LÀM ĐĨ LÀM VĂN LÀM THƠ
(TỪ TRUYỆN ĐẾN CHUYỆN)
N ói đến chuyện làm đĩ thì xưa nay ít ai cho đó là việc làm đàng hoàng, lương thiện mà là hành động không trong sạch đối với người phụ nữ đã ‘nhúng chàm’ thì đâu còn gọi là trinh nữ trong trắng mà vi phạm vào ‘luật điều im lặng’ nghĩa là phạm tội đều bị lên án gắt gao từ gia đình đến xã hội nhất là tôn giáo. Làm đĩ là trách nhiệm của xã hội mà xã hội vô tình hay cố ý làm ngơ trước những thảm trạng bi đát đó. Trong tác phẩm Làm Đĩ (1936), tác giả đã nói lên thực chất của xã hội thời đó và ngay cả thời nay là một bi thảm giữa con người và cuộc đời là hai nhân tố đưa tới phản kháng. Một thứ phản kháng không nguyên nhân, vì rằng; con người là nạn nhân của xã hội một thứ tạo hình dã man và tàn bạo; trong vai trò đó người phụ nữ gánh chịu mọi hệ lụy khác nhau, thách đố trước mọi tình huống khác nhau để giữ lại nhân phẩm làm người đang đứng trức vực thẳm của tội lỗi, của nước mắt không lệ, của chà đạp hất hủi phận người. Bi thảm đó đã viết thành lời ai oán và thấy được những sự kiện đớn đau. Đầu thế kỷ hai mươi xuất hiện một con người tài hoa mệnh yểu đó là nhà văn, nhà báo, nhà châm biếm xã hội Vũ Trọng Phụng*; người dám làm, dám nghĩ, dám viết những gì thuộc tâm lý con người như một giải thoát để có quyền sống /human right là bề mặt mà con người đã một lần dấn thân vào đời. Ngoài tác phẩm Làm Đĩ còn có Giông Tố, Số Đỏ, Vỡ Đê, Cạm Bẩy Người, Kỹ Nghệ Lấy Tây…đều phản ảnh những tệ đoan xã hội dưới ách thống trị thuộc điạ, dạy hư cho đám thần dân ở nước ta để dễ cai trị. Tiểu thuyết tả chân của Vũ Trọng Phụng là phản ảnh sống thực giữa tốt và xấu, giữa đạo đức, luân lý và tà ma, qủy ám mà thời nào cũng chứa chấp nó như một thói đời khó mà sạch. Người cầm bút chân chính không thể làm ngơ trước một xã hội nhũng lạm, tà dâm, bao che, đầu độc, không thể bịt mắt những hành động vô luân, tất cả đổ đầu cho người phụ nữ phải gánh chịu. Mà là tội ác của nhà cầm quyền. Nói thực thì mất lòng cho nên chi khi tung ra những tác phẩm đó tác giả đã hứng chịu những lời đay nghiến, lên án, phủ nhận cái giá trị sống thực của nó, bởi; những kẻ ra sức chống bán chính là kẻ ngụy tạo tư tưởng để che đậy xấu xa. Và; cho đó là thứ văn chương dung tục, bên cạnh đó có những tranh luận khác cho là ‘có dâm hay không dâm’ để phê nhận tác phẩm củaVũ Trọng Phụng đưa ra. Sự thực được thừa nhận và hợp lý hóa khởi từ năm 1980. Và sau đó tác phẩm được lưu hành cả nước. Ánh sáng đó đã được vinh danh và đặc tên đường ở một vài đô thị trong nước như một chứng cớ hiện thực. Tả chân là lời nói chân chính của nhà văn, phơi mở sự thật trắng trợn những gì tốt khoe xấu che; với Vũ Trọng Phụng không thể xử lý một thứ ngữ ngôn khác hơn mà dùng vào như một cảnh tỉnh của nhà cách mạng văn hóa, tiên phong nói lên những tánh hư tật xấu mà nhà cầm quyền thời đó đã dung túng; đẩy con người và xã hội Việtnam vào con đường trụy lạc, lầm than là hành động gián tiếp để cai trị và hủ hóa. Vũ Trọng Phụng đã đứng dậy vạch mặt chỉ tên những kẻ đồng lõa, mưu toan lừa đảo những con người yếu hèn; lấy cái vô học thô thiểm để dạy đời, bằng một văn phong bình thường, giản dị như một thứ triết lý hiện thực đi sát thực tế của tiếng nói đời thường; nghĩa là không mị dân mà mị-quân-tử của đám thừa sai. Với lý do đó đã làm cho tác phẩm của ông bị lên án với tội phạm làm ‘tổn thương văn hóa’ và coi đó là thứ độc dược tư tưởng có tính suy đồi, trụy lạc; nghiêm cấm in ấn và đọc; đấy chính là thảm họa tư tưởng của kẻ cầm quyền và những kẻ hoạt đầu chính trị không sửa sai mà a-dzua chà đạp lên nhân phẩm của con người. Với 27 tuổi đời đã sống và thấy, nghĩa là ‘sống để nhận thấy’ như Thiền sư Huệ Năng đã nói. Vũ Trọng Phụng đã thực hiện chân lý đó để nói lên sự thực trong truyện như chuyện có thực ở đời này.Vậy thì; Làm Đĩ là tiếng nói thức tỉnh về đạo đức về nhân phẩm làm người , giáo dục về giới tính từ học đường đến xã hội một thứ giáo khoa thư dạy về cách làm tình (make love) giữa nam nữ mà ngày nay người ta mới bắt đầu thực hiện. Văn chương tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng không còn là hư cấu truyện mà chuyển sang chuyện có thực của cuộc đời đang sống; ở đây không nêu lên thứ truyện dục tính như những người làm văn khác. Làm Đĩ trở nên món hàng buôn hương bán phấn (mãi dâm) có cầu chứng pháp lý mà một số quốc gia đã lấy đó làm thuế thân / body tax như thời Pháp thuộc ở nước ta. Ở ViệtNam có Vũ Trọng Phụng, ở Pháp có Honoré Balzac (1799-1850) và ở Mỹ có Henry Miller (1891-1980) họ là nhựng nhà văn tả chân, nhưng mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Cả ba đều làm văn dung tục, mĩa mai đời, lên án đời một cách trung thực, ăn ngay nói thực không văn hoa chữ nghĩa, phê phán thẳng thừng, từng đường tơ kẽ tóc, không mị mà thực khác với những người làm văn thường ‘phịa’ để thành văn , bởi; không biết ‘chi mô răng rứa’ giữa đời này, cho nên không sống thực với đời là ở chỗ đó. Từ sau cái chết của tác giả tả chân chưa có một ai thay thế điạ vị này mà chỉ thấy việc làm văn ‘cà giựt’ nhiều hơn thực, ngay cả việc ký-sự cũng có phần giả dối trong đó; dẫu có viết ngàn trang giấy đi nữa vẫn không nói lên lời đúng đắng về nó; không chừng dựa hơi để nói lên thân phận của mình (?); đấy là việc làm văn ngu xuẩn. Vũ Trọng Phụng đã vượt thời gian để viết Làm Đĩ là tiếng nói thức tỉnh về đạo đức, đánh động lương tâm của kẻ hành lạc trên cành liễu yếu đào tơ là vô luân (immorality). Song hành với Balzac có Lev Nikolayevich Tolstoi (1828-1910) với những tác phẩm nổi tiếng ‘Chiến tranh và Hòa Bình’ ‘Khương Lệ Ninh / Anna Karenina’ và những tác phẩm khác mà Tolstoi cho là không mấy sống thực với đời mà đợi tới ‘thất thập cổ lai hy’ Tolstoi mới thức tỉnh giá trị của con người qua tác phẩm ‘Ả Max Lova’ một thứ gái điếm sống ngoài vòng xã hội vì xã hội thời đó quá điêu tàn, quá giáo điều mà quên đi con người đang sống lầm than. Mãi 100 năm sau người ta mới nhận ra trách nhiệm làm người: một Max Lova sanh phải nhằm thời và tác phẩm sau cùng của ông đã được thế giới thừa nhận là có tính nhân bản hơn là phỉ bán con người. Vì lẽ đó mà ‘Làm Đĩ’ của Vũ Trọng Phụng ra đời từ đó. Điều đáng chú ý giữa hai nhà văn Vũ Trọng Phụng và Henry Miller đã gây ảnh hưởng không ít trong văn học thời bấy giờ và coi như hiện tượng quái đản của văn chương. Họ đồng loạt bị khai trừ, cấm kỵ vì hủ hóa, dâm bạo không những trong nước mà khắp nơi trên thế giới mỗi khi nhắc đến. Để rồi tống khứ như kẻ ‘lưu đày’. Vũ Trọng Phụng lao động trí tuệ nhưng vẫn không đủ ăn, thân tàn ma dại chết trên giường bệnh. Miller tha phương cầu thực, rày đây mai đó một va-ca-bông thời đại, sống trong tửu sắc đàn điếm. Họ chịu đựng và khắc phục tiếng thị phi. Cả hai phải đợi một thời gian dài mới được phục hưng để làm nên lịch sử.
Làm đĩ thì bán trôn nuôi miệng còm làm văn thì bán chữ nuôi danh. Nói như vậy thì vơ đũa cả nắm, ví von có sát phạt không? Làm Đĩ hay Làm Văn đều là nhiệm vụ nhưng chức năng khác nhau. Một bên thân vả một bên tâm (trí) đều là cứu cánh, là phương tiện để đạt tới mục đích; cả hai thân, tâm đều có một sự mong ước về nó, chớ không thể làm chơi ăn thiệt cái đó thuộc trời cho, nhưng; ở đây làm đĩ, làm văn phải ra sức mới đạt yêu cầu bằng không vô bổ, mà đó chỉ là bổ lẻ qua loa lấy lệ thời tất không bàn đến. Đứng trên lập trường khách quan mà xét cái thân đôi khi tốt và cũng đôi khi xấu tùy vào cảm hứng con người muốn tới nó, còn cái tâm trí thì đôi khi lợi ích, hay ho và cũng có khi tùy vào cảm thức đúng đắng mà tồn lại, tồn lui với đời. Nếu đứng trên lập trường chủ quan phê phán thì cả hai thuộc phế phẩm, thứ vô loại không đáng kể. Với học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)) thì có cái nhìn chừng mực và trung thực hơn trong tác phẩm ‘Nghề Viết Văn’. Vậy thì làm văn, làm đĩ cũng là nghề. Qua lời tựa Nguyễn Hiến Lê viết: ‘Nghề nào cũng có cái vui của nó, nếu không thì làm sao theo đuổi được; nhưng theo tôi nghĩ nghề viết văn là một trong những nghề thích nhất và cũng cực nhất’.Thông thường lời tựa là viết cái lý thủy chung bên trong tác phẩm. Thay vì viết Thay Lời Tựa tác giả viết bằng loại tự vấn đáp (gần như phỏng vấn kiểu email có tính chất sáo mòn); nhưng lối viết của Nguyễn Hiến Lê dẫu sao cũng thấy được con người thật nơi văn phong của ông. Nói đúng ra xưa nay ít ai nói làm văn là một cái nghề, nó thực sự thành hình như nghiệp dĩ thì gọi cho văn hoa là viết văn cho đúng cái lý văn chương đó thôi. Cuối tk. 19 thoạt kỳ thủy xuất hiện một số văn nhân dịch thuật, báo chí và thơ tứ như Nguyễn Văn Vĩnh, Tàn Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Thượng Chi Phạm Quỳnh lấy văn tự để tỏ bày ý chí hay mưu sinh. Rồi về sau có Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Vi Huyền Đắc… là thời điểm bùng phá mạnh nhất sau 1930 (thời kỳ đổi mới tư duy). Làm báo, đăng báo là một vinh dự lớn lao cho nghề làm văn. Làm văn chẳng phải bằng cấp, chẳng phải trường lớp chứng nhận, chứng thư; nó phát tiết như một khả năng của tri giác. Ngày nay có trường viết văn thuộc phân bộ giáo dục là một xác định cụ thể để hành nghề có trình độ và chuẩn mực, nghĩa là văn chương cần phải có đầu mình và chân tay mới thành văn, kỳ thực viết văn không đòi hỏi qui cách ước lệ nhưng ít nhất xây dựng một bố cục phân tích, một cấu trúc có thiết kế, có văn bản, đồng thời tránh những gì gọi là lạm phát văn chương; ít ra phải kinh qua kinh nghiệm thì mới gọi là nghề viết văn như họ Nguyễn trình bày trong tập tùy bút ‘Nghề Viết Văn’ là dựa ý của nhà văn Pháp Charles Braibant trong tập ‘Le métier d’écrivain /nghề viết văn’ cho bản văn này. Chớ khơi khơi ra vài tập truyện chưa rõ nội dung muốn nói gì hay đưa ra một định lý chính đáng thì đã vồ chụp cho đó là nhà văn, rồi phê bình, đánh giá một cách bừa bãi giữa tác giả và người phê. Nhai nhãi trở nên phường chèo, nhớ cho danh bất hư truyền chỉ lưu lại cái gọi là ‘nhập thế cục bất khả vô văn tự’ là kim chỉ nam khi làm văn với những người thích là văn sĩ hơn làm bác sĩ, dược sĩ hay họa sĩ. Vô hình chung nói lên cái tham vọng chữ nghĩa mà tác giả muốn nói tới. Làm văn là vận dụng trí tuệ để xây dựng vào đó một lý tưởng vững chắc. ‘làm văn là cái việc làm hết sức kỳ cục’ như P. Valéry, như Tolstoi đã nói. Làm nghề gì cũng có đồ nghề. Làm văn bộ đồ nghề là cái não nếu gặp phải cái não loạn thì đừng làm văn. Đôi khi cũng cần suy ngẫn lối làm văn của Anton Chekov (Nga) viết truyện để trở thành chuyện vô nghĩa mà vẫn thành danh. Cứ viết những gì nghĩ đến nhưng đừng viết những gì ngoài vấn đề mà trật đường rầy. Làm văn, làm thơ, làm văn nghệ đều là cái nghiệp văn chương. Hai thứ ‘làm’ nói ở trên là cái phải làm để thỏa mãn của người dự cuộc, làm văn nghệ ở đây không còn là nghiệp văn mà tự tác qua từng nhân vật dù sống hay chết đều đóng gói thành bộ là việc làm của những người thất nghiệp hay bệnh lý; lấy đó như vật lý trị liệu chớ không tỏ rõ sự tồn lưu nhân thế để đời mà liệt kê như hệ thống thư viện; thành ra làm văn nghệ cốt để ‘mua vui cũng được một vài trống canh’ chả để lại một giá trị lâu dài mà chỉ gợi nhớ cái tên tuổi của mình sợ lãng quên theo thời gian. Làm văn nghệ theo dạng thức này thua nghề làm đĩ và nghề viết văn. Làm bằng tâm huyết thì tồn lại, còn làm để buôn hương bán phấn là ta bà nhập thế. Cái cần có và cái không cần có là ở chỗ đó: Bộ tham mưu làm văn nghệ kẻ đông người tây là mạch nối giao lưu của mặt trân văn hóa, của cái thời tự cho là ‘mạt pháp’nên cần phải có mặt cho sự đúc kết này; nhưng hành quân giữa một điạ bàn chưa xác định cụ thể mục tiêu; ‘thằng’ nào nên bắn và thằng nào không nên bắn hay chủ trương đường lối ‘bắn nhầm hơn bỏ sót’, phương sách đó không thể thắng trong mặt trận văn hóa (văn chương đương đại). Mà trở nên vòng vo tam quốc, ấm ớ hội tề, du nhập bừa bãi, loạn xà ngầu làm cho ruồi muỗi thêm tiếng ồn ào.Vô hình chung cá bè cá mú vô chung một rỗ, những con kình ngư không thể lội chung với chằng hiu, ệnh oạng. Uổng công!
Nói cho ngay làm văn thì ai làm cũng được, viết một câu văn có đầu có đuôi, một mệnh đề có chủ từ động từ túc từ thì Tây hay Tàu vẫn cho là ‘hợp pháp văn chương’, huống là truyện hay chuyện, tiểu thuyết hay đoản văn, hư cấu hay có thực (true story) đều mô tả như một sự kiện trung thực, tuyệt nhiên không pha chế mà làm lạc hướng bản văn. Nồng cốt của việc làm văn là phản ảnh trung thực sự kiện xã hội, tình yêu hay chuyện thời sự là điều muốn nói tới một cách nghiêm chỉnh, lối viết đùa cợt của tác giả không gây thú vị mà hóa ra ‘chạm lòng tự ái’ của độc giả, bởi; suy bụng ta ra bụng người. Thế nhưng vị quản thủ báo mạng cứ tưởng là hay, là tốt cho lên khuôn không suy nghĩ. Sự đó gọi là tham nhũng chữ nghĩa để được lòng nhau.
Làm thơ. Việc này có tự cổ chí kim, có từ khi có mặt loài người trên hành tinh này, chớ đâu có văn tự mới có thơ. Làm thơ đứa trẻ mới mở mắt chào đời, bậc tiếng khóc đó là lời thơ ai oán của kiếp làm người và biến thành thơ trong đôi mắt, nụ cười khi nhìn người mẹ với một cảm xúc dâng trào của nguồn thơ sống dậy. Làm thơ dễ từ con trẻ cho tới cụ già (sắp chết cũng trầm tư với thơ), anh xích lô ngã lưng ngâm nga câu hò điệu hát với một cảm thức thi ca cho chính mình, dịu dàng ru giấc ngủ cùng với thơ. Mụ bán cá ở chợ Đông Ba xuống bến rửa rỗ nhìn trời bàng bạc mây trôi, tức cảnh thành thơ. Cái đó gọi là thơ đọc trên mặt (face talk). Người chuyên nghiệp làm thơ chưa chắc có cảm giác thơ như trẻ mới sanh, chưa chắc có thơ đột hứng tân hình thức như phu xích lô, chưa chắc có thơ tự do siêu hình như mụ bán cá chợ Đông Ba; dù cho thi nhân đã làm thơ hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa chắc đạt tới chân tướng của thơ một cách ‘hào sảng’ như những người chưa một lần biết ‘mừng thơ’. Một số thi sĩ ngày nay; vẫn cái kiểu nồi nào úp vung nấy chớ đâu có sáng tạo như những người chưa bao giờ làm thơ. Dù cho thơ dưới dạng thức nào. Họ thuộc lòng lục bát của Nguyễn Du, của Nguyễn Gia Thiều, của của Nguyễn Đình Chiểu, của Tú Xương, của Hồ Xuân Hương và kể cả thơ mới của Hàn Mạc Tử. Thơ tự do và tân hình thức trở nên cổ lỗ sĩ của thời đại ngày nay mà hóa ra thơ trình diễn (the poetry art-performance), thơ lắp đặc (the poetry installation) thơ đúc (the poetry concrete) Hoàn toàn không còn mới lạ của thơ mới (new poetry) như đã nghĩ tới của đời nay. Tham vọng vốn là tật chung của thi văn nhân, biết bao người thành danh đã được thần tượng hóa, thế rồi thời gian vùi dập đi vào lãng quên. Thiết nghĩ ngợi ca hay đả phá chỉ để lại cái bóng vô hình mà thôi. Biết rằng làm thơ được định nghĩa như thể loại của ngữ ngôn, được nói nhiều hơn và nói như một cường độ hơn là ngữ ngôn bình thường –poetry might be defined as a kind of language that says more and say it more intensely than does ordinary language. Nên nhớ thi ca là cõi phi cho nên nó phô diễn dưới mọi hình thức, cô đọng ở đó là cái lý siêu việt của thơ, bất luận nó nằm dưới trường phái nào.Làm thơ nghe dễ nhưng đạt tới đích không phải dễ. Làm thơ thường nhiều hơn làm văn, làm văn gần như ước lệ còn làm thơ là tùy hứng. Hứng mới thành thơ siêu thoát; còn dựa vào thiên tai hạn hán, xe cán chó chó cán xe để làm thơ thì gọi là thơ lục- tặc khác với lục-bát là ở chỗ đó. Người làm thơ ngày nay sản xuất không ngừng và đăng tải không ngớt. Hay sợ ‘câu thơ thất lạc bên đường’ (Hồ Minh Dũng) cho nên chi trong thơ có nghĩa trong nghĩa có thơ mới gọi là thi ca. Thơ để đời hiếm có, nó phải là thứ thơ đặc thù cách riêng chưa ai có mới là thơ; điển hình một số nhà thơ khởi từ 1960 đã làm nên lịch sử của thi ca. Những thể thơ nhảy vọt (ngang xương) chấm phết (bậy bạ), cắt giòng, rặn chữ đều là thể thơ vô trật tự gây cho người đọc ngờ ngợ, khó hiểu hay tạo cho mình một thế đứng cách riêng? Khổ nổi thi sĩ không thoát ra khỏi bức xúc tâm hồn để rồi đưa vào thơ một sự rối bời. Nhớ vợ hay nhớ người yêu để hòa nhập vào thơ, dạng đó cọng sản gọi là thơ tiểu tư sản. Nên xóa đi những gì chưa tới bến bờ; chưa lột xác giữa hồn và xác. Làm thơ như thế là cùng tâm trạng làm đĩ; vì coi đó như sự đã rồi như cái thế chẳng đặng đừng thì làm thơ chỉ tổ ông ơi tôi ở bụi này. Khốn thay!
Nói gọn lại; ba cái thứ ‘làm’ ra đó ngó vậy mà có hạng, có thứ, có phẩm trật, chẳng qua vì hoàn cảnh mà tức cảnh đó thôi; chớ thiệt tình mà nói chén kiểu ở trong bụi cũng là chén rồng chén ngọc. Thí dụ: Huế có ba loại Huế: Huế Siạ, Huế Thung Lũng, Huế Thần Kinh. Cả ba nơi đều là Huế nhưng khác nhau vô cùng ./.
(ca.ab.yyc. 1/5/2019)
* Vũ Trọng Phụng: nhà văn , nhà báo viết nhiều thể loại khác nhau. Cuộc đời khốn khổ, bệnh hoạn (1912-1939).
* ‘Làm Đĩ” Tác phẩm thứ hai của VTP (1936)
TÌM ĐỌC: Trên một số báo mạng và giấy trong và ngoài nước hoặc email theo đ/c đã ghi.
- Henry Miller Nhà Văn Dung Tục.
- Kinh Tuyến Bắc Giải của Henry Miller.
- Tham vọng của Chữ nghĩa.
- Văn chương của Con người.
- Ca dao và Thi ca là Triết lý Cuộc đời.
- Con đĩ Khả kính của Jean-Paul Sartre . võcôngliêm chuyển dịch.