Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





NHÀ THƠ HỮU LOAN
… RƯỢU ĐÃ CẠN RỒI HOA SIM TÍM



      

M ang tiếng cùng quê với nhà thơ Hữu Loan, lại là người yêu văn chương chữ nghĩa vậy mà mãi năm học cuối cùng của trường Viết Văn Nguyễn Du tôi mới đến thăm được ông.

Lần ấy, trước khi ghé thăm ông tôi đã điện thoại cho cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn (cũng là nhà thơ sinh ra ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ngỏ ý hỏi xem nên mua gì cho phải. Trịnh Thanh Sơn nói ngay: “Mua rượu chứ mua gì. Nhà thơ thì chỉ thích rượu thôi, mà rượu thì chỉ có rượu quê là ngon nhất, chứ rượu ngoại có đắt mấy cũng dở” . Nghe vậy, tôi đi dò hỏi xem vài chỗ bán rượu, loại xịn nhất ấy, một cút chỉ với 8.000 đồng.

Từ nhà tôi cách nhà ông chỉ 5km, nhưng đường quê đi lòng vòng, qua sông qua cầu, đi mải miết qua mấy cánh đồng mới tới. Đó là một chiều cuối đông, hai bên đường lối dẫn vào nhà ông là hai dải lúa xanh ngút mắt, trước mặt là dãy núi trùng điệp sừng sững, cứ nhìn sang bên phải là thấy nhà ông.

NHÀ THƠ CỦA LÀNG VÂN HOÀN

Nhà ông nằm ở cuối làng Vân Hoàn, đứng từ cổng có thể nhìn thấy một bên là cánh đồng, một bên là núi. Người ở đây gọi ông đơn giản là nhà thơ của Làng. Và ông tỏ vẻ rất hài lòng vì điều đó. Thế nên chưa bao giờ ông từ chối nếu như có cháu học sinh đến nhờ viết thơ cho báo tường, hay làm thơ vè cho làng…

Ngôi nhà lọt thỏm trong cây cối, chiếc cổng sắt đóng kín, bên trong là con ngõ trải đầy đá xanh lởm chởm, cộng thêm hình ảnh một cái đình chùa gì đấy cạnh nhà khiến không gian trở nên heo hút và ảm đạm đến lạ kỳ.

Chưa kịp gọi cổng thì đã thấy xuất hiện một ông cụ lưng còng đi thoăn thoắt theo sau là một chú chó loang. Năm ấy ông 90 tuổi, nhưng ánh mắt còn tinh anh lắm. Nếu như không có bộ râu dài và mái tóc bồng bềnh thì có lẽ trông ông giống lão nông hơn là một thi sĩ. Vừa thấy tôi ông vồ vã: “Sinh viên trường Nguyễn Du à? Tốt rồi, tốt rồi, vào nhà đi đã…”.

Căn nhà tềnh toàng hiện ra với vài vật dụng đơn sơ, bước vào bậu cửa, mùi thuốc lào xộc lên khét lẹt, biết chắc ông vừa rít một hơi dài trước khi ra mở cổng cho khách. Cạnh chiếc giường nơi mà vợ chồng ông nằm đặt một chiếc võng, dưới chiếc võng có vài chiếc ghế gỗ thấp. Bên cạnh đó, hàng trăm vỏ chai rượu nằm lăn lóc. Ông bảo: “Không sao, nhà vẫn còn hai chai rượu đấy, làm một li nhé”. Tôi chìa ngay ra chai rượu trắng nút lá chuối biếu ông, mắt ông sáng quắc cười và cảm ơn. Đúng là lão thích thứ này nhất, chỉ có rượu và thuốc lào là hai thứ bầu bạn và cũng là thứ đám thi sĩ của ông thích nhất. Ông cúi xuống rót ra hai ly, một cho ông, một cho khách rồi bắt đầu nhấn nhá câu chuyện.

NHỮNG MẢNH GHÉP CỦA KỶ NIỆM

Thỉnh thoảng cũng có vài nhà thơ ghé qua đây chơi với ông, câu chuyện cũng quanh quẩn là thơ ca và những kỷ niệm của bằng hữu nhớ nhớ quên quên. Câu chuyện như những mảnh ghép cũng vì thế mà có lúc buồn, lúc vui chẳng rõ như đời nghệ sĩ là thế. Sau những thăng trầm của cuộc đời thì thơ vẫn tinh khiết và dung dị giữa đời thường.

Ông cũng muốn đi trại viết lắm, muốn ra Hà Nội lắm, cũng chỉ để được gặp bạn bè, được hoàn huyên nhưng ông không thể được. Thôi đành ở nhà gặm nhấm kỷ niệm mà nhớ bạn bè bằng hữu. Thỉnh thoảng nhận được một lá thư, một bức điện hay như việc ông vẫn đọc báo văn nghệ hàng tuần cũng là một cách để ông được trò chuyện với bạn bè ở xa.

Nhưng bẵng đi những năm tháng sau này, độc giả cả nước không thấy ông in thơ trên các báo, nhà thơ mà lại không làm thơ nữa thì gọi là nhà thơ theo giai đoạn ông nhỉ? Ông cãi: Lão có làm đấy chứ, nhưng in ở báo tường của trường học, hay báo tường của xã của đội mỗi dịp trại hè thanh niên, lão là nhà thơ của Làng mà. Nói rồi ông tợp một ngụm rượu vào miệng có vẻ khoái chí và hài lòng lắm.

Ông đã 90 tuổi mà mắt còn sáng lắm, đa số bản thảo đến giờ phút này ông vẫn tự viết tay. Không tin đưa giấy bút ra để ông chép thơ mà coi. Chữ không được đẹp lắm vì tay run nhưng còn đọc được chứ. Tôi hỏi nhà thơ còn yêu không? Có chứ - ông trả lời ngay. Tình yêu trong các thi sĩ bao giờ cũng rực rỡ đến mãi mãi. Thế nên ông cũng không thể không xao xuyến mỗi khi nhìn thấy các cô gái đẹp, cảm xúc của thơ ca lúc ấy trở nên yêu đời phát tiết. Mà biết thì biết vậy chứ, ông vẫn sợ bà ấy nghe được lại buồn. Cứ để cho ông được yêu mây yêu gió, đôi khi cũng không yêu cụ thể một người nào cả cũng hay. Nói rồi ông lại tợp một ngụm rượu, đầu gật gù.

“Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
có người chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái..."

Uống thêm ngụm rượu nữa, mắt ông rớm lệ:

“Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên nàng đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh"

Đến đoạn này thì ông khóc thật. Tôi nhớ khi bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành “Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu”…Cứ như thế giai điệu ấy như vô thức đi sâu vào những người lính nơi sa trường, hóa ra "Áo anh sứt chỉ đường tà, Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu..." là cảnh ngộ của nhiều người lính trong chiến tranh.

Rót thêm chén rượu nữa tôi đọc:

“Người trai quê
Biết đâu
Những đêm dài
Em khóc
Đầy
Như giếng mưa
Câm
Như bồ thóc”...

Giờ thì ông không khóc mà im lặng, dõi mắt ra khoảng vườn nhìn vào vô định. Không biết ông nghĩ gì với tất cả những năm tháng buồn vui và những hệ lụy đã đi qua.

Chỉ biết rằng khi Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội làm biên tập viên báo Văn Nghệ , rồi tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm. Đến năm 1958, Hữu Loan có quyết định giống như Nguyên Hồng là về quê. Nguyên Hồng về ấp Cầu Đen là để viết tiếp những dự định tiểu thuyết của mình. Còn Hữu Loan thì đoạn tuyệt không làm thơ nữa. Ông sắm xe đạp đi đánh cá, thồ đá ở Nga Sơn.

Nhưng buồn hay vui, đắng cay cũng lắm, khổ cực cũng nhiều thì rồi ông vẫn trở về với những vẫn thơ đầy ám ảnh. Buổi chiều xám đặc lại chứa đầy bóng tối. Như biết phải tiễn khách ra về ông vớt vát khoe: Bạn bè, học sinh hay ghé qua chơi lắm, đây này_ông chỉ vào bức tranh treo ở ngõ có chữ ký tặng của trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa.

Trời lúc này đã tối hẳn, cuối chân trời hoàng hôn tím lịm. Giờ thi sĩ Hữu Loan cũng đã trở về với cái màu tím da diết ấy trong tình cảm yêu mến của bao độc giả. Chỉ còn thơ ở lại khắc khoải muôn đời.

BOX:

Hữu Loan, tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi đỗ tú tài, ông sinh sống bằng nghề dạy học.

Từ những năm 1940, nhà thơ tham gia cách mạng và từng làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn

Hữu Loan viết cả truyện và ký, nhưng ông nổi tiếng nhất ở lĩnh vực thơ ca với những tác phẩm kinh điển như Đèo cả, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Người em gái đồng xanh... Đặc biệt, những vần thơ khóc người vợ đầu tiên của ông - Màu tím hoa sim - đã làm xúc động trái tim độc giả từ thế hệ này đến thế hệ khác.


Sau khi người vợ đầu, bà Lê Đỗ Thị Ninh qua đời, nhà thơ Hữu Loan kết hôn với người vợ thứ hai, bà Phạm Thị Nhu – đó cũng chính là người phụ nữ ông ca ngợi trong bài thơ “Người em gái đồng xanh” _người đã cùng ông vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy 10 đứa con nên người.




VVM.16.3.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com