Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      








NHỮNG CƠN BÃO ĐI QUA




CHƯƠNG III


H ồi này, lại thấy thêm mấy cuốn thơ khổ lớn nằm trên bàn An - Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… thu hút Nhung không ít, cô muốn mượn xem nhưng ngại, nhưng dần dần An cũng đưa cho cô xem, có mấy cuốn truyện của Nhất Linh, Khái Hưng…cô dặn bụng thi học kỳ xong sẽ xem.

Bài thơ nào hay, cô chép vào cuốn vở riêng để xem đi xem lại, ở trường còn nghe mấy người bạn nói về thơ TTKH với tình cảm đáng thương của thân phận người con gái. Lâu dần cô cũng dành tiền mua một vài cuốn thơ Huy Cận, Nguyễn Bính, không hay mơ mộng, nhưng tự nhiên cô cũng muốn làm thơ, và cảm thấy tâm hồn mình lớn lên. An hơn Nhung chỉ có hai tuổi nên nếp suy tưởng và tâm tư của An cũng gần như cô mà thôi.

Mẹ Nhung thấy con gái ngày càng lớn nên thỉnh thoảng dặn chừng “Con gái lớn rồi, có cậu An trong nhà phải giữ gìn ý tứ, xong bài vở sớm sớm, không nên ngồi lâu. Có việc gì cần thiết thì lên, không thì thôi”. Ông Vĩnh ít thể hiện bằng lời nói, nhưng cô sợ lắm. Mấy đứa em có gì là ông cầm roi, không đánh nhưng chỉ nói có một câu “ Nhiều lần rồi biết không?” Chỉ vậy mà mấy em trai, không đứa nào dám nghịch ngợm hoặc làm điều gì quá đáng để ba mẹ phải phiền lòng.

Thỉnh thoảng An nhờ Nhung khâu lại hạt nút áo, hoặc cái khuy sút chỉ. Nhung mang xuống nhà làm khiến An thấy ngại. Anh nói “Khâu có một tí, ngồi đây làm giùm cũng được” - “ Không…để đem xuống”. Do cô nhớ lời mẹ dặn không nên ngồi lâu trên lầu, và An cũng đã hiểu. Từ đó, An càng thận thận, nhưng tình cảm cứ nhen nhóm trong lòng, có lẽ do sự thúc giục của những bài thơ anh thường xem và những rung động đầu đời trước người con gái thường ngày gần gũi. Tuy nhiên, việc học vẫn là điều quan trọng hơn hết.


♣ ♣ ♣

Tiếng ve bắt đầu râm ran dưới gốc sầu đông ngoài bờ sông. Những tà áo trắng vội vàng trước ngọn nắng oi ả trên đường đi học, việc học thi thêm phần căng thẳng vì trời quá nóng nực. Kỳ hai sắp đến rồi, học bài đến gần khuya chưa thuộc, khi đôi mắt cay cay thì Nhung gọi Lan cùng nhau dạo vài vòng lên xuống bên lề đường giờ này đã vắng xe, hoặc đánh quần vợt dưới ngọn đèn đỏ một lúc cho hết cơn buồn ngủ mới tiếp tục học lại.

An ngồi trên lầu học bài, nhìn đôi bạn gái đêm đêm chung học, thầm thì chuyện trò dưới đường, lòng anh thấy xao xuyến. Nhiều lúc học không được, anh cầm bút làm thơ. Xem đi xem lại những tập thơ trên bàn mà nghe bâng khuâng tâm hồn những cung tơ mơ màng, lãng mạng. Trăng nhiễm bệnh tình của Hàn Mạc Tử đến trở màu xanh xao bạc nhược. Dòng Hương giang đêm khuya có tiếng nài nỉ của người kỷ nữ “Khách ở lại cùng em thêm chốc nữa..” đầy xuyến xao, tất cả góp lại, hình thành một cảm xúc không phải của ai, nhưng chẳng biết có phải của mình.

An sửa đi sửa lại bài thơ đầu tiên bảy tỏ tình cảm với Nhung, nhưng chưa nghĩ đến chuyện tặng vì nhiều lý do, trước hết là do sợ bài thơ không hay, và cảm thấy đây là việc làm phải cân nhắc, gần như một quyết định, mặc dù anh chưa hề nghĩ gì xa xôi hơn.

Nhiều lần xem lại bài thơ, thấy tương đối hoàn hảo, không tìm ra chữ nào để sửa. Rồi một hôm không giữ lòng được, sau buổi học, An sang bàn Nhung - “Tặng Nhung bài thơ”.

Nhung hơi ngỡ ngàng cầm lấy, lòng hơi rộn ràng ôm cặp đi xuống.

ĐÔI OANH ẤP Ủ Xinh quá người em dáng tôi thương Thướt tha mái tóc đẹp môi hường Trinh nguyên tà áo còn ươm mộng Đọng giữa hồn tôi chút vấn vương Hương tình đắm đuối tuổi tròn trăng Đi đứng khoan thai nét dịu dàng Giọng nói buồn buồn muôn quyến rũ Hiền hòa cốt Phật thật đoan trang Tôi gởi hồn lên vạt nắng đầy Theo gió vờn lên mái tóc mây Tô lên một đóa hoa hồng thắm Điểm cạnh đôi oanh ấp ủ này.

Đọc đến câu “hiền hòa cốt Phật” khiến Nhung nhớ một lần mẹ kể với An, trước lúc mang thai Nhung, bà mơ thấy một ông thầy tu trao cho một đứa bé gói trong tấm vải cà sa. Vậy mà An cũng để tâm, ghép vào lời thơ, gợi cho cô suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình về sau.

Những ngày sau đó, thỉnh thoảng lúc ngồi học bài thi, Nhung mở ra xem đi xem lại, nghe lòng rung động bởi lời thơ đơn sơ mà ấm áp hiền hòa. Biết An có tình cảm với mình, nhưng cô không biểu lộ gì trên nét mặt. Bài thơ của An, cô ép trong vở xem như một món quà tặng dễ thương, không hề nói cho ai biết, kể cả Lan bạn thân. Cô nghĩ đó là tình cảm đầu tiên trong lòng người trai trẻ.

Gởi gắm được lời nói yêu thương ban đầu, lòng An như cởi mở khiến anh quên đi cái nắng oi bức và sự căng thẳng của bài thi.

Sau hai học kỳ, Nhung và hai em đủ điểm lên lớp, hoàn thành trách nhiệm đó khiến An rất an lòng, thời gian còn lại anh tập trung vào việc học cho kỳ thi toàn phần.

Nhung tập may vá thêu thùa trong thời gian hè rãnh rỗi, soạn lại mấy cái khăn mouchoir đã học thêu ở trường trong giờ nữ công gia chánh, chọn cái vừa ý nhất, thêu thêm một cánh hoa ở góc, tên của An thêu nghiêng nghiêng ở góc kế bên.


♣ ♣ ♣

Thời gian giữa hè trời nóng nực, Nhung ngồi trước nhà xem cuốn truyện “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng. An đến bên nói nhỏ :

- Nhung rãnh không … lên có tí việc.

Nhung bước lên, chưa biết chuyện gì đã thấy An ngồi ở bàn, cầm trên tay một tờ giấy pelure màu xanh gấp hai, đưa hơi cao, nét mặt vui vẻ như có ý khoe :

-Tặng Nhung bài thơ này – Chờ Nhung cầm xong tờ giấy, An giục - Mở ra xem đi.

Nhung từ từ mở rộng trang giấy, đọc lướt bài thơ thứ hai, lời lẽ gắn bó thân thiết hơn. Thêm một tờ rời viết lên mấy dòng chữ “Nhiều khi muốn nói với Nhung rất nhiều điều nhưng thấy ngại quá. Mình còn quá trẻ, tương lai còn xa, không dám nghĩ gì nhiều, chỉ hỏi một điều “Nhung có mến An không?”

Nhung thoáng nghĩ, lần này thì mình không lẫn tránh được, nhưng trả lời bằng cách nào đây. Cô chưa thấy rung động sâu sắc giữa tình cảm trai gái, lâu nay chỉ thấy mến anh vì tính nết, hết lòng trách nhiệm với mấy chị em, điều gì hơn nữa thì cô chưa hề nghĩ tới.

Chờ lâu không thấy Nhung nói năng chi, An nhắc khẻ “Nhung nói đi”. Nhung vẫn chần chờ, có vẻ hơi nhăn nhó vì thấy cả một sự áp đặt, trong lúc Nhung chưa hề chuẩn bị. An suy nghĩ một lát, xong lấy cuốn vở nháp của Nhung, viết lên “ Không nói thì Nhung ghi vào đây, chữ có hoặc chữ không”. Nhung miễn cưỡng ghi lên chữ “có”. Mắt An thoáng lên vẻ rạng rỡ. Anh xé rời tờ giấy, xếp làm tư xong bỏ vào túi áo. Nhung hơi nghiêng xuống, giấu nụ cười. Ngạc nhiên thêm một lần nữa khi thấy An đưa tay nắm lấy tay mình lay nhẹ “Nhớ giữ lời hứa nghe”. Nhung chỉ bất ngờ cảm giác bàn tay An mềm mại, các ngón thon dài như tay con gái. Cô đứng dậy, đi nhanh xuống.

Nhung không đáp ứng cho An một cử chỉ nào, nhưng anh nghe mình nhẹ nhàng như được bay bổng, nhưng thoáng nghĩ - một việc nhỏ như thế sao mà khó khăn.

Chiều đứng trên lầu nhìn xuống dòng sông trước nhà, mặt nước trong xanh trôi lặng lờ, An chợt nhớ đến dòng sông quê, nhớ đến mẹ.

Xuống nhà thấy Nhung đang đứng ở cửa nhìn ra đường, An đến gần nói chuyện một lát. Một vài cánh chim vội vã bay qua bên kia sông, chút ánh mặt trời còn sót ẩn sau tàn cây phía trên cầu. Chợt nghĩ ra một điều, An nói:

- Mai đi qua Cồn Hến ăn chè nghe Nhung.

Ngẩm nghĩ một lúc, Nhung hỏi:

- Nhưng mà đi lúc nào ?

- Sáng mai khoảng chín giờ, đến nhà Nam trước cửa Thượng Tứ, Nhung đến đó cùng đi nghe.

Vài lần đi mua sách với Nhung, An có ghé qua nhà Nam là bạn cùng lớp với An, nên Nhung biết để đến nơi hẹn. Hai người đạp xe song song qua cầu Trường Tiền, đi thêm một quãng, qua chiếc cầu váng nhỏ là đến Cồn Hến.

Vào quán, gọi chè xong, Nhung đưa mắt nhìn chung quanh, nhiều bụi tre cao che mát cả một vùng. Nhà nào cũng mở quán chè, quán đơn sơ nhưng khách rất đông, nhất là học sinh, sinh viên. Xa xa, những nương bắp xanh tươi lung lay trước gió. Lần đầu Nhung đến đây, cảnh vật giống như ở đồng quê dù chỉ cách thành phố chừng hơn hai cây số, khóm tre nương bắp bát ngát tận chân trời.

Hương vị của món chè bắp thật đặc biệt, có lẽ do bắp là đặc sản vùng này, thêm không khí đông vui và vẻ đẹp đồng quê khiến chè ở đây ngon hơn chè bên Đông Ba. Lại thêm hương vị hẹn hò, có nhiều văn nhân nghệ sĩ, lôi cuốn khách cả thành phố qua đây.

An nghe khoan khoái trong lòng, một dịp đi chơi thật ý nghĩa, anh cười tươi nhìn Nhung:

- Nhung thấy vui không ?

- Mở rộng cả tầm mắt, ở bên phố đâu có thấy ruộng đồng thế này, mát mẻ ghê đi.

- Bữa nay mặt mày có thần sắc rồi đó, nghỉ ngơi cho khỏe để có sức vô năm học mới, sang năm là cô tú rồi đó. Đừng đi chơi đâu xa nghe.

- Ở nhà lâu buồn lắm. Lên vườn Kim Chi trên Nguyệt Biều có nhiều mít, xoài.

An cười thành tiếng:

- Tưởng gì, mít ở quê nhiều lắm, mấy cây lận. Tưởng con gái thích chua nên mấy lần trước chỉ đem cam với quít.

- Nhưng mà mít nặng lắm - Nhung cười nửa không nửa muốn.

- Tháng này đang mùa mít chín, vài bữa về, sẽ đem lên.

Hai người vừa trò chuyện vừa ăn chè. Lần đầu anh nhìn âu yếm lên mái tóc Nhung, ngắm nghía:

- Đi chơi sao Nhung không mặc áo dài hoa? Thấy đẹp lắm.

- Không.

- Sao vậy?

Một lát ngần ngại, Nhung nói:

- Tại không quen. Mặc áo trắng quen rồi.

Bốn mắt nhìn nhau. Một lúc, Nhung cất tiếng :

- Cái khăn mouchoir còn nơi không ?

Hơi bất ngờ, An cho tay vào túi quần nhưng không lấy ra, cảm thấy hơi mắc cỡ vì nó nhàu nhò. Anh nói :

- Còn đây. Nhưng mà ... cũ quá rồi.

- Thì cứ để đó, lấy cái này dùng thêm – Nhung lấy chiếc khăn tay mới thêu trong bóp ra đưa cho An.

An cầm chiếc khăn trong tay, xúc động :

- Cám ơn Nhung.

- Thôi về kẻo trưa rồi - Nhung nói nhỏ.

An ngồi nán thêm một lát, hình như để lắng dịu cảm xúc, nhìn Nhung với ánh mắt thân thương :

- Thôi mình về.

An lấy xe đạp ra, trao ghi-đông cho Nhung, anh đặt tay mình lên tay Nhung một lúc.

Hai người đạp qua khỏi cầu Trường Tiền, An bảo Nhung về nhà trước.


♣ ♣ ♣

Chủ nhật tuần sau, An nói với Nhung :

- Mai đi chơi được không Nhung ?

- Đi đâu ?

- Đi Cồn Hến.

- Đi Cồn Hến nữa à ?- Nhung hỏi, mắt không nhìn An.

- Đi lần nầy nữa thôi để còn học thi. Nhung muốn đi lúc nào?

- Ngủ trưa xong thì đi.

An dặn lại kẻo sợ Nhung quên :

- Đến nhà Nam nghe.

Hơn hai giờ chiều, Nhung ngủ dậy không thấy xe đạp của An. Cô vội vàng thay áo, nhớ lại ý thích hôm trước của An, cô mặc chiếc áo dài hoa mặc hôm tết. Đến gần nhà Nam đã thấy An đứng chờ trước cửa.

Đã đi Cồn hến một lần rồi nên không thấy xa, vui nên không thấy nắng không thấy gió. Vào quán, An kéo ghế gần Nhung. Gọi chè xong, cả hai nhìn cây cỏ, ruộng đồng xa xa, cảm giác yên bình thư thái.

Biết Nhung ít nói, An gợi chuyện :

- Có cuốn “Hồn bướm mơ tiên”, tí về đưa cho Nhung xem. Hè này rãnh rỗi nên xem thêm mấy cuốn Tự Lực Văn Đoàn. Truyện Kiều cũng có cả tập.

Biết An đã học thơ Kiều trong chương trình lớp dưới, nhưng Nhung cũng nói như khoe :

- Năm rồi học Kiều, cô giáo có bày cách làm thơ lục bát. An nhớ lại những lúc mẹ Nhung ru em bé nằm trong nôi :

- Lâu lâu có nghe mẹ ru bé út ngủ bằng mấy câu Kiều, nhiều câu không có trong bài mình học, chắc là mẹ thuộc Kiều nhiều.

Nhung kể lại :

- Thường khi nghe mẹ ru em, ngoài những bài ru ca dao, khi ru Kiều mẹ không hát ru mà lãy Kiều, giọng nghe có vần có điệu hay hay.

An hỏi nửa đùa nửa thật :

- Có làm bài thơ lục bát nào chưa ?

Không trả lời, Nhung cười trừ - sẵn vui anh cầm tay Nhung, nói một cách tự nhiên :

- Đi chơi lần này nữa thôi, anh còn phải học. Tháng sau thi xong, Nhung về quê với anh được không ? Mẹ rất muốn thấy em.

- Mẹ …năm nay được bao nhiêu?

An chọc quê :

- Mẹ ai ? Tiếng “anh” sao mà khó dữ.

Tay vẫn cầm tay, An nhìn vào mắt Nhung : -

- Bữa nay phải gọi bằng anh nghe chưa.




CHƯƠNG IV



T ết năm nay Nhung may hai áo dài lụa để đi học, một áo lụa trắng, một áo màu mỡ gà trông rất nhã nhặn. Bà Vĩnh hay ngắm nghía Nhung, hài lòng thấy con gái ngày càng lớn càng xinh đẹp, dịu dàng. Nhìn Nhung mặc áo dài lụa đi học, Lài khen:

- Chị Nhung mặc áo lụa đẹp ghê, có người thương là phải.

- Đừng có nói bậy, còn nhỏ ai mà thương.

- Chị đừng có giấu. Hôm trước chị đi chơi với anh An, mặc áo dài bông. Mợ biết hết nhưng không nói chi.

- Sao mẹ biết được?

Lài cười khúc khích :

- Ngó qua là biết liền, có chi mà khó hiểu.

Nhung làm nghiêm, dặn dò:

- Xuống bến không được nói với ai nghe chưa. Đừng đem chuyện nhà đi nói lung tung, tôi còn nhỏ, học hành chưa đến nơi đến chốn, người ta cười cho.

- Không đâu chị ơi, tuổi chị còn nhỏ chi nữa, ngoài làng em người ta đã có chồng có con hết rồi. Em còn thấy bạn chị đi chơi với bạn trai ngoài phố.

- Biết rồi, nhưng tôi không thích chuyện đó. Anh An là người trong nhà nữa. Coi chừng ba biết được.

Nhung nghĩ thế nào thì nói ra thế ấy. Sự thật cũng tại An dẫn dắt mọi chuyện, chứ cô vẫn chưa nghĩ gì. Mặc dù có những lúc suy tư bởi ảnh hưởng những vần thơ và những nhân vật trong các truyện ngắn truyện dài đang đọc, thoáng chút mơ màng, hình dung cuộc đời mình sau này có giống nhân vật nào trong truyện hay không.

Nhìn Lài cười tủm tỉm, Nhung nghĩ, còn con Lài này nữa, chuyện ai cũng chen vào được .


♣ ♣ ♣

Buổi trưa hoặc chiều Nhung đi học về, dừng xe bên đường, đã thấy An đứng trên lầu nhìn xuống chờ cô về, đến khi Lài gọi mới xuống ăn cơm. Lúc nào cũng bộ pyjama màu xanh nhạt sọc trắng, dáng thanh cảnh thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng.

Thấy An học nhiều mà còn giặt ủi áo quần, Nhung dặn Lài khi nào ủi đồ cho cả nhà thì ủi giùm cho anh, khi nào thi xong thì thôi. Lài vui vẻ nhận lời. An có vẻ ngại khi thấy Lài ủi áo quần mình, nhưng cuối cùng cũng nghe theo quyết định của Nhung.

Chịu ủi giúp đồ cho An nhưng nhiều khi lại nghe Lài rên rỉ :

- Mệt quá chị Nhung ơi! Ủi đồ cho cậu mà dễ, ủi áo anh An hơi nhăn một chút chị không chịu. Ủi aó dài chị cũng khó, lúc nào cũng chê, sao không ủi cho vừa ý.

- Thì lâu nay tui cũng tự ủi chứ áo dài lụa mà ủi không thẳng ai mặc cho được.

Từ khi mặc áo lụa thì khi giặt phải phủ một lớp hồ mỏng trong thau nước xả sau cùng để mình lụa không bị nhàu, không phơi ngoài nắng vì khô quá thì khó ủi. Mẹ Nhung thường nói “Lụa không hồ như cô không phấn”. Cái khó khi mặc áo lụa là như vậy.

Tuy nhăn nhó nhưng Lài cười ha hả vì biết Nhung không thể ủi áo cho An được. Nói đâu cười đó là đặc tính vô tư của Lài nên cả nhà ai cũng mến. Mới lên đây gần hai năm mà da thịt đổi khác thấy rõ, da mặt trắng ra, thân hình nẩy nở chật cả áo quần. Hay soi gương biết mình có duyên nên Lài chăm chút áo quần, đi đứng ra vẻ người thành phố, ai thấy cũng cười thầm.

Vài ba tháng, mẹ Lài lên nhận tiền ở, Lài vui vẻ hỏi han mẹ nhưng không có vẻ nhớ nhà nhớ quê. Mẹ Lài nói “Con lớn rồi, không về quê lấy chồng à?” – “Dạ không”. Lài trả lời dứt khoát trót lọt rồi cười, đôi mắt đen láy long lanh. Mẹ Lài nghĩ bụng, con này nó thích ở thành phố, không muốn về quê nữa rồi. Tuy vậy, nhìn con gái thay da đổi thịt, ăn sung mặc sướng thì chị mừng thầm trong bụng.

Chị có biết đâu, tối nào xong việc, con gái chị cũng ra gốc cây bên bờ sông chuyện trò với một vài đứa bạn, cũng là người giúp việc ở xóm sau.

Sau khi dạy buổi tối cho mấy chị em Nhung xong, An thường ra lan can lầu thư giãn, nhìn chếch qua bờ sông, thấy Lài ngồi trên xe cyclo của thằng Sắc, nó thường đậu xe trên bến để chờ khách. Nhà Sắc ở dưới Bao Vinh, xóm nầy ai cũng biết Sắc trẻ người mà chăm ăn chăm làm, gặp ai cũng chào hỏi rất dễ mến.

Biết An thức khuya học bài thi, Lài dặn anh để cửa, lâu lâu đưa cái bánh, vài trái chuối. An cười thầm - con người này cũng biết cách mua chuộc.


♣ ♣ ♣

Chưa hết, một buổi Lài đưa cho Nhung một lá thư mỏng xếp làm tư. Nhung hỏi:

- Gì đây?

- Thư của anh Tuấn.

- Tuấn nào?

- Tuấn con bác Thông ở dưới đường mình đó. Ngày nào đi học ngang qua cũng nhìn vô nhà, chị không biết à!- Lài cười tròn một nụ, mắt mơ màng, nói tiếp – Lâu nay hay thấy anh Tuấn đứng ngoài đường chờ anh An, hai người vô Đại nội học bài.

Nhung thắc mắc :

- Mà sao Tuấn đưa được thư này cho Lài ?

- Thì em hay xuống dưới mua thức ăn sáng cho mợ, anh Tuấn chờ sẵn. Chị này khờ ghê,vậy mà không hiểu.

Mình có học mà còn thua Lài, nó lanh quá chừng. Nhung nhìn thẳng mắt Lài :

- Ai biểu nhận thư của người ta làm chi vậy?

Lài cũng mở to hai con mắt nhìn lại, phân bua :

- Lúc đầu em không muốn nhận, nhưng kệ, đọc thử xem viết gì trong - Nói xong Lài cười thân thiện.

Nhung không hạch hỏi thêm, vào phòng đọc thư. Thư dài vừa hết một trang giấy pelure xanh, ý nói tuy nhà ở gần nhau nhưng từ ngày chấm dứt những trò chơi nhảy dây, trốn tìm hồi tiểu học, nhắc cả chuyện tập xe đạp cho Nhung nữa, chỉ có mấy năm trung học mà bây giờ thấy nhau như người xa lạ. Bây giờ muốn vào nhà Nhung chơi nhưng tự nhiên thấy ngại. Không biết có khi nào Nhung nghĩ tới người con trai này không. Đại khái như thế, khiến cho cô hơi ngỡ ngàng, ép lá thư vào cuốn sách và yên chí rằng Lài không biết chữ. Tự nhiên Nhung tức cười, không biết đọc mà cũng muốn biết trong thư viết gì, thật lắm chuyện.

Chủ nhật tuần sau, Lài lại mang về cho Nhung một lá thư nữa. Nhung phàn nàn :

- Đã nói rồi, sao còn nhận thư của người ta?

- Em định nói chị có người rồi, nhưng chị dặn không được nói với ai. Thì chị cứ đọc đi rồi viết thư trả lời cho anh Tuấn, em đưa giùm cho.

- Đừng có nói tôi có người rồi mà thêm suy nghĩ cho người ta. Nói vậy nhưng trước sự mau mắn của Lài, Nhung thấy tội nghiệp thương thương. Xem thư xong, lại ép vào trang sách. Trưa, Nhung vào bếp phụ chị Rớt lau chén bát, đã nghe Lài hỏi :

- Anh Tuấn nói gì nữa chị Nhung?

- Chuyện của người ta sao mà ức thế, thì cũng muốn đến nhà chơi vậy thôi, đừng có nhận thư nữa nghe.

- Hèn chi là bạn anh An mà cứ đứng ngoài đường. Nhưng mà em khó nói lắm, mất lòng rồi làm sao xuống đó mua đồ ăn!


♣ ♣ ♣

Sáng nay Lài bưng tô đi mua thức ăn cho bà Vĩnh, ngang qua nhà Tuấn, cố ý đi ra gần lề đường cho khỏi gặp, nhưng Tuấn đã đứng sẵn ở cửa, gọi Lài vào :

- Đã đưa thư cho Nhung chưa Lài ?

- Em đưa bữa đó liền.

- Sao không thấy trả lời?

- Chắc là chị không trả lời được.

- Sao vậy ?- Tuấn hơi thắc mắc.

Lài bắt đầu vận dụng cái đầu mít đặc :

- Em không biết nữa. Chắc là chị còn ngại chi đó … hay là chị có ai rồi. Tuấn có vẻ không tin :

- Có ai sao tôi không biết. Thấy có ai lạ đến nhà đâu.

- Ở dưới này làm sao thấy được. Thôi em đi đây.

Hơn tiếng đồng hồ sau, An đi sinh hoạt hướng đạo ở chùa về, thay áo xong ra bếp chẻ củi. Chị Rớt đi chợ chưa về. Lài bồng em ra khơi chuyện :

- Anh An biết mấy bữa nay chị Nhung có gì lạ không ?

- Chuyện chi vậy Lài ?

- Chuyện anh Tuấn bạn anh đó. Biết không, anh Tuấn viết thư đòi làm quen chị Nhung, muốn tổ chức với mấy người bạn đi biển Thuận An nữa. An thắc mắc :

- Nhung có đi không ?

- Nếu mà đi đông, chắc chị cũng đi. Nghe chị nói vậy. Anh có đi không ?

- Anh không rãnh. Lài tò mò:

- Anh An à, nếu mà chị Nhung đi, anh có bực không ?- Lài cười , đôi mắt có hai hạt nhãn đen mở lớn có ý thắc mắc.

- Nhung thích đi thì đi, anh có quyền gì đâu – Giọng An hơi chùng xuống.

- Mà anh An đừng có lo, học giỏi hiền lành như anh, còn ai hơn nữa. Lài tuy nhỏ tuổi hơn hai người nhưng đã có bạn trai, ra vẻ hiểu biết tình trường lắm, An không cho đó là lời vô tư. Nghe Lài nhận xét, anh thấy yên lòng, chẻ nhanh đống củi rồi đi lên.


Chiều, Tuấn đứng chờ An ngoài đường, cùng đạp xe vào Đại Nội. Hai người tự nhiên ít nói cười vui vẻ hơn thường khi.

Vào căn nhà bỏ hoang, chỗ họ thường đến ngồi học, trước khi chia mỗi người ngồi mỗi góc, An buột miệng hỏi bạn :

- Tuấn - có chuyện gì mà thấy mặt mày buồn xo ?

- Có gì đâu, thấy mặt An buồn buồn mình định hỏi đó chứ.

An cười :

- Vậy ra ai cũng buồn hết, chắc tại mùa thu, ai cũng muốn làm thi sĩ.

- Nói vậy chắc An có làm thơ ?

- Cũng thỉnh thoảng thôi, đâu có rãnh.

- Làm thơ dễ không ?

- Dễ … nhưng mà cũng khó.

Tuấn nói thật lòng :

- Chà ! mình không biết làm thơ An à. Viết về người mình thương thì viết thế nào ?

- Thương ai vậy ? – An giả vờ hỏi.

Tuấn thật tình:

- Này An, mình hỏi thật, có thấy Nhung quen ai không ?

An tỉnh tỉnh :

- Hình như có.

- Có sao mình không thấy ai tới nhà ?

- Ờ … người ta kín đáo, làm sao mình biết được – An ỡm ờ trả lời.

Tuấn dặn :

- An ở trong nhà, để ý thử Nhung quen với ai nói cho mình biết với.

- Ừ.

Hai người ngồi hai góc học bài. Tự nhiên An cười thầm trong bụng. Sự việc quá rõ ràng, không ai tra khảo mà Tuấn tự khai, chưa biết lòng dạ Nhung sẽ thế nào, ngồi học bài nhưng lòng nhấp nhỏm không yên.


Tuần sau An rũ Nhung vào Đại Nội chơi. Thỉnh thoảng Nhung cũng vào đây, cùng với mấy người bạn gái, nhưng với tâm trạng trẻ con, nhiều lần đứng dưới gốc xoài mọc hoang bên dãy nhà vắng, chờ mấy đứa nhỏ thả xuống cho vài trái ổi hoặc xoài non, có khi đuổi theo con bướm vàng, khi hái hoa dại. Tất cả chỉ là cảm tưởng tuổi nữ sinh sắp lớn khôn, biết rũ bạn cùng lớp đi chơi ngắm cảnh Nội thành. Bây giờ Nhung thấy mình như lớn hơn khi có An bên cạnh.

Hai người đi quanh những con đường nhỏ, ngang qua những cung điện lầu đài hoang vắng, cửa đóng im lìm.Thỉnh thoảng thấy năm ba người đi tản bộ, phần nhiều là học sinh, nói chuyện, đùa giỡn hơn là để ngắm cảnh. Lâu lâu, đôi cặp tình nhân đi đi lại lại hoặc ngồi dưới bóng râm cổ thụ. Phía sau là dãy nhà thấp hoang phế không cửa nẻo, tường loang mái đổ, cỏ dại mọc um tùm, có lẽ đây là dãy nhà của các Cung phi ngày xưa.

Đến trước điện Thái Hòa, nhìn vào chiếc ngai vàng uy nghiêm trong ánh sáng mờ tỏ, tự nhiên Nhung nghe lòng nao nao. Những người có chút huyết thống với cô đã sống, đã đi đứng ra vào nơi nầy, hình như còn thoáng bóng đâu đây. Khi vua Bảo Đại thoái vị, cô chưa được sinh ra, Hoàng thân quốc thích tứ tán, Tôn nữ thất lạc, lá ngọc cành vàng phiêu dạt tứ phương. Cửu đỉnh bơ vơ, sân đình hiu hắt. Tất cả chỉ còn trong sử sách và lời mẹ kể. Rằng – mẹ là con quan Thượng thư – khoảng năm bốn lăm - bốn sáu, chiến tranh bùng nổ, Nhật - Pháp đánh nhau, không còn vua, lấy đâu có chồng thầy thông thầy phán - tiếng súng nổ hai bên là pháo cưới mẹ với ba. Mẹ thường kể lại việc này với nụ cười nhiều ý nghĩa.

Nhung vừa đi vừa kể lại chuyện mẹ kể cho An nghe. Ra khỏi dãy nhà rêu phong, thấy có vài người cầm máy đang chụp hình cho đám học sinh. Nhung sực nhớ :

- Nhà có máy ảnh mà không biết đem theo.

An chỉ tay về phía những hàng sứ trắng bên đường dẫn vào Ngọ môn, thân cành phong rêu nhưng hoa vẫn nở tươi, rơi trắng cả mặt hồ :

- Ở đây có nhiều cảnh đẹp, lần sau nhớ đem máy ảnh theo.

Rối anh kéo tay cô ngồi nghỉ chân trên tam cấp :

- Ngồi xuống đây Nhung.

Ngồi xuống cạnh An, hồi lâu hai người chỉ im lặng. Nhung nhìn những đàn cá đỏ vàng bơi lội dưới hồ, chợt nghe tiếng gọi nhỏ :

- Nhung.

- ……..

- Không trả lời?

Nhung chỉ cười. An có vẻ băn khoăn, nói tiếp:

- Nhung đang ngồi với anh đây, có lúc nào nghĩ đến một người bạn trai nào khác ?

- Sao tự nhiên hỏi vậy ?

- Hỏi vậy vì biết mấy hôm nay Nhung có một chuyện chưa nói với anh.

- Chuyện gì ? - Nhung hơi ngạc nhiên.

- Chuyện Tuấn gởi thư cho em.

Thật bất ngờ. Không bao giờ Nhung nghĩ An biết được chuyện này. Cô hỏi nhanh:

- Ai nói - Lài phải không?

- Phải.

Nhung bật cười:

- Nghe Lài có ngày cháy nhà. Chuyện có gì đâu.

- Không có gì sao nhận thư của Tuấn, không trả lại mà còn đọc.

- Thì phải xem mới biết nói gì. Chỉ hẹn chủ nhật đi biển Thuận An, nghe nói có anh nữa, đông lắm.

- Nhung có đi không ?

- Chắc là không.

An cười :

- Có vẻ tiếc nuối lắm hở. Nhung phải viết thư trả lời cho dứt khoát với Tuấn.

Nhung giải thích :

- Mình nói không đi thì thôi. Nếu viết thư này nọ, Tuấn sẽ nghĩ mình có ý gì sinh ra nhiều chuyện.

An chợt hiểu ra, con gái thường suy nghĩ chín chắn hơn. Tự thấy mình sai, An nhìn vào mắt Nhung:

- Anh xin lỗi Nhung…Thật ra, từ khi biết em, anh hiểu tương lai mình còn xa, nên anh cần một niềm tin, dù gặp điều gì cũng không lay chuyển. Sẽ có ngày mình xa nhau để lập tương lai, không biết Nhung sẽ thế nào. Lòng chung thủy trong tình yêu rất quan trọng, em có hứa với anh không?

- Hứa gì ? – Nhung cười vui như để thay câu trả lời.

- Hứa gì thì em tự biết lấy. Chưa chi đã có người khác viết thư - Không hứa, lỡ Tuấn theo riết rồi em xiêu lòng … Hứa đi.

Nghe An nói cũng đúng, với tiếng “em” khá ngọt ngào, ngập ngừng một lúc, Nhung khẻ nói:

- Hứa.

An nửa đùa nửa thật :

- Có ai làm chứng ?

Nhung nhìn quanh rồi đưa tay chỉ :

- Có gốc cây này.

Hình như cây sứ cũng nghe thấy, cành lá bỗng lao xao. Cả hai cùng cười, niềm vui tràn ngập trong tim. Nhìn lên bầu trời, đôi chim vừa bay ra từ một cành cây rậm lá. An cầm tay Nhung đứng lên.

....CÒN TIẾP ....






VVM.21.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com