Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





BỐN XỨ “ĐÔNG - ĐOÀI - NAM - BẮC”
CỦA ĐẠI VÙNG VĂN HÓA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG



B ốn xứ Đông - Đoài - Nam - Bắc của đại vùng văn hóa đồng bằng Sông Hồng

Giữa lòng miền đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, nền văn hóa Việt cổ , có vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội , và chung quanh bốn phương tám hướng có bốn vùng văn hóa Đông Đoài Nam Bắc đã làm nên đại vùng văn hóa Bắc Bộ Việt Nam ngàn năm.

Người Thăng Long xưa tự hào mình là người Kẻ Chợ và gọi những kẻ từ khắp nơi khắp chốn đến với kinh đô, là dân tứ xứ ( Đông Đoài Nam Bắc ) hay dân tứ trấn (Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc) hay dân tứ chiếng (chữ "chiếng" đọc trại từ chữ trấn mà ra) với sắc thái xem thường (nhiều hay ít) : "trai tứ chiếng, gái giang hồ". Rời Thăng Long, đi theo hướng tây-đông rồi nam-bắc, chúng ta sẽ lần lượt làm quen với bốn vùng văn hóa gọi theo người xưa là : xứ Đoài , vùng đất của các tỉnh trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tỉnh đồng bằng Hà Tây ngày nay ; xứ Đông, vùng đất của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, lên một chút là Hải Phòng, xuống một chút là Thái Bình ; xứ Nam là vùng đất của Hà Nam, Nam Định, xuống một chút là Ninh Bình ; và xứ Bắc, vùng đất của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay.

-Xứ Đông hay trấn Hải Đông -là tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nay là TP. Hải Dương, bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên.

- Xứ Đoài vùng địa linh xưa nằm phía tây Kinh đô : bắt nguồn từ Quẻ Đoài trong Kinh Dịch, Đoài thuộc hướng Tây . Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ, có rất nhiều di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc.

Xứ Đoài xưa gồm vùng đất rộng lớn - Từ Cầu Giấy, chạy theo đường Đê La Thành lên đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên hất lên phía tây tới tận Hưng Hóa. -Lại cũng từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ.

-Xứ Nam hay trấn Sơn Nam ngày nay là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội (5 huyện phía nam).

-Xứ Bắc hay trấn Kinh Bắc là tên một địa danh cũ ở phía bắc VN, nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh  Bắc Giang, Bắc Ninh  và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là  Lạng Sơn (Hữu Lũng); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm); Hà Nội  (gồm toàn bộ khu vực phía bắc  sông Hồng  là:  Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và  Vĩnh Phúc (Phúc Yên).

1. Văn hóa xứ Đoài, từ trung du đến đồng bằng Bắc Bộ Xứ Đoài có Phú Thọ, Vĩnh Phúc ở phía bắc, Hà Tây ở phía nam, tiếp giáp Thăng Long - Hà Nội. Phú Thọ - Vĩnh Phúc là đất trung du, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn : Hồng, Lô, Đà, nơi có kinh đô Phong Châu của vua tổ Hùng Vương, nơi người Việt cổ tổ tiên ta, con cháu rồng Lạc tiên Âu, đã dựng nước Văn Lang rồi Âu Lạc, đã sáng tạo nên những trống đồng, thạp đồng to đẹp, tượng trưng cho một  văn hóa Đông Sơn  hay  văn hóa Lạc Việt,  hay văn minh sông Hồng cách nay trên dưới ba ngàn năm.

Từ lâu dân ta vẫn luôn tâm niệm :

"Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

"Tổ" ấy là các vua Hùng và hội đền Hùng từ xưa đến nay vẫn là một lễ hội lớn của cả dân tộc. Tại xã Hy Cương (huyện Phong Châu, Phú Thọ), đền Hùng là một quần thể kiến trúc hoành tráng gồm nhiều đền đài và di tích, mỗi năm tiếp đón hàng chục vãn khách hành hương giỗ tổ. Bên cạnh  lăng vua Hùng có giếng ngọc,  nơi các công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung đã từng soi bóng; có cột  Đá Thề,  tương truyền vua Thục đã dựng để thề nguyền gìn giữ cơ nghiệp Hùng Vương.

Trong ngày hội đền trên núi Nghĩa Lĩnh có  nghi lễ rước voi  với ý nghĩa muôn loài qui phục vua Hùng, có người Mường và người Việt  cùng đánh trống đồng, cồng chiêng,  cùng rước cỗ (bánh dầy, bánh chưng, xôi nhiều màu), rước kiệu bay, đua thuyền rồng trên hồ Đa Vai dưới chân núi… Tất cả để tỏ lòng biết ơn vua Tổ đã dựng nước, thương dân, dạy dân trồng lúa, tắm chung với dân trên các bến sông Hồng Lô Đà ( Bạch Hạc, Việt Trì ) một địa chỉ quen thuộc của các nhà khảo cổ học Việt Nam hôm qua và ngày nay.

Người Việt nào muốn nghe những điệu dân ca, những điệu múa cổ nhất, xin mời đến một số làng ở Phú Thọ gặp những nhóm gái trai đã kết nghĩa với nhau để hát ghẹo trong ngày hội xuân. Họ hát những bài rất trữ tình, và hai bên gọi nhau là  quan anh, quan chị , tự mình xưng là em, cho nên hát ghẹo Phú Thọ còn có tên là  hát Anh Chị.  Cũng có thể làm quen với những phường Xoan (ở các làng Thét, Phù Đức, Kim Đới, An Thái của huyện Phong Châu để thưởng thức các điệu  hát Xoan, múa Xoan,  của các  họ Xoan  biểu diễn tại nhiều đình làng từ mùng 5 tết đến hết mùng 10/4 lịch âm. Mỗi cuộc hát Xoan gồm ba chặng :  lề lối, quả cách và bỏ bộ . Hát và múa đều tuân theo trình tự nghiêm ngặt và phong cách cổ kính.

Rời  tiểu vùng văn hóa đất tổ Phú Thọ-Vĩnh Phúc  đi về hướng nam sẽ gặp  tiểu vùng văn hóa Hà Tây  của xứ Đoài (trấn Sơn Tây xưa). Tỉnh lỵ của Hà Tây, thị xã Hà Đông chỉ cách Hà Nội 11 km. Hà Tây có hai núi : Tam Đảo, Ba Vì (còn gọi là Tản Viên) cao 1.280 mét, quê hương của Sơn Tinh mà dân địa phương cung kính gọi là  thánh Tản,  hay  Tản Viên  sơn thánh được thờ ở nhiều đình, đền, miếu. Đền Kiếp Bạc & Vũ Phạm Hàm (1864-1906)

Câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở Chí Linh, Hải Dương do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

Hà Tây có 4 sông : Hồng, Đà, Đáy, Nhuệ. Đây là quê hương của nhiều anh hùng, danh nhân, từ Hai Bà Trưng, Phùng Hưng đến Ngô Quyền, Nguyễn Trãi -Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm, quê Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Đông (Ông thuộc Họ Phạm Vũ – Đôn Thư). Ông đậu Nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi triều nhà Nguyễn (29 tuổi). Trong lịch sử VN chỉ có vài Tam nguyên là Đệ nhất giáp, gồm có Phạm Đôn Lễ, Lê Quý Đôn (triều Lê) và ông.

Thơ văn của ông chủ yếu viết chữ Hán, được truyền tụng rộng rãi vì nội dung sâu sắc và nghệ thuật điêu luyện, giàu hình tượng được nhiều người thán phục. Văn Nôm ông ít làm, nhưng riêng bài “Hương Sơn phong cảnh” thể hát nói, dài 75 câu được nhiều người yêu thích với những tứ thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, ca ngợi phong cảnh chùa Hương Tích là một thắng cảnh nổi tiếng nước ta, được nhiều người so sánh với bài “Hương Sơn nhật trình ca” của Chu Mạnh Trinh  (1862 -1905), gần như sống cùng thời với ông.

Về thời đại ông sống và hoạt động, đó là một giai đoạn đầy biến động, trong hoàn cảnh lúc đó, mặc dù Vũ Phạm Hàm đã có những biến đổi bên trong, và trong thực tế đã có một số hoạt động cụ thể như tham gia quán Đồng Văn ở Hà Nội (tức là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, tờ báo tiền thân của tờ Đăng Cổ tùng báo của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), nhưng cũng chưa bộc lộ rõ rệt, dứt khoát, mà còn ở mức độ tình cảm, xu hướng. Tiếc rằng ông mất sớm nên chưa có điều kiện đi trọn con đường của một số các văn thân sĩ phu, Nho sĩ yêu nước thức thời cùng thời, trong số có có thể nhắc đến Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ…, và người gần gũi thân cận nhất là Nguyễn Thượng Hiền –thông gia với ông.

Hà Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng : gấm và lụa vân Vạn Phúc, lụa, the, lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, thợ nề thợ mộc làng Chàng. Bên cạnh nhiều đền thờ anh hùng, danh nhân là những ngôi chùa danh bất hư truyền : Đậu, Mía, Thầy, Hương Tích, Tây Phương… đã cùng với những ngôi đình cổ kính nhất của các thế kỷ 16, 17 : Chu Quyến (đình Chàng), Tây Đằng, Yên Sở, Sơn Lộ, Hạ Hiệp… đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Về âm nhạc dân gian, Hà Tây nổi tiếng với hai loại dân ca nghi lễ :  hát Rô (Dô)   hát Chèo Tàu,  thịnh hành cách nay nhiều thế kỷ. Hát Rô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai gồm 22 bài được hát lên để tôn vinh thánh Tản, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là  hát bỏ bộ.  Sôi nổi hơn nữa là hội  hát Chèo Tàu  ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục sùng bái và thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử. Đây là một tập hợp nhiều diễn xướng , nghi lễ, điệu hát và điệu múa trình bày trên các sân khấu mô phỏng hình thuyền ( tàu ) và voi ( tượng ) thu hút đông đảo khán thính giả xứ Đoài, Thăng Long và các xứ khác.

Trong hàng chục lễ hội của Hà Tây,  hội Chùa Hương  là vô địch về thời gian mở hội (từ rằm tháng giêng đến hết tháng ba) cũng như về số lượng khách hành hương vãn cảnh (nhiều chục vạn nam phụ lão ấu) . Nếu khách du có sức khoẻ , nhiệt tình hay đức tin thì có thể dự hội nhiều ngày , qua nhiều lộ trình đồi suối dài nhiều kilômét giữa một tắng cảnh tuyệt vời từ bến Đục qua suối Yến để đến với hơn một chục đền chùa hang động mà điểm đỉnh là động Hương Tích " Nam thiên đệ nhất động " mịt mù hương khói. Khắp nơi vang lên tiếng chào " nam mô a di đà Phật " thành kính và nhân hậu, thỉnh thoảng bị phá bỉnh bởi những tiếng tán thán lạc đề " nam mô chao ôi là đẹp " hay " nam mô chao ôi là mệt " của tuổi trẻ nghịch ngợm trêu nhau nhưng rồi tuổi già cũng sẵn sàng mỉm cười bỏ qua.

Chùa Hương với dòng nước xanh xiết bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi tới nơi thần tiên"...

2. Văn hóa xứ Đông, từ vịnh Hạ Long đến sông nước Thái Bình

Xứ Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nhưng bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở phía đông Thăng Long, đó là phần đất bắt đầu từ Hưng Yên-Hải Dương, ngược lên phía bắc đến Hải Phòng, Quảng Ninh, xuôi về phía nam đến tận Thái Bình. Đây là quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Lê Quí Đôn… với nhiều di tích thắng cảnh : lăng vua Trần, đền Chử Đồng, Phố Hiến, đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần, Côn Sơn mang kỷ niệm bất diệt của Nguyễn Trãi…

Xứ Đông cũng có nhiều sông, hồi, đầm: các sông Hồng, Thái Bình , Kinh Thầy, hồ Nhân Huệ, đầm Dạ Trạch ... Đặc sản xứ Đông được cả nước hâm mộ là  nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, gà Đống Cao, táo Gia Lộc, bánh đậu xanh Hải Dương…

Nói đến xứ Đông, trước hết phải nhắc đến  Phố Hiến  vang bóng một thời như dân ta đã ca ngợi :  "nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến",  từng là một đô thị thương nghiệp quan trọng của Đại Việt của các thế kỷ 17, 18 ở Đàng Ngoài.

3. Vùng văn hóa xứ Nam, với di tích của ba triều đại và một vùng thiên nhiên đẹp

Xứ Nam là trấn Sơn Nam xưa, vùng đất của ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nay còn  di tích Hoa Lư, kinh đô của Đại Cồ Việt  thời Đinh-tiền Lê, từ 968 đến 1009 trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 hecta đã giữ lại cho những nhà khảo cổ học Việt Nam hàng trăm di vật quí báu như những cột kinh Phật, những viên gạch lớn mang dòng chữ :  "Giang Tây quân"  hay  "Đại Việt quốc quân thành chuyên",  các di tích cung điện… cho phép nói đến một  văn hóa Hoa Lư  (thế kỷ 10) trước thời kỳ nở rộ của văn hóa Thăng Long (thế kỷ 11-18).

Hà Nam-Nam Định,  trước hết là quê hương của các vua Trần (1226-1400). Tại thôn Tức Mạc, xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định, có  đền Trần  gồm đền Thượng và đền Hạ. Đền Thượng thờ 14 vua và các tướng nhà Trần. Đền Hạ thờ Trần Hưng Đạo của các tướng có công đánh dẹp quân Mông-Nguyên. Quanh đó còn có đền thờ Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải.  Hội đền Trần  mở ba năm một lần vào tháng 3 là một lễ hội lớn của xứ Nam.

Hội Trường Yên  ở Ninh Bình được tổ chức tại đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành.

4. Vùng văn hóa xứ Bắc, nơi hội tụ hài hòa của vua chúa, tôn giáo và văn nghệ dân gian

Xứ Bắc, vùng đất của trấn Kinh Bắc xưa, của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nay, là một vùng văn hóa nổi tiếng của tổ quốc, nơi ghi dấu  Kinh Dương Vương  (lăng mộ còn tại A Lữ, Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh),  Lạc Long Quân  (đền thờ còn tại Bình Ngô, An Binh, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), và  Âu Cơ  (miếu thờ còn tại A Lữ) ; cũng là nơi phát tích của triều Lý (thôn Cổ Pháp, huyện Từ Sơn) :  "thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp".

Xứ Bắc có  Luy Lâu,  là một trung tâm Phật giáo Việt Nam quan trọng ở miền Đông Á vào đầu công nguyên thời Bắc thuộc, tương đương với hai trung tâm lớn của Phật giáo Trung Hoa cùng thời là Lạc Dương và Bình Thành.

Bài hát 'Đôi mắt người Sơn Tây'

-Phạm Đình Chương (1929 – 1991)

Là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam, có nghệ danh  Hoài Bắc. Ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi:  Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân. Ông mất 22/8/1991 tại CA, Mỹ.

-Quang Dũng

Tên thật là Bùi Đình Diệm sinh năm 1921 tại làng Phượng trì, Đan Phượng (Hà Tây), mất ở Hà Nội ngày 14-10-1988. Có liên quan đến Nhân văn Giai phẩm, an ủi vì được Giải thưởng Nhà Nước về Văn học. Bài thơ “Tây tiến” đã được chọn một đoạn khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Hoà Bình.

Bài thơ 'Đôi mắt người Sơn Tây' của thi sĩ Quang Dũng, được Phạm Đình Chương phổ nhạc - Quang Dũng quê ở Sơn Tây, cũng là quê ngoại của P.Đ.C. Vì thế, hai tâm hồn nghệ sĩ lớn đã tìm thấy sự đồng điệu trong thơ, nhạc. Bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây” được P.Đ.C. phổ nhạc vào mùa thu năm 1970. Thế rồi, một ngày chưa hết chiến tranh nhưng người tình Akimi của Q.D. rời bỏ vùng kháng chiến để “dinh tê” về thành, bỏ lại nỗi u hoài cho người thi sĩ. "Dinh tê" vốn đọc từ chữ "Rentrer" (quay trở về) trong tiếng Pháp, dùng để chỉ người rời khỏi vùng kháng chiến về thành. Rồi nàng vào Nam, lần này là cách biệt thật giữa hai đàng đất nước nhưng như xa cách cả đất trời. Để rồi đêm đêm chàng thi sĩ chỉ còn mơ bóng Akimi hiện về trong đáy cốc rượu để nói cười, để tâm sự cùng chàng. Thật hay là mộng? Mộng hay là thật? Chỉ thi sĩ biết mà thôi. Giờ đây, nhạc sĩ và thi nhân ắt hẳn đã tương ngộ nhau nơi miền miên viễn: nhạc sĩ nhớ vợ cũ ca sĩ Khánh Ngọc, còn thi sĩ nhớ nàng Akimi - có chăng còn lại cho đời là tuyệt phẩm "Đôi mắt người Sơn Tây" mà thôi...

Đôi Mắt Người Sơn Tây -Thơ: Quang Dũng – Nhạc: Phạm Đình Chương

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về khi chớm thu về một sớm mai.

Đôi mắt Người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây/ Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ/ Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ.

Tôi từ chinh chiến đã ra đi/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chạm nguồn quanh phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay…

Làng Lụa Hà Đông

Nay là Làng lụa Vạn Phúc (thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (từ thành phố thuộc tỉnh Hà Tây cũ, xuống cấp Quận trung tâm thủ đô Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất VN. Lụa Hà Đông từng được chọn may trang phục cho triều đình.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.

Nguồn gốc của câu chuyện về Áo Lụa Hà Đông trong thơ và nhạc

Ngày nay, chắc ai cũng biết về quê lụa Hà Đông, đó là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Hà Đông cũng từng được chọn để may trang phục cho triều đình. Năm 1938, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (thi Hoa Hậu) với những điều lạ: không phải diễn ra ở Hà Nội mà ở tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi nào, ngành nghề gì cũng đều được tham gia (kể cả vũ nữ). Điều kiện duy nhất là phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông. Người đăng quang trong cuộc thi đó là người đẹp Lý Lệ Hà, sau đó cô đã trở thành người tình của Bảo Đại. Đồng thời, cuộc thi cũng trở thành nguồn cảm hứng để gần 20 năm sau đó, nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thụy Miên phổ thơ thành nhạc “Áo Lụa Hà Đông”.

-Nguyên Sa (1932 - 1998) Sinh tại Hà Nội, tên thật là Trần Bích Lan, bút danh Hư Trúc.Ông là 1 giáo sư Triết học và là một nhà thơ lãng mạn VN nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ…”

-Ngô Thụy Miên (sinh 1948, Hải Phòng) tên thật Ngô Quang Bình, hiện ở Mỹ. 

Áo Lụa Hà Đông –Thơ: Nguyên Sa – Nhạc: Ngô Thụy Miên

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa Thu rải nắng ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung/ Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/ Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau? Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại....
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn? Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
...Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi


(Tham khảo: Sách báo – Internet)




VVM.10.3.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com