Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TÊN PHẢN BỘI



Nguyên tác của J.B. Jeffries (Úc Đại Lợi)

     Vài Hàng Về Tác Giả:
       J.B. Jeffries chỉ là bút hiệu của tác giả. Ông là một nhà văn cũng là một trại chủ, một thủy thủ, một phi công.

♣♣♣

B a mươi năm, nửa đời người, một quãng thời gian dài nếu kể từng ngày trong cuộc sống đầy lo âu và phiền muộn này. Nhưng khoảng cách lớn lao trong trí con người có khi được nối liền lại bằng những tác nhân kích thích nào đó.

Một buổi chiều trong khi tôi đang đi ngang qua công viên thì gặp hắn. Vâng, chính là hắn, Stanislaus.

Giờ đây hắn to lớn hơn nhiều, cơ thể lực sĩ đầy những bắp thịt cuồn cuộn. Hắn ngồi trên chiếc ghế đá, một chiếc chân to lớn bắt chéo lên chân kia, đang tung thức ăn ra cho đàn bồ câu phía trước mặt. Một khuôn mặt chẳng bao giờ tôi quên được với cái cổ to lớn và mớ tóc nay đã ngả sang màu bạc. Không thể nhầm lẫn được, tôi nhận ngay ra Stanislaus bằng xương bằng thịt kia, một người bạn, một người ái quốc, một kháng chiến quân, một chuyên gia về phá hủy. Hắn đã trở về từ cõi chết? Không thể có chuyện đó được.

Stanislaus là tên mật, chúng tôi không ai biết được tên thật của hắn là gì. Thân hình cao lớn vượt hẳn lên là một đặc điểm khó quên. Một nhân viên tình báo cần phải không có một đặc điểm nào, mọi điều phải ở mức trung bình để dễ dàng hoà mình vào đám đông. Tuy vậy, vào năm 1942, hắn được coi là chuyên viên chất nổ có khả năng nhất của quân giải phóng Nam Tư, bao nhiêu công tác khó khăn nhất đều giao cho hắn.Với đôi bàn tay to lớn giờ đang bốc thứ ăn cho chim bồ câu, trước kia bao nhiêu lần từng cầm những bó thuốc nổ, đặt những đường giây phức tạp với những kỷ xảo trong phương pháp phá hoại ở mức chính xác và tế nhị của một nghệ nhân tài ba nhất.

Có phải hồn ma hiện lên ngay giữa buổi chiều hè nóng nực xứ Úc này không? Khi tôi dừng lại trước mặt hắn, đàn chim náo động, bay lên cao vài mét rồi dạt về phía bên phải như tìm một sự che chở nào đó. Im lặng một thoáng nhìn tôi, rồi hắn đứng lên, thân hình cao lớn như một ngọn núi, cúi xuống kêu:

- Digger.

Giọng nói trầm, ầm ầm vang trên đầu tôi, hai bàn tay khổng lồ ôm đôi vai tôi lắc lắc:

- Bạn đó hả, Digger, bạn đó hả?

(Chỉ có hai quân nhân Úc phục vụ trong đoàn tầu ngầm Hải Quân Hoàng Gia, một là viên sĩ quan phóng ngư lôi và tôi nên chúng tôi được gọi là Digger).

Trong bao nhiêu năm nay, tôi không thể nào quên được được nơi vùng biển đen ngày hôm đó lúc hắn trèo từ thân chiếc tầu ngầm xuống chiếc thuyền cao su nhỏ. Dấu trong áo là hai ngòi thuốc nổ gắn chặt vào ngực bằng băng keo với mục đích tự sát nếu bị bắt. Hắn nói đó là con đường chạy trốn duy nhất. Sau này phúc trình cho biết là công tác thành công và cũng có tin là hắn đã hy sinh. Tôi đã cầu nguyện cho hắn, một người bạn hy sinh trong chiến tranh. Rồi thời gian qua đi, trên ba mươi năm rồi.

Giờ đây dưới cái nắng rực lửa này, mọi người đang suy nghĩ về hiện tại, háo hức cho tương lai thì chúng tôi đứng như hai hòn đá cuội trong dòng nước lụt. Cuộc gặp gỡ thật bất ngơ khiến cả hai đều không nói được câu nào, và cũng cố gắng tìm ra lời làm nhịp cầu bắc ngang qua những tháng năm đã đánh mất và để trở lại với quá khứ.

Kể lại chuyện quá khứ thì chẳng khó khăn gì, nhưng tôi không hiểu là luật bảo mật quốc phòng còn hiệu lực nữa hay không. Dù sao đi nữa, với thói quen cũ: im lặng, giữ bí mật là những điều đã ngấm sâu vào tâm trí khiến tôi không thể kể ra tên người, tên con tầu, nơi chốn, ngày tháng cùng với các chiến dịch mà vào lúc đó được liệt kê là “TỐI MẬT”. Thật tức cười khi tôi còn quen với kỷ luật cả ba mươi năm về trước. Thế giới này đã thay đổi, rất nhiều người liên quan đã chết từ lâu và những người còn sống sót mong mỏi là những nỗi sợ hãi cũng như căm thù ngày trước nay đã tan biến hết với thời gian, nhưng vẫn còn nhiều người cho đến bây giờ vẫn còn thận trọng. Họ thường nói là tại vịnh Balkans, con quỷ đôi khi vẫn còn mang con dao nhọn và dài.

Tình bạn của tôi với Stanislaus bắt đầu vào khoảng cuối năm 1942 đầu năm 1943. Khi đó chúng tôi chuẩn bị rời hải cảng đế đến vùng tuần tiễu. Một buổi sáng thật sớm của một đêm đen xứ Ai Cập, hắn theo thuyền trưởng S. lên tầu, theo sau là hai thùng thật lớn. Tôi chắc là ngay cả vị sĩ quan chỉ huy trên tầu cũng không biết sự hiện diện của Stanislaus từ trước. Lệnh được thuyền trưởng S. trao tận tay cho sĩ quan chỉ huy. Đó là điều “Yêu Cầu và Bắt Buộc” ông ta trước khi nhổ neo đi tuần tiễu phải cấp cho Stanislaus một chiếc thuyền nhỏ và trong ngày đó, giờ đó phải thả hắn xuống bờ biển Nam Tư. Trong thời chiến, mọi mệnh lệnh về các chiến dịch đều là “Tối Mật”, nhưng khi nói về lệnh này, chúng tôi được cho biết đó là công tác “Chiếc dao găm trong chiếc áo choàng” vậy thôi.

Chẳng có chiếc áo choàng nào che dấu vũ khí giết người trên người thanh niên cao lớn đang mỉm cười đứng trước mặt chúng tôi cả. Hắn mặc bộ đồ thường dân rách rưới. Ngay khi thuyền trưởng S. rời bước,tôi được sĩ quan chỉ huy triệu đến để lãnh trách nhiệm săn sóc hắn cùng những thiết bị. Khi được biết trong hai chiếc thùng chứa những gì, tôi lập tức đem xuống phòng chứa đồ. Mớ thuốc nổ này có thể phá tan cả một thành phố. Nhưng sau đó tôi được biết mục đích không phải là phá hủy một thành phố mà là một ngôi nhà dùng làm bộ chỉ huy của quân đội Đức tại thành phố mà tôi gọi là Graz. Tin này được sĩ quan chỉ huy cho tôi biết như vậy.

Suốt cuộc hành trình tới điểm hẹn, Stanislaus là bạn mgồi ăn cùng bàn với tôi, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ nói về công tác cả. Tôi đoán đó là một công tác phá hoại chớp nhoáng vì lệnh yêu cầu trong mười ngày chúng tôi phải tới một hòn đảo nhỏ tên là Alexandra để đón hắn về nếu hắn may mắn còn sống sót. Đòi hỏi một chiếc tầu ngầm tới một vùng nước cạn lại sát bờ biển do kẻ thù kiểm soát, hơn nữa cứ mỗi nửa giờ phải nổi lên xem Stanislaus ở đây thì đó là điều nguy hiểm vô cùng. Lúc đó đối với chúng tôi, hắn ít có cơ hội sống sót, sự may mắn chỉ có một giới hạn nào đó thôi. Nhưng thật là kỳ lạ, hắn trở về nhưng với một thái độ hung dữ lẫn ủ ê. Khi lên tầu, chẳng còn giữ bí mật về chiến dịch này nữa, hắn gầm lên:

- Có sự phản bội. Quân Đức đã rình tôi như con mèo rình chuột vậy. Có kẻ phản bội ở đâu đây. Tôi sẽ tìm ra nó.

Hắn kể lại là tiếp theo một báo cáo cho hay Hitler đã giáng cho Himmler nhiều kỷ luật đáng sợ vì quân Đdức ở đây không tiêu diệt được quân kháng chiến (Chú thích: Heinrich Himmler, 1900-1945, tướng Đức Quốc Xã). Kỷ luật này làm rúng động bộ chỉ huy quân Đức tại Nam Tư. Cuộc lùng soát được hoạch định thật hấp tấp, hình như vào phút chót. Có tin cho hay Himmler sẽ có mặt tại thị trấn Graz trong vài ngày tới. Kế hoạch bắt cóc Himmler được nghiên cứu, nhưng vì ngoài tầm tay của lực lượng kháng chiến địa phương nên được chuyển sang kế hoạch phá xập Tổng Hành Dinh sau khi hắn tới được vài ngày. Thị trấn Graz trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Một phần công tác của Stanislaus trong chiến dịch này là cung cấp một số lượng lớn chất nổ cũng như tìm vị trí thích hợp đặt chất nổ. Không có một công tác nào được coi là nhẹ trong kế hoạch này cả. Thủ lãnh lực lượng kháng chiến này có tên mật là Ludovic, sau này trở thành phụ tá đắc lực, xuất xắc nhất của Tito (Chú thích: Josip Broz Tito, 1892-1980, Thống Chế, sau là Tổng Thống Liên Bang Nam Tư), rồi khi Nam Tư được giải phóng hoàn toàn thì bị mất tích một cách bí mật. Stanislaus miêu tả không những hắn là một người bạn từ hồi nhỏ mà cũng là một thanh niên yêu nước và là thủ lãnh của kháng chiến quân chống lại quân Đức. Trước kia, hắn cũng là một sĩ quan trong quân lực Hoàng Gia Nam Tư.

Mọi việc diễn tiến một cách êm đẹp như dự định cho tới ngày Himmler gần đến. Phần lớn công tác được hoàn thành, Stanislaus tới chỉ đặt thuốc nổ và lắp ngòi thôi. Rồi vào phút chót, Ludovic lại quay về với kế hoạch ban đầu. Hắn nói là kế hoạch lúc trước bị bỏ vì lực lượng tấn công không đủ, bây giờ được tin một toán kháng chiến quân đông đảo được điều động từ miền Bắc xuống tăng viện. Hắn quyết định ra đi để tiếp xúc với toán quân này và đem Stanislaus theo. Sau đó họ được biết nguồn tin trên không xác thực, mà chỉ có vài ba dân quân trôi dạt về với việc trang bị số vũ khí thô sơ. Một lần nữa, hy vọng bắt cóc Himmler lại tiêu tan, hai người trở lại Graz mong tiếp tục công việc bỏ dở.

Stanislaus kể tiếp là trong tỉnh lỵ, quân Đức được tăng cường một cách bất thường với những toán tuần tiễu khắp nơi. Cuối cùng hai người cũng tìm được nơi ẩn náu, cách chỗ đặt thuốc nổ không xa. Một buổi tối, một bé gái tới nói với hai người:

- Hãy ngưng lại, họ đang đợi các ông ở ngoài đó.

Quả thực như vậy, mọi việc đã thất bại hoàn toàn

Rõ ràng là từng nhân vật trong nhóm kháng chiến quân đã bị quân Đức nhận diện. Stanislaus nghĩ là ít nhất hắn và Lukovic sẽ bị giết hay bị bắt tại nơi ẩn náu này. Tới đó là kết thúc cái gọi là “chiến dịch nhổ cỏ”. Khi hồi tưởng lại, hình như tình báo phe đồng minh đã ngây ngô một cách lạ lùng. Cả tuần trước đó quân Đức không hề biết gì. Điều lạ nữa là phúc trình đưa ra rất chính xác vì Himmler đã tới Graz đúng theo như dự trù, hơn nữa nếu quân Đức dựng lên việc thăm viếng này để tiêu diệt toán kháng chiến thì tại sao khi biết phản ứng của phe đồng minh, chiếc tầu ngầm của chúng tôi không bị khám phá và bị tấn công vào hai dịp khi chúng tôi xuất hiện ngay trước mũi họ? Luíc đó chúng tôi rất vui mừng là giúp được cho Stanislaus đào thoát và chúng tôi chỉ nghĩ tới một yếu tố, đó là sự may mắn. Ba mươi năm trôi qua, bây giờ tôi biết được sự may mắn đó chỉ đóng một vai trò thứ yếu thôi.

May mắn và sự vô hiệu của chiếc tầu tuần tiễu gần eo biển Otranto đã giúp chúng tôi sống sót khi đến cứu Stanislaus. Chúng tôi không muốn bị phát hiện ra dù cho đó là quân Đức hay quân Ý. Chiếc tầu tuần tiễu chạy vòng quanh chỏm đất phía bắc che khuất chiếc vịnh nơi đây chúng tôi hy vọng là Stanislaus đang đợi trên chiếc thuyền cao su nhỏ. Tầu của chúng tôi lặn dưới nước, không hiểu vì lý do gì ống nghe bị hư nên không phát hiện ra được chiếc tầu tuần tiễu cho đến mãi khi nó đã nằm ngay trên đầu chúng tôi.

Nhớ lại lúc đó, tôi thấy mọi người trên tầu như bị đông lại thành đá, hoàn toàn bất động. Một cánh tay đang với tới ổ điện với những chiếc ngón dài như móng vuốt con sư tử phải ngừng lại bất động giữa không gian, khuôn mặt mọi người không còn sinh khí mà giống như những tảng đá. Cho đến ngày nay mỗi khi nhớ lại, tim tôi như ngưng đập, tiếng trái thủy lôi đập vào thân tầu làm tôì nghĩ đó là tiếng động cuối cùng trên thế giới mà chúng tôi nghe được. Sauk hi chiến tầu tuần đi khỏi, chúng tôi ôm nhau cười, viên hoa tiêu lúc đó mới hoàn hồn nhả chiếc bút chì đang ngậm trong miệng đã gãy làm đôi. Đúng ra chúng tôi chỉ vui mừng vào buổi chiều tôi hôm đó mà thôi khi tầu Đức bắt gặp tầu chúng tôi nhiều lần và không kịp phóng thủy lôi. Lại may mắn, nhiều lần chúng tôi nghe nó chạy ngay phía trên đầu mà không có trái thủy lôi nào được phóng ra và cho tới nửa giờ sau khi vớt được Stanislaus, một chiếc tầu bạn bị tấn công và chúng tôi chỉ nghe tiếng nổ ma quái vọng lại từ phía đằng sau.

Tiếng vọng ma quái trong quá khứ và hắn cũng là một con ma. Nhưng giọng nói trầm và đầy kích động của Stanislaus trước mặt không thể là hồn ma bóng quế được. Nơi đây, quá khứ đang nối với hiện tại. Hắn nói:

- Tôi tưởng là các anh chết hết rồi chứ, anh còn nhớ không?

Có thể là hắn nghe thấy tiếng thủy lôi của tầu Đức. Trước khi tôi mở miệng giải thích thì hắn nói tiếp:

- Tôi tưởng là các anh bị tiêu diệt hết cả rồi chứ, nhưng sau đó anh ở đâu? Khi tới Úc tôi có hỏi thăm nhiều nơi nhưng chẳng ai biết anh ở đâu cả.

Có nhiều chuyện cần kể cho nhau nghe nhưng không thể nói trong vài phút được. Hơn nữa tôi lại có một cái hẹn và đã trễ năm phút. Tôi kéo tay hắn và hối hắn đi ra khỏi công viên. Đàn chim bồ câu bị bỏ rơi và hắn đồng ý đợi tôi.

- Khi xong việc, anh đi với tôi. Tôi cần cho anh coi cái này … Hắn nói với tôi như vậy.

Sauk khi xong việc, chúng tôi tôi gặp lại nhau. Rồi sau đó hắn đưa tôi đến một toà nhà, chỉ lên hàng chữ thật lớn hầu như che khuất hẳn cánh cửa sổ căn lầu thứ nhất: “Stan, công ty phá hủy”

Hắn vung tay lên làm chiếc mũ của tôi tung ra khỏi đầu:

- Thấy chưa, tôi trở lại nghề cũ.

Trong thành phố này chỉ có ba công ty lớn có tiếng tăm mà công ty hắn thành lập là một. Hắn làu nhàu:

- Rõ khùng, hội đồng thành phố không chấp nhận cho tôi phá xập tòa nhà đó. Họ sợ có hại tới cửa sổ và nền móng các tòa nhà khác. Tôi chỉ cần một lượng thuốc nổ nhẹ tại một chỗ thích hợp nhất thì nó sẽ xập xuống như chơi, chẳng làm phiền tới ai cả. Nhưng cũng được, tôi đã được trả tiền dù cho có làm hay không.

Lòng nhiệt tình và tính kiêu hãnh của hắn mỗi khi có dịp lại bùng lên mãnh liệt và trong lòng tôi lại cảm thấy có trách nhiệm về việc khiến hắn di cư tới đất nước này. Trong khoảng thời gian quen biết ngắn ngủi trước kia, tôi đã hùng hồn ca tụng Úc Châu, một đất nước rộng lớn, tự do và nhiều cơ hội, trái hẳn với Âu Châu đang ở trong tình trạng đen tối đau khổ nhất trong lịch sử. Lúc đó mặt hắn sáng lên. Rốt cục thì một kẻ ái quốc và một chiến sĩ của tự do đã nhận quốc gia này làm quê hương.

- Lúc đầu tôi là một người Úc trẻ, mới và bỡ ngỡ, bây giờ thì đã trở thành một ông già rồi.

Trong suốt nửa giờ hàn huyên, hắn kể cho tôi nghe hồi mới sang đây làm nghề xén lông cừu, thầu khoán chuyên làm hàng rào, thợ mỏ ở Broken Hill rồi cuối cùng làm nghề chuyên phá hủy các toà nhà. Hắn đã có vợ, Rosie, con trai là một sinh viên còn độc thân còn cô con gái lấy một phi công hàng không dân sự và mới có một đứa con trai.

Sau câu chuyện về gia đình, chúng tôi im lặng. Bãi biển đen tối đó lại trở về trong ký ức tôi như một đám mây đen ở một khoảng chân trời xa xăm. Người thư ký mang một chồng hồ sơ lại cho hắn. Tôi đứng lên định cáo từ, hắn kéo tôi ngôi xuống.

- Đợi một chút. Anh định đi đâu? Về nhà, tôi giới thiệu Rosie với anh.

Hắn biết tôi tới thành phố này chỉ có vài ngày và đi một mình.

Buổi tối hôm đó, sau một ngày giữa mùa hè nóng bức, Stanislaus và tôi ngồi trên hè trước nhà nhìn ra chiếc vườn trồng đầy hoa. Sau bữa cơm tối, con trai hắn đi với bạn và Rosie thì còn quá trẻ với vai trò bà ngoại, ngồi với chúng tôi một lát rồi cáo từ đi ngủ. Stanislaus kể cho tôi nghe về những chuyến du lịch của gia đình trong năm nay. Họ đã đi Mỹ học hỏi thêm về nghề phá hủy các cao ốc trong thành phố, rồi đi Anh, Singapore và Hồng Kông.

Tôi hỏi:

- Còn Âu Châu thì sao? Anh đã trở lại Nam Tư lần nào chưa? – Tôi tránh không dùng câu “quê hương của anh”.

Hắn trầm ngâm một lát rồi nói:

- Không, không bao giờ.

Rồi im lặng. Điếu xì gà trên môi rực sáng rồi lại nhạt dần theo tâm tư của hắn.

Hắn bắt đầu tâm sự, một ngón chân chọc vào con chó lông xù đang ngồi ngủ gật bên chúng tôi:

- Điều quái gở là tại sao chỉ một nước Đức nhỏ bé mà có thể biến đổi mọi người trong cả một lục địa thành thú vật một cách nhanh chóng như vậy được. Thú vật không hung bạo như con người. Chúng chỉ bảo vệ khu vực riêng của chúng, thú vật chỉ cắn nhau chứ không giết nhau ngoại trừ khi bị đói. Thú vật không hành hạ, tham nhũng, mưu mô, không bỏ nhau đói và giết hàng loạt như con người. Chống lại họ, mình phải như họ, nghĩa là phải giết … giết … giết.

Sau một lúc im lặng, hắn chậm rải nói:

- Không, tôi không bao giờ trở lại Nam Tư nữa. Quá nhiều máu đã đổ dưới tay tôi rồi. Chỉ một lần, một lần thôi.

Tôi vội hỏi:

- Để tìm tên phản bội. Anh có kiếm ra được hắn không?

Hắn không trả lời, tôi tưởng là hắn làm bộ không nghe thấy câu hỏi của tôi. Nhưng rồi hắn nói, giọng nhỏ như tiếng muỗi đang bay quanh đây:

- Đúng vậy, tôi đã tìm ra hắn. Chuyện này tôi không kể cho ai nghe cả, ngay Rosie cũng không biết.

Hắn lại im lặng như đang lắng nghe tiếng đêm, tiếng vọng của những đợt sóng đang đập vào bờ, tiếng rơi của những chiếc lá khô. Rồi thình lình hắn nói lớn:

- Ngộ nghĩnh thật, mình lại gặp nhau hôm nay, hai con qủy già. Mai anh rời thành phố này và có thể và có thể lại biến mất trong ba mươi năm nữa. Câu thơ gì anh đã ngâm trong bữa ăn hôm đó nhỉ?

- “Tôi đi mãi và sẽ không bao giờ trở lại nữa”, đó là câu thơ của Stevenson.

- Hay lắm, tôi rất thích câu thơ này. Anh nên đề nghị người nào đó ngâm rồi thâu vào đĩa được không?

- Không cần thiết, nhưng nếu anh muốn …

Tôi thấy hắn lưỡng lự. Điều cần thiết là phải lôi ra những thắc mắc của tôi đang chôn vùi trong ký ức hắn.

- Tôi chỉ tò mò thôi. Khi được tin anh đánh xập chiếc cầu rồi cũng có tin là anh bị giết chết. Trong nhiều năm nay, tôi không biết có phải là tên phản bội đó đã tìm ra anh trước khi anh tìm ra hắn, có phải vậy không? Đó là một câu hỏi ngu xuẩn, anh tha lỗi cho tôi nhé. Nhưng nếu không tiện nói ra thì xin bỏ qua, tôi xin lỗi.

Ngoài dự tính của tôi, hắn trả lời lập tức, không chút do dự:

- Ôi, mà chiếc cầu thật tốt. Nếu viên đạn bay một chút sang phía bên phải thì tôi tiêu rồi, chắc chắn là như vậy. Nhưng anh còn nhớ chiến dịch đó không? Tên gì nhỉ? “Chiến dịch nhổ cỏ”. Ờ, một cái tên ngu xuẩn. Quá nhiều người biết về chiến dịch đó. Những người trên tầu này, những người tôi đã gặp khi lên bờ này … Quá nhiều người biết.

Chúng ta muốn gì mà để quá nhiều người biết như vậy? Có thể là tên phản bội là một trong những người đó không? Vì vậy, lần sau tôi trở lại một mình. Chỉ một mình Stanislaus này thôi. Không một ai biết tôi đi đâu hay làm gì cả. Tại Cairo, họ nói muốn phá hủy một chiếc cầu, vì thế tôi nói:

- Được rồi, hãy để đó cho tôi. Chỉ với hai bàn tay này, để một mình tôi, không cần yểm trợ, không cần gì cả.

- Cây cầu đó ra sao?

- Cây cầu đó rất cao, có một đường rầy chạy qua. Cầu cách mặt nước khoảng hai mươi mét và dài gần một trăm mét. Tôi phải trèo lên vào ban đêm để gắn chất nổ. Có toán lính canh ở hai đầu cầu và cả đàn chó nữa. Anh có thể tưởng tượng ra sự nguy hiểm như thế nào rồi chứ.

- Không hiểu làm sao anh có thể thực hiện được sứ mạng mà không có người giúp.

Stanislaus lắc đầu:

- Không cần thiết. Đó chỉ là toán quân yếu, khoảng một trung đội, phần lớn là người già và con nít. Họ có vẻ rất hoạt động vào ban ngày, nhưng vào ban đêm thì ngoài số lính gác ở hai đầu cầu, họ ngủ trong lều và chỉ để đàn chó giữ mà thôi. Điều may mắn là tôi thích thú vật, đặc biệt là chó. Anh hỏi con Dave Allen này thì rõ. - Hắn lấy ngón chân cà vào lớp lông xù của con chó đang nằm dưới đất. – Trong ba đêm liền, tôi mò tới với túi thức ăn, tôi muốn chúng quen với hơi của tôi. Bọn khờ khạo để chó đói làm cho công việc của tôi dễ dàng hơn. Đêm sau đó tôi có thể trèo lên cầu dễ dàng. Chỉ sau khi chạy trốn tôi bị một viên đạn trúng vai, may là không trúng chân.

- Anh trốn đi đâu? – Tôi hỏi nhưng trong đầu thấy thân hình to lớn của kẻ đào tẩu đang quằn quại và chạy lắt léo giữa những tảng đá trên ngọn đồi, phía trên là trăng sao vằng vặc, phía dưới là đoàn người đang truy đuổi, lục soát.

- May mắn là lúc đó tôi thấy một chiếc xe tuần tiễu đậu ở gần đó mà không có người canh gác. Dùng chiếc xe đó, tôi đi được đâu hai ba dặm rồi trốn trong rừng sau khi cho chiếc xe đâm xuống sông. Không khó khăn gì, may hơn nữa là trời đổ mưa nên bầy chó không đánh hơi được.

Hắn nói một cách dễ dàng, từ việc phá hủy cây cầu, vết thương trên vai, tới việc đào tẩu như là một việc đơn giản thường nhật vậy. Tôi hỏi về vết thương.

- Chút xíu nữa thì nguy nhưng bây giờ thì gần như lành hẳn rồi. Chỉ có điều là nay tôi không thể cầm vật gì nặng bằng tay trái được. Viên đạn không trúng xương hay động mạch mà chỉ xé bắp thịt mà thôi. Khi đó tôi bị chẩy máu nhiều lắm. Qua khỏi khu rừng tôi lên được tới đỉnh đồi là thoát nạn.

- Như vậy anh đi bộ trong rừng bao xa?

- Ồ, lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ lắm, nhưng không xa lắm. Có lẽ sáu bẩy dặm gì đó, tôi không nhớ nữa. Sáng hôm sau, tôi gặp một toán kháng chìến quân, họ khiêng tôi tới một mỏ than bị bỏ hoang ở gần đó, từ lâu không ai khai thác. Lát sau một bà già tới, bà ấy chùi vết thương và cho tôi một chén súp. Trông bà ta đã già, nhưng chắc chắn là không già bằng tôi bây giờ. Mà lạ chứ, tôi chẳng bao giờ thấy mình già cả. Những người ở nơi đó lúc nào cũng trong tình trạng đói nhưng bao giờ cũng mang cho tôi một món gì đó. Về việc chữa trị, họ chỉ đắp chiếc cùi bắp lên vết thương thôi. Anh thấy lạ à? Chỉ chiếc cùi bắp thôi nhưng vết thương lại lành rất mau, không bị nhiễm độc gì cả. Cho đến khi khỏe hơn, tôi rời chỗ đó liền. Thật là may mắn.

- May mắn, nhưng rồi anh đi đâu?

- Anh nhớ Ludovic chứ. Tới những nơi mà tôi đoán là sẽ tìm ra hắn. Không xa lắm, chỉ cách chỗ tôi trú ẩn bốn mươi, năm mươi dặm thôi. Đây là quê của tôi mà, tôi về làng cũ nơi chúng tôi sinh ra. Tôi thuộc lòng đường đi nét bước như thuộc lòng bàn tay vậy. Lúc đó tôi còn yếu, vết thương còn hành lại thêm cái đói nữa. Nhưng rồi tôi cũng tới nơi.

Hắn lại im lặng, giọng nói không còn bình tĩnh và coi như là điều đương nhiên nữa. Rõ ràng là những kỷ niệm về nơi quẽ cũ quá thân thương làm hắn xúc động.

- Đó là một làng nhỏ nằm dưới ngọn núi cao. Nhưng khi đó không còn gia súc thú vật gì nữa mà còn lại chỉ toàn là chim bồ câu và những chiếc chuồng thôi. Mọi người đã bỏ làng mạc ra đi, những cánh đồng bây giờ mọc toàn cỏ dại. Máy bay Đức bay lượn suốt ngày, nhưng tôi cũng kiếm được nơi ẩn náu an toàn.

Hình như hắn không còn nói với tôi mà như nói với người nào đang chia xẻ nỗi cô đơn lúc đó.

- Có một đám cây nho mọc chỗ tôi trú ẩn. Ở đây tôi cũng trồng nho nhưng không được ngọt lắm. – Tay hắn chỉ ra góc vườn nơi có một chùm cây nho, lá rậm rạp. – Tôi ngồi dưới chùm cây nho, ăn ngủ, uống nước va cho chim bồ câu ăn trong khi máy bay Đức bay trên đầu. Ngày này qua ngày khác, cuối cùng vào một đêm nọ hắn đến. Hắn rất ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây. Mặc dù là chỉ huy trưởng toán quân kháng chiến trong vùng này nhưng không ai báo tin cho hắn là tôi ở đây. Không một mệnh lệnh nào từ Cairo cả, anh nhớ chứ. Cả tháng nay tôi không nói chuyện, không gặp ai ngoại trừ bà già và các kháng chiến quân giúp tôi ẩn trốn nơi vùng núi rừng vừa qua.

- Nhưng anh muốn gặp Lukovic mà. Sao anh biết là hắn sẽ tới?

- Đây là trang trại của hắn, có một dạo trại này rất rộng, bây giờ thì thu lại chút xíu. Tôi biết là hắn sẽ tới dù chỉ cho chim bồ câu ăn. Hắn tới để cảm thấy an tâm dù chỉ trong khoảnh khắc. Hắn nói với tôi là thời gian này thực là đen tối vì sau khi cây cầu bị phá hủy, quân Đức đã giết rất nhiều người bị tình nghi. Ludovic nói với tôi, ra lệnh ho tôi ở lại đây cho tới khi thật khỏe. Những ngày sau đó thật là dài, giống như khi tôi còn nhỏ đi nghỉ hè vậy. Ngày thật dài. Dãy đồi chạy băng qua thung lũng sâu mà trước kia Ludovic và tôi đã từng chạy nhẩy. Bây giờ thì hoàn toàn im lặng. Tôi nghĩ nhiều về quãng đời thơ ấu, những việc ngu dại đã làm và tôi cũng cố không nghĩ tới những việc quân giặc đang tàn phá quê hương tôi, dân tộc tôi. Đợi cho thật mạnh để rồi lại đi xuống để giết, giết và giết.

Hắn đứng dậy rót thêm rượu vào hai chiếc ly gần cạn rồi nói tiếp:

- Anh vẫn muốn nghe tiếp phải không, Digger? Có lẽ tôi nói nhiều quá. Người già thường hay mắc phải tật này.

Tôi xua tay:

- Không, anh cứ nói tiếp đi.

Hắn gật đầu, tay cầm ly rượu ra ngồi xuống bực cửa, nửa mặt quay ra vườn. Khi nói hình như hắn không còn nói với tôi mà như đang tâm sự với đêm đen vậy, giọng hắn trở nên xa vắng hẳn:

- Anh là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi kể lại câu chuyện này. Suốt ba mươi năm qua, tôi không bao giờ hé môi cho ai biết, không một người nào. Anh còn nhớ tôi nói về những con chim bồ câu chứ. Mỗi buổi chiều tôi thường cho chúng ăn, chúng rất tham ăn và thật dễ nuôi. Còn những con chim con là là món ăn độc nhất ở đây. Tôi cũng tìm thấy một chiếc máy phát thanh của Đức, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là dụng cụ trong thời chiến mà chúng tôi thường tịch thu được của quân địch mà thôi. Mọi việc chung quanh tôi hầu như yên ổn, thanh bình.

“Một buổi chiều bạn đến sớm hơn. Đây là lần đầu tiên bạn đến sớm như vậy, mà vào giữa ban ngày. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, chuyện hiện tại, chuyện thời thơ ấucủa hai đứa chúng mình, bầy chim bồ câu ríu rít chung quanh. Thật là thanh bình như ngày chưa có chiến tranh. Rồi tôi nhìn thấy một con chim rất mệt, rất đói trong bầy. Đó một con bồ câu đưa thư, chân có cột một ống nhỏ. Khi tôi với tay ra định bắt nó, bạn đã làm một động tác thật mạnh để đuổi bầy chim bay đi. Nhưng đã quá trễ. Trời, tại sao bạn lại chậm chạp quá vậy? Chắc bạn mệt lắm rồi, phải không? Mệt như con chim kia. Bạn mới đến từ xa, tâm tư bạn mang nhiều khắc khoải, quá nhiều dằn vặt, bạn còn có quá nhiều kẻ thù. Rồi sao nữa? Trốn đi nơi nào đây?

Stanislaus quay hẳn về phía tôi rồi nói tiếp:

- Lẽ ra hắn phải bắn tôi ngay, anh thấy chứ. Tôi cầm con chim bằng hai tay. Không cần nhìn xem trong chiếc ống có gì mà chỉ cần nhìn vào mặt Ludovic thì biết hết cả. Hắn là một người can đảm, một người can đảm nhất trên quả địa cầu này. Hồi còn trẻ chúng tôi rất thân với nhau, chạy nhẩy suốt ngày trên những ngọn đồi. Hắn can đảm hơn tôi nhiều. Thế mà giờ đây hắn ngã quỵ xuống, rồi một lúc sau hắn kể cho tôi nghe tất cả mọi việc.

“Trước đó năm sáu tháng, quân Đức bắt giữ vợ hắn, cô ta cũng là một kháng chiến quân, to con, mạnh và rất đẹp. Tôi cũng biết cô ta khi còn trẻ. Lúc đầu Ludovic không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, rồi đoán là cô ta bị giết. Cho đến khi tên mật thám S.S. Stompitz khốn nạn gửi cho hắn một chiếc thư, cho biết cô ấy vẫn còn sống và không hề hấn gì. Để giữ tình trạng như vậy, Ludovic phải hợp tác với nó. Tên khốn nạn thông minh Stompitz lập ra cuộc khủng bố giả tạo tại tỉnh lỵ Graz vài ngày đó để lấy lòng Himmler. Sau đó nó nói vợ của Ludovic sẽ được giam tại Graz nếu Ludovic thực sự hợp tác. Rõ ràng là như vậy. Tụi nó có thể bắt Ludovic cũng như bao nhiêu người khác, nhưng lại muốn giữ hắn làm kẻ phản bội vĩnh viễn dưới sự đe doạ này. Ludovic hỏi tôi phải làm gỉ bây giờ nhưng tôi không dám trả lời. Và Ludovic đã là kẻ bại trận. Mọi việc xẩy ra tại tỉnh Graz như tôi đã kể cho anh nghe rồi đó. Chỉ có việc là hắn mang tôi theo để tôi khỏi bị bắt. Hắn cũng không nói cho tụi Đức biết về chiếc tầu ngầm để giúp tôi trốn chạy.”

Rồi hắn nói cho tôi biết một điều thật khủng khiếp nữa:

“Hiện giờ tất cả quân kháng chiến dưới quyền chỉ huy của hắn đang nằm trong chiếc bẫy của quân Đức, vì vậy hắn hắn ra lệnh cho tôi phải ở yên tại đây để nghỉ ngơi, hắn lại cứu tôi một lần nữa và vì sao hắn lại tới đây sớm, vào ban ngày chứ không phải ban đêm như mọi lần để nhận hay phát tín hiệu cho quân Đức. Tôi không hiểu nữa. Có thể lần này tụi Đức hứa hẹn sẽ thả vợ hắn. Mạng một người đàn bà đổi lấy sinh mạng hơn ba trăm kháng chiến quân. Tôi nhìn tín hiệu mà con chim bồ câu mang lại: Không một chữ, chỉ có hình vẽ lằng nhằng. - Mật mã. - mặc dù không đọc được nhưng Ludovic biết là tôi đã hiểu tất cả. Thường thì chúng tôi như vậy. Khi còn bé, chúng tôi như hai con chó con. Anh biết sao không? Chỉ một cái nhìn, một cử động nhỏ là chúng tôi hiểu người kia nghĩ gì rồi. Và hắn nói với tôi: - Nếu muốn chết tại đó thì bây giờ quay lại đó đi, vẫn còn kịp.

Stanislaus quay lưng lại tôi và hắn thầm thì với đêm đen bằng một giọng quá nhỏ rất khó theo dõi được cho có mạch lạc:

“Nhưng làm sao tôi có thể tin bạn được? Bây giờ tôi không hiểu bạn như trước kia nữa. Tin bạn bằng cả cuộc đời tôi, vâng. Dù sao đi nữa thì cũng chẳng có nghĩa lý gì, nhưng còn hơn ba trăm sinh mạng kia thì sao?”

Thình lình Stanislaus quay khuôn mặt giác đấu về phía tôi:

- Chỉ còn một cách tôi phải làm lúc đó. Tôi đứng dậy, cởi hết quần áo ra. Nhưng Ludovic vẫn ngồi im không động đậy giống như pho tượng đá, hai mắt nhìn về phía ngọn đồi phía xa. Tôi bắt đầu cởi quần áo hắn ra như khi còn trẻ chúng tôi vẫn thường làm cho nhau. Quá giận, thình lình tôi tát hắn một cái thật mạnh, lại giống như hồi còn bé vậy. Cuối cùng cũng xong, Ludovic trong bộ quần áo của tôi và tôi thì trong bộ đồng phục của hắn. Tôi lấy mọi thứ của hắn và để cho hắn mọi thứ của tôi. Đổi hết. Hắn có mọi giấy tờ giả của tôi, mọi thứ. Sau hết tôi đưa cho hắn con dao và khẩu súng của tôi. Tuy ngồi đó nhưng hình như hắn không còn sống trên cõi đời này nữa, chẳng nói một tiếng nào. Trời ơi, Ludovic thật đáng thương hại.

Sau cùng tôi quay lưng lại và bước đi. Lúc đầu tôi còn đi thong thả và bước thẳng để xem hắn có nói gì không, nhưng rồi tôi phải đi thật nhanh mới kịp cứu toán quân đang nằm trong vòng tay của thần chết. Khi con được quẹo vào chỗ rẽ, tôi ngoái cổ nhìn lại, hắn vẫn ngồi bất động dưới dàn nho trước nhà.

Stanislaus im lặng. Thời gian như ngưng đọng lại trên cục đá nửa chìm nửa nổi trong ly rượu. Bản hợp ca của đàn côn trùng trong đêm đồng loạt the thé vang lên như tiếng hát từ cõi chết. Tôi muốn nói lên lời nào đó làm giảm mối căng thẳng trong đầu hắn, nhưng rồi hắn lại tiếp tục:

- Khi đã đi xa, hình như tôi có nghe tiếng súng nổ, rất nhỏ và rất mơ hồ. Hình như miệng tôi đắng và như có một viên đạn xuyên qua óc tôi. Tôi biết là hắn đã chết.

Tôi đứng lên, cả hai im lặng đứng bên cạnh hàng hiên, mắt nhìn vào bộ mặt ngái ngủ của vùng vịnh đang phản chiếu ánh sang mờ đục của ngôi mặt trăng. Stanislaus bật lửa lên đốt điếu xì gà hút dở dang. Hắn nói tiếp vẫn với giọng nói nhỏ và xa vắng:

- Tôi không quay trở lại mà cắm đầu chạy không ngừng nghỉ. Còn nhiều mạng sống đang ở trong vòng nguy hiểm. Hơn ba trăm mạng chứ ít ỏi gì đâu … Thường thì kháng chiến quân được chia ra làm từng toán quân nhỏ, di động trong một vùng rộng lớn. Lần này có lẽ vì lấy cớ tấn công một căn cứ địch nên phải tập trung đông đảo như vậy. Toán quân này sẽ bị bao vậy và tiêu diệt vào sáng sớm. Khi dó quân Đức đang di chuyển suốt ngày đêm tới đây.

Tôi vội hỏi:

- Anh có tới kịp không?

- Vừa đúng lúc. May mà tôi biết tổng hành dinh đặt tại đâu. Không thể cứu toàn bộ được, nhưng phần lớn là thoát. Vừa chiến đấu vừa tẩu thoát.

Tôi có thể hình dung ra được sự rút lui tuyệt vọng của những kháng chiến quân yếu thế mà họ bị phản bội bởi chính thủ lãnh của họ, rồi được Stanislaus cứu vào phút chót.

- Sau đó họ phản ứng ra sao? Tôi muốn nói là sau khi các kháng chiến quân biết Ludovic phản bội họ.

Giọng Stanislaus đanh hẳn lại:

- Làm sao họ biết được? Tại sao tôi phải nói cho họ biết? Tôi chưa từng mở miệng nói cho ai hay, cho đến tối nay, hơn ba mươi năm sau, anh là người độc nhất được biết chuyện này. Anh có hiểu không? Sau đó quân Đức tìm thấy xác của Stanislaus, chuyên viên chất nổ với chứng cớ thật rõ ràng. Đối với kháng chiến quân, tôi là Ludovic. Tôi có tất cả giấy tờ của hắn, không lo nghĩ, không nghi ngờ, ngay cả đến Tito cũng vậy.

Tôi ngẩn ngơ. Có phải đây là chuyện hoang đường xứ Balkans không? Khuôn mặt, hình dáng, giọng nói, cách xử sự cũng như lối suy nghĩ của Ludovic rất quen thuộc với bộ chỉ huy cũng như binh sĩ. Một người không thể tự biến đổi thành người khác bằng cách ăn mặc quần áo hay mang căn cước của người đó là xong. Làm sao tôi có thể tin vào câu chuyện của Stanislaus mà không có lời giải thích rõ ràng.

Stanislaus làm như không chú ý tới nét mặt ngẩn ngơ của tôi. Hắn quay mặt đi, sau khi dụi điếu xì gà vào chiếc gạt tàn thuốc, hắn vung tay ném mẩu thuốc còn lại thật xa như thể ném trái lựu đạn. Cuối cùng hắn nói thật nhỏ trong tiếng nấc:

- Mỗi lần nghĩ tới lại như có lưỡi dao găm đâm vào tim. Ludovic chính là em của tôi. Chúng tôi là hai anh em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước. -./.




VVM.10.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .