B a năm trước, bi kịch của gia đình Bách Hợp, tưởng chừng không thể nào quên, nó như vết dao ghim vào tim cô và má cô. Trái tim Bách Hợp băng giá không còn xúc cảm trước tình yêu, không khí gia đình cô buồn thảm như có đám ma. Chị Bách Hương tìm cho mình một lối thoát, làm đám cưới với anh Việt kiều, từ giã gia đình về nơi xứ lạ. Một thời gian sau, ba Bách Hợp hiểu được tấm lòng sắt đá của má, không chấp nhận chia sẻ tình yêu, ông tự viết đơn xin ly hôn, không chia tài sản, xách vali đi khỏi nhà.
Má Bách Hợp về quê thăm bà nội, má khóc một trận như mưa, xin bà nội tha lỗi cho má, má không làm tròn bổn phận làm dâu, không sinh con trai, xin bà nội cho phép ly hôn. Bà nội buồn rười rượi, không nói nổi lời gì, bà nội gật đầu. Bách Hợp thưa với bà nội:
- Ba má không còn sống chung, nhưng ba vẫn là ba, cháu sẽ về thăm bà nội.
- Ờ, thôi hai má con về đi, sống cho tốt, gắng lo cho mấy đứa nhỏ nghe Hai.
- Con cảm ơn má.
Hai má con trở về nhà, căn nhà rộng lớn vắng lặng. Má sống bình thản lặng lẽ, năm đó má cũng đến tuổi về hưu. Chị Bạch Đàn thay đổi hẳn, chị trở lại là đứa con ngoan của má, chị lo cho má, chị không để má phải buồn phiền lo lắng điều gì về cuộc sống của chị. Một năm sau, chị đưa anh Đường về ra mắt, xin phép má tổ chức đám cưới. Anh Đường hơn chị năm tuổi, là một doanh nhân thành đạt, ba má ở nước ngoài, chị Bạch Đàn không phải sống cảnh làm dâu. Má ôm chị Bạch Đàn khóc một trận như mưa, hình như bao nhiêu ức chế dồn nén trong tim tuôn rơi theo dòng nước mắt. Chị Bạch Đàn cười trêu:
- Má tên Bạch Lệ, nên cuộc đời má toàn nước mắt rơi, rơi nước mắt. Thôi cười lên dự đám cưới con gái.
Má lau nước mắt, ngập ngừng, nhìn chị Bạch Đàn:
- Đám cưới của con… con có cho ba…
Má bỏ lửng câu nói, chị Bạch Đàn vẻ mặt nghiêm trang, giọng nói âu yếm:
- Con để má quyết định, má muốn bà nội, ba dự, má về quê báo tin, mời luôn. Con không đi.
- Con không còn giận ba con à
- Dạ, con giận ba, tại ba làm khổ má. Ba đã viết đơn ly hôn, còn lý do gì để giận. Sống phải biết lễ nghĩa đạo đức làm con.
Đám cưới chị Bạch Đàn tổ chức trọng thể linh đình, lễ vật nhà trai đem sang nhà gái đầy đủ sáu mâm quả. Bà nội dáng vẻ phúc hậu, tóc trắng bạc phơ, mỉm cười trao tặng cho cháu nội món nữ trang vàng quý giá. Ba má đứng bên nhau trang trọng lịch sự. Má tươi cười đáp lễ khách khứa bà con, ánh mắt má nhìn chị Bạch Đàn thật âu yếm. Đôi lần Bách Hợp thấy ba cô nắm tay má, kéo đứng sát vào ông để chụp hình với ông bà sui, cô dâu chú rể.
Bách Hợp nghĩ, chị Bạch Đàn hay thật, có lẽ nhìn bề ngoài tính tình ương bướng nhưng ẩn sâu bên trong là trái tim hiền dịu của má. Má đã rơi bao nhiêu giọt nước mắt để có ngày vui này, cô con gái đã mở cửa trái tim đón nhận tình yêu, tha thứ cho ba cô, đem lại cho bà nội và má cô một niềm vui trọn vẹn. Tình yêu như cơn mưa trong lành ngọt mát, cơn mưa xua tan tất cả phiền muộn mất mát trong gia đình Bách Hợp.
Sau đám cưới, ba và Bách Hợp có một cuộc trò chuyện thân tình. Bách Hợp noi gương chị Bạch Đàn, cô mở lòng ra với ba cô. Từ trong ý nghĩ cô cảm thấy mình là đứa con bất hiếu, sống vô cảm trước nỗi đau của gia đình. Nhận lỗi và sửa chữa, cô muốn như thế !
- Con gắng chăm sóc má trong lúc tuổi già nghe Bách Hợp.
- Má con mới năm mươi sáu tuổi, đâu có già.
- Ờ, thì ba nói vậy thôi, xem hình đám cưới, trông má còn trẻ đẹp hơn mấy năm trước.
- Nhờ chị Bạch Đàn khuyên lơn an ủi, mua cho má dàn karaokê, má thích lắm, hát hoài, hát hay.
- Vậy à, từ xưa đến giờ, ba đâu biết má con thích hát hò…
Bách Hợp cười hi hi:
- Bởi thế mới xa nhau vĩnh viễn.
Ba cười chua chát, than thở:
- Cũng tại ông trời.
- Con nghĩ, nguyên do từ quan niệm trọng nam khinh nữ, ba không thương ba cô con gái.
- Thôi không nhắc chuyện cũ, buồn lắm! Con nói với chị Bạch Đàn, ba cảm ơn. Ba mong sẽ sớm dự đám cưới của con nghe Bách Hợp, sắp đến tuổi ba mươi… đừng để ế…
Ba cười thoải mái, Bách Hợp nhìn thấy ánh mắt ba nhìn cô đầy thương yêu. Bách Hợp chớp mắt, cúi mặt cố giấu đi giọt nước mắt hạnh phúc.
Một năm sau, Bạch Đàn sinh được đứa con trai. Bà Bạch Lệ bảo con gái đưa cháu ngoại về bà chăm sóc dùm, tối đón về. Đứa trẻ là niềm vui cho hai má con bà Bạch Lệ. Dì Bách Hợp nhìn em bé ngủ, như một thiên thần nhỏ, hai má hồng hồng, môi đỏ, lâu lâu cái miệng nhỏ xíu cười cười, lúc thì mếu mếu như khóc, bà ngoại nói trong tuổi sơ sinh, em bé được bà mụ bảo vệ, bà mụ dạy em bé cười, em bé khóc. Bách Hợp có đọc một số sách của Tây phương nghiên cứu về linh hồn con người, giải thích tại sao trẻ nhỏ có bạn vô hình chơi với chúng mà người lớn không thấy, không biết. Đó là điều hết sức tự nhiên. Có lẽ điều này Tây phương và Đông phương trùng hợp nhau về sự hình thành và phát triển của con người. Bằng tình yêu giữa người nam và người nữ, người mẹ kết tinh bào thai, tạo ra một sinh linh bé bỏng nằm trong bụng mẹ cho đến ngày chào đời. Đứa bé là hạnh phúc, là niềm vui của gia đình ông bà cha mẹ. Nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên cần những vòng tay âu yếm, trái tim nồng nàn yêu thương, người mẹ cho bú mớm đứa bé lớn dần lên, đầy tháng, thôi nôi, biết lật, biết bò, tập đi, tập nói, trí tuệ phát triển, những tiếng nói đầu tiên a…a…ba…bà… Bách Hợp quan sát đứa cháu bé bỏng của mình, cô thích nắm bàn tay nhỏ nhắn, ngón tay tròn thon như nải chuối tiêu nhỏ, làn da mát mịn. Khi bà ngoại tắm xong, thay đồ mới, nó chạy đến bên dì nhõng nhẽo:
- Dì thơm bé Bi đi, thơm lắm!
Nó chìa má sát vào môi Bách Hợp, cô làm bộ chọc nó:
- Con của ai, hông phải con của dì, hông thơm đâu.
Bé Bi xịu mặt chạy mét bà ngoại:
- Dì hông chịu thơm Bi, bà ngoại ơi!
Từ việc giúp má chăm sóc bé Bi, Bách Hợp dần dần tìm lại sự bình yên trong trái tim băng giá của mình. Nỗi buồn âm thầm day dứt về việc đổ vỡ của ba má cũng được giải tỏa, cô đã tìm lại con người đích thực của mình, cô muốn sống với chính con người thực của mình, với trái tim đầy bao dung và khao khát được yêu thương.
Từ bé Bi, Bách Hợp nhận ra, bất cứ nỗi đau nào cũng có thể quên đi, lắng dịu bởi thời gian và tình yêu thương. Bách Hợp đã trút bỏ những gánh nặng bao trùm cuộc sống của cô, cô không biết trước điều gì sẽ xảy đến vào ngày mai, nhưng cô tin mình đã chọn thái độ đúng, thay thái độ để thay đổi cuộc đời. Bách Hợp thường xuyên tham gia các chương trình giao lưu, gặp gỡ tác giả giới thiệu sách. Cô chọn mua nhiều sách văn học, sách nuôi dạy trẻ em, cũng không quên mua cho má những tiểu thuyết của những nhà văn thời tiền chiến vừa mới tái bản, những dĩa nhạc CD một thời vang bóng. Má nhận quà từ cô, với một vẻ ngạc nhiên vui mừng. Hai má con không nói ra lời, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim họ hiểu rằng, thời gian có thể xoa dịu chữa lành mọi vết thương. Cuộc sống của bà Bạch Lệ và Bách Hợp tràn đầy niềm vui, cùng đứa cháu trai có đôi mắt tròn xoe và cái miệng suốt ngày gọi: bà ơi! dì ơi!
Chiều hai mươi chín Tết, chợ hoa rộn rịp, người đông đúc đi xem hoa chụp hình, người chọn hoa trả giá. Không gian vui tươi rộn ràng giũa trời chiều nhạt nắng, gió lao xao chạm vào từng chùm lá, từng cánh hoa, muôn sắc hoa tỏa hương khoe sắc. Bách Hợp bước chậm ngắm hoa, những chậu hoa mai, hoa đào, cúc đại đóa vàng rực bung xòe mời gọi, cô muốn mua vài chậu hoa chưng Tết, dừng lại một gian hàng có nhiều chậu cúc, người bán hàng đon đả mời chào:
- Cô chọn chậu hoa nào, chậu lớn hay nhỏ?
Bao nhiêu một chậu cúc này vậy ông?
- Bảy mươi ngàn một chậu.
- Tôi mua bốn chậu, ông có giao hàng tận nhà tôi được không?
Một thanh niên đi đến, đứng cạnh Bách Hợp, cô ngó sang người thanh niên, anh ta kêu lên mừng rỡ:
- A! chào cô, đây là lần thứ ba chúng ta gặp nhau. Tôi là Tân.
- Vâng, chào anh, tôi là Bách Hợp.
Người chủ gian hàng hoa nói:
- Tân à, cô đây mua bốn chậu hoa cúc, nhờ mình chở hoa về tận nhà.
Một người đàn ông tuổi lục tuần, tóc bạc hoa râm, vừa đi ngang, thấy Bách Hợp và Tân đứng cạnh nhau, dừng lại vui vẻ chào:
- À, gặp hai người bạn trẻ tại đây, hai bạn mua hoa Tết…
Tân giơ tay cho người đàn ông, hai người bắt tay nhau.
- Dạ, cháu là Tân, còn cô Bách Hợp đang chọn mua hoa.
- Ờ, tôi nhớ đã gặp mấy lần ở buổi giao lưu giới thiệu sách. Tôi là Nghiêm.
Bách Hợp mỉm cười, hơi cúi chào:
- Dạ, chào bác.
Bách Hợp mở ví cầm tay, lấy tờ danh thiếp đưa cho Tân:
- Nhờ anh chở hoa đến địa chỉ này nhé. Tiền xe bao nhiêu tôi gởi luôn.
- Cô gởi tiền mấy chậu hoa cho anh tôi, không phải trả tiền xe. Tôi rất vui khi gặp bác Nghiêm và cô. Hình như chúng ta có một chút duyên, duyên sách, duyên hoa.
Bách Hợp về đến nhà, bà Bạch Lệ đang ngồi ở cửa chờ.
- Hôm nay con về muộn, thôi đẩy xe vào, đi thay quần áo rồi ăn cơm.
- Hôm nay ăn trễ một chút má à, con chờ người chở hoa Tết tới.
Đúng lúc đó, ông Nghiêm và Tân chạy xe honda đến trước cửa nhà. Hai người dừng xe, lui cui gỡ dây ràng, đặt chậu hoa xuống đất. Ông Nghiêm đứng thẳng người lên, chợt nhìn sững bà Bạch Lệ, vẻ mặt có vẻ ngạc nhiên, hình như ông cố nhớ đến một điều gì xa xưa còn đọng lại trong trí nhớ. Bà Bạch Lệ cùng tâm trạng với ông, nhìn ông đăm đăm, ánh mắt hai người gặp nhau. Ông Nghiêm lên tiếng:
- Xin lỗi, tôi nhớ không nhầm, bà là Bạch Lệ
- Còn ông là Nghiêm
- Cô Bách Hợp là con gái nhỏ ngày trước bà bồng cháu đi thăm ông nhà, phải không?
Bà Bạch Lệ mời hai người khách vào nhà. Câu chuyện ba mươi mấy năm trước được kể lại, lúc ba Bách Hợp đi học tập cải tạo, ông Nghiêm là cán bộ làm việc ở đó, ông giúp đỡ ba má cô rất nhiều, ba cô được tự do sum họp gia đình sau hai năm học tập. Ông Nghiêm vui vẻ hỏi:
- Ông nhà lúc này có khỏe không, đang làm gì?
Bách Hợp trả lời thay má cô:
- Dạ, ba cháu vẫn khỏe, ba làm ngành xây dựng. Nhưng ba má cháu đã ly hôn.
- Xin lỗi. Bác không biết.
Bà Bạch Lệ tiếp lời:
- Không sao. Còn gia đình ông, bà nhà và con gái đều khỏe chứ, chắc ông đã có sui gia.
- Bà nhà tôi bịnh mất đã ba năm. Con gái tôi có chồng, theo gia đình chồng định cư ở nước ngoài. Tôi nghỉ hưu về thành phố sống.
Bà Bạch Lệ quay sang hỏi Tân:
- Cậu Tân sống ở thành phố Hồ Chí Minh à, ở quận nào?
- Dạ không, cháu chỉ còn má sống ở quê. Cháu một mình lên đây học, ra trường làm việc luôn ở đây.
- Cậu còn độc thân à.
- Dạ.
- Cậu quen Bách Hợp bao lâu rồi?
- Dạ, biết nhau gần một năm, bác Nghiêm cũng quen…
Hai người khách ra về, bà Bạch Lệ ngó Bách Hợp trêu con gái:
- Trời ơi! Có đến hai người bạn, một già một trẻ, vậy mà giấu má.
- Con có giấu gì đâu, tự nhiên hai người đến nhà một lượt, té ra là người quen cũ của má.
- Ờ, đúng là trái đất tròn.
Mùng hai Tết. Bách Hợp thức dậy mà còn nằm nướng trên giường. Reng… reng… reng… Cô bấm máy nghe.
- Chào Bách Hợp. Tân nè… Chúc mừng năm mới.
- Chào anh Tân. Chúc Tân niên tân phúc tân phú quý
- Cám ơn Bách Hợp. Tôi không mơ tân phú quý, chỉ mơ ý nguyện duyên lòng đẹp ước mong.
Bách Hợp im lặng. Tân nói tiếp:
- Bách Hợp đi dạo đường hoa Tết chưa, nếu đi cho tôi hẹn cùng đi nhé! Mùa Xuân đi một mình buồn.
- Được. Hẹn mấy giờ?
- 9 giờ sáng hôm nay. Tôi đến chúc Tết bác, rồi cùng đi nhé!
Hoa xuân, gió xuân, nắng xuân. Bách Hợp duyên dáng trong áo dài hồng thướt tha, hai má ửng hồng, mỉm cười dịu dàng, cô để yên bàn tay mình trong tay Tân. Niềm vui mới, chính là điều cô cảm nhận được khi bắt gặp mùa xuân, trên con đường mùa xuân. Niềm vui sẽ là hạt mầm yêu thương đơm hoa kết trái cho tình yêu lứa đôi? Anh có phải là người bạn đường đi bên cô suốt cuộc đời? Bách Hợp đang ở điểm bắt đầu của một hành trình khám phá ra điều tuyệt vời của trái tim mình.