K hông biết chị Lê quê quán ở đâu, cuộc sống của chị trước kia thế nào; chỉ biết rằng chị lưu lạc đến xóm Chợ này trong một buổi chiều mưa cùng đứa con trai bốn tuổi. Hai mẹ con chị Lê ướt nhẹp, ngồi co ro ở gốc cây gòn ngoài cổng chợ, được bà sáu Xoa – chuyên gánh nước mướn và quét dọn ở chợ, gặp hỏi thăm, rồi thương tình đưa mẹ con chị về nhà. Chị Lê đang lên cơn sốt, nóng sốt mê man không biết gì’ đứa con trai nhỏ khóc khàn cả tiếng. Bà sáu Xoa nhúng nước ấm lau người chị cho bớt sốt, thay quần áo và nấu cho chị bát cháo hành tiêu nóng.
Từ buổi chiều hôm ấy chị Lê trở thành người con nuôi của bà sáu Xoa. Bà sáu Xoa là người phụ nữ không chồng, người phốp pháp, mạnh mẽ chuyên làm thuê, gánh nước bỏ cho mấy bà bán cá ngoài chợ kiếm tiền qua ngày. Thời con gái, bà mơ ước có một mái gia đình như bao nhiêu người con gái khác, nhưng không chàng trai nào đoái hoài đến bà, có lẽ vì bà chỉ còn một con mắt, con mắt bên trái của bà bị một người bạn thuở nhỏ chơi nghịch làm hư nên nhìn tướng bà thấy dữ nên họ không dám gần chăng? Bà cô độc trong túp lều tranh ngoài cổng chợ đã mấy mươi năm, không họ hàng thân thích. Nay có mẹ con chị Lê sống cùng, bà vui mừng và xem mẹ con chị Lê như món quà mà Trời Phật đã ban cho bà. Bà yêu thương và chăm sóc mẹ con chị Lê thật chu đáo, và chị Lê đã bình phục nhanh chóng nhờ tình thương yêu. Bà Xoa ái ngại khi nhìn thấy trong đôi mắt chị Lê u uất nỗi niềm riêng, nhưng bà cũng chẳng hỏi han nhiều sợ chạm vào vết những thương lòng cũ. Chị Lê như đang trôi giữa giờng nước chảy xiết gặp được chiếc phao cứu sinh. Chị Lê cảm thấy cuộc đời bất hạnh của chị đã được gặp duyên may Mẹ con chị nếu không được gặp người đàn bà nghèo khó mà tốt bụng cưu mang, thì chị không biết phải ẵm con thơ phải tìm về đâu, làm gì?
Theo tháng năm, chị Lê đã quen dần cuộc sống nơi đây. Bà sáu Xoa mua cho chị Lê một chiếc máy may khi biết chị đã từng là thợ may ngày trước. Ngày dọn ra ngồi ở góc chợ trước hiên nhà với chiéc máy may cũ, chị Lê treo tấm bảng “Nhận may và sửa quần áo cũ” . Chị Lê khéo tay, may đẹp, lại chịu khó, siêng làm, nên ai mua vải cũng ghé lại nhờ chị cắt may áo quần, kể cả áo dài quần tây.. Nhà có áo quần tốt bị chật hay đứt chỉ, rách, họ cũng đều đến nhờ chị. Thời gian đã dần khép chặt nỗi buồn trong lòng chị an phận, và chị luôn mỉm cười với hiện tại, miệt mài vui với công việc, với cảnh sống mới. Thỉnh thoảng, chị nhận may giúp áo quần cho con em những gia đình nghèo khổ quanh khu phố chợ mà chị được quen biết. Dịp Tết, chị thường có vài bộ áo quần nhờ đã chắp vá vải thừa cho các em - như một món quà nhỏ
Tú - con trai chị Lê, chóng lớn, lại sáng trí, thông minh - đó là điều bà sáu Xoa tự hào về đứa cháu ngoại với mọi người chung quanh. Tú được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện về môn toán.. Thầy Tín - giáo viên dạy nâng cao môn toãn, rất quí Tú, vì Tú học giỏi lại ngoan hiền, có hiếu với bà và mẹ khi nghe Tú nói với anh: “Em cố gắng phải đạt giải nhất trong kỳ thi này làm quà mừng sinh nhật mẹ!”. Anh biết thêm về mẹ con chị Lê qua lời kể của đám học trò và một vài phụ huynh của lớp anh. Anh cố gắng dạy để Tú trở thành một học sinh giỏi không chỉ ở cấp huyện mà có thể cao hơn nữa. Kết quả Tú đã đứng đầu trong đợt thi học sinh giỏi cấp huyện, và được vào đội thi học sinh giỏi cấp tỉnh tháng tới.
Bà sáu Xoa rất hãnh diện, nhanh chóng truyền tin nầy khoe với mọi người Mọi người đều chia vui:
-Bà phải làm cặp vịt “khao” bà con chớ! Có ai được như cháu bà đâu,
-Ừ! Khao thì khao! Có gì mình làm nấy - bà sáu Xoa cười lớn.
-Bà nhớ “hú” tụi tui đó nhen, tụi tui có gì mang theo nấy để chung vui với cháu.
Bà sáu Xoa cười lớn - giọng hớn hở:
-Được! Tui mời hết mấy chị em bán hàng chợ mình….
Bà sáu Xoa diện bộ đồ bà ba xám chị Lê vừa mới may cho bà, đứng ngắm nghía trước gương. Bà gật gù ra vè hài lòng, có lẽ bà thấy mình vui và đẹp ra khi làm buổi tiệc nhỏ mừng cháu bà đạt giải nhất. Chị Lê tất bật chạy lên, chạy xuống với nồi ca ri gà ăn bún. Thằng Tú bưng bình hoa vừa cắm xong lên phòng khách. Nó đứng ngắm nhìn ngôi nhà khang trang mà bà và mẹ nó đã đổ mồ hôi bao tháng năm mới xây được. Tú thường pha cho mẹ cốc sữa hay nấu cho mẹ tô mì khi thấy mẹ thức khuya; vất vả may từng chiếc áo, sửa vá từng chiếc quần cho khách mới gom góp được tiền để cùng bà sửa xây lại ngôi nhà tôn cũ . Trong lòng Tú rộn lên bao nhiêu niềm vui, tự dặn mình sẽ cố gắng học thật giỏi để luôn đem niềm tin vui lại cho bà và mẹ.
Tú lật đật chạy ra đón thầy Tín khi thấy thầy dựng xe ngoài cổng. Tú cười niềm nỡ:
-Dạ! Em chào Thầy!
Thầy Tín đưa hộp quà mừng cho Tú - cười vui vẻ:
-Chia vui và chúc mừng em!
-Dạ! Em xin cảm ơn Thầy!
Tú đưa thầy Tín vào phòng khách. Mấy bà buôn bán ngoài chợ cũng vừa vào, họ nói cười vui vẻ với những lời chúc mừng Chị Lê và bà sáu Xoa. Gương mặt bà sáu luôn rạn rỡ nụ cười trên môi, niềm nở chào khách. Mọi người vui vẻ chuyện trò trong niềm vui chung của mẹ con chị Lê và cũng là niềm tự hào của xóm Chợ. Chị Bảy “hành tiêu ớt tỏi” nhìn bà sáu Xoa trong bộ áo quần mới lạ lẫm - nói lớn: “Bà Sáu hôm nay trông có duyên lắm đó nha!”. Thầy Tín nhìn chị Lê với ánh mắt ngưỡng mộ. Chị vừa xinh đẹp lại đàm đang, dạy con tốt. Bà Hai bán rau mang theo hai chai rượu nếp bà ủ, khiến ai nấy mặt mày cũng đỏ bừng với chai rượu nếp ngon, ngọt này.
Tú cười rạng rỡ:
-Con xin cảm ơn Ngoại, cảm ơn mẹ Lê, cảm ơn Thầy đã giúp con đạt giải trong kỳ thi này. Đây là món quà con chúc mừng sinh nhật mẹ. Con cảm ơn các bà đã đến chia vui cùng con ạ.
Tiếng cười hoan hỷ vang lên, mọi người nâng ly chúc mừng. Thầy Tín vui không kém gì cậu ,trò giỏi; Thầy cũng rất hãnh diện - anh nói giọng chững chạc, chân tình::
-Xin chúc mừng sinh nhật chị, chúc mừng Tú, chúc mừng cả nhà…..
-Chúc mừng! Chúc mừng! Tiếng “chúc mừng” như reo lên.
Tiệc tan, mọi người thỏa thuê ra về. Chị Lê cảm thấy chuếch choáng, cảm giác lâng lâng khó tả, bước vội vào phòng nằm thiếp đi; mọi việc dọn dẹp đều nhờ một mình Tú. Chị nhắm nghiền đôi mắt, cảm giác trôi bềnh bồng như đang trên mây. Chị Lê đưa tay bật chiếc quạt máy, tiếng quạt vù vù, rè rè bên tai như ru chị chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Chị thả hồn trôi dần vào nỗi đau, nỗi uất ức, nghẹn lòng từ bao năm tưởng như đã tan mờ.. Nước mắt chị bõng nhiên ứa ra, chảy dài trên má. Chị thương cho thân phận mình mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống cùng người Dì khi mới 10 tuổi. Dì thương cháu, ráng cho chị ăn học, nhưng người dượng làm sao thương yêu chị khi mà sự nghèo khó cứ bám mãi gia đình ông dù cà hai đã lam lũ, vất vả, cũng không thoát được cái nghèo đã đeo đẳng gia đình tự bao giờ. Lê học một buổi, buổi còn lại phải lo ẵm em, giặt giũ, rồi cơm nước. Đôi tay gầy guộc, bé xíu của chị đen sạm, khô khốc, hai bên hông tím đen vì ẵm em. Nhiều khi đến lớp chị không thuộc bài, cảm thấy xấu hổ với bạn bè cùng trang lứa; chị nấc lên, nước mắt ràn rụa tuôn tràn trên gối.
Chị trôi dần theo con sóng dĩ vãng đã mờ xa, như vừa mới xảy ra hôm qua. Hết nỗi đau này đến nỗi đau khác,. Chị đau đớn khi nghe lại những lời mắng nhiếc cay đắng của mẹ chồng vang lên bên tai, không phải lỗi vì chị không ngoan hiền, không chăm chỉ, mà vì chị không xứng với sự giàu có của gia đình chồng. Nhà chồng chị - anh Tây, nổi tiếng giàu có, ruộng đất nhiều, nhà cửa mấy gian, cửa hàng buôn bán thổ sản lớn ở phố; đã không đồng ý khi anh đưa chị về ra mắt, nhưng vì thương con trai, họ phải chấp nhận chị là con dâu. Chị khổ sở vì bà mẹ chồng lúc nào cũng đem so sánh chị với cô Hồng, cô Thúy nào giàu có ở thị xã. Dù thế nào, chị vẫn giấu nỗi đau để đối xử tốt với mẹ chồng, luôn tận tình săn sóc bà như hằng đêm xoa bóp đôi chân của bà những lúc trái gió trở trời, lo cho chìu bà từng chút để bù lại những gì mình không có, thua kém những người con gái khác mà bà thường nhắc nhở.. Cuộc sống riêng của vợ chồng chị rất hạnh phúc, chưa bao giờ chị nghi ngờ gì về anh cho dù nhiều người hay khen anh đẹp trai, nho nhã, có nhiều cô mê. Anh đi làm xa, có khi một hoặc hai tháng mới về thăm nhà vài ngày. Chị đã có Tú - đứa con trai kháu khỉnh và là cháu đích tôn của ba mẹ anh. Tây là con trai một, anh không có anh hoặc chị em nào, nên anh được ba mẹ cưng chìu từ nhỏ, muốn gì ba mẹ anh cũng đều gật đầu cười.
Một hôm về thăm nhà. anh đưa chị và con trai đi mua sắm ở các siêu thị ngoài thị xã. Buổi tối anh thủ thỉ:
-Em à! Em cố gắng chịu đựng thời gian, mẹ có khó chịu một chút nhưng mẹ thương anh. Ở cơ quan anh có một suất đi học ở Malaysia về công nghệ mới, mai mốt về quản lý khu xưởng mới này. Anh muốn đăng ký và lo để được đi, em nghĩ sao?
-Thì anh muốn sao, em nghe theo vậy. Em không biết tính toán gì hết,
-Nhưng điều kiện là phải những người độc thân.
Chị Lê ngạc nhiên:
-Sao lại vậy? Em không hiểu?
-Em có muốn anh đi không? Nếu em muốn thì chúng mình phải “tạm ly hôn” để hồ sơ anh ghi là độc thân, mai mốt học về mình tái kết hôn, đâu có gì quan trọng? Em nghĩ thế nào?
Chị Lê lưỡng lự:
-Vậy có được không? Mai mốt lỡ anh không còn thương em, không chịu tái hôn thì em làm sao?
Tây hôn lên má vợ:
-Làm gì có, em không nhớ anh đã phải khổ sở thế nào với ba mẹ để cưới em sao? Đừng nghĩ bậy.
Chị Lê cười, giọng nũng nịu:
-Thì anh muốn làm gì thì làm, em nghe theo anh.
Rồi họ ly hôn, ngày ra tòa chị bần thần như người mất hồn. Chị mở đôi mắt thật to nhưng vẫn không thấy gì, chị nghe tim mình nhói đau như nghìn mũi kim đâm vào. Chị thấy những con người ngồi trên kia để xử cuộc hôn nhân của chị như những hung thần phán xét. Cả người chị run bắn lên khi bà thẩm phán hỏi: - Anh chị đã ly thân từ khi nào? Tại sao chị ly hôn? Toàn thân chị rúng động, chị có biết ly thân từ bao giờ? Chị có biết phải trả lời sao chị lại ly hôn? Chị choáng váng, hai mắt nhắm nghiền, hai tay bấu chặt vào thành ghế. Chị đứng lên run rẩy không nhớ mình đã nói gì, trả lời gì? –Anh chị kết hôn đã được bao lâu rồi? Câu hỏi như từ cõi nào xa xăm vọng về, chị không biết trả lời thế nào khi mà đầu chị trống rỗng, một phép trừ đơn giản thế mà chị không thể nào làm được. Chị lớ ngớ trông tội nghiệp, trước mắt chị là thằng Tú, đứa con trai dễ thương của chị; nó thoáng hiện trong đầu chị rồi mỉm cười và vụt mất. Chị bình tĩnh trở lại khi nghĩ “chỉ là giả thôi mà, mai mốt học xong anh ấy sẽ trở về với mẹ con chị”. Chị gắng gượng trả lời những câu hỏi để nỗi đau chia ly dịu xuống; chị lầm thầm “Rồi mọi việc cũng sẽ đâu vào đấy thôi. Duyên phận làm sao mà biết được”. Thế nhưng, trong lòng chị cứ đớn đau, linh cảm điều không lành sắp xảy ra. Chị cố hết sức để bình tĩnh, để vượt qua với lời an ủi “không sao, anh ấy yêu mình và đã vượt qua rào cản gia đình thế nào để đến với nhau”. Chị Lê cố giấu nỗi đau vào bên trong, hoàn thành tốt cuộc ly hôn giả tạm này, để chồng chị được ra nước ngoài học công nghệ mới. Bà thẩm phán, hai luật sư, một đại diện viện kiểm sát, một thư ký cho phiên tòa chập chờn, chóa lòa trước mắt chị. Chị gục đầu, hơi thở dồn dập khi nghe tòa tuyên bố: -Anh chị đã được chấp thuận ly hôn, kể từ giây phút này anh chị không còn là vợ chồng nữa. Tòa sẽ gởi giấy về nhà cho anh chị mỗi người một bản quyết định. Trong vòng 15 ngày, nếu không có ai kháng án thì bản án có hiệu lực. Miễn tòa”.
Chị lê bước chân nặng trĩu trở về nhà, mọi thứ chung quanh chị vẫn không có gì thay đổi mà sao chị thấy như xa lạ, lạc lõng. Bước vào phòng, chị nằm xuống giường mắt nhắm nghiền. Nước mắt chị tuôn tràn ướt gối, đành là giả tạm sao chị lại nghe đau đớn; dù sao cũng là cuộc chia ly, sao lại không xót xa, quặn đau chứ? Thế rồi, chị Lê sốt li bì, miệng khô khốc phải nhập viện. Anh đưa chị vào viện, chờ chị bớt xuất viện rồi anh lên lại cao nguyên làm việc. Chị Lê nhận sự chì chiết của mẹ chồng, bà hết chê bai này lại kiếm chuyện nọ mà đay nghiến. Chị Lê vẫn nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó hết lòng vì gia đình. Ba tháng sau, một buổi chiều khi nắng sắp tắt. Chị nghe tiếng con trai mừng rỡ:
-Ba! Ba...
Chị lật đật chạy ra hiên, anh về cùng một cô gái. Cô ta xinh đẹp, mặc váy ngắn bó sát người trông thon thả, khêu gợi; đôi má hồng hào có lúm đồng tiền xinh xắn, hàm răng trắng đều. Hai người nắm tay nhau cười nói vui vẻ. Mẹ chồng chị chạy vội ra mừng rỡ đón con trai, anh giới thiệu cô ta với mẹ:
-Đây là Thúy, con gái giám đốc công ty con đó mẹ.
Mẹ chồng chị cầm tay cô gái xuýt xoa:
-Cháu dễ thương quá! Ước gì bác có con dâu như con.
Anh cười:
-Thì con dâu mẹ đó, con đưa về cho mẹ con dâu mới này, mẹ vui chứ!
Chị sững sờ trố mắt nghẹn ngào, hai môi chị lắp bắp không thành tiếng. Trước mắt chị một màu tối đen, u ám. Hai chân chị như muốn khuỵu xuống, chị bủn rủn tay chân khi nghe anh nói với chị:
-Đây là Thúy, vợ mới của tôi.
-Anh... anh... là sao?
-Tôi với cô đã không còn là vợ chồng, chúng ta đã ly hôn. Có gì lạ mà cô hoảng hốt. Cô đã được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không liên quan gì đến cái nhà này.
Trời đất như quay cuồng dưới chân chị, chị ngã xuống đất thở dốc không nói được lời nào. Có lẽ nào tình yêu trong anh đã không còn? Có lẽ nào tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay đã cạn, có lẽ nào? Bao nhiêu câu hỏi đớn đau thoáng hiện rồi vụt mất khi chị thấy sự dửng dưng trên khuôn mặt, trên ánh mắt anh. Mẹ chồng chị nói giọng hả hê:
-Vậy là kể từ hôm nay, cô có thể rời khỏi căn nhà này. Tôi đã có dâu mới, cô ở lại không tiện. Cô có thể dắt thằng Tú đi đâu thì đi.
Chị quỳ xuống van xin:
-Mẹ ơi! Con biết đi đâu bây giờ. - quay qua anh, chị thổn thức Anh nói chỉ là giả thôi mà, sao giờ anh lại thế, em biết phải làm sao đây?
Anh nói dứt khoát:
-Cô làm sao thì làm, đi đâu thì đi. Tôi nhường thằng Tú cho cô rồi đó, nếu không muốn, cô có thể để nó lại cho tôi. Trên pháp lý cô không là gì của tôi nữa cả.
Chị Lê ngỡ ngàng khi nhận ra sự thật, một sự thật phũ phàng mà chị không thể ngờ được. Anh đã quay ngoắc lại, đen biến thành trắng. Chị oán ghét anh, căm hận anh đã lừa dối chị. Trong lòng chị anh bỗng trở nên xa lạ khi nghe anh nói: -Tự tay cô ký và đưa đơn ra tòa chứ có phải tôi đâu, cô đã bỏ tôi đó chớ. Mọi thứ chung quanh chị sao thế này? Chị cố bịn nhưng mọi thứ như chao đảo, quay cuồng. Trước mắt chị một màu tối đen, chị ngã lăn xuống đất. Trong mơ hồ chị nghe tiếng khóc gọi mẹ của con trai, chị cố gượng dậy mở mắt nhìn con. Thằng bé quì bên chị khóc ngất, có lẽ nó sợ chị chết. Thúy ngún ngoảy cười theo anh vào nhà, ngang qua chị cô cười nói: “Đời này, đừng tin ai bà chị ơi! Lòng người thăm thẳm khó lường lắm”. Chị uất nghẹn khi mẹ chồng chị quăng cái xách áo quần chị ra sân, nói rõ ràng:
-Quần áo cô tôi đã bỏ vào xách rồi đấy, đi đi.
Chị Lê bỗng mạnh mẽ, đứng phắt dậy. Chị cố nuốt nỗi đau vào lòng, và chị ước gì mình không còn nhớ gì nữa hết, để không đau, không hận cuộc đời này. Anh đã thay đổi thật rồi, ngày ấy anh yêu thích sự giản dị, đằm thắm, chân chất, đơn thuần; còn bây giờ anh thích sự xa hoa, lòe loẹt, váy ngắn, áo dây. Rồi chị nghĩ anh không xứng đáng với tình yêu của chị, một người chồng bạc bẽo như thế không cần phải nhớ, không cần luyến tiếc. Chị Lê mạnh mẽ, mang cái xách lên vai, tay dắt con trai bước ra cổng...
Chị Lê bỗng cười lớn, rõ to và nói lẩm nhẩm gì không nghe rõ. Tú hoảng hốt chạy vào phòng lay chị:
-Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ làm sao thế? Mẹ gặp ác mộng à?
Chị Lê giật mình bừng tỉnh, dụi mắt ngồi dậy - cười nói với con trai:
-Mấy giờ rồi con? Mẹ say quá, ngủ một giấc dài.
Tú chặt lưỡi:
-Gần tối rồi, ngủ gì mà ngủ dữ.
Chị Lê lật đật bước xuống giường đi ra nhà sau.
Ngày tháng trôi qua, Tú đã là một bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng II Sài Gòn. Trước khi Tú kết hôn với một nữ đồng nghiệp làm chung trong bệnh viện, như dự định đã bàn tính với con - chị Lê đưa con trai về quê thăm lại mộ cha mẹ chị và ông bà. Bước xuống xe, chị tần ngần nhìn chung quanh. Mọi thứ trở nên lạ lẫm, đổi thay khác thường. Con đường từ quốc lộ chạy về xóm chị đã tráng nhựa sạch và rộng. Hai bên đường, nhà cửa san sát nhau khang trang, đẹp đẽ. Chính trên con đường này, ngày ấy anh đạp xe đèo chị phía sau, hai đứa lên nhà bạn thăm chơi ăn xoài, ăn ổi, hay những buổi tối cùng đi xem hát mỗi khi có đoàn văn nghệ nào về biểu diễn. Hôm nay con đường làng đã đổi khác như lòng người cũng đã đổi khác. Anh đã không còn là của chị, mọi thứ trở nên xa lạ. Chị lạc lõng giữa quê hương thân yêu mà ai đi xa đều luôn nhớ, nhưng với chị lại khác; chị lại muốn quên, quên tất cả để có thể an bình với hiện tại. Tú mỉm cười với chị:
-Sao mẹ ngơ ngác thế? Lạ quá hả mẹ? Gần ba mươi năm rồi còn gì? –Tú nắm tay chị bóp nhẹ -Xúc động quá hả?
Chị Lê cười hiền:
-Quê hương đổi mới, đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang, mẹ có hơi xúc động và cũng mừng vì người nông dân quê ta cũng được hội nhập với văn minh thị thành.
Hai mẹ con lên chiếc xe thồ chạy về xóm Chùa, nơi có ngôi nhà của người Dì mà chị đã từng sống. Đứng trước cổng nhà, chị xúc động khi thấy cây xoài bên hông nhà mà ngày xưa chị và Lan - con của Dì, hay trèo hái trái. Cây xoài đã quá già, gốc to ôm không xuể, phủ lá che kín mát cả góc vườn. Bao nhiêu kỷ niệm xưa tràn về làm chị cay mắt, chị đưa tay dụi dụi che giấu sự xúc động.
Nghe tiếng chó sủa, một phụ nữ bước ra sân nheo mắt nhìn. thấy người lạ chị liền hỏi lớn:
-Chị muốn tìm ai ở đây hả?
Chị Lê cùng con trai bước vào. Chị nhìn người phụ nữ vừa hỏi, thấy nét nhiều quen thân. Chị bỗng ứa nước mắt:
-Lan hay Huệ thế?
-Chị là ai sao biết chị em tui? Huệ đây chứ không phải chị Lan.
Huệ nhìn chăm chú vào chị Lê, bỗng mừng rỡ:
-Chị Lê hả? Trời ơi phải chị Lê không? Chị đi đâu mà mất tăm, mất biệt vậy? – quay vào nhà nói lớn – Chị Lan ơi! Ra mà xem ai đây nè?
Chị Lê ôm chầm lấy hai vai Huệ, òa khóc nức nở. Hai chị em ôm nhau cùng khóc, tiếng dép lẹp xẹp cùng tiếng nói của Lan vọng ra:
-Ai mà kêu tao ra xem? Lạ hay quen hả Huệ?
Lan bước ra nhìn cảnh hai chị em ôm nhau thấy hơi lạ, dướn mắt nhìn kỹ thử Huệ đang ôm ai, nhưng không nhìn ra. Huê nói như gào: Chị Lê đấy! rồi kéo chị Lê vào nhà, hai tay vừa chùi nước mắt, vừa nói:
-Chị vào nhà đi, mừng quá chị ơi. Vào đây!
Chị Lê bước vội vào theo Huệ. Chị Lê ôm Lan vào người - gượng cười:
-Chị Lê đây! Con của mẹ Thiệt không nhớ ra à??
Lan ôm riết lấy chị - òa khóc:
-Trời ơi! Chị đi đâu mấy chục năm nay? Má em đi tìm chị khắp nơi, cứ tội nghiệp chị, má em khóc mãi cho đến khi sắp chết còn nhắc đến chị nữa đấy.
Chị Lê chùi nước mắt, đôi mắt đã ráo hoảnh, có chút đờ đẩn ngậm ngui:
-Thì chị đi làm ăn chớ đi đâu, giờ trở về thăm nè.
Lan quay nhìn thấy Tú đứng xớ rớ - hỏi:
-Thằng Tú đó hả? Chà, đẹp trai…giống ba như khuôn đúc!
Huệ càu nhàu:
-Chị nhắc chi đến con người bạc bẽo ấy, có vay có trả, cuộc đời nầy nhân quả nhỡn tiền hết chị ơi.
Tú cười cảm thông lời của Dì Huệ, lúc nầy mới có dịp cúi chào hai người Dì thân quyến. Mấy chị em rôm ran chuyện trò thăm hỏi, vui mừng hết chuyện này sang chuyện khác. Hai chị em Lan và Huệ tranh nhau kể cho Lê nghe từng người quen trong xóm, không ai đả động gì đến gia đình chồng chị, có lẽ họ sợ Tú buồn khi nghe nhắc đến gia đình Nội nó.
Trưa, cơm nước xong, Tú lên nằm trên tấm phản nhà trên nghỉ lưng. Lan và Huệ kéo chị Lê vào phòng riêng Lê vừa nằm xuống, đã nghe giọng Lan ấm ức:
-Chị biết không, mẹ chồng chị cho người đi tìm chị khắp nơi mà không ai biết gì về chị cả. Sau khi anh ta lấy vợ được mấy năm, hai vợ chồng kình cãi nhau miết vì cô ta không thể sống nổi với lời đay nghiến của mẹ chồng rằng cô ta không có con trai. Anh ta là con một, bà mẹ muốn có người nói dõi nhưng cô ta sinh một lượt hai đứa con gái, làm bà mẹ thất vọng. Nhân quả mà chị! Ông trời có mắt hết, không bỏ sót ai bao giờ. Bà mẹ chồng chị tìm chị là vì thằng Tú chớ thương yêu gì chị đâu, phải không chị?
Chị Lê nghe cay đắng trong lòng, nhưng nghĩ lại cũng thấy tội người mẹ chồng. Người già ai cũng muốn có người cháu nối dõi, muốn làm tròn trách nhiệm với tổ tiên; không có con trai như có lỗi với ông bà, giòng họ. Thằng Tú con chị là đích tôn dù mẹ chồng chị có xua bỏ thì nó vẫn là con cháu của họ; tìm kiếm hay không tìm kiếm vẫn thế, giòng máu trong người nó vẫn là , máu thịt của họ. Chị nghĩ, sẽ không bao giờ đòi hỏi hay giành giựt Tú về phần mình nếu Tú muốn tìm về nhận ông bà, giòng họ chị vẫn vui vẻ, , không hề ngăn cản. Đã bao năm lận đận bất hạnh, chị đã hiểu ra trong cuộc đời vô thường nầy, không có gì là của mình mãi mãi, là vĩnh cửu. Đồng thời, chị cảm nhận ra rằng, trong cuộc bể dâu đau buồn chị đã gặp cơn gió đưa đẩy như duyên lành, đã ghé đậu vào bến bờ yêu thương bên người mẹ tuyệt vời, bên đứa con trai ngoan hiền, hiếu thảo. Chị nhận ra niềm hạnh phúc mầu nhiệm của một con thuyền trôi nổi giữa cơn bão táp đã cập bến an vui!.Và, chị đã luôn cầu mong dòng suối yêu thương chảy mãi trong lòng mọi người, để những con thuyền trôi nổi như chị được trở về cập bến yêu thương.