HÌNH ẢNH
NGƯỜI THỢ LÒ TRONG VĂN XUÔI.
V ăn học viết về đề tài người công nhân mỏ đã bắt đầu (lúc đó các mỏ vừa khai thác lộ thiên vừa khai thác hầm lò) và hình thành trong lực lượng những cu li than. Họ tập trung, nhẫn nại làm lụng trên một vùng đất xa xưa còn vắng vẻ, tiêu điều và xơ xác.
Đầu tiên là những câu văn vần, ngắn gọn kể về công việc khó khăn, về thời tiết rồi dần dần phát triển đến những bài riêng có lớp lang dắt dẫn về nỗi uất ức, những bất công trong đối xử, về thân phận mình. Những người cu li than không hoặc biết chữ ở mọi vùng quê ra mỏ với mơ ước đổi đời, chịu đủ mọi khó khăn trở ngại để đào than. Từ trong nhọc nhằn, họ đặt ra những câu chuyện dễ nhớ dễ thuộc. Câu cú còn lộn xộn, thô mộc và khỏe khoắn, bộc trực dần dần trở thành một thứ văn chương đặc sản riêng của vùng đất này. Những người đầu tiên còn lưu lại tên tuổi là Võ Huy Tâm, Trần Trọng Biền... Văn thơ của các ông chủ yếu mô tả hiện thực cay đắng, vất vả, cuộc sống ngặt nghèo, khốn khó của người cu li lầm than.
Những năm sau Nhân văn giai phẩm, các văn nghệ sĩ đã về thực tế sống, làm việc, ăn ngủ, nghỉ ngơi, hội họp, lấy vốn sống làm đề tài sáng tác ở Vùng mỏ. Các nhà thơ Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Diệu, Trần Dần, Trinh Đường... đều đã về đây, ở đây và đều để lại những sáng tác của đời mình. Nhà văn Lê Phương với Bất khuất tiểu thuyết 2 tập viết về cuộc đình công năm 1936 của công nhân mỏ Cẩm Phả. Bất khuất sau này được chuyển thể thành phim Cơn lốc biển. Nhà văn Nguyễn Dậu trực tiếp cùng công nhân mở lò, khao than đã ra đời tiểu thuyết Mở hầm. Hai năm lăn lộn với công việc, ông trở thành một thợ lò thực thụ, nói tục như ranh với các bạn thợ cho đến khi bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Ngoài thời gian sản xuất, hội họp, về đến nhà, ông lại ngồi bền bỉ, cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống để dựng nên tác phẩm lớn của cuộc đời mình.
Nhà văn Võ Huy Tâm (Giải thưởng Nhà nước đợt I) với hai tiểu thuyết Vùng mỏ và Những người thợ mỏ. Qua Vùng mỏ và những sáng tác thời kỳ đầu viết về công nhân làm than trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi tiểu thuyết Những người thợ mỏ viết về những người thợ sản xuất than từ than phận culi bước lên làm chủ cuộc đời từ sau ngày hoà bình lập lại.Tiếp theo là hàng loạt tác phẩm như: Ngõ ngang xóm thợ, Những người thợ mỏ, Đi lên đi, Gánh chèo mảnh, Măng bão, Trăng bão, Rượu chát, Vỉa than lớn, Hòn gạch chịu lửa, Hạt trai…
Trong những năm chống Mỹ, ngoài những trang viết nóng hổi về người chiến sĩ trực tiếp đánh giặc, bắn máy bay thù, sáng tác về người thợ mỏ trở thành mốt thời thượng. Nhiều nhà thơ ở nhiều miền đất đã quy tụ về vùng mỏ lấy cảm hứng sáng tác như Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng, Thi Hoàng... có một số tác phẩm xứng tầm, lưu lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ở Quảng Ninh, truyện ngắn của Lý Biên Cương, thơ Yên Đức, Mai Phương, Lê Hường, Thanh Sỹ... đã có nhiều khởi sắc khi đề cập đến than, đến đề tài công nghiệp. Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Giải thưởng Nhà nước đợt II) cho các tập thơ: Nhà thơ và hoa cỏ, Bản Xô nát hoang dã. Với những đóng góp không thể phủ nhận về thơ của một thời đại, ông còn hai tập truyện thiếu nhi có dư luận tốt: Trước mùa mưa bão - Hòn đảo phía chân trời. Cả hai tập truyện đều đạt giải cao trong cuộc vận động Viết cho các em thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ba tập thơ Âm điệu một vùng đất, Nhà thơ áp tải, Nhà thơ và hoa cỏ và trường ca Đá cháy... Trong các tập này, Trần Nhuận Minh viết về số phận người thợ trong số phận của nhân dân, trước những đổi thay của thời cuộc… Nhà văn Lý Biên Cương là người được trời cho đa tài, đa tình, đa mang. Ông luôn luôn đeo nặng cái tình, đau đáu nỗi niềm, canh cánh lo âu, khắc khoải mong chờ. Chính vì thế, lòng ông luôn trống vắng và thường khát khao mong đợi ở cuộc đời bằng chính cuộc sống thực và trên trang sách. Hàng chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ đã minh chứng sức lao động nghiêm túc của ông. Ông đã được trao nhiều giải thưởng và gần đây nhất, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt III với các tác phẩm: Những kiếp phù du (tiểu thuyết), Những khoảnh khắc rủi may (tập truyện), Mảnh trời vô tích tôi qua (tập truyện). Một số nhà văn khác cũng có nhiều thành tựu khi viết về thợ mỏ những năm sau này như Trần Chiểu, Bùi Văn Phúc… với hơn chục cuốn tiểu thuyết ngoài ra còn hai tập truyện ngắn và một tập thơ. Người đọc thấy lôi cuốn bởi những tình tiết, sự kiện trong than ào ào tuôn chảy. Những chi tiết đời sống lạ và thú vị từ người thợ được thể hiện bằng bút pháp mạnh mẽ và có tâm.
Các tác giả trưởng thành từ ngành than mới thực sự là một đặc sản của trào lưu văn học viết về giai cấp công nhân than với nhiều tác phẩm rất đáng chú ý. Họ chính là những người thợ trực tiếp bám máy, bám tầng, chui lò, mở vỉa. Hết giờ làm việc là một mình bên ngọn đèn dầu ga doan khói bốc nghi ngút hoặc cùng nhau hàn huyên tưng bừng dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ. Vách nhà thưng bằng gỗ nhặt đổi từ hòm đựng mìn đã sử dụng hết thuốc. Những chiếc ghế xộc xệch, cũ kỹ. Những cốc nước cáu bẩn. Bao nhiêu trang văn mượt mà, tươi sáng đã ra đời trong gian khó ấy... Nhà văn Tô Ngọc Hiến nguyên là thợ kiểm tu Nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Ông làm thơ, viết văn nhưng hình như cái tạng ông không hợp với thơ. Ông thử bút rồi tìm ra mạch văn xuôi rồi thành danh nhờ văn. Truyện ngắn Người kiểm tu của ông được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức năm 1971-1972, khi ông ba mươi tuổi. Trong cuộc sống, ông là người thẳng tính. Không bằng lòng ai cứ nói toang ra. Hình như tính cách bộc trực từ người thợ thấm đẫm con người ông. Dáng người xương xương, hai hố mắt trũng sâu, hàng lông mày rậm rịt của ông đã đóng đinh vào trí nhớ các bạn thợ. Sau các tập truyện ngắn Người kiểm tu, Mùa hoa sim cuối cùng, Mùa than trôi, ông dồn sức viết những tác phẩm dài hơi hơn như: Hãy cho tôi sống lại, Trên bến bờ riêng khuất, Ngôi nhà của rắn rết. Ông còn tham gia viết cả kịch bản phim Giọt lệ Hạ Long. Nhưng tôi nghĩ, ông đã thành công khi đặt lên gia sản văn học đất nước một Người kiểm tu ngang tàng và hãnh diện.
Nhà văn Sỹ Hồng tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Mỏ về làm đội trưởng khai thác than mỏ Hà Tu. Sau đó, ông chuyển lên Công ty Than Hồng Gai làm công tác thi đua truyên truyền. Sỹ Hồng đã cho ra mắt độc giả nhiều truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu là Đêm Thức và Đảo Nhỏ . Sau đó, ông được điều về Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh và làm việc ở hội này cho đến lúc đi xa. Sỹ Hồng có vốn sống phong phú về vùng Than. Cái quý nhất là trong những năm tháng sống và làm việc, ông cùng đội ngũ những người thợ mỏ chân chính chứ không bị pha tạp nhiều mối quan hệ như hiện nay. Họ đã mang cho ông niềm tin vào cuộc sống vất vả, bộn bề gian khó để ông cầm bút. Suốt đời, trang viết là niềm say mê khôn cùng. Năm 1983, ông đã trở thành một trong số những người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sớm nhất ở Quảng Ninh. Tác phẩm của ông đề cập nhiều lĩnh vực của đời sống thợ mỏ ở nhiều ngành nghề khác mhau. Vốn sống của nhà văn phong phú và ngày càng được bồi đắp. Ông viết về thợ mỏ nhiệt tình, chu đáo, và có trách nhiệm đến hết đời. Nhân vật trung tâm của nhà văn là các cán bộ quản lý mỏ, Họ là kỹ sư, là nhân viên kỹ thuật, đảm đương các nhiệm vụ từ đội trưởng sản xuất đến quản đốc, giám đốc một mỏ than. Với tấm lòng nhân ái và trân trọng, Sỹ Hồng đặc biệt nâng niu những vẻ đẹp trong đời sống tâm hồn con người lao động. Toàn bộ tác phẩm của ông là nỗi niềm thiết tha đối với cuộc sống, đối với con người, phản ánh chiều sâu, chiều rộng với lớp lớp tầng vỉa ở vùng Than. Có thể nói, Sỹ Hồng một nhà văn chung thuỷ, bền bỉ viết về thợ mỏ và có nhiều tác phẩm về người Thợ mỏ gây ấn tượng trong cả nước.
Tiểu thuyết được chú ý rộng rãi sau này là Thời gian đang đi của Nguyễn Sơn Hà. Ông từng gắn bó nửa đời với Cọc 6. Mảnh đất đã nuôi dưỡng ông trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1987, ông gồng gánh gia đình vào Thanh Hóa. Cuộc sống buộc mọi người phải vượt lên từ công việc đời thường, ông bị bạo bệnh nên sáng tác giảm sút và hầu như đóng góp của ông vào nền văn học nước nhà chủ yếu là những tác phẩm viết từ than. Truyện dài Nắng lửa của Hoàng Văn Lương, Mảnh đời của Huệ của Võ Khắc Nghiêm... đều có vị trí trong lòng bạn đọc. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã bốn mươi năm gắn bó với người thợ mỏ. Do vị trí công tác, ông về Hà Nội nhưng vẫn đâu đáu với từng số phận con người công nhân than. Ông vừa được trao tặng Giải thưởng nhà nước về VHNT lần thứ tư cho hai cuốn tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ và Mạnh hơn công lý. Và gần đây là Vũ Thảo Ngọc, nhà văn nữ trưởng thành từ mỏ than Cọc Sáu rất sung sức. Ngoài truyện ngắn và thơ, chị đã cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết liền nhau. Là Nguyễn Cao Thâm với những tác phẩm dày dặn liên tiếp ra đời, nóng hổi hơi thở vùng than. Là Đoàn Văn Kiển nguyên Giám đốc tập đoàn với hai tập sách dày dặn: Thợ lò cũng là chiến sỹ và Tình yêu ở lại viết chủ yếu về tâm tư tình cảm những người thợ lò. Là Vũ Tiến Luận một công nhân trở thành lãnh đạo một công ty cơ khí, là Trần Đình Nhân, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Đình Thái, Trần Văn Khiên… đều có những tác phẩm tốt. Họ đều từ những công nhân đã nhiều năm gắn bó trực tiếp với sự nghiệp làm than.
Khoảng chục năm gần đây, chúng ta thấy thưa vắng những tác phẩm về đề tài công nhân mỏ. Đề tài thợ lò càng hiếm thấy hơn. Từ khi đội ngũ công nhân mỏ hình thành, những tác phẩm viết trực tiếp về thợ lò chỉ tính được trên đầu ngón tay. Đó là các tiểu thuyết: Mở hầm của Nguyễn Dậu, Đất không giấu măt của Ngô Xuân Hội, Người cõi âm của Trần Chiểu… Gần đây nhất là Ánh đèn lò của Vũ Thảo Ngọc.
Cuộc sống luôn luôn thay đổi. Hình ảnh người thợ lò đã và đang đổi khác rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Trước ngày giải phóng, họ là những cu li cõng than, địu than từ hầm lên, từ lò nông choèn và tối tăm chật chội ra. Người nhỏ quắt, đen đúa, nhọc nhằn, thậm chí bẩn thỉu. Họ đếu không biết chữ. Không nói, không hiểu được những cậu nói dài quá bảy từ. Vào lò, họ chỉ biết làm. Ra lò, người như nhộm bùn than đất. Đàn ông đàn bà con trai con gái gầy đen như nhau. Họ bị làm nhục mà không dám kêu ai. Tôi vẫn nhớ bà Động người gần nhà tôi, cao to lừng lững. Bà đi làm bị cai chủ lò, cu li lò làm nhục thường xuyên đến mức có chồng không sinh nở được. Người cao như cây sào mà khô đét. Tay mặt chằng chịt những vết chàm than lằn sâu trong da. Ăn thô, nói tục, rượu húc, gái xơi là hình ảnh chung của thợ lò những năm xa xôi ấy. Họ chỉ mong đủ áo cơm đắp đổi qua ngày, thời thế ra sao không cần quan tâm. Cách mạng đã nhen nhóm niềm tin cho họ. Thời chúng tôi, những người phụ nữ không được vào lò. Trong những đường lò càng vào sâu càng nhỏ hẹp, những người đàn ông nối đuôi nhau tiến sâu vào bên trong. Từng tốp, từng tốp lần lượt rẽ sang khu vực làm việc của mình. Tối tối, họ trở về những căn nhà, căn hầm tránh bom đạn Mỹ hủy diệt. Căn hầm tối om om được thắp sáng bởi vài chiếc đèn đốt bằng dầu ga doan. Giấc ngủ và những câu chuyện ấm lạnh đủ làm khô bớt những giọt mồ hôi hòa lẫn với bụi than. Đâu đó chung quanh phản kê, lót lá là tiếng nước ngầm tí tách từ trong lòng khe than ra. Mặt công nhân than vẫn đen đúa, vai vác cái búa lò một đầu bập vào một đoạn gỗ lò thừa, một đầu khoác chiếc đèn đất. Trong nắng sớm đã lên, ngọn đèn đất vẫn còn cháy xi xeo. Họ cắm cúi đi trên phố. Về nhà rửa ráy qua loa, nằm vật ra ngủ tới chiều. Sau rồi đèn đất được thay bằng đèn lò. Người thợ hết ca, cởi bỏ quần áo, tồng ngồng dưới những tia nước nóng chảy trên đường ống được đục lỗ. Tắm giặt xong, họ vắt quần áo ướt lên vai vội vã về nhà. Những người thợ thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy không có mấy ai tính toán thiệt hơn. Nó trong sáng, vô tư, thoải mái, nhẹ nhàng nhưng chất chứa một sự nhọc nhằn của tuổi thơ đầy khốn khó. Những thanh niên nông thôn ở nhiều vùng quê được tuyển chọn ra mỏ học nghề, ai cũng nghĩ mình gắn bó lâu dài với mỏ. Nhưng rồi, có người phải xa mỏ ra chiến trường tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để rồi không bao giờ được trở lại. Họ đã hóa thân vào đất chiến trường, góp phần làm tươi thắm cho mầu xanh đất đai. Đất mỏ lại tiếp đón những lứa thanh niên mới, trẻ trung hơn, sôi nổi hơn, học lực hơn bổ sung và thay thế. Họ sẵn lòng hy sinh vì đồng nghiệp bởi cái nghề thợ lò thật vô cùng gian khổ, yếu tố nguy hiểm luôn rình rập. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã khẳng định Ngành sản xuất Than cũng như quân đội đánh giặc... Bác nói vậy để thấy sự hy sinh cao cả những người thợ trên mặt trận khai thác than làm giầu cho Tổ quốc. Nó đã thấm đẫm biết bao sức lực, trí tuệ và cả máu xương của người thợ để làm cho những dòng than tuôn chảy không nghỉ không ngơi. Chỉ có những người trong lò mới hiểu được giá trị cao quý của từng hòn than được lấy từ lòng đất. Họ thầm lặng hi sinh, luôn sống giản dị như bao người, không đòi hỏi gì nhiều cho riêng mình. Họ mơ ước cho đất nước, cho đồng nghiệp và gia đình có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Những người thợ lò hôm nay, cuộc sống đã thay đổi một trời một vực. Ăn cơm công nghiệp tự chọn, tắm nước nóng, xe đón xe đưa. Quần áo thay ra có người giặt giũ. Lương cao ngất ngưởng. Có người thợ lương tới ba trăm triệu một năm. Những công nhân ở tập thể được công ty lo chu đáo về chỗ ăn ở. Đãi ngộ thu hút học sinh học nghề, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; môi trường làm việc với chế độ đãi ngộ... Trong đó, giải pháp thu hút học sinh học các nghề mỏ hầm lò là một trong các giải pháp ưu tiên mà TKV đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Bằng nhiều chính sách, đãi ngộ tốt như hỗ trợ 100% học phí và tiền ăn, ở cho học sinh; hỗ trợ chi phí đi lại khi nghỉ hè, nghỉ tết; chi trả 70% lương sản phẩm khi học sinh thực tập; bố trí việc làm khi tốt nghiệp... Tại sao những thợ lò vẫn bỏ việc. Trình độ được nâng cao, kém nhất cũng đã qua phổ thông, Người thợ lò trình độ văn hóa không khác gì so với những công dân bình thường. Các đơn vị ngành than vẫn phải tìm cách giữ chân họ để họ gắn bó với than. Họ sống, suy nghĩ thế nào trong công việc. Hoàn cảnh gia đình, tâm tư tình cảm của họ ra sao với nghề, với những đổi thay lớn lao của địa phương, của đất nước. Đừng thấy không gian làm việc của họ là màu tối của hang đá, xen lẫn ánh sáng của đèn pin, của máy phát… ngày cũng như đêm. Đừng thấy quần áo, mặt mũi họ lúc nào cũng lấm lem, đen xì bụi than do thường xuyên phải tiếp túc với các chất độc hại như bụi than, bụi đá, kim loại… khi bước ra khỏi lò. Những mái đầu còn vương giọt nước sau mấy lần tắm rửa mới sạch mà chỉ thấy sự vất vả. Họ còn bao nhiêu ước mơ, khao khát đến cao đẹp, lãng mạn khác. Điều này đang đợi những nhà văn công nhân trực tiếp sống và làm việc như người thợ mới có thể thể hiện được.
So với thực tế trong sản xuất, số lượng các tập tiểu thuyết, truyện ngắn viết về thợ lò còn rất mỏng. Mặc dù có nhiều nhà văn ở vùng than, trong công nhân, làm công nghiệp đã được khẳng định. Nhắc tới họ, chúng ta nhớ ngay đến những sáng tác đã làm nên tên tuổi họ; nhưng còn bao người vẫn suốt đời cặm cụi tìm tòi, vẫn âm thầm mải miết với những giấc mộng không cùng. Những nhân vật như Đào Văn Đáo, như Hóa thợ lò có khát vọng học lên nữa để trở thành kỹ sư, như Lợi, thản nhiên đến với mỏ lại bỏ về quê hương nhưng nhớ bạn bè, đồng nghiệp không chịu được phải quay về với “ than đen - chuột cống”. Như ông Nhâm, quản đốc công trường đầy kinh nghiệm làm mỏ “… đi lại trong đường lò thực sự là một niềm vui của ông hàng ngày…”. Ông hết lòng ưu ái, chia sẻ với công nhân những vất vả, khó khăn.
Rồi những phụ nữ vùng Than kiêu hãnh, dạn dĩ và cũng rất mực đoan chính.
Cuộc sống tốt đẹp được thể hiện dưới ngòi bút của nhà văn như chính từng vỉa than nông sâu, uốn lượn; như chính những hầm lò khúc khuỷu, quanh co và đầy bất trắc. Nó khác xa, đối lập hoàn toàn với cuộc đời phu lò tăm tối, khốn khổ, nhọc nhằn của Thuật trong Lầm than của Lan Khai. Trong Lầm than, cai Tứ và thằng chủ Tây lập mẹo lừa Thuật, đẩy Thuật đến mức tù tội, phá hoại hạnh phúc gia đình chị Tép. Dựng đứng cho Thuật can tội chực cướp tiền ở nhà ông cai Tứ còn hành hung đánh người bề trên... khiến cho chị Tép (cũng tương tự như chị Dậu trong Tắt đèn) đứng trước một bầu trời tối đen không lối thoát. Nó cũng khác xa những nhân vật của Võ Huy Tâm, của Nguyễn Dậu. Người thợ lò hôm nay (dù là công nhân hay người quản lý) đều ở vị trí và tâm thế khác hẳn so với ngày hôm qua.
Rất nhiều khó khăn trở ngại đặt lên vai người sáng tạo viết về công nhân mỏ, viết về thợ lò. Dù thế nào, họ đều có chung tình yêu tha thiết con người. Cuộc sống còn nhiều phức tạp, họ không nản lòng, vẫn hăng say sáng tác, coi văn chương nghệ thuật như một đền đài để tôn vinh, ngưỡng vọng con người. Hạnh phúc hay khổ đau, những người nghệ sĩ vẫn tìm đến văn chương bằng một tình cảm tha thiết và trong sáng.
Lịch sử công nhân nhân mỏ đã trải qua hơn một thế kỷ nhưng Than Khoáng sản Việt Nam ra đời mới được hai mươi năm nay. Trong đó, một nửa thời gian vật lộn với khủng hoảng to nhỏ. Sản xuất tiêu thụ nhiều lúc đình đốn trước thách thức nặng nề, thu nhập đời sống của người lao động, của công nhân mỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ. Vượt lên tất cả, đáng quý hơn tất cả là đời sống thợ mỏ đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, ngành Than đã chăm sóc, giúp đỡ các cây bút trong và ngoài ngành, tích cực góp phần tạo dựng một đội ngũ sáng tác, làm nền cho một phong trào sáng tác văn học, một vùng văn chương độc đáo vì những người lao động, vì nền văn học công nhân. Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ lao động, với độ nhạy bén về nghệ thuật, vốn sống dày dặn và luôn được bồi đắp. Đó là một điều kiện để ra đời các tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Việc sưu tầm tái bản những đầu sách viết về người thợ có giá trị của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là một việc làm cần thiết và hữu ích nhằm tôn vinh những người viết, những người thợ chân chính, cần lao và giúp bạn đọc hiểu biết thêm về sự hình thành, quá khứ, hiện tại và tương lai một ngành công nghiệp lớn của đất nước.
Trong tình hình hiện nay, việc khai thác than đang dịch chuyển sang hầm lò. Tập đoàn và các đơn vị tích cực triển khai tái cơ cấu, cổ phần hoá theo đúng lộ trình; không ít đơn vị sản xuất than lớn thay đổi tổ chức, song trong toàn Tập đoàn, tuyệt đối không xảy ra xáo trộn lớn mà tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới. Việc làm, đời sống mọi mặt của thợ lò về cơ bản bảo đảm và được quan tâm nhiều hơn, tốt hơn. Sáng tác về người công nhân mỏ (nhất là thợ lò) và cả đội ngũ văn nghệ sĩ xuất thân từ ngành than đều trầm lắng và thiếu. Thiếu những tác phẩm hay và những nhân tố mới. Đó là một điều bình thường trên chặng đường vận động phát triển của văn học. Một thử thách rất gay gắt về sự tồn tại hay không tồn tại của phong trào văn học công nhân. Sáng tác về người công nhân là vấn đề của đề tài nhưng vấn đề không phải là viết về đề tài gì, mà là viết ra sao. Cũng như việc tài trợ, hỗ trợ là cần thiết nhưng tác phẩm hay không nhất thiết sinh ra từ những cái đó mặc dù đó là những thứ rất quan trọng và cần thiết. Để những trang viết thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, có cuộc đời có số phận có hồn vía, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của bạn đọc hôm nay và hội nhập được với cả thế giới là vấn đề lâu dài, bền bỉ không thể trông chờ vào một hai hay mấy chục năm. Có khi nó đang ấp ủ, đang ra đời. Chỉ có điều, sự chia sẻ, sự giúp đỡ của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam với đội ngũ sáng tác văn học trong công nhân là không hề nhỏ và cần thiết. Là những người sáng tạo văn hóa nghệ thuật, chúng tôi trân trọng và biết ơn các cấp lãnh đạo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam với bề dày lịch sử của sự nghiệp làm than đã đồng hành cùng với chúng tôi. Nếu như không có sự tài trợ, hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp khai thác Than & Khoáng sản Việt Nam, tôi không thể nào ra mắt được bốn tập của bộ tiểu thuyết Đất bỏng, tiểu thuyết Miền nắng đỏ và sắp tới là Một thời sương nắng.
Đối với Quảng Ninh, việc duy trì Giải thưởng Hạ Long cho các tác phẩm viết về đề tài công nhân trong nhiều năm là một trong những sự quan tâm lớn lao đối với VHNT. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao ra đời nhờ sự thúc đẩy ấy. Chỉ tiếc việc sáng tác về người thợ nói chung và thợ lò nói riêng không đều và quảng bá các tác phẩm được giải đến công chúng, đến người công nhân còn rất nhiều hạn chế, chưa thực sự tốt. Chúng tôi mong được sự quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn. Trong sáng tác nhất là tiểu thuyết và trường ca, mối tình duyên trai gái thường xuyên có mặt nhưng đó chỉ là một cái cớ để nhà văn khai thác nhiều khía cạnh khác của cuộc sống vùng Than. Có lẽ không ở đâu trên đất nước này lại có cuộc sống, lao động vừa nguy hiểm, cực khổ lại vừa lãng mạn đến như vậy. Tuy nhiên, viết về thợ lò là một công việc khó khăn, nhiều thách thức với nhà văn. Thời gian để tìm hiểu, tiếp cận, nắm bắt công việc đã không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà mục tiêu hướng tới của văn học là con người. Họ sinh hoạt ra sao, ý nghĩ riêng tư, tâm tư tình cảm về mọi mặt cuộc sống thế nào mới là vấn đề cốt lõi. Qua đó, chúng ta tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của họ mà đại diện ở đây là nhân vật bằng xương bằng thịt. Chúng ta mong đợi các tác phẩm lớn với chất lượng cao thì sự quan tâm, chăm sóc, thúc đẩy của lãnh đạo, của Hội VHNT là một động lực to lớn. Nhất là việc mở các cuộc thi viết về thợ lò, viết về những vấn đề mà người công nhân hầm lò, người thợ cần quan tâm giải quyết. Tiến hành trao giải thường xuyên cho những tác phẩm xứng đáng, những sáng tác của các cây bút trẻ trong và ngoài ngành. Tiến hành sưu tầm, tập hợp những tác phẩm đã được thời gian kiểm chứng để tái bản, lưu trữ cho các thế hệ sạu.
Để cho ngắn gọn và cụ thế, chúng tôi mong được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội VHNT Quảng Ninh về việc xây dựng và hoàn thiện hình ảnh những người công nhân mỏ (trong đó có thợ lò) bằng hình tượng văn học, sinh động và có sức lan tỏa. Mở những cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… về văn học công nhân cho những người trong và ngoài ngành. Một số nhà văn có uy tín, có nhiều sáng tác về công nhân mỏ, về thợ lò cần được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn kinh phí giúp họ xuất bản. Tổ chức các cuộc thi dành riêng cho lứa tuổi trẻ, các thế hệ tương lai. Phổ biến rộng rãi những tác phẩm tốt trong quần chúng lao động. Sưu tầm, tập hợp những tác phẩm có chất lượng bền vững với thời gian để xây dựng lên những thư viện có đầy đủ những sáng tác lâu bền về người lao động, về thợ mỏ và những người thợ lò.
Làm được những điều ấy, chúng ta đã có công rất lớn trong việc tàng trữ, làm mới, xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật của những người lao động, vì những người lao động.