Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





 LÁ THƯ CUỐI CÙNG  


N gày 24.2. của năm 1994 tôi nhận được thư của anh Trần Phong Giao qua đường bưu điện Phú Nhuận. Vội vàng mở ra xem. Anh vẫn gõ máy chữ cũ. Bài thơ MỘ HOÀI ĐỘC ẨM được đánh máy cẩn thận. Phía trên chữ viết tay của anh: Thân gửi Trần Dzạ Lữ. Cuối bài thơ là chữ ký của anh. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ lục bát gồm 7 khổ. Thơ khái quát cao về thân phận con người-trong đó là thân phận của chính anh đi qua trần thế của một dịch giả, nhà văn, nhà thơ luôn khiêm cung dù trang viết của anh rất đáng tự hào… Bài thơ là lời tiên tri về một chuyến đi xa lặng lẽ và xót xa… Tôi đọc để rưng rưng, se lòng bởi tôi đã thấu hiểu lẽ đời: Khi sống có sum vầy bao nhiêu thì khi từ giã cõi đời rồi cũng một mình đi vào thiên thu, không có ai cùng đi cả.

Tôi nhớ anh vào thập niên 60 là một thư ký toà soạn bán nguyệt san VĂN cần mẫn và trung thực khi đọc và chọn bài gửi về cộng tác. Ngoài một số nhà văn, nhà thơ thế hệ 54 tài hoa luôn đổi mới trong sáng tạo anh luôn trân trọng, Trần Phong Giao còn ưu ái và chăm chút những người viết trẻ. Trong đó có những cây viết ở Huế như Hồ Minh Dũng, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Lê Bá Lăng, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Tôi và một số ace nữa… Và thời ấy, anh đã khám phá, giới thiệu một số tác giả trẻ khác rất tài hoa như: Y Uyên, Nguyễn Lệ Uyên, Sương Biên Thuỳ, Nhan.Tay Ngàn, Trần Như Liên Phượng, Khê Kinh Kha, Mang Viên Long, Trần Hoài Thư, Lâm Hảo Dũng, Lâm Chương… Không lạ gì quan điểm của Văn và ban tuyển đọc khi chọn tiêu đề: Tập san của những người Ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ… Do vậy mà Văn là một tạp chí nổi trội ở SG thời ấy.

Tôi nhớ Trần Phong Giao dù cuộc sống thanh bần nhưng tấm lòng vợ chồng anh luôn rộng mở để chào đón và đãi ngộ ace văn nghệ. Căn nhà nhỏ dưới chân cầu Kiệu thật khiêm tốn nhưng trong đó chứa cả một bầu trời kỷ niệm. Năm 1973 lúc thụ huấn ở Thủ Đức, thứ bảy tôi hay về số 473/2 Hai Bà Trưng Tân Định ( quận 3) thăm anh. Gặp gỡ, anh hay cho tôi uống bia con Cọp và chị Trần Phong Giao thì nói:” Chú đừng ngại. Nhà nhỏ nhưng có căn gác phía trên chú ngủ lại cũng tốt.” Chị lại treo sẵn mùng cho khách. Chị thật chu đáo. Đúng là người vợ hiền hậu, đảm đang và chính xác là “hậu phương lớn” cho chồng.

Tôi nhớ sau khi thôi làm ở Văn 1971, anh làm tờ Giao Điểm, cũng viết thư nhắc tôi gửi bài. Nhưng Giao Điểm ra được vài số rồi cũng yểu mệnh.

Sau 75 là thời gian ace văn nghệ tan tác. Tôi đi bán rau muống, đu đủ… thì anh Trần Phong Giao lại bưng bê khi chị Giao bán hủ tíu… trước hẻm nhà dưới chân cầu Kiệu để kiếm sống. Anh làm công việc này cũng cần mẫn và lặng lẽ như khi làm thư ký toà soạn bns Văn vậy. Nhà cha mẹ vợ tôi ở Phú Nhuận rất gần nhà anh nên có rau ngon hay đu đủ tốt là tôi đạp xe đạp đem xuống biếu anh chị Giao. Ngược lại, anh chị có gì cũng chia sẻ với tôi. Điều đáng quý là dù cho vật đổi sao dời như thế nào thì chúng tôi cũng vẫn không quên nhau. Thời gian này, tôi biết anh chỉ còn một lá thận để sống. Tôi thì phải đi nông trường nên ít liên lạc với anh như trước.

Sang gần năm 2000, tôi tìm thăm anh ở căn nhà cũ thì được biết anh đã dời chỗ ở đâu bên quận 6. Hỏi một số bạn bè thì chẳng ai biết địa chỉ. Tôi lại lao vào cuộc áo cơm để nuôi vợ con, không còn biết ngày đêm là gì.

Năm 2005 nghe tin anh mất tôi rất ngậm ngùi, thương cảm dẫu rằng sinh,  lão, bệnh, tử là quy luật của muôn đời. Chỉ tiếc là những phút giây cuối đời tôi không có mặt để tiễn đưa anh về chốn vĩnh hằng. Đành cúi đầu thương nhớ vậy.

Tôi nhớ anh, một thư ký toà soạn đáng kính nể của Trung Tâm Văn Bút, của Văn.

Tôi nhớ anh, một dịch giả tài hoa của những tác phẩm Con Chim Trốn Tuyết của Paul Gallico ( cùng với Hoàng Ưng), Không Một Nấm Mồ của Jean-Paul Sartre, Sứ Mệnh Văn Nghệ diễn văn của Albert Camus đọc lúc nhận giải Nobel, Kinh Nghiệm Đời Văn của Erskine Caldwell ( chung với Nhã Điển).

Tôi nhớ anh, một nhà văn với giọng văn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, đầy trăn trở với các tác phẩm:

- Ngồi Lại Bên Cầu (tập truyện)

-Nửa Đêm Thức Giấc (tiểu thuyết)

Tôi nhớ anh, Trần Phong Giao còn là một nhà thơ gióng lên tiếng lòng mình khi bước qua dâu bể thế gian trùng trùng… Tiếng lòng ấy gây xúc động và lan toả rất xa qua bài thơ:

MỘ HOÀI ĐỘC ẨM

Ly này ta rót mời ta
Chưa uống đã thấy xót xa phận mình
Mới ngày nào tóc còn xanh
Mà nay đã bạc, đã giềnh, đã thưa.

Rót thêm ly nữa mời ai?
Chìa tay mời bạn cõi ngoài vân du
Cỏ xanh đất mát ngàn thu
Trong hơi gió thoảng ai ru hồn người.

Chiều cuối năm lá vàng rơi
Ly này ta rót mời người áo xanh
Lòng mưa ngâu, nắng hong hanh
Vàng rêu mái lá, buồn tênh mây trời.

Ly nầy em của ta ơi!
Gươm quăng hố thẳm, ta mời ta sao ?
Ngựa hồng tung vó trời cao
Áo sòng xưa đã giũ vào hư không…

Lưng trời giọt đại hồng chung
Quyện theo tiếng mõ mịt mùng quạnh hiu
Vô ngôn chiều ngẩn ngơ chiều
Vậy vờ trôi giạt con diều đứt dây

Ly nầy uống nữa thì say
Trốn tà huân cánh én bay về nhà
Một mình ta uống cùng ta
Mộ hoài độc ẩm xót xa phận mình

Mới ngày nao tóc còn xanh

Trần Phong Giao
(Cuối năm 1993)

Mới đó mà 14 năm anh Trần Phong Giao giã từ cõi tạm.

Chớp mắt đã là thiên thu…

Một ngày của trời thu tháng tám SG, tôi lang thang qua cầu Kiệu để nhớ, để mường tượng căn nhà cũ của anh và thấy rõ một Thư Trung, một Mõ Làng Văn… vẫy tay gọi, mừng vui anh em, bạn bè… như anh chưa bao giờ rời bỏ trần thế…  




VVM.25.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com