D ưới triều Nguyễn, huyện Hàm Tân được thành lập vào năm 1916 từ một phần đất huyện Tuy Lý thuộc phủ Hàm Thuận (Bình Thuận), gồm các làng Phong Điền, Tam Tân, Tân Lý, Hàm Tân, Phước Lộc, Hàm Thắng…Trước đó, năm 1885 họ đạo Công giáo La Gi (Tân Lý) được hình thành thuộc địa phận Quy Nhơn và dựng nhà thờ. Dấu tích nhà thờ buổi đầu tạo lập ở xóm chài Tân Long, cạnh con rạch chảy ra sông Dinh cách xa địa điểm nhà thờ Tân Lý hiện nay khoảng hơn 500 mét, cùng phường Bình Tân, thị xã La Gi. Khởi đầu phải kể đến Linh mục (Lm.) Huỳnh Công Ẩn khi đang ở Kim Ngọc dù bận rộn với nhiều xứ mới trong tỉnh nhưng phải đứng ra làm thủ tục xin khai khẩn đất hoang, cắt từ 4 sở đất ấp Liên Trì thuộc làng Tam Tân, rồi chiêu tập một số hộ dân có đạo sống rải rác trong vùng là gốc lưu dân miền Trung chạy loạn để lập làng mới Tân Lý (1).Thời đó đất làng Tân Lý kéo dài theo bờ sông Dinh, giáp với Ruộng Đụt cạnh động cát nay có chùa Huyền Long (Tân Long) và từ ruộng Cóc đến Hồ (Bưng Ngang). Đây là giai đoạn trước và sau hòa ước Giáp Thân 1884 trong bối cảnh tầng lớp quan lại của “Văn hào Thân sĩ” (Văn Thân) phát động phong trào chống Pháp nhưng lại diễn biến cực đoan với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”, hô hào bài ngoại và sai lầm chính trị khi kỳ thị người theo đạo gây hoảng loạn dân tình, đưa đẩy nhiều nhóm dân bỏ xứ tha phương vào Bình Thuận lập nghiệp.
Theo Kỷ yếu Giáo xứ Tân Lý có ghi lại dưới thời vua Thành Thái đã xác định địa giới hành chính cấp làng/ xã và chính thức tên gọi “họ đạo La Gi” vào khoảng năm 1895 (1). Đến năm 1905 nhượng giao cho địa phận Sài Gòn cùng với hai tỉnh Bình Thuận và cao nguyên Đà Lạt. Một con dấu triện hình vuông bằng đồng còn lưu giữ với 4 cạnh khắc chữ: P (Province/Tỉnh) Bình Thuận, H (Huyện/không dịch “huyện” (2) Hàm Tân, C (Canton/Tổng) Phong Điền, V (Village/làng xã) Tân Lý và ở giữa có 5 chữ Nho: Tân Lý- Thôn Hương Bản (Trưởng Thôn Tân Lý). Như vậy con dấu này chỉ có sau khi lập huyện Hàm Tân 1916. Lúc đó huyện có 2 tổng, địa giới bởi con Sông Dinh, Tân Lý thuộc tổng Phong Điền (tả ngạn) và tổng Phước Thắng (hữu ngạn). Đất đai xứ đạo được nhà cầm quyền cấp giấy địa bạ, giáo dân ngày thêm tăng và được chia đất để dỡ ruộng canh tác. Nhà thờ Tân Long với tranh tre, vách gỗ tồn tại đã 30 năm nằm giữa vùng đất trũng thấp, bên cạnh xóm chài Tân Long luôn nhộn nhịp với cuộc sống trên bến dưới thuyền. Cho nên năm 1915, Lm. Trần Hiếu Lễ về quản xứ đã bàn cùng Ban chức việc với kế hoạch dời và xây mới ngôi thánh đường, quay mặt về hướng đông. Năm 1916 khởi công và hai năm sau hoàn thành.
Năm 1929, thời Lm. Trần Hiếu Lễ được Đức Giám mục Quinton cấp con dấu đồng hình bầu dục ghi chữ Việt: “Họ Công giáo La Gi”. Đến năm 1929, Lm. Micae Nguyễn Văn Giàu đến thay Lm. Trần Hiếu Lễ tiếp tục hoàn thiện thêm một số hạng mục, xây tháp chuông, trường học, nhà kho…thì chiến tranh Việt- Pháp lan rộng cả nước. Nhắc đến Lm. Giàu, là một nhân vật trong sự kiện lịch sử địa phương còn nhắc đến. Đó là vào chiều ngày 28 tháng 8 năm 1945 diễn ra nhiều kịch tính khi người dân chỉ có trên tay dầm chèo, dao rựa mà dũng cảm truy bắt toán đặc nhiệm của Pháp nhảy dù xuống Đồi Dương. Trong trận này, duy nhất chỉ có cây súng săn hai nòng của Lm. Giàu cho mượn, tạo khí thế tấn công trong tình thế không cân sức mà nhanh chóng kết thúc thắng lợi, mở đầu cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Hàm Tân- La Gi. Sau đó Pháp nghi ngờ Lm. Giàu là Việt Minh nên bắt đưa về Phan Thiết giam cầm. Tiếp đến, Pháp tái chiếm Hàm Tân- La Gi và ở đây trở thành căn cứ địa kháng chiến của Bình Thuận, thực hiện phong trào “tiêu thổ kháng chiến” -vườn không nhà trống, tự hủy phá nhà cửa của mình và các công trình xây dựng, nhà thờ, đình chùa, trường học không để giặc làm đồn bót…Dân đồng loạt gồng gánh tản cư vào rừng sâu, phát rẫy trồng khoai bắp, thay lúa gạo, bắt đầu cuộc sống mới với biết bao khó khăn, thiếu thốn.
Thật sự phải nể phục với những nhà truyền giáo vừa là sứ giả doanh điền bấy giờ, rất tinh thông tạo ra một vùng địa mạo phù hợp với nghề nông truyền thống của lưu dân. Bằng đường biển, lưu dân chọn lối vào mở đất khai hoang thường là vũng biển, cửa sông. Làng Tân Lý thì từ ngã làng Tân Long- cửa biển La Gi, làng Văn Kê có điểm dừng chân ở vịnh Kê Gà -Hòn Lan, Tam Tân lợi thế ngay cửa sông Ma Ly/ Ba Đăng… Đến năm 1975, vùng rừng dầu Tân Lý, Bưng Ngang, Mả Thánh vẫn còn là cánh rừng nguyên sinh và phía trên, cạnh Đập Đá Dựng là Láng Đá, nơi có nhiều gộp đá, cây cành nôm kéo dài tận chân núi Nhọn, núi Đất cọp beo, nai đỏ… xuất hiện cả ban ngày. Nhưng từ rất sớm, vùng đất này đổi thay nhanh chóng với những thửa ruộng bằng phẳng, phì nhiêu nhờ có nguồn nước ngọt Sông Dinh quanh năm. Đến giữa thập niên 30 thế kỷ trước nhà cầm quyền thuộc địa mới cho trồng cây phi lao, lập trạm Sở Dương quản lý, kéo dài từ Tân Long lên gần ngảnh Tam Tân nhằm chống gió cát bồi lấp, bờ biển bị xâm thực. Đồi Dương trở thành một rặng cây xanh mượt mà, gió thông reo làm nên cảnh biển trời thơ mộng… Sau 100 năm hình thành (1885-1985), giáo xứ Tân Lý có 422 hộ với 2.188 giáo dân đã giữ được bản sắc văn hóa rất riêng trong cuộc sống thư thản như hồi chuông nhà thờ ngân nga mỗi sớm. Ở đó là những mái ấm hiền hòa, tình làng nghĩa xóm bên khoảnh ruộng màu mỡ, luống rau xanh, cúc huệ khoe sắc trở thành vùng chuyên canh của một xứ đạo toàn tòng. Lm. Huỳnh Công Ẩn được coi là người mở đạo nối kết với phía nam từ Tân Lý (La Gi) đến giáo xứ Cù Mi, rồi Bà Rịa… Năm 2009, Lm.Nguyễn Kim Anh về quản xứ, tạo dựng những công trình mới, đã xúc tiến xây “Vườn đá Lm. Huỳnh Công Ẩn” trong khuôn viên nhà thờ, tri ân tiền bối quy dân lập làng của xứ đạo này.
Kể từ khi lập tỉnh Bình Tuy 1956 và thị xã La Gi ngày nay, chặng đường dài 65 năm với làn sóng nhập cư tăng nhanh,
cạnh bên xứ đạo Tân Lý là giáo xứ Bình An, rồi tiếp đó là nhà thờ Đá Dựng…Bên kia sông Dinh, dáng vóc của một trung tâm đô thị mới. La Gi đang đà phát triển, sức sống sôi động có tác động đến phạm vi rộng hơn, bao trùm trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Nay đâu còn nữa, chiếc cầu gỗ gập ghềnh, chắp vá… cứ sau mỗi mùa mưa phải bắc nhịp lại, vất vả vì cảnh “qua sông lụy đò” xa cách với làng bên “họ đạoTân Lý” như ngày xưa. Lớp người trẻ sau này sẽ khó hình dung được cái thuở ban sơ, nghèo khó được hình thành bởi những lưu dân, bỏ xứ đi tìm đất mới khai hoang lập làng. Không còn phải hỏi vì sao lại có một địa danh thật ý nghĩa - Làng Mới/ Tân Lý (新里) hôm nay.
-------------------------------------
(1).Theo Địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, khi cải huyện Tuy Định lập huyện Tuy Lý (1854) thuộc phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận- cho thấy chưa có tên làng Tam Tận mà chỉ có 3 làng Tân Hải, Tân Nguyên, Tân Quý... Do đó địa danh Tân Lý chỉ có khi lập “Giáo họ Công giáo La Gi”.
(2)- Những chữ khắc trên con dấu Giáo họ LaGi- chữ đầu tiếng Pháp với đơn vị hành chính Tỉnh (P), Tổng (C), Làng (V) nhưng chỉ ghi “H”(Huyện)…
Theo Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị, Nxb.Minh Hoa, trước 1975- từ “Huyện” vẫn giữ nguyên chữ Việt. Kể cả con dấu H. Hàm Tân khác,
cùng thời cũng vậy. Cũng có nhiều cách giải thích nhưng chưa mấy thuyết phục.