Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


SỰ TÍCH TRẦU CAU



             

V ua Hùng Vương thứ IV có người con trai “thứ” được phong làm quan Lang đất (Cao). Nhân thế lấy chữ Cao đứng đầu tên, để phân biệt hai người. Người anh, được giữ nguyên họ nhà vua.

Quan Lang sánh duyên cùng người con gái họ Biện, sau năm năm sum hợp, kế tiếp sanh được hai trai, đứa lớn đặt tên là Tân, nhỏ là Lang, khi lớn lên tướng mạo rất thông minh đĩnh ngộ, và lạ lùng thay, hai anh em mặt mũi giống nhau như đúc. Những người quen thuộc tới lui thăm viếng thường khi còn nhận lầm kêu lộn, gây nên nhiều chuyện tức cười.

Năm Tân với Lang được 16 – 17 tuổi, vợ chồng quan Lang thọ bệnh, theo nhau sớm khuất, anh em lo việc tống táng cha mẹ xong xuôi, hai anh em cùng đến học chữ tại nhà thầy đồ Lưu Huyền.

Họ Lưu có người con gái tên gọi Xuân Phù, niên kỷ đang độ trăng tròn, nhan sắc nàng cũng thuộc hạng thượng lưu, gấm tía. Khi hai anh em đến trọ, Xuân Phù hay ở trong nhà vén rèm mà nhìn trộm. Thấy hai chàng cũng xinh trai, thông minh đĩnh ngộ, phương phi thì đem lòng yêu mến, riêng thầm mơ ước, sẽ được cầm sắc cùng ai?

Lưu Công biết ý con, cũng ưng lòng gả, song trong hai anh em, không biết nên chọn người nào. Ông đắn đo suy nghĩ mãi mà rốt cuộc cũng không quyết định được, mới hỏi ý Xuân Phù.

Nàng thưa:

– Con xin cha gả con cho người cầm đũa trước.

Lưu Công y theo lời, bèn sai dọn cơm cho học trò ăn. Lúc hai anh em họ Cao ngồi vào mâm, ông để ý coi thấy Lang nhường đũa cho anh lấy trước, liền chờ xong bữa, gọi Tân bảo rằng:

– Thầy muốn nhận anh là rể thầy, anh nghĩ sao?

Tân hỏi ý em, rồi xin vâng thuận.

Sau khi thành hôn, Tân và Xuân Phù rất là tương đắc dọn về nhà cũ, ăn ở cùng Lang. Ba người chung lưng góp sức làm nương để nuôi nhau. Trên thuận dưới hòa đã giữ kết tình chia cơm sẻ áo.

Một hôm Xuân Phù ở nhà nấu bữa. Tân và Lang ra nương cuốc đất, trồng rau, chiều tới, không hiểu vì sao khác lệ thường. Lang lại một mình về trước. Vừa tới cửa thì thấy chị dâu ra đón, tươi cười rồi âu yếm hỏi:

– Sao chàng không đợi chú hai, lại về sớm thế? Chừng quá nhớ thiếp chăng?

Lang kinh sợ bẽn lẽn nói: Em Lang đây mà nào đâu phải anh Tân, chị nên nhìn kỹ, lần sau đừng lầm vậy nữa!

Xuân Phù xấu hổ, nín lặng quay vào, nhưng đến lúc chồng về, nàng kể lại hết đầu đuôi tự sự với Tân. Người anh khổ nỗi có tánh hay ghen, dầu không nói gì, nhưng từ độ đó, đối với em ra tuồng hờ hững. Tình máu mủ ruột rà, ngày càng lạnh nhạt, chẳng được đằm thắm như xưa.

Lang thấy vậy buồn tủi vô cùng, tự nghĩ bụng: Ta cùng chị dâu tuổi không chênh lệch là bao. Nếu cứ quyến luyến mà ở đây mãi, e rồi một mai, sự nghi kỵ khó tránh khỏi. Huống chi anh chị ta yêu thương nhau như Phụng Loan Cầm Sắc, còn ta chỉ là con chim nương tổ ở nhờ, ai đâu quan thiết nhìn ngó đến làm chi? Sao bằng ra đi đi cho sớm!

Nghĩ vậy Lang lặng lẽ bỏ nhà ra đi, nỗi buồn tủi trong lòng càng thêm ngao ngán, và kéo nặng nề bước chân vô định.

Sau vài ngày lang thang, Lang đi đến một khu rừng bị suối ngăn cách lối. Giữa lúc ngơ ngác dừng gót đứng lại, bỗng thấy một đoàn kiến, đang bò quanh một cái xác ve khô.

Lang cảm khái, ngửng lên trời mà than rằng:

– Loài côn trùng còn biết trọng tình huyết mạch, chung sống với nhau. Cớ sao ta là người mà đến đỗi anh em chia rẽ! Số phận ta dễ cũng chỉ như là cái kiếp ve kia mà thôi?!Nói đoạn, lại bưng mặt khóc mãi. Hồi lâu khản cổ, đứt hơi nằm phục xuống đất mà chết.

Người quanh đó thương hại, liền thâu liệm hài cốt và vùi nông bên đường.

Cao Tân từ khi em đi rất ăn năn hối hận, chàng buồn rầu bảo vợ:

– Anh em tôi như chân tay nào phải như cái nút áo, mà rày nay đứt mai đơm! Nay vì cớ có nàng mà em tôi phải nghi sự ti hiềm, chẳng biết sống no hay là đói, vậy nàng phải để tôi dấn bước tìm em tôi về, cuộc tái hợp vợ chồng ta hãy chờ đến khi anh em tôi trở lại.

Xuân Phù nghe theo lời chánh đáng, khẳng khái ưng chịu, Tân liền khăn gói lên đường. chàng đi khắp mọi nơi, hang cùng thủy tận, song chẳng thấy tung tích người em đâu cả!? Đâm ra thất vọng.

Nhưng bỗng một hôm, đến một con suối không có đường qua, Cao Tân đi dọc theo bờ suối, bỗng thấy một ngôi mộ bên vệ đường, chàng mệt quá không còn cất bước đuợc nữa, Tân tìm một gốc cây ngồi xuống định nghỉ một lúc rồi sẽ đi tiếp. Chợt có mấy người đi qua đường, ngó chàng, kinh ngạc bảo rằng:

– Ô hay có lẽ, người nầy đã được cải tử hoàn sanh hay sao?

Tân không hiểu họ nói chuyện ai, bèn hỏi lại thì họ đáp:

– Ngày này năm ngoái, có chàng thiếu niên mặt mũi y hệt như cậu, không hiểu buồn phiền đau ốm ra sao, đến chết ở đây. Chúng tôi làm phước chôn ở chỗ cậu đang ngồi đó. Chẳng biết bao lâu trên mả bỗng thấy mọc lên cái cây này. Nay chúng tôi thấy cậu lại càng nghi hoặc quá!

Tân nghe nói khóc ầm lên. Chàng đứng ngó cái cây thẳng vút, và cao sừng sững, trên ngọn tán lá xòe ra như cái lọng xanh, lại có bông, có trái. Chàng cảm động bảo mọi người rằng:

– Nếu vậy thì kẻ bạc mệnh, chính là em tôi đó. Chỉ vì tôi vụng xử, để tình anh em có điều chinh lệch nên em tôi mới phẫn chí ra đi, không ngờ lại tìm đến chỗ này mà chết. Em tôi chết rồi thì tôi còn lòng nào mà ham sống nữa.

Nói đoạn không để một ai kịp ngăn cản, Cao Tân đập mạnh đầu vào gốc cây tự vẫn. Những người chứng kiến bất ngờ lấy làm thương xót, liền bảo nhau mai táng một bên mộ người em.

Cách ít lâu sau, họ đi ngang qua đây, thấy nổi lên một hòn đá xanh, hình thể rất hùng tráng. Đều cho là sự lạ lùng xưa nay chưa từng có.

Nàng Xuân Phù ở nhà nghe tin đồn đại, trong lòng phân vân khôn xiết, bởi không tường hư thực ra sao? Nàng bèn đóng cửa ra đi tìm chồng.

Khi đến nơi hỏi dân bản thổ, thì trăm người một miệng, đều nói giống nhau, không có mối nghi ngờ là câu chuyện bịa đặt. Nàng bồi hồi đến dưới gốc cây, đứng bên hòn đá, nuốt lệ than rằng:

– Hai anh em họ Cao quê người chết thảm, thiệt cũng tại ta. Nay chồng ta đã theo em mà chết, thôi ta đành một quyết theo chồng! liền gieo đầu vào tảng đá. Mọi người chứng kiến thấy nàng đã chết, thì càng hiểu thêm cảnh ngộ của ba người. Bèn xúm lại cùng nhau chôn Xuân Phù ở khít bên hòn đá lạ.

Rồi từ đó, trên mộ nàng, thấy có một thứ giây leo, bám chằng chịt vào mặt đá. Lá xanh mơn mởn, tươi tốt khác thường.

Một ngày kia vợ chồng Lưu Công sang thăm nhà rể, thấy cửa đóng then cài, cửa nhà vắng lạnh, ông bà mới lân la dò hỏi những người lân cận cho hay, nhà này cửa đóng then cài đã lâu, không biết họ đi đâu, có người biết chuyện kể lại mối oan khiên ấy.
Liền theo lời chỉ dẫn, tìm đến bên rừng, khóc than vật vã, rồi xuất tiền lập một ngôi miếu thờ tại đó, gọi là “miếu Tam Phương”.
Phàm kẻ lại qua, đều tạt vào dâng hương lễ bái, coi như đền thờ các vị linh thần.

Về sau, có lần vua Hùng Vương đi tuần du đến đây nghe câu chuyện lạ, nhà vua nức nở khen là một việc tình nghĩa dị kỳ. Bèn sai tùy quan hái trái trên cây, bứt lá giây leo hợp lại mà nhai thử, để nếm xem mùi vị, ăn vào thì thấy mùi cay và tiết ra mùi thơm, đến khi nhổ lên mặt đá, thì nước miếng hiện ra một màu đỏ thắm, rất đẹp đẽ.

Nhà vua cho là một thứ thực phẩm rất quý, lại lấy đá nung thành vôi, thì gia vị lại càng thơm ngon, làm cho người ăn được hồng hào nhan sắc. Thấy vậy nhà vua liền truyền lấy giống cây đem trồng khắp mọi nơi trong nước. Và đặt tên là Tân Lang, cho cây có trái, còn giây leo thì gọi là giây Phù Lưu. Nhưng đời sau dân cư giản tiện, lại đặt cho cái tên nôm na là “cây cau” và dây “trầu không”.

Từ đó người ta đua nhau lấy trầu cau làm đầu trong việc lễ cưới hỏi, ngụ ý để noi gương vợ chồng Cao+Lưu mà giữ được chung thủy tiết nghĩa.

Miếu Tam Phương bên khu rừng, hiện nay thuộc làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn, vẫn được các triều vua phong tặng, quanh năm còn nghi ngút khói nhang.

Lời chú:
Tôi tình cờ đọc được trong một tờ báo “mất tên, xuất bản năm 1947” có đăng truyện sự tích trầu cau, thấy hay và rất cảm động. Không giống như bài nhạc của ông Phan Huỳnh Điểu.




VVM.01.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .