Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





LUẬN VỀ CHỮ DUYÊN

  



C ó NHÂN mà sinh ra QUẢ gọi là DUYÊN 緣

Kinh Phật có câu : TAM GIỚI THẬP PHƯƠNG VÔ CẦU BẤT ỨNG: Tam giới (mọi loài từ súc sinh, ngạ quỷ cho đến người và đến cả các Hành giả…) nếu không cầu xin thì dù ơn trên muốn giúp cũng không giúp được (vì không tạo được DUYÊN).

Không cầu là "vô duyên".

Một câu chuyện đăng trên tập san Đức Mẹ hằng cứu giúp:


***** CHUYỆN GIA ĐÌNH ÔNG LÂM Ở LÂM ĐỒNG. 

Việc xảy ra vào năm 1977, do ông Lâm kể, ông Ngọc Quang ghi lại, đăng trên tập san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. 

** Vợ chồng ông Lâm không phải là người bên đạo. Bà Lâm bị bệnh đường ruột và dạ dày từ lâu. Những năm này thuốc men khan hiếm. Ông Lâm đưa vợ về chạy chữa ở Saigon nhưng rồi cũng bó tay, đành đưa trở lại về Lâm Đồng để sống những ngày cuối đời. Giữa lúc xe vừa đưa bà Lâm về tới nhà thì có một vị khách đi đường xa, xe bị hư, trong khi chờ tài xế sửa nên ghé vào. Khách là một người cao lớn, khỏe mạnh, gương mặt chữ điền, hàm râu cá chốt, vẻ người phúc hậu với bộ áo dài đen của linh mục. Ông Lâm vốn tính tình hiền lành, thường tôn trọng các bậc tu hành, dù lương hay giáo. Nhà đang bận rộn vì vợ bệnh nặng nhưng ông cũng lịch sự tiếp khách. Vị linh mục tinh ý hỏi là sao nét mặt gia chủ có vẻ buồn rầu. Ông Lâm nói thật là vợ bị bệnh nặng, mới đưa từ Sài Gòn về nhà chờ chết. Vị linh mục nói rằng lúc trước mình cũng bị bệnh dạ dày nặng như vậy, nhưng nhờ một ông bác sĩ tên Hữu cho uống một loại thuốc, khỏi bệnh. Thuốc hãy còn dư lại mấy viên, vẫn mang theo đây. Nói rồi Cha lấy trong túi áo ra 3 viên thuốc trao cho ông Lâm và dặn chiều cho bà uống một viên, tối lúc 10 giờ một viên và sáng hôm sau một viên nữa, thế nào cũng khỏi. Ông Lâm tuy không tin lắm nhưng trong lúc tuyệt vọng, ai nói sao cũng nghe vậy. Giữa lúc ấy người tài xế vào thưa xe đã sửa xong. Vị linh mục bèn từ giã chủ nhà ra đi. Chủ nhà cảm ơn Cha và hỏi cho biết Cha ở đâu. Vị linh mục nói mình là cha coi xứ đạo Tắc Sậy – tỉnh Bạc Liêu ?.


Sau khi uống viên thuốc thứ nhất vài giờ, bà Lâm thấy bớt đau, trong mình dễ chịu, biết đói và thèm ăn, ngủ ngon. Buổi tối, khoảng chừng 10 giờ, tự nhiên bà thức giấc và nhớ lời dặn, bèn uống thêm viên thuốc thứ hai. Sáng hôm sau thức dậy, bà thấy trong người khỏe khoắn, không còn mệt và đau đớn như trước. Bà sung sướng báo tin cho chồng hay. Ông Lâm mừng quá đem viên thuốc còn lại đến các tiệm để làm mẫu, mua thêm cho chắc ăn. Nhưng ông đi khắp nơi, các tiệm thuốc Tây lẫn thuốc Bắc, mà chẳng ai biết đó là thuốc gì. Ông đành trở về, cho bà uống nốt viên còn lại và định có dịp sẽ xuống Minh Hải (năm 1977, hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau bị sáp nhập lại với nhau thành tỉnh Minh Hải) thăm Cha và nhờ Cha nói với ông “bác sĩ Hữu” bán thêm giúp. Muốn đi từ Lâm Đồng xuống Cà Mau thì phải về Sài Gòn, xuống Cần Thơ, qua Sóc Trăng rồi mới tới Bạc Liêu, và Hộ Phòng là thị trấn của huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, cách thị xã Bạc Liêu chừng 37 cây số, nơi có Nhà thờ Tắc Sậy. Việc giao thông lúc ấy rất khó khăn, phải xếp hàng từ khuya ở Bến Xe Miền Tây để mua vé xe, có khi xếp hàng cũng không mua được vé, đường đi lại lồi lõm, hết sức cực khổ. Bà Lâm mới khỏi bệnh, khó chịu đựng nổi với những chiếc xe cổ lỗ. Đang lúc ông Lâm lo âu thì có người cháu làm trong cơ quan nhà nước đến chơi, cho biết anh ta sắp đi công tác tại Minh Hải để giao dịch mua lương thực cho tỉnh. Ông Lâm mừng quá, bèn nói với cháu cho đi nhờ xe xuống Tắc Sậy, tiền xăng ông chịu. Người cháu nhận lời vì Nhà thờ Tắc Sậy nằm ngay trên đường Bạc Liêu đi Cà Mau và cách thị xã Cà Mau khoảng 20 cây số, anh ta chở chú thím tới Tắc Sậy rồi xuống Cà Mau không có gì khó. Khi qua Bạc Liêu, xuống tới thị trấn Hộ Phòng, Nhà thờ Tắc Sậy nằm cách chợ Hộ Phòng khoảng một cây số, ở phía bên trái. Xuống xe, nhìn nhà thờ, vợ chồng ông Lâm không thể ngờ được nơi ở của vị cha xứ ân nhân lại nhỏ như vậy: một ngôi nhà mái lợp tôn, vách ván, xiêu vẹo trông rất tiêu điều. Đất nhà thờ rộng mênh mông nhưng chung quanh toàn đồng ruộng, dân cư thưa thớt.


Chiếc sân đất của nhà thờ không có cổng. Vợ chồng ông Lâm xuống xe, đi vô. Một lão bộc (ông Từ) đang quét trên sân. Trông thấy khách lạ, ông Từ có vẻ ngạc nhiên vì ít khi có khách phương xa đến thăm ngôi nhà thờ này. Ông Lâm nói muốn gặp cha Sở, ông Từ mời vào bên trong rồi vào mời cha. Một lát sau, vị linh mục ra, ngài cho biết ngài là Linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Tỏ, cha sở họ đạo Tắc Sậy. Ông bà Lâm rất ngạc nhiên vì vị linh mục này trông không giống linh mục đã cho thuốc một chút nào hết mà sao cả hai lại đều tự nhận mình là cha sở họ đạo Tắc Sậy ? Ông Lâm bày tỏ sự tình và kể mình đã gặp một vị linh mục cao lớn, tóc ngắn, gương mặt chữ điền, hàm râu cá chốt. Cha Tỏ mỉm cười, không lấy gì làm lạ và dẫn vợ chồng ông Lâm qua phía bên hông nhà thờ, tới ngôi mộ của Cha Diệp. Vừa nhìn thấy tấm hình trên bia mộ, tự nhiên ông Lâm quỳ phục xuống và quả quyết đây chính là vị ân nhân đã cho thuốc, cứu bà Lâm khỏi bệnh. Bà Lâm cũng quỳ xuống tạ ơn ngài. Ông bà là người bên lương, không biết làm dấu Thánh giá. Lúc ra về, ông bà Lâm gửi Cha sở một số tiền nhỏ để giúp nhà thờ vì lúc ấy ai cũng nghèo, ông bà không có nhiều. Có lẽ ông bà Lâm là những người đầu tiên đã giúp nhà thờ từ năm 1977.

LUẬN: Tại sao vợ chồng ông Lâm cả đời chưa hề có một quan hệ nào với cha Trương Bửu Diệp mà lại được quan tâm giúp đỡ?

-Nhân sinh trải qua nhiều kiếp. Có thể một hai kiếp trước nào đó giữa vợ chồng ông Lâm và cha Trương Bửu Diệp đã có mối liên quan NHÂN-QUẢ; nên kiếp này tuy không hề biết, không hề cầu xin mà được giúp.

THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI – SƠ NHI BẤT LẬU. Lưới trời lồng lộng mênh mang tưởng như rất thưa mà không mảy may nào lọt qua được luật Nhân – Quả…





VVM.19.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com