NHẬT CHIÊU VÀ
NIỀM ĐAM MÊ VĂN HỌC
B ơi ngược dòng! Khi nghĩ đến Nhật Chiêu thì đây là ý nghĩ đầu tiên trong tôi xuất hiện.
Trong một thời đại mà thế giới bị internet chi phối và thống trị, đặt ra vấn đề văn hóa của quyển sách là môt điều cực khó. Ngày xưa người ta tin rằng cùng với sự phát triển về kỹ thuật và công nghệ máy tính, quyển sách và các bản in sẽ phải chấm dứt. Thế nhưng càng có nhiều người đọc trên E-book thì đồng thời nhiều quyển sách cũng được in ra.
Hiện nay cả đề tài và người đọc đều đã thay đổi, thế nhưng, bằng một khả năng đặc biệt nhà văn Nhật Chiêu vẫn có thể truyền lại cho công chúng cách nếm lại hương vị của văn chương. Công chúng đa dạng đó gồm những giáo sư, sinh viên, nhà phê bình hay bất cứ một người nào đó, Nhật Chiêu đều có thể quyến rũ và chuyển giao cho họ cái tình yêu văn chương của mình.
Tôi tin là hiện nay có nhiều người đã quên đi một khái niệm quan trọng là văn học có thể hiểu như một hình thức giải trí. Một quyển sách có thể mang lại cho chúng ta niềm vui, giúp chúng ta suy nghĩ, làm bạn với chúng ta hay giúp chúng ta trong những lúc khó khăn. Sách mở mang trí óc chúng ta về những lãnh vực khác nhau, điều rất quan trọng trong thế giới hiện đại. Có lẽ vì thế mà ở nhiều nước phát triển người ta nói về hiện tượng “all books are important”. Có nhiều đầu sách về triết học, lịch sử, những nghiên cứu, nhận định hay phê bình về các tác giả khó hiểu, thế nhưng chỉ cần một chiếc chìa khóa thích hợp là chúng ta có thể khám phá một thế giới đầy ngạc nhiên trong sách và sau đó yêu mến tác giả.
Tôi có cảm giác là nhà văn Nhật Chiêu đã làm được công việc khó nhọc này, ông đã giúp chúng ta thấy những điều sâu sắc trong một tác phẩm hay nét đặc trưng của một tác giả, nghĩa là trao cho chúng ta chiếc chìa khóa thích hợp để sau đó có thể tự tìm hiểu một mình.
Có lẽ nhờ thế nên Nhật Chiêu rất được học trò yêu mến. Có lần tôi nghe một nhà báo nói là anh xem mình may mắn vì đã từng là sinh viên của ông
Ngoài viết văn và làm thơ, Nhật Chiêu còn là một người kể chuyện tuyệt vời, một “storytelling” có khả năng dẫn dắt câu chuyện rất cá biệt.
Kể về một quyển sách không có nghĩa là tóm tắt cốt chuyện. Nhật Chiêu sẽ nói với chúng ta về ý định của tác giả, tại sao các nhân vật… để làm cho câu chuyện mạch lạc và trôi chảy, biến chuyện xưa thành chuyện nay đồng thời nhấn mạnh tính hiện đại của một nhân vật cổ điển như Ulisse trong Odissea. Ông nói với chúng ta về những tác giả bơi ngược dòng, từ Omero trong văn chương Hy Lạp đến Kenzuo Ishiguro, tác giả vừa đoạt giải Nobel (2017). Ông cũng là một trong những nhà thơ đầu tiên đã tạo sự chú ý về văn chương Nhật và tính sâu sắc huyền ảo của loại thơ Haiku.
Những lần trao đổi hay trò chuyện với ông tôi thường ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng về các tác giả nước ngoài, cổ điển hay hiện đại, và tôi hiểu là tất cả những kiến thức này chỉ có thể đến từ một niềm đam mê đích thực về văn chương và lòng yêu thích văn hóa đọc.
Nhưng “đọc” không phải là cách đọc trong tích tắc, tiêu thụ với vận tốc của một cuộc tán gẫu, “chat”, mà là một cách đọc có suy tư, đọc vì tìm tòi, muốn biết và muốn đào sâu để nắm bắt những điều cá biệt rồi tìm hiểu thêm trên những tác phẩm khác, ở những tác giả khác. Có thể đó là một đề tài, như một chuyến đi du lịch và bất ngờ cảm thấy mình là Ulisse đang đi tìm đường về Itaca và rồi cuối cùng khám phá thêm một điều gì đó về mình.
Mỗi lần gặp Nhật Chiêu ông đều cho chúng ta một cơ hội để có thể quý mến ông về tư cách một nhà văn và là người truyền bá kiến thức để mở ra một tầm nhìn về thế giới đang từng ngày thay đổi. Qua cách nói từ tốn của ông chúng ta chợt hiểu là cần phải khôi phục lại hương vị của quá khứ để cảm nghĩ và để xúc động về sự đẹp đẽ của cuộc đời đã được nhắc đến trong các tác phẩm văn chương.
Milano 10-2017