Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


VIỆC TU PHẬT CÓ ÍCH GÌ
CHO BẢN THÂN NGƯỜI TU, CHO CUỘC ĐỜI ?

  


N hân câu trả lời của Tu Sĩ MINH TUỆ khi có người hỏi là có bao giờ có ý định dừng ? thì Minh Tuệ cho biết “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời”, phối hợp với câu hỏi : “Như vậy có ích gì cho bản thân hành giả, cho Đạo, cho đời ?” , làm tôi chợt nhớ ra có một điều rất quan trọng trong ĐẠO PHẬT mà bao nhiêu thời nay hầu hết Phật Tử, kể cả những người được xem là lãnh đạo Phật Giáo đã quên, nên vô tình đã biến những Tu Sĩ của Đạo Phật trở thành những người sống bên lề cuộc đời, phí phạm cả kiếp sống, không đúng với mục đích của Đạo Phật như Đức Thích Ca mong mỏi khi lập Đạo. Xin được trình bày sau đây :

Từ xa xưa, mọi người vẫn nghĩ rằng việc Tu Phật là dành cho những người yếm thế, chán đời, muốn xa lánh cuộc đời. Phải vào Chùa, cạo đầu, mặc Y. Đi đứng cũng phải giữ Tứ Oai Nghi. Phải giữ hàng mấy trăm giới. Cuộc sống bị gò bó, mất hết tự do thì còn có ý nghĩa gì ? Ăn uống cũng kham khổ. Không biết để được gì ? Vì thế không trách họ thắc mắc : “Hành cái xác như vậy có ích gì ? Tu Phật có ích gì cho hành giả, cho cuộc đời ?” , bởi họ nhìn các Tu Sĩ từ khi bắt đầu Xuất Gia rồi thì sống trong Chùa, cho tới cuối đời cũng không quay trở lại tham gia việc đời. Cả ngày chỉ tụng kinh, Niệm Phật chờ về Niết Bàn. Tất cả những kiến thức, ngành nghề đã có trước kia đều phải bỏ hết ! Liệu đó có phải là cuộc sống của người tu Phật theo đúng Chánh Pháp ?

Nói đến ĐẠO PHẬT là phải nói đến quá trình thắc mắc về những nỗi Khổ chất chồng trên Cái Thân con người, và cuộc phiêu lưu tìm lời giải đáp của Đức Thích Ca mà sau đó Ngài cho là Chứng Đắc, và mang những gì mình Chứng được đi phổ biến cho nhiều người.

Buổi đầu, chỉ vì nể Thái Tử là con Vua, nên các quan mỗi người cho một con trai đi tu theo. Nhưng dần dà lan tỏa ra đến nhiều người. Cũng có thể vì mến mộ thật sự, mà cũng có thể vì thấy Tu Sĩ Đạo Phật được trọng vọng, ăn trên, ngồi trước, làm thầy mọi người, kể cả vua quan cũng kính nể, nên nhiều người cũng bắt chước vô Chùa tu, rồi chia nhau đi rao giảng khắp nơi, nên từ mấy ngàn năm qua đã hình thành một Tôn Giáo, gọi là ĐẠO PHẬT nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau.

Một số người đã cho rằng Đạo Phật là Đạo dạy Thờ Đức Thích Ca và những Phật khác như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc và chư Bồ Tát, để cầu xin được phù hộ, độ trì. Thậm chí hầu hết Chùa chiền còn nhân danh Phật bày ra Cầu An cho người sống, Cầu Siêu cho người đã qua đời, không hề biết rằng Đức Thích Ca cũng là một con người bình thường như tất cả mọi người. Cũng được sinh ra từ cha, mẹ, cũng là một người đàn ông, có vợ và có con. Đắc Đạo xong cũng không có trở thành Thần Linh để phù hộ cho ai, mà Ngài chỉ “cứu Độ” bá tánh bằng Giáo Pháp để ai muốn được như Ngài thì nương theo đó. Đạo Phật chỉ có nghĩa là ĐẠO GIẢI THOÁT hay là CON ĐƯỜNG ĐỂ THOÁT KHỔ, mà người muốn Thoát Khổ phải tự mình hành trì để đạt kết quả gọi là TỰ ĐỘ. Phật không có khả năng để Độ cho ai. Nếu làm được thì di mẫu, vợ con Ngài cũng không phải đi tu rồi !

Trải qua một thời gian quá dài, hàng mấy ngàn năm với đủ loại người đi rao giảng. Hiểu ít hay nhiều, đúng hay sai cũng đi thuyết Pháp. Kêu gọi càng nhiều người Quy Y càng tốt. Thu nạp được nhiều Tu Sĩ có học thức càng cao càng quý. “Hoằng Dương Chánh Pháp” bằng cách xây thật nhiều Chùa. Đúc thật nhiều Tượng càng to càng tốt mà chúng ta thấy có nhiều Tượng được chạm bằng cả một quả núi, tiêu tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc của bá tánh ! Vì thế, muỐn hiểu cho Đạo Phật cho đúng nghĩa thì chúng ta cần phải nhìn lại từ điểm xuất phát, bắt đầu từ nguyên nhân đi tìm Đạo của Đức Thích Ca.

Tóm lược như sau : Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc đó mới 29 tuổi, đang có vợ và một con trai còn nhỏ, là người sẽ nối ngôi cha trị vì một nước nhỏ thuộc Ấn Độ. Lần đầu tiên ra ngoại thành, trông thấy cảnh một người Già, Bệnh với cơ thể yếu ớt, chẳng còn chút sức lực, bị hành hạ vì Bệnh, cuối cùng là Chết ! Thái Tử thắc mắc không biết bản thân mình có phải chịu cảnh đó không ? Thì được trả lời là tất cả mọi người, từ vua chúa cho tới tiện dân không ai tránh khỏi.

Về nhà, Thái Tử băng khuăng mãi, muốn tìm cách nào để không còn bị cảnh như vậy. Thấy rằng nếu cứ tiếp tục ở trong đền vua, bận bịu vợ con và việc triều chính, không có thì giờ để suy nghĩ, nên một đêm nọ Ngài đã quyết đinh trốn ra khỏi thành, cùng với người hầu dẫn ngựa. Ra khỏi Thành khá xa. Ngài kêu người hầu dắt ngựa về, rồi từ đó một mình lang thang theo các du Tăng hy vọng tìm ra lời giải đáp.

Sáu năm, học với Sáu người thầy giỏi nhất, đã thử nghiệm qua bao nhiêu phương pháp : nào là Lõa thể, nhịn ăn tới suy kiệt, mà chỉ học được một số Thần Thông, phép mầu, câu trả lời vẫn không tìm ra được. Cuối cùng Ngài quyết đinh nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ ngồi trầm tư dưới một cội cây Bồ Đề. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài có được câu trả lời, gọi là Đắc Đạo. Đạo mà ngài tìm được có khả năng chấm dứt nỗi Đau Khổ của kiếp sống. Con đường đó có tiến trình như sau:

Con người, khi đã SINH ra trong cuộc đời là đã có CÁI THÂN. Nhờ thực phẩm mà lớn lên từng ngày. Đói, no, cảm xúc vui, buồn, sướng khổ, mừng giận.. với nó nên nghĩ rằng đó là MÌNH.

Cái Thân con người thì mong manh. Lúc nào cũng bị Các pháp chực chờ để tấn công. Bên ngoài là mưa nắng, thú dử, trùng độc, chông gai, người ác hãm hại, thiên tai đe dọa. Một cơn gió độc cũng có thể làm cho nhiễm bệnh. Đã thế mà từ trong nội thân lúc nào cũng sẵn mầm bệnh, chờ dịp là phát tác. Chỉ cần một cục huyết khối chạy vào tim là đột quỵ, chết bất ngờ. Chạy lên não làm thành tai biến, suốt đời còn lại ngồi một chỗ ! Cuộc sống lại không dễ dàng, muốn có cái ăn cái mặc, chỗ ở tốt thì phải làm việc cực nhọc, phải bon chen, đôi khi phải tranh giành với người khác mới có được chút của cải. Sắp xếp được cuộc sống tạm ổn thì người thương thì lại phải xa. Kẻ oán ghét lại hay găp. Những điều mong muốn thì ít khi được vừa lòng.. Cuộc sống như thế có gì mà ham ! Do đó mà Phật cho rằng Hữu Thân hữu Khổ !

Tất cả những nỗi Khổ đó đều do có Cái Thân mà ra. Nhưng nhiều người không thắc mắc, cho rằng đã là cuộc sống thì không thể khác, nên cứ bình thản trôi theo giòng đời. Lớn lên, học chữ hay nghề, lập gia đình, sinh con đẻ cái, rồi cuối cùng là già, chết. Chỉ có Đức Thích Ca là không chấp nhận cuộc sống phải diễn ra như thế, nên quyết tâm đi tìm một con đường Thoát.

Ngài phân tích Cái THÂN để thấy : Nó chỉ là một tổng hợp của Tứ Đại, nhờ Duyên cha mẹ phối hợp để vào đời. Nhờ thực phẩm mà lớn lên, nhưng không ra ngoài quy luật : SINH, LÃO, BỆNH TỬ.

Nhưng nếu CHẾT LÀ HẾT, làm Ác hay Thiện, Tội hay Phước cũng như nhau thì không cần đến Đạo Phật làm gì. Đàng này, cuộc sống vẫn tiếp diễn, vì Cái THÂN HỮU TƯỚNG không phải là CÁI TA THẬT, mà chỉ là Cái Thân vay mượn của Tứ Đại, có hạn kỳ, nhiều lắm là 100 năm để Trả NGHIỆP đã gieo khi còn sống trong Thân trước. Vì vậy nó chỉ là CÁI THÂN NGHIỆP của ta, không phải là Ta Thật.

Lý do là dù trước mắt thấy Cái Thân hành động, nhưng nó chỉ là tai sai của một Chủ Nhân mà mắt thường không nhìn thấy, đang đi chung với Cái Thân. Nó mới chính là Cái TA THẬT (CHÂN NGÃ), là CHỦ NHÂN, là bộ phận điều khiển Cái THÂN. Cái này Đức Thích Ca đặt tên cho nó là CÁI THỨC hay cái TÁNH, CÁI CHÂN TÂM, BỔN THỂ TÂM, hay CÁI BIẾT. Cái CHÂN NGÃ này trường tồn, Bất sanh, bất diệt. Chính nó mới là Chủ Nhân, ra lệnh, điều khiển cho Cái THÂN. Cái Thân chỉ là con rối, hoạt động theo sự điều khiển của NÓ.

Chính nó mới BIẾT SỐNG, BIẾT ĐAU, BIẾT VUI, BIẾT BUỒN, BIẾT SƯỚNG, BIẾT KHỔ, BIẾT THƯƠNG, GHÉT, GIẬN HỜN.. Vì vậy, khi CÁI BIẾT rời khỏi cái THÂN, thì Cái Thân chỉ là đống Tứ Đại chờ giờ tan rả mà thôi. Do thời gian sống trong Cái Thân, Nó MÊ LẦM nên tưởng cái Thân là MÌNH, vì thế mà làm nhiều việc không công bằng. Thấy ai có món gì mà nó thích thì tìm mọi thủ đoạn, chèn ép, cướp đoạt mang về để hưởng thụ. Hành vi đó gọi là gieo NHÂN XẤU hay Tạo NGHIỆP. Chính vì vậy mà khi cái Thân Giả Tạm hết Nghiệp mà trả về Tứ Đại thì CÁI BIẾT phải nhận lấy một cái Thân khác để tiếp tục TRẢ cái QUẢ trước đó đã làm. Do vậy mà có LUÂN HỒI.

Cũng do NGHIỆP đã gây tạo không ai giống ai mà không phải ai đã làm NGƯỜI rồi thì những kiếp tới sẽ lại tiếp tục được làm Người. Có thể cũng mang thân Người, nhưng mang tính cách tương ưng của MỘT trong những dòng Pháp trước kia đã huân tập.

Theo Đức Thích Ca, trong vũ trụ có đến SÁU DÒNG PHÁP, gọi là Lục Đạo. Mỗi dòng Pháp tương ưng với những đức tính Thiện hay Ác, nhiều hay ít : Đó là ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SINH, NHÂN, THIÊN và A Tu La.

- Cũng có thể là mang Thân người, nhưng kiếp sống luôn bị đày đọa, bức bách, đau Khổ, muốn thoát ra không được, thì gọi đó là Nhân Địa Ngục.

- Lúc nào cũng đói khổ, thiếu thốn, hoặc mang chứng bệnh khó nuốt, ăn không được nên phải đói, gọi là Nhân Ngạ Quỷ.

- Lúc nào cũng khởi lên những ý muốn thỏa mãn dục vọng thấp hèn, đen tối, suy nghĩ thấp hơn con người bình thường, nên gọi là Nhân Súc Sinh.

- Biết kính trên, nhường dưới, hiền hòa, đạo đức, yêu thương giúp đỡ người khác. Đó là Nhân Nhân.

- Được hưởng phước báo, đầy đủ, cuộc sống an nhàn, thanh cao, hướng thượng nên gọi là NHÂN THIÊN.

- Cũng có nhiều phước báo, được hưởng giàu sang, thanh nhàn, nhưng ham hơn thua, tranh đấu, là Nhân A Tu La.

Một người cả kiếp sống, huân tập suy nghĩ, hành vi của mình theo đường nào, thì khi cái Thân chết đi, Ý Thức quen với đường đó, sẽ tái sinh vào đường đó. Nếu lỡ rơi vào BA ĐƯỜNG DƯỚI thì rất khó quay lại làm người . Do đó mà Đạo Phật ra đời để cảnh tỉnh, giáo hóa cho con người, khuyên con người ngưng tạo Ác Nghiệp để kiếp hiện tại và những kiếp về sau không phải KHỔ nữa, được GIẢI THOÁT. Do vậy mà Đạo Phật đưa ra LỤC ĐỘ để “Độ” LỤC ĐẠO, gồm : BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC, TINH TẤN, THIỀN ĐỊNH và TRÍ HUỆ.

Trong cuộc sống ai mà không phải KHỔ. Vì vậy, Con đường Tu Phật là để phổ cập cho tất cả mọi người, không phân biệt trong Chùa hay ngoài Chùa, nơi chốn, như Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Cõi nước chỗ nào nếu có người Thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao . Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Biết Bàn”.

Theo lời Kinh thì việc tu hành đâu có phân biệt nơi chốn ? Chỉ cần “Thọ trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép rồi ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH, thì chỗ đó chính là Đạo Tràng, các Đức Phật ở đây mà đắc Vô Thượng Chánh Giác, Chuyển Pháp Luân và nhập Niết Bàn”. “Chỗ đó” chính là “Đúng như lời tu hành” sau khi thọ trì, đọc tụng giải nói biên chép, tìm ra ý nghĩa vậy.

Nhưng muốn Tu Phật thì phải làm như thế nào ?

Tu Phật là để được Giải Thoát. Muốn Giải Thoát thì phải biết cái gì đã ràng buộc ? Ràng buộc ở đâu ? Tất cả đều tập trung trên cái THÂN con người, nên Phật dạy phải Quán sát ở đó, vì “GÚT ở đâu thì tháo gỡ ở đó”. Có HAI thứ tác động vào cái Thân, làm cho cuộc sống nhiều phiền não : Đó là PHÁP và TÂM. “Mắt nhìn nên TÂM sinh”, rồi ra lệnh cho Thân hành động. Vì thế. Nếu MẮT THẤY mà TÂM không SINH thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng tu Phật không phải bịt Mắt để không nhìn, không Thấy, mà nên phải đi tìm CÁI TÂM. Là chủ nhân để CHUYỂN HÓA nó, để vẫn NHÌN, vẫn THẤY mà NHƯ KHÔNG THẤY, gọi là NHƯ THỊ. Vì thế Tu Phật là phải TU TÂM.

Nhưng TÂM là gì ? TU TÂM là làm những gì ?

Như đã trình bày ở phần trên, CÁI THẦN THỨC cũng gọi là BỔN THỂ TÂM hay CÁI TÂM cũng chính là một. Nó vô tướng nhưng rất linh hoạt. Ứng vào đâu thì ở đó có cái BIẾT gọi là cảm xúc. Ứng vào Thân thì Biết Sống, biết suy nghĩ, hoạt động. Vào Tai thì Nghe. Vào Mắt thì Thấy, Vào Mũi thì phân biệt Mùi. Vào Lưỡi thì phân biệt Vị. Nhưng nếu chỉ Phân Biệt mà không Khởi, thì không sao. Nó lại phân biệt rồi khởi ra Yêu, Ghét, Tham Sân, Si, rồi theo đó mà đưa ra hành động. Yêu thích thì muốn gom về cho thật nhiều để hưởng dụng, đôi khi bất chấp hậu quả. Ghét thì muốn xua đuổi, muốn xóa sổ cho khuất mắt. Sân Si khi bị xúc phạm, do đó mà làm rối loạn cuộc sống của bản thân và của những người chung quanh.

Đạo Phật cho rằng : GIẢI THOÁT HAY RÀNG BUỘC CŨNG CHỈ Ở CÁI TÂM. Chính vì dính mắc với Cái THÂN nên Cái TÂM mới có những phản ứng để bảo vệ hay nuông chìu nó mà gây Nghiệp. Vì thế, TU PHẬT là chỉnh sửa, tháo gỡ những vướng mắc cho CÁI TÂM, để cho nó được GIẢI THOÁT.

Nhưng CÁI TÂM vướng mắc những gì mà phải Giải Thoát ? Liên quan gì đến Con Đường Tu Phật ?

Khi còn MÊ, thì tất cả suy nghĩ, hành động của mỗi chúng ta đều do CÁI TÂM MÊ điều khiển. Nó cho cái THÂN là TA, rồi ở trong đó mà THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT gây ra bao nhiêu đau khổ cho bản thân và người chung quanh. Nếu không vì cái THÂN GIẢ TẠM này thì đâu phải đi tranh giành, lừa đảo,chèn ép người khác để chiếm đoạt những thứ yêu thích để cung phụng cho nó. Vì thế, tu theo Đạo Phật là phải Tìm cho được Cái Tâm để chuyển hóa nó. Bắt nó “Phản vọng Quy Chân”, Chuyển Vọng Tâm thành Chân Tâm. Chuyển MÊ thành NGỘ để ngưng không tạo Nghiệp nữa, mà không Tạo Nghiệp thì không còn Luân Hồi. Muốn ngưng tạo Nghiệp thì phải làm công việc ĐỘ SINH.

Nhưng CHÚNG SINH là gi ? ĐỘ như thế nào ?

Chúng Sinh là những suy nghĩ, tính toán, xuất phát từ bộ óc. Từng sát na, trong đầu chúng ta sinh khởi bao nhiêu là Tư Tưởng. Trong đó có tốt, có xấu, gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Những tư tưởng trong sạch, tốt đẹp được gọi là THÁNH. Những tư tưởng đen tối, âm mưu, thủ đoạn, hại vật, hại người, gọi là PHÀM TÂM hay CHÚNG SINH.

Trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH Lục Tổ giải thích về CHÚNG SINH, như sau : “Chư Thiện Tri Thức, Chúng Sanh trong Tâm mình tức là : Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà Độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”.

Nhưng con người không thể sống mà thiếu sự suy nghĩ, hiểu biết, nên người tu Phật chỉ chuyển những tư tưởng xấu cho nó trở thành thanh tịnh, gọi là “ĐỘ SINH” hay “Cứu Độ Chúng Sinh”. Người tu không DIỆT CÁI TÂM, gọi là DIỆT TẬN ĐỊNH, như nhiều người đã hiểu lầm rồi diệt hết tư tưởng để trở thành một người ngơ ngáo không phân biệt tốt xấu, đúng, sai.

TU PHẬT là TU TÂM vậy vai trò của PHẬT, BỒ TÁT để làm gì ?

CHÚNG SINH, BỒ TÁT, PHẬT, PHẬT QUỐC là những danh xưng để tả những tình trạng trong NỘI TÂM của con người. Chúng Sinh là những tuởng còn mang tính chất xấu xa, độc ác, âm mưu, thủ đoạn. Bồ Tát không phải là những vị theo hầu Phật như trong phim Tây Du Ký, mà là công việc giáo hóa Chúng Sinh. Người làm công việc giáo hóa Chúng Sanh gọi là làm HẠNH BỒ TÁT. Một tư tưởng được cải hóa thì gọi là “Cứu Độ được một Chúng Sinh” hay là “Đưa được một Chúng Sinh Thành Phật” . Khi trong Tâm không còn những ý tưởng xấu, tất cả chúng sinh đã “Được Độ” trở thành thanh tịnh thì gọi là Thành Tựu Nước Phật”. Do đó, người tu muốn thành lập Nước Phật thì phải quay vào Tâm mình mà thành lập Phật Quốc ở đó. Kinh Duy Ma Cật dạy : Này Bảo Tích. “Tất cả Chúng Sanh là cõi Phật của Bồ Tát. Vì sao ? Bồ Tát tùy chỗ giáo hóa Chúng Sanh mà lãnh lấy Cõi Phật”. Bảo Tích này ! “Bồ Tát nếu muốn được Cõi Phật thanh tịnh nên phải làm cho Tâm thanh tịnh; Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh” .

Nhưng làm sao biết được có cái TA THẬT và CÁI TA này trường tồn, không chết theo Cái Thân ?

Thời xưa thì đó là một bí mật ghê gớm. Người tu phải Giữ Giới, Quán Sát, Tư Duy, vận dụng trí óc, tìm tòi khó khăn lắm mới THẤY được nó, gọi là THẤY ĐƯỢC BỔN THỂ TÂM hay là THẤY TÁNH, nên mỗi đời hãn hữu có được một vị Chứng được. Nhưng từ bắt đầu thể kỷ 20 thì qua những vụ Luân Hồi. Những đứa trẻ đầu thai trở về còn nhớ tiền kiếp. Những người “Cận lâm sàng” quay trở lại cuộc sống, do chính nhiều Bác Sĩ trực tiếp chứng kiến, sau đó nghiên cứu tiếp trên rất trường hợp khác, được phổ biến trên báo chí, đã dần hé lộ là thật sự có CÁI TA THƯỜNG HẰNG. Không phải là sản phẩm tưởng tượng của Đức Thích Ca.

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết. Có những bệnh nhân đã xuất ra khỏi thân xác, Bác sĩ kiểm tra, tim, mạch, hơi thở, kết luận là đã chết. Có khi chỉ một vài mươi phút hay vài giờ. Có trường hợp khá đặc biệt ở nước ta, Bà Trần Thị Sương ở Tây Ninh, xuất ra khỏi cái xác từ 8 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, lúc gia đình chuẩn bị khâm liệm thì bà mới sống lại. Bà đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, viết cả một quyển sách nói về thời gian sống ở bên ngoài Cái Thân, do CAODAI.INFO phổ biến, cho chúng ta thấy những điều Đức Thích Ca nói về CÁI TA THƯỜNG HẰNG, KHÔNG SINH, KHÔNG TỬ là có thật. Các nhân chứng đều kể giống nhau : Họ thấy bay xuyên qua một đường hầm, cuối đường hầm là ánh sáng. Họ nhìn lại và bối rối khi thấy cái xác mình đang nằm trên giường. Lúc đó họ không còn xử dụng Ngũ Căn nữa, nhưng vẫn nghe, thấy tất cả những sự việc diễn ra chung quanh. Họ không di chuyển bằng cái Thân, chỉ cần nghĩ đến đâu là lập tức đến đó. Khi quay trở lại với cuộc sống, tất cả đều tả giống như nhau, và đều trải nghiệm về CÁI TA THỨ HAI, Vô tướng mà linh hoạt. Thấy, Biết hết mà không cần Lục Căn. Họ đã được ân sủng cho một cuộc trải nghiệm làm họ càng vững tin vào SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT hơn. Theo họ, sau khi từ cõi chết trở về, họ thấy kiếp sống thật là đáng quý, nên tất cả đều sống tốt đẹp hơn. Tương tự như vậy, trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ Đạt Ma thì nói về người nằm mơ. Người đang nằm ngủ, nhưng cái Thức rong chơi vào cõi mơ. Trong mơ, nó cũng gặp gỡ, tiếp xúc với đủ thứ người mà không có sự tham gia của Lục Căn. Tỉnh dậy nó vẫn còn nhớ hết. Chứng tỏ nó có thể tách ra khỏi cái Thân để hoạt động độc lập.

Nhưng THẤY TÁNH hay cái TA THẬT để làm gì ?

Để đừng vì mê đắm cái TA GIẢ mà Tạo Nghiệp. Vì có Nghiệp mới có Luân Hồi.

Luân Hồi chỉ là để “thi hành án” do NHÂN QUẢ thể hiện. Do đó, không có nghĩa là kiếp này chúng ta được làm con người, được giàu sang phú quý thì kiếp sau chúng ta sẽ lại tiếp tục, mà cuộc sống sẽ bị thay đổi tùy theo những việc chúng ta làm trong kiếp này. Làm Lành sẽ có Quả Thiện, Làm Ác thì có Quả Ác. Do đó, TU PHẬT là học biết về Các Pháp, về Nhân Quả để CẢI ÁC, HÀNH THIỆN để kiếp hiện tại thì được an vui, hạnh phúc, kiếp sau nếu có, cũng không bị đọa vào đường ác mà thôi.

GIÁO PHÁP CỦA ĐẠO PHẬT.

Tất nhiên không phải một sớm một chiều mà có thể giải thích cho mọi người hiểu. Do đó, Đức Thích Ca vì thương con người nên đã phải dùng nhiều lý lẽ, cách này cách khác để dẫn dụ, gọi là PHƯƠNG TIỆN. Một mặt bắt Giữ Giới, Quán Sát, Tư Duy, một mặt đưa ra Địa Ngục, Niết Bàn. Khi thì nói Đông Phương, Tây Phương làm cho con người hoặc Sợ bị đọa hay ham muốn được đến Tây Phương Cực Lạc mà ngưng không tạo Nghiệp nữa.

Giáo Pháp cũng tùy giai đoạn, tùy căn cơ mà thuyết. Nhưng đa phần mọi người chỉ chú tâm vào Giáo Pháp buổi đầu, cho rằng “Trần gian là Bể Khổ”. “Cái Thân là ổ nhóm chứa tội lỗi”, nên chê đời, chán thế gian, tìm cách để Ly Trần và hạn chế cái Thân bằng một số Giới gọi là “Điều phục con Rắn Tâm, cho nó vào Đạo quả”.

Sau thời gian người tu được học : GIỚI ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU. Tất cả nhằm thu phục Cái Tâm. Khi CÁI TÂM đã được thuần hóa rồi, như con trâu đã được thu phục trong Thập Mục Ngưu Đồ, không còn đi phá lúa mạ nữa, thì hành giả thấy mình đã được thanh tịnh, an lạc, nên càng không thiết tha, không ngó ngàng, quan tâm đến cuộc đời nữa ! Ngày ngày chỉ tụng Kinh, Niệm Phật, chờ về NIẾT BÀN, làm cho người đời đánh giá rằng Đạo Phật là Đạo yếm thế, chán đời. Xui con người ích kỷ, tách ra, sống bên lề cuộc đời, mặc cho thế sự điên đảo, miễn riêng họ được thanh tịnh, an ổn mà thôi ! Tất cả quên rằng Đạo Phật còn dạy người tu xong, ngoài sứ mạng “Mồi ngọn Vô Tận Đăng” còn phải đền TỨ ÂN. Đó là điều quan trọng nhất trong Đạo Phật mà hầu hết những người tu Phật từ xưa đến nay đã bỏ quên không thực hiện.

Có nhớ lời dặn dò phải ĐỀN TỨ ÂN chúng ta mới biết là Đạo Phật không hề xui con người khinh chê cuộc đời. Trái lại, chính vì yêu thương cuộc đời mà Đức Thích Ca mở ra Đạo Phật, nhằm đào tạo, giáo hóa con người để xây dựng cuộc đời, vì đó là nơi cho con người nương thân cả kiếp sống, dù nói rằng ngắn ngủi, nhưng cũng cả trăm năm chớ đâu có ít ! Sở dĩ buổi đầu Đạo Phật phải chê trần gian là Bể Khổ, khuyên con người nên xa lánh, là vì con người quá mê đắm trần gian rồi tự làm Khổ bản thân và những người chung quanh, nên Phật phải phương tiện mà nói như thế. Thật ra trần gian không hề làm khổ cho con người, vì nếu thật sự trần gian làm Khổ con người, sao Phật không dạy Sửa Trần Gian mà dạy mỗi người phải tự SỬA CÁI TÂM CỦA CHÍNH MÌNH ?

Đúng như thế. Trần gian muôn đời vẫn thế. Vẫn che chở, bảo dưỡng cho con người với phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp. Mưa nắng hai mùa. Cây lành cho trái ngọt quanh năm. Cỏ cây xanh mướt. Hoa đẹp bốn mùa khoe sắc. Sông dài mang phù sa, nước tưới cho vườn tược. Rừng xanh giữ nước cho đất tươi tốt. Biển rộng cho tàu thuyền các nước chuyên chở, lưu thông hàng hóa với nhau thì có lỗi gì ? Lỗi chăng là do chính con người có quá nhiều dục vọng, ham quyền uy, ham tranh giành, chiếm đoạt, rồi người có quyền cao thì muốn hưởng thụ nhiều, muốn mở rộng bờ cõi, muốn có nhiều tài nguyên nên phải giành dân, lấn đất ! Nước lớn mang binh hùng, tướng mạnh, bom đạn, tiêu diệt nước yếu để lấn chiếm, gây ra bao nhiêu cảnh đau thương, tang tóc trên bao nhiêu gia đình, làm cho con mất cha, vợ mất chồng ! Nhiều người trẻ chưa kịp hưởng cuộc sống đã phải tức tưởi ra đi ! Người có thế lực thì ỷ thế, cậy quyền chiếm đoạt của cải, tài sản của người yếu thế. Kẻ hèn yếu, bất tài thì cướp, trộm !. Thấy vợ người khác đẹp thì muốn chiếm đoạt.. Chính những tâm địa độc ác, xấu xa đó của con người đã làm cho trần gian điên đảo, khốn khổ. Chính vì vậy mà con người cần phải chỉnh Sửa CÁI TÂM, cho nó bỏ đi cái Nghĩ Ác, Làm Ác. Vì thế, người Tu theo Đạo Phật phải giữ NGũ GIỚI gồm : SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU, bởi đó là 5 món làm hại cuộc sống của con người.

Phải chăng nếu không Tham, Sân, Si, ganh ghét, tranh giành, con người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn cho đến hết kiếp ? Mỗi gia đình, trong đó có vợ, chồng, con cái, cùng yêu thương, chia xẻ với nhau những vui buồn của cuộc sống, thì trần gian nào khác Niết Bàn với cảnh đẹp, người xinh ? Do đó, vì thương con người mà Đạo Phật phải vận dụng nhiều phương tiện để nhắc nhở, vì : Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, thậm chí Thánh, Thần, Tiên, Phật, Như Lai.. cũng chỉ từ CÁI TÂM con người mà ra. Làm Ác thì thành Quỷ. Làm Thiện thì thành Thần, Tiên, Thánh. Muốn thay đổi thì phải SỬA hay là TU ở đó. Khi cái Tâm đã thanh tịnh rồi thì nó không còn sai Cái Thân Tạo Nghiệp nữa, vì chủ đã khuất phục thì tay sai cũng quy hàng theo. Lúc đó Lục Căn sẽ trở thành thanh tịnh. Trần gian đầy phiền não sẽ biến thành Ao Sen nở hoa thanh khiết.

THẾ NÀO LÀ DI LẶC HẠ SANH ?

Nhưng không phải chỉ chuyển hóa cái TÂM không còn nghĩ Ác, làm Ác nữa, Thân, Tâm được thanh tịnh, an lạc là xong, người tu có quyền hoàn toàn nghỉ ngơi, không cần phải làm gì nữa. Trái lại, sau khi thanh lọc Cái Tâm rồi thì họ đã trở thành con người mới với nhiệt tâm, nhiệt tình, sẵn sàng xông pha vào cuộc đời để giúp đời một cách tốt đẹp hơn với sự hỗ trợ đắc lực của Cái THÂN, vì CÁI TÂM, tuy linh hoạt, nhưng thiếu CÁI THÂN làm dụng cụ thì chẳng làm được gì. Do đó, trong giai đoạn tu hành, người tu Phật cũng không được vùi dập hay hành hạ CÁI THÂN. Vì khi chưa Tu, Cái THÂN là tội đồ, vì chuyên Tạo Nghiệp. LỤC CĂN, là Lục Tặc, vì chuyên mang ngoại pháp về làm cho phiền não. Sau khi chuyển hóa Cái Tâm thì LỤC CĂN trở thành Lục Hộ Pháp hỗ trợ cho người tu, Cái THÂN trở thành ân nhân để giúp thực hiện những điều tốt đẹp cho bản thân, cho cuộc đời. Cuối cùng người thành công là người chuyển một Nội Tâm đầy Phiền Não trở thành thanh tịnh, An Lạc, được cho là DI LẶC xuất hiện. Không phải là có một Đức Phật Di Lặc từ trời cao hay ở thế giới khác đản sanh để cứu đời như bao nhiêu thời qua nhiều người đã ngó ra mà mong ngóng !

Cũng giống như một khu vườn, trước kia đầy gai góc, sỏi đá. Người chủ vườn sau khi chặt, đốt, hết những gai góc, dọn sạch sỏi đá rồi, thì không lẽ bỏ đó ? Trái lại, ông ta sẽ lên kế hoạch. Dựng lên một ngôi nhà theo ý. Thiết kế tiểu cảnh. Trồng hoa, kiểng, cây trái, để ngày ngày ngắm hoa, hái trái mà hưởng cuộc sống an nhàn, thảnh thơi cho đến cuối đời, vì khu vườn giờ đây không còn gai góc, sỏi đá nữa mà đầy hoa đẹp, nhìn đâu cũng thích mắt. Người tu cũng thế. Sau khi biến Cái Tâm đầy phiền não thành Niết Bàn an vui, thì cõi trần gian cũng trở nên thanh tịnh và cũng ở đó cho đến hết kiếp, đâu có bay về cõi nào ? Vì thế họ có bổn phận phải tiếp tay với moi người để xây dựng cho xã hội thêm tốt đẹp. Đó mới chính là mục đích của Đạo Phật.

TU CÓ TƯỚNG và TU VÔ TƯỚNG

Có người chê rằng ĐẠI THỪA đổ thừa tu Vô Tướng để mặc tình Phá Giới, buông lung. Đó là họ hiểu lầm về ĐẠI THỪA. Dù Tu Có Tướng hay Vô Tướng, nhưng người muốn đạt kết quả thì phải đầy đủ VĂN TƯ TU, GIỚI ĐỊNH HUỂ, BÁT CHÁNH ĐẠO. Không ai thiếu những yếu tố đó mà có thể thành công. Thế nhưng, người Tu Vô Tướng thì chỉ cần quay vô Tâm của mình để Tu sửa ở đó. Tự tu, tự sửa. tự làm ăn, tự độ, để tu hành. Không phiền đến ai. Không bắt ai phải cung dưỡng cho mình và cũng không cần phải phô bày bằng hình tướng để mọi người biết rằng mình đang tu hành. Vì thật ra hình tướng chỉ nhằm cho người ngoài đánh giá mà thôi ! Quan trọng là việc tu sửa nơi Tâm của hành giả. Dù vậy, tu kiểu nào là tùy cái nguyện hay mong muốn của người Phát Tâm. Miễn sao họ không nói một đường, hành một nẻo để dối thế, gạt đời ! Lục Tổ Huệ Năng chưa kịp Thế Phát, Quy Y vẫn được Truyền Y bát đó thôi . Ngài cũng không có thì giờ để Ngồi Thiền Hữu Tướng vì bận chẻ củi, giả gạo nữa kia ! Ai nói không vô Chùa, cạo đầu, không đi theo trình tự từ Sa di lên Tỳ Kheo thì không thể Trừ được Phiền Não ? Cách nào thì tùy hành giả, miễn là Trừ được Tham, Sân Si, Thương, Ghét là Tu rồi. Hình tướng đầy đủ mà cái Tâm không thay đổi thì có ích gì ?

Tu Phật chỉ là để được Thoát Khổ. Thành Phật chỉ là được Giải Thoát, không còn bị Các Pháp vùi dập nữa, không phải là thành một Ông Phật theo kiểu Thần Linh. Kinh VIÊN GIÁC CÓ KỆ :

“NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT.

CÙNG VỜI THAM, SÂN, SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”.

Cũng do những Pháp Sư thời trước, bản thân chưa học hết Đạo Phật, chưa Thấy Tánh mà đã ra thuyết giảng, khi đọc Kinh thấy viết : “Bồ Tát bay lướt mười phương để cứu độ Chúng Sinh” , nên cho rằng Phật, Bồ Tát là Thần Linh. Vì thế, họ đã biến Đạo Phật thành Thần Quyền. Hướng người Tin Phật thành Mê Tín, tin vào sự phù hộ độ trì của Chư Phật, Chư Bồ Tát, rồi vận động bá tánh xây dựng nhưng ngôi Chùa thật to, dựng tượng thật lớn, cho đó là “phụng sự Đạo Phật, Hoằng Dương Chánh Pháp”! Họ đã vẽ vời, bắt Tu Sĩ phải giữ đến 250 Giới. Dùng Giới để trói buộc người tu. Buộc họ phải bỏ luôn cả những kiến thức, nghề nghiệp đã được đào tạo trước kia. Không được dính dáng tới cuộc đời, làm cho cuộc sống của nhiều người từ khi tu theo Đạo Phật trở thành những cái Xác chưa chôn. Sống chỉ để chờ chết, làm phí phạm cả một kiếp người !

Phải chăng binh sĩ rèn luyện nơi thao trường là để chiến đấu ? Người thợ Học Nghề là để áp dụng ? ĐI TU là tạm xa rời thế gian để học chỉnh sửa Cái TÂM MÊ LẦM trở lại với cái TÂM THANH TỊNH rồi sau đó trở lại đời, ứng dụng theo Nhân Quả để tiếp tay cùng với mọi người xây dựng cuộc đời một cách tốt đẹp nhất để Trả Ân Xã hội, Ân cuộc đời ?

Chúng ta nghĩ sao khi thấy một võ sĩ ra sức luyện tập ngày đêm để rồi chỉ ngồi khoanh tay chờ tử thần đến rước ? Kiếm Sĩ mài gươm dưới trăng, cất công luyện tập ngày đêm rồi cho kiếm vào vỏ, treo lên để rĩ sét ? Tu sĩ Quán, Soi Các Pháp miệt mài để rồi Sợ pháp, phải vô Chùa nay lên non cao động vắng để Tránh Pháp ?

Phàm phu không tu hành kia mà chỉ vì thương con người Bệnh Khổ đã miệt mài bỏ công sức để tìm những phương thuốc mới để cứu đời, mà ta là người tu hành, nói rằng Từ, Bi, Hỉ, Xả lại bỏ mặc người đời chịu những căn bệnh hành hạ đau đớn trong khi ta có tay nghề, có khả năng cứu chữa cho họ ? Vậy lòng Từ, Lòng Bi của người tu Phật để áp dụng vào đâu ? Trong khi xã hội bị băng hoại bởi những Kiến Trúc Sư, Kỹ Sư , xây nhà, làm đường, thiếu chất lượng. Những Quan Tòa bán rẻ lương tâm, đàn áp người vô tội, bênh vực tội phạm. Những quan chức tham ô, làm đất nước ngày một nghèo cùng, dân tình đau khổ. Nhiều người bế tắc không biết cách kiếm đủ tiền để lo cho gia đình, mà ta khả năng cao, kinh tể giỏi, lại điềm nhiên ngồi đó gỏ mõ tụng Kinh được sao ?

Rất nhiều người trước khi đi tu là là Bác Sĩ, Kỹ sư, Kiến Trúc Sư, Luật Sư, Kỹ thuật viên có tay nghề cao, rất cần để phát triển đất nước. Vì quá mến mộ Đạo Phật nên Xuất Gia tu hành, rồi vì bắt buộc nghiêm trì theo Giới Luật nên họ phải bỏ tất cả những nghề nghiệp, kiến thức đã học, thật quá phí phạm ! Do đó, những kẻ dùng GIỚI Luật để ngăn cản người tu không được làm việc để đóng góp cho cuộc đời là tội ác, không chỉ với Đạo Phật mà còn với cả cuộc đời ! Đó chính là những người mà Kinh viết là : ”Những con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt Sư Tử”, bởi họ không chỉ làm cho nhiều người hiểu lầm là Đao Phật là yếm thế, chê chán cuộc đời mà còn biến người tu Phật thành những thành phần vô dụng, sống bên lề cuộc đời ! Không chỉ triệt tiêu, khóa chân tay một lực lượng không nhỏ có tri thức, có khả năng, có thể đóng góp, xây dựng cho cuộc đời, mà còn bắt người đời - Những người đang vất vả mưu sinh để lo cho gia đình - phải cung cấp thực phẩm, phương tiện cho họ sống để Tu, gọi là Cung Dưỡng, làm cho người đời mỉa mai rằng “Đạo Phật đào tạo những con người lười nhác. Cũng tay chân như mọi người mà không chịu tự làm để ăn, chỉ đi Khất Thực, dựa vô người khác để mà sống !” . Oan cho Đạo Phật biết mấy ! Bởi đó đâu có phải là đường lối của Đạo Phật ? Nếu Phật muốn Tu Sĩ nhàn hạ, ngày tháng chỉ tụng Kinh, Niệm Phật, thì còn dạy NHÂN QUẢ, dạy phải ĐỀN TỨ ÂN làm chi ? Thậm chí người tu Phật còn phải hoàn thành 32 Tướng Tốt của Phật, mà Mỗi Tướng là kết quả của việc Giữ Giới, cư xử với Ông bà, cha mẹ, Thầy, Bạn và mọi người chung quanh. Đâu có kêu ngồi không chờ hưởng lộc của bá tánh ?

Chính vì Phật không cho phép Chư Đệ Tử ích kỷ, hưởng phúc an vui một mình, nên dặn dò người tu xong phải ĐỀN TỨ ÂN. Mà ĐỀN cách nào nếu không phải là phụng dưỡng Ông bà cha mẹ khi tuổi già, sức yếu và đem khả năng để đóng góp, xây dựng xã hội, xây dựng cuộc đời ? Nhiều người bỏ cha mẹ già cô độc, quạnh quẽ, “Xuất gia đầu Phật” , cho là để báo hiếu cho cha mẹ ! Họ quên rằng Phật không phải là Thần Linh, không thể phù hộ cho người thân của ta để trả hiếu giùm cho ta. Hơn nữa, nếu ta chỉ ở Chùa để trả Ân Phật, thì còn Ân Cha mẹ, Ân Đất Nước, Ân Chúng Sinh tính sao ? Như vậy nếu ta không thực hiện đúng lời Phật dạy thì liệu có xứng đáng làm Đệ Tử Phật ? Xem ra người đời phê phán không sai. Cha mẹ sinh ra, cực khổ nuôi cho khôn lớn sao không Báo Hiếu lại chỉ lo báo Ân Phật ? Phật cũng đã nhập diệt từ mấy ngàn năm, đâu còn hiện diện cho ta Báo Ân ?

THIỀN hay THUYỀN BÁT NHÃ là để Qua Sông MÊ. Qua sông rồi, hết MÊ rồi thì phải Bỏ Thuyền, lên bờ, kiếm việc mà làm ăn, sinh sống để lo cho bản thân và giúp đời. Chẳng lẽ cả đời cứ ở trên Thuyền chèo tới chèo lui mãi trên sông tới chết ?

ĐỊNH cũng thế. Khi có sức Định rồi thì đâu còn sợ các Pháp vùi dập nữa thì cần gì phải trốn pháp, né pháp ? Do đó, những người nhân danh tu hành rồi tách ra khỏi cuộc đời, gói mình trong trang phục Tu Sĩ, ngày tháng ngồi tụng kinh, Niệm Phật không phải là những người thực hành đúng lời Phật dạy. Phật Ngôn có câu : “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không thực hành theo lời ta chỉ dạy. Kẻ đó đang phí báng nặng nề ta” ! Ta cũng nên xem mình có rơi vào trưởng hợp bị cảnh báo này không ?.

Đạo Phật là Đạo Nhân Quả. Người tu là người biết Gieo Nhân Thiện để gặt Quả Lành. Vì vậy, ai cấm người tu Phật sắm nhà đẹp, xe sang, dùng những phương tiện hiện đại, nếu những thứ đó là thành quả của những việc lương thiện do chính bản thân họ kiếm ra ? Ai cấm họ tích cực kiếm thật nhiều tiền, để dư ra thì có thể giúp cho những hoàn cảnh khó khăn đang cần ?

Khi người tu khi đã có Trí Huệ, đã ý thức Nhân Quả rồi thì hoàn toàn tự do quyết định mọi việc theo ý mình, miễn không vi phạm đạo đức. Trường hợp Mạt Lợi Phu nhân trong VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN, Phá Giới mà còn được khen, là vì nhờ việc làm đó mà cứu được vị quan trù giám khỏi bị Vua giết trong cơn nóng giận ! Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy : “Lòng bình đẳng đâu cần giữ Giới”, bởi Giới thật ra chỉ là “Những gì mình không muốn người khác làm với mình thì cũng đừng làm với người” mà thôi, không có gì lớn lao đến nỗi ăn cơm đụng đũa cũng phạm Giới !

Cho nên, theo tôi, thời đại này rồi, chúng ta phải sáng suốt, không nên máy móc cứ đổ thừa : “Xưa bày, nay làm” ! Mỗi thời mỗi cách thể hiện sao cho đúng Chánh Pháp mà cũng không rời giềng mối Đạo. Thí dụ Hạnh KHẤT THỰC chỉ đúng và cần cho buổi đầu thành lập Tăng Đoàn, nhằm mục đích cho Chư Tăng tập trung toàn bộ thì giờ để nghe Phật thuyết và ghi nhận, tương lai đi giảng lại. Thời này sách vỡ, tài liệu khắp nơi, cần gì tập trung, học thuộc lòng, thì cả ngày Chư Tăng làm gì mà không thể tự kiếm thực phẩm để nuôi thân, phải chờ bá tánh cung dưỡng, rồi tích cực kêu gọi Cúng Dường, tạo điều kiện cho một số Trụ Trì “Mượn Đạo, tạo Đời”, dùng tiền cúng dường để sắm nhà, mua đất, mua xe, làm dư luận dậy sóng thời gian gần đây ? Cũng có người đặt câu hỏi : “Nếu nhiều người đi tu, không làm ăn gì cả thì xã hội sẽ ra sao ? Ai sẽ làm ra cơm gạo để cung cấp cho họ ? “ Phát biểu này đâu có sai ? Bởi Đạo Phật muốn “ Độ” tất cả chúng sinh thì phải làm cách nào mà không làm gây xáo trộn và làm gánh nặng cho xã hội. Đó mới là giải pháp hoàn hảo, thuận Đạo mà cũng hợp Đời để người đời không thể chê trách.

Chúng ta đều biết, mục đích của việc ăn uống chỉ là nạp năng lượng để nuôi thân phàm cho nó được tồn tại. Sở dĩ ngày xưa Phật bày ra Hạnh Khất Thực là có hai lý do. Trước hết để Chư Đệ Tử dành hết thì giờ lo tu học. Sau đó là để trừ cái sở thích ăn ngon để phục vụ cho cái Khẩu !

Khi đã hiểu được dụng ý của Hạnh KHẤT THỰC, thì việc đi xin ăn với tự cung cấp có khác gì nhau mà còn tránh tiếng xấu cho Đạo. Thật vậy. Khi người đời đã phê phán hợp lý thì ta phải xem xét lại, tránh làm họ mất niềm tin thì bất lợi cho họ. Hơn nữa, người tu hành “Ăn ít, biết đủ” đâu có quá khó khăn để kiếm đủ dùng ? Mình tự lao động để có cái ăn mà cũng Phạm Giới sao ? Có quá đáng lắm không ? Quan trọng là KHẤT PHÁP THỰC để nuôi Pháp Thân để hoàn tất con đường tu hành, không phải là KHẤT VẬT THỰC để nuôi cái Thân Phàm !

Hiện tại, riêng Việt Nam ta cũng đã có gần 60.000 Tu Sĩ chính thức với gần 20.000 Ngôi Chùa. Trong đó hầu hết các Sư Tăng đang tuổi trẻ, sức khỏe dồi dào, mà Phật Tử trong nước vừa phải nuôi gia đình, vừa phải chu cấp cho họ, từ cơm gạo, thực phẩm, tất cả những thứ tiêu dùng, kể cả điện nước ! Trong khi Phật dạy : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” thì Chùa về sau này ngày càng bành trướng chiếm hàng mẫu đất chỉ để cho Tượng Xi Măng, tượng Gỗ ngự ! Hàng tháng chi phí cho Chùa, cơm nước cho Tăng Ni là một con số không hề nhỏ ! Rồi thì Chùa nào cũng có hàng trăm bóng điện sáng choang, hào quang chớp tắt ngày đêm không dừng ! Phật có cần những thứ đó không ? Trong khi đó, việc tu hành dù nói cho lớn lao, nhưng chỉ là Tu Sửa Cái Tâm, cho nó Cải Tà Quy Chánh, Cải Ác hành Thiện mà thôi ! Chưa kể trong số những người Xuất Gia đông đảo đó thật sự có được bao nhiêu bậc tu hành chân chính ? Ngày xưa, khi vừa mới Kết Tập lần thứ 2 Tăng Đoàn đã phải loại đến cả mấy chục ngàn Sư giả, huống là thời này ! Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc thu nạp hàng loạt người vào Chùa tu để rồi Lượng thì nhiều mà Chất không được bao nhiêu ! Mấy chục ngàn Tu Sĩ mà được mấy vị có khả năng thuyết pháp Độ đời, trong khi đó thì đời phải “Độ” cho họ ! Đó chẳng phải là tội lạm dụng của Thường Trụ và làm gánh nặng cho thí chủ hay sao ?

Hình Tướng cũng chỉ để người ngoài nhìn vào đánh giá mà thôi. Trong khi Đạo Phật cần phổ cập cho tất cả mọi người thì tại sao cứ nhất định cho rằng phải khoác lên người chiếc áo Ca Sa mới được gọi là Tu Sĩ ? Ta tu cho mình mà sợ người khác đánh giá để làm gì, ngoại trừ không cầu Danh thì cũng cầu Lợi ?

Người đời cũng bảo : “Chiếc áo không làm nên thầy tu” . Như vậy, nếu ta không cần người khác đánh giá hoặc cung dưỡng, thì mặc gì ? Ở đâu ? Hình tướng ra sao mà không tu được ? Đó cũng là một sự Giải Thoát vì khỏi mang nợ của người đời mà không trả kiếp này thì kiếp khác cũng phải trả !

Cũng chính vì quy định khắt khe, buộc ai muốn Tu Phật là phải Xuất Gia, phải vô Chùa, phải đầu tròn, áo vuông, bỏ hết việc đời, làm cho nhiều người còn trách nhiệm với cha mẹ, với gia đình không dám Phát Tâm tu hành, làm mất cơ hội cho biết bao nhiêu người !Trong khi đó, từ hàng ngàn năm trước, Lục Tổ đã dạy : “Chư Thiện tri thức ! Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chằng cần ở Chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình tức là Tây Phương vậy”.

VẬY THÌ Ở NHÀ TU NHƯ THẾ NÀO ? VIỆC TU HÀNH CÓ ÍCH GÌ CHO HÀNH GIẢ, CHO CUỘC ĐỜI ?

Xin trích một đoạn trong Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM để trả lời cho thắc mắc trên :

“Anan, ta có dạy các Bồ Tát và A La Hán : Sau khi ta diệt độ rồi các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ chúng sinh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người buôn bán để lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về Chánh Đạo”.

Rõ ràng Phật đâu có dạy người tu ôm khư khư bộ Ca Sa, đóng kín cửa ở biệt lập trong khuôn viên Chùa, xa lánh thế nhân ? Trái lại, họ cần phải vào đời, tiếp tục cuộc sống bình thường, tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, làm chung một nghề nghiệp để có cơ hội thì giáo hóa chúng sinh trở về Chánh Đạo. Nhưng nhờ thực hành GIỚI, ĐINH HUỆ, VĂN TƯ TU, sống theo BÁT CHÁNH ĐẠO mà cả cuộc đời không nghĩ ác, hành ác. Luôn giữ cho Thân, Khẩu Ý được thanh tịnh, nên vào đời mà không bị vướng mắc. Không còn phiền não. Không còn hơn thua, tranh chấp, mà áp dụng Tứ Nhiếp Pháp, sống hòa đồng với mọi người. Có dịp thì mang Chánh Pháp nhắc nhở cho những ai hữu duyên để họ được lợi ích.

Người tu hành nhờ ý thức Nhân Quả nên không tạo Nghiệp, thì cuộc sống sẽ được nhẹ nhàng, an lạc, hạnh phúc. Khi làm việc hay cộng tác với ai, bất cứ lãnh vực nào, thì cũng làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình. Không gian manh, lừa đảo, đội trên, đạp dưới, phản bạn, lừa thầy. Trong gia đình họ là đứa con có Hiếu với ông bà cha mẹ, làm tròn trách nhiệm của người cha, người chồng, người vợ, người con. Ngoài xã hội là một công dân lương thiện, mang sức, tài, khả năng để đóng góp cho xã hội, để đền ân cho Xã hội, cho cuộc đời. Một người vừa tu sửa bản thân, vừa tự làm ăn để Tự Độ, không làm phiền đến ai. Cáng nhiều người tu thì xã hội càng tốt đẹp. Như thế chẳng phải đó là sự đóng góp lớn lao của Đạo Phật cho cuộc đời mà không có phương pháp giáo dục nào có thể hiệu quả hơn hay sao ? -./.

Tháng 5/2024




VVM.07.6.2024.