Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI











... N hiều năm trước, nhân ngày sinh nhật 10 tuổi của bé Thúy, con cô tám, ba có tặng bé một quyển sách bằng tranh “Cuộc Sống Của Loài Vật”. Sau khi mở gói quà Thúy đến ngồi cạnh ba, cử chỉ thật thơ ngây. Sau một lát, Thúy ngước mắt nhìn thẳng vào mắt ba rồi bất chợt hỏi.

- Cuộc sống, nó là cái gì hở cậu?

Với bọn trẻ con ba không khéo lắm. Ba vừa không kiên nhẫn vừa không hiểu sự tò mò của chúng. Ba đã trả lời Thúy một cách đại khái làm cô bé chưa hài lòng.

- Cuộc sống là thời gian trôi đi, kể từ khi con người ta sinh ra cho đến khi chết.

- Chỉ có thế thôi à?

- Ừ, chỉ thế thôi!

- Vậy cái chết, nó là cái gì?

- Chết là hết, là người ta không còn sống nữa.

- Giống như mùa đông đến làm cây bàng trước nhà khô héo? Trơ cành?

- Đại khái như vậy.

- Thế nhưng cây bàng có chết đâu, có đúng không? Vì khi mùa xuân đến thì cây bàng sống lại, có đúng không?

- Đối với con người thì không như thế! Khi người ta chết, là chết vĩnh viễn. Không còn sống lại được nữa.

- Cả người lớn, cả trẻ con cũng thế à?

- Ừ, cả ngừơi lớn lẫn trẻ con.

- Không được!

- Như thế đấy.

- Không đúng!

- Biết vậy đi!

Nói thế nhưng nét mặt hồ nghi của cháu Thúy làm ba bối rối nên vụng về lặp lại những điều mà người lớn thường nói với trẻ con khi lâm vào thế bí:

– Cháu đi chơi đi… cháu hãy còn bé và có nhiều điều cháu không hiểu. Hãy đọc sách và học tập nhiều hơn nữa. Còn bây giờ thì cháu đi ra ngoài nhé, cậu có chuyện cần nói với mẹ!

- Được, nhưng con không tin điều cậu nói! Theo con lúc người ta chết thì giống các cây mùa đông khô héo nhưng đến mùa xuân các cây ấy lại mọc lại.

Ba im lặng không biết đối đáp thế nào, nhưng trong lúc bé Thúy chạy đi khoe quà với bạn thì đầu óc ba miên man suy nghĩ. Ba muốn nghĩ một cách chín chắn hơn về cuộc đời, tìm ra câu trả lời chính xác mà cháu đã hỏi, để giải thích vì sao những người chết không bao giờ sống lại vào mùa xuân. Nhưng thú thật, đến giờ là gần 10 năm trôi qua, bé Thúy lúc này đã vào đại học, mà câu trả lời cho cháu ba vẫn chưa tìm ra.

Mà Đời, nó là gì? Sinh ra có ý nghĩa gì không? Hay đôi khi phải nối kết những điều vô nghĩa rồi biến thành ý nghĩa để tồ tại và nhìn ra thế giới.

Đôi với người Ấn độ thì cuộc sống không chỉ để sống, mà để hiểu. Hay nói đúng hơn, người ta sống là để khám phá ra ý nghĩa cuộc đời. Mà điều gì là quan trọng nhất?

Trong tiểu thuyết về lịch sử triết học “Thế giới của Sophie” nhà văn Na Uy Jostein Gaarder có trả lời cho cô bé 16 tuổi: “Nếu hỏi một người đang đói, họ sẽ nói là thức ăn. Nếu hỏi một người đang chết rét, họ sẽ nói là hơi ấm. Còn nếu hỏi một người đang cô đơn, họ sẽ nói là tình người.”

Để hiểu thế giới, triết gia Pháp Jean Paul Sartre cũng đã ví von: Nếu đặt một bao diêm nhỏ bé trước mắt ta, đó chỉ là một khối 6 mặt, nhưng ta không cách gì nhìn xuể, giỏi lắm ta chỉ nhìn thấy 3 mặt của nó mà thôi. Nói vậy có nghĩa là vũ trụ bao la vô biên vô tận này, con người khó mà hiểu thấu! Các triết gia Ấn Độ cũng cho rằng thế giới mà ta nhìn ngắm chỉ là một phần chứ không phải toàn sự thật. Mà phần nhìn thấy cũng chẳng phải là phần quan trọng vì nó luôn biến chuyển và đổi thay. Họ còn cho rằng những điều quan trọng không thể nhìn bằng mắt mà bằng trái tim.

Nhưng vấn đề là chúng ta sinh ra để làm gì? Có phải chúng ta sinh ra để yêu nhau? Hay không được sinh ra để hiểu nhau? Thật là phức tạp, nhưng cũng có khi ba nghĩ về sự hiện diện của những con người trên trái đất là một điều kỳ diệu! Mỗi chúng ta đều đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết đến để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật và những cảm xúc nhận được trong đời ba nghĩ rằng ta đến đây vì người khác, trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ; kế đến là vì những người mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông.

Tìm được câu trả lời về đời thật không dễ dàng. Bất trắc, tai ương, chiến tranh, dịch bệnh, cô đơn luôn làm con người hãi sợ. Ƭhế nên trong đời sống ai cũng cần được ở bên một người có thể giúρ mình chịu đựng. Hài hước là thước đo tuуệt νời của trí thông minh. Ba mong là trong cuộc sống con sẽ gặp được một người biết biến những thứ νô νị trở nên ý nghĩa. Ba may mắn vì gặp mẹ và những người bạn quý. Những trắc trở trong đời ba, nhờ họ, đã trở nên nhẹ nhàng hơn.

Nếu thi sĩ Tản Đà định nghĩa: đời là cõi bắt con người phải sống thì mẹ Teresa cho rằng đời là một tiếng vọng. Thứ mà con người cho đi sẽ được hoàn lại. Thứ mà con người gieo trồng thì họ sẽ gặt. Thứ ta cho đi sẽ nhận lại vì thứ nhìn thấy từ người khác cũng hiện hữu trong ta.

Cuộc đời là thực tại như đang diễn ra hay là những ao ước về những điều sẽ diễn ra? Là bi quan hay lạc quan? Là bể khổ hay Thiên đường?... Sự thật về cuộc đời là gì khi chúng ta lê gót qua mọi nẻo phù sinh chông gai, nếm trải bao sự thống khổ hay hạnh phúc? Kiếp người có phải “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả” mà Đức Phật nhận ra sau khi vi hành ra khỏi cung điện của vua cha? Mọi con người từ hoàng đế đến kẻ thị dân đều là chúng sinh, đối tượng của đau khổ, của nước mắt. Một nhà thơ nào đó diễn tả bằng ngôn từ đơn giản ý tưởng về trần gian:

Bể khổ mênh mông sóng lụt trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền trôi
Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió
Xem lại cùng trong biển thảm thôi.


Nhưng nói gì thì nói, theo ba thì Đời là… để sống!

Sống là dám sống với trọn tình yêu và nỗi đam mê cháy bỏng. Không chỉ quan tâm đến vật chất mà còn cần có tinh thần, trí tuệ.

Con người ta chỉ hiện hữu một lần nên ai mà không muốn mình được sống như một con người với đúng nghĩa của nó. Thân xác là vật chất, mỗi ngày đều đi tới sự hủy hoại thế nên vô nghĩa và ngắn hạn, và chỉ có tâm hồn mạnh mẽ mới tiếp tục tồn tại.

**


Trong suốt quãng thời gian từ khi nhìn thấy ánh sáng đến lúc nhắm lại vĩnh viễn, bao chuyện đã xảy ra. Ta sống, có người yêu, kẻ ghét. Có khi ta khóc lúc không cần thiết hoặc cười không đúng lúc nên làm thương tổn một ai. Đã từng không khôn khéo xử sự những tình huống nên làm phiền lòng người khác. Đời là tập hợp vô vàn tình huống và biết bao cung bậc cảm xúc. Nhìn một bức hình xưa, nghe một bản nhạc cũ rồi nước mắt chảy dài. Nhảy cà tưng vui sướng hay nguy hiểm đã qua và mình vẫn còn sống sót. Rồi tiếp tục sống dù có lúc tưởng mình không sống nổi vì thất vọng hay tuyệt vọng. Nhưng dầu thế nào thì cũng nên như Hermann Hesse "Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”.

Nhưng cuộc đời cũng kỳ lạ lắm.Có khi chỉ cần một phút để quên một cuộc đời nhưng cũng có lúc cả đời không quên nổi một phút.

Lúc vừa mới quen nhau, trong một phút ngẫu hứng, mẹ con đã viết những trang văn mà ba rất thích: “Cuộc đời không bao giờ có một hình thù cố định. Nó như giọt nước. Khi tròn, lúc vuông, khi dài như sợi, khi ngắn và mỏng như phiến giấy… hình thù nó tùy thuộc vào vật chứa. Mỗi hình dạng là một trạng thái tâm hồn. Khổ đau. Hạnh phúc. Giận dữ. Buồn phiền. Mừng vui. Nó là chất lỏng. Là tảng băng. Là mây bay lơ lửng giữa bầu trời... Nó có nhiều hình dạng, nhưng không nhất thiết phải có một hình dạng nhất định nào. Khi nhận lấy hình hài cố định là khi tất cả các mọi thứ trong trong cuộc đời pha trộn vào nhau, thế là chấm dứt. Là cái Chết. Là trở về tro bụi.”

Mẹ cũng thường nói với ba: Hãy sống tốt và trọn vẹn với chính mình. Cảnh vật kỳ quan của thế giới dù có đẹp đến đâu cũng không thể nào độc đáo bằng tính cách của con người. Nhận biết về thế giới có thể làm giàu kiến thức nhưng nhận thức về bản thân mới là cuộc hành trình lớn nhất, thú vị, kỳ bí và ly kỳ nhất của đời người. Ba yêu mẹ con vì trí tuệ đó. Chỉ nhờ có được tình yêu cuộc sống mà con người vượt lên được bao nhiêu thách thức gặp trên đường đời. Nay cái ý nghĩa lớn lao đó hình như có nhiều người không tìm thấy. Có phải vì đời sống hôm nay có quá nhiều ánh đèn nhân tạo, nó ngăn ta nhìn thấy thứ ánh sáng lớn hơn nên chìm trong mê muội chăng?

Theo cách nhìn minh triết của người Ấn Độ thì cuộc đời của mỗi người có thể chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có thành quả, quyền lợi và trách nhiệm. Giai đoạn 1 là tuổi thơ, cần phải học những điều cần thiết. Giai đoạn 2 là trưởng thành. Người đàn ông trở thành chồng, cha, giữ vai trò trong gia đình và đóng góp phần mình cho xã hội. Thời kỳ này ai cũng có ước mơ, như đi tìm thú vui, giàu có, sự nổi danh và hiểu biết thế giới quanh ta. Giai đoạn 3 là thời kỳ con cái đã lớn, nên có thể từ bỏ mọi thứ để “vào rừng”. Như thế con người sẽ từ bỏ những thú vui, những thành công, thất vọng và những phù phiếm sau lưng, ý thức rằng chúng chỉ là những ảo ảnh của cuộc sống để quan tâm về những điều “thực” hơn, giá trị dài lâu vĩnh viễn hơn. Giai đọan thứ 4 là thời kỳ hoàn toàn rũ bỏ, tự biến thành kẻ khất thực, mặc trên người chiếc áo màu đỏ cam, biểu tượng của ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ bản ngã tạm thời, kể cả dục vọng, để giải phóng mình khỏi vòng quay của nghiệp, samsara, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Ở phương Tây… có cách nhìn riêng. Họ đuổi theo vật chất và tạo nên một thể chế gọi là về hưu cho giai đoạn thứ 4 của cuộc đời: Sau 65/67 tuổi người làm việc được nhà nước trả tiền (hưu) để… đi câu, để vẽ tranh, đọc sách… nhưng phần lớn là để gặm nhắm những phút giây nhàm chán hay nuối tiếc về một thời đã qua: cựu giám đốc, trưởng phòng, luật sư, quan chức, doanh nhân... và nhiều người bị đột quỵ và vĩnh viễn ngừng việc hồi tưởng mình đã là ai trong đời.

Ba cũng sắp đến tuổi hưu, nhưng ba lại không thích “hưởng đời hưu trí” một chút nào. Trái lại, ba làm việc (đọc, viết...) nhiều hơn trước, để hiểu thêm về cái thế giới mà mình đang sống. Ba muốn tìm hiểu cái thế giới nội tâm, muốn mình chính là mình, và vứt hết mọi thứ carte de visite, vị trí xã hội. Ba tin, khi nào chúng ta tiến đến gần cái bản thể của mình, biết mình là ai thì mình mới là người hạnh phúc.

Hình như con người hiện đại ít khi nghĩ về bên trong mình. Bởi không ai có thời gian. Cũng chẳng có cơ hội. Trong thành phố lớn, chúng ta liên tục chạy, và sự bận bịu ấy làm chúng ta đánh mất hết ý nghĩa của mọi thứ.

Như thể là để tồn tại, chúng ta đang phản ứng với cuộc sống, chứ nào phải sống!

( Trích tiểu thuyết Trò Chuyện Với Thiên Thần. Nxb Tổng hợp tpHCM- 6-2020)