Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



VỀ HỒ XUÂN HƯƠNG, VIẾT THẾ NÀO CHO PHẢI ?


I – ĐÔI ĐIỀU NÓI CHUNG VỀ VẤN ĐỀ HỒ XUÂN HƯƠNG

Trong tập “ Thơ Đường luật thời nhà Lê…” của Trung tâm Minh triết thơ Đường Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, 2023, một công trình biên khảo công phu, có 2 bài viết về Hồ Xuân Hương ( bà Hương) của NNC Bùi Hiền và TS Nguyễn Học Từ in ở cuối tập sách, từ trang 562 đến trang 578. Theo tư liệu mà chúng tôi biết, bà Hương đã 2 lần từ Nghi Tàm Thăng Long về thăm người yêu là ông Trần Phúc Hiển ( ông Hiển) ở An Quảng, khi ông Hiển đang chức tri phủ Tam Đới, được thăng chức Tham hiệp trấn An Quảng ( tỉnh Quảng Ninh hiện nay), để lại 2 bài thơ tình chữ Nôm viết bên bờ sông Bạch Đằng và 5 bài thơ chữ Hán, về vịnh Hạ Long, rất quan phương, hào hoa phong nhã, đã in trong tập “Lưu Hương kí ” năm 1814, với bài TỰA đầu sách của ông Tốn Phong, bạn văn chương thường đến thăm bà. Đọc 2 bài thơ tình, bà viết về ông Hiển, chứng tỏ bà rất yêu ông Hiển, luôn sợ ông Hiển không giữ lời hứa với mình, là cưới mình làm vợ kế ( chứ không phải vợ lẽ, như TS Từ viết ở trang 572 và như một vị TS khác viết trong công trình nghiên cứu của mình là bà Hương “ ba lần làm lẽ ” (?) ), vì vợ trước của ông đã mất: “Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt/ Lời kia nay đã núi giăng giăng/ Với nhau tình nghĩa sao là trọn/ Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng”. Các sách in, đều chú thích: “ Nước Đằng là một quốc gia nhỏ bên Trung Quốc” . Tôi góp ý: viết thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng. Bà Hương nhắc ông Hiển, lòng yêu bà chớ có khi lưng, khi vơi như nước sông Bạch Đằng lên xuống theo thủy triều. Người soạn sách, TS Đào Thái Tôn xác nhận: tôi nói đúng và bảo tôi, sách tái bản sẽ sửa chữa. Ông còn nói rằng, bài “Đánh đu” rất nổi tiếng được cho là của Hồ Xuân Hương, bản gốc đúng là của vua Lê Thánh Tông ( 1442 – 1497 ), vẫn in trong các tuyển tập thơ Lê Thánh Tông, mà trong bài viết tôi có dẫn ra là đúng, trong trường hợp này, dân gian chữa lại cho có “mùi giường chiếu”, rồi gán cho Hồ Xuân Hương. Hai câu thơ của vua Lê, mô tả rất trang trọng, tài hoa, và hợp lí, cảnh hai người đánh du ( không nói nam hay nữ), tay cầm chắc dây đu, khi đu đưa xuống, là “ Khấn thổ địa khom khom cật”, lúc đu đưa lên, là “ Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng” được “Hồ Xuân Hương hóa” thành cảnh làm tình cũng rất sinh động:“Trai cong gối hạc khom khom cật / Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”…

Sai lầm lớn nhất của nhiều người trước chúng ta, trong đó có những tên tuổi lớn như Nguyễn Hữu Tiến, Trần Bích San… ( và vài chục người khác), đã gán những chi tiết trong sáng tác dân gian về một Hồ Xuân Hương hư cấu, thành các sự việc có thật trong đời một Hồ Xuân Hương có thật, làm cho mọi sự rối mù, phức tạp, mâu thuẫn, sai lệch không sao kể xiết. Thơ truyền tụng, càng truyền tụng thì càng phát triển, bởi nó được nhiều người thích, bán có lãi , từ vài chục bài in ban đầu ở Hải Phòng, đến hơn 200 bài, thì các nhà xuất bản thấy nên thôi, không cho bổ sung nữa, vì nó quá nhàm, quá nhảm ; và từ đó, tiểu sử, lai lịch, chuyện đời tư của bà, mỗi sách viết mỗi khác, khác nhau hoàn toàn, do suy đoán chủ quan, bịa thêm ra, hoặc do ý thích của người làm sách để thu hút người đọc, bán được nhiều sách. Có không ít người, có được tên tuổi, danh vọng và tiền bạc, là nhờ “ ăn theo” cuộc lạm phát tưng bừng này, trong khoảng 200 năm. Ông Nguyễn Hữu Tiến mô tả Hồ Xuân Hương, da ngăm ngăm đen, mặt rỗ huê, đã ngồi là bắc chân chữ ngũ ( ? ). ĐếnTam nguyên Trần Bích San ( 1840 – 1877), một trong số ít những danh sĩ hàng đầu của quốc gia Đại Nam, thuộc hàng tên tuổi lớn nhất, đáng kính nhất, cùng quê với Trần Tế Xương, con quan Phó bảng Trần Doãn Đạt, từng làm Tuần Phủ Hà Nội, rồi thăng Tham tri bộ Lễ triều Tự Đức, trong “Xuân Đường thi thoại”, còn viết về một bữa tiệc rượu năm 1869 ở Bắc Ninh, chờ một người đến muộn, vì ông này đi đám tang Nghệ An nữ sĩ Hồ Xuân Hương ( ?) thì sai đến lạ lùng, vì nó diễn ra sau cái chết Hồ Xuân Hương đến 47 năm ( 1822), sau cuộc viếng mộ Hồ Xuân Hương của Tùng Thiện vương Miên Thẩm mà ta tin là có thật, đến 27 năm ( 1842) . Lai lịch và hành trạng Hồ Xuân Hương nhiễu loạn nhiều nhiều, là do thế. Ông Hoàng Xuân Hãn, trong “Thiên tình sử Hồ Xuân Hương” ( Nxb Văn học. 1995, tr. 280 ) nhận xét rất xác đáng: “ Vác các chuyện vui và các thơ nhảm thêm vào ( TNM nhấn mạnh), rồi chính phần thơ Nôm sâu sắc, đứng đắn mất dần, không được truyền bá”. “ Thơ Nôm sâu sắc, đứng đắn” , ông nói đây, tôi nghĩ là thơ Nôm trong “Lưu Hương kí ”.

Và như thế, có 2 Hồ Xuân Hương hoàn toàn không liên quan gì với nhau. Nhưng TS Đào Thái Tôn cũng bảo, ông soạn sách để bán, nếu không có thơ truyền tụng và các chuyện đời tư éo le, khuất khúc, thì không bán được và ông cũng mất nghề, là cắp cặp đi giảng ở các trường Đại học trong cả nước về chuyên đề thơ Hồ Xuân Hương. Tôi rất kính nể TS Tôn, nhưng tiếc thay, sau đó ông đã mất.

Năm 1815, ông Hiển cưới bà, năm 1819 ông bị hặc vì “ăn hối lộ” 700 quan tiền đất ở châu Hải Ninh. Theo Luật Gia Long, tội này ( ăn hối lộ dù chỉ 1 quan tiền) thì chém đầu luôn, mà không phải xử. Bà Hương đã viết đơn xin vua Gia Long ân xá, lời lẽ rất thống thiết ( mà tôi không dẫn ra đây, e bài sẽ lạc đề và quá dài), vua Gia Long đã trả lời như thế nào, vua Minh Mạng vừa lên thay, đã bút phê ra làm sao, xin đọc “Đại Nam thực lục” của nhà Nguyễn, có ghi đầy đủ và chi tiết, là bằng chứng không ai chối cãi được, để chúng ta tin là ĐÃ CÓ một Hồ Xuân Hương thật sống ở Quảng Ninh hiện nay. Bà này không có dính dáng gì với Tổng Cóc. Bài thơ khóc Tổng Cóc chết cũng là thơ dân gian gán cho bà. Điều này tôi nói vì liên quan đến ông Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường mà TS Từ nói tới 2 lần, ở phần cuối bài.

Sau khi ông Hiển chết, 1819, bà Hương rất ân hận ( “Tuyền đài hữu hận…” – thơ Tùng Thiện vương, cháu nội vua Gia Long, viết, khi viếng mộ bà năm 1842, “ có nỗi hận mang theo xuống tận suối vàng ” ), vì bà có biết việc nhận hối lộ của chồng mà không can ngăn, rồi sau đó, chính bà đã cầm một phần trong số tiền hối lộ đó ( không rõ mấy trăm quan trong số 700 quan) vào tận Huế, đưa trực tiếp cho con trai của ông Hiển với bà vợ trước ( bà vợ trước đã mất) đang học ở đó. Đến khi ông Hiển bi đeo gông, chính bà đã mang đủ 700 quan tiền vào tận kinh đô Huế để ( như ta nói bây giờ là khắc phục hậu quả ) nộp lại cho triều đình và xin vua Gia Long ( ông nội Tùng Thiện vương) ân xá cho chồng. Chính vì thế, bà vô cùng thương ông… “ vẫn biết cha ngươi có công, nhưng nước đã có phép, không thể làm khác. Cho tự xử ”. Gia Long ân xá chỉ đến mức ấy, nghĩa là tự tìm lấy cái chết trong 60 ngày, chứ ta không giết. “ Tham nhũng đến thế mà không giết thì lấy gì mà khuyến liêm” , chữ của Minh Mạng. Chả ai hiểu được nỗi đau ấy, nỗi hận ấy. Bà xuống tóc đi tu ở Yên Tử, cũng là lẽ đương nhiên, và hết tang chồng thì thắt cổ chết theo chồng ở chùa Giải Oan – Yên Tử năm 1822, cũng là điều có thể tin được. Ta phải đặt các việc đó trong tình huống đột biến, trong tâm lí rất trọng danh dự của người quí tộc, bỗng mất hết, bỗng bị nhấn chìm xuống đáy bùn nhơ , bỗng bị giết vì lòng gian tham , vì tội hại dân… những trạng thái sốc, trầm cảm, khủng hoảng… Cũng phải đặt nó trong cách ứng xử, với cốt cách Nho gia, vốn có trong truyền thống đức hạnh và đạo lí của bà và của gia đình đại quí tộc như nhà bà , ta mới hiểu được mọi điều.

Trước khi bà chết, ông Phạm Quí Thích, người Bình Giang, Hải Dương, bạn thân nhất của Nguyễn Du, đã đến tận Yên Tử thăm bà. Nguyễn Du đã mất trước bà 2 năm ( 1820 ). Phạm Quí Thích là người được Nguyễn Du rất tin cậy, giao cho bản thảo “Đoạn trường tân thanh ” ( tức “Truyện Kiều ”) cầm ra Hà Nội. Khoảng cuối năm 1825 hay cuối năm 1826, tức là 3-4 năm sau, thân nhân mới đưa hài cốt bà về táng ở gần Hồ Tây, Hà Nội ( mà Tùng Thiện vương đã đến viếng , năm 1442), rồi sau đó, không biết sau năm 1842 bao nhiêu năm, đưa về Tam Kỳ, Quảng Nam, để ở gần mộ chồng. Như vậy, bà Hồ Xuân Hương đã ở Quảng Ninh hiện nay, cả khi sống và khi chết, khoảng 10 đến 11 năm liền. Và hôm nay, nhân có 2 bài viết của 2 nhà khoa học về bà, ở tại nơi mà bà đã sống rất hạnh phúc và đã chết rất bi thảm, tôi muốn thưa lại vài điều, dù tôi biết những điều tôi nói, vẫn còn cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Nhưng tôi tin là nó có cơ sở và sẽ dần dần hiện lên trong tương lai, khi hiện tượng Hồ Xuân Hương được bạch hóa. Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết “ Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương/ Nhưng người đó là ai?/ Thật mỉa mai / Không ai biết rõ…”

Ông Bùi Hiền, nhà nghiên cứu, mà tôi đoán là một GS rất đáng kính. Kính chào ông. Ông cho biết, bà có tên nguyên danh là Hồ Thị Mai, biểu tự là Xuân Hương, bút hiệu là Cổ Nguyệt Đường. Mẹ bà họ Hà, người Hải Dương, chứ không phải người Bắc Ninh, như nhiều sách đã in sai.Tôi nghĩ điều đó đúng và tư liệu ông đưa ra, có thể tin được. Tư liệu đó về cơ bản trùng với văn bản 1 tập sách mà tôi đã đọc và rất nhớ, cách nay vừa tròn 60 năm, của một ông giáo già lưu dung thời Tây, dạy học cùng với tôi. Tôi rất tiếc là tập sách tôi đã trả lại và sau khi ông mất ở trong tù ( vì thi thoảng, theo thói quen, ông lại văng ra mấy câu tiếng Tây – cho là ông chửi chế độ ta) thì mất hẳn. Vợ con ông đã đốt đi, cùng một số quần áo Tây và đồ dùng cá nhân khác của ông, cho hết “ những ân oán giang hồ”. Vợ ông bảo tôi thế. Tôi chắc ở đâu đó, tập sách này vẫn còn. Tập sách này viết bà Hồ Xuân Hương ( thật) sống từ thời Lê sang thời Nguyễn và là một nhà thơ thời Nguyễn, tác giả tập thơ duy nhất là “Lưu Hương kí”, còn thơ lưu truyền được gọi là của bà, là sáng tác dân gian thời Lê, cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, rồi gán cho bà. Tập sách còn bác lại một tập sách khác, ghi rõ tác giả của tập sách khác này, đã “qua đêm” với Hồ Xuân Hương trong nhà chứa … Tôi đoán Xuân Diệu có đọc quyển sách “ qua đêm” này, và hình như, đấy là gợi ý để Xuân Diệu giải thích vì sao, thơ Hồ Xuân Hương “độc đáo nhất Việt Nam và có lẽ độc đáo nhất thế giới”… Nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, Viện Văn học Việt Nam, trong một công trình nghiên cứu in trong bộ sách đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, xác định dứt khoát : Hồ Xuân Hương thật là tác giả “Lưu Hương kí ”, còn thơ truyền tụng là thơ dân gian. mà tác giả là các ông đồ ở thời Lê, sáng tác và nhuận sắc trong một thời gian dài…Tôi tin là ông Trần Thanh Mại đã nói đúng.

II – 5 ĐIỀU THƯA LẠI VỚI 2 NHÀ KHOA HỌC

Điều thứ nhất xin thưa với ông Bùi Hiền. Ở trang 564 và trang 568, sách trên ( “Thơ Đường luật thời Lê… ”) , ông viết: “ UNESCO vinh danh bà là Danh nhân văn hóa thế giới ” Ông khẳng định điều đó đến 2 lần trong 1 bài , điều ấy, thưa ông, không hẳn như thế . Tất cả các báo ở Việt Nam đều đăng thông báo, nguyên văn như sau: “ Chiều 23 / 11/ 2023, vinh danh 60 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử, để cùng kỉ niệm năm sinh/ năm mất . Trong số 60 danh nhân này, có Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức đồng thời ở Việt Nam và ở văn phòng UNESCO tại Paris” Như thế, không kỉ niệm ở các nước thành viên, như danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du ( 2 lần vinh danh: Một của Hội đồng Hoà bình thế giới, và Hai là của UNESCO ) và Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Ông Đại sứ Việt Nam tại UNESCO nói rằng: Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương là hai “ nhân vật kiệt xuất của Việt Nam”. Cả văn bản vinh danh của UNESCO và lời thông báo của ông Đại sứ Việt Nam, đều không có chữ “thế giới”. Ở chỗ này, TS Nguyễn Học Từ viết đúng hơn, khi ghi bà là “Danh nhân văn hóa, có ảnh hưởng đối với thế giới” nhưng không ghi bà được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Theo thông tin mà tôi biết, là Danh nhân văn hóa thế giới, thì các nước thành viên Liên hiệp quốc đều phải tổ chức kỉ niệm cấp quốc gia, như Việt Nam đã từng tổ chức Kỉ niệm Danh nhân văn hóa thế giới, người Việt Nam, cũng như người nước ngoài, tại Nhà Hát Lớn, thủ đô Hà Nội .

Điều thứ hai xin thưa với ông Bùi Hiền. Ở trang 562, ông viết: “Xuân Diệu đã tôn Hồ Xuân Hương là Bà chúa Thơ Nôm”. Ông viết không sai, nhưng về mặt khoa học thì chưa hẳn đã đúng. Người đầu tiên dùng thuật ngữ tôn vinh này, trước Xuân Diệu đến 30 năm là Lê Tâm. Năm 1950, Lê Tâm soạn sách, ghi rõ: LOẠI SÁCH GIÁO KHOA, tên sách THÂN THẾ VÀ THI CA HỒ XUÂN HƯƠNG ( BÀ CHÚA THƠ NÔM) - in ở nhà xuất bản Cây Thông, Hà Nội (Ảnh kèm theo. Ảnh này tôi lưu giữ được đã mấy chục năm, nay tìm qua Internet cũng không thấy ) . Lê Tâm tự ghi học hàm mình là giáo sư và sách ông soạn để dạy và học trong các trường phổ thông trung học, với lời giới thiệu “Thân thế và sự nghiệp thi ca Hồ Xuân Hương ” như một tác giả chuyên nghiệp. Trong đó, đến quá nửa là những bài “ướt át mùi gường chiếu”, rất mất vệ sinh, mà đến nay đã hoàn toàn bị loại bỏ. Sự lẫn lộn giữa sáng tác dân gian và chuyên nghiệp ( bác học), bắt đầu từ ông giáo sư này, vì nó đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ học đường, nên sau đó không sao sửa chữa được. Xuân Diệu có lần nói: cái gì đã in sâu vào tâm trí người ta, từ 50 năm trở lên, thì dù có sai cũng không ai gạt đi được. Năm 1980, Xuân Diệu hoàn thành chuyên luận, lấy nguyên tên của Lê Tâm “Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm”, 83 trang đã in, sau 22 năm ( 1958 – 1980) viết đi viết lại, nhưng không đề xuất xứ từ đâu, nên nhiều người chỉ biết có Xuân Diệu, không ai biết có Lê Tâm. Năm 1961, Xuân Diệu đã in chuyên luận này thành một tập sách riêng.

Điều thứ ba xin thưa với ông Nguyễn Học Từ. Tôi được một người bạn kể về ông - một Tiến sĩ khoa học, rất đáng yêu. Kính chào ông. Ở trang 570, ông viết: Hồ Xuân Hương trong quá trình giao lưu thơ phú với các nhà thơ lớn như Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Phạm Quí Thích…vân vân… Tôi chỉ xin thưa với ông về một trong số đó, Chiêu Hổ - Phạm Định Hổ.

Tập Thơ Hồ Xuân Hương, TS Đào Thái Tôn biên soạn, nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2008, có ba bài, xin được dẫn lại như sau:

TRÁCH CHIÊU HỔ (I)

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay…

Chiêu Hổ họa lại:

Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bế chốc tay…


TRÁCH CHIÊU HỔ (II)

Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa…

Bài này Hồ Xuân Hương ám chỉ Chiêu Hổ nói dối như thằng Cuội nên mới có hình ảnh “nắm lá đa”.

Chiêu Hổ họa lại

Rằng gián là năm, quí có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa…

Thời xưa tiền của ta có hai loại, một loại là tiền gián, ăn 36 đồng kẽm, một lọai là tiền quí ăn 60 đồng kẽm, vì vậy giá trị 5 đồng tiền gián bằng 3 đồng tiền quí.


TRÁCH CHIÊU HỔ (III)

Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè

Chiêu Hổ họa lại

Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe
Bảo nhe không được gậy ông ghè
Ông ghè không được ông ghè mãi
Ghè mái rồi sau cũng phải rè…

(Theo Sách đã dẫn)

Từ nhiều chục năm nay, nhiều người, trong đó có ông TS Từ, cho rằng Chiêu Hổ trong Thơ Nôm truyền tụng này là Phạm Đình Hổ (1768 - 1839). Đó là sự nhầm lẫn rất tai hại, xúc phạm nhân cách của cả Hồ Xuân Hương thật, lẫn Phạm Đình Hổ thật, mà chả nhẽ ông TS không tự biết hay sao? Nhất là khi , nó lại được chính các nhà khoa học, có học hàm học vị hẳn hoi, minh chứng nó một cách rất cảm tính, dù với động cơ rất tốt. Mới hay việc bạch hóa các sự thật, ở Việt Nam, khó như người nông dân tìm đường để đi lên trời. Theo tôi, điều này hoàn toàn bạch hóa được, chỉ có điều, ta có muốn “bạch hóa” nó hay không mà thôi. Và tôi tin, sớm hay muộn, mọi việc rồi sẽ được rõ ràng.

Trước hết, xin hãy để chính Phạm Đình Hổ nói về việc đó.

Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế tửu Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội, tức Hiệu trưởng trường, chức này ( có nhà nghiên cứu cho rằng tương đương như Bộ trưởng Giáo dục), chỉ dành cho các Tiến sĩ , mà nhà vua thấy rõ là tài cán và đức độ hơn người. Xin nhớ rằng, tài giỏi và tiết tháo như Chu An, thời Trần, cũng chỉ là Tư nghiệp, mà sách tư liệu khoa học hiện có ở Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội, trong mục Danh sách Tế tửu và Tự nghiệp, ghi: Chu An, Tư nghiệp ở cột chữ hàng dọc là Hiệu phó.

Trước tác nổi tiếng nhất của Phạm Đình Hổ là “Vũ trung tùy bút”. Đây là tác phẩm duy nhất Phạm Đình Hổ nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”. “ Nếu ai nói những cái đó, thì bịt hai tai lại, không nghe ’’. Ông tự viết về mình như thế. Một người như thế, thì không thể có chuyện ông (quan Tế tửu Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội) là tác giả của các bài thơ trên, lại “ghẹo nguyệt giữa ban ngày” ( ghẹo Nguyệt là ghẹo Hồ Xuân Hương - Nguyệt là Cổ Nguyệt Đường, bút danh thơ của Hồ Xuân Hương ), rồi Hồ Xuân Hương lại mời Phạm Đình Hổ “ thong thả lên chơi nguyệt” ) mà chơi Nguyệt, đến mức cho Nguyệt “ cả cành đa lẫn củ đa”, ta hiểu “cành đa” và “củ đa” đó là cái gì - và chửi đời rất sảng khoái theo kiểu lưu manh: “Rày thì đù mẹ cái hồng nhan”…Và Hồ Xuân Hương, một nhà thơ “đúng phép mà văn hoa “, bao giờ cũng biết “dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa” (tựa thơ Hồ Xuân Hương trong “Lưu Hương kí” - khắc in năm 1814) . Một người như thế, không thể là tác giả của những bài thơ đùa cợt, “gợi làm tình” đến mức táo tợn, trơ trẽn, phản cảm, vô văn hóa và rất “mất vệ sinh” như trên. Ấy là chưa kể, Phạm Đình Hổ còn viết trong thiên “Tự thuật” ( “Vũ trung tùy bút”) : “ Chữ Nôm ta không hiểu hết được ”, nên không dùng. Vậy thì làm gì có thơ Nôm Phạm Đình Hổ mà các sách in chuyện bịa này, đều có, như tôi đã dẫn ở trên.

Phạm Đình Hổ nói, suốt đời ông, ông chỉ có “mỗi một cái tội là nghiện… nước chè”, và ông thường phải tự pha lấy cho mình. Quy cách pha trả của ông rất khe khắt mà tôi không nói ở đây. Sau này, tôi đoán là, Nguyễn Tuân đã học ông mà viết trong “Vang bóng một thời ” về việc pha trà rất tinh xảo của minh, nhưng về sự cao sang và kiểu cách thưởng trà, thì ông Nguyễn còn dưới ông Phạm ít nhất là 1 bậc.

Xin nhớ, Bộ Luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ: “Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn. Làm gì có cuộc gặp gỡ nào để mà “ gạ làm tình” một cách tục tĩu, táo tợn và cả hai cùng khoái trá đến mức như vậy. Rõ ràng “Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương” về cặp đôi Xuân Hương – Chiêu Hổ mà ông TS Từ nói trên, nói như thật, là chuyện hoàn toàn không có thật, chỉ là chuyện bịa tạc vui đùa của sáng tác dân gian mà thôi.

Điều thứ 4 xin thưa với ông Nguyễn Học Từ. Ở trang 570, ông nói, Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn ( 1703 – 1786) là sai. Căn cứ vào đâu? Căn cứ vào lời tự nói về thân nhân Hồ Xuân Hương của ông Tốn Phong, bạn rất thân của Hồ Xuân Hương, khi ông này viết về Hồ Xuân Hương ngay trước mắt Hồ Xuân Hương, khi bà nhờ ông viết về mình, tháng 3 năm 1814 để in ngay vào đầu tập thơ của mình. Ông Tốn viết nguyên văn như sau: “ Khi hỏi đến tên họ, mới biết là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu”. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi và bà là con ông Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con ông Hồ Phi Diễn như TS Từ đã nhầm, vì ông Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và không làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, ngược lên đến đời thứ 10 mới có chung một ông bố. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành Tham tụng, sau là Tham tụng (quyền Tể tướng, sau là Tể tướng. tức là ông lớn ) cùng với Bồi tụng ( Phó Tể tướng ) Bùi Huy Bích, đứng đầu chính phủ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), chỉ đậu Hương cống (Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm Tể tướng, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm ( tước) Thái bảo, một trong 3 tước cao nhất của triều đình ( cùng với Thái sư và Thái úy). Như vậy là đã rõ, và thêm một lí do, để ta hiểu mối tình của Hồ Xuân Hương với Nguyễn Du là rất môn đăng hộ đối. Bà Hương có bài thơ “ Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân ”, viết năm 1813, năm Du Đức hầu Nguyễn Du, người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, được thăng Cần Chánh học sĩ, được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, Trung Quốc, có qua và nghỉ lại ở Thăng Long, “Ta từ Nam trở lại, đầu đã bạc trắng” dự một đêm nghe hát, do Tuyên phủ sứ Thăng Long chiêu đãi. Tại đêm nghe hát này, Nguyễn Du đã gặp lại người đánh đàn cầm hơn 20 năm trước, thời Tây Sơn “ Quan tướng nhà Tây Sơn ruợu say nghiêng ngả”, tranh nhau thưởng tiền cho ca sĩ . Nguyễn Du viết bài thơ khá dài “ Long thành cầm giả ca ” ( chữ Hán) trong dịp này. Không rõ Nguyễn Du có gặp Hồ Xuân Hương không? Tôi chắc là không. Vì thế, bà Hương mới“gửi cho cùng”, gửi theo ông Nguyễn bài thơ này. Sở dĩ tôi nói kĩ thế, vì một nhà nghiên cứu có thâm niên, mà tôi rất quí trọng, yêu mến – ông là bạn tôi, viết là hai người có gặp nhau, “thở ngắn than dài” … Tôi muốn nói là ông bạn tôi đã bịa thêm chuyện. Về Hồ Xuân Hương, mọi việc cứ rắc rối thêm, vì những người tốt cứ bịa tiếp theo mãi. Bài thơ chữ Nôm như sau, đã in trong tập “Lưu Hương kí ” tập thơ duy nhất của bà, tất cả đều minh bạch, rõ ràng.

CẢM CỰU KIÊM TRÌNH CẦN CHÁNH HỌC SĨ NGUYỄN HẦU
(Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)


Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong

Đây là 1 trong số những bài thơ NÔM hay nhất của Hồ Xuân Hương thật, thơ rất quí phái, hào hoa phong nhã. Nguyễn Du là chú ruột vợ vua Gia Long, con Tể tướng Nguyễn Nghiễm, em ruột ( con bà cả) Tể tướng Nguyễn Khản. Bà Hồ Xuân Hương cũng giống Nguyễn Du, là con ( hàm ) Tể tướng Hồ Sĩ Danh, em ruột ( con bà cả ) Tể tướng Hồ Sĩ Đống . Vì thế, ta không ngạc nhiên, khi biết bà Hương là bạn thân của Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị, cháu nội vua Gia Long nhà Nguyễn. Năm 1842, Tùng Thiện vương theo vua anh ra Bắc, tiếp sứ thần nhà Thanh, có đến viếng mộ Hồ Xuân Hương gần Hồ Tây và viết bài “Long Biên trúc chi từ” , có câu: “ Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá / Tuyền đài hữu hận thác khiên ti” ( Hoàng Xuân Hãn dịch: “Chớ trèo qua mộ Xuân Hương / Suối vàng còn hận tơ vương lỡ làng…”. Chúng ta hiểu, đẳng cấp nhân thân Hồ Xuân Hương và thơ của Hồ Xuân Hương phải thế nào, mới có thể có được những tình cảm trân trọng cao sang đến mức như thế trong thơ của một vương giả uy thế nhất nước và thơ được coi là hay đến mức vượt cả thơ Đường bên Trung Hoa ( Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường). Ta càng đồng tình với Tốn Phong, khi ông nhận xét rất xác đáng về thơ Hồ Xuân Hương in ở đầu tập thơ thật của bà, theo yêu cầu của bà. Tốn Phong viết ( nguyên văn ): “ xuất phát từ cảm hứng, nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa, vui mà không đến nối buông tuồng…”, “ học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép tắc mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ ”… Đọc “Lưu Hương kí”, tập thơ thật duy nhất của bà, mà theo nhà nghiên cứu rất uyên thâm Trần Thanh Mại, thì “Lưu Hương kí là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (Lưu Hương kí và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III. Nxb Văn học, 2004). Một người đàn bà có định danh cá nhân sang trọng như thế, thân phận cành vàng là ngọc như thế, sống trong môi trường đại quí tộc như thế, sau này lấy ông Trần Phúc Hiển, Tham hiệp An Quảng tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay, luôn được dự vào việc quan cấp đầu tỉnh, hệ trọng như thế, làm thơ quan phương, quí phái, hào hoa phong nhã như thế và đến lúc chết, chết theo chồng, cái chết tuy bi thảm, nhưng đúng đạo lí, cũng rất cao cả và đầy nghĩa khí như thế, thì sao lại có thơ: sờ tay vào cái khe kia, thấy nó: “nước rỉ mó lam nham”. Rồi: “ Chành ra ba góc da còn thiếu / Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa…” là cái nhìn của đàn ông từ trên xuống, ở bên ngoài vào, ( người đàn bà không bao giờ nhìn thấy chỗ da họ còn thiếu) và là động tác đang làm tình của đàn ông…Rồi “ Hai chân đạp xuống năng năng nhắc / Một suốt đâm ngang thích thích mau…” Ba chữ “năng năng nhắc ” mô tả động tác đôi chân đạp xuống trong khi làm tình của đàn ông, tài vô cùng, còn “ Một suốt đâm ngang ” là hành động thô bạo của riêng đàn ông và “ thích thích mau cũng là cảm giác rất có thật của riêng đàn ông ( chứ đàn bà không… mau như thế ) trong cuộc làm tình...vân vân… nhiều vô kể… Tôi xin lỗi bạn đọc vì buộc phải nói rõ ( mà tôi không muốn) đến mức như thế, về dục tính nam rất mạnh của các câu thơ được gọi là của Hồ Xuân Hương, để các bạn đọc dễ dàng đồng cảm với tôi hơn, trong việc đồng thuận với nhận định có tính khoa học rất cao của học giả Trần Thanh Mại, công bố trong công trình nghiên cứu đã được giải thưởng Nhà nước: “ Đó là thơ nhảm nhí của đám mày râu chúng ta”.

Điều thứ năm xin thưa với ông Nguyễn Học Từ. Ở trang 575 và 578, ông có nhắc tới Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường. Tổng Cóc , được coi là chồng Hồ Xuân Hương thật, là thứ gán ghép dân gian tùy tiện. Không có người vợ nào, lúc chồng chết, khóc chồng, lại nói chồng là cóc nhái, nòng nọc…và chửi chồng rất cay cú, tàn độc ngay trong đám tang, là phải “bôi vôi” cho nòi giống nhà chồng tuyệt chủng, nghìn vàng cũng không chuộc lại được ( Nghìn vàng khôn chuộc kiếp bôi vôi ), giống như người làm ruộng ở các làng quê, bôi vôi khi bị đỉa cắn. Quê tôi trước đây, người bị bệnh hủi, thường đêm đưa đi rồi chôn sống trong thùng vôi đã tôi sẵn, để tuyệt diệt vi trùng bệnh. Ở nhiều tỉnh Bắc bộ, có câu chửi cay độc nhất : “Tao bôi vôi vào mặt mày”, để tuyệt giao, đến chết cũng không thèm nhìn mặt. Còn ông Phủ lại là một nhân vật có thật, một quan chức lớn cấp đầu tỉnh ở Quảng Ninh thời Nguyễn , bị tử hình về tội ăn hối lộ của dân, bị vợ riễu cợt trong đám tang đến mức nực cười ( mà không cười được) : “ Ném tung hồ thỉ bốn phương trời”. “Hồ thỉ” là hình ảnh biểu hiện cái chí lớn của đấng nam nhi cứu dân giúp nước. Vậy mà ông cứu dân giúp nước như thế a (? ! ). .. Về phương diện sáng tác dân gian, thơ truyền tụng được cho là của Hồ Xuân Hương là một kiệt tác dân gian vô song. Điều này rất rõ ràng, khỏi phải bàn. Còn gán nó cho Hồ Xuân Hương thật, thì càng chứng minh nó có thật trong đời Hồ Xuân Hương thật, thì càng rắc rối, vì thế, càng chứng minh, càng phức tạp, mâu thuẫn, lằng nhằng, càng không có lối ra. Cũng vì thế, thơ Hồ Xuân Hương truyền tụng mỗi lần in mỗi khác, mới có đến hơn 130 dị bản, và ông Phủ Vĩnh Tường mới phải đưa ra đến 3 ông phủ hoàn toàn khác nhau, nhưng rồi xem ra, chỉ có cái ông phủ ở Quảng Ninh xưa, là có lí và phù hợp. Ông có tên khai sinh là Trần Phúc Hiển, con trai Trần Phúc Nhàn, một tướng giỏi của Nguyễn Ánh – Gia Long , tử trận trong binh đao với Tây Sơn. Ông Hiển không đỗ đạt, chỉ vì có cha tử trận, được vua Gia Long tri ân mà ban cho làm quan. Nhưng lại nhớ, trong khoảng 13 năm trước, từ 1802 đến 1815, ông Hiển là tri phủ Tam Đới, năm 1819, ông Hiển bị Gia Long tử hình vì tội ăn hối lộ, 3 năm sau khi ông Hiển chết, năm 1822, phủ Tam Đới mới được vua Minh Mạng đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Vậy bà Hồ Xuân Hương 3 năm sau chồng chết, mới khóc chồng vừa chết hay sao ? Và rất có thể, khi phủ Tam Đới chưa có tên là phủ Vĩnh Tường, bà Hương cũng đã tự tử theo chồng rồi ( vì chưa xác định được bà Hương tự tử theo chồng vào tháng nào, trong năm phủ Tam Đới đổi tên. Vì sau chồng chết “27 tháng trời” , tức là 2 năm 3 tháng, rất có thể, lúc đó phủ Tam Đới vẫn còn tên là phủ Tam Đới ). Ấy là chưa kể, điều này còn quan trọng hơn, tôi tin không bao giờ có một người đàn bà nào, có chồng chết vì án tử hình ( mà người ấy lại là cành vàng lá ngọc, bố và anh làm Tể tướng, chồng là quan cao cấp, mình cũng dự vào việc quan hàng đầu cấp tỉnh) lại khóc chồng: Ới ông ơi là ông ơi, “ Cán cân tạo hóa ( của ông) rơi đâu mất / , ( còn cái ) Miệng túi càn khôn ( của tôi, thì đành phải ) khép lại rồi”… Chúng ta đều biết, cái “cán cân tạo hóa” của ông và cái “ miệng túi càn khôn ” cuả bà, bây giờ ông chết không dùng đến nữa, phải khép lại, là cái gì. Xin hỏi, liệu trong nhà chúng ta, nếu có một bà nào đó khóc chồng điên loạn và tục tĩu trong đám tang như thế, liệu chúng ta có để cho bà ta yên không? Cho nên, càng cố gán bài thơ “ Khóc Tổng Cóc” cho Hồ Xuân Hương thật, chỉ càng làm ta thấy bà là một người đàn bà đểu cáng, hiểm độc; còn càng cố gán bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường cho bà Hồ Xuân Hương thật, thì càng làm ta thấy bà là một người đàn bà vô văn hóa, vô liêm sỉ, vô đạo lí chưa từng có, đáng hổ thẹn đến muôn đời. Phẩm hạnh, đạo đức tối thiểu, gia phong truyền thống đáng yêu của người Phụ nữ Việt Nam, có còn một chút nào đâu. Tôi rất lấy làm lạ, là, tại sao không thấy có một người phụ nữ Việt Nam nào lên tiếng, về việc người ta công khai xúc phạm mình và cái giới nữ cao đẹp của mình… May thay, điều ấy, hoàn toàn hiểu được, vì nó không hề có, không hề xảy ra trong đời sống một bà Hồ Xuân Hương có thật, mà chỉ là sự hư cấu ( bịa đặt) của nhà sáng tác dân gian. Mà là sáng tác dân gian, là tiếng nói của nhân gian, chỉ chế riễu ( thậm chí chửi bới ) các thói hư tật xấu của người đời, các sự đời, có thể có, có thể không, để tự răn minh, để tự sửa mình, rất có ích, chả nhằm vào ai cụ thể, ở nơi nào cụ thể… ( đại loại như nhân vật hư cấu Chí Phèo chửi cả làng có tên hư cấu là Vũ Đại, chửi cả người đã sinh ra hắn… ) thì lại là điều khác, không có gì phải bàn.

KẾT LUẬN

1 – Tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là tập “Lưu Hương kí”. Chính bà đã nói vậy, khi bà đưa tập bản thảo tập thơ chữ Hán và chữ Nôm, với lời thơ sang trọng quan phương, hào hoa phong nhã, cho ông Tốn Phong, bạn bà. Bà nói: “Đây là toàn bộ thơ của tôi từ trước đến nay, nhờ ông viết cho một bài Tựa.” Trong tập thơ của cả đời bà ấy, không có bất cứ 1 bài nào, 1 câu nào, 1 ý nào, trong số hơn 200 bài thơ truyền tụng được coi là của bà, cũng không có bất cứ 1 cảm giác nào là chúng gần gũi nhau, dù chỉ 0,001%. Vậy theo lời bà, tất cả những bài thơ đó, rõ ràng đều không phải là của bà . Thậm chí ngược lại với thơ bà như nước với lửa . Bàn về thơ bà mà cứ đơn phương và quyết liệt, gạt bỏ lời tâm huyết rất trung thực chân thành của bà về chính tác phẩm của bà, coi như nó không hề có, là rất phi lí, phản khoa học, là điều tôi chịu, không hiểu nổi.

2 - Trong tập sách công phu và rất có giá trị học thuật này (“ Thơ Đường luật thời nhà Lê…”) còn có nhiều điều muốn được thưa lại, nhưng tôi chỉ nói có 1 điều thôi, dù nội dung nó ở ngoài bài viết trên. Vì nó đã có trong tập sách, không thể không nói. Cũng là trách nhiệm công dân vì sự trung thực lịch sử và trách nhiệm trước muôn đời con cháu. Ấy là có nhà khoa học viết trong tập sách khoa học đáng trân trọng này, đến bây giờ vẫn còn viết rằng, bài thơ “Nam quốc sơn hà ” do Lý Thường Kiệt sáng tác. Theo sách “Lĩnh Nam trích quái” của Trần Thế Pháp ở thời Trần và bộ sử kí số 1 của quốc gia Đại Việt là “Đại Việt sử kí toàn thư” ở thời Lê, thì bài thơ này, có trước trận đánh trên sông Cầu của Lý Thường Kiệt ít nhất là 95 năm.

Trong một lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giao cho nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ tịch Hội đồng thơ và tôi, ủy viên Hội đồng thơ, thời gian đó, chủ trì cuộc hội thảo về Thơ trung đại Việt Nam, tại nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Phó Giáo sư Bùi Duy Tân, người Thày dạy tôi ở khoa Văn, trường Đại học Tồng hợp Hà Nội, lúc đó đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, vì chứng ung thư giai đoạn cuối, đã nhờ con chở đến đây, để sau đó, nếu có “ra đi” thì thanh thản cõi lòng. Và tại đây, sau khi trân trọng thắp hương kính lễ, ông đã khẩn trình trước anh linh Tiên tổ ( mà tôi là 1 trong số mấy người đứng sát sau, tháp tùng Thày), tôi rất cảm động nghe Thày khấn vái , xin lỗi Tiên tổ, xin lỗi toàn thể nhân dânViệt Nam, xin lỗi toàn thể cộng đồng các Dân tộc Việt Nam, xin lỗi tất cả các thế hệ thầy giáo và các thế hệ học trò Việt Nam, vì ông là người ( tích cực nhất) cùng các đồng sự của mình, đã khẳng định Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ Thần và viết điều khẳng định chắc chắn như thế vào sách giáo khoa từ khoảng 50 năm nay, ở tất cả các cấp học, từ Tiểu học đến trên Đại học, nghĩa là nhiều thế hệ đã lớn lên trong niềm tin không có thật đó. Khi ra với Hội thảo, nhà thơ Vũ Quần Phương đã giới thiệu ông, và mời ông phát biểu ngay để con ông lại đưa ông về bệnh viện. Trước tất cả mọi người, ông đã nói lại những điều mà tôi đã nêu trên , đồng thời một lần nữa, xin lỗi… Ông tha thiết đề nghị, từ nay các sách in bài thơ này, hãy ghi tác giả KHUYẾT DANH, trả lại cho bài thơ về trước Lý Thường Kiệt khoảng 100 năm. Sau đó một thời gian khá dài, sách giáo khoa không ghi tên tác giả bài thơ. ( Ảnh kèm theo ) Thế là TRUNG THỰC. Thế rồi, sau bài phát biểu của Tổng thống Mĩ, sách giáo khoa bỗng lại ghi tên tác giả là Lý Thường Kiệt (?) . Theo tôi RẤT KHÔNG NÊN. Vì sao ? Vì trước hết, Nhà nước ta, dạy trẻ con, điều cốt yếu số 1 phải dạy là sự Trung thực.

3 - Xuân Diệu, người thứ 2, suy tôn Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm có biết những điều tôi trình bày ở trên không? Xin thưa ngay: CÓ. Một lần Xuân Diệu, dự hội thảo thơ Hồ Xuân Hương ở Viện Văn học, với các phát hiện đó, từ “Lưu Hương kí”, Xuân Diệu không cãi lại. Về nhà, ông nói với tôi, khi tôi đến thăm ông, vào lúc ông vừa từ Viện Văn về, giọng rất bực dọc, tôi nhớ vô cùng chính xác và tôi chịu trách nhiệm về sự chính xác này, khi công bố lời của ông ở đây ( tôi đã viết những điều ấy thành bài, đăng báo rồi in sách, khi Xuân Diệu còn khỏe mạnh , minh mẫn. Tôi có đến thăm ông vài lần sau, khi sách tái bản, không thấy ông nói gì. Dĩ nhiên là tôi không cũng dám nói gì, chỉ nghe ông nói ) : “Có một Hồ Xuân Hương GIẢ mà cả thế giới nó sợ THẬT, lại không sướng hay sao. Lại còn tìm ra với tìm vào”. Ngẫm nghĩ một lúc lâu, Xuân Diệu bỗng bảo tôi : Ở ta có những cái trớ trêu, khi nước dâng lên lưng chừng núi, con thuyền cũng được nâng cao theo, rồi mắc cạn luôn ở trên đó. Đến khi nước đã rút rất xa chân núi rồi, thậm chí, người ta đã quên là có một thời, nước ở đây đã dâng cao, vậy mà mọi người nhìn lên trên núi, vẫn thấy con thuyền “đậu” ở trên lưng núi cao ấy, là cớ làm sao? Ai hạ nó xuống đây? Rồi Xuân Diệu đặt một ngón tay trỏ trước trán, chỉ lên mái nhà và nói một câu rất hàm súc: không có ai dám làm việc đó cả.

Thưa nhà thơ Xuân Diệu rất kính yêu: Đã có, đang có và sẽ có tiếp, chứ ạ. Và như thế, mọi giá trị văn chương, văn hóa và lịch sử, sẽ từng bước được định đoạt sòng phẳng, minh bạch, theo định luật Archimedes, mà tôi coi nó cũng là định luật của văn học. Chỉ có điều, nó đến sớm hơn hay muộn hơn mà thôi.




VVM.11.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .