Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



PHAN XUÂN SINH, TÁT CẠN ĐỜI SÔNG


1.

ĐỨNG DƯỚI TRỜI ĐỔ NÁT

Phan Xuân Sinh sinh năm 1948 tại Nại Hiên Tây, Ðà Nẵng. Chưa đầy một tuổi anh đã mồ côi mẹ. Anh lớn lên trong vòng tay thương yêu của người cha. Thời trung học, anh theo học trường Sao Mai. Ngôi trường do các linh mục điều hành mà tôi cũng đã nhiều năm theo học. Không những học giỏi, Phan Xuân Sinh cón có năng khiếu văn chương, Thơ anh đã được chọn đăng trên tạp chí Phổ Thông, Văn… Năm 1970, anh đạt giải nhì (không có giải nhất) trong một cuộc thi thơ do Ty Thông Tin Đà Nẵng tổ chức.

Năm 1971, anh nhập ngũ. Rời quân trường Thủ Đức anh về phục vụ ở Đại đội Trinh Sát thuộc Trung Ðoàn 51 đóng tại Quảng Nam. Năm 1972, sau 2 năm làm lính chiến, anh đã hy sinh một bàn chân phải trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Nam.

Năm 1974, anh háo hức vào Sài Gòn tiếp tục việc học thì ngày 30 tháng tư năm 1975 miền Nam rơi vào tay CS miền Bắc. Tại Sài Gòn, anh đã xoay xở đủ việc, đủ nghề để nuôi lấy bản thân và cưu mang cả bạn bè trong cảnh khốn cùng của miền Nam.

Năm 1990, anh cùng vợ và 2 con định cư tại Mỹ và tại đây, Phan Xuân Sinh tiếp tục viết văn làm thơ, những tác phẩm tiêu biểu của anh như:

1/ Chén Rượu Mời Người (1996)

2/ Ðứng Dưới Trời Ðổ Nát (2000)

3/ Bơi Trên Dòng Nước Ngược (2006)

4/ Khi Tình Ðang Ru Ðời (2008)

5/ Sống Với Thời Quá Vãng (2009)

6/ Tát Cạn Ðời Sông (2013)

Thật thương tiếc, cháu Phan Xuân Kỳ Khoa con trai thứ hai của Phan Xuân Sinh qua đời trong một tai nạn giao thông năm 2020 tại Houston, Texas. Và, ngày 28-2-2024, sau một thời gian ngắn bị bệnh tim, anh đã rời bỏ chúng ta tại Houston, Texas thọ 76 tuổi.

2. SỐNG VỚI THỜI QUÁ VÃNG

Năm 2014, Phan Xuân Sinh về Việt Nam điện thoại cho tôi. Tôi vui mừng tìm đến thăm anh. Sau đó vài ngày, tôi gọi điện mời hai anh Cung Tích Biền và Lê Văn Trung cùng gặp Phan Xuân sinh tại một quán cà-phê ở Sài Gòn. Năm 2016, hay tin tôi định cư tại Mỹ, Phan Xuân Sinh đã từ Houston, Texas lái xe qua California rủ họa sĩ Nguyễn Đình Thuần gặp tôi. Chúng tôi cùng trò chuyện ở một quán cà-phê đường Bolsa. Trong buổi trò chuyện, chúng tôi có bàn việc xuất bản một tạp chí mang tên “Bạn Văn” theo mong ước của nhà thơ Trần Yên Hòa và tôi, trong đó Trần Yên Hòa là Tổng Thư Ký Tòa Soạn, Phan Xuân Sinh làm Chủ Bút, và tôi làm Chủ Nhiệm. Nhưng việc không thành, vì Phan Xuân Sinh đang gặp chuyện buồn trong gia đình.

Phan Xuân Sinh từ thơ đến văn đều mang một giọng điệu thâm trầm, sâu sắc và đáng đọc. Tôi thích phong cách trong văn chương của anh bao nhiêu thì cũng thích phong thái của anh ngoài đời bấy nhiêu - nhỏ nhẹ, khiêm tốn thật đáng quý.

* Trên facebook của Phan Xuân Sinh, tôi đã đọc được tâm sự của anh sau buổi trò chuyện cùng tôi ở Việt Nam. Anh viết:

“…Người đến tìm thăm tôi là anh Phương Tấn, một nhà thơ của Đà Nẵng trước năm 75. Anh Phương Tấn học trước tôi một, hai lớp. Anh đã cộng tác với nhiều tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn thuở đó. Khi còn học sinh, tôi có đến nhà anh mấy lần. Hơn 40 năm không gặp nhau. Tôi và anh chỉ liên lạc trên email, bây giờ mới có dịp gặp lại thì đã già, ngồi nói chuyện kể cho nhau nghe nhiều chuyện về những người bạn còn ở lại quê nhà và những người đang định cư ở Mỹ, chuyện sáng tác, chuyện sinh hoạt văn nghệ, chuyện cuộc sống v.v…

Những người làm thơ thuở đó, phần nhiều các anh nổi tiếng ngay khi còn ngồi trên những chiếc ghế của thời trung học. Thế mà thơ các anh đã chững chạc, đã thành danh, đã khẳng định được tài năng của mình. Thế mới biết tài năng không phân biệt tuổi tác.

Để khỏi lầm lẫn, tôi xin xác định, lúc còn đi học tôi cũng mon men vào chiếc chiếu văn nghệ, cũng làm thơ, cũng quen biết với nhiều anh em văn nghệ. Thế nhưng tài hèn sức mọn, tôi bị bật ra khỏi chiếc chiếu nầy. Cho đến bây giờ cũng vậy. Cho nên xin quý anh chị em có đọc được những gì tôi viết về những người làm văn nghệ thành danh, đừng cho rằng tôi ngang hàng với họ…”

* Và cũng trên facebook của Phan Xuân Sinh, tôi đã đọc được một bài viết của anh về sinh hoạt những người cầm bút vào THẬP NIÊN 60 -70 Ở ĐÀ NẴNG.

“...Trong thập niên 60, số bạn làm thơ viết văn ở Đà Nẵng gồm Vương Thanh, Yến Nguyên Thanh, Phương Tấn, Lam Hồ, Mặc Mai Nhân, Phan Duy Nhân, Huy Giang, Hồ Cư, Tô Yên, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Luân Hoán, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượng, Đoàn Minh Hải, Chu Tân, Lôi Tam, Lê Đình Phạm Phú, Uyên Hà, Đoàn Huy Giao, Đoàn Minh Hải... Tuy có qua lại với nhau, nhưng tôi không sinh hoạt trong bất cứ thi văn đoàn nào của các bạn ấy thành lập.

Nhóm của Phương Tấn, chuyên về thi ca và thơ của họ thường xuất hiện ở các nhật báo, tuần san, tạp chí... ở Sài Gòn. Họ cũng cho phát hành một vài tuyển tập thơ như Rừng, Vỡ và các tạp chí VHNT như Sau Lưng Các Người, Cùng Khổ... Nhóm Cùng Đi Một Đường với Phan Duy Nhân (bút hiệu khác Dương Phù Sao), Huy Giang, Hồ Cư, Lam Hồ, Tô Yên, sáng tác cả thơ và truyện ngắn, bài được đăng tải ở các tạp chí Gió Mới, Thời Nay, Bách Khoa, Văn Học... tại Sài Gòn. Tôi cùng các bạn Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượng, Lôi Tam... mỗi người có sinh hoạt riêng, và bài viết chủ yếu gởi đăng các tạp chí văn học ở Sài Gòn.

Thập niên 70, ở Đà Nẵng tôi còn quen một số bạn sáng tác như các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Mỹ, Vĩnh Điện, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Lê Vĩnh Thọ, Hạ Quốc Huy, Hồ Đắc Ngọc. Các nhà văn Duy Lam, Phan Du, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, họa sĩ Cao Bá Minh cũng có mặt ở Đà Nẵng, nhưng những sinh hoạt của họ hình như không hòa đồng trong dòng sinh hoạt nghệ thuật chung của Đà Nẵng, na ná như những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung... trong thập niên 60..."

3. PHAN XUÂN SINH, BÀI AI ĐIẾU CHO CON TRAI

Suốt cuộc đời của Ba

Không có nỗi đau nào lớn hơn

Chia tay với con trai

Khi mà tình thương đã dành hết vào con

Một lưỡi hái đã cắt ngang

Rất oan nghiệt

Bổ xuống đời con


Và cũng chính nó làm tan nát đời Ba

Nó đã đày đọa thân xác Ba

Ba nhìn đâu cũng thấy con

Dang bàn tay thật rộng chờ ôm con

Thì thân con đã tan biến

Khoa ơi, có bao giờ như vậy đâu?

Con luôn luôn chui vào lòng ba rúc rich

Chọc giận Ba

Nụ cười của con như thiên thần

Làm tan biến cơn giận của Ba.


Cách đây vài ngày

Con và anh Nguyên dọn dẹp nhà cửa

Mồ hôi nhễ nhại

Ba thấy thương tụi con quá,

Ba hỏi bữa nay tụi con muốn ăn gì Ba nấu

Bao giờ con cũng dành phần nói trước

Lâu quá Ba không nấu bò kho, bữa nay Ba nấu cho con


Ba gật đầu, lái xe ra chợ

Trong lòng Ba thật vui

Vì chiều nay trong bữa cơm, nét mặt các con rạng rỡ

Xì xụp húp đồ ăn ngon.


Các con bây giờ không còn nhỏ

Ra đời các con đủ sức chống chọi

Với cơn bão quật ngã

Nhưng các con đứng vững trên đôi chân mình

Dù chưa thành công

Nhưng với lòng quyết tâm

Ba tin các con sẽ đến được mục đính


Thế mà bỗng nhiên, con bỏ tất cả

Để ra đi một mình

Khoa ơi, Ba sững sờ khi nghe tin con ngã quỵ

Mẹ ngã xuống bất tỉnh

Anh Nguyên ôm mẹ để khỏi té

Nước mắt ba đổ xuống liên tục

Thôi rồi, ba vĩnh viễn mất con

Một đứa con Ba đã nâng niu


Đôi khi con có lỗi

Vì quá thương con Ba không nỡ trừng phạt

Con là một đứa bé khôn ngoan, khi Ba giận

Con chạy lại ôm chặt Ba, nói lời xin lỗi.

Làm sao giận được con.


Con cứ làm sai

Con đừng rời xa Ba

Khoa ơi, làm sao Ba giữ được con

Mãi mãi


Những lời Ba viết ra đây

Đứt từng đoạn ruột

Ba mất con là mất tất cả, con biết không?


Cớ sao con lại không biết giữ gìn

Bây giờ Ba chỉ biết

Cầu trời khẩn phật

Cho sự ra đi của con được thanh thản

Ba luôn luôn thương con

Luôn luôn nhớ con

Khoa của Ba…


(Houston, ngày 14 tháng 9 năm 2020)


4. PHONG THÁI CỦA MỘT NGƯỜI BẠN

Như tôi đã viết, Phan Xuân Sinh từ thơ đến văn đều mang một giọng điệu thâm trầm, sâu sắc và đáng đọc. Tôi thích phong cách trong văn chương của anh bao nhiêu thì cũng thích phong thái của anh ngoài đời bấy nhiêu - nhỏ nhẹ, khiêm tốn thật đáng quý.. (Trích bút ký: "Những Ngọn Nến Trong Cõi Ta Bà")
_______________
CHÚ THÍCH HÌNH:
HÌNH 1: Phương Tấn, nhà thơ Lê Văn Trung, nhà văn Cung Tích Biền và Phan Xuân Sinh tại Sài Gòn, Việt Nam.
HÌNH 2: Phương Tấn, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần và Phan Xuân Sinh tại Bolsa, California.
HÌNH TRÊN BÀI VIẾT : Tát Cạn Đời Sông - Thơ Phan Xuân Sinh.




VVM.07.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .