?

-…

-Chị nói gì đi chứ, đừng có im lặng thế! Em đang run quá, muốn té xỉu nè…

-Sáng qua anh ấy điện cho chị đâu có nói hôm nay về Việt Nam? Chị cũng còn rối hơn em đây… Thôi thì tùy em, nói sao giúp chị thì nói…

-Em có biết hai người nói những gì với nhau mà giúp? Anh ấy hỏi chị mãi, còn tưởng chị đang ở nhà nấu ăn đón anh ấy kìa.

-Hix… Hix…

Tôi phát cáu, gần như quát lên:

-Tự chị hết, oan ức gì mà khóc? Cứ khóc là giải quyết xong hay sao?

Giọng chị tôi ướt sũng:

-Tại chị gây ra cả… Xin lỗi em… Em thương chị thì liệu lời nói với anh ấy giùm chị...

Đến đây, điện thoại cúp. Tôi hối hả bấm gọi mấy lần cũng không nối máy được.

Không thể để Thái chờ lâu, tôi đành thẫn thờ quay ra, ruột rối như tơ vò.

Hai tô phở nóng đã đặt sẵn trên bàn, tôi còn lòng dạ nào thưởng thức?

-Anh gọi điện cho Phượng nãy giờ mà máy bận. Nào, mình ăn nhanh rồi về. Tự nhiên sao anh nóng ruột quá?

-…

-Kìa, kêu đói mà ăn uể oải thế, Nga? Em bệnh à?

Hẳn gương mặt tái nhợt của tôi làm Thái tăng lo lắng lẫn nghi ngờ.

Nghĩ cũng không nên để tình trạng lấp lửng này kéo dài cho thêm bấn loạn, tôi đắn đo cân nhắc lựa lời:

-Giờ đừng về nhà em, anh ạ…

-…

-Anh nên thuê phòng khách sạn tiện hơn.

-…

-Vì chỉ có một mình em ở nhà, nên…

-Mẹ em đi vắng à? Mẹ đã dặn có về Việt Nam, anh cứ đến nhà mẹ chứ đừng thuê khách sạn. Mẹ bảo nhà có sẵn một lầu bỏ không.

-Vâng, đúng thế… Nhưng anh không báo trước nên sáng qua mẹ em mới đi hành hương ngoài Quảng Trị với các bạn già trong xóm rồi…

Thái gật gù:

-Anh hiểu rồi. Vậy để anh thuê khách sạn. Mẹ không có nhà, anh đến ở chung sợ điều tiếng không hay cho cả Phượng lẫn em.

Giọng Thái sôi nổi, đầy hào hứng:

-Ngay ngày mai, anh và Phượng sẽ đến Sở Tư Pháp hỏi thủ tục kết hôn. Má anh đã chuẩn bị sẵn sàng, giờ chỉ bàn lại với mẹ em là gia đình anh mua vé bay về Việt Nam tổ chức lễ cưới.

-Nhưng… mẹ em… đang…

-Không sao. Phượng sẽ điện cho mẹ biết trước, nhất định mẹ vui lắm. Phượng cũng thế. Tội nghiệp, vì anh mà Phượng phải chờ đợi muộn màng thêm mấy năm nay… Anh sẽ đền bù xứng đáng cho Phượng. Này em xem, má anh đã sắm đầy đủ áo cưới, quà cưới cho anh đem về trước rồi kia.

Nhìn Thái chỉ sáu cái va ly to còn xếp trên xe đẩy, tôi ấp úng:

-Nhưng… chị Phượng cũng… không có nhà đâu anh…

-…

-Chị em đang… nằm bệnh viện.

Thái sửng sốt:

-Phượng bị sao mà giờ em mới nói? Sáng qua anh gọi điện thấy vẫn bình thường.

Tôi khó nhọc nuốt nước miếng, gật thật nhẹ:

-Vâng… Mới nhập viện chiều qua thôi.

-Vậy anh gửi hành lý khách sạn rồi vào bệnh viện ngay. Em dẫn anh đi nhé.

Bỏ dở hai tô phở chưa vơi bao nhiêu, chúng tôi gọi taxi rời phi trường.

Tìm một khách sạn đặt phòng, tắm rửa thay quần áo… Thái làm tất cả thật chóng vánh, đến nỗi tôi chưa tìm ra lý do từ chối. Tôi đành thú nhận:

-Em xin lỗi. Em không thể dẫn anh vào thăm được…

-…

-Chính chị Phượng yêu cầu thế.

-Anh chưa hiểu. Tại sao chứ?

-Em không rõ. Chắc chị không muốn anh nhìn thấy tình trạng hiện tại…

-Có phải Phượng gặp tai nạn, thương tích nặng lắm, đúng không?

-…

-Cứ nói thật cho anh biết đi, Nga! Phượng là vợ sắp cưới của anh, anh phải có trách nhiệm. Làm sao anh “bình chân như vại”< được?

-…

-Em yên tâm. Dù Phượng thương tích thế nào, anh vẫn yêu thương, không thay đổi. Đợi Phượng bình phục, đám cưới sẽ diễn ra đúng kế hoạch của gia đình anh.

Tôi muốn khóc to lên quá, mắt đã rưng rưng. Tôi nghẹn ngào:

-Em hiểu mà. Em không nghi ngờ lòng dạ anh… Nhưng thôi, đợi bác sĩ cho xuất viện rồi anh hãy gặp, thì hơn.

-Liệu khi nào bác sĩ cho xuất viện?

-Tuần sau thôi. Em đoán.

Cơ mặt Thái giãn ra, mọi căng thẳng như tan biến:

-À, vậy không trầm trọng lắm!

Rồi anh mỉm cười, gật gù:

-Anh đã hiểu. Là chỉ chút xây xát nhẹ trên mặt. Nhưng với phụ nữ đẹp, một cái mụn trứng cá thôi cũng đủ “kinh thiên động địa” rồi…

-…

-Thì anh đợi xuất viện cũng được, kẻo Phượng mặc cảm lại mất ăn mất ngủ. Ngày cưới mà cô dâu héo hon thì thật tệ hại, em nhỉ?

Tôi gượng cười theo:

-Vâng, đúng thế đấy. Vậy anh lên phòng nghỉ ngơi đi. Em về đây.

Tôi đi như chạy khỏi sảnh khách sạn, mừng thầm đã kịp đưa lý do giải thích chí lý nên Thái không nghi ngờ cũng không nằng nặc đòi gặp chị tôi nữa.

Trước mắt, chỉ cần thế đã tốt lắm rồi!

Trên đường đi, tôi không về ngay mà rẽ vào một nhà thờ.

Tôi cần lắng đọng lòng mình, cầu nguyện cho cả anh Thái lẫn chị Phượng trong “biến cố” hiện nay.

Tôi cũng cần thành tâm xin Chúa tha cho tội “đồng lõa”. Hẳn Chúa biết tôi không chủ động “lừa” Thái: Tôi đã giảm thiểu tối đa lời dối trá rồi đó.

Tôi không nói sai: đúng là chị tôi phải nhập viện chiều qua.

Tôi chỉ chưa nói rõ: chị Phượng không gặp tai nạn nào làm ảnh hưởng nhan sắc như anh Thái nghĩ, mà chỉ vào bệnh viện Phụ Sản sinh đứa con gái đầu lòng thôi.




VVM.20.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .