T rong dân gian Bình Thuận thường nhắc đến các ngọn núi có vị trí phong thủy ở địa phương mang thành tố Tà ở đầu địa danh. Đó là Tà Cú, Tà Dôn, Tà Mon, Tà Pao, Tà Pứa…Nhưng với ngọn núi Tà Cú, cao khoảng 690m, gần như tách biệt với dãy núi sống lưng của tỉnh Bình Thuận và về địa lý không xa mấy bờ biển Khe Gà -La Gi…Nguyên thủy của sơn danh ngọn núi này phải từ gốc tộc người Chăm bản địa bởi đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn mới sáp nhập vùng đất Bình Thuận của Champa vào lãnh thổ Đàng Trong. Liên hệ sự kiện vua Chiêm bị Giao Chỉ đánh đuổi phải chạy đến Xích Khảm Sơn hồi năm 1481, tức dãy núi Kê Úc Đại Sơn mà “Đại Nam toàn đồ” (1938) ghi lại ứng với Kê Chủy/ Mũi Gà (Kê Gà)…(1).
Có câu hỏi thành tố “Tà”đứng trước địa danh, có phải thuộc vùng địa danh tộc người miền núi Nam Trung bộ? Như thường thấy ở vùng địa danh miền Núi với đầu địa danh có yếu tố chỉ về Núi, như Cư (GiaRai), Kông (BaNa), Yok (MơNông)…Có thể nghĩ, với vùng địa danh Chăm chỉ đến Núi thì Tà là ngữ âm Chăm nhưng chuyển qua địa danh Việt, rồi theo nghĩa Hán Việt ở một số núi Bình Thuận nên lắm chuyện khá lý thú. Một số địa danh gốc Khmer Nam bộ không nhiều với tiền tố Tà hoặc Trà có nghĩa là Ông, Thần đi với tên người (Trà Ôn/ Tà Ôn, Trà Quýt, Trà Đức…). Còn lại, phần nhiều thành tố Tà/ Trà là do phiên âm và chệch âm theo người Việt để chỉ về vùng đất, rạch, cù lao ở Nam bộ…Trong sách “Nghiên cứu Địa danh…”của Pgs.Ts. Lê Trung Hoa, đề cập địa danh “Trà Cú” như sau: “Chúng tôi chưa rõ Thkó là gì. Nhưng về mặt ngữ âm Thkó biến thành Trà Cú là hoàn toàn có khả năng”(2). Nhưng cũng chỉ vài nơi có chữ Tà mang nghĩa là Ông như Trà/ Tà Ôn, Trà Ốc (Sóc Trăng) không liên quan gì đến núi mà là con rạch nước hay loại cây cỏ. Như Trà Cuôn/TrơKuôn (rau muống), Tà/Trà Cú/ Thkó (cây gáo trắng) từ biến âm hơn là đồng nghĩa. Với thành tố Trà ở miền Trung (Trà Bồng, Trà Khúc…) bắt nguồn từ Ia (sông, nước) của người Chăm. Từ điển Hán Việt thì Trà là cây chè, có lá với hương vị đậm đặc khá phổ biến. Nhưng không biết từ bao giờ qua người Việt đọc Tà (邪)với nghĩa Hán Việt là bất chính, tà ma, yêu quái…và mang tính kiêng cử...
Theo ngôn ngữ cổ Chăm thì sơn danh Tà Cú ngày nay có gốc là Nagar Takuh hay Po Ina Nagar Takuh (Ta/ núi, thần- Kuh/ Chuột). Người Việt đọc chệch âm Takuh thành Tà Cú. Sự tích vùng đất Tà Cú dẫn dắt từ truyền thuyết Thánh mẫu Po Ina Nagar giao cho mỗi người con cai quản một vùng đất (Nagar/ xứ sở). Có lẽ từ sự tích này mà người địa phương truyền nhau về dáng núi Cú (Chuột) mang hình con chuột chớ chưa tìm hiểu sâu xa từ Takuh/ Tà Cú của người Chăm (3). Trong lễ cúng Yang Tikuh (lễ cúng thần/ Yang, Chuột/ Tikuh) của người Chăm ở tháp Po Dam (Tuy Phong) cầu cho mùa màng sung túc không bị chuột đồng phá hại (4)…Nhưng với địa danh Tà Dôn hay Tà Zôn, cũng theo lý giải này thì Tà Dôn lại biến âm từ Ja của địa danh Ja Ndaong/Đong của người dân tộc. Tương tự Tà Mon, Tà Pao, Tà Pứa… mang tiền tố chữ Tà gắn với tên riêng mà người Việt đọc chệch âm từ chữ Ja (giới Nam) và coi đó như một danh xưng là thần, là ông. Hay với Tà Pao, Tà Mon, từ thành tố Ja/Tà để có địa danh Tà Mon, Tà Pao…Nhưng liên hệ với bài báo “Tà Dôn gợi nhiều dấu hỏi”của tác giả Phúc Thịnh trên báo Bình Thuận 10/5/2018, đã dẫn nhiều nguồn về ngọn núi Tà Dôn, rất phong phú nhưng vẫn chưa hết băn khoăn với địa danh này.
Về địa lý, núi Tà Cú hướng ra biển, nối dài với núi Bà Đặng và Cẩm Kê Sơn. Chùa núi Tà Cú được thiền sư Trần Hữu Đức khai sơn khoảng năm 1870 và đến năm Tự Đức thứ 33 (1880) đặt đạo hiệu Linh Sơn Trường Thọ Tự bởi công đức của Sư tổ Hữu Đức đã cho bài thuốc và pháp thuật linh diệu cứu chữa đức bà Từ Cung, mẹ của vua thoát qua bạo bệnh. Cảnh quan thiên nhiện huyền bí của ngọn núi với cụm công trình cổ tự và độc đáo về giá trị kiến trúc mỹ thuật của pho tượng Phật nằm dài 49 mét, tựa vào sườn núi được xây dựng từ năm 1962. Chùa Linh sơn trường thọ được xếp hạng thắng tích quốc gia năm 1993 và còn là di tích lịch sử văn hóa chùa núi Tà Cú được xác lập kỷ lục Châu Á vào năm 2013.
Theo sách Đại Nam Nhất thống chí (biên soạn khoảng giữa Tk19) -trong phần Sơn Xuyên ghi là núi Tà Cú. Nhưng tập Lược sử Tổ Hữu Đức (1964)- do Hòa thượng Pháp sư Bùi Hưng Từ (nguyên Trụ trì cùa Pháp Hội- La Gi) biên soạn, không gọi là núi Tà Cú mà ghi là Trà Cú. Tập sách Lược sử Phật giáo Bình Thuận (2012) cũng gọi Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ là ngôi chùa tọa lạc ở đỉnh núi Trà Cú. Ở đây có một ý nghĩa khác, biến âm từ Tà và viết trại thành Trà vì không thể nào với một ngôi thiền tịnh, uy nghiêm lại được bảo bọc bởi ngọn núi Tà theo cái nghĩa đầy bí thuật, không chính tâm trong nhận thức dân gian. Nặng nề nhất trong cách hiểu “Tà thần ác quỹ” nên chư tôn tiền bối, khai sơn phải đọc trại thành Trà, dù Trà ở đây không cùng ý nghĩa tương đồng. Có đến chục ngôi chùa, tịnh thất trên vùng đất quanh chân núi Tà Cú đều ghi chép và chỉ gọi tên Trà Cú. Cũng có tư liệu nhắc đến địa danh núi Bà Đặng (xã Tân Thành) mà sách Đại Nam nhất thống chí ghi là núi Thị Đặng- liền kề núi Tà Cú, nguyên gốc là Tà Đặng, nhưng do kiêng cử nên phải đọc trại từ Tà thành Bà (Bà Đặng) dù ở địa phương vẫn chưa có một sự tích về nhân vật Bà Đặng như thế nào.
Tuy nhiên với các sách lịch sử, văn hóa và trên bản đồ hành chính của tỉnh vẫn sử dụng địa danh Tà Cú. Chỉ duy nhất, tại Quyết định số 791/TTg ngày 26/10/1996 của Chính phủ xác lập Khu Bảo tồn thiên nhiên vùng núi “Tà Kóu”…dẫn đến nhiều bài báo, văn bản hành chính và kể cả trụ số giao thông vẫn ghi theo, thiếu đồng nhất.
Bàn về sơn danh thường có tên gọi theo truyền thuyết hoặc địa lý tự nhiên…Trong sách “Lột trần Việt ngữ” (1972) của Bình Nguyên Lộc với từ Núi theo ngôn ngữ Sêđăng là “i núa” và theo đặc tính chung của Núi xuất phát từ sự hình thành của đá tạo nên…Thành tố Tà trước địa danh dễ nghĩ đến ở đây thuộc vùng địa danh dân tộc miền núi, nhưng với núi Tà Cú thuộc địa bàn sát biển, đồng bằng và liên quan đến tộc người Chăm khá xưa, đó là làng Hiệp Nghĩa” (huyện Hàm Thuận Nam-Bình Thuận) và nối dài dãy động cát cao có dấu chân người Chăm ở “Cẩm Kê Sơn” chồm ra mũi Kê Gà…Cho nên với những sơn danh khu vực duyên hải này phải thuộc địa danh vùng Chăm. Qua nghĩa Hán Việt, Trà là loại cây chè, tuy đồng âm nhưng ở đây khác nghĩa. Liên hệ vùng địa danh Khmer Nam bộ thường gặp, theo “Cửa sổ Tri thức” của Pgs.Ts Lê Trung Hoa, chỉ một số ít nơi mới có địa danh Trà/ Tà được coi là đại từ nhân xưng Ông như Hôn/Prêk Oknha (rạch ông Han), Trà Cú/ Trà Ôn (ông Ôn), Tà Man (ông Men), Tà Liêm (ông Liêm)… Nhưng cũng có nhiều địa danh mang yếu tố Trà/ Tà lại không liên quan gì với nghĩa Núi, Thần, Ông…Do đó với địa danh mang từ Tà (đứng trước tên riêng Cú, Dôn, Pao, Pứa…) ở Bình Thuận phải chăng do đọc chệch, phiên âm rồi theo đó để mang ngữ nghĩa áp đặt của người Việt…Cũng là lẽ bình thường của một địa danh khi phải chịu sự tác động của quy luật ngữ âm. Đây là vấn đề đòi hỏi sự phát hiện mới của các nhà nghiên cứu và ngôn ngữ học để làm sáng tỏ hơn.
(1)-Tập “Bản đồ hàng hải 1841…”-trg.130- Phạm Hoàng Quân dịch, chú giải-Nxb.VHVN. 2016.
(2 )Sách “Nguyên tắc… Nghiên cứu địa danh” Trg 117- Lê Trung Hoa –Nxb KHXH-2003.
(3)-Theo “Từ điển Địa danh đối chiếu…” của Sakaya- Nxb. Tri Thức- 2020.
(4)-theo “Tiếp cận….Văn hóa Champa”, trg 193- của Sakaya (Ts.trương Văn Món)-Nxb,Tri Thức-2020.