T alks về công trình NHỮNG CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG - suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc VÀI SUY NGHĨ RỜI
1/ Nhiều năm trước, tôi nhớ có đọc bản dịch “Cộng đồng tưởng tượng” (không có chữ “những”) ở Thư viện KHTH TPHCM trong một lần tình cờ đến đây đọc tài liệu, nhìn thấy tên sách gây nên sự tò mò. Nhưng thú thật, lúc đó tôi đã cố gắng đọc cuốn sách này nhưng không hiểu gì cả, bởi hệ thống thuật ngữ và lý thuyết khá xa lạ với tôi, và cũng bởi lúc đó tôi chưa nhận thức được gì về “chủ nghĩa dân tộc”. Hay nói đúng hơn, lúc đó, thế hệ chúng tôi chỉ biết đến cái gọi là “tinh thần dân tộc” được phát huy tối đa trong thế hệ chiến tranh (ở miền Bắc) và đầu thời hậu chiến.
Vài năm sau, thuật ngữ “chủ nghĩa dân tộc” đến với tôi từ sự quan tâm những sự kiện chính trị xã hội. Nhưng vẫn hiểu đại khái qua loa, có lẽ biết đến thuật ngữ này nhiều hơn là “CNDT hẹp hòi”, “CNDT cực đoan”, trong những cuộc tranh luận quanh mối quan hệ VN – TQ từ cuộc chiến tranh biên giới và các sự kiện trên biển Đông.
Lần này đọc lại NHỮNG CỘNG ĐỒNG TƯỞNG TƯỢNG – Suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc”, tôi vỡ vạc ra được vài điều, mặc dù tôi vẫn khá vất vả khi đọc nó, vì nội dung rộng lớn nhưng chuyên sâu – như Lời giới thiệu, vì nhiều lý thuyết tôi chỉ được tiếp cận gián tiếp, hay học lóm qua bạn bè, vì bản thân công trình khá phức tạp về ngôn ngữ và cách trình bày - mà sự hấp dẫn của công trình chính là ở đó - như những người dịch và hiệu đính đã trình bày rất kỹ trong Lời người dịch.
Quá phục các anh chị dịch sách và hiệu đính! Giỏi về chuyên môn, ngôn ngữ Anh – Việt (khen phò mã tốt áo, hihi), và đặc biệt là việc dịch, chú thích, diễn giải, giới thiệu công trình này mang lại cho tôi niềm tin vào một thế hệ các nhà nghiên cứu KHXH sẽ KHÁC CŨ VÀ KHÁC TRƯỚC!
2/ Sau buổi trò chuyện về công trình này do hai người trình bày khúc chiết và sắc sảo, bao quát và chi tiết, hài hước và thông minh, là Nguyễn Thu Giang và Nguyễn Tô Lan, từ những gợi ý của các bạn, từ góc độ hiểu biết của mình và sự trải nghiệm cá nhân, tôi có vài điều suy nghĩ còn rời rạc (và sẽ còn phải nghĩ tiếp).
2.1 Không/chưa có “một dân tộc – quốc gia” thời VH Đông Sơn, VH Sa Huỳnh, VH Đồng Nai. (nhân tiện, xin nhắc vài người nghiên cứu lịch sử/văn hóa vẫn nhầm lẫn, coi ĐS - bắc, SH - trung là tương đương với Óc Eo /Phù Nam ở nam bộ, mà thực ra là tương đương văn hóa Đồng Nai – đông nam bộ).
- Về công cuộc nghiên cứu “Thời đại Hùng vương” như là một lực đẩy rất mạnh cho tinh thần dân tộc Việt (Nam) trong nghiên cứu XHNV và (ứng dụng vào tuyên truyền) chính trị. Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội mùa xuân của một địa phương trong chuỗi hội hè mùa xuân ở miền Bắc. Khi nâng cấp thành “Quốc lễ” cũng là một cú đẩy “nâng cấp” tinh thần dân tộc (đoàn kết/đồng bào) trong bối cảnh mới ở VN và thế giới.
- Phát hiện và nghiên cứu KCH ĐNA cũng có thời kỳ “dĩ Âu vi trung” (tk 18 -19), nhưng từ khoảng đầu thế kỷ 20 thì lại nhấn mạnh tính đặc thù, các nền văn minh ở khu vực này gắn liển với các quốc gia cổ đại được coi là “dân tộc” bản địa. Tính bản địa của các nền văn hóa khảo cổ do “môi trường tự nhiên” quyết định được nhấn mạnh như “đối lập/đối trọng” với văn minh châu Âu. Hiện tượng “bảo thủ” của công cụ đồ đá thời đá cũ được giải thích là sự thích ứng với môi trường tự nhiên, và là một con đường riêng của ĐNA. Sự giải thích này đến từ các học giả châu Âu nghiên cứu ĐNA. Lúc này chưa có thế hệ học giả là người ĐNA.
2.2 Hiện tượng người Việt ở Nam bộ: tiếng Nam bộ được coi là tiếng “Việt mình” # tiếng Việt “nước Bắc”. Người Việt nam bộ hồi cố lịch sử chỉ đến thời Chúa Nguyễn và hầu như không có tâm thức “4000 năm, thời Hùng Vương, truyền thống...”. Do tuyên truyền của VN cộng hòa: Bắc tiến, hai quốc gia: quốc gia – nam và cộng sản – bắc. Do Lịch sử cộng đồng lưu dân vào nam bộ chủ yếu từ miền trung – Ngũ Quảng.
- Ngược với miền Bắc: tâm thức thường trực là thống nhất đất nước, chống đế quốc Mỹ giải phóng miền nam... Nước VN là Một, dân tộc VN là Một - Thống nhất được hiểu như “đồng nhất”. Tất cả bắt đầu từ giáo dục và tuyên truyền trong nửa sau thế kỷ 20. Có lẽ cũng có nguyên nhân sâu xa hơn từ thời Đàng Trong – Đàng Ngoài với sự “cát cứ” ngày càng mạnh của chúa Nguyễn; rồi việc nhà Nguyễn bỏ kinh đô Thăng Long “ngàn năm” của Đại Việt mà lập Huế làm kinh đô của nước Đại Nam.
- Các bảo tàng VN đều có phần trưng bày về “thời nguyên thủy” rồi đến “Thời dựng nước” bao hàm ý nghĩa “thời hình thành dân tộc”. Năm 2004, sau khi cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long có những kết quả rực rỡ, Bảo tàng LSTPHCM đã trưng bày hiện vật cuộc khai quật tại TPHCM. Từ cuộc trưng bày này những người thực hiện (trong đó có tôi) nhận thấy giá trị của các khái niệm “dân tộc VN là Một, cội nguồn bốn nghìn năm”... được khuyếc tán rộng rãi hơn, trên cơ sở bằng chứng vật chất tác động trực tiếp đến cộng đồng, cụ thể hóa những tuyên truyền/giáo dục từ sau 1975 ở phía nam.
2.3 Chủ nghĩa dân tộc VN: khuyến khích, ca ngợi sự hy sinh, coi hy sinh là một phương thức để có/bảo tồn “dân tộc”, thậm chí phát triển khuyến khích sự hy sinh ở... người khác! (bằng những phong tặng, những danh hiệu, ko coi trọng con người cụ thể mà coi trọng “nghĩa vụ” đối với dân tộc...). Hình như đặc điểm này được khuếch tán mạnh mẽ người Việt (kinh) do văn hóa cộng đồng được coi trọng, nhẹ tính cá nhân, cá nhân chỉ được nhìn thấy/xác lập trong một cộng đồng cụ thể (gia đình, dòng họ, làng xã, đồng hương – con ông nào/họ gì/ở đâu/quê đâu)?
- Ở SG báo chí ra đời sớm nhưng hầu như ít thấy khuyến khích hay tuyên truyền về truyền thống hay CNDT với những “biểu hiện” trên. Mà thường phổ biến những giá trị của thế giới phương tây đương đại: dân chủ, bình đẳng, bác ái. Cũng từ giá trị này mà chuyển thành “giá trị dân tộc” – độc lập dân tộc: Đó là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tầng lớp trí thức, tư sản, điền chủ Nam bộ theo Việt Minh chống pháp.
- Ngôn ngữ cũ – mô hình mới: có thể coi cộng đồng người Việt nam bộ là trường hợp này: đình làng Nam bộ thờ nhân thần, nhiên thần, tiên hiền hậu hiền ko nhấn mạnh “gốc rễ” mà là “công lao”.
- Sau 75: khái niệm “Tư sản dân tộc” thường chỉ nói về tư sản người Việt, còn tư sản người Hoa/Hoa kiều thì bị coi chung là “TS mại bản”! bên cạnh ý nghĩa chính của 2 khái niệm này thì điều này có lẽ liên quan đến quan hệ/phân biệt Việt – Hoa/Việt – Trung trong lịch sử? Mối quan hệ/phân biệt này chưa bao giờ phai nhạt, có thể chìm xuống nhưng ko mất đi mà ngày càng trở nên sâu sắc do quan hệ của hai quốc gia trong thời hiện đại.
3/ Có thể nói ở VN trong nhiều trường hợp, “tinh thần dân tộc” là cụm từ có ý nghĩa như/tương đương “chủ nghĩa dân tộc” nhưng dễ hiểu và gần gũi với số đông người dân, có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Có lẽ VN là một trường hợp (case) điển hình về một cộng đồng tưởng tượng có tên “dân tộc Việt/ Việt Nam”. Động lực của sự tưởng tượng này bắt đầu từ truyền thống chống ngoại xâm, và ngày càng mạnh từ hai cuộc kháng chiến chống pháp – mỹ và nhu cầu được thừa nhận vai trò dẫn đắt quốc gia của đảng CSVN trong thế kỷ 20 và đặc biệt khi bước sang thế kỷ 21.
- Lịch sử là một phần của văn hóa. Tiếp cận từ VH sẽ nhận biết lịch sử toàn diện hơn vì văn hóa là của cộng đồng, còn lịch sử “được làm nên” bởi “một số” trong cộng đồng, nên lịch sử sẽ mang bản sắc cộng đồng cùng bản tính cá nhân. Mối quan hệ cá nhân – cộng đồng là hai chiều và ở một số nhân vật lịch sử, mối quan hệ này có khi nhòa lẫn vào nhau và cá nhân được coi là đại diện cho cộng đồng.