Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





CAO BÁ QUÁT



       .

Hiểu Quá Hương Giang
秋思

I-Nguyên tác

曉 過香 江
萬 嶂 如 奔 繞綠 田
長江 如 劍 立 青 天
數行 漁 艇 連 聲 棹,
兩箇 沙 禽 屈 足 眠.
塵路 悠 悠 雙 倦 眼,
遠情浩 浩 一 歸 韉.
橋頭車 馬 非 吾 事,
頗 愛南風 角 枕 便1

II -Bản phiên âm Hán Việt

Hiểu (1) quá Hương Giang

Vạn chướng (2) như bôn nhiễu lục điền,
Trường giang như kiếm lập thanh thiên.
Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo,
Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên.
Trần lộ du du song quyện nhãn,
Viễn tình hạo hạo nhất qui tiên.
Kiều (3) đầu xa mã phi ngô sự,
Phả ái nam phong giác chẩm biền (便1).

Lưu ý khách thơ 便1,xin xem lời chú thích cuối bài


III - Dịch thơ Quốc Âm

“Hiểu quá Hương Giang “ tạm dịch : Buổi sáng qua Hương giang


Hiểu (1) quá Hương Giang

Ruộng xanh đồng núi non diễu chứng
Trường Giang như kiếm dựng thanh thiên.
Chèo khua náo động vạn thuyền,
Song cầm dấu cẳng điềm nhiên ngủ khì!.

Dằng dặc đường trần mi muốn sụp,
Tình xa man mác thúc ngựa qui.
Đầu cầu tứ mã nghĩ chi,
Lại nồm muốn được đánh khì gối tiên!.

LaiQuangNam


IV- Chú vài từ :


1- Hiểu là buổi sáng.
     2- “chướng” .嶂,Ngọn núi như cái bình phong gọi là “chướng”..
     3- Trạo là mái chèo.Thanh trạo là tiếng chèo khua..
     4- Vạn thuyền ,dân vạn đò,lấy thuyền làm nhà mà sống lênh đênh trên sông nước. Xóm Vạn đò vẫn là nét đặc trưng của kinh thành Huế.Đỉnh là chiếc ghe nhỏ mà dài. . .
     5- Sa cầm , loài chim nước hoang dã trên bãi sông..

     Bạn nếu thích thì thay sa cầm bằng nga nga, hai con,lứa đôi,vã lại bản dịch sẽ mang hơi thở của Khổnglộ thiền sư,”nga nga lưỡng nga nga”,một màu trắng sang trọng của đất thần kinh.”Lưỡng cá sa cầm” là hình ảnh hai con chim nước hoang dã trên bãi sông,Tùy bạn...

     6- điềm nhiên: coi như chẳng có việc gì liên quan đến mình ..
     7- Đầu cầu,Điển tích trong cổ thư,rằng Tư mã Tương Như khi cưỡi ngựa ra đi tìm đường lập nghiệp,lúc ấy Ông hãy còn hàn vi, Ông thề rằng sau nay mình sẽ ngồi xe tứ mã qua cầu này,dừng xe và Ông đã đề thơ tại đầu cầu như là sự quyết tâm thực hiện “giấc mơ công hầu ”. Ở Hoàng thành Huế có nhiều cầu dẫn vào Hoàng Thành .
     8- Lại nồm là cụm thành ngữ, có gió từ biển mang hơi nước từ đại dương thổi vào lục địa, gió hướng đông nam thổi vào, nồm thường thổi vào khoảng từ sau 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vào mùa hè.
Trong khi gió Nam, cũng là từ đặc trưng đối với người miền Trung trungBộ, gió Nam là một luồng gió nóng thổi từ Lào ra biển, mang theo hơi nóng của đại lục.Gió Lào rất nóng. Dữ dội nhất là tháng bảy dương lịch.Chiếu khô ran dòn rụm.Trong bài này chính là lại nồm, ...
     9- giác chẩm, là gối bằng sừng,bọc ngoài bằng nhiễu hay bằng lụa quý. Gối này là một loại gối quý hiếm,tương truyền rằng, khi mà được ngã đầu trên gối này thì giâc ngủ đến rất dễ dàng,ngủ thẳng giấc mà không hề mộng mị. Một loại gối tiên.Ngày nay có gối lông vịt,hay là các loại gối mà ông bà ta đã có kinh nghiệm xử dụng ,họ độn vào trong ấy một vài loại lá có mùi thơm và thanh quế Quảng.Hương thơm và sự mêm mại của gối,nhất là niềm tin khiến người ta dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Giác còn một âm chỉ đồ đựng rượu.Có khi đọc là chữ “giốc”.Gối lên túi đựng rượu (túi da dê trong có chứa nước,ngày nay các nệm nước là gối cũng được dùng)mà tìm giấc ngon khi trời lại nồm âu cũng “đã” lắm vậy!.

♣♣♣

Lời thưa trước

Phần này xin được coi như không có với khách thơ. Lúc đọc và dịch lại bài thơ này ra quốc âm, laiquangnam gặp nhiều cảm xúc, nay muốn được chia sớt cùng với các cô chú học trò thuộc thế hệ lớp em của mình về tuổi tác, mong rằng các em có những suy nghĩ, đẹp hơn, hay hơn, thi vị hơn khi đọc lại bài thơ này của tiền nhân.
Những tuyệt kỹ của Cao thi bá

Khi bình thơ Đường loại Thất ngôn bát cú luật , Kim thánh Thán thường chia làm hai khổ để bình. Bắt chước người xưa,laiquangnam cũng làm như vậy .


- 1 . Tiền khổ các câu 1,2,3,4

Câu 1, 2

Trong 48900 bài thơ Đường của 2300 vị,nếu mỗi bài có 4 câu, thì đã là 200000 ý, vì vậy mà lớp người đi sau thường bị lớp trước đăng ký hết ý thơ.Các thi nhân dòng thơ mới của Việt Nam chúng ta thường hay quy kết “hơi thở của đường thi” là vậy.Vậy mà với Cao thi nhân thì chuyện ấy không hề,Ông có những ý thơ mà lớp thi nhân đường thi cũng không nghĩ nỗi.Hình ảnh và hình tượng quá đẹp và quá dũng mãnh,tỉ như khi ta đọc :

Trường giang như kiếm lập thanh thiên.

Một câu mà tiếng HánViệt gần như toàn nôm. Trừ chữ” lập” có nghĩa là xây dựng dựng lên.
Chúng ta còn lạ gì tâm hồn của Cao Bá Quát,một đời người luôn có ước mơ “phải làm một cái gì đó “để đất nước này tốt hơn, một người mà đã từng viết câu đối lưu danh kim cổ:

         “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
         Nhất sinh đê thủ bái mai hoa “

với Ông, nhất định tổ quốc đang cần một thanh gươm báu,tâm thức cứu nước luôn là một ám ảnh trong tâm hồn Ông.
Một đời người mơ tìm thanh kiếm báu,cây tể Tướng Kiếm “LongTuyền”. Nhớ xưa ĐặngDung ngồi mài gươm báu mãi dưới trăng để tìm đường phục quốc [cứu nước khỏi tay nhà Minh , Tàu ] luôn là một hình ảnh đẹp trong lòng của cụ Cao.

                 Kỷ độ Long tuyền đới nguyêt ma!
                ( Gối nguyệt mài gươm mấy độ qua!)

                Đặng Dung, Cảm hoài .

    ThanhKiếmBáu HươngGiang dựng giữa trời xanh đột ngột xuất hiện khi nào vậy ?
Đó là khi linh cảm kinh thành Huế bị vây khốn bởi núi non chạy quanh vây cứng ruộng đồng ( hình ảnh ẩn dụ ), “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền,”.//Ruộng xanh đồng núi non vây cứng.Tác giả dùng chữ “Chướng “,và rồi chữ‘ bôn “[chạy] là hai từ đầy ấn tượng. Một âm “chướng” đầy âm khí đang vây khổn Hoàng thành.Với dân tộc Việt thì âm “chướng “luôn là âm chẳng mấy khi thân thiện.Quét sạch “ chướng “,dừng ngay“bôn“,họa may chỉ còn mong có ai đó mang thanh gươm báu ra mà xử dụng.Rút kiếm,dựng kiếm, sát khí đằng đằng để trừ tà cứu nguy Hoàng thành.Hoàng thành là quốc gia.
    Cụ Cao sau trận đòn roi vì sửa bài thi,chẳng qua là Cụ tiếc cho các hiền tài là “ nguyên khí quốc gia“bị mai một do sự phung phí của một triều đình quá ư bảo thủ, nhất nhất rập khuôn theo Tàu,từ luật pháp đến việc xây dựng kinh thành, phung phí vật lực lẫn sức dân.Lỗi phạm húy nào có đáng để đánh hỏng một đời học tập của người nho sĩ. Vua cũng chỉ là người ! Sau khi được phục hồi,và được gọi về kinh đô nhận việc, Cao thi bá đã tháp tùng phái đoàn đi sứ Singapore, Indonesia,Ông đã có dịp may chứng kiến một sự hùng mạnh thật sự về hàng hải của người Hồng Mao (người Anh) lòng ông đã bắt đầu lo sợ cho vận mạng dân tộc Việt.Xứ mình vốn nằm ven bờ đại dương. Hải quân mà yếu,mất đảo mất nước là cầm chắc!
    “Trường Giang như kiếm lập thanh thiên “,có lẽ cảnh sắc như thế này đã hun đúc nên cha con người anh hùng Nguyễn tri Phương. Nguyễn đã vuốt mặt cho đất Hà thành văn vật đang ở thời băng hoại.Một anh hùng khác của đất thần kinh,Tôn Thất Đề đã cùng chịu án chém tại An Hòa cùng với các anh hùng Thái Phiên,Trần cao Vân của đất Quảng Nam khi họ phò tá vua Duy Tân kháng cự Pháp.Ác thay kẻ phá án lập công lại là do một tay học hành giỏi nhất trong đám Ngũ Phụng Tề Phi, tay tổ “đại viêt gian”,Phạm Liệu,Án sát tại Quảng Ngãi vào lúc ấy.Hai năm sau Phạm Liệu nhà nước Đại Pháp trả công,cất nhắc y lên làm Thượng thư bộ binh.Ô nhục cho những người thầy đất Quảng đã dạy dỗ cho ông Liệu.Tề phi mà làm gì !
    Trong bài Đăng kim Lâu phụng hoàng đài, Lý Bạch tả thế núi sông ở Kim Lăng, một cố đô sau khi vua Đường để mất kinh đô Trường An về tay người dị tộc , Lý Bạch cũng chỉ viết được :

         Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
         Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu

         Núi ba ngọn xé mây xuyên vút
         Sông đôi dòng cắt nát bãi sa …

         (Lý Bạch , Đăng kim lăng phụng hoàng đài )

     Hai tâm trạng khác nhau ,hai cách nghĩ khác nhau, hai sự dũng mãnh khác nhau, Lý Bạch hy vọng vào ngày mai tưới sáng,và tâm trạng nào cho cụ Cao chúng ta…?

     Câu 3,4
     Buồn thay khi mà Cao thi bá cưỡi ngựa dọc theo sông Hương,Ông đã chứng kiến đời sống cơ cực của dân vạn đò dọc hai bên bờ.Họ mưu sinh trên những con thuyền nhỏ,cố mà chèo chống để kiếm miếng ăn cho bầy con nhỏ,trong khi mà nhà vua lạnh lùng ,phấn khởi ra sức xây dựng kinh thành Huế hoa lệ.Cụ Cao hạ bút “Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo”là lúc lòngCụ đau đớn lắm.Có lẽ chúng ta xin phép cụ cho mình chèn vào đây, nguyên tác, một dấu than (!)
         “Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo!”
         Chèo khua náo động vạn thuyền!,

     “liên thanh” là mắt thơ tưởng nó mở ra…một chân trời khác , vậy mà đôi bạn sa cầm ….
Chỉ có hai con chim nước hoang dã trên bãi vắng là không thấy cái khổ của dân vạn đò,chúng tìm giấc ngủ một cách lặng thinh, nhẹ nhàng, thoát ly,chúng nhắm mắt để khỏi thấy …, “chuyện gì vậy ? ..”

         “Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên.”
         Song cầm dấu cẳng điềm nhiên ngủ khì.
     “Lưỡng”, là hai, là mắt thơ của câu này. Hình ảnh này tương phản với cái cô đơn của tác giả .

     - 2 . Hậu khổ 5,6,7,8

     Câu 5, 6
     Lòng nặng trĩu,tiếp tục thả dọc theo sông.Cao thi bá lần lượt thấy cơ man người là người, họ hối hả xây lăng tẩm dưới làn roi vọt, đây là lăng Gia Long, đây là lăng Minh Mạng đã hoàn thành.Lăng Thiệu Trị cũng đang gấp rút xây dựng.Dân tình như thế,ngoài bờ biển,hải phận thì tàu địch đã áp sát. Lăng tẩm phỏng kia có ích gì một khi mà đất nước rơi vào vòng nô lệ. Kinh nghiệm đế chế Khmere với Đế thiên Đế thích mà Cao cũng đã được nghe truyền tụng đã tìm về trong trí Cao.Đường xa Cao thi nhân cũng đã rũ người.Muốn khép để khỏi nhìn cảnh vật xung quanh mình,chỉ muốn quay về, dạ đã xốn xang.

          Trần lộ du du song quyện nhãn,
         Viễn tình hạo hạo nhất qui tiên


         Dằng dặc đường trần mi muốn sụp ,
         Tình xa man mác thúc ngựa qui .

     Lòng Cao thi bá vào lúc này nhắc nhớ câu Song thất lục bát trong “Chinh phụ ngâm“,

         Lúc ngảnh lại ngắm màu dương liễu
         Thà khuyên chàng đừng chịu sắc phong
         Chẳng hay muôn dặm ruổi rong
         Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?


         Chinh phụ ngâm

     Câu 7,8
     Quay trở về chạm ngõ Hoàng Thành, gặp các cây cầu* gợi nhớ chuyện ngày xưa của Tư mã Tương Như, lòng đà nặng trĩu đầy chán nản.Ước chi mình không nghe, không thấy, không biết như đôi bạn sa cầm kia mà chìm vào giấc ngủ, mặc cho cuộc đời phiền não. Đất nước sẽ thấm mùi nô lệ,
     Thương thay! Kẻ sĩ biết nhiều càng rước thêm khổ.

         Kiều đầu xa mã phi ngô sự,
         Phả ái nam phong giác chẩm biền.


         Đầu cầu, tứ mã nghĩ chi,
         Lại nồm muốn được đánh khì gối tiên

     Một tâm trạng buồn, một lòng người sáng như hai vầng nhật nguyệt, suốt một đời mơ đất nước đứng lên. Dạo dọc sông Hương Cụ Cao đã thấy tất và đã ngộ!
     Phải chi lớp tụi mình ngồi sau lưng ngựa của Cụ được nghe lời thì thầm tâm tình của Cụ,hẳn tụi mình sẽ học được nhiều điều hay

     Hiểu quá (mà) Hương Giang ơi!

♣ ♣ ♣

Mời các khách thơ thích các bản dịch theo nguyên thể .

I- Bản dịch của TỐ HỮU ,

Bản dịch này do GS TS Mai quốc Liên chọn và Ông MQL đã xếp trước bản của VMH

Ruộng lúa xanh rờn,núi bọc quanh
Hương giang như kiếm dựng trời xanh
Hò khoan đua mái chèo ghe cá
Cò vạc co chân ngủ bãi doành.
Dằng dặc đường trần đôi mắt mõi
Tình quê khoắc khoải quất roi nhanh.
Đầu cầu xe ngựa ta đâu thiết
Mong gió nồm nam quạt giấc lành

Tố Hữu dịch


II- Bản dịch của Vũ Mộng Hùng, Viện Văn học Hà Nội

Buổi sáng qua sông Hương
(Người dịch: Vũ Mộng Hùng)

Muôn núi quanh co diễu cánh đồng,
Trời xanh gươm dựng một dòng sông.
Giặm đò văng vẳng vài chài cá,
Co cẳng lim dim mấy chú mòng.
Dặm khánh mịt mờ đôi mắt mỏi,
Tình quê man mác chiếc roi vung.
Đầu cầu xe ngựa ta nào tưởng!
Tưởng trận nam phong quạt giấc nồng.

Ý kiến laiquangnam về hai bản dịch :


Câu:

          數行 漁 艇 連 聲 棹,

         Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo,

     Nhóm chủ biên gồm các nhà khoa bảng Hà Nội, năm 1970, gồm Vũ Khiêu, Nguyễn văn Tú, Nguyễn Thác, Hoàng hữu Yên, Hoàng Tạo khi dịch nghĩa thì tuân theo nguyên tắc1 do chính họ đề ra:
     “Không nệ chữ nào nghĩa ấy,cố gắng việt hóa câu văn,sao cho ngắn gọn sao cho không sai y nguyên văn“.
     Ấy vậy mà không hiểu vì sao họ dịch “Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo,” ra văn xuôi Họ lại dịch là :”mấy dãy thuyền chài không ngớt tiếng hò khoan đưa mái chèo,”
     Nguyên văn xin tạm chú từng chữ, Sổ hàng [mấy dẫy] ngư đĩnh [đỉnh là chiếc thuyền nhỏ và dài] liên thanh trạo [thanh trạo là tiếng chèo khua]
     Tiếng mái chèo khua trên nước vì lẽ gì?. Lòng Họ đang vui chăng? Nghề đưa đò ngang là một nghề cực nhọc bởi không bao nhiêu tiền, mà nghề đánh cá trên sông cũng là nghề của người nghèo.Ngày xưa tại kinh thành Huế,dân hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Hương phải qua lại bằng đò ngang. Dân sống bằng nghề đưa đò ngang thường có cuộc sống nghèo khổ,và rất ư là vất vả. Khi viết bài này Cao bá Quát đã cảm xúc về “một sáng sớm đi dạo dọc sông Hương” , đến khoảng trên dưới 12 giờ trưa là ông đã vội quay về (lúc ông về là trời đã có gió nồm, gió từ phía đông nam thôi vào kinh thành Huế, câu cuối).Vào lúc này thì không thể có giọng hò khoan như đạithihào Tố Hữu dịch là “Hò khoan đua mái chèo ghe cá “ .Người lăn lộn chật vật vì miếng ăn khó mà hát hò khoan buổi sáng sớm. Có lẽ Mai quốc Liên là người đồng điệu và cùng trường phái với Tố hữu chăng? Cụ Vũ Khiêu tại sao dịch nghĩa câu trên như vậy, nhét chữ hò khoan vào trùng với câu dịch thơ của Tố Hữu.Có là thắc mắc của Bạn?

___________________________________________

1 Vũ Khiêu và cộng sự , Thơ chữ Hán Cao bá Quát , nxb Văn Học , HaNoi , 1970
Chú thích 便1, Chữ này đọc là tiện, tiện là thuận lợi (thuận lợi cho một việc gì đó gọi là tiện , ví dụ tiện lợi , thuận tiện). Ở đây sách của Cụ Vũ Khiêu nêu trên ghi là âm “biền.”Và dịch nghĩa nguyên câu cuối “Phả ái nam phong giác chẩm biền.” là :
     Chỉ thích trước làn gió nam,thảnh thơi nằm gối lên chiếc gối sừng.
     ”Phả ái”là “rất thich lắm”.
     Câu cuối có lẽ theo ngu ý nên tạm dịch là: thích lắm, ngọn gió nồm, có gối tiên bên cạnh thì tiện nghi biết mấy.
     *cầu là hình tượng ước lệ, một thứ cửa vũ môn

     Lời cuối : Xin Khách thơ hoàn tất lộ trình của laiquangnam, xin dịch Nguyên tác của cụ Cao ra Thất ngôn bát cú luật cùng thể . laiquangnam dẫu biết hai bài trên là không đạt ở nhiều điểm,mà laiquangnam đã ghi dấu,nhất là về ý thơ và lòng người trong cuộc, nhưng laiquangnam thì chịu, không dịch nổi theo nguyên thể.Mong lắm thay!




VVM.10.3.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com