Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





THẾ SỰ THĂNG TRẦM

QUÂN MẠC "TẾU" VII



T «huở trời đất nổi cơn gió bụi »,có lẽ chưa bao giờ câu thơ mở đầu cho cuốn Chinh Phụ Ngâm  của bà Đoàn Thị Điểm lại thích hợp với thời đại chúng ta đang sống đến thế. Bộ tưởng tôi ăn nói tào lao lắm sao ? Thì cứ ngước nhìn ra bốn phương là biết tay nhau ngay. 

Trước hết là chuyện trên trời. Chẳng hiểu có phải bị ai đó chọc quê hay không, mà bỗng dưng ông Trời nổi đóa, năm nào cũng phái Thiên Lôi reo rắc tai họa khắp nơi như muốn trừng phạt thế gian. Ôi dào, kể làm sao cho xiết. Hét mưa lũ, bão lụt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn ở phương Đông, lại đến nạn cháy rừng ở Mỹ châu. Chỉ riêng tại bang California, trong mấy tháng hè 2020 đã xảy ra liên tiếp vài vụ hỏa hoạn, thiêu rụi hàng ngàn ếch ta rừng khiến giới hữu trách phải dùng trực thăng để cấp cứu đưa gần hai trăm cư dân ra khỏi vùng hỏa hoạn. Mà đâu có phải chỉ riêng ở Bắc Mỹ. Tại xứ Brazil ở phiá nam, khu rừng già Amazon, được mệnh danh là lá phổi của trái đất, bỗng dưng cũng phát hỏa, thiêu rụi hàng trăm ngàn ếch ta rừng già bát ngát gốc cây cổ thụ. Không biết các vụ cháy rừng này có đóng góp vào việc làm tăng nhiệt lượng địa cầu hay không mà từng khối đá băng gần xứ Islande, cũng như trên đỉnh Mont Blanc bỗng tan ra thành mảng. Mới đây thôi, trận bão Alex kéo theo một cơn mưa lũ như thác đổ trút xuống dãy núi Alpes ở gân Nice miền nam nước Pháp, một khối lượng nước trong vòng có vài giờ bằng ba tháng mưa dầm. Nước mưa từ các triền núi đổ xuống nhiều đến độ con sông Vésubie vốn hiền lành như một dòng suối nên thơ, trong hai ngày 2 và 3 tháng 9 – 2020 bỗng như những đợt sóng hung hãn ùa ra từ một con đập lớn bị vỡ. Nước chảy xiết và mạnh đến độ cuốn phăng nhiều cây cầu, cắt đứt nhiều trục giao thông, làm lở từng mảng đất ven sông kéo theo nhiều ngôi nhà được xây kiên cố trên đó cũng bi cuốn theo khiến hơn một chục người bị thiệt mạng hay mất tích. Trong khi đó tại Phi châu lại xảy ra hạn hán chưa từng thấy làm đất nứt nẻ khô cằn, gây nạn đói tứ tung khiến không biết bao người dân, để tránh nạn đói cơ cực phải tìm đường lánh nạn nơi xứ người. Rồi lại còn nạn dịch Covid-19 nữa chứ. Ố là là. Thiên hạ lăn ra chết như rạ. Chẳng cần nói đâu xa. Chỉ cần nhìn vào nước Mỹ, một quốc gia văn minh có nền y khoa được mô tả, như ông Trump có lần phát biểu, là tiên tiến nhất thế giới. Ấy vậy mà chính quốc gia này lại có con số tử vong kỷ lục vì bệnh dịch lên tới gần ba trăm ngàn nạn nhân lận. Nhưng tai họa, đâu có phải do ông Trời khi không đùng đùng lên cơn Tạc Dzăng nổi giận. Con người cũng có phần đóng góp, do ăn ở với nhau hết lòng theo kiểu thương nhau lắm cắn nhau đau, khiến đám dân nghèo đã cơ cực, lại còn lâm vào cảnh một cổ hai tròng. Bộ tưởng tôi nói láo sao ? Xin tạm rời đôi mắt khỏi cuống rún và hướng cái nhìn về phía Trung Đông là thấy liền.

Này nhé ! Nhà Nước Hồi giáo (EI), mặc dù bị đánh bại với hầu hết các thủ lãnh đã bi triệt hạ, nhưng không hề triệt tiêu. Tổ chức này như con rắn bảy đầu thần thoại, chặt xong đầu này lại mọc thêm đầu khác. Không những thế, do thiếu một sự lãnh đạo thống nhất, tổ chức còn phân hóa thành nhiều phe phái khác nhau, đôi khi còn thù nghịch nhau, Hậu quả là các hành động khủng bố, thanh toán chém giết lẫn nhau vẫn tiếp diễn, không chỉ riêng tại Trung Đông, mà còn lan sang cả một số quốc gia Phi Châu nữa. Bằng chứng là tới giờ này vẫn còn hàng đợt người thuộc một số vùng Trung Đông và Phi Châu tìm cách vượt biển, bất chấp mọi nguy hiểm tính mạng, để mong tới được các nước Âu châu xin lánh nạn. Quí vị nào ở xa chắc không biết ; riêng tôi vì sống ngay  cạnh Địa Trung Hải, hầu như ngày nào cũng được chứng kiến qua truyền hình, thảm cảnh của đám người di tản tìm đường lánh nạn. Họ phải sống chen chúc trong các trại tạm trú thiếu đủ thứ, đặc biệt là về phương tiện vệ sinh, thuốc men. Vậy mà đâu đã được yên thân. Mới đây thôi, hồi đầu tháng 9-2020, trên đảo Lesbos thuộc Hy Lạp, nơi tập trung hầu hết các dân tị nạn trong vùng Đia Trung Hải, trại bỗng dưng bốc cháy khiến hàng chục ngàn người đã sống nheo nhóc lại lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Tội nghiệp nhát là có những em bé sơ sinh cứ nhằn mãi vú mẹ chắc đã gần  kiệt sữa. Đúng là dã nghèo lại gặp phải cái eo.

Trước những thiên tai thảm họa kể trên, tôi thầm nghĩ ông Trời chắc chỉ muốn ra tay cảnh báo thế thôi. Thế nào rồi Ngài cũng phái một sứ giả xuống trần để đem lại trật tự ổn định cho thế gian và giúp cho lê dân trăm họ sớm muộn gì cũng sẽ được hưởng cuộc sống an lạc thái hòa. Bởi vậy tôi đã khấp khởi mừng thầm khi được thấy, trong cuộc bàu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, ông Donald Trump đã đắc thắng vẻ vang với khẩu hiệu tranh cử « MAKE AMERICA GREAT AGAIN ». Tôi khấp khởi mừng thầm, chẳng phải vì tôi là một công dân Mỹ. Nhưng chính vì thế, tôi lại càng mong mỏi trông chờ nơi ông Trump, có khi còn hơn cả cử tri Mỹ nữa. 

Tuy không có may mắn và vinh dự được làm một công dân Mỹ, nhưng tôi vẫn dành cho nước Mỹ một thiện cảm và một ngưỡng mộ đặc biệt. Mối thiện cảm và lòng ngưỡng mộ ấy, nảy sinh ngay khi còn là một cậu học sinh nhỏ bé trước hình ảnh những chàng cao bồi vừa là tay súng oai hùng, vừa là những tâm hồn mã thượng trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm đi chinh phục miền Viễn Tây. Với thời gian và sự trưởng thành, những tình cảm đặc biệt ấy dần biến thành sự cảm phục và phần nào biết ơn trước sư đóng góp của nước Mỹ trong hai cuộc thế chiến vừa qua. Cũng như vai trò của nước Mỹ là thành trì bảo vệ thế giới tự do trước hiểm họa bành trướng của Chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20. Hình ảnh những người lính Mỹ bất chấp mọi gian nan hiểm nghèo, hết đợt này đến đợt khác, đổ bộ lên bờ biển Normandie để giải phóng Âu châu khỏi nạn phát xít Đức Quốc Xã; hoặc hình ảnh toán lính thủy quân lục chiến Mỹ chen vai sát cánh dựng lá cờ đầy sao phấp phới trên đỉnh đồi Iwo Jima, là những hình ảnh vẫn khắc họa trong tim tôi. Vì thế chiến thắng vẻ vang của ông Trump với khẩu hiệu « Make America Great Again" làm tôi tin tưởng rằng ông không chỉ là bậc minh quân cho nước Mỹ; mà còn là đấng thiên sứ giáng trần để cứu vãn cho cuộc sống thế gian. Thế nhưng với thời gian và sau gần bốn năm đảm nhiệm chức vụ, ông Trump đã làm niềm hân hoan phấn khởi ban đầu của tôi mỗi lúc thêm xìu xìu, để cuối cùng chỉ còn là một chút ánh sáng hi vọng le lói cuối đường hầm. Xìu xìu, bởi vì tuổi đời đã cho tôi bài học là « không nên vội tin lời bất kỳ ai nói, mà hãy nhìn vào thành quả hay hậu quả » người đó làm. Và tôi đã nhìn thấy gi ?

Trước hết là hình ảnh một nước Mỹ hùng cường và hào hiệp trong cặp mắt chiêm ngưỡng của tôi trước đây, nay mỗi lúc thêm nhòe nhoẹt, nếu không muốn nói đôi lúc còn ít bị nhiều sứt mẻ. Nhòe nhoẹt trong phương cách đối phó với nạn đại dịch Covid-19. Điều không ai phủ nhận, đó là con vi rút ác ôn côn đồ này xuất phát từ Trung quốc, và là một âm mưu thâm hiểm của Tàu khựa nhằm phá hoại nước Mỹ, gây rối loạn khắp nơi trong mưu đồ thống trị toàn thế giới. Nhưng dẫu sao thì nước Mỹ vẫn được nhìn nhận là quốc gia văn minh tiên tiến có nên y khoa hàng đầu thế giới (như lời ông đương kim tổng thống Mỹ), vậy mà trước cơn đại dịch ấy lại đạt thành tích con số kỷ lục gần ba trăm ngàn người tử vong và hơn bảy triệu ca nhiễm bệnh, Vậy phải nghĩ sao đây ? Ít ra cũng phải « Tiên trách kỷ, hậu trách nhân » chứ ? Chả lẽ cứ đổ lỗi cho Tàu khựa để khích động lòng thù hận, thế là xong . Rồi cứ khoanh tay ngồi chờ không tìm cách đối phó?  Hành động như vậy có khác gì để tự rơi vào cái bẫy do kẻ thù thâm hiểm giăng ra. Chả thế mà nước Pháp, đang quýnh lên tìm phương cách đối phó với nạn dịch covid-19, chỉ vì đã thả lòng cho người dân tự do vui chơi trong mấy tháng hè vừa qua. Hậu quả thấy liền. Bệnh dịch tràn lan không thua gì nạn cháy rừng. Chi riêng ngày thứ hai 26-10-2020 vừa qua, con số nhiễm bệnh covid-19 đã lên đến trên năm mươi hai ngàn người.

Nhưng thôi, dẫu sao đại nạn Covid-19, cũng chỉ là một vấn đề giai đoạn. Trước sau gì tiến bộ khoa học và y học cũng cho phép kiếm ra được phương thức chữa trị hay phòng ngừa, như với các đại dịch trước nó. Điều khiến niềm tin và kỳ vọng của tôi vào một nước Mỹ hùng mạnh còn bị lung lay hơn  bởi tình trạng phân hóa ngày một lan rộng, ngày một khoét sâu hơn xã hội Mỹ. « Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao », người Việt chúng ta ai mà chẳng thuộc lòng câu này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngay từ bậc tiểu học. Tôi không rành lịch sử nước Mỹ cho lắm. Nhưng qua những gì tôi học hỏi hay nghe lỏm được, nước Mỹ chỉ là cái tên ta quen gọi mà thôi ; còn Hiệp Chủng Quốc hay United States of America mới là tên chính thức của quốc gia này. Nếu tôi nhớ không lầm hoặc hiểu không sai lắm, thì cái tên Hiệp Chủng Quốc được khai sinh cùng với bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4-7-1776, mang ý nghĩa biểu tượng là quốc gia tập hợp nhiều vùng lãnh thổ nay được đổi thành bang (States) với nhiều thành phần di dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Chính tinh thần đoàn kết thống nhất ấy đã là sức mạnh sớm biến nước Mỹ hay Hiệp Chủng Quốc từ một quốc gia non trẻ sớm trở thành quốc gia hùng cường hàng đầu thế giới. Tiếc thay cái sức mạnh keo sơn đó đang có nguy cơ tan rã do tình trạng phân hóa xã hội ngày càng lan rộng. Không chỉ phân hóa, mà con có triển vọng trở thành những thế lực thù nghịch xâu xé lẫn nhau giữa hai phe Dân chủ và Cộng Hòa. Nhất là khi cuộc vận động tranh cử sắp tới hồi kết thúc. Trong cuộc chạy đua gay cấn cụp lạc này, mọi loại chiêu thức đều được tung ra, bất kể là có phải đạo hay không. Có lẽ chưa bao giờ các loại tin thất thiệt, tin đồn nhảm, tin bịa đặt…, các fake news đủ loại để chụp mũ, xỉ vả nhau lại được phát tán trên mạng như cỏ dại bằng lúc này. Điều đáng buồn là cộng đồng người Việt hải ngoại, trước đây từng là nạn nhân của mánh lới tuyên truyền xảo trá của VC, nghe đâu nay có một số người cũng đang áp dụng y chang chiêu thức bài bản để bôi nhọ, đả kích lẫn nhau,

Và trong cuộc đấu đá phe đảng này, người ta không ngần ngại khai thác những tình cảm cao đẹp nhất như lòng yêu nước, tinh thần quốc gia để biến chúng thành công cụ tuyên truyền, xách động quần chúng. Và khi những tình cảm cao đẹp ấy trở thành tha hóa, thì chúng chỉ dẫn đến tai họa mà thôi. Chả phải tìm kiếm đâu xa, Chỉ cần nhớ lại chủ nghĩa đề cao huyết thống người gốc aryan dẫn đến chủ trương tận diệt dân Do Thái dưới chế độ Đức quốc xã hay những cuộc thanh trừng đẫm máu nhân danh chủ nghĩa ý thức hệ dẫn đến thủ tiêu hàng trăm ngàn, hàng triệu người dưới thời Staline ở Liên Xô, hay dưới thời Pol Pot tại Cambodge cũng đủ thây. Về phần tôn giáo cũng vậy. Khi người ta tìm cách biến niềm tin tôn giáo thành một thứ tín ngưỡng giáo điều, thì chỉ dẫn đến hành động cuồng tín gây họa mà thôi. Có cần nhắc lại chăng, cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai phe sunníte và chite cùng theo đạo Hồi còn đang tiếp diễn khốc liệt tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Lại mới đây thôi, chiều ngày 16-10-2020 tại một tỉnh lỵ gần Paris. một dân tị nạn người Tchetchene 18 tuổi theo đạo Hồi cực đoan, đã dùng dao chặt cổ một giáo sư sử địa chỉ vì trong một buổi lên lớp giảng về quyền tự do phát biểu, ông đã trưng một tấm hình mà y cho là xúc phạm đến giáo chủ Mahomet. Tôi không phải là một kẻ vô thần. Khi còn ở nhà, bắt chước bố mẹ, tôi theo đạo thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà Ông Vải. Tới tuổi trường thành được song thân cho phép ra ở riêng, tôi lại chuyển sang theo đạo thờ bà. Vậy thôi. Tuy không theo tôn giáo nào, nhưng hồi còn nhỏ theo mẹ đến chùa, tôi được nghe thầy dạy là muốn được làm con cháu Phật phải lấy bốn chữ Tù, Bi, Hỉ, Xả làm điều tâm niệm. Tới khi được cắp sách tới trường, tôi có theo học vài năm trường dòng La San. Mỗi tuần đều được nghe mấy ông thầy mặc áo chùng đen từ đầu đến chân, giảng dạy về Phúc Âm (Catéchisme). Tới nay tôi chỉ còn nhớ một vài điều như sau: Chúa Giê Su chịu đóng đinh trên cây thánh giá là muốn cứu vớt thế gian, chứ không chi riêng cho các tông đồ hoặc con chiên của Người. Tựu trung thì tôn giáo nào cũng vậy, đều khuyên nhủ ta phải đối xử công bằng, thương yêu lẫn nhau, đừng nên phân biệt tín ngưỡng, kỳ thị màu da chủng tộc. Vậy mà hồi mới đến xâm chiếm nước ta, mấy thằng tây da trắng mắt xanh mũi lõ lại dám gọi người mình da vàng mũi tẹt là dân mọi. Đúng là phường thực dân đế quốc có khác.

Mà đâu có phải chỉ riêng có Pháp mới có màn phao tin nhảm nhí để xách động gây bạo động, Ở Mỹ cũng có chuyện này. Càng gần tới ngày bỏ phiếu, tôi càng thấy phát tán trên mạng đủ loại tin, thật có, giả có, bịa đặt có. Trong số này có một tin làm tôi rợn tóc gáy luôn: đó là kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, nếu ông Biden thuộc Đảng Dân Chủ đắc cử thì một làn sóng đỏ sẽ ập tới và chẳng mấy chốc sẽ biến nước Mỹ thành một đất nước xã hội chủ nghĩa. Eo ơi, kinh quá! Nghe sao mà hãi quá! Không biết tin này có thật không, hay tôi đang mê sảng? Nếu quả là đúng, thì ối ông Trời cao bà Đất giày ơi! Cứu tôi với. Thân tôi sao lại khổ thế này! Mang tâm trạng của một kẻ phải sống lưu vong, cặp mắt luôn hướng về nước Mỹ, tôi trông mong nước Mỹ sớm trở thành “great again”, để giúp tôi có ngày được trở về, Thế mà nay lại có khả năng nước Mỹ bi nhuộm đỏ thì... Ới hỡi em ơi! Thôi rồi còn chi đâu em, giấc mơ hồi hương của đôi ta coi như đã tiêu tùng. Thì ra cái lão Obama coi tưởng khờ khạo, lại ghê gớm thật. Lão đúng là con ngựa thành Troie của phe Xã Hội Chủ Nghĩa suốt tám năm qua mà không ai ngờ. Lợi dụng chế độ tự do dân chủ của Mỹ, lão đã làm ra luật Obamacare để biến đám người được hưởng chế độ này, mà phần đông là dân nghèo và di dân, thành những cán bộ xã hội chủ nghĩa nằm vùng lúc nào không hay. Ta phải hết sức đề cao cảnh giác và nhắc nhở bạn bè chớ dại dột bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ mới được. Vậy chứ hình ảnh nước Mỹ nếu không lấy gì được sáng sủa cho lắm, thì vai trò và ảnh hưởng của nước Mỹ trên bàn cờ quốc tế nay ra sao? Xin thưa ngay rằng chẳng thấy gì làm tôi được phấn khởi cho lằm.

Đề nghị ta hãy bắt đầu bằng nhìn về phương Đông. Cuộc chiến tranh thương mại mà ông Trump loan báo sẽ làm cho Tàu khựa phải sập tiệm, dường như không đem lại kết quả mong muốn. Trong khi các nước kỹ nghệ tiên tiến đều lâm vào tình trạng suy thoái, theo ước tính của Tổ chức hợp tác và phát triển (OCDE) thì sức tăng trưởng của Trung Quốc, nếu trong quí một 2020 đã bị giảm sút xuống dưới 6,9 % , lại có cơ phục hồi với sức tăng trưởng khoảng 4,3% trong quí hai. Phải chăng vì cuộc thương chiến này làm cho Tàu khựa chỉ mới lắc lư con tàu đi thôi,, chứ chưa bị sụm bã chè. Bởi vậy, con quái vật khủng long vẫn tiếp tục nhe nanh giương vuốt, khuấy động biển Đông và đe dọa các nước lân cận trong vùng. Bàng chứng là mới đây, bất chấp hiệp ước quốc tế và thỏa hiệp vói Anh, Tập Cận Binh đã ban hành luật an ninh cho Hồng Kông biến trung tâm tài chánh thương mại này thành hầu như là một tỉnh của Trung quốc. Đứng trước một sự đã rồi, Liên Hiệp Quốc và các nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ chỉ phản ứng lấy lệ.  Rời Biển Đông, hướng tầm nhìn về phía Trung  Đông cận khu Caucase, tình hình tại đây cũng không cho tôi thấy hình ảnh một “America great again” cho lắm, do hai quyết định của ông Trump.

Trước hết là, bất chấp sự can ngăn của nguyên Tham Mưu Trưởng Mỹ là tướng James Mattis, ông Trump đã ra lệnh cho rút ngay một ngàn lính Mỹ tại vùng trái độn ranh giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu tự trị người Kurdes. Nếu đây là quyết định để chứng tỏ ông Trump thực hiện đúng lời cam kết với cử tri khi ra tranh cử, thì không có gì để nói. Nhưng quyết định của ông Trump, dưới con một người ngoại cuộc là tôi, từng ngưỡng mộ thái độ hào hiệp của một nước Mỹ hùng mạnh, lại được coi như là một hành động đâm sau lưng chiến sĩ. Thực vậy, quyết định rút quân này đã tạo ra một khoảng trống để TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, dược thẳng tay đàn áp sát hại cộng đồng người Kurdes từng là thành phần đã có công đóng góp tích cực vào công cuộc triệt hạ mưu toan thành lập Nhà Nước Hồi giáo (IS). Tệ hại hơn nữa, quyết định rút quân này, còn kích thích tham vọng tái lập đế chế Ottoman của ông Erdogan dẫn đến tranh chấp lãnh hải trong vùng eo biển Egée với Hy Lạp, cũng là thành viên của  NATO tức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương như Thổ Nhĩ Kỳ, khiến tổ chức này đang suy yếu có thể còn bị rạn nứt. Tiếp đến, cũng để chứng tỏ giữ lời hứa, ông Trump đã gây áp lực buộc chính phủ dân cử Afghanistan phải thương thuyết hòa giải với phe khủng bố Taliban, để ông có thể cho rút hết quân Mỹ khỏi nước này trong năm 2021. Để tỏ thiện chí hòa giải, chính phủ Afghanistan đã phải cho thả một loạt 400 tù binh Taliban trong số có nhiều tay khủng bố chuyên nghiệp, để đổi lấy con số ít hơn tù binh hay con tin dân sự. Kết quả thương thảo hòa bình ra sao còn chưa biết, nhưng ngày thứ sáu 23-10 vừa qua, quân khủng bố Taliban đã gây ra một vụ ở gần thủ đô Kaboul khiến gần năm chục người thiệt mạng.  Liên tưởng tới những gì đã xảy ra miền Nam Việt Nam và nhất là tại Căm Bốt sau khi Hiệp Định Ba Lê 1973 được ký kết, tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ tới số phận khắc nghiệt mà nhóm khủng bố Taliban tàn bạo không thua gì đám Khơme đỏ, sẽ dành cho các viên chức hay những người dân chọn theo phe chính phủ chỉ vì họ muốn được sống dưới chế độ tự do dân chủ. Dĩ nhiên không ai có thể trách ông Trump chỉ quan tâm tới quyền lợi của nước Mỹ và cho nhân dân Mỹ. Nhưng không thể là một America great again được, nếu chỉ lo riêng cho nước Mỹ mà từ bỏ nghĩa vụ quốc tế , trong đó có vấn đề môi sinh và vấn đề biến đổi khí hậu là những vấn đề hệ trọng cho các thế hệ tương lai trên toàn thế giới, kể cả Mỹ.

Trên đây chỉ là một vài cảm nghĩ của riêng tôi với tầm nhìn còn giới hạn của một con người thất học, và phần nào chủ quan do vị thế đứng chỉ là công dân thế giới chứ không phải của một công dân Mỹ. Bởi vậy, vị nào thấy có chỗ  sai quấy, xin cứ thẳng tay dạy dỗ chỉ bảo. Nhớ lời tiền nhân dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”,  tôi sẵn sàng dựa cột khoanh tay nhận lỗi và được nghe chỉ bảo để thêm được sáng mắt sáng lòng.

À, còn điều chút xíu quên. Xin được phép thêm vài hàng nữa để thanh minh thanh nga về cái tựa không mấy thơm tho tôi đã chọn cho bài viết. Như đã trình bày ở trên, tôi thuộc loại tối dạ, phần vì học hành không được đến nơi đến chốn, phần hệ số thông minh QI chỉ lớn hơn đầu tăm chút xíu, Nhưng cũng may, nhờ phúc ông bà để lại tôi cũng nhận được một phần cái xin tạm gọi là “thiên lương” tức “le bon sens”, theo lời một triết gia Pháp ở thế kỷ thứ 17, nghe đâu tên là René Descartes thì phải. “Le bon sens”, hay “thiên lương” là từ Descartes đã dùng ngay trong câu mở đầu cho cuốn “Discours de la Méthode” tức “Phương pháp luận” của ông. Theo nhà hiền triết này, thiên lương là khả năng « biết phán đoán, suy luận để phân định được cái đúng với cái sai, cái thật với cái giả », và đây là món quà được ban phát đồng đều cho hết thảy mọi người. Với ai không biết, về phần tôi, biết thân biết phận và nhớ lời thầy cô khuyên bảo, nên tôi hết lòng đem cái thiên lương ấy để học hỏi cách suy nghĩ, xét đoán cho đúng. Nhờ vậy, tuy hãy còn phần nào« tối dạ », tôi đã không mắc phải cái bệnh "đặc dạ ».  

Đặc dạ không phải chỉ toàn là những người tối dạ. Thuộc thành phần tối dạ, những ai có chỉ số QI thấp, nên chậm hiểu. Chính vi thế họ mới nâng niu phần thiên lương dành cho họ, đem ra học hỏi để biết cách suy nghĩ cho đúng, giúp họ phân biệt được phần nào đâu là cái phải cái trái, cái hư cái thật, cái đúng cái sai; nhờ vậy họ có cơ may nâng cao được trình độ nhận thức và mở rộng tầm hiểu biết.  Đặc dạ không phải chỉ gồm toàn những kẻ thất học hay vô học. Trái lại, thuộc thành phần này không thiếu gì người thông minh xuất sắc, học hành đến nơi đến chốn, không bằng này cũng cấp nọ. Chỉ tiếc một điều, vì  cho mình tài cao học rộng, cái bụng đã đầy chữ nghĩa, nên họ thấy đâu cần tới cái thiên lương làm chi. Họ hành sử chẳng khác gì mấy người tối dạ trong bụng ních đầy kiến thức  tưởng là quán thông kim cổ. Thành phần sau này đâu biết rằng sự hiểu biết đó chỉ là những thành kiến hay định kiến, là những điều họ chỉ thích nghe và muốn nghe mà thôi. Bởi vậy, do cùng có chung một mẫu số, hai nhóm đặc dạ này mới thường gặp nhau, tụ tập trong quán nhậu hay bên tách cà phê kháo cho nhau nghe đủ loại thông tin, không cần biết đúng sai, thật giả; miễn sao thỏa mãn được cái tôi hoang tưởng to tổ bố hoặc giúp họ trút bỏ được các ẩn ức tị hiềm. Sau đó nhà ai người nấy về, cứ việc ăn no ngủ kỹ, an tâm tin tưởng một ngày mai huy hoàng sẽ phải tới. Với những người thuộc thành phần này,  chẳng nên tìm cách thuyết phục làm chi. Có nỗ lực lý giải đến mấy, cùng lắm cũng chỉ được bằng Don Quichotte, nhân vật người hùng của Cervantès, định dùng cây giáo để đánh nhau với cái cối xay gió. 

Tuy chưa đến nỗi đặc dạ mà chỉ tối dạ, nhưng chẳng may tôi còn mắc thêm cái chứng thối miệng. Chả giấu gì quý vị, tôi đã đánh mất cái tuổi miệng còn thơm mùi sữa mẹ mất rồi. Nhờ biết ăn thật nói dối, tôi được Trời Phật thương cho gia nhập đội ngũ cổ lai hy. Được sống tới nay, cái đầu tôi cứ phình ra như cái bị thằng ăn mày, đày ắp đủ  thứ rơi rớt của túi khôn loài người: khôn lỏi có, khôn vặt có, khôn xạo tổ có, khôn mánh mung có, khôn theo kiểu nói trước quên sau có…, kể  sao cho hết được. Nhưng chẳng hiểu tại sao, cái đầu tôi càng  phình ra, thì bụng dạ lại mỗi lúc thêm nhỏ nhen vì bao tử cứ teo lại. Ăn vào chẳng được bao nhiêu, bụng đã đầy hơi ợ chua. Mỗi lần mở miệng, dù chỉ mong có được đôi lời tâm tình thỏ thẻ, cũng khiến người đối diện, nếu không tìm cách lấy tay che mũi thì cũng giả bộ quay mặt đi. Bởi vậy, tôi nghĩ những điều phát biểu trên đây chắc không sao tránh khỏi có lời thất thố hoặc những điều nghe trái lỗ tai, nghịch lỗ mũi. Nhưng với sự thành khẩn khai báo trên đây, tôi mong sẽ có những bậc tao nhân mặc khách hoặc cao minh hiền triết thông cảm mà không lên tiếng mắng mỏ : "Thằng này biết cái chó gì, mà dám chõ mõm vào chuyện thế giới đại cuộc". Trái lại, tôi mong sẽ có vài vị rộng lượng từ tâm, không ngại tiếc lời phun châu nhả ngọc, vạch ra cho cho tôi biết những điều sai trái. Với quyết tâm học hỏi, tôi nguyện sẽ nghe theo lời chỉ bảo để được thêm sáng mắt sáng lòng. Mong lắm thay.

Xin có lời tạ lỗi trước và cảm tạ sau.

Trân kính

Một kẻ lưu vong còn mang tâm sự di tản buồn



Cập nhật nguyên bản của tác giả chuyển từ Pháp .