Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




NHỮNG SAI VÀ SÓT THẬT ĐÁNG TIẾC CỦA
BỘ SÁCH DI SẢN HÁN NÔM TỈNH QUẢNG NINH  




N hà xuất bản Hà Nội cuối năm 2020 đã in ấn và phát hành bộ sách đồ sộ 3 tập 3184 trang của ông Hoàng Giáp. Ông vừa là tác giả vừa là chủ biên của công trình này. Rất tiếc là có những sai sót thật đáng tiếc. Chỉ nêu một ví dụ: bài thơ “Đăng Kì Sơn lưu đề” tập III, trang 785, ông ghi tác giả là Phạm Sư Mạnh, triều Trần. Vậy mà trang 115 – 116, cũng tập III này, bài thơ ấy ( của Phạm Sư Mạnh ) do chính ông dịch, ông lại đề thơ (khuyết danh) của triều Lê. Nếu ông sử dụng nguồn, thấy nguồn sai, ông phải chú giải hoặc chú thích là sai chứ. Trước đây, bộ “Đia chí Quảng Ninh” 3 tập, dầy 2212 trang khổ lớn, kết luận một cuộc tọa đàm, ông Chủ tịch UBND tỉnh nói, sẽ sửa chữa nhiều sai sót và cho tái bản. Đến nay đã hơn 20 năm, không còn ai nghĩ đến một chút nào về việc ấy nữa. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, những bộ sách tư liệu quá dầy và rất tốn kém, thường không có khả năng tái bản. Và những sai sót của nó sẽ tồn tại đến nhiều đời con cháu, thậm chí còn đưa vào sách giáo khoa, để dạy cho các thế hệ học trò về sự trung thực … Bộ “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh ”, tôi nghĩ cũng sẽ như thế.

Trong bộ sách này, phần ông Hoàng Giáp chép lại, chụp lại rồi dịch từ các văn bia cổ chữ Hán, là vô cùng quí giá. Ngoài việc cung cấp cho người đọc những tư liệu có một không hai, còn trực tiếp làm sáng tỏ nhiều điều. Chỉ nêu 3 điều thôi.

*- Một, tại bia đá trước đền thờ Trần Hưng Đạo ở Bến Rừng, thị xã Quảng Yên hiện nay, lập ngày tốt tháng 4 năm Bảo Đại thứ 17, Nhâm Ngọ ( 1942) thì đền này, năm 1934 mới đưa Trần Hưng Đạo vào thờ. Trước đó các bậc tiền bối đã thờ Trần Hưng Đạo ở xã Hậu Đồng, cùng các vị Tiên công ( tr. 373). Trước nay ta vẫn nói, đền này đã có từ thời Trần và thờ Trần Hưng Đạo từ trời Trần.

*- Hai, về xuất xứ gia đình Trần Hưng Đạo, cũng theo bia đá trên ( tr. 373 sách trên), Trần Hưng Đạo sinh ở quê ông là phủ Thiên Trường, và trang 716 cũng sách trên, ghi về Trần Quang Triều, cháu nội ông, cũng ghi quê ở phủ Thiên Trường ( nay thuộc Nam Định). Trước nay ta vẫn nói, gia đình Trần Hưng Đạo ở An Sinh Đông Triều, trên đất được phong của cha ông là Trần Liễu. Thực ra, toàn bộ đất phong cho Trần Liễu ở châu Đông Triều, gồm nhiều phần đất không thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện nay, năm 1237 đến năm 1251, sau khi Trần Liễu chết, triều đình đã tịch thu hết, vì người thừa kế là Vũ Thành vương Doãn, đã bị xóa tên khi đưa gia đình trốn sang Trung Quốc, vì sợ bị trả thù về cuộc nổi loạn cướp chính quyền không thành năm 1237.

*- Ba, cũng sách trên, trang 734, ghi Lí Đạo Tái ( Huyền Quang - nhà thơ thiền sư rất nổi tiếng) nơi ông tu chủ yếu là ở chùa Côn Sơn và các bài thơ của ông, phần lớn cũng được ông viết ở chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Trước nay ta vẫn nói, Huyền Quang tu ở các chùa, nay thuộc Uông Bí và làm thơ ở đây, mất ở đây, nên ghi ông là nhà thơ người Quảng Ninh. Ban Quản lí di tích Côn Sơn cho biết ông mất ở Côn Sơn, Hải Dương. Hi vọng, từ những đóng góp rất đáng quí và rất đáng tin cậy này của ông Hoàng Giáp, ta nói và viết không tùy ý ta muốn, không tùy ý ta thích, như trước đây nữa. Cái công này của ông Hoàng Giáp với tỉnh Quảng Ninh không hề nhỏ.

Trong những Di sản Hán Nôm ông đã bỏ sót, có những giá trị rất quan trọng, đang có tiếng nói trong đời sống văn hóa hiện nay tại Quảng Ninh, lại ở ngang tầm tay ông. Vì thế thật đáng tiếc. Ví như bài thơ của Tuần phủ Quảng Yên, Nguyễn Cẩn, một nhà thơ rất quan trọng của triều Nguyễn, viết ngày 3 tháng chạp năm Canh Tuất ( 1910) khắc vào vách đá núi Bài Thơ ngay cạnh bài thơ vua Lê Thánh Tông ( mà ông đã khảo sát khá kĩ và chuẩn xác), ông đã bỏ sót. Bài thơ này rất quan trọng để thấy xu thế tư tưởng của cả một thời đại. Rồi cách đó khoảng non 500- 600 mét, là bia đá đền Trần Quốc Nghiễn – ngôi đền quan trọng bậc nhất ở TP Hạ Long hiện nay - do ông Trần Đức Thuật chủ hội thuyền buôn Bắc Ninh - Móng Cái cho khắc và dựng vào tháng 10 năm 1913, hiện còn nguyên vẹn ở chân núi Bài Thơ - để thấy miếu/đền này được hội thuyền của ông xây cất trong có 1 ngày, để thờ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ( Quốc Nghiễn từng đóng quân ở Bắc Ninh, thời Trần, quê ông Trần Đức Thuật ). Năm 1913, nơi thờ Trần Quốc Nghiễn hiện nay, còn là vùng “trời nước hoang vu”. Từ bia đá của ông Trần Đức Thuật, hiện ta lập bia đá mới ghi đây là đất vua Trần phong cho Trần Liễu và Trần Quốc Nghiễn thừa kế, đã đóng quân ở đây, để đánh quân Nguyên, rồi mất ở đây. Điều ấy hoàn toàn không có cơ sở (*) . Rồi Hang Đầu Gỗ cách đó khoảng 15 phút thuyền máy, có bia đá, ghi việc vua Khải Định nhà Nguyễn đã qua đây vào ngày 22 tháng 3 năm Khải Định thứ 3 (1918) . Sự kiện này rất quan trọng, và tấm bia, tuy có một hạn chế là “mặn mà” với viên quan Toàn quyền Pháp đi cùng, vẫn là một di sản duy nhất của một nhà vua, được coi là “ vô cùng quí giá” của kì quan Vịnh Hạ Long. PGS TS Đinh Khắc Thuần, đã dịch, trong đó có nhiều câu mô tả Hang Đầu Gỗ đẹp đến mức đến nay vẫn chưa có ai viết hay hơn: “ Rạng rỡ muôn sao la liệt, phô bày ngũ sắc lung linh. Móc nhỏ giọt, ráng hồng bay, từng đám từng đám khoe sắc,” chỗ này “phô vẻ xanh lam” chỗ kia “khoe màu vàng óng, vệt sáng dòng son, dáng vẻ không sao tả xiết…”

Và đây mới là điều tôi băn khoăn nhất khi gấp bộ sách này lại.Tôi chỉ nêu 2 điều :

*- Một, trong bài “ Tổng quan di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh” in ở phần đầu của cả 3 tập, có một câu ông Hoàng Giáp khẳng định: bài thơ Núi Con Mèo “ có từ thời Trần ” và ở trang 285 của tập III, nói trên, ông viết thêm: “ Nhiều học giả cho là thơ Ngự đề của Phật hoàng Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm”. Ông chép lại bài thơ như sau, tr 285 ( ông đề Hoàng Giáp dịch là không đúng):

Núi Con Mèo

Đứng thốc trên sông / một đối đèo
Vặn hình ra thể/ dáng con Mèo
Đá xương đất thịt/ da xanh ngắt
Cỏ vện hoa vằn /dạ mốc meo
Cảo thỏ kinh hơi/ rồng vắng ngắt
Kình nghê tăm bặt/ nước trong veo
Chống ghì vũ trụ/ chân nèo vững
Ắt hẳn nghìn năm/ kín chẳng nghèo

Niêm luật, cặp đối nghiêm chỉnh, cách cắp nhịp 4/3 và thực, luận phân minh, chuẩn hóa đến mức cao như bài này, chỉ xuất hiện ở thơ luật Đường cuối thời Nguyễn, khoảng trước sau năm 1920, căn cứ vào một số bài thơ cùng loại đã đăng báo thời đó, hoặc đã cho khắc trên vách núi đá. Nếu so với thơ của hai thiên tài ở thời Lê là Nguyễn Trãi ( mất năm 1442) và Lê Thánh Tông ( mất năm 1497) sau Trần Nhân Tông khoảng 200 năm, thơ Nôm đường luật vẫn còn chưa hoàn chỉnh:

Thơ Nguyễn Trãi :

Góc thành Nam / lều một gian
Lo nước uống / thiếu cơm ăn
Con đòi trốn / dường ai quyến
Bà ngựa gầy / thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi/ khôn thả cá
Nhà quen thú thứa / ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải / ẩn chẳng phải
Góc thành Nam/ lều một gian

Thơ Lê Thánh Tông:

Lòng vì thiên hạ / những lo âu
Thay việc trời / dám trễ đâu
Trống dời canh/ còn đọc sách
Chiêng xế bóng / chửa thôi chầu
Nhân khi cơ biến /xem người biết
Chứa thủa kinh quyền / xét nhẽ màu
Mựa bảo áo vàng/ chăng có việc
Để muôn sự / trước vào tâu

Điều quan trọng bậc nhất là bài thơ “Núi Con Mèo” có một “lạc khoản”, ông bỏ không chép, trong đó có dòng chữ “Trần triều Nhân Tôn hoàng đế Ngự đề ”. Câu này về mặt khoa học là cực kì quan trọng để xác định tác giả và thời gian sáng tác. Hai chữ “Trần triều ” là triều khác, để phân biệt với Lê triều, hay Nguyễn triều, còn viết ở các triều đương thời, thì đều ghi là “Bản triều” hay “Hoàng triều”. Đấy là người khác viết, còn vua ( hay chúa) viết, thì chỉ đề niên hiệu, năm thứ bao nhiêu, tháng, ngày mà thôi, hoàn toàn không có hoa văn xung quanh bài. Ai còn nghi ngờ điều này, xin hãy đến xem 2 bài thơ của vua Thánh Tông Lê Tư Thành và chúa An Đô vương Trịnh Cương, hiện còn trên vách núi Bài Thơ, TP Hạ Long, thì rõ. Đặc biệt chữ “Nhân Tôn”. Trần Nhân Tông là miếu hiệu của vua Trùng Hưng - Trần Khâm ( sau khi mất một năm, triều thần mới dâng miếu hiệu đó để thờ, nghĩa là đương thời, vua Trùng Hưng (Trần Khâm ) không hề biết mình sẽ có tên là Nhân Tông) . Điều này, ông Hoàng Giáp biết rất rõ, nên phần thơ của vua Trần Nhân Tông ở trang 583 của tập III này, ông đề là “Trần Khâm – Trần Nhân Tông”. Đề thế là rất chuẩn. Còn “Tôn” thì là chữ “ Tông” viết bớt nét, để kiêng húy vua Triệu Trị nhà Nguyễn, lên ngôi và ban quốc húy năm 1841. Vua Thiệu Trị tên khai sinh là Nguyễn Phúc Miên Tông. Ông Hoàng Giáp biết rất kĩ điều này, nên chú thích trang 69 tập I, ông ghi như sau về huyện Hoa Phong xứ An Quảng: “ Đầu đời Nguyễn vẫn gọi là huyện Hoa Phong. Từ năm Thiệu Trị I ( 1841) kiêng chữ Hoa, tên húy Hoàng Thái hậu, mẹ vua Thiệu Trị, nên đổi ( chữ Hoa thành chữ Nghiêu ) là huyện Nghiêu Phong ”. Không cần xem xét thể thơ niêm luật… vân vân… chỉ căn cứ vào hai chữ “ Nhân Tôn”, đã đủ để biết bài thơ này là thơ thời Nguyễn, viết sau năm 1841. Vậy tại sao ông lại bỏ, để không ai biết có 4 chữ “Trần triều Nhân Tôn”, mà nhận ra thơ của ai, viết vào năm nào. Tôi không tin bất cứ một người nào được cho là “học giả” lại dám khẳng định bài thơ này – với những đặc điểm như trên - là “thơ Nôm của Phật hoàng Trần Nhân Tông ” viết lúc sinh thời. Một bằng chứng khác bác bỏ kết luận trên của ông Hoàng Giáp: Cho đến nay, toàn bộ “ Thơ Trần Nhân Tông toàn tập” đã nhiều lần xuất bản, tái bản, đều không có bài thơ này. Kết luận của ông Hoàng Giáp trong bộ sách DI SẢN là rất quan trọng, vì nó liên quan đến lịch sử, văn hóa, nhất là đến kế hoạch phát triển kinh tế du lịch văn hóa và tâm linh về vua Trần Nhân Tông, chưa kể việc tôn vinh và thờ phụng vua Trần mà địa phương đã có ý định từ lâu, nên xem xét nó, không thể không thật cẩn trọng.

*- Hai, phần “Thần tích, Thần sắc”. Phần này vô cùng quan trọng, nếu không nói là quan trọng bậc nhất trong Di sản, vì nó liên quan đến tín ngưỡng và sự thờ cúng của nhân dân. Tôi chỉ nói 1 bài trong “Thần tích”. Đó là bài “ Lê Thái Tổ ( Lê Lợi)” trang 317 – 323 của “Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh ” tập I. Đây là bài ông viết mới hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, in lần đầu tiên ở sách này. Trước khi sách này ra, nó chưa từng có ở đâu, tất nhiên càng chưa từng được in bằng chữ Hán trong các tư liệu cổ đã có ở Quảng Ninh, để ông dịch ra chữ Quốc ngữ như các thần tích khác. Vậy đã gọi nó là DI SẢN HÁN NÔM ở tỉnh Quảng Ninh rồi, liệu có đúng không? Trong khi ở phần đầu sách này ( tập I – cũng in ở phần đầu cả tập 2 và tập 3), ông đã viết rằng: “ Thần tích là sự tích các thần, phần lớn được Hàn lâm Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 và Quản giám bách thần Nguyễn Hiền sao chép vào năm 1735. Các làng xã sao chép lại các thần tích ấy rước sắc vua ban về phụng thờ…”. Bản mới chữ quốc ngữ của ông vừa viết xong, cùng để lẫn với các thần tích khác của Di sản, đã được dịch ra chữ quốc ngữ, sẽ gây sự nhầm lẫn cho người đọc hôm nay và các đời sau, cứ nghĩ rằng, nó đã có ở Quảng Ninh từ thời rất xưa, có khi từ thế kỉ XVIII hoặc trước nữa, thế kỉ XVI, như ông đã viết ở trên. Nếu nghiêm túc thì nên in nó ở phần PHỤ LỤC và ghi rõ là thần tích viết mới, có tham khảo từ các tư liệu CŨ VÀ MỚI về vua Thái Tổ Lê Lợi, như thế mới chuẩn. Tôi nói tư liệu MỚI, là vì ở trang 322, ông chép lại nguyên xi một đoạn ( chuẩn xác từng chữ, đến cả dấu chấm phảy và mở đóng các ngoặc kép) trong sách “ Các triều đại Việt Nam ” trang 173 của Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, in năm 2001, ở Nxb Thanh Niên, Hà Nội: “Là một ông vua sáng nghiệp, đã từng đích thân phát hết gai góc, bừa phẳng bạo tàn, thường lấy áo giáp làm đồ mặc, nội cỏ làm nhà cửa, trải bao nỗi nguy hiểm, xông pha trước giáo gươm mới quét sạch phong trần, dựng nên cơ nghiệp” nên ông rất lo cho các con ông “ không có công lao như ta mà được hưởng cơ nghiệp của ta” sẽ làm hỏng mất sự nghiệp. Lê Thái Tổ đã từng nói: “Phàm những ông vua nối ngôi, dinh dưỡng trong cung điện thường được yên vui, không biết lập chí”…. Tôi lưu ý hơn đến trang này, vì nó rất mới và hoàn toàn không có trong chú thích của ông về các sách kim cổ ông tham khảo để viết ra, như “Thần tích làng Trì Xuyên, sách Lê kỉ tục biên, và Đại Việt thông sử.” Tôi không rõ các sách khác thế nào vì chưa có dịp tra cứu, nhưng trong “Đại Việt thông sử” của Lê Quí Đôn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, trang 95 – 96, ông cũng chép lại nguyên xi 4 đoạn… Việc sao chép ( to copy ) các đoạn văn của người khác trong công trình biên khảo của mình như thế nào, có cần phải chú thích xuất xứ của đoạn trích hay không, là việc xin bàn sau, nhưng điều tôi nêu bây giờ, là cần phải chính xác, minh bạch, nhất là đối với sách khoa học, cái nào đã là Di sản và đã là Di sản về Hán Nôm ở tỉnh Quảng Ninh, cần phải rõ ràng, và chắc chắn trong các DI SẢN HÁN NÔM ấy, không thể có bài vừa mới viết xong bằng chữ quốc ngữ… ./.
---------------------------
(*) Theo công trình nghiên cứu khoa học “Chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỷ XI – XVIII ”, (2 tập) của GS. Trương Hữu Quýnh (1962, tập I), Nxb. Khoa học xã hội, tr.103 thì năm 1237, Trần Liễu được phong “đất thang mộc” tại châu Đông Triều. Nhưng đến năm 1251, sau khi An Sinh Vương Trần Liễu qua đời, người con được kế thừa tài sản là Vũ Thành vương Doãn ( Trần Doãn), do sợ triều đình trả thù vì đã cùng cha “nổi loạn trên sông Cái” để cướp chính quyền, giành giật lại ngôi vua cho Trần Liều (ngành trưởng) nên đã đưa cả gia đình trốn sang Trung Quốc nhưng bị bắt lại ở biên giới. Vì việc này, Doãn bị xóa tên khỏi dòng tộc và toàn bộ đất thang mộc đã phong cho An Sinh Vương Trần Liễu trước đây đã bị tịch thu hết. Từ đó, trên thực địa , từ sau năm 1251, không còn mảnh đất nào phong cho Trần Liễu nữa.




VVM.23.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com