Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÁC NỀN VĂN MINH CÓ ĐỀU TỬ VONG ?
hay
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn (IX)




                  Nous autres, civilisations, nous savons maintenant que nous sommes mortelles.
 - Paul Valéry (XXè Siècle, Lagarde - & Michard – Bordas 1965, p. 338)
(Chúng tôi đây, những nền văn minh, chúng tôi nay biết rằng chúng tôi cũng tử vong.)


N ơi tôi cư ngụ thuộc vùng ngoại ô Paris. Bây giờ trời đã vào đông, với những ngày bắt đầu lạnh giá. Cảnh đẹp lá vàng nhẹ rơi lượn bay trong gió để tao nhân mặc khách dệt ra những vần thơ hoa mỹ chẳng còn được thấy. Chỉ thấy một bàu trời âm u vần vũ với những bữa đang nắng lại chợt mưa, chắng khác chi cô gái nhõng nhẽo đang tươi vui bỗng đổi thành rầu rĩ ra điều hờn dỗi để bắt nạt người yêu í... Nhưng khi được biết những biến cố thiên tai đang còn diên ra khắp nơi trên thế giới, tôi nghĩ mình hãy còn hên chán.

Này nhá. Chẳng biết có phải tại ai đó đã dại dột dám chọc quê hay vì thấy con người thời nay ăn ở thất đức quá, nên ông Trời bỗng đùng đùng lên cơn Tạc Dzăng nổi giận, phái Thiên Lôi giáng những trận đòn trời đánh thánh vật xuống cõi trần ai bể khổ đầm đìa nước mắt nước mũi cũng đã nhiều rồi. Hãy bắt đầu với phương đông, nơi mặt trời mọc. Ròng rã mấy tháng liền, mưa như thác đổ xuống vùng biển đông khiến các nước trong vùng đều lâm vào cảnh lụt lội. Riêng tạiTrung quốc, nước sông Dương Tử bỗng dâng cao khiến nhiều thành phố cùng người dân cư ngụ nơi đó như bị ngập chìm trong biển nước. Tôi rùng mình nghĩ, cứ tiếp tục đà này chẳng may đập Tam Hiệp bị vỡ, khi đó không chỉ có những thành phố với các tòa cao tầng hoành tráng, mà hàng triệu thị dân ở đó cũng sẽ bị nước lũ cuốn phăng đi. Thế nhưng, như ta thường nghe nói, hễ có sấm bên đông thế nào chẳng động đến bên tây. Chả thế mà bên kia bờ đại dương, cũng trong tháng chín, cơn mưa bão Ida thổi qua Louisana gây thiệt hại nặng nề không riêng về mặt tài sản, mà còn khiến 21 người dân thiệt mạng cùng với hàng chục người khác mất tích, trong số có cả trẻ em. Sau đó, thây nó thổi về hướng bắc có vẻ xìu xìu, tưởng thế là yên. Ai ngờ khi tới vùng vịnh NewYork nơi có đặt tượng Nữ thần Tự Do, nó lại bất tử cương lên đến cấp năm lận, chẳng khác chi bà chằng tới lúc nổi cơn tam bành sất cả. Mà đúng là cơn tam bành thiệt, vi nó gây tổn thất về tài sản và nhân mạng, không chi riêng cho NewYork mà cả mấy bang kế cận như Philadelphia, New Jersey, Washington…, cũng bị thiệt hại còn lớn hơn so với bang Louisana.

Ấy là mới nói về thiên tai bão lụt. Còn nạn cháy rừng cũng không kém. Như cái vụ cháy rừng kéo dài cả tháng trời thiêu rụi thi trấn Greenville tại California không nói làm chi, ngay cả vùng Sibérie giá lạnh cũng không thoát khỏi nạn cháy rừng, Rồi lại còn hầu hết các nước bao quanh Địa Trung Hải nữa chứ. Hết Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Ý lại đến miền nam nước Pháp…, có đến hàng trăm ngàn ếch ta rừng bị thiêu hủy. Ôi dào, kể sao cho hết được. Cho là cảnh cáo như vậy còn chưa đủ. Cách đây vài ngày thôi, ông Trời còn ra lệnh cho Thiên Lôi thổi một trận bão lốc như rồng cuốn nước xuống một số bang Hoa Kỳ gây thiệt hại kinh hoàng cả về nhân mạng lẫn tài sản, Chỉ riêng tại bang Kentucky cơn lốc xoáy thổi qua chỉ trong vài phút đã khiến cả thành phố tan tành như vừa bị dội bom với gần trăm nạn nhân tử vong. Mà đâu đã hết. Ngày 30-12-2021 mới đây thôi, tại bang Colorado một trận hỏa hoạn dũ dội chưa từng thấy đã thiểu hủy hàng trăm ngôi nhà, khiến không biết bao gia đình, thay vì vui vẻ họp mặt gia đình đón mừng năm mới dương lịch, lại lâm vào cảnh màn tròi chiếu đất. Chỉ với ngần ấy biến động thiên tai thôi, cũng đủ làm tôi rùng mình. Eo ơi, sao mà hãi quá ! Trước những hoàn cảnh đó, thấy mình vẫn được sống an lành, như kẻ sắp đắm tầu may mắn lọt được vào một ốc đảo phẳng lặng giữa trùng dương đày sóng gió, lẽ ra tôi phải xoa tay mỉm cười khoái trá mới phải. Ấy vậy mà mấy bữa nay, tôi cứ thấp thỏm bồn chồn, đứng ngồi không yên chẳng khác chi kẻ sắp phải ngồi trên một chảo dàu sôi lửa bỏng, Đâu có phải sợ ông Trời sẽ quay sang hỏi tội, mà lại chỉ là chuyện kín phòng the giữa con người với nhau thôi. Thế có khổ thân tôi không cơ chứ !

Chuyện kín phòng the thế gian làm tôi phải lên cơn sốt vó, ấy là vụ việc ngày 15-9-2021 quân phiến loạn Taliban, sau một thời gian ngắn nổi dạy, đã hiên ngang tiến vào thủ đô Kaboul, như vào chỗ không người. Thế là kịch bản « đồng minh tháo chạy » năm nào tại Việt Nam, ai ngờ nay lại tái diễn, nhưng với một qui mô lớn hơn nhiều. Biến cố thời sự bất thường ấy khiến tôi băn khoăn tự hỏi. Làm sao một chính quyền dân sự được dựng lên theo mô hình xã hội tự do dân chủ, và đã tồn tại suốt hai mươi năm qua nhờ vào sự hỗ trợ của một liên minh quân sự hùng mạnh do Mỹ lãnh đạo, lại có thể mau lẹ sụp đổ như lâu đài xây trên bãi cát trước một đạo quân khoảng tám ngàn tay súng chỉ được trang bị bằng vũ khí thô sơ kém cỏi ? Có thể nào một xã hội văn minh tiên tiến đã bước vào kỷ nguyên trí tuệ ảo, lại có thể bị đánh bại trước một đám người cuồng tín muốn đưa chúng ta trỏ về với nếp sống u mê tăm tối của thời Trung Cố ? Họ, những đệ tử cuồng tín của một tín ngưỡng giáo điều đã cho giật sập mấy bức tượng cao trên 50 mét tạc trong vách đá và được UNESCO xếp vào hàng di sản văn hóa thế giới. Họ, những con người chủ trương liệt nữ giới vào hàng thứ dân nô lệ, con gái không được đi học, phu nữ không được đi làm, mỗi khi ra đường phải giam thân hình trong bộ y phục đen từ đầu tới chân chỉ chừa đôi mắt, chẳng khác chỉ một kẻ tù tội chỉ nhìn được cuộc sống bên ngoài qua hàng song sắt. Có thể nào chúng ta đã bước vào kỷ nguyên văn minh kỹ thuật tiên tiến nhất ở thế kỷ 21 này, lại có thể lùi bước trước một đám quân khủng bố cuồng tín chủ trương áp đặt lên con người những tập tục hủ hóa của thời thượng cổ theo các tín ngưỡng giáo điều của họ ? Phải chăng đó là điểm gở báo hiệu một thảm họa sắp xảy ra ?

Thế nhưng mối ưu tư trăn trở của tôi, dường như lại không được một số người Việt, đặc biệt là ở Mỹ chia xẻ. Trái lại, việc truy tầm để nêu đích danh thủ phạm đưa đên sự sụp đổ chấp nhoáng của chính quyền Kaboul mới là điều đáng đem ra bàn cãi. Và thủ phạm chẳng cần tìm kiếm đâu xa, chính là tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhân vật đã bị tổng thống tiền nhiệm Donald Trump tố cáo là thiếu khả năng, là bất lực trong việc giải quyết vấn đề rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Thế là biến cố thời sự nóng bỏng ấy, bỗng trở thành đề tài tranh luận ồn ào giữa phe cuồng Trump và phe cuồng chống Trump trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Mà bạo mòm bạo miệng nhát, hung hăng nhất, vẫn là nhóm người muốn biểu lộ một lòng quyết tâm chống cộng, chống tới giờ thư 25 lận. Được đến sinh sống tại một đất nước dân chủ tự do tiên tiến, đám người này không còn cơ hội để được làm tù nhân lương tâm, nhưng lại để tự biến mình thành tù nhân của quá khứ. Tù nhân lương tâm, theo đúng nghĩa đen của từ tù nhân, trước hết là để chỉ những ai chấp nhận cuộc sống ngục tù vì dám sống và hành động theo tiếng gọi của lương tâm. Đó là những con người không may phải sống dưới những chế độ độc tài chuyên chế, nhưng không quản ngại thiệt thòi cho bản thân dám đứng lên đấu tranh cho các quyền chính đáng làm người. Nói khác đi, họ tự nguyện được làm kẻ tù tội cho lương tâm của chính mình. Tại Việt Nam, con số tù nhân lương tâm không hè ít ỏi. Tiêu biểu cho các tù nhân lương tâm này ta có thể nêu trường hợp nhà báo Nguyễn Thị Đoan Trang. Sinh năm 1978 Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Ngoại Thương Kinh Tế Quốc Tế, cô lại không theo con đường quan chức thênh thang rộng mở để tiến thân. Trái lại, cô đã chọn nghề làm báo để dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh chống lại tệ nạn xã hội, bênh vực nhưng kẻ cô thế hay thấp cổ bé miệng. Sau nhiều lần vào tủ ra khám, năm 2014, cô được cơ sở văn hóa Thomas Mann qua Mỹ tham dự một khóa nghiên cứu. Nhờ vậy cô đã có cơ hội tiếp súc và học hỏi thêm vè cơ ché sinh họat của một xã hội tư do dân chủ. Trở về, khóa học nghiên cứu đã giup cô được củng cố thêm trong niềm tin vào chức năng và sư mạng của mình. Bởi vậy cô đã tiép tục đấu tranh, như ngày 21-4-2015 tham dự váo cuộc tuần hành của nhóm “ Vì Một Hà Nội Xanh” đẻ phản đối kế hoạch chặt cây cổ thụ có từ thế kỷ thứ 10. Mặc dù trong vụ biểu tình phản đối này bị công an đánh gẫy hai chân, cô vẫn không quản nghiệp dấn thân vào nhiều cuộc đấu tranh khác, đăc biệt mạnh mẽ lên tiếng phản đối cảnh sst cơ động đa bắn chết dân trong vụ Đồng Tâm đầu năm 2020. phản đối. Kết quả là cô đã bị bắt giam và bị kết án chín năm tù tại phiên án ngày 14-12-2021 (1). Nguyễn Thị Đoan Trang không phải là nhân vật tù nhân lương tâm duy nhất. Trước cô đã có nhiều nhà đấu tranh tù lương tâm khác như Diếu cày Nguyễn Van Hải, hay Mẹ Nấm Nguyễn Thi Như Quỳnh … hoặc rất nhiều nhà đấu tranh vô danh khác cho tự do dân chủ và quyền làm người. Tôi chỉ nêu trường hợp Nguyễn Thị Đoan Trang như là khuôn mặt biểu tượng cho những con người tự nguyện làm tù nhân lương tâm, dám dấn thân vào cuộc đấu tranh cho tự do dân và các quyền làm người.

Khác vơi tù nhân lương tâm, tù nhân của quá khứ là những ai may mắn được tới sinh sống tại một nước van minh tiên tiến và được hưởng đầy đủ các quyền lợi của công dân một đất nước dân chủ tự do. Trong những điều kiện sinh hoạt thuận lợi như vậy, tiếc thay những người này đã không biết vận dụng các đặc quyền này để học hỏi, để tìm hiểu mà mở rộng thêm tầm nhìn ngõ hầu biết cách ứng xử thích nghi với thời cuộc thường xuyên biến đổi. Thay cho việc làm đó, họ lại dành thời gian trong suốt mấy chục năm trời chỉ để hậm hực, để than vãn, để tiếc nuối một giai đoạn lịch sử hào hùng vinh quang, nhưng nay đã sang trang, đã thuộc về quá khứ. Chính vì không muốn nhìn vào thực tại và hương về tương lại, mà chỉ muốn nhốt mình trong quá khứ, nên những người này mới trở thành tù nhân của chính họ. Cũng vì không muốn mở rộng tầm nhìn để nhìn ra sự thật hay, đúng ra để nhìn phân nào sự thật phù hợp với lập trường quan điểm của họ, nên nhóm người này mới tự cho chỉ có họ mới là đại diện cho TTCT (truyền thông chính thống), còn bất cứ ai muốn dùng lời phản biện đều thuộc ngành TTTT (truyên thông thổ tả). Theo rõi riết các cuộc tranh luận thuộc loại ruồi bu hay lắm thầy thối ma ấy do họ gây ra, tôi thấy rồi cũng chẳng đi tới đâu, chẳng học hỏi thêm được gi. Cùng lắm, thì cũng chỉ như anh chàng mải ngắm cái lá đa nên không nhìn ra được cả một bàu trời trăng sao vằng vặc. Chi bằng ta hãy dựa trên một vài sự kiện xác thực để gắng có được cái nhìn khách quan trung thực. Điều cần là đừng để rơi vào cái bẫy định kiến chủ quan hay do đầu óc bè đảng phe phái để rồi trổ tài ngụy biên. Bởi vậy tôi nghĩ ta cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Kaboul cũng, như cảnh triệt thoái trong hỗn loạn của Mỹ và các đồng minh Âu châu.

Như chúng ta đều biết, sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan khởi sự vào tháng 11 năm 2001, sau khi quân khủng bố Hồi giáo dùng phi cơ tấn công làm sập đổ hai tòa nhà tháp tại Nữu Ước. Lý do của sự can thiệp này, là vì Afghanistan đã trở thành sào huyệt cho quân khủng bố và cũng là nơi ẩn náu cho Ben Laden, kẻ hoạch địch âm mưu tấn công hai tòa tháp của Newyork, Trong vòng có vài ngày, các chiến binh Mỹ đã đánh bật quân Taliban ra khỏi thủ đô Kaboul khiến bọn chúng phải lẩn tránh trong các vùng đồi núi hiểm trở. Sau chiến thắng vẻ vang đó, quân đội Mỹ chủ trương tiếp tục ở lại để duy trì an ninh trật tự, đồng thời để cùng với sự hỗ trợ của một số đồng minh tây phương giúp cho việc thành lập một chính quyền dân sự theo mô hình tự do dân chủ tây phương. Nhưng trong suốt 20 năm và qua bốn đời tổng thống, từ Bush qua Obama, Trump tới Biden, và mặc dù Mỹ đã phải chi tới hơn 2000 tỷ mỹ kim, mà mục tiêu hoạch định chẳng đem lại kết quả gì. Trái lại, cảnh « đồng minh tháo chạy » trong rối loạn lại diễn ra, còn ê chề hơn cả trước đây khi Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam. Tại sao một chuyện lạ bốn phương như vây lại có thể xảy ra ? Chẳng lẽ quân Taliban đã được thần tiên tri Mahomet ra tay phù phép yểm trợ ? Để mong tìm được câu trả lời thích đáng, có lẽ ta nên tìm hiểu sơ qua về địa dư, lịch sử của Afghanistan, một đất nước xa xôi nhỏ bé trên bản đồ thế giới mà nếu không có biến cố 15-8 2021 chắc chằng mấy ai thèm để ý tới.

Trước hết về mặt địa hình, Afghanistan là một đất nước gần hai phần ba là núi non hiểm trở rất tiện lợi cho quân du kích dùng làm sào huyệt ẩn núp. Một phần ba còn lại là đồng bằng nhưng lại khô cằn không thuận lợi cho sư canh tác, ngoại trừ ngành trông á phiện. Do địa thế hiểm trở, khó giao thông liên lạc với nhau nên lãnh thổ Afghanistan được phân thành nhiều khu vực hầu như tự trị, đặt dưới quyền thống tri của các lãnh chúa địa phương. Dân chúng Afganistan hầu hết theo đạo Hồi, phần đông lại thất học và ít được giao tiếp với thế giới bên ngoài nên dễ dàng tin tưởng vào các lời giảng dạy giáo điều hay hủ tục mà các nhà truyền giáo hay thủ lãnh địa phương nhồi nhét vào đầu óc họ. Thêm vào đó, chính phủ dân sự lại hủ hóa với tệ nạn tham nhũng, chỉ lo củng cố quyền hành và chia chác quền lợi nên ánh sáng văn minh tự do dân chủ chỉ đến được với dân chúng thị thành mà thôi. Với một vài đặc tính về địa thế và một chính quyền dân sự kể trên, ta mới hiểu tại sao sau hai mươi năm đóng góp về nỗ lực và tiền của, Mỹ và đồng minh vẫn không đem lại ánh sáng tự do dân chủ cho toàn dân Afghanistan. Và đó cũng là lý do tại sao Mỹ quyết định rút quân ra khỏi Afghanístan, Ý định rút quân này đã được manh nha từ thời tổng thông Obama, nhưng nó chỉ được thực hiện dưới hai nhiệm kỳ của hai vị tổng thống Trump và Biden.

Ông Trump là nhân vật đầu tiên bắt tay vào việc tiến hành công cuộc triệt thoái. Đắc cử chưa đầy một năm, ngày 24-8-2017, ông Trump đã loan báo quyết định rút quân khỏi Afghanistan, đúng với tinh thần khẩu hiệu « America First » tranh cử của ông.

Và để thực hiện lời hứa, đầu năm 2020, ông đã phái ngoại trưởng Mike Pompeo tới Doha, thủ đô Quatar để thương thảo riêng với nhóm Taliban về chuyện rút quân, không có sự tham dự của chính quyền dân cử Kaboul. Kết quả ngày 29-2-2021, đôi bên đi đến thỏa thuận là Mỹ sẽ rút hết quân ra khỏi Afghanistan trước ngày 01-5-2021 ; đổi lại Taliban hứa sẽ hợp tác với chính quyền Kaboul hầu tiến tới việc thành lập một chính phủ dân sự hòa hợp hòa giải Afghanistan. Thoạt nhìn, có thể coi đây là một thành quả ngoai giao đáng kể. Nhưng thực tế, không biết có phải chịu áp lực từ phía Mỹ hay không, hay để chứng tỏ thiện chí hòa giải mà chính quyền dân sự Kaboul đã phải trả tự do cho 4000 tù binh Taliban trong đó có cả một viên thủ lãnh, để chỉ nhận lại khoảng chừng 400 tù nhân phe chính phủ mà thôi. Rất tiếc là ông Trump đã không tái đắc cử, để lại vấn đề Afghanistan cho ông Biden giải quyết.

Chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1-2021, ông Biden cũng đã công khai xác nhận ý định rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Nhưng để có thời gian chuẩn bị cho việc rút quân được tốt đẹp, ông đã rời ngày rút quân, thay vì 30-4-2021 như ông Trump đã đạt được thỏa thuận, nay đổi thành 31-8-2021. Thề nhưng vụ việc đã không diễn ra theo dự liệu. Nắm được dụng tâm rút của Mỹ rút khỏi Afghanistan, quân khủng bố Taliban đã mở cuộc tiến công toàn diện. Chưa đầy một tháng họ đã làm chủ được hầu như toàn thể lãnh thổ Afghanistan và tiến sát gần tới thủ đô Kaboul, khiến tổng thống đương nhiệm Afsha Ghani lẫn phó tổng thống đều vội vàng bỏ trốn ra nước, bỏ mặc người dân hốt hoảng ùn ùn kéo nhau tới phi trường kiếm đường tị nạn. Có thể nói đây là thất bại thê thảm nhất của nước Mỹ. Và người phải chịu trách nhiệm cho cuộc rút quân hoảng loạn này chỉ có thể là tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Bởi thế ông mới bị người tiền nhiệm Donald Trump lớn tiếng đả kích, cho ông là bất lực và không đủ khả năng lãnh đạo nên mới để xảy ra vụ rút quân thất bại nhục nhã như vậy.

Thoạt nghe, tôi thấy cũng bùi tai nên thầm nhủ : « Ai biểu ông già đi chọn cho mình cái tên Bẩy Đần (Biden) làm chi. Đã thế, ngần ấy tuổi đầu rồi mà chẳng chịu ở nhà vui thú điền viên với cháu nội cháu ngoại, lại bon chen ra tranh cử. Nay có bị tố cáo là đã đánh cắp cái ghế tổng thống bằng gian lận bàu cử thì cũng đáng thôi. Kêu mà ai thương. ». Nhưng thấy thiên hạ cứ đua nhau lôi đầu ông già ra mà kí, tôi thấy có phần nào quá đáng và phân vân tự hỏi : « Ưà, mà có thật chỉ mình ông Biden phải chịu trách nhiệm về cuộc rút quân thất bại này không ? Quân đội Mỹ đã có mặt tại Afghanistan từ 20 năm rồi, mà chuyện rút quân chỉ diễn ra có vài tháng sau khi ông Biden nhậm chức. Thì cứ cho là ông đã tuổi già đâm lú lẫn, nên mới bị thiên hạ tặng cho cái nick name Bẩy Đần. Thế còn con số trên tám mươi triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Biden, chẳng lẽ họ cũng cù lần như ông ta sao ? » Thế là tôi chép miệng thầm nghĩ : «  Phải chi ông Biden đừng có ra tranh cử, để ông Trump nắm chiếc ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa có phải hơn không. Khi đó ta sẽ thấy được ông ta đã có kế hoạch rút quân màu nhiệm như thế nào  » Rất tiếc là ông Trump đã không được tái cử, nên ông ta mới không có cơ hội thi thố tài năng. Nhưng có chắc đúng là vậy không ? Chi bằng để kiểm chứng, ta hãy tạm gác qua một bên những gì ông Trump nói, mà hãy nhìn vào thành quả hay hậu quả những gì ông Trump đã làm. 

Để kiểm chứng, ta có thể dựa trên hai chiêu thức ngoạn mục được ông Trump tung ra ngay sau khi vừa nhậm chức. Trước hết là quyết định đơn phương xóa bỏ thỏa hiệp ngưng phát triên năng lượng hạt nhân mà quốc tê đã đạt được với Téhéran. Tiếp đến, ông Trump lại tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa hiệp Cop 21 về biến đổi khí hậu mà quốc tế đã đồng thỏa thuận tại Paris năm 2015. Ta có thể coi chiêu thức thứ nhất như là một cử chỉ lên cơ bắp nhằm « to make America Again » để cho thấy rằng nước Mỹ là number one, là xếp sòng, chẳng ngán ai mà cũng chẳng cần ai. Về quyết định thứ hai, ông Trump hẳn muốn gửi thông điệp tới thành phần cử tri ruột của ông để cho thấy là ông thực hiện đúng khẩu hiệu « America First » khi ra tranh cử. Kết quả ra sao, nay đã rõ.

Trước hết là việc ông Trump đơn phương quyết định xóa bỏ Thỏa hiệp về ngưng phát triển năng lực nguyên tử. Quyết định này đã giúp cho Iran vin cớ không phải mình là kẻ phá rào, nên tự cho có quyền tiếp tục tìm kiếm làm giàu chất uranium để gia tăng năng lực nguyên tử lên gấp đôi. Báo hại cho Liên Hiệp Quốc và liên minh tây phương cho tới giờ này vẫn loay hoay như gà mắc đẻ, chưa biết giải quyết ra sao. Tiếp đến là chuyện ông Trump cũng dơn phương rút khỏi thỏa ước quốc tê COP 21 về biến đổi khí hậu. Với quyết định này nhằm cho phép tiếp tục khai thác các nguồn khí thạch tạo thêm công ăn việc làm cho công dân Mỹ, hẳn ông Trump muốn chứng tỏ là ông dã thực hiện đúng khẩu hiệu « América First » của ông. Nhưng trước các hiện tượng thiên tai bão lụt đang diễn ra trên toàn thế giới, các giới khoa học có thẩm quyền đều cho là do hâm nóng địa cầu, và nay đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu cho sự sinh tồn cuộc sống thế gian trong những thập niên sắp tới. Vậy mà ở cương vị một lãnh tụ nuôi tham vọng phục hồi vai vế lãnh đạo của Mỹ để dược trở thành người cầm lái vĩ đại cho con tàu thê gian, vừa mới nhậm chức ông Trump đã vội vã đưa ra hai quyết định với tầm nhìn ngắn hạn như vậy, ai nghĩ sao không biết,  Riêng về phần tôi, của đáng tội, tôi thấy cũng hơi kỳ kỳ. Kỳ kỳ, bởi vì quyết định rút khỏi thỏa ước COP 21 của ông Trump đã ảnh hưởng không ít thì nhiều tới kết quả Hội nghị quốc tế 26 về biến đổi khí hậu họp ở Glasgow tháng 9 vừa qua. Trước hết, có lẽ cũng muốn bắt trước ông Trump, cho là lời báo động về hiểm họa nhiệt lượng địa cầu gia tăng chỉ là chuyện tào lao, nên chủ tịch hai cường quốc gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới là Vladimir Poutine (Nga) và Tập Cận Bình (Trung quốc) đã không thèm đích thân tới dự. Bởi thế Hội nghi đã chỉ đem lại một kết quả xìu xìu ển ển, nửa nạc nửa mỡ vói một bản tuyên bố chung bày tỏ  ý định tiến tới mục tiêu giảm bớt khí thải C20 trong vòng 20 năm tới, nhưng không kèm theo một biện pháp cụ thể nào. Nhìn nỗi thất vọng tiu ngỉu trên bộ mặt của đám trẻ trong các cuộc biểu tình tại nhiều thủ đô trên thế giới nhằm kêu gọi các bậc phụ huynh, cha ông hãy nghĩ tới tương lai thế hệ họ, tôi cũng buồn lây. Nhưng biết làm sao bây giờ ? Thôi đành chép miệng thở dài : « Mai đây trời đày bão tố, tụi bay rồi sẽ sống ra sao? » Nhưng thôi, dẫu sao thì cũng chỉ là biến cố thiên tai mà thôi. Xin trở lại với vụ Afghanistan mới là mối trăn trở hàng đầu của tôi.

Về vụ rút quân Mỹ ra khỏi Àfghanistan, phải nhìn nhận đây là một thất bại nặng nề mà ông Biden không thể chối bỏ phần nào trách nhiệm. Nhưng ông chỉ là người phải ra đứng mũi chịu sào vào giờ chót mà thôi. Chúng ta chớ nên quên ràng Mỹ đã có mặt tại lãnh thổ Afghanistan từ hai mươi năm rồi, không chỉ về mặt quân sự, mà còn về mặt tài chính với hơn hai ngàn tỷ mỹ kim đổ vào. Vậy mà thiện chí giúp cho Afghanistan được trở thành một đất nước tự do dân chủ theo mô hình tây phương đã thất bại chỉ vì chính quyền dân cử tham nhũng thối nát, chỉ lo quyền lợi riêng tư mà thôi. Bởi thế ông Biden mới chủ trương nên rút quân khỏi Afgnanistan để tập trung mọi nỗ lực vào việc đương đầu đối phó với hiểm họa lớn đe đe dọa tới an ninh hòa bình thế giới. Đó là tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc tại vùng Ấn độ- Thái Bình Dương. . Chả thế mà trong lúc còn phải đương đầu với việc rút quân Mỹ và các cộng sự viên ra khỏi Àfghanistan, ông vẫn không quên cử bà phó tổng thống Kamala Harris ngày 24-8-2021 tới thương thảo để tăng cường hợp tác với Singapore và Việt Nam, mà ồng cho là hai đối tác giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Không những thế, ngày 26-8-2021 ông còn tổ chức buổi họp của bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn độ để bàn thảo về kế hoạch chống Trung Quốc. Và để bày tỏ quyết tâm đương đầu với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tàu cộng, thứ sáu 22-10-2021 ông đã thẳng thừng tuyên bố là Mỹ sẽ không chịu khoanh tay đứng ngó nếu Bắc Kinh tính xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Sự quan tâm của ông Biden tới hiểm họa tại vùng Ấn Độ-Thái bình Dương lớn đến độ đã gây ra xích mích có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị và ngoại giao giữa Mỹ và Pháp, vốn là hai đồng minh thân thiết với nhau, Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng đó là ngày 15-9-2021 Úc đơn phương tuyên bố hủy bỏ hợp đồng ký kết từ năm 2015 để mua của Pháp mười hai tàu ngầm chạy bằng khí đốt. Thay vào đó, Úc lại nhờ Mỹ cung cấp cho loại tàu ngầm chạy bắng năng lượng nguyên tử.

Thoạt nhìn, đây có vẻ là một vụ giành giật thi trường, và Mỹ đã tìm cách phỗng tay trên của Pháp một thương vụ béo bở. Nó đã gây ra một làn sóng công phẫn phẫn dữ dội trong dư luận Pháp, khiến ngoại trưởng Pháp Yves le Drian đã gay gắt lên án hành động của Mỹ và Úc, quyết định triệu hồi đại sứ Pháp tại Mỹ và Úc, để biểu lộ sự tức giận. Riêng chỉ có tổng thống Pháp, không những tuổi trẻ tài cao mà còn có tên là Ma Cà Rồng (Macron) nữa, vậy mà cũng làm thinh có vẻ như đành chịu trận ngậm miệng ăn tiền. Trong thâm tâm ông, chắc cũng hiểu rằng đây không hẳn là một vụ tranh chấp thương vụ, mà còn là do lợi ích chiến lược chung cho thế giới tự do, Nếu Mỹ có ý định hất cẳng Pháp thì chẳng cần chờ đến năm năm sau mới tiến hành ý đồ. Sở dĩ có vụ hủy bỏ hợp đồng giữa Úc và Pháp là do tham vọng bành trướng làm thổ và làm chủ vùng Biển Đông của Trung quốc ngày càng tỏ ra lộ liễu. Để đối phó, Úc cần được trang bị loại vũ khí tối tân hơn, đó là các tàu ngầm nguyên tử. Có lẽ cũng hiểu được nhu cầu chiến lược này của Mỹ và Úc tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương nên sau cuộc điện đàm giữa hai ông Bẩy Đần và Ma Cà Rồng hôm thứ tư 22-9 vừa qua, hai bên đã tìm ra được sự đồng cảm và ông Ma Cà Rồng cho biết là đại sứ Pháp sẽ trở lại Hoa Thịnh Đốn tuần sau đó. Thế là vụ xích mích tưởng đến phải lôi nhau ra tòa, cuối cùng được giải quyết êm đẹp. Xét cho cùng, đây cũng chỉ là câu chuyện va chạm bình thường trong cuộc chung sống lứa đôi mà thôi. Bộ không thấy là có những cặp vợ chồng vẫn yêu nhau thắm thiết, yêu nhau ra riết, yêu nhau hết biết (trời trăng là gì), mà cũng có lúc phải xô bàn đúng dạy, gấu ó nhau, đập bể chén bát hay sao. Huống hồ…

Nhưng thôi, những câu chuyện thuộc loại thiên hạ đại sự ấy, đã có nhà nước lo, hoặc xin nhường cho các bậc cao minh hiền triết lo. Về phần tôi, một phó thường dân thuộc loại tép riu may mắn được sinh ra nhằm thời đại này, chỉ mong sao có đựơc cuộc sống an lành để được hưởng đủ mọi tiện nghi do văn minh kỹ thuật tiên tiến đem lại. Bởi vậy trước các biến động thiên tai và thời sự trình bày ở trên, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi cứ với đà này, tương lai xã hội loài người rồi sẽ đi về đâu. Giữa lúc đang trăn trở với ưu tư ấy, bỗng nghe vọng lên như từ cõi âm câu nói của học giả Pháp Paul Valéry, tôi được nghe nhắc đến khi còn là học sinh trung học, nhưng vì lâu ngày nên đã quên mất : « Nous autres, civilisations, nous savons maintenant que nous sommes mortelles ». Quả thật nhìn lại lịch sử, chúng ta đã được chứng kiến sự hình thành của nhiều nền văn minh khác nhau. Nhưng sau một thời hưng thịnh rực rỡ ánh sáng, chúng đã bị tha hóa đề ngày thêm thoái hóa và suy tàn để cuối cùng bị tiêu vong, còn lại chỉ là những di tích hay tàn tích mà thôi. Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc, những lâu đài đổ nát Đế Thiên Đế Thích tại Campuchia, những Kim Tự Tháp trên các vùng sa mạc tại Ai Cập hay những đấu trường La mã hoang tàn vẫn còn đó. Nhưng Valéry đã đưa ra nhận định này từ đầu thế kỷ trước cơ  mà. Còn chúng ta, nay đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật điện tử với trí tuệ ảo của thế kỷ 21 rồi. Liệu nhận định trên của Valéry có còn giá trị và ý nghĩa với nền văn minh tiên tiến của chúng ta hay không ? Để kiếm câu trả lời, tưởng ta cũng nên tìm hiểu sơ qua ý nghĩa của từ văn minh. Có nhiều định nghĩa uyên bác về hai chữ văn minh. Chả giáu gì qui vị cái đầu tôi nay đã gần như trắng hếu, lơ thơ còn lại có dăm ba cọng tóc. Bộ nhớ của tôi, do đó cũng xệu xạo lú lẫn theo. Những điều đáng biết hay cần nhớ thì quên. Còn những điều được biết nhưng nay dã quá đát thì lại nhớ. Bởi vậy tôi chỉ nhớ lời giảng về hai chữ văn minh của ông thầy dân miệt vườn khi tôi còn là học trò lớp nhất một trường tiểu học tỉnh lẻ. Sau đây là đại khái lời giảng của ông thầy tôi còn nhớ : «  Văn tức là lời nói, chữ viết ; còn minh tức là ánh sáng hay sáng sủa. Con người khác với con vật là nhờ tạo hóa ban cho trí óc thông minh đê biết dùng lời bày tỏ với nhau và dùng chữ viết ghi lại để tích lũy truyền đạt cho nhau. Nhờ vậy mà con người ngày càng mở rộng sự hiểu biết để biết cải thiện các điều kiện sinh sống cũng như biết cách cư xử tốt đẹp vói nhau hơn. Sở dĩ con người được tôn vinh làm chúa tê muôn loài so với các động vật khác cũng nhờ thế đó . Vậy các trò phải học hành chuyên cần cho tấn tới, phải biét nhường nhịn học hỏi nhau, giúp đõ lẫn nhau, chứ đừng có gây gổ cãi cọ nhau. Có thế các trò mới tỏ ra là con người biết sống văn minh ». Vậy chứ, theo định nghĩa này về văn minh của ông thầy dân miệt, với những phát minh khoa học ngày càng tiến bộ, chúng ta đã có được trở thành những con ngườ biết sống văn minh hơn không ?

Quả thật so với các nền văn minh trước nó, nhờ vào những thành tựu khoa học mới thực hiện, chúng ta có thể tự hào có dược một nếp sống văn minh chưa bao giờ đạt tới mức đỉnh cao trí tuệ loài người đến thế. Xin tạm chỉ nêu lên cái smartphone làm thí dụ. Với cái vật dụng sẵn có trong túi này, bất cứ lúc nào ta cũng có thể thông tin, liên lạc với nhau từ lục địa này qua lục địa khác, Không những thế, nếu muốn, còn có thể như được đối diện chuyện trò với nhau , Nhưng đổi lại với sự thu hẹp khoảng cách không gian xã hội , cái smartphone dường như làm lòng người lại mỗi lúc xa lánh nhau. Hồi nhỏ mỗi lần đến thăm ông bà, đám con nít tụi tôi bao giờ cũng xà vào lòng líu lo kể chuyện về học hành, về bài vở, về thầy cô để được ông bà xoa đầu khen ngoan và thưởng cho miếng bánh hay cái kẹo. Ngày nay mỗi lần đến tham ông già bà cả, đám con nít đã vội chìa cái mặt ra cho ông bà bi du, rồi sau đó mỗi đứa chui vào một góc chúi mũi vào cái smartphone đê chơi games hay chít chát cho nhau những chuyện trời ơi đất hỡi gì đó, Tới giờ cơm phải kêu tới năm lần bảy lượt mới chịu rời cái máy ngồi vào bàn ăn, Mà đâu chỉ có vậy. Cái smartphone còn khiến đứa trẻ ngày nay, chỉ cần nhấn vài nút trên máy đã có thể trở thành một kẻ thông thái không thua gì các bậc học giả uyên bác nhất, Có lẽ nhờ vậy hay chính vì vậy mà trình độ hiểu biết và văn hóa nay ngày càng suy đồi xuống cắp, Thời xưa khi mới được cắp sách đến trường, lời dặn dò và cũng là câu học thuộc lòng đầu tiên của chúng tôi đều là nhất tự vi sư bán tự vi sư, hoặc không thầy đố mày làm nên. Bởi thế ông thầy bao giờ cũng được kính trọng và tình thầy trò luôn luôn khắng khít, Ngày nay, nhờ có smartphone và mạng xã hội kết nối nên học trò đâu có cần tới thầy, cô để mà kính trọng như xưa nữa, Giờ đây, thầy cô mỗi lần đứng trên bục giảng phải biết giữ gìn lời ăn tiếng nói như cô dâu ngày xưa mới về nhà chồng ấy. Nếu không cẩn thận có đứa học trò thấy ngứa tai, dám bị nó đục lắm. Chả thế mà thứ hai 29-11-2021 tại lycée Montaigne, một trường trung học danh tiếng ngay trung tâm khu văn hóa quartier latin quận 6 Paris, một bà giáo sư dạy toán, khi lên tiếng cảnh cáo không cho một học sinh dùng máy tính trong giờ làm bài, đã bi tên học trò mới mười lăm tuổi sấn đến đấm cho thâm tím mặt mày. Dẫu sao, nếu chỉ bị đục(1) thôi hãy còn hên chán. Chỉ sợ có khi còn bị xin tí huyết (1) lúc nào chẳng hay. Đó là trường hợp đã xảy ra với giáo sư sử địa tên Samuel Paty tại Confflans Saint Honorine kế cận thủ đô Paris vào mùa tựu trường 2020. Trong một buổi học khi giảng về quan điểm thế tục (la laicite), nghĩa là chủ trương loại bỏ vai trò của bất kỳ tôn giáo nào tại học đường hay trong đời sống xã hội, một tên học trò chẳng biét nghe làm sao, đã cho là ông thày có lời xúc phạm tới đấng tiên tri Mohamet, bèn đưa lên mạng để tố cáo. Thê là một tên khủng bố cuồng tín theo đạo Hồi, đã rình đón vi giáo sư trên đường trở về nhà, không chỉ đâm chết mà còn chặt cổ.

Thế mới biết nền văn minh khoa học điện tử với trí tuệ ảo, nếu chỉ nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ các tiện nghi vật chất, dễ dẫn đến huỷ hoại tâm hồn lắm. Như lời cảnh báo của nhà văn Pháp Rabelais ngay từ đầu thế kỷ XVI : “ Khoa học mà không có lương tri, chỉ dẫn đến huỷ hoại tâm hồn” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme.- Francois Rabelais ; Pantagruel. Ch. 8). Chả thế mà Đức Giáo Hoàng Francois khi đến thăm đảo Lesbos ngày 10-12-2021 đã phải lên tiếng than phiền về sự “đắm chìm của con tàu văn minh tây phương” (le naufrage de la civilisation occidentale). Lesbos là một hòn đảo của Hy Lạp, nơi dành để tiếp đón đủ mọi thành phân dân tị nạn, đăc biệt là từ Phi Châu và Trung Đông tìm đến đẻ trốn tránh chiến tranh bạo lực hay đói khổ do hạn hán hay thiên tai lụt lội. Nhưng nay Lesbos đã trở thành một thứ trại giam lỏng, làm nơi tập trung hàng ngàn con người, bất kể là trẻ sơ sinh hay những đứa bé lên năm lên ba, đều phải sông chen chúc trong những túp lều siêu vẹo, thiếu thốn đủ mọi thứ về thuốc men hay thực phẩm, Sau khi phải vượt qua không biết bao khó khăn hiểm nghèo, nay được đặt chân lên một phần đất của thế giới văn minh tây phương, họ chẳng được thông cảm thì chớ, lại hầu như bị hắt hủi xua đuổi nữa . Trước tình cảnh của những đám người bất hạnh đó, và thái độ lạnh lùng của các nước tây phương, ta mới hiểu tại sao Đức Giáo Hoàng đă phải lên tiếng than phiền về sự đắm chìm của con tàu văn minh tây phương.

Đắm chìm, trước hết là thái độ lạnh lùng hầu như hắt hủi của các nước tây phương dư tiền thừa của. Điển hình cho thái độ thờ ơ vô cảm này là những bức tường biên giới được dụng lên để ngăn chặn các làn sóng di dân đổ tói. Như bức tường còn xây dở giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ, rồi nay là nhiều bức tường khác liên tiếp được dựng lên tại một số nước Âu châu. Nhưng đặc biệt hơn cả là bức tường vừa được dựng lên giữa Bielorussie và Ba Lan. Bức tường không chỉ biểu tượng cho thái độ lạnh lùng vô cảm, mà còn nói lên sự vô luân bất nhẫn của Loukavchenko, tổng thống nước Bielorussie. Vô luân và bất nhẫn vì đã không biết thông cảm thì chớ, ông ta lại còn sử dụng nỗi bất hạnh của đám người di dân làm công cụ để trả đũa hành động trừng phạt của các nước tây phương. Sở dĩ có sự trừng phạt này là do Loukachenkov đã ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế khi ra lệnh chặn một chuyến bay ngang không phận Bielorussie để bắt giam một lãnh tụ đối lập. Đê trả thù và đồng thời cũng đẻ bát chẹt, ông Loukachenkov, không chỉ cấp chiếu khán mà còn cho máy bay chở hàng ngàn dân tị nạn tới sát biên giới Ba Lan. Lẽ dĩ nhiên là Ba Lan không thể đứng ra cáng đáng để cho dân tị nạn ùa vào nước mình được, nên đã cho dưng một bức tường ngăn cách biên giới hai nước. Chi tội cho hàng ngàn gia đình dân tị nạn trong đó có cả nhũng đứa trẻ thơ, bỗng dưng bị rơi vào tình cảnh đem con bỏ chợ ấy, nay phải sống vất vưởng lây lất không biết xoay sở ra sao. Chỉ riêng sự kiện này thôi cũng đủ cho thấy văn minh robot điện tử đã không giúp con người tiến bộ hơn về đời sống tâm linh. Trái lại, nó còn làm con người tâm hồn ngày một thêm khô khốc, ngày một thêm ích kỷ, xa lánh nhau, chia rẽ nhau, thờ ơ lãnh đạm trước những đau khổ bất hạnh của đồng loại.

Nhưng tiến bộ văn minh kỹ thuật không chi làm huỷ hoại tâm hồn, mà có nguy cơ dẫn đến huỷ diệt toàn bộ cuộc sống thế gian. Tiến bộ khoa học nếu có giúp con người gia tăng khả năng quyền lục, đồng thời lại làm sống dạy bản năng dã thú nơi con người, hay đúng ra nơi một số người, khiến họ đâm kiêu ngạo, tưởng mình không phải là những đứa con Trời, mà đã trở thành những ông trời con. Bởi vậy chưa bao giờ chúng tạ lại thấy xuất hiện nhiều ông trời con đến thế. Những hạng tép riu như Kim Jung Un (Bắc Hàn), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) hay Loukatchenkov (Bielorussie), không nói làm chi. Chỉ riêng hai ông thần Tập Cận Bình, Vladimir Poutine, với tham vọng bành trướng lãnh thổ và nắm quyến bá chủ thế giới của họ cũng đủ làm tôi đổ mồ hột rồi. Tôi rùng mình khi nghĩ, nếu một sự đông chạm bất thường nào đó xảy ra, dù tại vùng Biển Đông nơi Tập Cận Bình đang lên cơ bắp diễu võ dương oai, hay khu Dombass là nơi Poutine đang nuôi tham vọng sáp nhập làm thành một phần lãnh thổ của Nga như với Crimée trước đây, chắc sẽ khó tránh khỏi một cuộc thế chiến thứ ba. Khi ấy, với sức mạnh nguyên tử nay mạnh gấp ngàn lần so với hai quả bom dội xuống Nagasaki và Hiroshima trước đây, không chỉ riêng trái đất, mà toàn bộ đời sống trên thế gian náy chắc cũng sẽ tan tành xí quách mất thôi. Chỉ riêng ý nghĩ này cũng đủ làm tôi lo trán đổ mồ hôi hột, chân tay lại bủn rủn lạnh buốt. May thay, đúng lúc đang lên cơn sốt vó ấy, một vài hình ảnh chợt hiện về giúp tôi được phần nào an tâm.

Trước hết là hình ảnh thời sự về Afghanistan sau khi toàn bộ xử sở này lọt vào tay quân taliban. Mới nghe tin quân taliban đang tiến sát tới gần thủ đô Kaboul, cả tổng thống lẫn phó tổng thống, bình thường oai phong lẫm liệt với tiền hô hậu ủng, đã vội vàng bỏ trốn ra nước ngoài đành bỏ của chạy lấy người. Chả thế mà khi đám quân Taliban tiến vào dinh phó tổng thống, đám người mặt mày hung dữ từ nơi rừng rú trở về đã phải ngỡ ngàng choáng ngợp trước một dinh cơ xa hoa hoành tráng chăng khác chi tòa lâu đài nguy nga tráng lệ như trong các câu chuyện thần thoại Ngàn Lẻ Một Đêm ấy. Vậy mà chỉ vài ngày sau khi Kaboul thất thủ, đã có những phụ nữ Afghanistan, bất chấp sự đe dọa của đám quân taliban cuồng tín và những hình phạt khốc liệt có thể dành cho họ, dám hiên ngang đứng dậy như để thách đố những ông chủ mới của Afghanistan . Từng toán nhỏ, tay không tấc sắt và chỉ với lòng dũng cảm, họ khoác tay nhau, ngực đeo tấm bảng đi diễn hành trên đường phố Kaboul miệng hô to các khẩu hiệu đòi được hưởng các quyền chính đáng của người phụ nữ trong một xã hội tự do bình đẳng. Cùng với hình ảnh những người phu nữ Afghanistan biểu lộ một tinh thần đấu tranh bất khuất ấy, là hình ảnh nữ ca sĩ Phi Nhung trong buổi tang lễ của cô. Tới đây, tôi không thể không dành vài hàng để nói về cô. Chẳng phải vì bon chen tình chuyện nhào vô ăn có để được theo đóm ăn tàn về một đề tài thời thượng còn ăn khách. Không, mục đích của tôi là chỉ muốn nói lên một vài cảm nhận riêng về con người và cuộc đời của cô ca sĩ trong khuôn khổ bài viết này. Đăc biệt là con người của cô mang hai dòng máu Mỹ Việt, tuy sớm được lên đài danh vọng tại Mỹ, nhưng không vì thế để đánh mất phẩm chất con người thuần Việt của mình.

Sinh ra lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại một miền cao nguyên đất đỏ tại Việt Nam, cô đã mồ côi cha ngay khi mới ra đời. Rồi chẳng bao lâu lại tới mẹ, nên ngay từ thuở thiếu thời cô đã phải bôn ba bương trải để phụ giúp bà ngoại chăm sóc năm đứa em còn nhỏ dại. Tới tuôi trưởng thành, nhờ mang hai giòng máu Mỹ-Việt, cô may mắn được sang Mỹ theo diện con lai. Tuy được đặt chân đặt chân lên một xứ hùng cường nhất thế giới, nhưng ngay từ phút đầu, cô đã phải vật lôn làm đủ thứ nghề phần để nuôi thân, phần có thêm chút tiền gửi về để giúp bà nuôi dưỡng các em. May nhờ có giọng ca thiên phú truyền cảm, cô được một ca sĩ đang ăn khách là Trizzie Trinh biết đến, đã khuyến khích và giúp cô luyện giọng để gia nhập ngành ca hát. Là một cô bé lọ lem đến từ một xứ nghèo chậm tiến, nay lại sớm được trở thành nữ hoàng ca nhạc tại quê cha vốn là quốc gia trong giai đoạn lập quốc, có truyền thống coi trọng những ai làm nên cơ đồ hay xây dựng được nghiệp lớn cho đất nước (chứ không phải chỉ gom góp một tài sản kếch xù cho bản thân), đó chinh là điều mong ước « giấc mơ Hoa Kỳ » trở thành hiện thức cho bất ai được tới sinh sống tại Mỹ. Thế nhưng cô bé lọ lem ấy, lại không bị sự thành công sớm đến với hào quang làm cô bị choáng váng đến độ mắc hội chứng điên cái đầu (fou la tête) . Bởi vậy cô không hề như những ai đó khuỳnh tay ưỡn ngực, mặt vênh váo hất hàm ra đều thách đố thiên hạ đã biết ta chưa (m’ as-tu vu?) để trả thù đời cho bõ ghét. Trái lại, càng được bước lên cao đài danh vọng bao nhiêu, cô lại càng không quên đất mẹ nơi chôn nhau cuống rốn của mình và cũng là nơi để lại cho cô nhiều kỷ niệm đẹp của thời thơ áu. Sau mỗi buổi trình diễn thành công với những tràng pháo tay nhiệt liệt tán thưởng, nhìn đám khán giả hả hê lũ lượt bỏ ra về, cô mới cảm nhận ra rằng hào quang vừa đến với cô chỉ là ảo ảnh, và sư thành công chưa hẳn đã là thước đo giá trị con người. Và chính vào những lúc đó, khi còn lại một mình trên sân khấu trống vắng, cô mới cảm thấy luyến nhớ cái hơi ấm tình người, cái khung cảnh nghèo hèn với những con người cùng hoàn cảnh như cô, nhưng giàu lòng bác ái đã đùm bọc nuôi dưỡng cô. Bởi vậy sau những show trình diễn thành công tại Mỹ, cô đã dành hầu hết số tiền cát xê nhận được đem về Việt Nam để làm việc từ thiện, đặc biệt là xây dưng một ngôi chùa để nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi. Là đứa trẻ sơm mồ côi cha rồi tới mẹ, cô hiểu hơn ai hết nỗi lòng của những bé mồ côi thèm khát tình thương của cha mẹ như thế nào, vì vậy cô đã nhận hai mươi ba em bé mồ côi làm con nuôi. Cũng vì hết lòng tận tụy với tha nhân, bất kể tới thân mình, nên trong một công tác thiện nguyện tại Việt Nam cô đã bị nhiễm covid-19 mà không hay. Tới khi bịnh phát hiện và được đưa vào bịnh viện Chợ Rẫy để chưa trị thi đã quá muộn và cô đã giã từ cỗi thế ngày 28-8-2021. Hình ảnh cô nằm trong quan tài, hay tay khoanh trước ngực, khuôn mặt an nhiên thanh thản, chẳng khác chi đứa trẻ thơ trong giấc ngủ ngon lành, đó là di sản cô để lại trước khi giã từ cõi thế.

Giữa lúc tâm thần đang bấn loạn trước viễn ảnh một cuộc thế chiến thứ ba kinh hoàng khủng khiếp có thể xảy ra, thì câu chuyện về nhà dấu tranh tù nhân lương tâm Nguyên thị Đoqn Trang, hay hình ảnh những phụ nữ Affghanistan khoác tay nhau diễn hành trên đường phố Kaboul, cũng như hình ảnh Phi Nhung thanh thản nằm trong chiếc quan chợt hiện lên. Những hình ảnh cũng tầm thường thôi, nhưng cũng đủ nhắc nhở tôi ràng tinh thần dũng cảm đấu tranh bất khuất và tình yêu thương đồng loại, tấm lòng quảng đại với tha nhân, hai tình cảm nền móng cho một xã hội nhân bản thực sụ văn minh hãy còn đó, vẫn tồn tại. Những người phụ nữ ấy, mà bình thường ta vẫn nhìn bằng cặp mắt kênh kiệu và bi đám khủng bố taliban liệt vào loại thứ dân nô lệ, thì chính họ và chỉ có họ vào những lúc này mới dám đứng lên đương đàu với thử thách, hầu gìn giữ cho thế gian này khỏi bị tan rã, như Albert Camus đã lên tiếng kêu gọi từ giữa thê kỷ trước khi nhận lãnh giải thưởng văn học Nobel 1957 ( 2). Chỉ vài hình ảnh đó thôi cũng đủ làm tôi nghe lòng như ấm lại, và cảm thấy dâng lên niềm tin hi vọng rằng nhận định của Paul Valéry về các nền văn minh chỉ mới là những lời cảnh báo, chưa hẳn đã là hồi chuông báo tử cho nền văn minh kỹ thuật máy móc tiên tiến, mà chúng ta vẫn lấy làm tự hào. Mong lắm thay.
(Viết xong sau khi đọc lại để bổ sung và sửa đổi cho hoàn chỉnh vào một ngày đầu năm dương lịch 2022)
(1) - Theo một bài viết của nhà văn Phan Nhật Nam mang tựa đề «  Đoan Trang hiên ngang đối mặt Sự Ác ».
(2) - « Đục », có nghĩa là “đấm đá”, còn “xin tí huyết” có nghĩa “đâm chém”, từ ngữ thông dụng của giới giang hồ anh chị, hay của dân linh tráng ba gai tại miền nam Việt Nam trước 1975.
(3) - «  Chaque génération, sans doute, se croit vouée à refaire le monde. La mienne sait pourtant qu’elle ne le refera pas. Mais sa tâche est peut-être plus grande. Elle consiste à empêcher que le monde ne se défasse. » (Hẳn là mỗi thế hệ đêu gán cho mình sứ mạng tái tạo thế giới. Thế hệ của tôi, tuy nhiên lại biết răng nó không làm vậy. Chính vì thế mà nghĩa vụ của nó có lẽ còn lớn lao hơn. Đó là giữ cho thê giới khỏi bị tan rã). (Albert Camus : ESSAIS - « Discours du 10 Décembre 1957 » Bibliothèque de la Pléiade, Editions Gallimard 1965, p. 1073





VVM.08.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com