Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐIỂM QUA NHÂN VẬT LỊCH SỬ
NHÂN MỘT BÀI THƠ 


B ài “Khóc Bằng Phi” nổi tiếng trước nay nhờ gợi lại hình ảnh một người con gái rất sống động qua những nơi nàng hay lui tới cùng những cảm xúc gợi hình mãnh liệt của kỷ vật dể lại. Có nhiều người cho rằng tác giả là vua Tự Đức vì liên tưởng đến danh từ chốn cung đình, phi tần cung nữ. Nhưng cũng có người cho rằng khẩu khí của nhà vua chưa đạt đến mức lời lẽ miêu tả như trong bài, vả lại Tự Đức đã được mệnh danh là ông vua thi sĩ trong “Ngự chế thi tập” có cả ngàn bài thơ cũng không tìm thấy bài nói trên. Vậy thì bài thơ trên làcủa ai?

Nhân vật thứ nhất được gán cho là Nguyễn Khuyến (1835-1864) trước có tên là Nguyễn Văn Thắng hiệu Quế Sơn, người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Bắc phần). Ông sinh năm 1835 – năm Tự Đức thứ 17 (1864) đỗ Giải nguyên(1) trường Hà Nội – Năm sau, thi hội không đỗ, từ đó ông đổi tên là Nguyễn Khuyến, rồi vào kinh đô Huế học trường Quốc Tử Giám(2). Đến năm 1910 ông mất thọ được 76 tuổi. Có thể kể một vài bài thơ hay, vịnh cảnh của ông đã được đưa vào chương trình giáo khoa như “Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh”.

Nhân vật thư hai được cho là tác giả bài thơ trên là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, danh sĩ đời Lê mạt, tác giả của Cung Oán Ngâm Khúc. Ông là người xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (tức phủ Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh (Bắc phần). Thân phụ ông là Nguyễn Gia Cư, tước Đại Vũ Hầu, thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Toàn, hiệu Quỳnh Liên Quận Chúa, con gái chúa Trịnh Cương. Năm 19 tuổi ông sung chức Hiệu úy(3)sau vì đánh giặc có công, được thăng Chỉ ủy Đồng Tri và được phong tước Ôn Như Hầu. Ông tính tình khoáng đạt, Nguyễn Gia Thiều hơn người ở chỗ tuy sinh trưởng nơi quyền quý, nhưng ông không thích công danh, chỉ muốn tìm thú vui cho tâm hồn trong việc nghiên cứu đạo Tiên, Phật và thường cùng bạn hữu uống rượu, làm thơ. Khi Tây Sơn ra Bắc, ông ở ẩn không chịu ra làm quan. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều sở trường về các lối ca, từ ông có soạn ra 2 bộ “Sơn Trung Am” và sở “Sở Từ Điệu” để phổ vào nhạc. Thơ chữ Nho của ông có “Tiền, Hậu thi tập”; còn về văn nôm có “Tây Hồ thi tập”. “Từ trai tập” và đáng kể hơn cả là khúc “Cung oán ngâm” viết theo thể song thất lục bát gồm cả thảy 356 câu, văn phẩm tuyệt tác đã đưa Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lên địa vị vững vàng trong văn giới nước nhà và cũng đã được đưa vào giảng dạy giáo khoa bậc trung học về thơ Nôm.

Nhân vật thư ba được cho là cha đẻ của bài thơ trên là Trần Danh Án, đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Thân 1888 thời Lê Mẫn Đế, giữ chức Viên ngoại lang(4) khi Lê Mẫn Đế (tức Lê Chiêu Thống) năm thứ 2. Lúc quân Tây sơn đánh đuổi được quân Thanh ra khỏi kinh đô Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống chạy theo quân Thanh, Trần Danh Án không theo kịp vua Lê, phải ẩn lánh trong rừng núi xứ Bắc Giang. Tây Sơn bắt được, dụ ông bằng chức tước cao sang nhưng ông nhất mực từ chối. Tây Sơn biết không thể dùng danh lợi mua chuộc được liền tha ông. Ông vẫn kết hợp các nghĩa sĩ chống Tây Sơn, về sau ông mất.

Trong 3 nhân vật kể trên, Trần Danh Án là người được cho là tác giả bài thơ, mặc dù ông không để lại nhiều tác phẩm như Nguyễn Khuyến và Nguyễn Gia Thiều.

Bài “Khóc Bằng Phi”

Ớ, Thị Bằng ơi! Đã hết rồi
Ớ, tình ớ nghĩa, ớ duyên ơi
Mưa hè, nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình vướng mãi càng thêm bận
Mà muốn theo hoài cứ chẳng thôi.

Ghi chú:
(1) Giải nguyên: người đậu đầu của thi Hương
(2) Quốc Tử Giám: Cơ quan được lập từ vua Lý Nhân Tôn, nhà quốc học đầu tiên của nước nhà. Đến thời Lê thu nhận những người đã đỗ cử nhân vào rèn luyện, học tập một thời gian để thi Hội và thi Đình.
(3) Hiệu úy: chức võ quan chỉ huy một đạo quân
(4) Viên ngoại lang: chức quan làm việc ở các Bộ




VVM.11.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .