Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



DẤU ẤN BÌNH ĐỊNH


Đ ến những ngày cuối cùng của hạn nhận bài thì tôi mớt biết có cuộc thi: Bình Định – Đất và Người. Thật tình thì từ lâu tôi cũng đã muốn viết chút gì về quê hương và con người Bình Định, ngặt nỗi đời sống bận rộn mưu sinh nên cứ lần lữa. Nay cuộc thi này như thêm chút động lực để ngồi xuống viết lấy lời thương lời nhớ về vùng đất võ trời văn.

Nói đến Bình Định, thường mọi người sẽ nghĩ ngay đến quê hương của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ – Quang Trung, điều ấy đúng nhưng nào chỉ có thế! Bình Định mệnh danh là vùng đất võ trời văn mang trong lòng mình bao nhiêu huyền sử, giai thoại, bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp...Có thể liệt kê vài địa chỉ như: Bãi biển Quy Nhơn, Kỳ Co, Hàm rồng (Phù Mỹ), Hầm Hô (Tây Sơn), hệ thống tháp Chàm, những ngôi chùa cổ… Rồi những sản vật địa phương cũng nổi tiếng xưa nay như: Bánh ít, bánh tráng, nem tré, rượu Bầu Đá, bánh hỏi Diêu Trì… Chỉ tiếc một điều là vì “tỉnh lẻ” nên ít người chú ý, một phần cũng bởi bản chất con người Bình Định vốn bình dị, mộc mạc, đơn giản, không thích khoa trương.

Nói đến Bình Định thì không thể nào không nhắc đến thành Đồ Bàn – Hoàng Đế. Nhiều người chắc cũng đã nghe qua, đã đọc lấy từ trong sách sử… nhưng có mấy ai đến tận vùng đất đã từng tồn tại một tòa thành danh tiếng trong lịch sử. Ngay cả bản thôn tôi cũng thế, từ nhỏ đã đọc sử Champa, sử Việt, những cuộc chiến long trời lở đất giữa Việt – Chăm, rồi sự hình thành của nhà Tây Sơn, việc vua Thái Đức chọn thành Đồ Bàn cũ để sửa lại làm thành Hoàng Đế… Ấy vậy mà chưa từng đặt chân đến thăm kinh thành này. Thế rồi cơ duyên đưa tôi gặp nhà văn Ban Mai và chị đưa tôi đi thăm thành Đồ Bàn – Hoàng Đế. Lần đầu tiên tận mắt thấy, tận tay sờ mảnh đất và vài di vật còn sót lại của một dĩ vãng huy hoàng.

Thành Đồ Bàn của vương quốc Champa nổi danh trong lịch sử, thành có niên đại từ 999-1471. Đồ Bàn là niềm kiêu hãnh của người Champa, ngày xưa quân nhà Lý đã từng tấn công Đồ Bàn chém ba vạn thủ cấp. Quân nhà Trần cũng tiếp tục đem quân tấn công. Vua Duệ Tông nhà Trần vì hữu dõng vô mưu mà bỏ mạng tại Đồ Bàn. Duệ Tông là ông vua Việt duy nhất chết ở chiến trường và chết ngoài biên giới quốc gia (Champa thời ấy là một nước độc lập). Khi Tây Sơn nổi lên và phát triển vững mạnh. Nguyễn Nhạc đã chọn Đồ Bàn để làm nơi đóng đô, cho tu bổ sửa sang lại và đổi tên là thành Hoàng Đế. Kế đến Nguyễn Ánh giành lại vương quyền và cho phá hủy thành cũng như tất cả những di sản văn vật có liên quan đến nhà Tây Sơn. Lịch sử tương tàn cứ tiếp diễn mãi không thôi.

Tôi đến thăm viếng thành vào một buổi hoàng hôn, ánh nắng vàng nhạt pha sắc đỏ đã xa xa tận chân trời. Chân bước đi mà lòng nổi những cơn sóng không sao kìm lại được, Thành Ngày xưa đồ sộ, kiên cố và huy hoàng thế nào không biết, giờ chỉ thấy cỏ dại và lau lách đìu hiu. Những dấu vết nền móng bằng đá ong được khai quật ẩn hiện trên mặt đất, chìm lẫn vởi cỏ xanh ngút ngàn. Tường thành, cung điện, đền đài… xưa giờ chỉ còn là những viên đá ong rải rác đó đây. Bàn tay con người dựng nên và rồi cũng chính bàn tay con người phá hủy, cộng với sự tàn phá của thời gian… Đồ Bàn – Hoàng Đế của một thời lẫy lừng giờ nằm yên trong tiếng côn trùng nỉ non dưới ráng hoàng hôn. Tôi lang thang trong vùng đất mà các nhà khảo cổ khẳng định là tử cấm thành xa xưa, chỉ thấy cỏ và cỏ. Vật duy nhất còn sót lại chính là hai con voi đá do người Chăm tạc từ đá sa thạch. Thời gian mấy thế kỷ qua nhưng chất liệu đá sa thạch vẫn còn sắc đỏ ẩn dưới lớp phong hóa rong rêu. Đá sa thạch này cùng chất liệu với những tượng Chăm khác. Hai con voi đá nằm chơ vơ cô đơn và lạc lõng bên vệ đường của một xóm thôn người Việt. Tôi sờ, tôi ôm hai con voi đá mà lòng cảm thán không sao tả xiết, bất chợt có tiếng bò rống làm cho chị Ban Mai thảng thốt hỏi vì ngỡ tiếng voi rống. Cả nhóm đi cùng cười vang vì cái sự mẫn cảm quá mức của những kẻ du tử mê chữ nghĩa. Văn hóa, tín ngưỡng, tập tục văn hóa của người Chăm quá xa lạ với người Việt, khi người Việt chiếm được đất của người Chăm thì tất cả bị phá hủy hết, cộng với sự xung đột của các triều đại phong kiến Việt cũng tàn phá không thương tiếc. Không hiểu vì cơ duyên nào mà hai con voi đá của thành Đồ Bàn xa xưa còn sót lại đến ngày nay.

Ngoài hai con voi đá Champa của Đồ Bàn ấy còn có hai con sư tử đá của Hoàng Đế cũng là di vật còn nguyên vẹn. Hai con sư tử nằm trong khu vực tử cấm thành, rêu phủ mờ xanh, thật cũng không biết vì sao cả tòa thành bị phá hủy mà hai con sư tử đá lại thoát khỏi bàn tay hủy hoại của con người? Đồ Bàn – Hoàng Đế một dĩ vãng vàng son, huy hoàng xa xưa giờ còn lại hai con voi đá và hai con sư tử đá của người Chăm. Vô số xương máu của cả hai quân Chiêm - Việt cùng đổ xuống, phải chăng vì thế mà những vỉa đá ong còn đỏ đến bây giờ?

Đồ Bàn đã bị vua Lê Thánh Tông cho phá hủy, Hoàng Đế đã bị Nguyễn Ánh cho san bằng, ngày nay chỉ còn những vết chân thành bằng đá ong, một quãng đường ngắn lát đá hoa cương xưa là lối đi trong hoàng cung. Ngoài cặp voi đá, sư tử đá trong tử cấm thành ra, xa xa hơn chút là tháp cánh tiên thuộc khu vực thành. Đồ Bàn - Hoàng Đế giờ chỉ là dư ảnh trong tâm tưởng hoặc chỉ là chữ nghĩa trong sử sách.

Tôi lần bước dưới hoàng hôn đến viếng lăng mộ Võ Tánh, ngôi mộ đơn sơ, đắp nổi hình mu rùa, một kiểu mộ theo tập quán văn hóa của cư dân địa phương thời xưa, ngày nay không còn thấy nữa. Tôi áp bàn tay lên mộ tướng quân và cảm nhận như có một luồng điện xuyên suốt thân thể, lòng bồi hồi xúc động. Những dòng chữ viết về ông tự nhiên xuất hiện trong đầu, những hình ảnh tưởng tượng cũng dồn dập tuôn ra từ trong tạng thức. Một bản anh hùng ca thống thiết và bi thảm của một giai đoạn lịch sử vô cùng nghiệt ngã. Thành mất tướng chết, cái chết can trường, trung dũng, nghĩa khí. Trước khi tự thiêu, ông đã viết di thư yêu cầu tướng Trần Quang Diệu đối xử tử tế với quân binh trong thành. Anh hùng gặp nhau, khí hùng tương ứng, đại độ và tâm lượng giao cảm. Đô đốc Trần Quang Diệu chẳng những làm đúng như di thư Võ Tánh để lại mà còn cho tẩm liệm và chôn cất tử tế đàng hoàng cho Võ Tánh và Ngô Tòng Châu. Hậu quân và đô đốc thờ hai vua vốn không đội trời chung, ấy vậy mà họ đã gặp nhau ở cái đức độ và khí tiết. Ngọn lửa tự thiêu của Võ Tánh mãi mãi cháy sáng trong tâm tưởng chúng ta, khí độ Trần Quang Diệu mãi mãi hằn in trong tạng thức của những người yêu nước Việt, sử Việt. Lịch sử qua đi, bài học còn đó nhưng hậu thế dường như vẫn chẳng thuộc bài. Những cuộc tương tàn vẫn tái diễn không ngừng, duy có điều là không còn thấy những tấm gương trung nghĩa, tiết tháo và khí độ như hậu quân Võ Tánh và đô đốc Quang Diệu.

Tôi đi nhiễu ba vòng quanh lăng Võ Tánh như thể những Phật tử đi nhiễu Phật, trong lòng tôi cồn cào bao nhiêu là chuyện xưa sử cũ. Tôi dường như nghe hơi thở âm u tiết ra của những phiến đá ong, lời thì thầm của lau lách đìu hiu bao phủ cả một vùng. Hoàng hôn xuống nhanh, ánh nắng dần tắt, nơi chân trời dần tím thẫm. Nhà Văn Ban Mai bảo tôi: ” thôi về em ơi, chị dường như cảm nhận âm khí rờn rờn quanh đây.” . Tôi không nghĩ là âm khí, có còn gì nữa đâu mà âm khí? mấy thế kỷ đã trôi qua, xương máu Chiêm-Việt giờ đã hóa đất đai và lau lách, hồn người xưa giờ như những áng mây bay khuất nẻo chân trời. Tôi nấn ná thêm tí nữa chưa muốn về nhưng rồi cũng phải chia tay. Quay lưng đi mà lòng ngổn ngang không biết dùng lời lẽ gì để tỏ bày. Tôi chắp hai tay, tôi xòe tay chào tạm biệt lăng mộ Võ Tánh. Tôi ngậm ngùi quay lưng bỏ lại hai con voi đá Đồ Bàn, hai con sư tử Hoàng Đế giữa một vùng lau lách quạnh quẽ hoang vu. Tôi lên xe nhưng vẫn ngoái đầu lại cố căng mắt tìm Đồ Bàn thành, Hoàng Đế thành. Xe chạy xa rồi mà trong tôi còn vọng tiếng voi rống, ngựa hí, quân reo.


Bình Định cũng như những thành phố biển khác, có nhiều điểm chung nhưng cũng mỗi nơi lại có “tánh” riêng, có “chất ”riêng”. Điều đầu tiên mà nhiều du khách và bạn bè của tôi thường khen là: “ Tắm biển ở Quy Nhơn là rất an toàn, có thể an toàn bậc nhất”. Ở các bãi biển Kim Đình, bãi trước trường Đại học Quy Nhơn… Cư dân địa phương để xe ở trên bờ rồi xuống tắm mà chẳng cần phải gởi, Điều này không thể thấy ở những phố biển khác. Suốt những năm tháng dài như thế, ngày hôm nay thì có lẽ đã đổi thay, vậy nên cứ gởi xe vào bãi cho an toàn. Vật giá ở Quy Nhơn rẻ, cực rẻ, hải sản tươi sống đủ loại. Các bãi biển tại thành phố hoặc xa hơn chút thì có bãi Dài, bãi Dại, bãi Bầu… Hôm nay có Kỳ Co, Cửa Biển… một vùng biển hoang sơ tuyệt đẹp chưa bị xâm hại bởi con người.

Đặc sản Bình Định có nhiều món nhưng món gần gũi, thân thuộc nhất đã đi vào ca dao, đi vào văn học dân gian ấy là bánh ít lá gai.

Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi

Bánh ít lá gai là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày giỗ chạp, cúng kỵ, quải đơm và ngay cả những ngày trọng đại lễ lộc, cưới hỏi. Làm bánh ít lá gai coi vậy chứ cũng rất công phu, nguyên liệu chính là lá gai và bột nếp. Cây Lá gai là một loại cây cao chừng hai thước, lá to, dày, có lớp lông mịn trên bề mặt lá (hình dáng gần giống lá cây cẩm tú cầu – hydrangea). Cây lá gai sống khỏe, dễ trồng, không cần chăm sóc… chúng phát triển quanh năm. Lá gai hái về, rửa sạch, luộc chín rồi bỏ vào cối giã nhuyễn. Trong quá trình giã lần lượt cho bột nếp và nước đường đã sênh sẵn, tỷ lệ lá gai, bột nếp và nước đường đều lệ thuộc vào kinh nghiệm của người chủ xị làm bánh. Giã lá gai coi vậy chứ không dễ, thanh niên trai tráng giã chừng hai chục nhịp là đuối. Khi tôi còn nhỏ, tôi thấy mấy cậu, gì… giã một lát là vã mồ hôi. Ngoại tôi, một bà già nhưng giã lá gai ngon lành hơn cả đám con cháu. Ngoại có bộ cối chày làm bằng gỗ trắc, xài lâu ngày cả cối và cháy mòn lĩnh và bóng loáng lên.

Lá gai sau khi giã và trộn với bột nếp, nước đường đã trở thành một khối to đen bóng trông như một cục đá quý. Bây giờ thì các bà các cô ngồi xúm lại vắt từng cục lá gai chừng nắm tay trẻ con làm bẹp ra để lận vào giữa nhưng dừa hay nhưng đậu xanh (đã làm sẵn trước). Vắt lá gai gói vào lá chuối hoặc là để tròn, hai đầu lá túm và xoắn lại; hoặc là bẻ lá xếp thành hình kim tự tháp. Bánh ít làm xong bỏ vào xửng hấp cho đến chín. Cái bánh ít mở ra đen tuyền và thơm. Việc làm bánh ít lá gai hay bánh in, bánh thuẫn hay bất cứ loại bánh nào bao giờ cũng có những mỏm đầu thừa đuôi thẹo để dành cho lũ bọn nít chờ chực chầu rìa.

Bánh ít, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng… là những món bánh dân dã, truyền thống, làm thủ công không thể thiếu trong đời sống của người Bình Định xưa nay, nhất là những dịp lễ, tết, cúng kỵ, hội hè… Thời đại hôm nay thì theo trào lưu mới, xã hội đổi thay nên cũng ít nhiều mai một.

Bánh ít đi vào văn học dân gian, nhiều ca dao và tục ngữ nói đến. Trong giai thoại văn học dân gian có chuyện kể rằng:

Một anh học trò người Bình Định sau thời gian trọ học ở kinh đô, khi cận tết thì về thăm quê. Một cô thôn nữ thấy anh học trò thư sinh trắng trẻo, đẹp trai bèn ghẹo:

Bánh đầy một mâm sao còn kêu ít
Có đi bao giờ lại nói rằng quy
Em đây phận gái nhu mì
Anh mà đối đặng em thì theo không

Anh học trò mắc cỡ đỏ cả mặt, tuy nhiên thấy cô gái xinh đẹp lại sính văn thơ, đụng phải sở trường của mình nên nhập cuộc:

Bánh tráng mỏng lét em bảo bánh đa
Không giáo sao thuẫn, không mực lại in
Học trò chỉ có mảnh tình
Qua đây đối đặng bậu kêu mình được chăng?

Cô gái không ngờ anh học trò lanh lợi mà còn lém lỉnh, những tưởng mình chủ động nào ngờ trở thành bị động. Cô thôn nữ nghĩ kế hoãn binh nhưng lại ngầm để ngỏ cơ hội

Anh về thưa má thưa ba
Rằng mai là tết qua nhà ngắm bông

Bởi vậy đời có không ít mối tình nên duyên nhờ bánh ít, món bánh truyền thống dân dã lại là ông mai bà mối bắt cầu cho những lứa đôi.-./.

Diêu Trì, 29/05/24




VVM.07.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .