Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

THIỀN VÀ TÔI



                  

N ăm 1963, tôi 27 tuổi, viết tập thơ mở tay, có cái tên rất lạ, không giống ai: “Người Ôm Mặt Khóc”. Trong số hơn 30 bài, có ba bài đặt ở cuối tập. Đó là các bài:

Lời ca của chim

Cuộc khiêu vũ của chim

Cuộc đối thoại

Ông Thanh Thương Hoàng, một nhà văn nhà báo lớn tuổi của thời cũ, sau khi đọc ba bài thơ này trước khi sang Hoa Kỳ theo diện H.O, đã nói với tôi: “Anh là người Công giáo mà làm thơ thiền”. Có lẽ đó là một điều lạ, một người Công giáo mà làm thơ thiền, vì nói đến thiền là nói đến cái cốt tủy của nhà Phật. Người Công giáo không nói thiền mà nói chiêm niệm. Một vị thánh cầu nguyện sốt sắng, có thể “xuất thần”, đối diện với Chúa. Đấy là một huyền nhiệm.

Thật tình năm tôi bắt đầu làm thơ, tôi chưa đọc thiền nên cũng không biết thiền là gì. Lúc đầu, tôi viết được mấy chục bài rồi đưa cho cơ sở xuất bản Đại Nam Văn Hiến, do nhà văn Thế Phong làm chủ. Tôi ngỏ ý ông viết lời giới thiệu. Ông thoái thác và trả lại tập thơ cho tôi. Ông đã nói đến việc này, in ở bìa sau tập thơ thứ hai, có nhan đề cũng lạ lẫm: Tiếng hát khuẩn trùng. Cuối bài, tác giả ghi : Saigon ngày 14-1-6 4.

Ông viết: “Một điều phải đính chính ngay ở đây. Đầu dòng những hàng chữ này. Là trong lần nói về cảm tưởng qua thơ Ninh Chữ tôi thất vọng về thơ anh. Hồi ấy, anh đưa hai chục bài cho tôi đọc trước khi in. Tôi được hân hạnh đề nghị viết giới thiệu cho anh. Vì một vấn đề tế nhị, tôi thoái thác là không cần thiết mấy. Thời gian ấy nhân lúc tỏ bày cảm tưởng qua “Miền lưu đày” của Ninh Chữ, tôi không dấu giếm những gì tôi nghĩ về thơ anh Khải Triều. Bằng chữ viết. Rồi đến khi anh trao ba mươi bài mới của “Người ôm mặt khóc” thì số bài trước kia đã loại bỏ hết, anh lột xác mới mẻ, một điều tôi không ngờ. Tập thơ đầu tay đã không cần đến sự làm dáng của đa số thi nhân của hầu hết thi nhân bây giờ. Bộc lộ tâm trạng bi đát tuổi trẻ, bệnh tật, ý nghĩ về đời sống liên hệ. Qua một kỹ thuật rất ư Khải Triều, lại thêm một bố cục nói lên một cái gì chua chát ở mỗi bài thơ, nó khác hẳn với bao cái chung chung mọi thi nhân lục lục thường tài dùng. Tôi nói đùa với anh “thế là tôi đã lầm” nhưng cái lầm đáng giữ lấy cố tật kia...Cảm ơn Khải Triều của bước đầu vào nghiệp thơ, không có mặc cảm ấu trĩ xử thế như tôi ban đầu. Anh đã trưởng thành trong thơ và cả lối đối xử văn nghệ”...

Những gì mà anh Thế Phong đã nói về tôi trên đây, nhất là ở mấy dòng cuối, thật sự bây giờ ở cái tuổi ngoài 80, tôi mới nhận ra rằng, đó là mảnh đất tốt cho hạt giống chiêm niệm nẩy mầm, hay là thiền, như anh Thanh Thương Hoàng đã nói về ba bài thơ trong tập Người ôm mặt khóc. Ngày đó tôi không nghĩ mình viết những bài thơ này là thực hiện thiền, hay do chiêm niệm mà có. Thiền hay chiêm niệm đã có trong tôi từ lúc nào tôi không biết. Hình như tôi sinh ra để sống cuộc sống chiêm niệm. Cho nên tôi tự nhận, nếu được phép thế, tôi chỉ là một đan sĩ ngoài đời, một lữ khách mang trong lòng mình cuộc sống của một Đan sĩ. Ở một chỗ khác, tôi nói đến tinh thần tu sĩ Kitô giáo ở trong tôi, chỉ sau mấy năm tôi ở trong Nhà chung và được cha xứ gửi đi học ở trường Hoàng Nguyên, một trường đào tạo linh mục của địa phận Hà Nội. Rồi mấy năm đầu ở thập niên 60 của thế kỷ 20, tôi bỏ lỡ dịp vào một dòng Xi-tô theo bức thư cha Đan viện phụ gửi cho tôi. Nhưng tôi đã làm thơ và thể hiện chất chiêm niệm trong thơ của mình, nhất là ở hai tập Người ôm mặt khóc và Tiếng hát khuẩn trùng, Cơ sở xuất bản Đại Nam Văn Hiến phổ biến năm 1963 và 1964. Tôi coi việc mình sống ngoài đời bằng ngòi bút, là một ơn gọi của Chúa. Tôi được chọn vì tôi ở giữa những kẻ bé nhỏ nhất mà điều này thì Chúa ưa thích.

Sau đây là ba bài thơ mang phong cách thiền trong tập Người ôm mặt khóc:

LỜI CA CỦA CHIM

Tiếng chim kêu ngoài sân gọi tôi trở dậy
Tôi đứng bên cửa nhìn chim nhảy múa
Cuộc khiêu vũ của chim như bầy trẻ dại
Lời ca của chim và ngôn ngữ thánh kinh
Rồi buổi chiều qua và chim đi ngủ
Tôi thấy chim ngủ bên những cánh hoa
Như nàng tiên trên rừng của ngày xưa
Để chiều mai chim lại đến
bằng lời ca
bằng khiêu vũ
Và chiều mai khi tôi trở dậy
Đã thấy mình thành vua của chim.


CUỘC KHIÊU VŨ CỦA CHIM

Những em bé chơi ngoài vườn và lấy đá xây lâu đài
Chúng trồng cây cho chim
Rồi cây có hoa
Những em bé tiếp tục xây lâu đài bằng đá.

Chim bắt đầu khiêu vũ với những em bé
Những em bé và lời ca của chim
Những em bé và lời ca thánh kinh.

Bây giờ những em bé đã lớn lên
Từ bỏ khu vườn hoa và những lâu đài xây bằng đá
Bây giờ vườn không còn tiếng nói các em
Nhưng còn lời ca của chim
Còn cuộc khiêu vũ của chim bên những lâu đài
Những lâu đài bằng hoa lá.

Rồi mùa đông về chim rũ chết
Còn lại một tôi ngồi ôm mặt bâng khuâng.


CUỘC ĐỐI THOẠI HÒA BÌNH (*)

Cuộc đối thoại của chim và em bé đang tiếp diễn
Tôi gọi là cuộc đối thoại Hòa Bình
Tôi gọi là cuộc đối thoại Tình Yêu
Cuộc đối thoại bằng ngôn ngữ Thánh Kinh.

Cuộc đối thoại của chim và em bé đang tiếp diễn
Những bước đi của thời gian ngừng lại
Những cỏ hoa mang mầu sắc thiên thần
Những áo và tóc em bé kết bằng ngôn ngữ Phúc Âm
Cuộc đối thoại đang tiếp diễn
Không bao giờ hết
Sự có mặt của loài người vô nghĩa.

--------------------
(*) Chữ “hòa bình” thêm vào sau này.

Xem thế thì thấy, cái chất thiền đã có trong nội tâm tôi từ rất sớm. Tôi nhớ ra rằng, khi tôi viết tập thơ Người ôm mặt khóc là lúc Sài Gòn xáo trộn về chính trị, tôn giáo, xã hội. Một cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của ông Diệm và em ông là cố vấn Ngô Đình Nhu. Qua vụ này tôi như chìm vào một trạng thái tinh thần cô đơn, khổ hạnh như thể một người mang bệnh lao phổi tới hồi suy kiệt, kinh tởm tận cùng, nhìn cái gì cũng nhuốm màu đen tối, bệnh hoạn.

Hơn mười năm về trước, tôi viết một bài thơ cũng mang tinh thần của người tu thiền bên Phật, hay tinh thần chiêm niệm Thiên Chúa giáo. Đó là bài Đan Sĩ:

ĐAN SĨ

Người ở rừng sâu hay trên núi cao
Giữa nơi u tịch hay phố chợ ồn ào
Bước chân quên lãng đời Đan Viện
Hay là con đường cứu nhân sinh ?

Người đã đến đây nhà Bách Việt
Nhưng người nhà không ai biết tên
Bởi người đi con đường Cứu Rỗi
Tự hủy mình cho nhân thế Bình Yên.

Người ở trong tôi từ thuở nằm nôi
Với bước chân non tôi đi vào đời
Trôi theo mệnh nước tôi viết lời lễ tế
Tiếng hát khuẩn trùng, lệ ứa đầy vơi.

Hỡi người Đan Sĩ tôi yêu
Bóng người lặng lẽ như chiều ăn năn
Với tôi người đã hóa thân
Nên người Linh Thánh dự phần thanh cao.

KHẢI TRIỀU




VVM.09.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .