C uộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Bữa tiệc tất niên đón năm mới ở nhà Uyển đã đến lúc trầm hẳn xuống. Đã qua rồi phút vui mừng vì được gặp lại nhau của những người bạn cùng lớp. Ai cũng có lý do để ra về. Nhất là đám bạn gái. Có đứa phải về vì đã đến giờ đưa con đi học thêm, có đứa về lo bữa tối cho gia đình. Phụ nữ bao giờ cũng là người chịu ràng buộc của đời thường nhiều nhất. Bàn tiêc chỏng chơ những ly cốc ngậm ngùi. Chỉ còn lại ba người bạn thân: Uyển , Nhã và Trân. Uyển kéo cả bọn ra vườn hồ hỡi:
- Ông xã tao đi công tác mấy ngày nữa mới về. Hai đứa nhóc tao về ngoại. Bọn bây cứ ở lại chơi với tao vài ngày. Dễ gì có dịp tự do như thế nầy. Lâu quá rồi bọn mình mới gặp nhau còn gì.
Trân nguýt dài:
- Con Nhã ở lại với mầy thì được. Còn tao, bỏ hai đứa nhóc cho ai?
Đêm ở ngoài vườn thật bình yên. Còn mấy ngày nữa mới hết năm, nhưng Nhã vẫn nghĩ năm mới đang lừng lửng đến gõ cửa mọi nhà. Dĩ nhiên Nhã không còn cảm giác nôn nao chờ tết của những năm tháng ấu thơ, nhưng vẫn thấy mình bị cuốn hút vào cái không khí rộn rã của mỗi độ xuân về.
Lâu lắm rồi Nhã mới được nhìn thấy những vì sao chi chít qua những kẽ lá xanh thẩm vì bóng đêm. Cuộc sống giữa phố phường Sài gòn chật chội làm gì có một không gian nào để nhìn ngắm trăng sao. Nhã nhớ có lần đưa con về ngoại, đứa bé ngạc nhiên hỏi mẹ tại sao trăng nhà ngoại lại to hơn trăng ở nhà mình. Quả thật vầng trăng to đến mức làm đứa bé sợ hãi không dám nhìn. Ban đầu Nhã lúng túng không biết giải thích thề nào cho con đỡ sợ. Sau đó Nhã mới chợt nhớ ra ở thành phố làm gì có khoảng không gian rộng rãi nào để tầm mắt có thể nhìn thấy vầng trăng khi còn ở chân trời. Ta chỉ nhìn thấy vầng trăng khi nó đã lên cao trên đỉnh đầu, và lúc ấy vầng trăng đã nhỏ lại. Đêm nay vườn nhà Uyển không có trăng nhưng đầy sao. Mùi hương ngọc lan nồng đượm trong đêm. Khung cảnh đưa Nhã về một đêm đầy sao trong vườn nhà mình hơn hai chục năm về trước. Ở đó không có mùi hương của hoa ngọc lan mà là hương hoa dủ dẻ thơm lừng.Thứ hương thơm mộc mạc quê mùa, hoang dã của loài hoa dại chỉ nở về đêm. Thật là một sự kết hợp kỳ diệu của hương đêm và hương hoa. Ban ngày hoa dủ dẻ tầm thường không hề có chút hương, nhưng vào lúc hoàng hôn đến đêm thì thơm nồng nàn. Nhã và Duy hay định hướng mùi hương để tìm hái loài hoa nầy trong vườn đêm. Hai người học cùng lớp, nhà lại gần nhau, cùng bên nhau trong một thời gian dài từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Hai khu vườn nằm song song, cách nhau một hàng rào cây dại. Hoa dủ dẻ thường mọc lẫn trong hàng rào, bên những loại cây không tên. Duy là niềm kiêu hãnh của lớp Nhã, học giỏi lại tài hoa. Biết được chuyện tình của hai người, bọn con gái trong lớp đe nẹt Nhã:
- Mầy không được để xỗng mất Duy đấy. Với mầy thì được, bọn tao thông qua. Nếu là một đứa con gái lớp khác, bọn tao không để yên cho đâu.
Nhã mĩm cười, bây giờ vẫn nhớ chính xác Uyển là người nói câu dọa dẫm trẻ con ấy.
-Tao và ông xã đang chuẩn bị tài chính để hai năm nữa cho thằng con đầu đi du học, thế hệ bọn mình đã chịu nhiều thua thiệt do chiến tranh. Bây giờ đến thế kỷ 21 rồi, phải cho bọn trẻ được mở rộng tầm mắt hơn bố mẹ chúng.
Uyển đang nói về những dự định của mình cho thiên niên kỷ mới. Cách đây hơn hai chục năm, Nhã cũng đã từng tiễn Duy đi du học. Đêm cuối cùng của hai người cũng là một đêm đầy sao trong vườn nhà.Tiếng đàn guitar của Duy nghe ngậm ngùi. Nhã hát theo tiếng đàn:
- Tới đây mây núi đồi chập chùng, liễu dương hong tóc vàng trong nắng (1).
Họ vẫn là một cặp rất đẹp đôi trong các đêm liên hoan văn nghệ của trường. Đêm ấy Nhã vừa hát vùa khóc thầm. Ngày mai Duy đã đi, một không gian mênh mông nửa vòng trái đất sẽ chia cách hai người. Suốt đêm Nhã không ngủ được. Lúc gần sáng Nhã chợt thiếp đi, giấc ngủ bồng bềnh mùi hương hoa dủ dẻ. Năm giờ sáng Nhã chợt giật mình thức dậy. Ánh trăng thượng huyền le lói một mảnh lưỡi liềm huyền bí và xanh xao. Cánh cửa sổ vẫn mở rộng. Một chùm hoa dủ dẻ trên bàn học bên cửa sổ và dòng chữ của Duy: “Duy không ngủ được trong đêm nầy, ra vườn tìm hoa dủ dẻ cho Nhã. Có lẽ còn lâu lắm Duy mới được tìm hoa trong vườn nhà. Duy đi, Nhã chờ Duy nhé.”
- Lâu lắm rồi Nhã mới về quê. Chắc lại bị hồi ức xâu xé mãnh liệt lắm phải không?
Nhã ậm ừ với Trân cho qua chuyện. Hồi ức của Nhã ư? Là những năm tháng chờ Duy trên mảnh đất nầy. Ban đầu là những cánh thư vượt đại dương bay về dồn dập với bao nỗi nhớ nhung tràn trề. Sau đó thưa vắng dần. Hai năm sau Nhã lại nhận thư Duy, với trăm ngàn lý do để giải thích. Một bức ảnh trông Duy rất lạ: cao to hơn, tóc tai để dài hơn, khuôn mặt lạ hơn. Chung quanh Duy là những cô gái chàng trai xứ lạ. Có lẽ là bạn học. Âu có, Á có. Một cô gái Châu Á mắt một mí, có vẻ là người Hàn quốc hoặc Trung quốc gì đấy, đứng sát cạnh Duy. Một linh cảm mơ hồ làm nhói đau tim Nhã. Có lẽ đó là lý do chính để Duy vắng thư cho Nhã trong hai năm qua/ Một lý do dĩ nhiên là không có trong những lời giải thích của Duy. Một thời gian sau Nhã biết điều linh cảm của mình đã là sự thật. Đó là một cô gái người Đức gốc Hàn, học cùng lớp với Duy. Lại một cuộc tình cùng lớp lặp lại lần thứ hai trong cuộc đời Duy . Nhưng có lẽ bây giờ nó đã mang màu sắc khác!
Lần đầu tiên Nhã biết thế nào là nỗi đau của một kẻ đánh mất tình yêu –những điều mà trước đây Nhã chỉ biết qua tiểu thuyết, qua phim ảnh. Có một thời Nhã sống lửng lơ như không có trọng lượng. Đi học, đi về như một người vô hồn. Nhã sợ nhất mùi hoa dủ dẻ ngoài vườn. Đêm đêm Nhã đóng chặt cửa sổ, chạy trốn mùi hương bủa vây của kỷ niệm. Một lần đọc thơ Bích Khê, Nhã đã khóc :
Anh có bao giờ còn trở lại
Chờ lúc hoàng hôn trăng đã lên
Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy
Khói lam thơm đậm khí ưu phiền .
Là lúc đêm về trên mái ngói
Những nhành nhãn muộn cánh dơi bay
Em đang trở bệnh trong phòng vắng
Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy . (2)
Đám bạn gái cùng lớp của Nhã ngày xưa phản ứng mạnh mẽ. Nhiệt tình nhất là Uyển, Uyển thề sẽ không thèm nhìn mặt Duy nếu một ngày nào đó Duy trở về.
Nhưng Duy đã không về. Không phải vì lời nguyền của Uyển. Duy lấy vợ và ở lại hẳn bên Đức. Đám bạn gái lần lượt đi lấy chồng, giã từ cuộc chơi. Nhã vẫn trơ trơ trong cuộc đời. Trước những người đàn ông theo đuổi cô thấy lòng băng giá. Uyển và Trân hết lòng làm “ công tác tư tưởng” để Nhã đi lấy chồng. Trân nói:
- Tao tin số phận tuyệt đối. Mầy và Duy không có số chung sống với nhau. Nếu có số lấy nhau thì chạy trời không khỏi nắng. Hãy quên Duy đi.
Có số phận thật không hay chính lòng người tạo ra số phận ?
Nhã ngẩm lại cuộc đời mình, có ngẫu nhiên không khi đời cô đã mấy lần trải qua những giờ phút cận kề giữa sự sống và cái chết. Chuyến xe đò khốc liệt năm ấy khi Nhã mới ba tuổi cùng ba mẹ về quê, đã lao thẳng xuống vực sâu. Trong cơn hoảng hốt cùng cực của kẻ thấy trước cái chết thảm khốc, ba Nhã đã nhanh tay quăng mạnh đứa con gái lên một bụi cây ngang triền dốc. Nhã vướng lại ở đó trong một tiếng thét khủng khiếp trước khi ngất đi vì đau đớn và sợ hãi. Chiếc xe khách lao thẳng xuống vực sâu, không còn ai sống sót.
Nhã được một người cô ruột nhận về làm con nuôi. Từ nhỏ Nhã đã gọi cô là mẹ nên ai cũng tưởng là con ruột của gia đình. Lớn lên một chút, năm lên mười ba tuổi trong một lần đi tắm biển cùng gia đình, Nhã không biết bơi nên chỉ nằm trên phao. Mải mê ngắm trời biển, cứ thế chiếc phao dập dềnh trôi ra tận ngoài khơi xa. Người nhà chủ quan nên không để ý. Đến khi thấy mình trôi giữa trời nước bao la, Nhã hoảng hốt kêu cứu nhưng chẳng ai nghe. Bãi bờ xa lăng lắc, những cây dù đầy màu sắc trên biển cũng chỉ còn là những chấm nhỏ li ti. Lấn thứ hai trong cuộc đời, Nhã lại đứng trước cái chết. Nhưng bàn tay số phận đã nới lỏng ra. Một thanh niên vô tình cầm ống nhòm nhìn ra khơi đã phát hiện ra Nhã từ ngoài khơi xa và người ta đã đưa ca nô ra cứu. Nếu có số phận chăng thì cuộc đời Nhã là một trò đùa của số phận. Trong mối tình với Duy, Nhã lại bị số phận trêu cợt một lần nữa. Đám bạn trai cùng lớp động viên Nhã:
- Bà đi lấy chồng đi chứ. Để còn làm sui với bọn tôi.
Đám bạn gái an ủi:
- Ba lần gặp nạn, cuộc đời từ đây sẽ yên bình, hãy quên Duy đi.
Nhã không quên Duy nhưng vẫn đi lấy chồng, như một việc cần làm mà cuộc đời đã lên lịch. Đã “ quá tam ba bận ” rồi. cuộc đời từ đây có yên bình như tụi bạn nói không? Nếu có, thì đó chỉ là cái yên bình bề ngoài của cuộc sống: lấy chồng, sinh con, nuôi con, làm việc. Còn bên trong sâu thẳm tâm hồn thì lại không mấy yên bình. Sống bên chồng nhưng trái tim Nhã bao giờ cũng như có một cơn gió lạnh lẽo thổi qua. Cách đây không lâu, Duy có trở về. Nhã nghe tin Duy trở về cũng như người ta nghe tin sắp …tận thế. Đã chuẩn bị tinh thần cho lần gặp gỡ sau hơn hai mươi năm cách biệt nhưng không hiểu sao lúc Duy đến, Nhã lại lánh mặt. Không cưỡng lại sự tò mò, Nhã nấp sau khe cửa nhìn Duy.Trông Duy khác quá, dáng dấp chững chạc hơn, khuôn mặt trầm tư hơn. Nhưng Nhã cũng khác quá rồi còn gì. Kim Trọng gặp lại Thúy Kiều khi cả hai mới ngoài ba mươi tuổi. Nhã gặp lại Duy khi cả hai đã bằng tuổi Mã Giám Sinh. Ở tuổi ngoại tứ tuần, người phụ nữ bắt đầu thiếu tự tin hơn vì những dấu vết của thời gian trên khuôn mặt. Mà thời gian thì bao giờ cũng nghiệt ngã. Nhã của ngày xưa đã chết.Thôi hãy cứ để Duy giữ lại hình ảnh của một thời. Vả lại, còn gặp nhau làm gì nữa, họ đã lạc mất nhau trong cuộc đời rộng lớn mênh mông. Có gặp nhau chăng cũng chỉ là để nói những lời trần tình. Nhã không thích nghe những lời trần tình. Mọi việc đều có lý do của nó. Và Duy lại ra đi.
Nhã cũng ra đi. Cuộc trở về của Duy làm tâm hồn Nhã xao động mãnh liệt. Những con sóng ngầm tưởng đã ngủ quên trong sâu thẳm của trùng dương, bây giờ trỗi dậy mạnh mẽ. Nhã xin công ty cho nghỉ phép trở về quê hương. Cô đi lang thang qua các ngã đường của thành phố như kẻ hành hương đi tìm thánh địa. Gặp lại Uyển, Trân, và một số bạn cùng lớp còn sót lại ở thành phố nầy. Thì ra cách đây mấy hôm Duy cũng có về quê. Trong bữa tiệc họp mặt đón năm mới - Uyển hiểu Nhã hơn ai hết - đã báo động với bạn bè đừng nói gì với Nhã những tin tức về Duy.
- Thôi Nhã ở lại với Uyển nhé, Trân về kẻo hai đứa nhỏ lại mong. Trân đứng dậy, Nhã cũng đứng dậy:
- Cho Nhã về nhà Trân ngủ với Trân một đêm, đêm mai sẽ ngủ lại với Uyển.
Trân cười buồn:
-Cũng được , nhưng nhà hư hỏng nặng đang sửa lại, hy vọng là xong trước Tết. Mấy mẹ con Trân ngủ ở phòng trọ thuê tạm trong thời gian chờ sửa nhà.
Nhã xót xa thương bạn, một mình nuôi con, một mình cáng đáng mọi chuyện trên đời. Hai người đi qua con đường Phan Đình Phùng ngày xưa, con đường hai đứa vẫn đi học với nhau thời phổ thông. Mấy chục năm rồi con đường vẫn không thay đổi gì đáng kể trước sự trôi chảy của thời gian. Điểm qua những khuôn mặt bạn bè cùng lớp, đã có đến bốn đứa vĩnh viễn ra đi. Bây giờ thì Nhã và Trân đang cùng đi với nhau trong những ngày cuối cùng của năm, với những mất mát, những ưu tư, phiền muộn của đời mình. Có lẽ trong số bạn bè Trân là kẻ bất hạnh nhất. Thời đi học Trân học giỏi, thi cử suôn sẻ, ra trường có việc làm ổn định. Những mối tình đầu phần lớn là trắc trở, nhưng với Trân lại đến đích. Cuộc đời như thế đã trở thành một biểu tượng để nhiều người mơ ước.
Nhưng dòng sông bao giờ cũng lắm thác ghềnh. Sau giải phóng, Trân nuôi con để chồng đi cải tạo. Sau hơn hai năm cải tạo, Bảo – chổng Trân được tha.Tiếp theo là những năm tháng sống vất vưởng vì thất nghiệp. Bảo ít chịu khó, nghề gì cũng không xong. Lại thêm nạn cờ bạc và nghiện rượu. Bao nhiêu tiền dành dụm của Trân, Bảo đốt sạch vào những canh bạc. Và cứ thế, mỗi lần nã tiền là một lần đánh vợ. Không có tiền, Bảo lấy cắp đồ đạc trong nhà đem bán. Ban đầu là những vật có giá trị, sau đó thì bất cứ vật dụng gì cũng không thoát khỏi tay Bảo. Gia đình Trân lúc đó chỉ còn là những trận cãi vã và tiếng khóc của bọn nhỏ.
Một lần Nhã về quê thăm Trân, tình cờ gặp Bảo đang say rượu đi lang thang ngoài đường, quần áo xốc xếch, miệng lảm nhảm chưỡi bới. Nhã đã choáng người gần như không đứng vững trước cảnh tượng ấy. Sự tha hóa của con người quả thật khủng khiếp. Nhã vẫn còn nhớ nụ cười của Bảo và Trân trong ngày cưới, bây giờ chỉ còn là nước mắt và những nỗi nhọc nhằn.Trân đã phải còng lưng trước gánh nặng của cuộc sống, vừa nuôi con, vừa chu cấp tiền cho chồng. Sau một thời gian vất vưởng, Bảo đã chết vì suy kiệt. Bạn bè giúp Trân làm đám tang cho chồng, sửa lại căn nhà. Uyển thở dài kể lại:
- Thôi thế cũng xong một kiếp người.
Đêm ấy nằm với Trân và hai đứa trẻ trong căn phòng trọ bé nhỏ, Nhã suy nghĩ miên man. Cô bỗng nhận ra nỗi đau của đời mình chả là gì so với nỗi đau của đời bạn.Trân dũng cảm hơn Nhã nhiều trước bao nhiêu ghềnh thác của cuộc đời. Trong khi Nhã đã có một gia đình yên ấm như một sự đền bù cuối cùng của số phận, nhưng lúc nào cũng tự dằn vặt mình về một nỗi khổ không đáng có, về một sự phản bội không đáng nghĩ tới. Và biết đâu không sống được với Duy đã là một điều may. Nếu ngày xưa mối tình của Bảo và Trân không đi đến đích thì có lẽ bây giờ cuộc đời Trân đã khác. Nào ai biết được sự trớ trêu của số phận. Nhã bỗng nhớ lời Trân an ủi Nhã ngày xưa:
- Ba lần gặp nạn, cuộc đời từ đây sẽ an bình. Hãy quên Duy đi. Bây giờ Nhã muốn nói lại với Trân những lời như thế. Chính trong căn phòng trọ bé nhỏ chật chội nầy Nhã đã tìm thấy cõi bình yên. Nhã bỗng nhớ lại lời bài ca đã hát cho Duy nghe vào đêm cuối cùng trong khu vườn thoảng mùi hương hoa dủ dẻ: “ Vì cuộc tình đã chết một đêm nao, lúc trăng hãy còn thơ ấu …”(3)
Với Nhã, có lẽ đến bây giờ cuộc tình mới chết. Đêm nay Nhã chợt nhớ đã đọc ở đâu đó một câu nói : “ Tương lai tươi sáng thường dựa trên quá khứ đã quên lãng, bạn không thể sống thanh thản nếu bạn không vứt bỏ mọi nỗi buồn đã qua ”. Nhã chợt thấy lòng thanh thản và cô ngủ thiếp đi .
(1) Bến xuân của Văn Cao
(2) Bích Khê – thi sĩ tiền chiến . Bài thơ Làng em .
(3) Tiếng đàn tôi – Phạm Duy .