Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


TÁNH LÀ GÌ ?
LIÊN QUAN THẾ NÀO ĐẾN
CON ĐƯỜNG TU PHẬT ?

  


K hông biết việc tu hành thời xa xưa cấm kỵ như thế nào đó mà Chư vị đi trước dù biết rằng người muốn tu hành thành công là phải THẤY TÁNH, nhưng không thể chỉ thẳng mà lại nói vòng quanh đến độ nhiều người hiểu lầm, để rồi Ngài Vô Môn bên Thiền Tông, Khai Công Án chữ VÔ lại thấy mình đã Chứng đắc, đã Thấy Tánh, còn viết thành sách để quảng bá ! Đã vậy, Chư Tổ và Kinh sách đôi khi dùng những từ khác nhau để chỉ nó, làm cho người đọc rối mù : Khi thì gọi là TÂM. Lúc gọi là BỔN TÁNH, CHÂN TÂM, BỔN THỂ TÂM, khi gọi là CHÂN NGÃ. CHÂN TÁNH, CÁI THỨC, CÁI BIẾT, và còn cho rằng người vào tu Phật dù làm Lục Độ, Vạn Hạnh, giữ bao nhiêu Giới đi nữa mà không THẤY TÁNH thì chưa thể gọi là chính thức bước vào con đường tu hành.

Trong Kinh LĂNG NGHIÊM, khi Ngài A Nan cho rằng “Cái suy nghĩ, phân biệt là Tâm” thì Phật cho đó chỉ là vọng tưởng, và cho rằng “vì Ngài lấy vọng tưởng làm Tâm, cho nên nhiều kiếp trầm luân” . A Nan đã bạch Phật :

Bạch Thế Tôn. “Con vì thương Phật nên mới Xuất Gia, thì con cũng dùng cái Tâm này thương Phật. Con phụng thờ các Đức Phật trong mười phương và làm tất cả các điều công đức cũng dùng cái Tâm này. Dầu cho con có làm các điều tội lỗi, hủy báng phật Pháp, đọa vào địa ngục đi nữa thì con cũng dùng cái Tâm này. Ngày nay Đức Phật nói “nó” không phải là Tâm của con. Như thế thành ra con không có tâm thì con đồng với cây, đá rồi !

Chư Cổ Đức dạy : “Kiến Tánh khởi tu”, hay “Thấy Tánh thành Phật”. Có nghĩa là phải qua giai đoạn THẤY TÁNH rồi sau đó mới có thể hoàn tất công việc tu hành. Đạo Phật đã mở ra mấy ngàn năm rồi, bổn phận người tu là phải hiểu, phải Thấy nó. Vậy TÁNH là gì ?

TÁNH là PHẦN VÔ TƯỚNG, cũng ở trong cái THÂN HỮU TƯỚNG mà mỗi người đều có. Nó chính là chủ nhân đã điều khiển mọi họat động của Cái THÂN của mỗi người từ vô lượng kiếp đến nay, dù được Chư Tổ gọi bằng nhiều cái tên khác nhau nhưng cũng chỉ là Nó.

Nói về sự quan trọng của TÁNH (cũng có nghĩa là TÂM), Ngũ Tổ dạy : “Nếu không thấy Tâm thì học Pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình thì gọi là trượng phu, là Phật, thầy cõi trời và cõi người vậy”.

Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Trong ba cõi lấy Tâm làm chủ. Người Quán được Tâm được giải thoát cứu cánh. Người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh. Tâm sinh ra pháp Thiện, Ác, Năm thú, (Người, trời, Ngục, Quỷ, Súc) . Bậc hữu học, Bậc vô học, Bậc Độc Giác, Bậc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian. Bởi nhân duyên ấy, Ba cõi duy Tâm. “Tâm” là “Địa”. Hết thảy phàm phu thân cận bạn lành, nghe pháp Tâm Địa, như lý quán sát, như nói tu hành, mình làm, dạy người, khen ngợi, khuyên gắng, đón mừng, những người như thế sẽ dứt được hai chướng, mau trọn muôn hạnh và chóng được Vô Thượng Chánh Giác”.

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT khi có người hỏi :

HỎI : Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu ?

Tổ Đáp : Chỉ một Pháp QUÁN TÂM thâu nhiếp các pháp mới là cực kỳ tỉnh yếu.

HỎI : Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được ?

Đáp : TÂM là gốc của muôn pháp. Tất cả các Pháp duy một TÂM sanh. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ nhánh trái bông, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra. Nếu chặt gốc ắt cây chết.

Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tỉnh lực, nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích”.

Trước khi Truyền Y Bát, Ngũ Tổ đã kêu các môn nhơn tề tựu và thông báo : “Các ngươi hãy về, mỗi người xem Trí Huệ của mình, lấy Tánh Bát Nhã của Bổn Tâm mình làm một bài Kệ trình cho ta xem. Nếu ai hiểu rõ đại ý, ta sẽ truyền Y Pháp cho mà làm Tổ Thứ Sáu. Nếu để tâm suy nghĩ độ lượng ắt chẳng hạp dùng. Phàm người Thấy Tánh, khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền. Nếu được như thế thì dầu hươi đao ra trận cũng đặng thấy Tánh”.

Tức là người muốn được Truyền Y Bát thì phải THẤY TÁNH. Qua đó, ta thấy : dù là Tổ hay Kinh xuất phát từ nhiều đời khác nhau cũng đều nhấn mạnh đến TÂM hay TÁNH, cho là đó là GỐC của vạn pháp, và cho rằng :”Trời, Người, Ngạ Quỷ, Súc Sanh kể cả Chư Phật, Như Lai cũng đều từ đó mà sinh ra” . Do đó, người tu phải THẤY CÁI TÂM thì mới Giải Thoát được, vì GÚT ở đâu thì phải mở ở đó.

Muốn THẤY TÂM lại phải QUÁN CÁI TÂM. Kinh Tâm Địa Quán viết : “Người Quán được Cái TÂM thì được Giải Thoát cứu cánh. Người không QUÁN ĐƯỢC CÁI TÂM thì ở mãi trong triền phược”.

TÂM hay TÁNH là gì ? Tại sao người tu Phật cần phải ThẤy nó ? Tại sao phải Quán mới thấy được nó ?

Mục đích tu hành theo Đạo Phật là để THOÁT KHỔ, thoát SINH TỬ. Người muốn Thoát Sinh Tử phải biết điều gì đã làm ra Sinh Tử. Chính CÁI TÂM hay TÁNH, lúc còn MÊ, là đầu mối, là nguyên nhân tạo ra những cái KHỔ, SINH TỬ. Nhưng vì nó vô Tướng, nên người tu Phật khó nhận diện được nó cũng như chỗ ở của nó. Do đó, phải Quán, tức là soi xét, tìm cho được nó. Gặp nó rồi thì sửa chữa nó, gọi là TU TÂM thì mới Thoát Khổ được.

Do Nó không Có Tướng và ngày xưa, khi ngôn ngữ còn hạn chế, Tổ ĐẠT MA đã tả :

Tâm, Tâm, Tâm

Khó nổi tầm

Tung ra bao trùm khắp pháp giới.

Thu lại không đầy mũi kim.

Tuy nhỏ như thế, nhưng :

Chúng sinh cầu Thấy TÁNH

Kính Phật chớ phụ Tâm

Đốn ngộ Tâm Bình đẳng

Dứt hai bên mê lầm….

Thế nào là “Hai bên mê lầm” ?

Lúc còn phàm phu thì mọi người cho rằng các Pháp là Thật, là CÓ. Vào tu hành, quán sát các Pháp thấy cuối cùng nó trở về KHÔNG thì cho rằng Các Pháp là KHÔNG. Thật ra Các Pháp không phải CÓ, không phải KHÔNG mà chỉ là TẠM CÓ theo sự tồn tại của Cái Thân của ta mà thôi. Khi ta mất rồi thì các Pháp đâu còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa.

Tóm lại, TÂM hay TÁNH là cái mà người tu Phật buộc phải Tìm, phải Thấy. Nếu không, thì bao nhiêu công phu tu hành cũng như “gãi ngứa ngoài giày mà thôi”.

Trong số các Kinh ĐẠI THỪA thì có Kinh HIỂN THỨC tả rõ về CÁI TÁNH, và sự luân chuyển của nó.

- Thức là chủ của Thân, khắp lưu hành trong thân thể. Thân thể có chỗ động tác đều là do Thức.

- “ Hiền Hộ ! Thân chúng sanh chết, THỨC đem Thọ, Niệm Chấp thủ đi đến nơi khác, do cha mẹ làm nhân duyên mà THỨC gá vào. Thọ, Niệm,

Chấp Thủ đều tùy theo THỨC cũng lại gá vào”.

- “Cũng vậy, THỨC của người chết lìa bỏ Thân và cảnh giới, do vì Niệm lực mà nhận biết rằng : Việc truớc kia ta làm cũng như ta ngày nay. Một người nào đó lúc còn sống tạo Ác Nghiệp đến lúc sắp chết đều hiện ra, ghi nhớ rõ ràng, Thân và Tâm cả hai đều chịu bức bách”.

- “THỨC nghĩa là hột giống hay sanh ra muôn loài, là mầm mống của nhiều báo thân”.

- “Tri, Giác, Tưởng, Niệm đồng gói ở trong THỨC. Biết Khổ, Biết vui, biết lành, biết dữ và cảnh giới lành, dữ, cho nên gọi là THỨC”.

- “Hiền Hộ ! Ông phải biết, đều là sức tác nghiệp làm ra. Nghiệp không hình tướng, chỉ do trí vận chuyển mà thôi.

- Cũng thế, bộ máy của Thân này là do sức của Thức làm ra sự nghiệp. Trời, Tiên, Người, A Tu La, Càn Thát Bà, Rồng, Quỷ Thần v.v.. các thứ Nghiệp thảy do nơi Thức. THỨC hay sanh ra thân hình, cũng như người thợ tạo ra bộ máy.

- THỨC TÂM không hình tướng mà khắp duy trì cả pháp giới đầy đủ trí lực cho đến có thể biết những sự việc đời trước.

- Hiền Hộ ! Thức bỏ thân này đi theo các nghiệp Thiện, Ác, đi thọ các báo thân khác cũng lại như vậy. Cũng như gió kia mang các mùi thơm thúi đi đến chỗ khác

- Hiền Hộ ! THỨC không có tay, chân, lóng, đốt, ngôn ngữ. Do trong pháp giới niệm lực mạnh lớn. Chúng sanh khi chết, Thức bỏ thân này, Thức cùng với Niệm lực làm ra hột giống đời vị lai”.

- Pháp Thiện và Ác nhiếp trì Thức cũng lại như vậy. Tùy theo chỗ nhiếp trì mà thành Thiện Ác, chuyển biến thọ báo thân”.

- Thức cũng lại như vậy. Do vì phước nghiệp mà được các thân trời, hưởng phước báo tốt đẹp. Hoặc bỏ thân trời do vì tạo Ác Nghiệp mà mắc báo thân nơi Địa Ngục lãnh thọ các khổ báo, xoay lăn dời đổi làm các thứ thân hình.

- Do Thức trì Thân mà Thân biết Khổ, biết Vui hoặc mập mạp, tươi sáng hay tiều tụy u tối và các hành vi : đi lại, động tịnh, nói cười, vui buồn.. Rõ ràng phải biết có Thức”.

- Nguyệt Thật ! Chúng sanh tùy theo Nghiệp mà được báo thân. Thức trôi lăn tương tục, mang hết Thân này đến Thân khác không dứt. Thời kỳ chấm dứt mạng chung, Thức xả bỏ Thân này theo Nghiệp mà đi thọ Thân khác.

- Thức được nuôi bằng Thiện Nghiệp khi hơi thở chấm dứt, bỏ báo thân này đi thọ báo thân khác rất vui, từ thân trời Phạm Thiên cho đến trời Hữu Đảnh, sanh vào trong đó cũng lại như vậy.

- Hiện tại mà được tôn quý, giàu sang tự tại thì phải biết đều là do dùng Phước Nghiệp nuôi Thức, nên Thân được phước báo.

- Thức dùng Tội, Nghiệp nuôi dưỡng cũng lại như vậy. Hoặc sanh chỗ bần cùng, hoặc sanh trong loài Ngạ Quỷ và các súc sanh, ăn các thứ dơ uế, các loài ác thú.

- Như thế, Thức nuôi bằng Thiện Nghiệp thì sanh trong trời, người. Thức nuôi bằng Ác Nghiệp thì sanh trong súc sanh, địa ngục v.v..

Qua tóm tắt một số đoạn Kinh trích dẫn. Ta thấy nói về NGHIỆP đối với Cái THỨC. Cái THỨC tuy vô tướng, nhưng nó được nuôi dưỡng bằng Nghiệp. Vì thế, khi Nhân Quả thể hiện thì nó phải mượn một Cái Thân Có Tướng để cho cái Nghiệp có chỗ mà Trả cho công bằng. Người hành Thiện Nghiệp thì được hưởng cuộc sống giàu sang, an nhàn. Người hành Ác Nghiệp thì phải đọa vào hoàn cảnh khổ sở, khó khăn. Đôi khi bản thân họ không biết vì sao, rồi trách trời Phật là bất công với mình, hoặc cho rằng đó là do Thượng Đế thử thách mình. Không ngờ tất cả đều do chính mình đã tạo ra. Vì thế, theo Luật Nhân Quả chí công thì chính mình phải trả Quả !

Tại sao đang nói TÂM, TÁNH, BỔN THỂ TÂM mà lại nói đến CÁI THỨC ?

THỨC tức là CÁI BIẾT, cũng là tên gọi khác của TÂM, TÁNH. Nó Vô Tướng, song hành cùng cái Thân của con người từ lúc chào đời, nhưng con người không hay biết nên không cần thắc mắc hay tìm hiểu về nó. Chỉ có người tu Phật là cần tìm nó, vì nó là nguyên nhân của mọi Khổ đau, Sinh Tử, Luân Hồi, thậm chí các Quả vị, cho đến Bồ Tát, Phật, Như Lai cũng đều từ CÁI TÂM mà ra.

Có nghĩa là khi còn là phàm phu thì Vô Minh, ngụp lặn trong Sinh Tử, cũng do Cái Tâm hay THỨC. Khi Hết Mê rồi thì tu hành, đạt Quả Vị lớn, nhỏ cũng do Cái Tâm hay Thức hành dụng mà ra.

Chính Đức Thích Ca, trong quá trình 49 ngày đêm THIỀN ĐỊNH để Tư Duy tìm thủ phạm đã gây ra Sinh Tử, Luân Hồi đã khám phá ra là tuy cái Thân tạo bao nhiêu Nghiệp, nhưng thủ phạm chính lại là Cái TÂM. Do nó còn MÊ nên Ngài gọi là CÁI VỌNG TÂM hay cái TÂM MÊ LẦM. Chính vì MÊ LẦM mà nó đã xây nên NGÔI NHÀ SINH TỬ, LUÂN HỒI.

CÁI TÂM MÊ đã Mê những gì ? Tại sao vì nó MÊ mà xây nên ngôi nhà Sinh Tử, Luân Hồi ?

Cái TÂM MÊ đã tưởng rằng cái xác Thân Tứ Đại giả hợp này là Nó. Vì thế nó đã ở trong đó mà tạo tác, mà Tham, Sân Si, tạo đủ thứ NGHIỆP rồi cũng chính vì Nghiệp nên phải Luân Hồi để TRẢ NGHIỆP.

Sau khi Đức Thích Ca là tìm ra được KẺ LÀM NHÀ, và cách thức để không chế nó thì Ngài đã xả Thiền và đứng dậy hân hoan tuyên bố : ” Ta lang thang trong vòng luân Hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ. Từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn, rui mè của ngươi cũng đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt được Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn giải Thoát”.

KẺ XÂY NHÀ là CÁI THỨC. Vật liệu Xây Nhà SINH TỬ của hắn là NGHỆP. Vì vậy, ngưng tạo Nghiệp là hắn không còn nguyên liệu để xây nhà. Thế là không còn Sinh, Tử, Khổ đau nữa.

Vậy thì CÁI TÂM MÊ đã XÂY NHÀ SINH TỬ như thế nào ?

Khổ đau, Sinh Tử Luân Hồi tác động trên cái THÂN, nên muốn Thoát Khổ phải hiểu rõ về Cái Thân.

Phân tích cái Thân, chúng ta sẽ thấy : Đó là một bộ phận rất hoàn chỉnh. Toàn bộ từ đầu đến chân được bao bọc bằng một bộ da. Bên trong gồm có Phổi , Tim, Hai quả Thận, Lá Lách, Bao Tử Ruột non, Ruột già, hệ thống gân đưa máu đi nuôi khắp cơ thể. Mỗi bộ phận theo chức năng của mình mà hoạt động, điều tiết để duy trì sự Sống cho cơ thể. Bộ da không phải bịt kín toàn thân, mà có những phần hở như mắt, mũi, tai, các bộ phận bài tiết. Quan trọng nhất là cái Đầu, nơi chứa bộ óc để suy nghĩ, tính toán, lèo lái cái Thân để có được những gì tốt nhất phục vụ cho cuộc sống. Ngoài bộ xương sống giữ thăng bằng cho cơ thể thì còn những bộ phận rất cần thiết là hai Tay để cầm nắm và hai Chân để đi lại.

Nhưng theo Đức Thích Ca và Chư vị Giác Ngộ thì Cái Thân tuy hoàn chỉnh như thế, nhưng nó chỉ là tổng hợp của những thứ vay mượn của Tứ Đại, không có chủ thể. Tự nó không thể hoạt động, mà được chỉ huy bởi một phần Vô Tướng, nhưng rất linh hoạt. Chính nó đã điều khiển từ ý nghĩ cho đến việc làm tốt hay xấu, Cái Thân và Lục Căn chỉ là tai sai của nó mà thôi. Đó là CÁI TÂM hay CÁI THỨC hay còn gọi là CÁI CHÂN TÂM, CHÂN TÁNH, CÁI TA THẬT.

Sự vận hành của CÁI BIẾT hay CÁI TÂM (THỨC) như sau :

Cái BIẾT (THỨC) rất là linh hoạt, tuy Vô Tướng, nhưng lại là bộ máy chính điều khiển cái THÂN. Ứng vào đâu thì ở đó mới hoạt động được. Ứng vào cái Thân thì mang lại SỰ SỐNG, CẢM XÚC cho cái Thân, làm cho Cái Thân BIẾT SỐNG. Ứng vào Mắt thì BIẾT THẤY, biết phân biệt màu sắc. Ứng vào TAI thì BIẾT NGHE, Biết phân biệt âm thanh trầm bỗng, du dương, dịu dàng hay chát chúa. Ứng vào MŨI thì phân biệt được MÙI. Ứng vào LƯỠI thì phân biệt VỊ. Ứng và DA thì cảm giác Nóng, Lạnh, êm ái, ngứa ngáy, đau xót…

Cái BIẾT bao trùm cái THÂN của con người. Đầu tiên khi mới chào đời thì nhờ BIẾT BÚ, BIẾT NUỐT, đứa bé mới đưa được sữa mẹ vô bao tử, rồi nhiệm vụ của bao tử là nghiền thức ăn rồi chắt lọc những chất bổ dưỡng để nuôi cái Thân ngày càng lớn lên. Lớn lên một chút, đứa bé cũng phải tập để BIẾT LẬT, BIẾT TRƯỜN, BIẾT BÒ…dần dà Đi, ĐỨNG, CHẠY NHẢY .. Cái NHẬN THỨC cũng theo cái THÂN mà trưởng thành. Biết học hỏi để mở mang nhiều thứ cho phù hợp với cuộc sống. Học cái gì thì BIẾT CÁI ĐÓ, không giới hạn. Học tới đâu thì Biết tới đó. Học chữ, học nghề, hoc đối nhân xử thế, học kinh doanh…CÁI BIẾT gắn liền với CÁI THÂN, nên thấy CÁI THÂN LÀ NÓ, rồi ở trong đó mà phản ứng với CÁC PHÁP ĐẾN VỚI CÁI THÂN, vì thấy là ĐẾN VỚI NÓ.

NÓ thấy VUI, hài lòng khi mọi điều được thuận lợi. Thấy BUỒN khi gặp nghịch pháp. Tức tối, sân si khi Cái THÂN bị tấn công hay xúc phạm. Nó học hỏi, làm mọi điều để mang lại cho cái Thân những điều thích ý, vừa lòng, tô điểm, trang hoàng, dùng mọi vật giá trị để phục vụ, củng cố cho cái Thân.

Cái THÂN và TÂM có ảnh hưởng đến nhau. Khi Cái Thân bệnh thì Cái TÂM cũng không còn nhạy bén. Ngược lại, Cái Thân khỏe mạnh thì cái TÂM cũng phấn chấn, sáng suốt. Chính vì vậy sau thời gian nhịn đói làm Cái Thân suy kiệt. Đức Thích Ca cũng nhận ra là : “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối” nên Ngài đã nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, sau đó Ngài Thiền Định suốt 49 ngày đêm và Đắc Đạo. Người tu Phật cũng được khuyên nên học hỏi trong lúc còn sức khỏe, đâu óc còn minh mẫn, không chờ lúc già, đầu óc lão hóa, suy nghĩ chậm chạp khó Tư Duy, Quán soi.

Nếu không có sự phát hiện của Đức Thích Ca thì con người tiếp tục lầm lủi sống, tạo Nghiệp rồi khi Cái Thân hết Nghiệp trả về với Tứ Đại lại theo Nhân Quả mà nhận một cái Thân mới, cứ thế triền miên trong vòng Sinh Tử Luân Hồi không có điểm dừng. Nếu không thức tỉnh thì chúng ta sẽ mãi mãi làm nô lệ cho cái Thân Giả để rồi Tạo Nghiệp vì nó. Nếu không sáng suốt thì có thể nó sẽ dắt ta bị đọa, mà một khi bị rớt vào Ba Đường Dưới (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh), thì cơ hội trở lại làm người rất khó. Chính vì vậy mà Đạo Phật ra đời là để cảnh tỉnh cho người tu phải tìm cho được nó.

Tuy nhiên, dù chấp nhận là có CÁI BIẾT ở trong Thân, nhưng làm sao để biết là mọi hoạt động không phải do Cái Thân, mà do CÁI BIẾT ? và lý do nào CÁI THÂN không phải là TA THẬT, mà CÁI THỨC mới chính là cái TA THẬT ?

Dù gọi tên không giống nhau, nhưng các Tôn Giáo đều cho rằng LINH HỒN hay Cái TÂM, hay cái TIỂU NGÃ, TIỂU LINH QUANG… không chết theo Cái Thân, mà sau khi rời cái Thân rồi thì nó sẽ bị phán xét hay luận tội để tùy theo những việc mà nó sai Cái Thân làm lúc sống mà được thưởng lên nước Thiên Đàng hay chịu đày xuống Địa Ngục hay nơi Luyện Tội. Chứng tỏ tất cả đều nhìn nhận có một cái TA vô hình, vô ảnh, đi chung với cái THÂN THỊT này, và đều cho rằng cái Thân THỊT này là Giả tạm, lúc nào đó nó sẽ phải hoàn về với tro bụi, vì gốc nó là bụi, tro. Cái TA THẬT không tan rả theo cái Thân này, và cũng chính vì nó trường tồn, nên Đạo Phật dạy chúng ta không nên tạo Ác Nghiệp để cái Thân sau không phải bị đọa, mà muốn không tạo Ác Nghiệp thì phải Chuyển Hóa hay tu sửa CÁI TÂM hay Cái Tánh, vì nó mới là Chủ Nhân điều khiển mọi việc làm của Cái Thân.

Theo Đạo PHẬT, cuộc sống hiện tại là QUẢ của kiếp trước, và là NHÂN cho kiếp tới. Tùy theo cách sống mà mọi người sẽ thiên về Một trong Sáu Đường, gọi là Lục Đạo :

SÁU ĐƯỜNG gồm : ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SANH, NHÂN, THIÊN và A TU La

Trong Sáu Đường thì Địa Ngục bị đày đọa, lúc nào cũng khổ sở.

Ngạ Quỷ thì lúc nào cũng bị cảnh đói khát, thiếu thốn hành hạ.

Cõi Thiên thì quá sung sướng, đầy đủ, được hưởng phước báo.

A Tu La là những vị thần cũng có nhiều phước, nhưng ham hơn thua, đấu tranh.

Trong cõi NHÂN cũng có đủ Sáu Đường. Người luôn bị cảnh Khổ vùi dập hay lâm vào những cơn bịnh mà lúc nào cũng bị đau đớn hành hạ thì xem như đang ở trong Địa ngục, gọi là Nhân Địa Ngục.

Cũng là con người, nhưng nghèo cùng, khốn khổ, thiếu ăn, thiếu mặc hay bị cơn bệnh nào đó làm cho không ăn uống được dù rất đói, khát. Đó là người rớt vào Nghiệp Ngạ Quỷ.

Là con người nhưng đầu óc lúc nào cũng thấp kém, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ, không nghĩ được đều gì cao cả, chỉ ưa những thú vui thấp hèn, không sống được như một con người thì đó gọi là Nhân Súc Sinh.

Là con người với đầy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiền hòa, trung thực, biết kính trên, nhường dưới, yêu thương giúp đỡ mọi người, đó là NHÂN NHÂN.

Được cuộc sống thanh nhàn, đầy đủ. Thích những chuyện thanh cao, hướng thiện, thì đó là NHÂN THIÊN.

Cũng có đầy đủ phước báo, được sung túc, nhưng ham hơn thua, đấu tranh, dễ nóng nảy gọi là Nhân A Tu La.

Theo Phật dạy, thì chỉ có đường NHÂN, tức là được làm con người. Cuộc sống có vui, buồn, sướng, khổ, có đầu óc biết suy nghĩ, biết nhận thức, muốn tiến đến bậc cao hơn, thì chỉ có con người thì mới có thể bằng những việc làm để thay đổi Nghiệp Quả được. Còn những đường kia hoặc quá đau khổ thì không làm sao suy nghĩ được điều gì tốt đẹp hay quá sung sướng thì không muốn thay đổi, do đó khó thể tu hành Giải Thoát được.

Tại sao cần phải THẤY TÁNH hay BỔN THỂ TÂM ? Cái THẤY đó giúp ích gì cho cuộc sống, cho con đường tu hành ?

Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, CÁI TÁNH quen sống với cái THÂN. Khi được khen tặng, ca tụng, được những điều như ý thì thấy thích. Bị gai đâm, lửa đốt thì thấy đau. Bị người khác chê bai, chỉ trích thì thấy bị xúc phạm. Rõ ràng nó đã sống theo cảm xúc của cái THÂN và nghĩ đó là MÌNH hay TA. Nhưng kiếp sống của Cái Thân mỗi con người chỉ chừng một trăm năm là kết thúc. Nhưng vì cả kiếp sống với Cái Thân, nên lúc biết Cái Thân sắp ra đi, thì nó mới hốt hoảng, vì không biết điều gì sẽ xảy đến, nhất là phải rời bỏ cái Thân là nơi sống với nó suốt bao nhiêu năm, vui, buồn, sướng, khổ với nó. Cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng là cái TÁNH rời bỏ thân xác, để lại cái Thân nằm bất động chỉ chờ giờ tan rả, hoàn về cát bụi.

Chúng ta có thể nhận biết điều này qua quan sát một xác chết. Rõ ràng cái Thân vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận, nhưng không còn hoạt động gì được nữa, vì CÁI TÂM tức là Cái BIẾT SỐNG đã rời đi rồi. Như thế, rõ ràng, khi CÁI BIẾT không còn điểu khiển nữa thì Cái Thân chỉ còn là đống Tứ Đại chờ giờ tan rả mà thôi.

Điều quan trọng là không phải “Chết là hết”, vì cái Chết chỉ là kết thúc đối với cái Thân Tứ Đại mà thôi. CÁI CHÂN TÁNH thì Thường Còn, không chết, mà nó sẽ nhận lấy một cái THÂN mới tương ưng với những gì đã làm trong lúc sinh thời, gọi là THÂN NGHIỆP. Tức là Cái Thân mới là để Trả những NGHIỆP xấu mà Thân trước đã làm, hay NHẬN lấy sự tốt đẹp do làm những điều tốt đẹp khi còn ở trong Thân cũ.

Theo Đạo Phật. Cái TÁNH với CÁI THÂN cũng giống như con Ốc MƯỢN HỒN mà ta vẫn thấy trên bãi biển. Cái THÂN chỉ cái Vỏ ỐC, trong đó là một con khác, chui vô sống trong đó. Nó điều khiển cái Vỏ ốc bò tới bò lui, nên nó nghĩ nó là CÁI VỎ ỐC đó. Tới lúc bí quá, nó chui ra, thì cái Vỏ ốc nằm bất động, không lui tới gì được nữa thì nó mới biết rằng nó và cái VỎ ỐC không dính dáng gì tới nhau ! Chỉ là hiểu lầm mà thôi.

CÁI TÁNH của con người cũng vậy. Do Nghiệp Quả đã gây tạo mà nó nhận lấy Cái Thân này để Trả NGHIỆP. Cái Thân này hoạt động, tới lui là do CÁI TÁNH điều khiển, nên nó cứ tưởng CÁI THÂN chính là nó. Những người không được sự hướng dẫn của Đạo Phật thì vẫn cứ sống với Cái Thân giả tạm, vui, buồn, sướng, khổ, được, mất với nó, nên cho đó là MÌNH. Rồi cũng vì thấy cái Thân là MÌNH, nên tạo đủ thứ Nghiệp để phục vụ cho nó. Không biết rằng đến lúc nào đó, Cái Thân cũ hết Nghiệp thi sẽ chia tay, CÁI TÁNH sẽ phải nhận lấy một Cái THÂN mới tương ưng với những cái Nghiệp do thời gian vừa ở trong đó để TRẢ NGHIỆP cũ, vừa TẠO NGHIỆP MỚI, vòng quay Luân Hồi lại tiếp tục…

CÁI TÁNH thì Vô Tướng, nhưng vì nó tác động để cái Thân Hữu Tướng tạo nghiệp nên nó phải gánh chịu những Vui, Buồn, Sướng Khổ liên quan đến Cái Thân, vì thật ra Cái Thân chỉ là đống Tứ Đại. Cảm xúc, vui hay Khổ là do CÁI TÁNH thọ nhận mà thôi, nên chính nó phải nhận lại cái Quả của mình đã gây tạo, bởi vì Cái Biết đi rồi thì Cái Thân không còn cảm xúc. Vì thế, muốn chuyển đổi Nghiệp thì chuyển hóa cái BIẾT hay Cái Tâm, không phải là Cái Thân.

Tại sao phải Chuyển Hóa Cái TÂM mà không phải là Chuyển hóa Cái Thân ?

Cái Thân là một tổng hợp vay mượn của Tứ Đại cho NHÂN QUẢ vay trả với nhau. Nó không có chủ thể. Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN ví Cái TÂM là con bò và CÁI THÂN như cái xe. Khi Nghiệp chưa hết, cái xe hư, thì chủ nhân sẽ thay cái xe khác cho con bò kéo tiếp. Vì thế, muốn chuyển đổi NGHIỆP thì phải chuyển hóa con bò, không phải là cái Xe. Tức là sửa đổi CÁI TÁNH BIẾT từ Mê Lầm trở về với Cái Tánh Biết sáng suốt.

Có phải khi quán sát, phân tích và thấy được CÁI TÁNH như thế là đã Thấy Tánh và kết thúc con đường tu Phật ?

Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :

PHẬT TÁNH TUY SẴN CÓ

PHẢI TU MỚI HIỂN HIỆN

CŨNG NHƯ VÀNG SẴN CÓ

PHẢI LỌC QUẶNG MỚI THÀNH

Tức là PHẬT TÁNH dù đang có sẵn, nhưng như vàng còn đang nằm trong quặng, phải lọc quặng mới lấy được vàng. Công việc tu hành tức là lọc quặng. Quặng đó là Phiền não, là Tham Sân Si, Nghi, mạn, là những thứ mà Phật gọi là Chúng Sinh. Vì thế mới có CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH. Người tu hành sau khi THẤY TÁNH, phân biệt đâu là CHÂN, đâu là VỌNG thì Chuyển VỌNG thành CHÂN. Chuyển Phiền Não thành BỒ ĐỀ. Mỗi người phải tự làm Bồ Tát để cứu độ Chúng Sinh của mình, chuyển nó từ Chúng Sinh đầy phiền não thành Phật. Chính vì vậy mà phải Tu tập, không phải chỉ cần Thấy Tánh là đã Thành Phật ngay được.

Chư Cổ Đức dạy : “Kiến Tánh khởi tu”, tức là sau khi Thấy được Cái Tánh rồi thì còn phải chuyển hóa nó,để nó quay về sống đúng với tính chất của nó. “Bồ Đề bổn vô thọ” mà trước kia, khi tưởng CÁI THÂN giả tạm là mình thì nó đã Thọ đủ thứ. Nào là Tham, Sân, Si, đố kỵ, ganh tỵ, tranh hơn tranh thua để phục vụ cho Cái Thân. Khi đã biết Cái Thân chỉ là cái Giả thì không còn tìm mọi cách để cung phụng cho nó nữa, vì dù có cung phụng cho nó cỡ nào, cho ở nhà lầu, đi xe hơi, ngủ phòng máy lạnh, lên xe xuống ngựa thì lúc nào đó nó cũng Già, Bệnh rồi Chết, chẳng chút biết ơn người đã cung phụng cho nó !

Thật vậy, dù khi chưa biết đến Con Đường tu hành Giải Thoát, thì vì Cái Thân chúng ta đã tạo biết bao nhiêu việc xấu. Nào là hơn thua, tranh giành Danh, Lợi, tài, lộc.. Những người tâm địa xấu đôi khi còn thủ đoạn để hại người để được lợi về phần mình.

Người không theo hướng dẫn của Đạo Phật thì đợi đến khi Cái Thân hết kiếp mới nhận ra nó không phải là MÌNH thì đã muộn. Cả kiếp sống đã vì nó mà gieo bao nhiêu tội, Nghiệp nên khi nó hết Nghiệp mà trả về cho Tứ Đại thì lại phải tiếp tục trôi lăn, tức là Luân Hồi để trả. Người tin theo Đạo Phật để Quán Sát, Tư duy thì hiểu rằng : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tức là cái Thân này nó là một pháp Có Tướng thì ngày nào đó nó sẽ đi vào hư hoại, để không bám vào cái Thân, mà lo chuyển hóa cái Tâm. Biến cái Tâm Mê Lầm trở thành Chân Tâm, thành Cái Tâm Sáng suốt. Sửa cái Tánh thành Phật Tánh, tức là Cái Tánh Giải Thoát rồi kiên trì hành theo từng pháp để tháo gỡ, vì đã sống bám lấy cái Thân quá lâu, không dễ một sớm một chiều là có thể thay đổi ngay và không phải chỉ cần Thấy Tánh là đã được Giải Thoát ngay.

Khi còn phàm phu thì chính cái Thân này đã tạo bao nhiêu nghiệp chướng. Lúc ý thức quay vào tu hành thì chính nó là trợ thủ đắc lực, là phương tiện cho người tu hành, dùng nó để bơi qua biển Sanh Tử. Cũng nhờ có sự trợ giúp của cái Thân mà người tu có thể tìm thầy để học Đạo. Nhờ có Mắt mới đọc được kinh Sách. Có Tai để nghe thuyết giảng. Có trí óc phân biệt để biết điều nào nên làm, điều nào không cần thiết, phương pháp nào hữu hiệu nhất gọi là “Đốn Giáo” đi thẳng vào Tâm, tìm nó để tu sửa, không phải vòng vèo mất cả thời gian quý báo của kiếp sống hữu hạn.

Nhiều người nghĩ rằng tu Phật là phải đầy đủ hình tướng, phải vô Chùa, cạo tóc, đắp Y, giữ hàng mấy trăm Giới. Trong Khi đó, Kinh LĂNG NGHIÊM Phật giảng cho Ông Phú Lâu Na : “ Nầy Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh chỉ cần đừng khởi Vọng niệm phân biệt thì Tham, Sân, Si ba nhơn không khởi. Ba duyên không khởi thì Sát, Đạo, Dâm ba nhơn chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong Tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề. Khi ấy Chơn Tâm thanh tịnh sáng suốt khắp cả pháp giới của ông tự hiện bày, không phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả”.

Rõ hơn nữa là Bài Kệ trong Kinh VIÊN GIÁC :

“NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT

CÙNG VỚI THAM SÂN SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”.

“Thành Phật” chỉ là thành tựu con đường Thoát Khổ cho bản thân, mỗi người đều phải tự tu hành để Giải Thoát nên gọi là Tự Độ. Không phải là thành một vị Thần Linh có quyền cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế giới như nhiều người đã hiểu lầm rồi cầu xin Đức Thích Ca và Chư Phật Chư Bồ Tát phù hộ độ trì như từ xưa đến nay. Các Ngài hoàn toàn không có khả năng đó.

Tu Phật cũng không phải là để chê cuộc đời là bể khổ, là ô trược, trái lại chúng ta phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cái Thân, vì nhờ nó ta mới có được phương tiện mà tu hành. Phật dạy “Nhân thân nan đắc”. Được làm người, có được cái thân hoàn chỉnh không phải là điều dễ dàng, ta phải cảm ơn thân trước của mình, vì Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết là “số người chết rồi được trở lại làm người chỉ như chút đất dính trên đầu móng tay so với đất trên trái đất” thì ta biết hẳn kiếp trước ta đã tạo nhiều Thiện Nghiệp nên mới được trở lại làm con người để mà lo tu hành tinh tấn hơn.

Hơn nữa, việc tu hành cũng không quá khó khăn đến không thể làm được. Giữ Giới chỉ là “những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm với người khác” . Ta không muốn ai tướt đoạt mạng sống của mình thì cũng đừng giết những loài biết sống (SÁT). Của ta, ta không muốn người khác xâm phạm thì cũng đừng xâm phạm của người (ĐẠO). Vợ con mình không muốn ai xâm phạm thì cũng đừng xâm phạm vợ con người (DÂM). Muốn lời nói của mình được người khác tin thì đừng VỌNG NGỮ. Đừng rượu chè say sưa làm mất nhân cách. Như thế có gì mà không giữ nổi ? Tất cả chỉ là NHÂN QUẢ mà thôi. Gieo Nhân Thiện thì đương nhiên sẽ gặt Quả lành, không cần cầu xin Phật nào phù hộ cho. Phật cũng đâu có quyền năng để phù hộ cho ai ?

Đạo Phật không buộc người tu phải Tin, trái lại khuyên phải Tư Duy và Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : “Dù có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nhưng nếu không Tu Duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Phải Tư Duy để thấy cái Lý, sau đó áp dụng Lý đó vào Sự. Lý Sự viên dung thỉ mới hoàn tất con đường tu hành.

Mỗi người chúng ta có hai con đường để lựa chọn :

1/- Ai cũng biết rằng Cái Thân là giả tạm, chừng một trăm năm rồi đi vào hoại diệt. Ai rồi cũng phải Chết. Nhưng nếu chúng ta không nghĩ gì xa xôi. Cứ cho rằng Mình chính là Cái Thân này. Cuộc sống là thật, rồi lao vào đó Tham, Sân, Si, yêu thương, thù hận…dùng mọi thủ đoạn để tranh giành với nhau những món vật chất của trần gian để thụ hưởng. Nhưng đến lúc cái Thân hết Nghiệp trả về cho Tứ Đại, mà Nhân Quả lại không mất nên lại phải tiếp tục luân lưu trong vòng Luân Hồi.

2/- Nhờ hướng dẫn của Đạo Phật mà Quán, Soi, Tư Duy để biết rằng Cái Mình Thật là CÁI CHÂN TÁNH đang song hành cùng Cái Thân. Bản Thể Tâm của mình là trường tồn, là Vô Tướng, không phải là cái Thân Giả Tạm này, thì không còn theo mọi đòi hỏi của Cái Thân nữa, mà điều khiển nó và vẫn tiếp tục cuộc sống thuận theo cuộc đời. Sống nhưng không đắm đuối với nó như trước kia. Biết cuộc đời chỉ kéo dài theo Cái Thân nên Ở trong Thân rồi dùng nó để tu hành, biến Giả thành CHÂN. Cả kiếp sống không rời GIỚI ĐINH HUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO, để từ ý tưởng, lời nói cho đến hành động đều Chân Chánh. Không xâm phạm của ai nên cũng không ai xâm phạm đến mình. Cuộc sống hiền hòa, biết kính trên, nhường dưới, thì trong gia đình và giao tiếp ngoài xã hội cũng hòa thuận. Như thế thì cả cuộc đời sẽ được an vui, gọi là Niết Bàn tại thế hay Hữu Dư Y Niết Bàn. Khi cái Thân hết kiếp thì sẽ có kiếp sống mới tốt đẹp hơn do không tạo Ác Nghiệp. Đó là những gi Đạo Phật muốn mang lại cho con người.

Đạo Phật cũng không hề mong muốn người tu hành tách ra thành một khối riêng, xa lánh trần gian để chuyên tu, bỏ hết việc đời. Đã không đóng góp gì cho đời mà lại lợi dụng việc tu hành bắt bá tánh cất Chùa to cho mình ở rồi còn phải cung dưỡng cho mình chỉ để mình dành hết thì giờ tụng kinh, niệm Phật, học Pháp !

Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”, tức là mọi người đều có chủng tử Giải Thoát, chỉ cần bằng những việc làm mà Đạo Phật hướng dẫn để khai mở và hoàn tất công việc Giải Thoát bằng quy trình rất rõ ràng : GIỚI ĐỊNH HUỆ- VĂN TƯ TU và sống theo BÁT CHÁNH ĐẠO, không cần bất cứ hình tướng nào. Bởi vì Phật cho rằng con người được sinh ra từ trần gian, được gia đình và cuộc đời che chở cho bình an, trưởng thành thì có trách nhiệm phải báo đáp bằng TỨ TRỌNG ÂN. Trong đó Ân cha mẹ đứng hàng đầu, vì không có cha mẹ sinh ra thì không có mình. Đã vậy cha mẹ còn dưỡng dục, giữ gìn che chở cho mình cho tới lúc trưởng thành. Không có cha mẹ thì mình khó thể tồn tại. Ân Đất Nước đã che chở, bảo vệ. Ân Xã hội, trong đó đủ mọi thành phần đã chung tay cung cấp đủ các thứ để nuôi thân mạng cho ta. Ân của những người Thầy đã dạy dỗ. Ân Phật đã chỉ cho ta con đường Thoát Khổ và Ân của chúng sinh đã hỗ trợ cho ta. Bổn phận người tu là phải đem hết khả năng của mình để báo đền những Ân lớn đó, bằng cách đóng góp trí tuệ, công sức làm cho cuộc đời thêm tốt đẹp. Nếu bỏ hết mọi việc, không đền TỨ ÂN thì sao cho là thực hiện lời Phật dạy ?

Những người tách rời trần thế để vô Chùa, tưởng là hy sinh cuộc đời để phụng sự Đạo Pháp lại bị Lục Tổ Huệ Năng chê trách :

PHẬT PHÁP TẠI THỂ GIAN.

BẤT LY THỂ GIAN GIÁC.

LY THẾ MỊCH BỒ ĐỀ

CÁP NHƯ CẦM THỐ GIÁC”

Ý Tổ nói là Phật Pháp là ở tại thế gian. Không rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian để tìm Bồ Đề thì cũng như người đi tìm sừng thỏ. Bởi không có phiền não thì cần gì Giải Thoát ? Tu hành là để đối phó với cuộc đời. Vô Chùa, lên non cao động vắng để pháp không đụng tới mình, rồi tưởng là mình đã được thanh tịnh. Không ngờ đó là né Pháp, tránh pháp, đâu phải là Thoát Pháp ? Cha mẹ sinh thành dưỡng dục cho mình nên người, lúc về già rất cần sự chăm sóc thì bỏ mặc họ, lại chỉ lo đền Ân Phật vậy có đúng đạo lý con người chưa mà đòi làm thánh, làm Phật ?

Chư cổ đức dạy : “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhân Đạo. Dục tu Phật Đạo, tiên tu Tiên Đạo”. Có nghĩa là trước khi tu Đạo Tiên thì cần tu Đạo làm Người. Trước khi tu Phật Đạo thì nên tu Tiên Đạo”.

Cho dù chúng ta có đốt giai đoạn, đi thẳng vào Phật Đạo, nhưng Đạo làm Người không thể bỏ, vì dù có tu thành Chánh Quả đi nữa thì vẫn tiếp tục cuộc sống tại trần gian cho đến hết kiếp. Đức Thích Ca từ lúc Đắc Đạo cho đến khi Nhập diệt cũng vẫn là một con người bình thường, đâu có Thành Phật rồi bay về cõi nào ?

Thái Tử Sĩ Đạt Ta bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con khôn là để đi tìm cách thức để Giải Khổ cho kiếp sống con người. Đạo mà Ngài Đắc được là tìm ra nguyên nhân gây ra nỗi Khổ cũng như cách thức để hóa giải. Hóa ra không phải là thay đổi thể gian, mà là thay đổi cái Nhìn và Nhận thức của con người đối với thế gian. Chỗ cần chuyển hóa là ở CÁI TÂM của mỗi người, vì cuộc đời sở dĩ đầy phiền não, đau khổ là cũng chính do con người tạo ra. Do đó, người muốn tu tập phải tìm, phải Thấy, phải TU SỬA ở đó.

Thật vậy. Cuộc đời sở dĩ đầy Phiền não là do cái Tâm của ta động loạn. Trong khi cuộc đời vốn đẹp biết mấy ! Nắng mang anh sáng đến cho vạn vật. Mưa tưới cho cây cối được xanh tốt, đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa, kết trái. Biển rộng bao la, núi xanh chập chùng khác gì tiên cảnh ?. Sông mang phù sa, nước tưới cho nhà vườn. Cây cho trái ngon ngọt bốn mùa. Hoa cũng tùy mùa mà khoe sắc. Ruộng lúa, vườn tược cung cấp gạo, ngũ cốc nuôi sống cho bao nhiêu con người. Gia đình là nơi những con người cùng yêu thương, cùng chia xẻ những buồn vui của kiếp sống… Trần gian như thế thì ô trược chỗ nào ?

Chỉ con người quá Tham Lam, Sân Si, muốn tranh giành những cái tốt đẹp để mình được phần hơn. Thấy người ta giàu có, nổi tiếng thì ganh tỵ ! Thấy của cải là muốn thu về càng nhiều càng tốt để hưởng thụ, bất chấp thủ đoạn !. Thấy đất nước láng giềng phì nhiêu, màu mỡ thì rắp tâm xâm chiếm để mở rộng bờ cõi.. làm cho cuộc sống không yên ! Nếu con người chịu sống hòa bình với nhau, bớt đi Tham vọng, và không còn tranh chấp, giành dân, lấn đất của nhau, vì ranh giới đã phân chia rạch ròi từ lâu, thì đâu còn cảnh chiến tranh để gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng ? Thanh niên hai bên đang tuổi thanh xuân bị xua ra chiến trường để rồi phải chết tức tưởi mà không hề do ý muốn của họ ? Nhưng rồi người chiến thắng, giành được cũng đâu có sống mãi để hưởng thụ vinh quang đó ? Vì vậy, thay vì chế tạo bom đạn để giết nhau sao không phát triển khoa học kỹ thuật để đưa đời sống con người lên. Ai có chuyên môn gì thì đóng góp để phát triển xã hội, để cuộc sống con người thêm tiện nghi, bớt đi bệnh tật đau khổ, thì cuộc đời sẽ tốt đẹp thêm biết bao nhiêu !

Muốn vậy, mỗi người chỉ cần Tìm cho được cái Tâm, hay cái TÁNH rồi điều phục hay chuyển hóa Nó. Giải thích cho nó biết rằng cuộc sống ngắn ngủi, có tranh giành rồi cũng không đem theo được mà chỉ mang theo Nghiệp quả mà thôi. Vì vậy, sao không tạo Thiện Nghiệp để cuộc sống hiện tại được an lành mà còn dành phước báo cho kiếp tới ?

Nếu mọi người đều ý thức Nhân Quả để ngưng Tạo Ác Nghiệp mà còn Từ Bi Hỉ Xả. Biết yêu thương nhau và giúp đỡ nhau trong kiếp sống, thì trần gian đã biến thành Niết Bàn còn vọng về Niết Bàn của Phật nào đâu xa vời ? Cái Tâm sau khi được chuyển hóa, hết Tham, Sân, Si, đau khổ, thì được hạnh phúc, an lạc, gọi là Tây Phương Cực Lạc, là Niết Bàn, Phật Quốc. Trần gian thay vì là Bể Khổ thì biến thành Tịnh Quốc. Cõi trần đầy Phiền não biến thành Ao Sen nở đầy hoa thanh khiết.

Sống an, chết lành. Nếu có kiếp sau lại càng tốt đẹp hơn. Đó là mục đích của Đức Thích Ca khi mở Đạo Phật ra giữa đời mà người hành theo sẽ đạt tới ngay tại kiếp sống. Khi hết kiếp thì đương nhiên dòng pháp thanh tịnh sẽ về với dòng pháp thanh tịnh theo Luật Nhân Quả, cần gì phải cầu xin Phật nào tới rước ? .

Tháng 3/2024




VVM.03.5.2024.