Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



SỐ PHẬN MỘT ĐỊA DANH LỊCH SỬ

  


     H ầu như mỗi vùng đất của nước ta đều ít nhiều có dính dáng đến truyền thuyết, dã sử. Bạn đi tham quan - du lịch, nhất là đi đường dài, thường chỉ đến những thắng cảnh nổi danh, những di tích văn hóa, lịch sử có hạng. Bạn khó biết, khó đến những nơi đã bị lãng quên, đã bị mai một, thậm chí đã bị huỷ hoại vì thời gian, vì con người.

Xã Sơn Phúc thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh xưa là làng Phúc Đậu. Trong cải cách ruộng đất, như ở một số nơi, người ta đặt tên xã mới bằng cách lấy đầu hoặc đuôi tên huyện ghép với một phần tên xã cũ hoặc một tiếng mới đặt. Cách này làm cho nhiều địa danh đã có bề dày lịch sử biến mất, kể cả những cái tên đã đi vào ngạn ngữ. Không chỉ mai sau, ngay bây giờ về Hà Tĩnh khó mà tìm được các địa danh nằm trong các câu truyền tụng trước đây: “Lắm lúa Trị Yên, lắm tiền Thịnh Xá”, “Trai Đông Thái gái Yên Hồ”… May mắn, một số làng xã sau này đã được lấy lại tên cũ như Kim Liên ở Nghệ An, chẳng hạn. Làng Phúc Đậu không có cái may đó. Phúc Đậu gắn với tên xa xưa động Tiên Hoa. “Động” ở đây chỉ một nơi cư trú miền rừng núi không mang ý nghĩa “hang động” như quen nghĩ. Vùng này có hai đồi thấp, dân địa phương gọi là Rú (núi) Tiên ĐộngRú Hoa Bảy. Người ta đoán định cái tên Tiên Hoa là từ tên mấy ngọn đồi này mà ra.

Đất Phúc Đậu và phụ cận thuộc vùng đồi. Chừng như khi xưa ông Trời tạo ra dãy Trường Sơn đã để vung vãi ra những mẩu vụn. Vùng đất ấy lại trũng, mùa mưa bão, các ngọn đồi dễ biến thành những hòn đảo liên hoàn.

Dẫu vậy, thời xa xưa ấy đã có dân đến khai khẩn. Chưa nhiều. Nhà ở lơ thơ còn xen cùng rừng; người chung địa bàn cùng thú hoang. Có một nhà sống bằng nghề trồng tỉa trên cạn và đơm cá dưới khe. Bữa nọ, người chồng cứu được một con cọp non bị kẹp chân giữa hai thân cây bắc làm cầu qua suối. Con thú từ đấy hàm ơn người cứu mạng. Đêm đêm nó giúp canh bọn khỉ, bọn lợn lòi phá ruộng rẫy, bọn rái cá phá đăng trộm cá. Thỉnh thoảng nó mang con mồi săn được đến đặt gần nhà. Một đêm, người nông phu ra thăm cái trộ cá thấy cái đó bị nước dồn về đẩy xiêu bèn lội xuống sửa vào một cái giờ bất thường. Con hổ ngỡ là trộm, từ trên cao lao xuống vồ chết ân nhân. Vồ xong, con mãnh thú biết là nhầm, nó trằn mình lăn lộn, vật vã trên một đám đất hoang lấp xấp nước. Đám đất nát nhừ như bị bừa; sau này khi được vỡ hoang thành ruộng, người ta gọi là ruộng trằn, cái tên ấy gần đây vẫn còn. Con cọp tự phẫn một hồi rồi mang xác người bị nạn đến dựng đứng dựa vào gốc cây sui to ở lưng ngọn đồi bên cạnh. Sáng hôm sau, mối đã đùn đất phủ kín cái thây. Bà vợ đến gỡ ra đem về chôn gần nhà mình. Đêm đến, con vật lại moi cái xác lên đưa về chỗ cũ. Cái xác đã nhũn chỉ có thể đặt ngồi dựa cây. Mối lại đùn lên thành mả. Một thầy địa lí đi qua bảo: “Cứ để nguyên đấy! Huyệt mộ chỗ đó có thể phát vương, đáng tiếc là chôn ngồi nên chỉ phát tướng”. Đám rừng có ngôi mộ do hổ táng được bảo tồn cho đến cách nay chừng nửa thế kỉ và mang tên lòi hổ huyệt (“lòi” là tiếng địa phương chỉ đám đất rộng vừa phải có cây cối rậm rịt. “Hổ huyệt” là mộ do hổ táng).

Con trai người bị hổ vồ tên là Nguyễn Tuấn Thiện lớn lên vào lúc bọn nhà Minh bên Tàu đang cướp nước ta. Ông bèn tụ tập trai tráng trong vùng đứng lên chống lại quân đô hộ, đóng bản doanh tại động Tiên Hoa- quê ông. Bấy giờ Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn, Thanh Hóa, đánh không lợi bèn chuyển hướng chiến lược vào xứ Nghệ. Nghe danh ông Thiện, Vương thân đến mời hội quân. Hai người làm lễ ăn thề bên gốc một cây thị, về sau được gọi là “cây thị ăn thề”. Từ đó, nghĩa quân Lê Lợi ngoài bản doanh chính là thành Lục Niên ở núi Thiên Nhẫn lại thêm bản doanh ở động Tiên Hoa. Cả hai đều thuộc huyện Đỗ Gia, Châu Hoan (nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Từ các căn cứ này, nghĩa quân từng có trận thắng lớn giặc Minh trên sông Phố, dưới chân núi Rú Vằng (Kim Sơn), ở cửa ngõ động Tiên Hoa.

Nơi Cây thị ăn thề có một truyền thuyết liên quan đến cảnh gian truân của người khởi nghiệp nhà Hậu Lê. Một lần, Lê Lợi thất trận bị quân giặc truy nã. Quân tán lạc mất cả, chỉ mỗi mình ông lẩn trốn. Ông gặp bên đường một người đàn bà bị giặc giết nằm phơi thây. Bình Định Vương thấy bất nhẫn bèn đem chôn vào một cái hố gần đó. Giặc vẫn lùng đuổi. Vào một lúc bí thế, vương chui vô ẩn trong gốc cây thị. Cây thị rỗng trong gốc, song chỉ thông với cái hốc trên cao. Giặc đuổi đến, đàn chó xúm quanh cây thị sủa vang. Bọn lính lấy giáo xỉa vào cây. Vương phải lấy vạt áo khéo lau những mũi giáo đâm chạm vào mình. Đang hồi nguy cấp, một con chồn trắng từ hốc cây lao vọt ra trốn chạy. Lũ chó ùa đuổi theo. Tên tướng Tàu chỉ huy toán quân tức giận ra lệnh gọi bầy chó lại chém chết con đầu đàn rồi kéo quân đi. Sau này, vua Lê sai lập miếu thờ người đàn bà vô danh đã hiển linh hóa ra con chồn để đánh lạc hướng giặc. Chuyện này còn được gán cho một số nơi khác với những tình tiết tương tự. Chẳng sao. Điều chính yếu là cái lõi, cái thần câu chuyện để lại cho hậu thế. Cây thị ăn thề không có thêm truyền thuyết này thì vẫn là một chứng tích lịch sử đã được ghi nhận.

Cây thị nay vẫn còn, gốc tày hai người ôm, già cỗi y như cổ tích, song vẫn còn “phong độ”, đến vụ vẫn cho nhiều quả. Đúng là thân rỗng lên tít trên cao. Nơi gốc bây giờ bị hổng hai mảng đối diện có thể nhìn xuyên qua, và có thể ghé nhìn thông lên phía trên. Nếu không được chăm sóc e chẳng còn “thọ” được lâu. Cây thị trước kia đứng giữa đồi đất hoang, nay đứng lẫn giữa các cây vườn. Mãi sau này mới có tấm biển đề giới thiệu cây bằng xi măng qua quít. Không một dấu hiệu nhỏ nào khác tỏ sự quan tâm. Ít ai nhớ đến cái quá khứ vinh quang và thiêng liêng của nó, cho dù giả sử chỉ được ghi nhận ở mức truyền thuyết.

Cây sui “hổ huyệt” thì nay chỉ còn trơ lại cái gốc cụt đang mục dần, to đến bốn người ôm. Năm 1994, Bộ Văn hóa trao bằng di tích lịch sử cho khu lưu niệm về Nguyễn Tuấn Thiện. Xã Sơn Phúc (Phúc Đậu) xưa kia là nơi phát tích và là căn cứ nghĩa quân nay chỉ có một chi họ nhỏ họ Nguyễn hậu duệ của ông. Họ lớn (đại tôn) lại ở xã Sơn Ninh bên kia sông Phố, nơi có nhà thờ và mộ Nguyễn tướng quân. Do vậy, họ lớn đã tranh rước bằng di tích về bên đó. Một số cán bộ văn hóa cấp trên thấy có gì chưa phải, nhưng chi họ nhỏ thế yếu, xã sở tại cũng không mấy mặn mà cho là việc riêng của dòng họ.

Tháng 8- 1994 rước bằng về xã Sơn Ninh thì tháng 5-1995 cây sui đại thụ, ít ra cũng hơn 600 tuổi như cây thị, bị sét đánh. Từ xa, người ta cũng nhìn thấy trong mưa to những tia sét loằng ngoằng thi nhau giáng xuống cái cây thọ mà không trọn. Cây sui bắt đầu héo ngọn lan dần xuống gốc, các nhánh và cành lần lượt rã ra rơi xuống đất. Người làng cho là có một sự phẫn nộ linh thiêng (!). Tôi không nghĩ xa về cõi siêu hình, chỉ nghĩ hẹp trong cõi trần gian thấy sự bỏ bê chốn gốc tích và chuyện tranh chấp, nếu có, đúng là đáng giận. Ngày nay, người ta đua nhau, tranh nhau nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa, phải chăng với ý thức tôn vinh danh nhân, tôn vinh công tích, bảo tồn di sản dân tộc, bảo tồn truyền thống, hay ẩn đằng sau còn có cái “tiếng” và, tệ hơn nữa, cái “miếng”? Dấu tích chỗ cây sui, ngoài gốc cây cổ thụ mục, chỉ có am thờ nhỏ như một cái chóp mộ trong góc một miếng đất thoai thoải chừng 1500 mét vuông, sơ sài cỏ và lẻ tẻ cây dại.

Đất tốt mà để hoang. Đất hương hỏa, họ chính ở xa, chẳng giao cho ai. Một người ngoại tộc ở kề đấy đề nghị được trồng trọt và đổi lại sẽ trông nom, hương khói và nộp một phần thu hoạch, nhưng chưa được chuẩn y.

Còn đáng buồn hơn, một dấu tích tưởng đâu là bất biến đã và đang bị huỷ diệt, sẽ xoá sổ luôn một địa danh vốn đã bị chìm trong sương khói lịch sử. Bản doanh nghĩa quân Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện từng đóng tại đồi Hoa Bảy. Nay còn lưu lại nơi rìa đồi những tên đất: Nhà Dinh, nhà Nổ, Cây Ràng, Cây Kè, ... Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, trong cuộc khởi binh Cần vương chống Pháp kéo dài hơn mười năm, nghĩa quân Phan Đình Phùng - Cao Thắng mà người dân Phúc Đậu vẫn gọi là quân cụ Đình (Đình Nguyên Phan Đình Phùng), cụ Chưởng (Chưởng Quân Cao Thắng) cũng từng đồn trú tại Hoa Bảy. Trong số các tướng của quân Cần Vương có một người quê ở ngay Phúc Đậu, ông Nguyễn Nhị (không thuộc dòng họ Nguyễn Tuấn Thiện) tục gọi là Cử Nhị vì ông đậu cử nhân võ, đã tử trận khi dẫn quân đánh giặc Pháp ở đồn Linh Cảm. Một địa danh gắn với những biến cố lịch sử như thế, tiếc thay… Đồi Hoa Bảy có hai ngọn, ngọn thứ hai có tên là Động Quang. Chừng mười năm trước, hòn Động Quang đã bị ngoạm vẹt sườn một vệt rộng và sâu dọc chiều dài để lấy đất tôn tạo quốc lộ 8. Sau đấy mấy năm, người ta lại đào tiếp sang hòn Hoa Bảy cũng để lấy đất đưa đi làm đường Hồ Chí Minh. Một di tích văn hóa vật thể sắp tiêu vong cùng di sản văn hóa phi vật thể bao quanh nó.

Có người nói: Những ngọn đồi Hoa Bảy, Cây-thị-ăn-thề, Lòi-hổ-huyệt, Ruộng trằn, Cầu-cứu-cọp…không đưa lại những dịch vụ kiếm tiền thì đòi hỏi người ta quan tâm sao được. Song, di sản dân tộc cùng anh hồn quá khứ đâu có cần “dịch vụ” để chiêm bái hay ít ra là nhớ về.

2001-2011



VVM.13.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .