Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CHUÔNG CHÙA ĐỒNG VỌNG



O   quyết định vào chùa, tu thiền, dù đang chấp chới tuổi gần đất xa trời. Nhận tin tôi thu vội hành lý, xếp sơ qua công việc của một nhà báo bận bịu, xuôi chuyến xe về quê.
     Quê tôi, một huyện nhỏ của xứ Thanh, cái xứ đất người ta vẫn ca tụng có bài quốc ca riêng, cái xứ dân bỏ quê đi ăn mày nhan nhản. Vậy mà đối với tôi gần bốn mươi năm thoát ly khỏi mảnh đất khô cằn, nồng nặc gió lào ấy, tôi vẫn ngấm trong mình cái máu của quê nhà. Vẫn chuyện trò với bạn bè nơi phố thị xa hoa, thanh nhã bằng chất giọng nằng nặng, ngô nghê với những từ mô tê, răng rứa. Chuyến xe gằn lên xốc mỗi khi qua khúc cua đầy ổ gà. Con đường về quê tôi già hơn bất kỳ người cao tuổi nào trong làng. Đã bao lần những dự án được đề xuất lên huyện, rồi lên tỉnh vậy mà nó vẫn nham nhở, hốc hác như con nghiện lâu ngày. Những hàng dừa lều khều thả mình trong gió. Tôi nhắm mắt tận hưởng cái nồng nã, êm nhẹ. Nhưng ngập sâu tâm trí là những suy nghĩ, hình ảnh của O. Trong đám cháu tôi là đứa được O cưng chiều nhất, không phải vì tôi xinh đẹp hay giỏi giang, mà vì tôi và O có thể tâm sự với nhau như hai người bạn tri kỷ.
     Ông bà tôi sinh được bốn mặt con. O là út, cũng là con gái duy nhất của ông bà. Trước O bà tôi có sinh một người con nữa là gái (Tôi và anh em trong họ gọi là bác nhỏ). Nhưng lên bảy tuổi khi theo bạn đi chăn bò, bác nhỏ đã buộc luôn dây kéo bò vào bụng. Không ngờ lúc đó một đám ma đi qua. Nhìn thấy màu đỏ của cờ lại thêm kèn trống, nó liền cắm đầu lao thẳng. Bác nhỏ ngã dúi dụi, hết bị lôi từ trên đường xuống dưới mương, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, ở đâu cũng nhan nhở gốc rạ. Tiếng la hét, tiếng kêu gào, sức người ùa ra nhưng cuối cùng bác nhỏ cũng không cứu được.
     O tôi xinh lại có duyên, nhưng gần hết cuộc đời vẫn chưa cho ai cưới làm vợ. Khi chuẩn bị sinh O bà tôi được một thầy bói phán rằng: "đứa trẻ này sinh nhầm kiếp, đáng lẽ phải chờ đầu thai thì sung sướng nhàn hạ. Giờ vội vàng nên phải chịu đày đọa, trả nợ cả đời". Những lời nói đó đã khiến bà tôi buồn rầu. Và nghe đâu O sinh thiếu tháng, vẻn vẹn không đầy một cân, người như dải khoai lang, lẵng nhẵng và mềm oặt. O không cười, không bú cũng chẳng bao giờ thức ban ngày. Cứ chiều nhá nhem, thì từ đầu đến cuối làng lại vẳng lên tiếng khóc hời eo óc.
     Dạo đó nước giếng làng tôi mát lắm, nên con gái người nào cũng đẹp, da dẻ trắng ngần, gò má luôn ửng đỏ, môi thắm, nụ cười tươi. Vì thế mà trai làng khác ai cũng muốn lấy được cô gái làng Yên về làm vợ. O tôi lại là người đẹp nhất trong đám bạn cùng trang lứa. Tóc O dài đen nhánh xuống tận gót chân, lúc nào cũng ngan ngát một mùi bồ kết xen lẫn hương bưởi. Dáng người cao dỏng, eo thắt đáy. Tôi nhớ khi cha tôi còn ở trong chiến trường phía Nam, mẹ bận công tác, tôi được cho về ở với bà. Mỗi tối tôi lại rúc đầu vào lòng, vào bộ ngực căng mẩy như trái bồng lai, thơm đậm mùi thiếu nữ của O mà ngủ. Mẹ về, nước mắt lưng tròng nhìn tôi đen đúa lững thững đi sau trâu. Tôi không xà vào lòng mẹ mà chỉ đứng nép vào O, ngơ ngác. Mẹ lén quay mặt đi, O thì ngân ngấn nước mắt “Chị và anh cứ yên tâm, cháu nó ở nhà cũng có cái ăn, cái mặc như trên phố. Em thương anh chị, thương cháu quá”.
     Nhà ông bà tôi có vườn chuối rộng lắm, cây nào cùng uể oải những buồng thây lẩy trái, vàng ươm, mát mắt. Đến vụ thu hoạch bà chọn một nải to nhất, đẹp nhất vào cúng gia tiên. Rồi sai O đem ra chợ bán, tôi cũng lót tót chạy theo. Có lần tôi hỏi “Sao bà không đi bán với O”, bà cười, nhưng ánh mắt hình như trầm lại “O cháu có duyên bán hơn”. Tôi không hiểu “duyên” hình thù thế nào, nhưng tôi biết O đẹp, nhiều người thích ngắm nhìn.
     O thường dẫn tôi lên triền đê vào những đêm trăng sáng, ánh trăng tràn ngỡinuống mặt sông, êm nhẹ như gió. O thả mái tóc dài, những sợi tóc nhuộm đầy mầu trắng bạc, lơ phơ bay. Trai làng rình rập, họ say sưa nói những lời ca tụng, trong hơn tiếng nước. O không mỉm cười với ai cũng không tỏ ra thân mật với bất kỳ người nào săn đón mình. Tiếng cười của O trong vắt. Rồi bạn O cũng lần lượt lấy chồng. Các anh lấy vợ thoát ly khỏi lũy tre làng, O vẫn cần mẫn với những công việc nhà nông. Tôi hỏi: “Lấy chồng là chi? Răng phải lấy chồng?”. O ôm tôi vào lòng nói “Lấy chồng là đeo gông vào cổ, gông nặng lắm gánh một đời không hết được đâu cháu ạ.” Nghe vậy bà từ trong bếp ngó ra mắng “Mày bỏ cái ý nghĩ lạ lùng đó đi, thân gái không có người đàn ông bên cạnh ve vuốt vô phúc lắm con ạ”. O lặng lẽ đi vào căn buồng chỉ có một màu tối đen hoẵng.
     Ngồi trên xe ý nghĩ của tôi cứ xen lẫn nhau. Thấp thoáng trong tầm mắt cành đào lướt qua, những hạt mưa bụi trắng trời, mong manh. Tôi giật mình nhận ra xuân đang về. Giờ tôi mới chú ý đến mọi người xung quanh. Hành lý họ đem theo là mứt kẹo, là cành cây đang độ nảy lộc, vài ba đứa trẻ cũng thấp thỏm lén ngắm manh áo mới bị cha mẹ giấu hờ trong túi. Còn tôi ngoài dăm bộ quần áo, mấy trang viết dang dở chỉ có thêm chiếc khăn lông quàng cổ màu mận mà O đã mấy lần bẩy dặn gửi về. Trời hơi rét, cái rét đầu xuân không giá nhưng sao tôi thấy lòng mình như có khoảng trống, hun hút gió. Quàng chiếc khăn vào cổ, tưởng tượng cái cảnh O lầm lũi giữa hương khói, lúc nào cũng u uẩn. Mắt tôi nhòe đi. Tôi thèm cái mùi vị của rơm rạ, thèm mùi bùn đất lấm trên đôi bắp chân tròn lẳn của O. Những ngày đó làng tôi “nghèo” người lắm, bởi thanh niên trai tráng, thậm chí cả những cô gái chưa biết mặc áo nịt ngực cũng hăng hái ra chiến trường. O năm lần bảy lượt viết đơn xin đi. Nhưng vì ông tôi đã hy sinh khi O chỉ còn là một đứa trẻ chưa biết mặt chữ. Hai anh hiện đứng trong hàng ngũ nhà binh, lại là những người gan góc thành ra đơn O viết bị từ chối thẳng thừng.
     Tết tôi lên năm tuổi, làng rậm rịch chuẩn bị trước tháng trời. Tất cả bàn tán xôn xao chuyện được đón một đơn vị bộ đội về ăn tết cùng. Bà sai O đào luống cà rốt lên làm mứt, những củ cà rốt không to hơn chiếc đũa cái là mấy, được O gọt sạch, đem ngâm, rồi luộc vẫn đỏ tươi bắt mắt. Ngày giao thừa đoàn quân áo xanh, rộn ràng tiến về làng. O cùng mấy người bạn gái đứng lẫn vào ông bà già tay cầm ấm nước, miệng tươi cười. Trông ai cũng phấn khởi, hào hứng. Những chú bộ đội đối với lũ trẻ chúng tôi lúc đó mà nói như một pho tượng sống sừng sững, oai nghiêm. Họ là báu vật mà người dân làng tôi đều trân trọng và yêu mến. Ông chủ tịch xã đi bắt tay từng người miệng ông cười, vẻ mặt hân hoan, trái ngược với những giọt nước mắt của các bà và mấy cô, mấy chị có chồng đi chiến trường. Trong đoàn quân về lần đó có chú Hội, người đội trưởng cũng là người được phân về ăn tết cùng với bà cháu tôi. Chú Hội là người Hà Nội, hơn O ba tuổi, đang học dở năm thứ hai đại học thì trốn cha mẹ lên đường nhập ngũ. Dù chiến tranh bom dạn, khổ cực nhưng chú vẫn giữ được phong thái thư sinh của mình. Mắt chú đen thăm thẳm, miệng hơi rộng nhưng mỗi lần cười duyên đến lạ. Khi đó tôi chưa cao hết chân chú, nên vẫn thường được chú bế vác trên vai đi khắp làng. Chú bảo “Cháu là khẩu súng trường, là sự bình yên mà các chú đang phải đổi bằng xương máu, là vũ khí mà bọn Mỹ phải khiếp sợ”. Tôi thích thú cười tít cả mắt. Có chú về chiếc cổng tre nhà tôi chắc chắn hơn, tôi có cái ghế con con ngồi học. Mỗi tối thay vì ra ngoài bờ đê dạo chơi, O và chú Hội ngồi bên bếp lửa chuyện trò. Dưới ánh lửa dường như cái lạnh cũng không còn nữa, đôi má O đỏ hồng, cứ cúi xuống trở lửa liên tục. Bà biết ý kéo tôi vào trong. Nhưng bao giờ cũng vậy tôi cố thức chỉ để hỏi O một câu “Chú Hội nói với O chuyện chi mà nhiều rứa?” O ôm tôi vào lòng trả lời, tiếng O nhẹ hơn gió: “Chuyện nhà chuyện quê thôi. Cháu biết hoa sữa không? Anh ấy...à quên chú Hội bảo quê chú ấy vào mùa thu hoa sữa nở nhiều lắm. Chỉ cần đi hết một con đường là người mình như tắm trong sữa, thơm vô cùng. Rồi cả hương cốm những khi nắng về nữa, nồng nã lắm cháu ạ”. Tôi chẳng biết quê chú Hội có đẹp vậy không, nhưng những lời O kể lại ru tôi vào giấc ngủ, vào một triền cổ tích đẹp, mơ mộng. Và từ đó Hà Nội trong tôi qua lời kể của O cứ hiện lên mê hoặc và kỳ lạ. Có chú Hội, O hay đứng trước gương, lúc nào cũng tủm tỉm cười. Mấy lần tôi đòi đi cùng O và chú Hội ra sân đình nhưng điều bị nạt ở nhà. Tôi khóc nức nở, bà vừa an ủi vừa thì thầm “Thôi đừng khóc nữa. Giờ O cháu mới thực là thiếu nữ,vả lại hiếm thời gian quá cháu ạ”
     Rồi đợt ăn tết cũng qua nhanh, khi làng tôi kịp quen với những bóng áo xanh, những tiếng cười rôm rả trên cánh đồng thì đơn vị chú Hội phải nhận lệnh lên đường. Trước hôm đi là một đêm trăng sáng. O và chú Hội không ra bờ đê mà ngồi lại ở trong nhà. Bữa cơm tối cuối cùng tiễn chân chú có thêm con gà mái, mất con gà từ nay tôi không được ăn trứng thường xuyên nữa. Thịt gà chất đầy bát tôi và chú Hội, nhưng chú không ăn mà chỉ thở dài, hết nhìn O rồi nhìn bà. Xong bữa cơm như thường lệ bà tôi hãm tách chè xanh, vị chè hơi chát nhưng sau đó cứ ngọt dần trong vòm cổ. Tôi ngồi lên lòng chú Hội, ngước mắt theo những gì chú nói với bà, giọng chú ấm áp
     - Con cảm ơn mẹ, cảm ơn em Thuyên và cả làng Yên đã cho chúng con một cái tết gia đình ấm áp. Mai chúng con phải đi rồi, lần này đi không biết khi nào con mới có dịp trở lại thăm mẹ. Nhưng nhiệm vụ chúng con không thể chậm trễ thêm để được sống với các mẹ, với làng Yên cho trọn nghĩa trọn tình. Con hứa sẽ thường xuyên viết thư về thăm hỏi cả nhà. Mẹ hãy tin ở chúng con, cũng như hãy tin vào một ngày đất nước mình độc lập và chúng con sẽ trở về.
     Nghe những lời nói đó, đôi mắt dăn deo của bà đẫm nước. Bà ôm lấy chú, lần bàn tay khắc khổ của đời mình lên khuôn mặt chú Hội. Tôi chững lại, có cái gì nằng nặng cứ bám chặt trong lòng. Tôi chạy ra giếng tìm O. Mâm bát gần như nguyên vẹn, đôi vai con gái rung bần bật nhưng chỉ có tiếng nấc ứ lại. Thấy vậy tôi cũng òa lên, tiếng khóc xé ngang màn đêm và những tâm sự ngổn ngang của người đi, người ở. Bà tôi vội vàng chạy xuống.
     - Thôi để đó mẹ rửa nốt. Con vào nói chuyện với anh Hội đi.
     O cố tình nấn ná thêm, nhưng rồi cũng đứng dậy đi vào trong nhà. Qua ánh đèn dầu thắp le lói bóng chú Hội nghiêng hẳn xuống nền đất thẫm xịt.
     Trăng len nhẹ qua những tàu chuối, tiếng côn trùng rỉ rả kêu. Cuối vườn, nơi cây chuối to nhất, hai bóng người đứng lặng lẽ bên nhau. ánh trăng sáng nên dễ dàng nhận ra O và chú Hội. Thời gian cứ tự do chạy rất nhanh mà cả hai vẫn chưa ai nói được lời nào. Đêm xuân, vài hạt mưa bụi lả phả rơi xuống. Mỗi khi trăng lên vườn chuối xanh nõn nà, lại đang mùa nảy lộc nên những lá non cuộn tròn múp míp. Vài lá đã ngả ngang mầu vàng là phà xuống mặt đất bị O xé gần hết.
     - Thuyên này! mai anh đi rồi em không muốn nói gì với anh sao? Hay mặt anh không dễ coi bằng gốc chuối?
     Chú Hội pha trò để xua đi cái vẻ tĩnh lặng, bối rối giữa hai người. O vẫn đứng cúi mặt.
     - Em biết nói chi đây. Anh đi rồi anh về mà?
     - Lỡ anh không về được thì sao?
     Lúc này O mới giật mình ngẩng mặt lên nhìn chú Hội. Mắt O to tròn, lấp lánh ánh trăng.
     - Anh đừng nói gở rứa, em không viết thư cho anh nữa mô.
     - Thuyên hứa rồi đấy nhé. Thuyên này!....Anh muốn nói với em một điều quan trọng, nhưng không biết bắt đầu thế nào. Anh....anh... Chú Hội cứ hết anh rồi lại vày vò mái tóc của mình đến tội.
     - à anh có món quà này tặng em. - Chú lôi từ trong chiếc quần lính của mình ra một chiếc kẹp tóc con gái có khắc hình đôi chim xinh xắn đang quấn quýt bên nhau, đặt nhẹ lên bàn tay thuôn dài của O.- Anh mong em hiểu và cố đợi anh đến ngày chiến trắng trở về Thuyên ạ!
     O khẽ gật đầu. Hai bàn tay xen nhau thật chặt. Nước mắt con gái rơi xuống, chú Hội lau đi, nghiêng đôi vai thon gầy của O vào bờ ngực vững vàng của mình. Giây phút đứng lại. Trăng chênh chếch trên những ngọn cây, vàng ruộm.

♣♣♣

Làng tôi lại trở về những ngày tháng bình yên. Thi thoảng có vài đơn vị bộ đội qua làng, nhưng vội vã đi ngay. Sau những lúc đó O tôi thẫn thờ nhìn theo những người thanh niên mặt bạc vì sương gió, đạn lửa. Họ đem đến cho O và làng Yên tôi những lá thư chất đầy nhớ thương, khó nhọc của những chiến sĩ trong đơn vị chú Hội. Dạo này máy bay Mỹ dòm ngó nhiều đến làng tôi, nơi được coi là một trong những vùng đất yên bình nhất cũng ngày dăm ba lần máy bay Mỹ lượn qua, khiến lũ trẻ khóc méo cả mồm. Mỗi lần nhận được thư của chú Hội gửi về O khóc sưng mắt, rồi lên đỉnh đồi ngóng nhìn. O trầm hơn, bà thì héo đi theo những lần thẫn thờ của O. Chiến tranh, bom đạn, sự sống và cái chết cách nhau chỉ là sợi tóc. Lòng ai chẳng đốt.
     Ba năm, rồi năm năm nữa trôi qua. Tôi vào tuổi đi học. Bom Mỹ vẫn dải đặc xuống cầu Hàm Rồng, mỗi người dân, kể cả trẻ con chúng tôi khi đó phải gồng mình lên gánh những tiếng nổ lung trời. Quê tôi không yên bình nữa, vườn chuối nhà bà nát tươm, bật cả gốc rễ, chỉ riêng cây chuối cuối vườn vẫn nguyên lành, tươi tốt. Hình như tình yêu và nỗi nhớ của O dành cho chú Hội là thứ dinh dưỡng giúp nó vững chãi hơn. Bà tôi cũng như mọi người ai cũng bảo O không nên chờ đợi nữa. Thôi thì chiến tranh biết đằng nào mà chờ. O không nghe vẫn một mực đi về trên đỉnh đồi, tay cầm chắc chiếc găm có hình đôi chim. Đã hơn một năm nay O không nhận được thư chú Hội, đến một tin tức từ đơn vị chú cũng không có. Nhưng O vẫn hy vọng.
     Rồi cái ngày nghiệt ngã đó cũng đến với O, khi có người hỏi thăm nhà bà tôi và báo tin chú Hội đã hy sinh, xin gửi lại cuốn nhật ký dày đặc nỗi nhớ về O, về làng Yên.
     Nhận tin dữ O không khóc, nhưng không đứng vững được. Hàng tháng trời O lật dở đến nhàu nát những trang nhật ký chú Hội viết. O tự nhốt mình trong buồng, không cho ai vào. Cuối cùng O tôi đi đến quyết định xin bà cho lên đường vào chiến trường tìm chú Hội. Bà tôi nghe xong, hai tay buông thõng, lặng lẽ châm hương thắp cho ông lầm rầm khấn:
     - Tôi chỉ có bốn đứa con, một đứa đã bỏ mà đi, kế đến là ông. Hai thằng thì lơ lửng tin tức, sống không hay chết không rõ. Giờ con Thuyên cũng đòi theo chân các anh nó, chỉ còn bà già cháu nhỏ này ở lại. Tôi biết không thể cản được ý nó nữa rồi. Vậy ông có linh thiêng xin phù hộ cho con được bình an ông nhé!
     - Mẹ!
     O nấc lên ôm lấy bà. Ngày O đi trời không nắng, không mưa, mây đen đặc quánh lại. Tôi nhìn dáng O khuất dần khỏi cổng làng mà xót sa. Gió xáo xác. Cây chuối già tự dưng bật gốc.

♣♣♣

Tôi trở thành thiếu nữ thay O chăm sóc bà. Bố mẹ tôi chuyển công tác về thị xã, những đứa con của làng Yên cũng lần lượt trở về, ai nấy khi đi còn trai tráng khỏe mạnh, giờ đã lốm đốm tóc bạc, huy chương, bằng khen đeo nặng cả ngực. Chỉ có O tôi vẫn bặt tin tức. Bà tôi già đi, yếu hẳn vì những đêm không ngủ.
     Qua quen biết, và những tin tức thu nhặt từ đồng đội, bố tôi cũng tìm được O. Thì ra sau khi dời làng lên đường nhập ngũ O xin vào chiến trường Bình Trị Thiên làm thanh niên xung phong. Ngày thì O đi tìm chú Hội, đêm đến lại vác đất đá, lấp hố bom cho ô tô và bộ đội qua. Gặp ai O cùng hỏi thăm, và nhắn gửi về chú Hội. Nơi nào ác liệt nhất O là người đầu tiên xung phong vào. Bao lần đối mặt với cái chết, vết thương này chưa khô miệng vết thương khác đã chồng lên. O được tổ chức cho xuất ngũ về quê, nhưng O vẫn gắng gượng ở lại. Khi biết không thể gắng gượng thêm nữa O trốn đơn vị cũ, lên tuyến trên. Cứ như vậy. Giặc Mỹ không hại được O mà còn cho O lòng quyết tâm, sắt đá. Nhưng rồi trong một cuộc càn chúng đã bắt được đội nữ của O. Ban đầu chúng đem từng người ra làm nhục. Những cô gái chưa chồng, chưa một lần biết đến tình yêu là gì, trước mùi vị đàn ông lại là những tên kẻ thù hận đến xương tủy, các cô không chịu được nhục. Họ ôm nhau khóc rồi cùng cắn lưỡi tự vẫn. Riêng O vẫn nghiến răng bám sống. Chúng dồn tất cả bực bội lên tấm thân con gái, những đòn roi điện tê người, những mảng thịt bị tước ra, loe loét máu. Khi O không còn nguyên vẹn hình dạng, chúng chán nản đem bỏ xuống một hầm sâu, đóng kín lại.
     Đất nước giải phóng, không ai hay biết còn một người đàn bà dưới hầm. Cũng may trong đợt rà mìn chưa nổ có người đã tìm thấy miệng hầm, cùng người đàn bà lúc tỉnh lúc điên dại. Họ gửi O về bệnh viện tâm thần. Và bố tôi sau bao nhiêu công sức mới tìm lại em gái mình.
     Nhưng những ngày đầu đón O về tôi cũng như cả nhà đều khiếp sợ. Đâu rồi một người thiếu nữ đẹp, đầy sức sống, đâu rồi mái tóc mượt mà và bộ ngực căng mẩy tôi vẫn dúi đầu vào. Giờ đây O quặn quẹo, méo mó, nửa bên mặt là hình dạng của một con thú có đôi mắt người. Đôi mắt còn lại giúp dân làng nhận ra O. Nhưng khổ nhất và những ngày mưa, trời sấm chớp O lại lên cơn thần kinh la hét ầm ĩ. Hình như trong đầu O lúc đó là hình ảnh khói lửa mịt mùng, là tiếng cười man rợ của giặc Mỹ, là những gì đau khổ đã trải qua và cả hình ảnh của chú Hội đến khi điên dại O cũng không quên được. Nhiều lần O đột ngột bỏ đi khiến bà tôi khép đôi mắt mờ đục lại, đau đớn. O bảo “Đi tìm anh Hội”. Trẻ con trong làng hễ thấy bóng người đàn bà điên thấp thoáng trên đồi chúng lại hùa nhau đi rình, rồi vây quanh trêu chọc. Làng Yên, người già thì thương cảm, ái ngại, còn lũ trẻ lớn lên như tôi thì có phần xa lánh. O mang tiếng với đời sau bao nhiêu hố bom và viết thương cho chúng tôi hưởng thụ.
     Bà mất. Tôi lên học đại học. Không còn cách nào khác bố mẹ đành phải gửi O vào lại trại tâm thần điều trị, dăm bữa nửa tháng phân công ghé qua thăm. Dần dà công việc và chuyện chồng con khiến tôi không có thời gian để làm tròn bổn phận của mình. Mà hình như cái dấu ấn trong lòng mỗi người khi bị thời cuộc chi phối điều trở nên mờ nhạt. Chỉ có những vết sẹo trên người O ngày càng to ra theo sự bào mòn của thời gian. Cách đây năm năm bệnh viện cho biết O đã hoàn toàn hồi phục. Bố mẹ tôi xin đón O về ở cùng nhưng O không đồng ý. O bảo:
     - Em quen sống ở quê rồi, bố mẹ lại cần người hương khói cho đỡ lạnh. Tuổi em đã cao, nay bệnh tật đau yếu nên cần sự yên tĩnh. Em muốn ở lại nơi đây... vì một lẽ khác nữa.
     Cái lẽ khác đó của O chỉ có tôi hiểu rằng, đến tận giờ phút đó O vẫn chờ đợi và hy vọng chú Hội sẽ trở về. Cả tôi và bố mẹ đành chấp nhận. Cuộc sống từ đó cứ bình lặng trôi qua.

♣♣♣

Tiếng chuông chùa đồng vọng vào khoảng trời nhá nhem tối, không gian hư ảo, mùi khói hương, rồi tiếng gõ mõ điều đặn vọng lại. Tôi dừng chân nhìn vào trong chùa. Vài bóng người hờ hững đi qua, tất cả đều yên ắng và thần bí đến kinh người. Tôi lấy hơi thật sâu rồi thở ra, một cảm giác nhè nhẹ, thư thái và bình an xuất hiện. Tất cả vẫn quen thuộc như dạo tôi còn bé. Hỏi qua vài người, tôi đi thẳng xuống gian bếp của chùa. O đang ngồi bên ấm nước đun dở, những vết chân chim làm cho gương mặt O nhăn nhúm hơn. Mắt O đã mờ nên mãi một lúc sau O mới nhận ra tôi. Trong khung cảnh tĩnh lặng hai mái đầu, một bạc phơ, một bắt đầu nhuốm hoa tiêu, kề bên nhau. Tôi nắm lấy bàn tay xương xẩu của O mà nước mắt nghẹ ứ lại.
     - Sao O đang sống ở nhà lại quyết định vào chùa làm chi? Hay O cần có người trò chuyện?
     O giờ đã là bà lão thập thỏm, lưng còng, tóc trắng. Trả lời tôi tiếng O dàu dĩ trong gió.
     - Cháu cũng biết O nấn ná lại là có nguyên do mà. Giờ nỗi khắc khoải của O đã được giải đáp. O vào chùa sống nốt vài năm trả cho hết nợ đời, cầu cho mình thanh thản để siêu thoát thôi cháu ạ.
     - Nói vậy có nghĩa là chú Hội đã về tìm O?
     - Không!
     - Không?
     O lọ mọ đứng dậy, gương mặt bình thản.
     - Cách đây nửa tháng tình cờ O thấy chú Hội trên ti vi, họ mời chú ấy kể lại những kỷ niệm từ thời chiến tranh. Vừa nhìn thấy O đã nhận ra ngay. Chú ấy khỏe mạnh, gia đình sung túc. Chú Hội có nhắc về những kỷ niệm khi ở làng ta, nhắc về O về nỗi day dứt cả cuộc đời. Chú ấy nói sắp tới sẽ về thăm làng, thăm O, được vậy là O mãn nguyện lắm rồi. Giờ O thế này không muốn gặp lại chú ấy. Coi như cả đời này O và chú lạc nhau. Cháu hãy cầm lấy chiếc găm đưa cho chú Hội. Cháu hãy đưa trước khi chú ấy về đây, địa chỉ O đã nhờ người ghi sẵn trong mảnh giấy này rồi.
     Tôi đờ đẫn nhìn O, cả cuộc đời O đã phải lặn lội để tìm chú, khi sắp thành hiện thực O lại lẩn tránh. Điều đó tôi hiểu. Nước mắt tôi trào ra, không thể nói với O nửa lời. Tôi nhẹ gật đầu. O khẽ nở nụ cười không chút vướng bận. Tiết trời se lạnh hơn, mưa bụi lại giăng đầy. Vài người mang đến chùa cây quất xum xuê quả. O vội vã đi vào trong để chuẩn bị cho cái tết đang đến gần. Trong đầu tôi thấp thoáng hình ảnh chú Hội và O sóng bước bên nhau, đi qua những cành đào nở rộ. Sắc đào nhuộn đỏ trời đất. Tiếng chuông chùa đồng vọng réo rắt.

Đã đăng trong Văn Nghệ Xứ Thanh.




VVM.07.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .