Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


TIM TÍM LỤC BÌNH




S a Nư bật khóc nức nở. Tôi ôm cô bé vào lòng, đầu em tựa vào vai tôi. Hương tóc em thơm dìu dịu làm tôi bối rối. Lần đầu tiên tôi lau nước mắt cho một người con gái, hơi run run, vụng về. Bàn tay tôi mân mê tà áo em, tà áo bạc màu mưa nắng. Đôi môi tôi cà trên mái tóc em, mái tóc thơm mùi trinh tiết. Bỗng em choàng dậy lao đi, với lời vói lại đầy nước mắt :“ Em chúc anh hạnh phúc. Em không thể…”. Tôi hụt hẫng.

Tôi với Sa Nư quen nhau từ nhỏ, Sa Nư kém tôi sáu tuổi, Sa Nư là cái tên của một dòng máu lai. Cha cô là Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản. Mẹ cô là người thành phố, có nhan sắc, có chút chữ nghĩa. Chút thôi nên chẳng làm được gì kể cả nội trợ, công việc mà người đàn bà có chồng nào cũng phải thông thạo. Ngoài huê hụi, cho vay nặng lãi, nghề sáng giá nhất của bà chắc là trang điểm phấn son. Năm lên lớp mười tôi phải xa làng ra tỉnh học, ít khi về nên chuyện gia đình Sa Nư tan nát tôi cũng không tường chỉ nghe thoang thoáng. Cha Sa Nư lạm dụng công quỹ, có vợ bé lại thêm nhân tình, mẹ cô làm dữ, hai người chia tay. Sau ngày cha cô ra toà cũng là lúc mẹ và Sa Nư rời căn nhà sang trọng của mình. Gom góp chút vốn liếng còn lại, bà mua được căn nhà ọt ẹp và vuông đất nhỏ cạnh nhà tôi. Bà bắt đầu nhập vai lam lũ. Khi cuộc sống yên bình bị xáo trộn theo chiều tệ hại, người ta không thể một sớm một chiều hoà nhập với cộng đồng. Thêm mặc cảm tự ti, người ta sẵn sàng xa lánh mọi người chung quanh. Không thích nghi kịp môi trường mới, mẹ Sa Nư gầy gò thảm hại. Căn nhà không có đàn ông càng thêm lạnh lẽo, tối lửa tắt đèn biết trông cậy vào ai. Sa Nư bỏ học theo bạn bè buôn gánh bán bưng, khi thì rau cải vườn nhà, khi thì vịt gà trong xóm. Oằn lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ, mỏng manh chở hàng ra chợ, nhìn cô ai cũng se lòng.

Bảy năm xa quê học hành, với tấm bằng giỏi tôi kiếm được công việc làm ổn định ở huyện nhà. Sắm được xe máy đi về thăm mẹ, thăm quê trong những ngày nghỉ cuối tuần. Vài ba chục cây số đi về cũng chóng vánh, cũng là cách rèn luyện mình, làm cho cuộc sống của mình đáng yêu hơn. Lần nào về quê tôi cũng có quà cho Sa Nư, khi thì cái kẹp, khi thì chiếc gương soi nho nhỏ, khi thì chở Sa Nư đi đây đi đó, đi mua hàng hoặc đi ăn kem. Khi có món ăn ngon, mẹ tôi thường sai tôi mang sang nhà biếu mẹ Sa Nư. Có lẽ, phụ nữ mới là người hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh của nhau sâu sắc nhất. Tôi cũng coi tôi như đứa con của hai nhà. Hôm nhìn Sa Nư bó sát trong chiếc áo mới theo mốt tân thời, tôi đâm hẫng :

- Bộ tính hú hí với tình hả ?

- Anh cứ trêu em, em như cột nhà cháy thế này ai mà thèm.

- Thế..., trời chiều rồi còn chưng diện làm gì ?

Sa Nư ấp úng :

- Em quê mùa, không sánh bằng người ta ở phố…

Thì ra là vậy, tôi buột miệng :

- Em đẹp lắm, Sa Nư ơi...Anh làm sao dám mơ tưởng người yêu ở phố.

Không nghe tiếng em trả lời. Chiều xuống chậm phía bên kia dòng sông. Vài tia nắng hắt lên thành giếng, lên mái tóc cô bé, nơi cô ngồi vuốt tỉ mỉ từng cọng rau cho phiên chợ ngày mai. Tôi ra bờ sông ngồi lên khúc gỗ lũa do nước lũ kéo về từ bao đời, nhìn khóm bèo vừa trôi theo dòng nước, vừa lớn lên, vừa trổ hoa mà không nghĩ ra điểm dừng chân của chúng nơi nào. Biển cả ư, để thành phù sa trầm tích ? Vị mặn của muối, sóng vỗ trập trùng, đó đâu phải là thiên đường của hoa lá trên mặt đất. Khát vọng hão huyền chỉ tổ thiệt thân. Sa Nư đến, em nhẹ nhàng ngồi xuống bên tôi, cũng im lặng nhìn về phía hoàng hôn xa xa.

- Em ra đây có ai thấy không ?

- Mẹ.

- Em không sợ à.

- Có, nhưng sáng mai anh đi rồi.

- Em đã yêu thật lòng chưa ?

- Em hổng biết nữa, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến anh.

Tôi ôm em thật chặt, hôn môi em thật lâu. Lâu đến chạng vạng xuống lúc nào mà cả hai cũng không hay biết.

Ba năm lăn lộn nơi đô hội để lấy tấm bằng thạc sĩ môi trường, có lẽ tôi đã già hơn trước tuổi. Cơ quan cho tôi đi học, ý là cơ cấu cho ngày mai. Đó cũng là cách người ta đền ơn đáp nghĩa cho những người đã ngã xuống vì cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại. Cha tôi là liệt sĩ mà. Ra trường nhận công việc ở tỉnh. Tỉnh cách nhà tôi hơn trăm cây số, chỉ khi nào nghe mẹ hay em trai gọi điện thoại thì tôi mới về. Mà cũng chỉ xúm xít bên mẹ bữa cơm trưa rồi lại đi. Mùa xuân rơi lã chã trên lưng đầy hai mươi chín tuổi đời lúc nào không hay. Thật lòng, tôi cũng có vài mối tình vụn vặt, nho nhỏ cho vui ấy mà. Vui thôi chứ không tính toán gì đâu. Ở tuổi đó, chẳng lẽ cứ lủi thủi một mình ra quán, lang thang một mình quanh hồ ? Không khéo người ta bảo mình “ gay “ hổng chừng. Cho dù “ gay “ cũng phải có người chia sẻ buồn vui với nhau chứ ! Tình yêu của tôi như tơ rối, càng vung vít càng rối. Đến nước này thì chỉ còn cách đứng yên như phỗng chờ thiên hạ lấy chồng là hợp nhất. Mà chờ các nàng lấy chồng hết thì mình cũng..râu tóc bạc phơ ra rồi. May sao gặp được “ Tào công tử “ người cùng cơ quan bày cho một chước hay đến thượng sách : ”Chọn hôm đẹp trời, tiền túi rủng rẻng, làm sinh nhật mời các em.”. Trước giờ tôi có biết làm sinh nhật cho mình bao giờ đâu, ăn của người ta thì có. Thôi thì nhờ cô chủ quán cà phê làm giúp cho vậy. Bánh sinh nhật thì có người đăng ký làm rồi. Chắc, không dưới hai cái. Còn bánh mì, beefsteak và rượu săm banh thì quán lo. “ Điều quan trọng nhất là chụp ảnh, phải chụp với mỗi em vài kiểu mà kiểu nào cũng phải thật ướt át mới có kết quả.”, “ Tào công tử “ phán vậy. Đơn giản mà hiệu nghiệm thật. Sau vài hôm thanh minh, thanh nga theo kiểu “ lửng lơ con cá vàng ” là các em biến tôi thành chú Cuội lúc nào không hay. Mà tôi cũng Cuội thật. Bao năm dài đó, Sa Nư vẫn đợi vẫn chờ, vẫn thường qua lại nhà tôi. Có lần mẹ tôi bảo em :

- Con lấy chồng đi, chờ nó già mất thôi con ạ.

Sa Nư im lặng không nói, hình như trong lòng cô có ý trách mẹ tôi điều gì.

Mấy tháng nay không thấy Sa Nư qua nhà, mẹ tôi dò la mới hay em buồn vì căn bệnh quái ác, bệnh u xơ tử cung. May mà phát hiện sớm nên điều trị có kết quả, cứu được người nhưng phải vô sinh. Chắc em khóc nhiều. Mấy lần tôi sang thăm em đều lánh mặt. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ không có con thì sao nào, sẽ buồn trong chuỗi ngày già, sẽ quạnh hiu không người nhang khói..? Rồi tôi lại nghĩ bao người vợ đẹp, con xinh, gia cảnh sang giàu cũng chẳng sống tới đầu bạc răng long được ? Có người ly tan, có người tù tội, có người sống không ra sống trong cảnh chấp vá nọ kia. Ở đời, ở hiền thì mới gặp lành, gieo gió thì phải gặt bão. Đời người ngắn ngủi, sống là chuỗi thời gian trách nhiệm lại với đời. Người sống không trách nhiệm với đời khác nào như quả thối, không, thua quả thối chứ. Bởi quả thối còn có hạt cho được mầm xanh. Mẹ tôi không bàn ra cũng chẳng tán vào, mẹ thật có lòng nhân hậu. Tôi và mẹ trông vào đứa trai út đã có gia đình, đã có một cháu gái cho bà nội bế bồng, hạnh phúc rồi.

Một ngày đẹp trời, tôi và mẹ tôi sang nhà em với chồng thiệp cưới dày cộm trong tay. Thiệp cưới của tôi và em. Mẹ em thật sự xúc động. Mẹ rơm rớm nước mắt vì sung sướng. Sa Nư trốn trong phòng. Tôi vào tìm em. Sa Nư bật khóc nức nở. Tôi ôm cô bé vào lòng mà không biết phải nói gì thêm. Quay ra, tôi thấy mẹ em đang khấn vái chồng bà. Tôi với Sa Nư cũng chắp tay đứng hai bên.

Ngoài kia dòng sông vẫn êm đềm trôi, hoa lục bình nở tím một vùng nước đọng, chúng đã có nơi để gắn kết cuộc đời mình. ./.




VVM.31.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .