Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




LẼ ÐẠO và TIẾN HÓA


      
Lời Thưa Trước Khi Vào Sách :

I.- Sơ lược nội dung tập sách :

Trước nay, bao người, bao Kinh điển, bao trước tác đã nói nhiều về Ðạo, về Tiến hóa. Hai sự kiện được gọi là ‘Ðạo’ ‘Tiến hóa’ đó có liên hệ với nhau chăng, có cần thiết cho Con Người vừa trong tính cách ‘cá thể’ (từng người, mỗi người) vừa trong tư cách ‘Tổng Thể’ (nhân loại hay chủng loại nguời) chăng ? Tập sách nầy, mạo muội thử đưa ra một cái ‘nhìn’ về hai vấn đề đó. Cái ‘nhìn’ nầy không là một ‘sáng tạo’( ?), một phát kiến, phát minh của người viết mà do từ ‘cảm nhận’ lại những cái ‘nhìn’ của người xưa, đặc biệt từ nơi giáo lý của Phật, của Chúa cùng bao tư tưởng của thánh nhân, hiền triết, thức giả, kết hợp với diễn trình sinh hóa của nhân loại qua quá trình lịch sử. 

Trong tác phẫm « A brief History of Time. From Big Bang to Black Poles », nhà Vũ trụ học Stephen W ; Hawking, trong phần kết luận, trang cuối sách, viêt rằng : ‘’Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm ra được một lý thuyết toàn bộ, những nét lớn của lý thuyết đó, một ngày kia sẽ được tất cả mọi người hiểu ra, chứ không chỉ riêng với một nhóm nhà khoa học. Lúc bấy giờ, tất cả chúng ta, triết gia, khoa học gia và cả người bình dân (ngườ đường phố) cũng có thể có khả năng tham dự vào việc tranh luận về vấn đề hiểu ra tại sao vũ trụ và chúng ta hiện hữu. Nếu chúng ta tìm ra lời giải đáp vấn đề đó, đấy sẽ là thắng lợi lớn của lý trí con người –vào lúc đó, chúng ta hiểu ra tư tưởng của Thượng Ðế’’ (1) . Một lý thuyết toàn bộ như thế, quả là một công trình qui mô, vĩ đại, cần thiết giúp toàn thể nhân loại hiểu ra sự hình thành cùng vận hành của vũ trụ từ khởi nguyên đến hồi chung cục. Lý thuyết toàn bộ đó dĩ nhiên đáp ứng được tư duy con người, nhưng, theo người viết, liệu có nói lên được ý nghĩa cùng cứu cánh của hiện hữu, của sự sống chăng ? Phần nào bị lôi cuốn bỡi ý kiến trên, dù chi là kẻ bình thường nhất trong hàng tỷ người bình thường hiện nay, người viết cũng ‘mạo hiểm’ thử ‘tìm hiểu tư tưởng của Thượng Ðế’ (!?), không bằng đường khoa học mà về mặt ‘nhân văn và tâm linh’ đặc biệt qua lời Phật, lời Chúa mà người viết nghĩ là đã nói lên ‘tư tưởng của Thượng Ðế’ một cách thâm trầm, u mật.

Tập sách nầy gồm bốn phần (ngoài đoạn ‘Lời thưa trước khi vào sách):

1) Phần Mở Ðầu với ba chương nói tổng quát về : ‘Sống - Sự Sống’, ‘Sáng Tạo - Tiến Hóa’ và ‘Bản chất – Hiện tượng’ :

2) Phần I : Gồm 10 Chương : Tìm hiểu và giải thích lại một số Ẩn dụ và Dụ ngôn trong Kinh Thánh Ki-Tô-giáo và lời Chúa Jésus, những điều mà trước nay bao luận giảng chưa đề cập, hoặc, theo người viết nghĩ, có phần chưa hẳn phù hợp hoặc chưa khai mở rộng hơn lời Thánh Kinh và lời Chúa. (2) .

3) Phần II : Gồm 10 Chương :Tìm hiểu và giải thích lại một số Chủ đề căn bản nơi Kinh điển Phật giáo và giáo lý của Ðức Phật. Cũng như trên, những luận giảng lâu nay của các bậc tu sĩ và bao nhà trí thức, học giả, theo người viết, hầu như có phần nào ‘giới hạn’ (!) lời Phật, chưa hẳn đúng với cái ‘biện chứng bát nhã’ <(thuật ngữ của Sư Nhất Hạnh) qua cách lập ngôn u mật của Ngài, theo người viết nghĩ.

4) Phần III : Do hai phần trên cộng với một số kiến thức thu thập nơi các trước tác xưa và nay về mọi bộ môn khác cùng chiêm nghiệm diễn trình lịch sử nhân loại trước nay, người viết phát hiện ra Lẽ Ðạo và dòng Tiến Hóa của vạn hữu, đặc biệt là của nhân sinh về mặt ‘nhân văn và tâm linh’ để từ đó, nhận ra thời điểm tất yếu của dòng Tiến hóa sẽ đưa con người và nhân loại đến một trạng thái hiện hữu ra sao.

Nơi đây, người viết không viết bằng kiến thức mà phần lớn bằng « cảm nhận » , có nghĩa viết theo lối tư duy thường được gọi là « suy nghiệm » hay « thể nghiệm ». Vốn liếng kiến thức ít ỏi thu thập được trước nay qua trường ốc, qua việc đọc các trước tác của người xưa và hiện nay, có được nêu ra qua các tài liệu dẫn chứng cùng một số lập luận, nhằm dùng soi sáng, chứng minh cho các cảm nhận của mình hơn là trình bày một cách khúc chiết, có cơ sở tỉ mỉ theo như một ‘luận án’ có tính cách kinh viện, hàn lâm. Tập sách nầy, vì thế, có thể xem là công trình ‘suy tưởng’ hơn là biên khảo, dù có đôi điều liên hệ đến các bộ môn Khoa học Vật lý, Hóa học, Thiên văn,….mà người viết chỉ hiểu đại khái.Thêm nữa, quyển sách nầy không chủ ý tìm hiểu, bàn thảo về mặt Khoa học mà chỉ nhằm nói lên diễn tiến Tiến Hóa của Sự Sống thôi (Phần 3 của quyển sách nói đến vấn đề nầy).

Thế giới chúng ta đã và đang sống -nói theo Nguyễn Du là « Cõi người ta »- càng lúc càng bày ra bao ngổn ngang tròng tréo, rối rắm, giăng mắc, hệ tại lẫn nhau khó lòng giải thích, giải quyết, khiến con người và nhân loại tuy vẫn luôn tin tưởng tương lai nhưng lại bàng hoàng, ngơ ngác, luôn ưu tư, luôn thảng thốt, không rõ ngày mai của mình cũng như của chung nhân loại sẽ như thế nào, sẽ đi về đâu, sẽ tốt ra hay sẽ xấu hơn, sẽ đưa đến, một trạng thái sống hài hòa, an lạc hay chỉ là gảy đổ, truân chuyên dẫn đến tự hủy mình, hủy diệt nhân loại và cả trái đất nầy.. Chả lẽ dòng Tiến hóa của con người, của nhân loại do từ ‘sáng tạo’ của Thượng Đế hay từ chú khỉ (theo Darwin) đến con người ngày nay và mai nầy chỉ là mù quáng (aveugle) ; chả lẽ cuộc sống mỗi người và cuộc đời của chung nhân loại chỉ là mù quáng ; chả lẽ lịch sử thế giới qua bao hình thái xã hội, qua bao trạng thái, bao chế độ, qua bao phát kiến, phát minh, sáng chế cũng chỉ là mù quáng ? (3) .. Nếu thế thì những chủ trương « Ðức Tin, Từ bi, Bác ái, Tình thuơng, Tự do, Bình đẵng, Hòa bình, Nhân đạo, Văn minh, Văn hóa, Dân chủ, Nhân quyền, Nhân phẫm, Nhân bản, những vấn đề Tôn giáo, Luân lý, Ðạo đức, Khoa học,… » chẳng là vô ích sao, chẳng có một ý nghĩa gì sao, chẳng thể đem lại cho con người và nhân loại một cảnh đời hạnh phúc, sáng sủa, tươi vui nào sao ? Và bây giờ, xu thế « Toàn cầu hóa » về mọi mặt, trước tiên về Kinh tế, cũng chỉ đưa nhân loại đến những đổ vỡ, tang thương trầm trọng hơn trước hay sao ?

Cục diện thế giới trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI càng lúc càng hỗn loạn, đau thương khiến chúng ta càng thêm nghĩ rằng cuộc sống, cuộc đời, lịch sử, tiến hóa chung quy chỉ là phi lý, bi đát, vô nghĩa. Khoa học kỹ thuật đã tiến bộ vượt bực, đem lại cho cuộc sống con người và nhân loại bao tiện nghi thực tiễn về nhiều mặt (canh tác, kỹ nghệ, kinh tế, truyền thông, y học, sinh học, khám phá không gian, …) nhưng đồng thời cũng ‘đe dọa’ con người và cuộc sống của nó không ít. Bao nhiêu thứ vũ khí kinh khiếp giết hàng loạt nguời trong nháy mắt, những vũ khí sinh học làm lụn tàn cả một dân tộc về lâu về dài,…Khoa ‘Sinh thể kỹ thuật học’ (tạm dịch Biotechnology) với những thành tựu : sinh sản vô tính (reproduction asexuée như khoa clonage), bộ óc nhân tạo, người máy tự động (automates),…và những nanotechnologies đang phát triển, liệu sẽ đưa đến việc tạo ra một thứ ‘hậu nhân loại’ (post humanity), một thứ ‘con người không con người’ (le non-homme), một thứ ‘con người được chế tạo’ (homme fabriqué) trong các cơ xưởng do các môn ‘Sinh thể kỹ thuật học’ (biotechnologies) -xin xem Chương: Ðại cương các cách viết Sử, Ðại cương các Dạng Tư hữu, Chiếm hữu nơi phần III). khác hẳn với con người và nhân loại hiện thời chăng ? (4)

Trước nạn ô nhiễm môi sinh càng ngày càng tăng, trước hiện tượng nhiệt độ địa cầu gia tăng đã gây ra bao tai nạn tầy trời khắp nơi và sẽ đến, đe dọa sự sống và cuộc sống toàn nhân loại, thế mà cuộc họp G.8 tháng 6/2007 tại Cộng Hoà Liên Bang Ðức, cũng không đạt được một đồng thuận nào vì Hoa Kỳ, Nga, tiếp theo Trung Cộng, Ấn Ðộ, Bắc Triều Tiên, có thể bao quốc gia khác không chịu ký vào Hiệp nghị Kyoto (tháng 12/1997). Cuộc họp quốc tế tại Copenhague (Đan Mạch) năm 2009 về vấn đề khí hậu, cũng chưa đem lại kết quả nào. Gần đây, năm 2015, cuộc họp quốc tế tại Paris đưa đến ‘thỏa ước Paris’ có hiệu lực từ ngày 04/11/2016 được sự đồng ý của Ðại biểu 195 quốc gia, làm sao từ nay và các năm tới, tình trạng hâm nóng địa cầu phải dưới 2°C và các quớc gia phát triển cần phải chi mỗi năm 100 tỷ US$ cho việc nầy. Qua thỏa ước nầy, mọi hứa hẹn xem ra khá phấn khởi, nhưng rồi vẫn chưa thấy kết quả ra sao. Ðã thế mà khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc họp khối G20 tại Hambourg (Ðức) tháng 07/2017, ông đã rút chân ra khỏi thỏa ước nầy (vì ông thấy rằng Thỏa Ước nầy quá bất công với nước Mỹ và thực tế cũng chưa đem lại kết quả gì) khiến thế giới hoang mang, lo âu, phẫn nộ. Có lẽ phải đợi đến COP 23 sẽ diễn ra tại Ðức có thể vào năm 2019, cũnng như bao cuộc họp vào những năm sau nữa mới rõ được phần nào hiệu quả của COP 21 nầy (COP=Conference of Parties, viết tắt về Hội nghị giữa các bên gồm các quốc gia của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu, lần đầu vào năm 1979 tại Genève). Trong lúc đó, sự phát triển nặng lượng nguyên tử vào mục đích chiến tranh, bành trướng vẫn tiếp tục nơi một số quốc gia. Các chế độ độc tài : quân phiệt, đảng phiệt, giáo phiệt, tài phiệt, kỹ phiệt, những chủ trương bá quyền nước lớn, bành trướng uy hiếp các dân tộc, quốc gia nhỏ bé hơn cùng bao nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo,…không ngớt gia tăng. Liệu thế giới có phải cần đến một Thế chiến thứ ba để giải quyết mọi khủng hoảng lớn rộng hiện nay hay để cùng gây chết chung với nhau ?. Và con người –loài người nói chung- sinh vật tiến bộ nhất, cao cấp nhất trong mọi loài- sinh ra chỉ nhằm để giết hại nhau sao ? Ðến nay, với bao khám phá, chế tạo tôi tân về mọi mặt Khoa học Kỹ thuật, nào Sinh sản vô tính, người máy biết suy tư, bộ óc nhân tạo, công nghệ truyền thông, khám phá không gian,..thì hầu như nhân loại càng tiến bộ, văn minh thì khổ đau, tan nát càng thêm nhiều và tội ác con người gây ra cho nhau càng lúc càng ghê khiếp. Cái ‘ác’ càng lúc càng phát triển trong lúc cái ‘thiện’ mỗi lúc một lùi dần.

Về mặt tư tưởng, chúng ta lâu nay vẫn lẩn quẩn trong một số phạm trù mâu thuẫn cặp đôi : « ‘Tâm-Vật’, ‘Thượng Ðế - Con người’, ‘Ðạo - Ðời’, ‘Bản chất - Hiện tượng’, ‘Tính thể - Hiện sinh’, ‘Tất định - Tự do’, ‘Vô thần - Hữu thần’, ‘Tôn giáo - Khoa học’,… ».

Về mặt Khoa học, Chính trị, Xã hội cũng bao phạm trù mâu thuẫn cặp đôi khác : « ‘Bẫm sinh - Thụ đắc’ (inné-acquis), ‘Tất định - Phi tất định’ (déterminisme-indétermination), ‘Trật tự - Hỗn độn’ (Ordre-Chaos), ‘Cần thiết -Ngẫu nhiên’ (Nécessité-Hasard), ‘Con người - Xã hội’, ‘Cá nhân - tập thể’, ‘Cái riêng - Cái chung’,… ».

Liệu có một chân lý toàn bích nào không (vì tri thức con người luôn hướng về Tuyệt đối) hay mải miết bơi lội trong vô vàn thứ chân lý tương đối của cõi hiện hữu nầy để luôn thảng thốt trước bao biến thiên, để luôn ngơ ngẩn về thân phận con người, về cuộc sống và cuộc đời.

Chúng ta đang đứng trước một ‘xung kích của tương lai’ (le choc du futur) vô cùng trầm trọng do chính nhân loại gây ra cho mình, để càng lúc càng thêm thảng thốt, bàng hoàng về thực trạng cùng tương lai nhân loại bây giờ và mai nầy. Hầu như mọi nền Văn hóa của các dân tộc trước nay, mọi hệ thống tư tường của nhân loại, kể cả các Tôn giáo đều đang trên đường phá sản, băng hoại đến dộ có thể triệt tiêu (Phật giáo hầu như không còn có mặt ngay tại các quốc gia trước nay xem là quốc giáo như Ai Lao, Campuchia, Thai Lan, Tích Lan, Tây Tạng bị sát nhập vào Tàu Cộng, Phật giáo Việt Nam biến thành công cụ trong tay Ðảng Cộng sản,.. ; Công giáo càng ngày càng sa đọa đến tột cùng, Ðức Tin xem như đã chết trong giới trẻ, nạn loạn luân, ấu dâm lan tràn, càng ngày càng bị phá sản …) vì chẳng thể đem lại cho con người, cho xã hội nhân loai những điều cần thiết sơ đẵng nhất : cơm áo, nhà ở, sức khỏe, việc làm, tự do, hoà bình, tình thương, nếp sống an bình cùng sự an lạc, bình an tinh thần.… Một cuộc khủng hoảng toàn diện suốt địa bàn thế giới, không riêng về một phương diện nào, một ‘khủng hoảng thần trí’ (crise d’esprit), mượn từ của nhà thơ Pháp Paul Valéry.

Rồi người viết chúng tôi nghĩ đến mình, về mình. Chả lẽ cuộc sống riêng mình cũng chỉ là tăm tối, cũng chỉ là vô nghĩa, cũng chỉ là ‘bèo giạt hoa trôi’ giữa lòng cõi thế bềnh bồng hư thực, cũng chỉ là thân phận lưu đày dẫy đầy khổ lụy giữa dòng đời miên viễn nghiệt oan ? Rồi Ðất nước, Dân tộc, Quê hương mà mình từng chung chạ, từng sống với, từng gắn bó yêu thương sẽ ra sao, sẽ như thế nào trước dòng lịch sử càng lúc càng bày ra bao dị hình, oan trái, bao sa đọa, điêu linh ?

Những nỗi niềm đó khiến người viết tư lự về mình, về người, về dân tộc và về chung lịch sử nhân sinh. Những thao thức đó đã khiến người viết, dù sức biết, sức hiểu chẳng là bao, trầm tư lại lời Thánh nhân, Hiền triết, lời bao nhà Tư tưởng Ðông Tây đã có cơ duyên thu thập qua Kinh Ðiển, qua bao tác phẫm xưa nay. Do trầm tư đó, người viết ‘phát hiện’ ra cái ‘lý do’ chính yếu nào đã khiến cho dòng đời bể khổ. Lý do chính yếu, nguyên khởi đó là Lẽ Ðạo đã định ra dòng Tiến hóa của nhân sinh và vạn hữu. Chính dòng Tiến hóa đã đẩy đưa nhân loại đạt được cuộc sống càng lúc càng thoải mái, tiện nghi, phong phú hơn nhưng đồng thời cũng triền miên ngập chìm trong bể khổ. Tại sao như thế và như thế, để làm gì ?

Kể ra những giới răn, giới cấm của Phật, Chúa, nào có khó gì, sao chẳng ai theo ? ‘Không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, , không tham lam,…’, dễ quá mà ! Ai làm chả được dù có học hay không. Thế sao chẳng ai thực hiện ? Người càng học cao, càng thông thái lại càng phạm phải để tạo loạn ly cho toàn thế giới. Luân lý, đạo đức xã hội cùng luật pháp không ngớt răn khuyên, trừng phạt mọi vi phạm đó, thế mà loài người luôn luôn vấp phạm từ thuở được sinh ra cho đến nay và còn tiếp tục bao đời bao kiếp nữa ?. Tại sao lại thế ? Người viết đi từ những thắc mắc về những sự vụ thông thường đó, phát hiện ra chính ‘Lẽ Ðạo đã định ra dòng tiến hóa về cái Sống của vạn hữu’ là ‘nguyên nhân đầu tiên và thường trực’ khiến con người phạm tội và gây khổ cho nhau. Ngoài nguyên nhân tiên khởi đó, theo người viết, mọi biện luận khác cũng chỉ xoay quanh nguyên nhân chính yếu kia, do nguyên nhân chính yếu đó gây ra mà lâu nay không mấy ai để ý.

Lẽ Ðạo không là một Ý thức hệ, không là một chủ thuyết, một chủ nghĩa, một phương pháp, một tôn giáo, một lý thuyết toán học, khoa học, một quyển Kinh để tụng niệm hay để áp dụng ngay vào thực tế hàng ngày mà chỉ để hiểu, để giải thích lịch sử, để hướng dẫn nhân sinh nhìn ra hướng đến của lịch sử mình. Lẽ Ðạo không nhằm giải quyết một sự vụ gì của nhân sinh (cũng như Thượng Ðế không giúp gì cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày, không ban phát cho ta cơm áo, nhà cửa, sức khỏe,…). Lẽ Ðạo chỉ nói lên cái ‘tất định’ của diễn tiến nhân sinh và vạn hữu, chỉ vạch ra con đường tiến hóa tất yếu là như thế, cho thấy nơi sẽ đến, sẽ về của từng chủng loại suốt dòng ‘sinh hóa, hóa sinh’ của mình dẫn về thời điểm ‘’Đoân trường sổ rút tên ra’’ (Nguyễn Du). Nơi sẽ đến, sẽ về của từng chủng loại -của nhân sinh nói riêng- là cảnh đời thường hằng an lạc, hạnh phúc qua bao đổi dời bình diện oan khiên của thế gian (cõi hiện hữu) qua quá trình phát triển của mình, miễn là không tự mình thoái hóa, tự hủy hoặc bị tiêu diệt.

Ðể tiến đến cảnh đời an lạc, hằng vui, thánh thiện đó, mỗi chủng loại phải kinh qua từng chu kỳ biến dịch hay từng Kỷ nguyên sinh hóa, trong đó phải trải qua bao đọan trường lệ máu gây khổ cho nhau, đồng thời tạo nên những khả năng, những điều kiện thay đổi dạng Tồn tại đương thời tiến sang một dạng tồn tại cao hơn (nếu không phải bị thoái hóa, tiêu diệt), tạo nên môi trường và năng lượng sinh hoạt mới, thiết lập một trạng thái hiện hữu mới, sung mãn hơn, tốt đẹp hơn và cảnh sống cuối cùng là hình ảnh ẩn dụ ‘Nước Thiên Ðàng’ theo Ki-Tô-giáo hay cảnh ‘Ðại viên cảnh’, ‘cảnh giới Chân Như’, ‘cảnh giới Tánh Không ‘ , cảnh giới « Bờ Bên Kia » theo Phật giáo hoặc nói theo Nguyễn Du là cảnh sống « Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai » với « Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào » (Ðoạn trường Tân Thanh, : câu 3246, câu 2724) . Chính Lẽ Đạo đưa nhân sinh, qua bao nhiêu trầm luân, đổ nát sẽ không còn hãi sợ cái Chết, chiến thắng cái Chết, không còn lẩn quẩn trong vòng ‘sinh tử luân hồi’ để đạt được Sự Sống Đời Đời. Hiểu được Lẽ Ðạo, ta sẽ trả lời được những thắc mắc từng được nêu ra lâu nay : Vũ trụ hiện tượng với vô số vạn hữu trong đó có chủng loại người do đâu có ? ; do đâu có Sự Sống ? Sống có ý nghĩa gì ? Sự Sống đưa dẫn vạn hữu –trước tiên là chủng loại người- về đâu ?

Từ Tiến Hóa được dùng nơi đây chỉ chung sự Tiến Hóa của cả một chủng loại sinh vật –trước tiên là chủng loại ,người- chứ không riêng cho từng cá thể trong chủng loại đó. Khi Darwin bảo ‘con người sinh ra’từ loài khỉ, người viết hiểu là « chủng loại khỉ đã tiến hóa về tất cả mọi sinh hoạt, từ đó chuyển đổi sang chủng loại người ». Với mỗi cá thể hay từng tập thể nhỏ trong môt chủng loại, chỉ có Tiến bộ chứ không có Tiến hóa. Tiến Hóa, theo người viết không chỉ riêng về mặt cấu trúc hình thể mà chỉ chung mọi sinh hoạt khác của một chủng loại về tất cả moi bình diện của Sự Sống : chế tác dụng cụ, tạo lập, sản xuất, tích trử của cải, kết tập thành xã hội nhỏ, lớn,.phát triển tri thức cùng mọi khả năng tinh thần ,….Tóm lại, Tiến Hóa là sự chuyển đổi của cả chủng loại tiến sang một dạng hiện hữu và một dạng tồn tại tốt hơn, khác với trước. Trong hướng đó, tập sách nầy có tham vọng và cố gắng nêu ra những giải đáp các thắc mắc lâu nay từng ‘đày đọa’ suy tư của con người : Vũ trụ, vạn hữu và con người do dâu có ?, Có một ông Thượng Ðế hay ông Trời tạo tác nên chăng ? Do đâu có Sự Sống ? Thế nao là Sống ? Tại sao cuộc sống, cuộc đời luôn luôn vô thường, luôn luôn đau khổ ? Sống có ý nghĩa gì ? Cuộc sống, cuộc đời đưa dẫn con người về đâu ? …Quyển sách nói về Sự Sống, diễn tiến Tiến Hoa của Sự Sống chứ không phải nói về cái Sống đối chiếu với cái Chết.

Do viết bằng ‘cảm nhận’ nên người viết không chủ ý nêu ra những kiến thức chuyên biệt về bất cứ một bộ môn, một ngành học nào mà người viết may mắn đã thu nhận được ít nhiều qua các trước tác xưa nay, hơn nữa người viết cũng chẳng mấy khả năng... Người viết gắng trình bày một cách giản dị và dùng những thí dụ, những sự việc thông thường hằng ngày –đôi khi có thể bị xem là ‘nhảm nhí’- để minh chứng những luận điểm nêu ra. Những gì được viết nơi đây chỉ nhằm trình bày một cách khái quát và tổng quát những mặt nào liên hệ đến ‘diễn tiến tiến hóa của nhân sinh trong dòng đi của Lẽ Ðạo’, đôi khi không tuân theo một phương pháp luận lý chặt chẽ, sít sao, không làm công việc ‘lập thuyết’ hay đưa ra một thứ ‘tri thức luận’ nào mới mẻ (người viết không khả năng, vả cũng không chủ ý).

Ðể giúp độc giả dễ hiểu, người viết trình bày ít nhiều theo tính cách ‘giáo khoa’, khởi đi từ tìm hiểu từ ngữ, diễn giảng các từ ngữ đó rồi lập luận, suy diễn theo cảm nhận của người viết. Mọi cảm nhận, chung quy chỉ là cách thế ‘Tư tưởng lại Tư tưởng’ (repenser la pensée), nói theo M. Heidegger là ‘đặt lại vấn đề một cách căn để , tinh ròng hơn những điều đã được tư tưởng trước đây’ (5). Những điều được gọi là ‘Tư tưởng lại tư tưởng’ nơi đây chỉ tập trung vào diễn giảng Lẽ Ðạo và dòng Tiến hóa của nhân sinh.

Khá nhiều đoạn trong tập sách có thể làm phiền lòng bạn đọc, sẽ gặp khá nhiều chống đối, phản bác nhất là nơi các Tu sĩ, Thức giả cùng quần chúng tín đồ đã nghiên cứu, biên khảo về Ki-Tô-giáo và Phật giáo. Khá nhiều điều trong sách nầy có phần ngược với một số luận giảng lâu nay, ngay cả đôi điều trong Kinh điển, có thể xem là người viết đã ‘chống’ hay ‘sửa đổi’ (?) Kinh điển cả hai Tôn giáo. Người viết không chống đối, đả phá mà chỉ ‘đặt lại vấn đề’ hay nói theo đôi người là ‘Tư tưởng lại Tư Tưởng’ người xưa để phát hiện ra ‘cái mới trong cái cũ’, phát hiện ra những gì còn ẩn giấu, còn u tàng mà người xưa, vì một lý do ẩn mật nào đó, chưa thể hay chưa nên minh thị nói ra. Phỏng theo lời công tước Elbeuf ‘Do với cái cũ, người ta làm cái mới’ (6). Có thể nói, người viết dã ‘hiểu’ Ki-Tô giáo và Phật giáo theo một quan điểm, một cái ‘nhìn’ hoàn toàn có khác cái ‘nhìn’ cùng mọi luận giảng lâu nay về hai Tôn giáo nầy. Do đó, bạn đọc sẽ ngạc nhiên, sẽ không mấy đồng ý và cho rằng người viết đã ‘táo tợn’, cả gan và ‘xuẫn động’ dám ‘cải sửa’ (!) cả Kinh Điển.

Do ‘Tư tưởng lại Tư Tưởng’ ‘Tìm cái Mới trong cái Cũ’, nên khi diễn giảng và khai triển các chủ đề trong Phật giáo và Ki-Tô giáo, người viết luôn liên hệ đến trạng thái xã hội về các mặt Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật ; về tất cả mọi phương diện hoạt đông của con người, của loài người từ trước đến nay; … ; có nghĩa luôn dựa trên cặp phạm trù ‘Cuộc Sống - Cuộc Đời’ , nói theo triết lý là cặp phạm trù ‘Cá Thể - Chủng Loại’ (Individu – Espèce), từ đó mở rộng lời Phật, lời Chúa cùng bao lời của các Thánh nhân, của bao nhà Tư Tưởng trước nay khắp mọi bình diện hoạt sinh chứ không chỉ riêng về mặt Đức lý, Luân lý thường nghiệm.

Trong tác phẫm nầy, người viết chỉ xin trình bày cảm nhận của mình, khởi đi từ thể nghiệm thân phận mình, thân phận dân tộc và thân phận chung của chủng loại người suốt dọc dài lịch sử. Những cảm nhận đó bắt nguồn từ chiêm nghiệm lại những sự kiện, sự việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày để từ đó lần mò phát hiện những điều cao xa, hoằng viễn. Ði từ những sự việc bình thường ai cũng biết, người viết nghĩ sẽ tránh cho bạn đọc ý nghĩ cho rằng ‘chúng tôi đã cưỡng từ đoạt lý, bẻ ngoặt lời người xưa theo một định kiến có sẵn’. Có thể bạn đọc nghĩ rằng chúng tôi hiểu Tiến hóa hay Tôn giáo theo cách riêng chúng tôi, không giống mọi lối hiểu xưa nay. Chúng tôi xin thuận nhận ý kiến nầy, nhưng cũng xin bạn đọc để ý xem mọi diễn giảng của chúng tôi có phần nào ‘hợp lý’ ?. Những cảm nhận nầy đúng hay sai, dĩ nhiên tùy phán đoán, nhận xét của bạn đọc và… riêng phần III, nói về trạng thái sống của nhân loại trong mai hậu, cần đợi chờ diễn tiến của lịch sử chứng minh.

Ðiều cần thiết, người viết xin minh định cùng bạn đọc : Lẽ Tiến Hóa nơi lời Phật, lời Chúa trước nay chưa được các tầng lớp tu sĩ cao cấp cùng các nhà trí thức, học giả uyên bác nêu ra chỉ vì thời đại chưa cống hiến đủ mọi dữ kiện cần thiết, rõ ràng. Ðến nay, mọi dữ kiện qua diễn trình sinh hóa của nhân sinh về mọi mặt khá cụ thể, nên phần nào do thể nghiệm phận mình cùng lịch sử đau thương của đất nước, dân tộc, người viết phát hiện ra thôi chứ người viết chẳng chút cao kiến nào.

Tập ‘Lẽ Ðạo và Tiến Hóa’ nầy (cũng như tập ‘Nhân loại mới ! từ Nhất Thể khởi nguyên đến Nhất Thể hồi phục’) có lẽ là một loại sách tạp nham nhất từ trước đến nay. Nó không phải là biên khảo, sưu tầm, nghiên cứu. Nó không là đại luận, tiểu luận, giảng bình. Nó không là phê phán nhận xét, đánh giá riêng về một công trình nào. Nó không là sách Triết, sách Văn, sách Sử. Nó không là Tôn giáo, Thi ca, Khoa học, Chính trị, Kinh tế thuần túy. Nó không tìm ra một cái gì mới mẻ, không phát kiến, phát minh, sáng tạo..Nó không khuôn mình trong một lập trường có sẵn, không hệ lụy vào một quan điểm cố định nào trước đây, ‘hài nhi chưa tắm sông nào’ (lời thơ của Trần Ðới). Nó nói lan man đủ thứ ; vậy nên xin đừng xếp nó vào loại sách nào.

Nó (tập sách) giảng giải, trình bày, mở phơi, dàn trải, tổng luận vu vơ hay đề nghị một hướng di, qui về một kết luận, tìm ra được nẻo về Chân lý ? Nó cóp nhặt đó đây hay thông suốt mọi vấn đề ? Nó viết theo xúc cảm của nghệ sĩ hay theo cái nhìn của nhà khoa học ? Nó đưa ra một phản ảnh luận thích nghi hay làm rối tung mọi phương pháp ? Nó bôi bác bên nào, thiên vị những ai, chủ quan hay khách quan, duy tâm hay duy vật, thiên tả hay thiên hữu, lạc quan hay bi quan ? Nó chủ trương tranh đấu hay cổ võ một đầu hàng ? Nó mời gọi một dấn thân hay thoát ly nhập cuộc ? Nó dự phóng tương lai hay bôi đen hiện tại ? Nó đưa vào hội nhập, thiết lập bình an hay tạo thêm sai biệt, phân ly ? Nó hoằng dương Lẽ Ðạo hay biện chính cho tội ác ? Nó có đủ mọi thứ, nói đến mọi điều mà chẳng có thứ nào chuyên biệt. Nó đã nói trong cái nhìn ‘không hai’. Vậy nên xin đừng đánh giá nó thế nầy, thế nọ.

Tác giả quyển sách nầy không hẳn là người viết mà, có thể nói là chính Phật, Chúa và Cụ Nguyễn Du của dân tộc Việt Nam vì chính các Ngài đã ứng vào cho người viết. Vì thế, phỏng theo F.Nietzche nói về tác phẩm « Ainsi parlait Zarathoustra » của ông, quyển ‘LE DAO và TIEN HOA’ nầy có thể được xem là « quyển sách được viết cho tất cả và cho không ai » (un livre pour tous et pour aucun). Có thể xem (quyển sách) là một Quan điểm về Tiến Hóa mà các lý thuyết Tiến Hóa theo Khoa học hay theo Di Truyền học trước nay, theo người viết, chưa đề câp một cách thông suôt và đầy đủ dù có trông cậy vào cái Lý trí biện bác (raison raisonnante) đến mấy. Nó không là tác phẩm của riêng người viêt nầy hay của bất cứ ai mà là của cả nhân loại hiện nay hay ít ra là tiếng nói của dân tộc Việt Nam, dân tộc vô cùng đau thương suốt gần hai thế kỳ qua để góp cùnng thế giới cùng nhìn ra cái ‘Chân lý cứu cánh’ (vérité ultime) của Sự Sống. Tất cả mọi người đều được quyển sách đề cập, đều có dự phân trong quyển sách (dù không nêu danh tính) để tất cả cùng hoan hỷ đón Tin Vui :

  Mừng nhân loại âu ca giờ sanh lại,
Mừng mỗi người ‘(mình) hân hoan vào Hội mới
Kỷ nguyên buồn đang sắp chuyển sang Vui. 

[Câu thứ hai, trong nguyên tác là « Mừng Việt Nam hân hoan vào Hội mới » (xin sửa như trên để nói chung về nhân loại)].

Cũng xin thưa với bạn đọc một số ‘khuyết điểm’ của tập sách :

1) Vì Lẽ Ðạo và Tiến hóa bao gồm suốt mặt mọi hoạt sinh của con người và nhân loại nên trong sách thường có những đoạn trùng lặp, nhiều lúc giải thích dông dài, luộm thuộm. Người viết khó lòng tránh được khuyết điểm nầy vì mọi mặt hoạt sinh đó hệ tại lẫn nhau, nhắc đến mặt nầy không thể không liên hệ đến mặt kia, khó lòng tóm tắt một cách cô đọng. Và cũng vì thế mà thường lời Phật, lời Chúa được nhắc lại cùng lúc vì, theo người viết, cả hai Ngài đều nói một điều giống nhau là ‘Lẽ Tiến Hóa của nhân sinh và vạn hữu’. Người viết không để ý nhiều đến lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo, Ki-Tô giáo cùng mọi điều mà người viết cho là đã ‘thần hóa, huyền hóa’ Chúa Jésus và Phật Thích Ca. (7) . Người viết không để ý những khác nhau giữa Tiểu Thừa-Ðại Thừa, giữa Nam Tông-Bắc Tông, giữa Kinh điển nầy nọ nơi Phật giáo ; cũng không để ý những khác nhau, tranh chấp nhau giữa Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo ; không nhắc gì đến những sách cùng các tác giả đã xiển dương, đề cao hay chống đối, phỉ báng tôn giáo nầy, tôn giáo nọ. Người viết chỉ cơ sở vào chính lời hai Ngài (nơi các Kinh điển và các trước tác xưa nay) để tìm hiểu những gì u mật qua những lời đơn giản của hai Ngài.,đã đề cập đến Lẽ Tiến Hóa trước tiên của chủng loại người.

2) Một số đoạn trích dẫn sách nầy sách nọ không từ nguyên tác vì người viết không có hoặc không đọc được nguyên tác nên phải trích dẫn từ một số tác phẫm đã ‘trích dẫn’ từ nguyên tác. Ðiều nầy không phù hợp với thể loại biên khảo, luận án mang tính ‘kinh viện, hàn lâm’ như đòi hỏi của các trường Ðại Học. Nếu có phải trích dẫn khá nhiều tài liệu nầy nọ, người viết mong có thêm luận cứ cho những cảm nhận của mình thôi..

3) Vì thiếu Tự Ðiển tiếng Việt và vì Tự Điển tiếng Việt còn quá thiếu một số danh từ mới về mọi bộ môn, và vì không khả năng tạo tác hay phiên dịch từ ngữ một cách đúng đắn nên người viết thường chú thích trong ngoặc đơn từ tiếng Pháp, tiếng Anh. hoặc để nguyên tiếng Pháp, tiếng Anh. Một đôi từ ngữ do người viết đặt ra, xin giải thích nơi phần ‘Ngữ vựng’ ở cuối sách, trường hơp chưa được giải thích nơi từng bài.

4) Người viết chú thích ở cuối mỗi chương, phần trích dẫn tiếng Anh, tiếng Pháp khá nhiều khiến quyển sách thêm dày. Ðiều nầy, người viết nghĩ, giúp bạn đọc khỏi tốn công truy tìm nguyên tác, khỏi phải lật các trang sau cùng để xem phần chú thích và cũng để độc giả giúp người viết sửa chữa những đoạn dịch không sát vì nhiều đoạn khó dịch sang Việt ngữ cho thông suốt.

5) Một số điều trong tập nầy đã được trình bày trong một số sách đã viết trước đây (8), nay xin nhắc lại, chép lại với một số bổ túc, sửa chữa để cùng quy về ‘’Lẽ Ðạo và Tiến Hóa’’, ước mong phần nào được đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Quyển ‘Lẽ Đạo và Tiến Hóa’ nầy có thể xem là ‘Tổng kết’ nội dung của một số tác phẩm trước đây, đặc biệt là tác phẩm ‘Nhân Loại Mới : từ Nhất Thể Khởi Nguyên đến Nhất Thể Hồi Phục’ (hai tập I và II) và ‘Hành Trình vào Nhất Thể’ (hay ‘Tôi hiểu Chúa, Tôi hiểu Phật’ cũng hai tập I và II) với một số sửa chữa, bổ túc..

Viết quyển sách nầy, người viết đã làm một việc táo bạo so với cái ‘sở học’ ít oi của mình. Người viết luôn bị mặc cảm ‘thất học’ vì người viết không có sức học cao, không học vị lớn, sức đọc, sức hiểu không nhiều, kiến thức về mọi nghành học, mọi bộ môn rất thấp nên những điều viết ra phần lớn do cảm nhận hơn là do trình độ học vấn. (Thực ra, người viêt có học đuợc gì nhiều đâu ; sự học luôn bị gián đoạn vì nghèo, vì chién tranh, vì đủ mọi thứ khổ,… Kiến thức, hiểu biết hầu như hoàn toàn do « ăn cắp » (!) ý kiến người xưa và người nay qua các sách báo trước nay thôi.). Do đó, người viết vô cùng cảm tạ và hân hạnh được đón nhận nơi bạn đọc -qua trầm tư, suy nghiệm lại thân phận mình, cuộc sống mình cùng diễn tiến của lịch sử dân tộc và thế giới từ trước đến nay- những kiến thức cùng suy tư mới mẻ, chân xác, nhất là về mặt Triết học, Tôn giáo và đặc biệt về mặt Khoa học, hầu giúp người viết bổ sung, sửa chửa mọi sai lệch, khiếm khuyết. Người viết cũng xin được đón nhận mọi phản bác để tác phẫm nầy cùng bản thân người viết được hưởng chịu cái « vận số của một sát hại cần thiết » theo lời M. Heidegger (9).

II.-Tâm trạng người viết. Lời cảm tạ.

Một số đoạn trong quyển ‘Lẽ Ðạo và Tiến Hóa’ nầy được trích nơi đôi sách đã viết trước, nhất là quyển ‘Nhân loại mới : từ Nhất Thể Khởi nguyên đến Nhất Thể Hồi phục’ viết lén lút tại Sài-Gòn năm 1979. Ngày ấy, kể từ cuối Tháng Tư năm 1975, lúc Cộng Sản vào chiếm trọn Miền Nam rồi do cuộc đổi đời dị hợm của Cộng sản, người viết cũng như toàn thể nhân dân Miền Nam (sau nầy trên cả nước) đều đứng trước một sụp đổ toàn diện, hầu như cả hồn lẫn xác không còn nơi mình, của mình mà như phiêu giạt một nơi vô định nào. Trong hốt hoảng, âu lo đó, một hôm, người viết thấy Chúa Jésus hiện về. Chúa nhìn người viết, ái ngại :

-Con khổ sở lắm sao ?

-Thưa Chúa, con khổ sở lắm. Xin Chúa ban cho con phép lạ giải thoát con…

-Phép lạ à ? Ta đã nói với con rồi.

-Lạy Chúa, con ngu ngốc quá, con không còn nhớ ra…

-Thôi được, ta lặp lại đây : Phép lạ ta cho con là thế nầy :’Con hảy lên án Ta đi !’

Nói xong, Chúa biến mất. Người viết tĩnh ra, toát mồ hôi sợ hãi. Không hiểu ý Chúa ra sao, người viết bỗng nhớ lời nhà thi sĩ Pháp Paul Valéry (1871-1945) trong tác phẩm ‘Regards sur le monde actuel’ (1931) : ‘Le temps du monde fini commence’ [tạm dịch : Thời gian (hay thời điểm) thế giới hữu hạn (hay thế giới tận cùng) bắt đầu]. Lại cũng chẳng hiểu ra sao. Không hiểu gì nhưng cứ cắm cúi viết sau khi hoàn thành quyển ‘Tinh thần Việt Nam’ (‘VN : cơn khổ nạn sinh thành’, cùng đôi quyển đang viết dờ : Ngụ ngôn-Trùng ngôn, Ðoạn Trường Tân Thanh : Tiếng Vui trong lời Buồn,…). Viết nhưng chẳng rõ viết gì, ngọn bút cứ kéo đi (ngày ấy chỉ viết bằng tay) như từ ‘vô thức’ do từ một phép lạ nào, do từ tâm trạng đau buồn tột độ về thân phận đất nước, thân phận mình trong những loạn cuồng của thời cuộc. Chính những buồn đau, tan nát đó đã trở thành ‘chất dinh dưỡng’thần trí trải dài theo ngọn bút lấp đầy từng trang vở học trò cùng một số trang giấy bồi xám đục do Cộng sản đem từ Bắc vào.

*Người viết hầu như đã viết trong nguồn cảm hứng lung linh, mơ màng tiếp nhận từ những công trình biên soạn, trước tác, sáng tạo lâu nay của bao người đi trước về mọi mặt tôn giáo, triết học, lịch sử, thi ca, khoa học,..mà người viết có cơ duyên đã học, đã đọc và đã từng ít nhiều thể nhận hồ đồ, rời rạc lâu nay, bây giờ hiện về, nhỏ to nhắc nhở, phần nào nhớ lại trong những lần người viết bơ thờ, thảng thốt chiêm bao (người viết chỉ nhớ lại vì ngày ấy (từ năm 1975 đến 1979), bao sách vở quí giá, để khỏi phải bị tịch thu, hay phải đốt, người viết phải đem gởi nơi một bà hàng xóm, nhưng rồi năm sau đó vì nghèo túng, bà ta đã đem cân bán cho những người mua giấy lộn).

*Người viết đã viết trong cái u hồn chập chờn, lãng đãng của bao cái chết hùng tráng, hiên ngang hay đọa đày thảm khốc nơi đầu non cuối bể, nơi xó chợ đầu đường,…nơi những trại tù man rợ hay nơi những vùng đày ải nghiệt ngã điêu linh,…mà lịch sử bi hùng từng ghi ngấn tích qua suốt quá trình dâu bể đa đoan,

*Người viết đã viết trong những tang thương, rách nát, trong những quằn quại dập dồn, trong những đói lạnh thê lương, vật vã từng chiu đựng âm thầm hay kêu ca, rên siết, bộc lộ nên lời hay nghẹn ngào trong tiếng nấc của bao kiếp sống lận đận phù sinh giăng bày trước mắt..hay âm vang, đồng vọng từ những miền sông núi hoang xa,

*Người viết đã viết trong những náo động loạn cuồng của lời hô, tiếng hét thù hận, căm hờn, trong những bủa giăng lồng lộn của lửa đạn mưa bom cùng những thủ đoạn lọc lừa, tính toán man trá, dị hình tạo hiểm họa dập dồn trong cuối mùa thế kỷ thương đau,..

Người viết đã viêt trong tất cả mọi tang thương, đổ vỡ, điêu linh cùng cưc của thân phận con người, hầu như của toàn thể nhân loai trước nay. Người viết đã viết trong cảm thức buồn nôn khi thấy hầu như nền Văn Minh của Thế giới hiện nay đang tiến dần đến hủy hoại cái thiện tâm, thiện chí của con người, thay vào đấy là những chế tác của kẻ xấu nhằm khống chế, giết hại sự sống của người như chủ trương mua ADN, chuyển đổi gene, gài những lá điện tử theo dõi, nắm chắc hết tên tuổi, năng khiếu, sở thích, thú vui, tật xấu của kẻ khác cách xa hàng ngàn, hàng vạn dặm , kiểm soát bất kỳ kẻ nào mà bọn người độc ác muốn biến người nào đó thành công cụ, phương tiện, thành những robot phải thực hiện những ý đồ đen tối của họ, nếu không tuân theo ý đồ của họ sẽ bị giết hại mà không hề hay biết ai đã giết mình. Những khí cụ vui chơi như TikTok, Wechat, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), v.v..mà bọn Tàu Cộng đang tiến hành. Liệu nền văn minh theo cái ‘Tất định qui luật’ (déterminisme-lois) đến ngày nào đó sẽ trở thành một thứ ‘Văn minh man rợ’ (civilisation barbare) để đưa con người, nhân loại phải sống trong cái ‘Man rợ của Văn minh’(barbarie civilisée).

Tuy nhiên, bên trên cái tâm thức bị gặm nhắm, xoi mòn trong rũ rượi tả tơi, người viết như được mơn man ve vuốt bởi một cảm ứng từ xa, để qua loạn cuồng giông bão, cảm nhận một đôi nét màu quang đãng e ấp lóe lên giữa bầu trời mờ mịt mây sương, dưới bụng những đám mây đen xám. Thời đại chúng ta đang sống đang diễn ra những đụng đầu lịch sử vĩ đại. Chúng ta đang đối đầu với nhiều hiểm họa mà không có cách thế giải trừ ngoài một niềm tin mong manh. ‘Hy vọng là hèn nhát’, Oswald Spengler từng bảo thế (10). Mỗi người cũng như mọi người hầu như đều cảm nhận bơ phờ ‘chẳng còn sống được bao lâu’, cuộc sống càng lúc rã rời, tan loảng thêm lên. Cái chết thực sự chưa đến nhưng cái cảm thức ‘nhàm chán cái sống’ càng lúc càng trị ngự khắp nơi nơi. Không phải từ một bi đát riêng mình mới nhìn ra điều đó. ‘Chết vinh hơn sống nhục’, đao đức đã bảo từ lâu, lâu lắm. Nhưng thời đại đang dồn ép con người hầu như ở nhiều nơi -ở Việt Nam chẳng hạn- phải thà ‘chết nhục hơn sống vinh’(!) . Dĩ nhiên con người sống cả với bánh mì và cả với đạo đức, cái điều đơn sơ, giản dị mà cả hàng triệu năm qua, con người chưa thể giải quyết thỏa đáng. Trên ý nghĩa thuần tại thế, làm sao ‘Sống là sống’, không có sống vinh sống nhục và ‘Chết là chết’, không có chết nhục chết vinh?

Con người là một hữu thể phức tạp. Cho dù ‘hy vọng là hèn nhát’ thì cũng không vì thế mà không hy vọng. Tại vì, hy vọng như có một thần lực chỉ cho ta nhìn thấy chập chờn, ẩn hiện một vẫy gọi xa xa, không riêng cho mỗi người mà cho tất cả. Cái vẫy gọi xa xa đó không để tách rời ta ra khỏi thực tại nầy, kéo lôi ta theo một cánh đại bàng thẳng bay về nước Chúa mà là tạo cho ta sức mạnh, niềm tin để lớn lên, trưởng thành trong khổ nạn hôm nay hầu biến cõi lưu đày thành quê hương muôn thưở. ‘Bởi tiếng gọi từ một nguyên sơ thăm thẳm, một miền cố quận được hoàn trả cho chúng ta’ (11). Cõi lưu đày là cõi sống tại thế , cái Tổ quốc của mỗi con dân, cái quả địa cầu của chung nhân loại. ‘Trưởng thành’ có nghĩa lớn lên trên Nó, biến Nó thành quê hương, thành ngôi nhà thực sự là ngôi nhà mà ta có chạy nhảy đi xa, có rong chơi suốt xứ phiêu bồng thì cũng là nơi Nó, trong Nó và dù ta có lang thang, phiêu bạt nổi chìm nơi một miền khách địa nào xa trên mặt đất hay một tinh cầu nào khác nay mai thì Nó vẫn chuyển dịch theo ta, biến nơi khách địa thành ngôi nhà hoan lạc cho ta ; ta và nó luôn là kẻ ‘bằng gia’(‘ami de la maison’, thuật ngữ của nhà thơ Ðức Joohann Peter Hebel) của nhau.

Người viết đã viết trong buồn đau da diết, nhiều khi tủi nhục nhưng tuyệt nhiên không phẫn nộ, chán chường ; cố gắng giữ cho lòng mình hoan hỷ giữa những dòng chép chép biên biên. Dầu được chấp nhận hay bác bỏ, dù rất nhiều khuyết điểm do hiểu biết cạn nông hay tháng ngày chưa đủ chín, người viết, dù trong cảnh ngộ thấp thỏm âu lo, bồn chọn, khắc khoải cũng thấy ít nhiều an ủi, tươi vui, thoải mái, mơn man trong niềm hy vọng như được an trú trong những hứng khởi hầu như do từ ‘phép lạ’ Chúa ban, Phật độ để được nói lên lời Cảm Tạ. Cảm Tạ gì ? Cảm tạ AI ? Nhiều, nhiều lắm, khó lòng kể hết, vậy nên xin nói lời Cảm tạ chung thôi.

-Nghĩ cho cùng, con người trong cuộc sống tại thế, mỗi lúc xa nhau, dù vui hay buồn, dù thân tình, quyến luyến hay ganh ghét, thờ ơ, không thiện cảm, thiết nghĩ cũng duy nhất một điều cuối cùng nên nói ‘Cảm tạ !’

-Nghĩ cho cùng, cả nhân loại sau quá trình kèn cựa, ganh đua, tạo cho nhau bao nỗi khổ, niềm vui, tình buồn, ý nhớ, đùm bọc thương yêu thù hận, căm hơn,..đến hồi chung cục, nhìn chào lịch sử đi qua, thiết tưởng cũng duy nhất một điều cuối cùng nên nói ‘Cảm tạ !’ .

Cái phần thiết cốt trong tập sách nầy là phát hiện phần nào ‘dòng vận hành của Lẽ Ðạo ứng vào diễn tiến nhân sinh’ đưa nhân sinh vào cảnh giới sống hằng tại, hằng vui sau quá trình dập dồn truân chuyên, đổ nát. Trên diễn trình đó, mọi sự vụ, mọi công trình trước nay của từng cá nhân hay của từng tập thể, quốc gia, dân tộc bất cứ về lãnh vực nào, dù dựng xây quí giá hay gây oan nghiệt chất chồng, dù đã hoàn thành hay còn dang dở, dù đuợc tiếng tôn vinh hay lời kết án, tất cả đều có phần của mình qua lịch sử sinh hóa của nhân sinh. Tất cả đều có một ‘chỗ ngồi’ xâu tot nào đó để trao nhau lời chào Cảm tạ :

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau.


(Bùi Giáng)

Sai-Gon, tháng 04/1979
Pháp Quốc (France) cuối năm 2022

Chú thích :

   1.- ‘Cependant, si nous découvrons une théorie complète, elle devrait un jour être compréhensible dans les grandes lignes par tout le monde, et non par une poignée de scientifiques. Alors, nous tous, philosophes, scientifiques et même gens de la rue, serons capables de prendre part à la discussion sur la question de savoir pourquoi l’univers et nous existons. Si nous trouvons la réponse à cette question, ce sera le triomphe ultime de la raison humaine –à ce moment, nous connaitrons la pensée de Dieu’ – S.Hawking : ‘A Brief History of Time. From Big Bang to Black Poles’, Bantans Press, New York, 1988 -. Bản dịch tiếng Pháp : ‘Une brève histoire du Temps. Du big bang aux trous noirs’ (Lịch sử vắn tắt về Thời gian. Từ vụ nổ Big Bang đến các Hố Ðen) của Isabelle Naddeo-Souriau, nxb Flammarion, 1989, trang 220 - Nhà Khoa học S. Hawking chủ trương ‘Vũ trụ vốn tự hữu, không do một đấng nào sáng tạo’ nhưng đoạn cuối được trích trên có lẽ để ‘thoa dịu’ phần nào các nhà Thần học Ki-Tô giáo chăng ? Gân đây, qua e-mail của Hương Saigòn (huong Saigon9@gmail.com)ngày 03/09/2010, người viết được biết, qua một đoạn dịch sang Việt ngữ của anh Đào Văn Bình, S. Hawking trong tác phẩm ‘Sự Thiết Kế Vĩ Đại’ (The Grand Design) viết chung với nhà Vật Lý học Hoa Kỳ Leonard Mlodinow, cho rằng ‘’’Sự Sáng tạo do bỡi chính nó đã là lý do tại sao có nhiều thứ chứ không phải chỉ có một thứ, tại sao vũ trụ hiện hữu và tại sao chúng ta có mặt’’ . Và ông viết tiếp ‘’Không nhất thiết phải van nài Thượng Đế làm chuyện kinh khủng như thế (Big-Bang) để cho vũ trụ chuyển động’’ (bài dịch của Đào Văn Bình). Qua câu nầy, hai nhà khoa học C.Hawking và L.Mlodinow bài bác quan điểm Thượng Ðế của Do Thái giáo và Ki-Tô giáo, nhưng lại công nhận có sự ‘Sáng Tạo’ và xem Sáng Tạo là nguyên nhân, là lý do đầu tiên làm phát sinh mọi thứ nhưng không nói do đâu có Sáng tạo, như thế Sáng Tạo có thể xem là Tự hữu, là uyên nguyên sinh thành mọi thứ ‘hữu’ nơi vũ trụ nầy chăng ? Nhà Vật lý và Toán học lừng danh A. Einstein tùng băn khoăn về vấn đề ‘Tôn giáo và Khoa học’ cũng đã bảo : ‘’Tôi muốn biết bằng cách nào Thượng Đế đã tạo nên thế giới nầy. Tôi không quan tâm đến hiện tượng nầy, hiện tượng nọ. Tôi chỉ muốn biết Tư Tưởng của Ông Ta, mọi thứ còn lại chỉ là chi tiết’’ (I want to know how God created this world. I was not interested in this or that phenomenum. I want to know His thought, the rest are detail – A. Einstein, trích dẫn bỡi Michiko Kaku trong ‘Hyperspace’, bản dịch Việt ngữ ‘Siêu Thượng Không Gian’ của Trà Nguyễn). (Xin xem vấn đề ‘Sáng Tạo’ trong các Chương ‘Sáng Tạo’ và ‘Tội Tổ Tông’).
  2.-Lẽ ra nên nói về các chủ đề Phật giáo trước vì Ðức Phật sinh trước Chúa Jésus 600 năm. Nhưng ngày ở Sài-Gòn (năm 1979, dưới chế độ Cộng sản), người viết nhận được bản Tân Ước nơi Mục sư Cương tại Hội Thánh An Ðông. Ðọc Tân Ước, người viết cảm nhận được ít nhiều lời Chúa và do từ đó, người viết cảm nhận ra lời Phật qua Kinh điển. Tôn trọng quá trình cảm nhận đó, người viết, trong sách nầy xin trình bày phần nói về Ki-Tô giáo trước. Có thể nhiều bạn đọc cho rằng ‘do cảm nhận lời Jésus mà hiểu ra lời Phật thì chắc chắn không thể đúng với giáo lý Phật’. Xin thưa : người viết không làm công việc ‘giải thích giáo lý của Phật theo lời Jésus hay giải thích giáo ly Chúa Jésus qua lời Phật’. Do cảm nhận, người viết phát hiện ra rằng dù cách lập ngôn khác nhau, ở hai vùng khác nhau, hai thời đại cách nhau những 600 năm, tư tưởng hai Ngài chỉ Một.
  3.- Từ ‘mù quáng’ nơi dây xin dược hiểu là ‘không tuân theo một trật tự tất dịnh, tri thức con người không nhận biết dược diễn biến tất yếu của sự việc’.
  4.- Xem ‘Francis Fukuyama : ‘Our Posthuman Future- Consequences of the Biotechnology Revolution’ - Farrar, Straus & Giroux, New York , bản dich tiếng Pháp ‘La fin de l’homme et Les conséquences de la révolution biotechnique’ (Sự cáo chung của con người và hậu quả của cuộc Cách mạng Sinh thể kỹ thuật học) của Denis-Armand Canal, Gall, édts de La Table Ronde, 2002.
  5.- Repenser la pensée (xem chú thích số 9)
  6.- ‘C’est avec du vieux qu’on fait du neuf’, trích dẫn bỡi Richard Sunder trong tác phẫm : ‘Avant le Big-Bang – La Relativité absolue et le modèle géométrique de la genèse du monde’ (trước Big-Bang - lý thuyết Tương đối tuyệt đối và mô thức có qui củ về căn nguyên vũ trụ), édits. Montorgueil, Paris 1992 trang 227. Ricard Sunder đã cùng với Bruno Daval, Daniel Daligand sáng lập ‘Hiệp Hội Pansémiotique và tạp chí Pan’ từ năm 1987, chủ trương thuyết Pansémiotique, theo đó, ‘tất cả trong vũ trụ là chỉ dấu mang chở ý nghĩa của chính vũ trụ ‘ ( faire connaître la pansémiotique, théorie selon laquelle, tout, dans le cosmos, est signe porteur du sens même du monde – trang cuối của tác phẫm). Trong tác phẫm nầy, tác giả lược qua những khám phá khoa học, Toán học từ Galilée, Newton đến thuyết ‘Tương đối’ của A. Einstein và thuyết ‘lượng tử’ của M. Planck cùng bao nhà khoa học tiếp theo, rồi kết hợp với Triết học và các huyền thoại Hy Lạp (Oedippe, Sisyphe,…) và trong Sáng Thế ký, đưa đến thuyết ‘Tương đối tuyệt đối’, cho rằng Vũ trụ ‘có một ý nghĩa, một mục đích, một lộ trình’. Tác phẫm khá khó hiểu với người viết vì khả năng kiến thức khoa học chúng tôi quá ít. Tuy không hiểu mấy nhưng nhiều đoạn trong tác phẫm nầy cũng giúp thêm suy tư cho nguời viết.
   7.- Viết về Phật giáo và Ki-Tô giáo, người viết luôn phân vân và đắn đo, chưa hẳn do ngại mọi ý kiến của mình sai lạc mà chính do e ngại những tranh luận giữa giáo lý Ðức Thích Ca và Chúa Jésus từ lâu nay giữa hai Tôn giáo từ hàng giáo phẫm, tu sĩ , học giả, soạn giả đến hàng ngũ tín đồ mỗi bên. Tranh luận nhưng cũng hàm ý (hoặc đưa đến) tranh chấp, kỳ thị nhiều khi bằng những lời lẽ vô cùng thô tục, đốn mạt. Người viết chúng tôi tin cả Thích Ca và Jésus, theo cả Phật giáo và Ki-Tô giáo (măc dù chẩng là tín đồ thuần thành thuộc Giáo Hội nào) nhưng không ‘trụ’ bên nào để nhìn bên kia. [Ðôi lúc ngu ngơ, chúng tôi có ý nghĩ rằng biết đâu Chúa Jésus chẳng là ‘hậu thân, hậu kiếp’ của Như Lai Thể, do kết tụ của a-tăng-kỳ-kiếp Phật tính để đản sinh nơi cõi hồng trần 600 năm sau. Và biết đâu, Ðức Thích Ca chẳng đã là ‘con độc sanh’ của Thượng Ðế ở phía bên nầy địa cầu trước Jésus những 600 năm (Chỉ riêng những dòng nầy cũng có thể gây bất mãn hay chống đối của người Phật giáo và Ki-Tô giáo đối với người viết. Một số người quen biết người viết đã từng ‘phàn nàn’ người viết sao cứ đem lời Phật, lời Chúa cùng lúc với nhau). Rồi người viết chúng tôi ‘hình dung’ cuộc gặp gỡ giữa hai Ngài một lần nào đó từ nghìn nghìn năm trước rồi chia tay nhau, mỗi Ngài một hướng (‘quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần’ -lời thơ xưa) mang thông điệp của Thể Chân Như hay của Thượng Ðế đến rao giảng cho thế gian bên nầy và bên kia thế giới .. Xin mượn lời thơ tình để miêu tả :
       Gặp nhau một chuyến đò ngang
       Em qua bên đó, Anh sang bên nầy
       Ðất Trời hai ngả Ðông, Tây
       Ta xoay hướng lại cho ngay đường tình !

         nguyễn thùy
Sở dĩ trong sách nầy cũng như trong mọi sáng tác khác, chúng tôi luôn đem lời Phật, lời Chúa đi đôi với nhau vì chúng tôi nhận ra cái ‘cốt tủy’ của tư tưởng hai Ngài chi là ‘một’, đấy là ‘diễn trình tiến hóa của nhân sinh theo vận hành của Lẽ Ðạo’. Trình bày điều nầy, người viết chúng tôi mong giúp tránh được những ngộ nhận, những ‘kèn cựa’, tranh chấp giữa hai Tôn giáo, hy vọng có thể đưa đến một ‘đoàn kết’ rộng lớn của dân tộc hầu sớm thoát khỏi cái ‘đại nạn’ của đất nước, dân tộc và đại nạn của đạo pháp hiện nay. Mong rằng ‘thiện chí’ nầy được độc giả ưu ái nhận cho.
   8.- Một đôi sách về mặt tư tưởng (ngoài thơ và truyện) được viết lén lút tại Sài-Gòn dưới chế độ Cộng sản :
-Ngụ ngôn – Trùng ngôn (tiểu luận)
-Nhân loại mới : từ Nhất Thể khởi nguyên đến Nhất Thể hồi phục (tập 1 và 2). (Một số trích dẫn từ hai tập ‘Nhân Loại Mới,…’ nầy, người viết chỉ ghi tên tác giả mà không ghi rõ ‘nhà xuất bản’ cùng ‘năm xuất bản’ ; lúc vượt biên, không thể mang theo các sách tham khảo đó nên không thể bổ túc ; xin độc giả vui lòng lượng thứ cho điều sơ suất nầy).
-Đoạn Trường Tân Thanh : Tiếng Vui Trong Lời Buồn cùng hai quyển được viết tại hải ngoại : ‘Hành trình vào Nhất Thể’ (hay ‘Tôi hiểu Chúa, Tôi hiểu Phật’) . Những quyển trên và một số Thơ, Truyện đều do Nhà Xuất Bản Mékong Tỵ nạn của anh Trần Minh Xuân ấn hành, và cùng ký tên chung là Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân, ngoại trừ quyển ‘Trùng ngôn - Ngụ ngôn’. .
  9.- ‘Requestionner la question questionnée par Platon et Aristote –en un mot : par la philosophie occidentale- cela veut dire tout autre chose, à savoir : la questionner plus originellement que ces penseurs. Tel est, en effet, dans l’histoire de tout ce qui est essentiel, le privilège mais aussi la responsabilité des descendants : il leur faut être les meurtriers de leurs devanciers et se soumettre eux-mêmes au destin d’un meurtre nécessaire’ – M ; Heidegger : ‘Vom wesen der menschlichen freiheit ; Engleitung in die philosophie’, (bản dịch Pháp ngữ: ‘De l’essence de la Liberté humaine – Introduction à la Philosophie’ của Emmanuel Martineau, nrf, Gall. Paris 1987, trang 28) : ‘Tra vấn lại vấn đề đã được tra vấn bỡi Platon và Aristote –tóm lại là bỡi triết học phương Tây- điều nầy có nghĩa khác với trước nay, nên biết là tra vấn lại vấn đề một cách căn để hơn các nhà tư tưởng đó. Ðấy là điều mà trong lịch sử của tất cả những gì thiết cốt, là cái đặc quyền đồng thời là trách nhiệm của lớp người hậu duệ : chúng phải là những kẻ tàn phá, những hung thủ của lớp người đi trước và chính chúng cũng phải tự đặt mình vào vận số của một sát hại cần thiết’.
  10) ‘L’espérance est lâcheté’, O.Spengler, bản dịch tiếng Pháp ‘L’Homme et la Technique’, coll. Idées, Paris 1938.
  11) ‘Par l’appel, en une lointaine Origine, une terre natale nous est rendue’ – M.Heidegger, bản dịch Pháp ngữ của André Préau, xin xem ‘Questions III, Gall. 1966. Theo Bùi Giáng, câu Ðức ngữ nên được dịch sang tiếng Pháp là : ‘Par l’appel, une terre natale nous est rendue originellement’ và xin dịch sang tiếng Việt: ‘Bỡi tiếng gọi, một miền cố quận được quy hoàn cho chúng ta nguyên thể’.




VVM.01.6.2024-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .