Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




TẢN MẠN VỀ TRĂNG, THƠ, NHẠC  




C ó lẽ khi loài người xuất hiện trên trái đất này, trăng đã vừa là đèn soi sáng, vừa là bạn đồng hành ban đêm, và cũng là nguồn cảm hứng, làm rung động tâm hồn nghệ sĩ mới chớm trong lòng homo-erectus, hay homo-sapiens vậy. Thành ra truyền thuyết về trăng, xứ nào, dân tộc nào, và nến văn minh nào cũng có.

Trong truyền thuyết Trung hoa, Hậu Nghệ chế thuốc trường sanh, bị vợ là Hằng Nga lấy cắp uống xong, bay lên ẩn trong trăng. Hậu Nghệ tìm vợ, bắn rớt chín mặt trời, chỉ chừa lại một để soi sáng ban ngày. Vì chỉ có một mặt trăng, nên Hậu Nghệ để lại, không bắn, nhờ đó Hằng Nga thoát nạn, ở lại luôn trên cung Quảng Hàn. Chủ mặt trăng là Thái âm tinh quân hay là Bà Trăng -- tức đối với ông Trời -- chỉ xin đừng hấp tấp đọc lầm là Bà Chằng, phải tội. Theo Bà Trăng là Hằng Nga tiên nữ hay chị Hằng. Các bầu bạn khác trên cung Quế -- hay cung Quảng Hàn, ngoài chú Cuội còn có con thỏ ngọc (1) -- Ngọc Thố, lông trắng như sương, (như trong truyện Tây Du có nhắc đến), và con cóc, được nâng cấp, gọi là con thiềm thừ. Nhật bản thì tự nhận là con cháu bà thần mặt trời, Thái dương thần nữ, không biết có Ông Trời, nên có lẽ vì thế mà không kính trọng mấy chú con Trời lắm Tuy thế, trong hàng ngàn năm, Trung quốc, Nhật bản, Triều tiên và Việt nam đều dùng âmđương hiệp lịch, định mùa màng, dựa trên sự xoay vần của mặt trăng quanh trái đất, và của trái đất quanh mặt trời.

Thơ Ðường nói đến trăng rất nhiều, nhất là trăng sáng Minh nguyệt. Lúc thì dọi trước giường Sàng tiền minh nguyệt quang, lúc thì không biết đỗ nhà ai Minh nguyệt lạc thùy gia, rồi lại chơi chữ, hót lên như chim trên núi Minh nguyệt (2) sơn đầu khiếu, hại Tô Ðông Pha phải bị lưu đày. Ðến nhà sư cũng bị trăng non làm xao động tâm thiền Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung giúp cho Trương Kế làm một bài thơ để đời. Triệu Hồ thì lại lãng mạn, thấy trăng này sáng như nước, lại nhớ đến hồi cùng ai ngắm trăng năm trước: trăng còn đây mà người đó đã đâu rồi ? Nguyệt quang như thủy, thủy như thiên/ Ðông lai ngoạn nguyệt nhân hà tại.

Qua Việt nam, truyền thuyết cho chú Cuội bám rễ cây đa, bay lên cung trăng, rồi ngồi gốc cây đa, làm bạn với chị Hằng. Ca dao, không biết là trêu hay là thật sự thắc mắc cứ hỏi - sao lại múc ánh trăng vàng đổ đi ? Ðồng dao thì cho ông Trăng sòng phẳng, đến đâu chơi cũng được tặng quà, nhưng rồi, vừa nhanh, vừa mạnh ở phần cuối, trả lại hết, nào vợ, nào chồng, nào bút, nào mo. Phong dao cũng kể đủ hình trạng mặt trăng từ lá trai (mồng một, không trăng), lá lúa (mồng hai), mười rằm, trăng náu, mười sáu trăng treo, đến đêm ba mươi không trăng.

Trong Nhân Nguyệt vấn đáp, tác giã vô danh đã Hỏi chị Nguyệt, Hằng Nga mấy tuổi,/ Cứ năm năm đến tối lại ra ? Nguyễn Du trong Kiều nhè nhẹ chia trăng ra làm hai, nửa này in gối chiếc, nửa kia soi dậm trường. Ðồ Chiểu, nghiêm trang và cẩn trọng cũng cho ngư ông "Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng. (Lục Vân Tiên) Trăng cũng gián tiếp là đề tài cho Hồ Xuân Hương và Chiêu Hỗ đùa nhau, người xin lá đa, người cho cành đa, không đếm xỉa gì đến chú Cuội, không biết có đang ngồi cười hà hà. Cao Bá Quát ngông hơn, hay lãng mạn hơn Túm áo bọc ánh trăng. (3)

Con cóc trong mặt trăng cũng được nhắc đến. Ngô Thế Vinh (thời Minh Mạng) vui với gió mát trăng thanh mà không quên nhắc Bóng thiềm soi đáy nước long lanh. Còn Nguyễn Huy Hỗ lại ghi nhận Rừng Ðông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.

Gần đây hơn, Tản Ðà cho trăng thơ thẩn chơi ở đầu non, chơi ngoài cửa động; Ðông Hồ nhớ lại ngày vui cũ, cho trăng tỏ vì có đôi ta, cũng từa tựa một ý như Triệu Hồ. Xuân Diệu lại -(không biết có len lén không) cùng người yêu nhè nhẹ bước khi ánh trăng lan đầy khắp lối. Hàn Mặc Tử rao tìm người mua trăng, rồi không bán vì Trăng vàng, trăng ngọc, bán sao đang! Lưu Trọng Lư rất thính tai nghe được cả tiếng mùa thu đang thổn thức dưới trăng mờ. T. T. Kh. kín đáo và duyên dáng Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo. Nguyễn Bính thì mở cờ trong bụng, hớn hỡ hỏi Ai đem trăng giãi lên trên vườn chè ? Nguyễn Vỹ cay đắng hơn, nhìn chó giỡn trăng ngoài song cửa xà lim mà tủi thân. Vũ Hoàng Chương thì thâm trầm, cho Nguyệt lạnh màu sương giãi phố khuyạ Gần đây hơn, Ðặng thị Quế Phượng , sau khi viết về một tình khúc của Beethoven, đã thêm Hoa khô cắm giữa đêm tàn, nửa bài trăng úa bên đàn đứt dây ! Hàn Nguyệt -- trăng lạnh ? -- thì lạnh lùng cho người về hụt hẫng Chẳng còn gió, chẳng còn trăng! giữa rừng hoang lặng. Còn Thu Nguyệt -- cũng là một mùa trăng -- không biết có đọc Alfred de Musset không, mà lặng lẽ Tôi ngồi đợi bóng trăng nhờ chấm câu. (4)

Truyện ngắn, truyện dài cũng nói đến trăng, xin chỉ nhắc đến Hoàng Ngọc Phách, đã ỡm ờ ghi ra bốn chữ ÐTTT , diễn dịch là "đêm thu trăng tỏ" nhưng riêng với hai người trong cuộc mới biết là ghép tên nhau : Ðạm Thủy và Tố Tâm. Nhẹ nhàng hơn, Nguyễn Tuân, trong một truyện ngắn trong Vang bóng một thời, kể lại thú rửa sỏi để bọc đường làm kẹo, nhâm nhi với trà, thưởng trăng. Trong đó Nguyễn Tuân đã kể rõ vì sao ông thích trăng 14, chứ không thích trăng rằm hay trăng 16.

♣ ♣

Lời cũng như tựa các bài hát Việt nam có nhắc hay nói đến trăng cũng nhiều lắm. Trước hết là những bài hát về Trung Thu, dành cho trẻ em. Lê Thương cho chú Cuội, lúc đó đã già, ngồi ôm mối mơ, rồi lại nhắc khéo các em mượn ông Trời cái thang để lên cười chơi trên cung Trăng (Thằng Cuội). Văn Thanh cho các em dắt nhau cầm đèn lồng đủ hình thù và màu sắc đi múa ca trong ánh trăng rằm, (Rước đèn tháng tám). Phạm Duy cho các em một trời Nam tròn trăng thu để các em có dịp thắc mắc xem chú Cuội đâu ? (Một đàn chim nhỏ). Lớn lên một chút, các em lại được bác Phạm Duy vẽ đường cho hươu chạy rủ đàn con gái, ra ngoài nhìn trăng. (Chú Cuội)

Bạch Bích gần như là người đầu, nói về Trăng muôn thuở khi Trăng vừa lên trên khóm tre. Lê Mộng Nguyên, như trong bài hát chủ đề số báo này, thì chưa đợi đến tối đã hẹn người ra bờ suối, để cùng xem ánh trăng mờ chiếu (đúng là chưa đến rằm) bên rừng chiều mờ hơi sương. Phạm Ðình Chương thì chịu khó đợi đến lúc trăng tròn để cho Trăng tràn lan khắp nơi trong Trăng rừng. Văn Phụng, thơ mộng mà không kém phần gan dạ, cùng người đẹp kề vai say ánh trăng ngà gần suốt đêm trong Trăng sơn cước. Hoàng Thi Thơ vừa khua chày giã gạo trong đêm trăng vừa hứa Dù trời khuya anh sẽ đưa em về trong Gạo trắng trăng thanh. Rồi còn cho trăng vui -- (chớ không say như Lý Bạch) đến độ Trăng rụng xuống cầu. Ngoài ra còn có một bài cũng nói về trăng, mà không nhớ tên tác giã, cũng không nhớ tựa, chỉ nhớ mấy câu Trăng lên, gió lơi, trăng lên gió lơi; ngàn sao ai thắp ? ngàn sao ai thắp ? Gió rung rinh hoài bên hồ sen thắm, lung linh tà áo -- (độc giả nào có nhớ hay biết rõ hơn, xin chỉ giúp!)

Còn rất nhiều bài hát, tựa không có chữ trăng, nhưng trong lời có nhắc đến trăng, xin ghi ra một số, hát cho vui -- hay buồn, cũng không sao. Các bài xếp theo thứ tự chữ đầu tựa bài hát chứ không có ý để bài nào trước, bài nào sau. Như nghe tiếng ca sĩ Chung Thủy ngọt ngào nhận xét Khi vui thấy trăng không mờ, lòng buồn nên trăng úạ (Ảo ảnh - Y Vân). Châu Kỳ và Hồ Ðình Phương thì lại cho trăng biết ngại mưa e gió Nhưng mùa trăng Vu qui, vì mưa gió không về - Ghi một đêm trăng thanh, quán bên đường vắng tênh (Con đường xưa em đi). Ðặng Thế Phong nhẹ nhàng hơn , cho hoa đứng im khi Vườn khuya trăng chiếu (Ðêm Thu);. Trần Thiện Thanh mượn lời thơ, cho Hàn Mặc Tử cất tiếng rao: Ai mua trăng, tôi bán trăng cho ! Dù là trăng lúc đó còn e dè nằm im thin thít trên cành liễu. Hà Huyền Chi và Lê Linh Phương thì cứ cho em đi tới đi lui, đi không ngừng nghỉ, theo phiến trăng Em đi hoài trong mơ - phiến trăng hắt hiu ánh vàng (Hoài Mơ ). Trường Sa, chắc có lúc ngồi trên đài chỉ huy chiến hạm, vừa nhớ ai, vừa nghe sóng vỗ thân tàu để xem .. ngại ngần vầng trăng vỡ đôi trên bọt sóng (Một lần xa bến).

Phạm Duy lại nhờ Thái Thanh bùi ngùi trả lại Ðường phố trăng soi - trả hết cho người (Nghìn trùng xa cách). Thẫm Oánh, nhẹ nhàng và kín đáo hơn, không nói chuyện dưới đất giữa hai người, mà lại cho Ngoài xa mây nhớ trăng lững lờ thuyền trôi và cũng đưa đối tượng lên cao, trước cả Spounik và Appollo (5) Ðây nét mặt trong trăng âu yếm như mĩm cườị (Nhớ nhung) Mạnh Phát Hoài Linh thì gần trần thế một chút, tuy cũng chịu khó leo lên căn gác hẹp để xem Trăng gầy nghiêng bóng cày song thưạ (Nỗi buồn gác trọ) Phạm mạnh Cương thì say mê hơn, chắc chắn hơn, tuy trong tay chưa nắm được ba vạn sáu ngàn ngày và cũng biết chắc Trăng khuyết rồi có khi tàn ... mà vẫn khăng khăng Thương hoài ngàn năm. Lê Trực hư ảo, và liêu trai, để cho Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng.(Tiếng còi trong sương đêm). Phạm mạnh Cương khi đã già dặn hơn trong tình trường, chắc đã thấy được "ngàn năm" cũng có thể thu lại trong khoảnh khắc, nên tiếc nuối còn đâu trăng thanh ngày đó(Tình yêu đã mất). Ngọc Bích lại thi vị hóa, cho trăng thành thơ, chứ không để trăng là tứ thơ Ðâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ. Khi ánh trăng thành thơ nhẹ gió đưa (Trở về bến mơ). Nhưng với Văn Cao, mối tình Trương Chi Mỵ Nương lại được đưa về cái thuở trước đó nữa, khi trăng nước chưa thành thơ. (Trương Chi)

Mỗi người : một tâm sự, dù là thi sĩ, nhạc sĩ, hay ca sĩ. Mỗi bài hát : một tấm lòng, người chỉ nghe thôi, cũng động lòng riêng, mà nhớ tiếng hát lời ca. Rồi thì ai thương, ai cảm, ai nhớ. ai mong, buồn hay vui, chắc cũng thuộc một hay hai bài, hát khe khẽ cho vơi nỗi niềm, hay để gởi gấm tấc lòng, mượn ánh trăng, hay mượn cả vầng trăng mà bày giãi, mà thề nguyền.

♣ ♣ ♣

Thơ, nhạc và trăng còn nhiều, nhiều lắm trong thi ca và âm nhạc Việt nam, tân cũng như cổ. Tác giả chỉ có một hiểu biết sơ sài về vọng cổ, biết vài bài như Sầu vương biên ải, Tình anh bán chiếu, -- Út Trà Ôn ca, hay Gánh nước đêm trăng, Trái khổ qua, -- Thanh Nhàn ca ... và một hai bài không nhớ rõ tên do Thanh Nga hay Bạch Lê ca. Thành ra không dám nói đến Trăng trong cổ nhạc và vọng cổ Việt nam. Thật ra, cũng nghĩ vì Của trời đất, kho vô tận, nên ghi ra một phần nào thôi, còn lại, để những người khác cùng đóng góp, chia sẻ, vừa để chung vui, vừa để nhắc nhở đến cái hay, cái đẹp trong kho tàng thơ, nhạc Việt Nam.

Ghi chú:
1. Khoảng những năm cuối thập niên 1940-49, có vở kịch "Con thỏ ngọc" kể chuyện một em bé hiếu thảo đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Có câu hát trong bài "làu làu trăng sáng ..."
2. Minh nguyệt, trong câu thơ của Vương An Thạch là tên gọi một loại chim.
3. Trăng mười bảy -- thơ chữ Nho, bản dịch của Khương Hữu Dụng)
4. Comme un point sur un i (trong bài thơ "Ballade à la Lune" của Alfred de Musset)
5. Vũ Hoàng Chương thì không lấy đá trên mặt trăng. Theo góp ý của Minh Ngọc, khi biết các phi hành gia đã lên cung trăng, thi sĩ viết:
Nếu phải người thơ này, nhất định
Mang về bến cũ gốc cây đa!




VVM.12.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com