Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





CHIM ƯNG và CHIM VẠC










(Vài ý nghĩ mọn nhân đọc bài Mộ Điểu)

Cẩn báo: Nhân đọc bài Mộ Điểu của Sa Sa (Hạt Cát dịch) Khoahoc.net đăng ngày 28/11/2016, tôi có vài ý nghĩ mọn xin được giải bày. Xin biết cho,  đây chỉ là những ý vụn vặt, hàm hồ, rất nhiều sai sót. Nếu có gì không phải, xin các bậc cao minh dạy bảo và bỏ quá cho, coi như lời tầm pháo của tên "rợ" nào đó! Cảm ơn!



Đ ể khỏi tốn thời giờ tìm kiếm của quý vị, tôi xin đăng lại bài thơ trên.


暮鳥

孤鳥高飛何處?
烟霜歲月浮游
暮風虛無久叫
已心一日天秋
沙沙

Mộ Điểu

Cô điểu cao phi hà xứ,
Yên sương tuế nguyệt phù du
Mộ phong hư vô cửu khiếu,
Dĩ tâm nhất nhật thiên thu!
Sa Sa

Cánh Chim Chiều

Về đâu một cánh chim bay,
Khói sương lãng đãng tháng ngày phù du,
Gió chiều gọi mãi hư vô,
Nghe lòng như đã thiên thu một ngày.
Hạt Cát

Trước hết, tôi xin thành thật bái phục Hạt Cát đã dịch bài thơ quá tuyệt, khó người qua!

Sau đây, tôi xin đi thẳng vào nguyên tác Mộ Điểu của Sa Sa.Tôi hiểu ý bài thơ như thế này:

- Buổi chiều đầy khói sương, tiếng gió chiều vang động như tiếng gọi hư vô, cánh chim đơn lẻ bay vút tan nhòa vào hư không, khiến thi nhân cảm thấy buồn cho sự phù du của kiếp nhân sinh. Nỗi buồn khiến ngày dài ra như cả thiên thu (Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê- Tản Đà)

Cảm thức thời gian đời người hữu hạn và buồn (cả tình nữa) là những đề tài muôn thuở của thơ văn.

"Cô điểu cao phí" trong bài làm tôi liên tưởng đến "Cô vụ tề phi" trong Đằng Vương Các Tự của Vương Bột (Lạc hà dữ cô vụ tề phi / Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc)

Vâng, đó là những áng văn thơ tuyệt tác của Văn Học Bắc Phương từ cổ chí kim!

Bài thơ và bản dịch đẹp như một bức tranh toàn bích!

Tuy nhiên, xin cho tôi được đưa ra vài ý mọn, vài lời ngu ngơ!

Những bức tranh đẹp đó thường chỉ được treo trong cung đình vương giả, trong nội thất giàu sang, hay ở các nơi triển lãm dành riêng cho danh gia vọng tộc, giai cấp cao sang. Những người dân dã tầm thường đâu thể dự vào!

Nhưng, đã là tranh thì tĩnh, cảnh chết, đâu sinh động như đời thường.Cũng giống như tượng, tranh của người nữ đẹp, ta chỉ trầm trồ, đâu bằng người nữ đời thường ta có thể vuốt ve ôm ấp!

Tiến sĩ Phân tâm học C.G. Jung ( ông cùng với S. Freud là một trong những thủy tổ của khoa Phân Tâm Học, nghiên cứu về tiềm thức của loài người) năm 1949 đã dùng bói Dịch để biết việc quảng bá và giới thiệu Dịch (I Ching) sang tiếng Đức, tiếng Anh có được thuận lợi hay không?. Bói được quẻ Tỉnh. Kinh Dịch giải đoán: “như một cái giếng cổ, bùn lầy lấp cả rồi, nhưng có thể sửa sang mà dùng lại được, cứ tiến đi thì được trọng và có công".

Ông tiến hành, Kinh Dịch được làm mới lại và đã trở thành kinh điển cho các học giả cùng các trường đại học Tây Phương học hỏi! Những áng thơ văn cổ giống như đài gương quý, lâu ngày bụi phủ, phải được lau chùi, như giếng ngọt lâu ngày bùn đọng, phải được nạo vét lại để giúp ích người sau. Chứ đừng là tường thành ngăn chặn bước tiến!

Có những điều tuyệt đúng với thời xa xưa, nhưng chưa chắc thích hợp với ngàn năm sau. Tất cả đều phải chuyển biến cho hợp thời thì mới tồn tại. Đó là nghĩa chữ Thời trong Kinh Dịch. (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai! – Quẻ Tùy--cái nghĩa tùy thời lớn thật!).

Trong thưởng lãm văn chương nghệ thuật, không có sự cao thấp, chỉ có hay dở mà thôi.Hay: khi nó đi thẳng vào và tồn tại trong lòng người. Đừng vì sáo rỗng, hoa mỹ mà cho là hay, là cao sang tót vời. Cũng không thể quá dung tục đời thường, vì đã là văn chương nghệ thuật thì ngôn từ phải được chắt lọc. Đó là ý nghĩa Trung Chính trong Kinh Dịch và Trung Dung của Khổng Tử!

Trong mọi cuộc thảo luận Văn Học, mọi cuộc nhàn đàm, trà dư tửu hậu.v.v.. và cả trong việc muốn phô trương kiến thức thơ văn trác tuyệt của riêng mình, ai ai cũng ngâm nga và dốc lòng tán thưởng Văn Học Bắc Phuơng. Nó làm tôi thấm buồn cái thân phận bọt bèo, nhược tiểu VH Nam Phương! VH Bắc Phuong như là bức tường thành kiên cố, cấm kỵ, "bất khả quá quan". Nó là Vũ môn tót vời, không một cá chép hèn mọn, nhỏ nhoi Nam Phuơng nào vượt qua được!?

Có lẽ tôi đã lạc đề, sa đà, ăn nói hàm hồ quá rồi, xin bỏ quá cho! Tôi xin trở lại với bài thơ buồn Mộ Điểu.

Với sự mạo muội, tôi nhờ các thi nhân so sánh dùm bài thơ hèn mọn sau đây với bài Mộ Điểu ở trên. Xin đừng so sánh ngôn từ, vì chắc chắn bài Mộ Điểu tuyệt bích rồi, chỉ xem xét về nỗi buồn kiếp nhân sinh!

Bài thơ sau cũng có cánh chim đơn lẻ (cô điểu), nhưng là cánh vạc nhỏ nhoi, so với ( hình như) chim ưng (điêu) uy vũ trong hình trên! Cũng có bay, nhưng không cao vút (cao phi) mà bay mỏi mệt, tan mờ vào chiều tà! Cũng có tiếng gọi (khiếu) nhưng không "mơ hồ hư vô cửu khiếu", mà là tiếng oán than của thân phận bọt bèo, ớn lạnh cả chiều tàn! Cũng có sương khói (yên sương), nhưng không phải của núi cao hùng vĩ , mà lặng lờ sóng gợn trên sông dịu hiền. Và còn có cả ráng chiều ở xa tít bờ Tây, dù là ẩn ý (Từ điển Thiều Chửu: Ráng, trong khoảng trời không thâm thấp có khí mù, lại có bóng mặt trời xiên ngang thành các màu rực rỡ, thường thấy ở lúc mặt trời mới mọc hay mới lặn gọi là ráng).

Đây là bài thơ hèn mọn:

Chiều bên sông

Chiều như chầm chậm rơi mơ
Sương giăng sóng gợn xa mờ trời Tây
Lẻ loi cánh vạc mỏi bay
Hồn tôi tịch lặng chiều nay bên chùa…
Gió lay động giấc mơ xưa
Em con vạc nhỏ kêu vừa đủ đau!

Giấc mơ bị lay động vì tiếng vạc kêu sương trầm thống vang lên trong chiều vắng!

Cánh vạc, như bóng hình của người con gái tội tình (giống như tất cả cô gái ruộng đồng xa hút miền Nam) tan biến dần , để lại tiếng than ai oán trong chiều im vắng, lạnh buốt khói sương, giữa sắc màu vàng hồng rồi xạm dần theo mặt trời dần khuất, làm nhói lòng chàng trai ngồi lại bên chùa, cạnh giòng sông vắng! Tiếng kêu đau thương, uất hận, nghe ngắn gọn như một mũi kim đâm vào hồn. Tiếng kêu thương số phận nghiệt ngã của cô gái ruộng đồng nghèo khó, vật vả, có khi phải tha phương (cũng có thể bị bán ra nước ngoài!) tan biến theo giòng đời!

Nếu suy rộng ra, cũng cô thề là tiếng kêu than trầm thống của thân phận Văn học nhược tiểu Phương Nam bị Bắc Phương lấn át!

Kiếp nhân sinh của Mộ Điểu phù du (trăm năm?) so với thiên thu, nhưng chắc chắn nhàn nhã, thơ túi rượu bầu, so với số kiếp cực khổ cơ hàn dân dã (chắc dài khoảng vài chục năm). Ai buồn hơn ai?!

Thêm nữa, nếu thực sự là chim ưng, thì đó là loài ác điểu, "cao phi" của nó chắc làm khiếp đảm những con chim nhỏ nhoi tội tình (cả cánh vạc hèn mọn của tôi) phải không?!

Thôi thì mặc kệ ai tán dương, đề cao, chạy theo người thêm một lần nữa, chép ra đây hai câu cổ thi ( tạm gọi vậy, vì tôi không biết tác giả) mà tôi tâm đắc từ lúc còn thơ, để chấm dứt vài ý nghĩ mọn và hàm hồ này.

Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung!


Cập nhật theo nguyên bản của tác giả .