Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CẢM THỤ THƠ: LÀNG TÔI


LÀNG TÔI

Quê cha không tiễn mà xa biệt
ngày về cong cớn gió đầu đông
biết em còn giữ Đông Bàn bắc
hay đã buông gươm khúc ngược dòng
Biết chị còn thổi buồn qua lửa
cái Tấm, Út Hiền đã mấy con
ngẩng mặt trông đình làng Ngũ Phụng
bỗng thương cha chí lớn không thành
Bỗng nhớ tiền nhân đi mỡ cõi
mài gươm trên mặt sóng Thu Bồn
thời bi tráng dù ai lau sạch
vẫn còn Hòn Kẽm phía đèo Le
Người về như người đã ra đi
cứ đau đáu nỗi niềm quê kiểng
cứ dằng dặt trường chinh vó ngựa
mẹ vẫn ngồi như tượng, chờ con
Bốc nắm đất luồn qua quá khứ
nghe quê thơm đủ bốn góc làng
cha dù khuất, sắt son còn thắm
Thu Bồn vẫn mượt điệu hò khoan./.

Sài Gòn 08.5.2014

NGUYỄN TAM PHÙ SA

Chưa một lần đến thăm quê anh – đất Quảng – nhưng tôi động lòng trắc ẩn về quê anh qua bài thơ “ Làng tôi ” của nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa.

Chất liệu quê khiến anh khắc hoạ trong tâm trí là hình ảnh thực và ngôn từ có chọn lọc, đầy hàm xúc, đẹp ấn tượng của một người con xa quê cha đất tổ.

Vừa vào làng tôi đã cảm thông với việc ra đi thầm lặng của người con quê nhà “ quê cha không tiễn mà xa biệt ”. Câu thơ gợn chút buồn tủi. Mỗi người có lý do xa quê riêng. Đâu cũng là quê hương, nhưng quê cha vẫn có sức hút mãnh liệt, vẫn là tiếng vọng gọi về.  Người ra đi cảm nhận được sự “ xa biệt ” nghĩa là luôn đau đáu, chưa bao giờ xa trong tâm tưởng, chỉ xa về không gian mà thôi. Vì vậy, cho nên, ngày về “ cong cớn gió mùa đông ”và “ biết ” rất nhiều những gì thuộc về làng. Đó là con người. Những người từng gắn bó, sống chết với làng, làm nên kỳ tích với làng. Ta không thấy bóng dáng cảnh sắc vườn cây hoa lá của đất Quảng mà chỉ có con người. 

Không phải là “ làng tôi sau luỹ tre mờ xa, làng tôi yên ấm bao ngày qua…” mà là ưu tư hơi buồn, là tự hào về tư thế của làng. 

Trước tiên là tư thế ngạo nghễ với gió mùa đông. Tính từ “ cong cớn ” được biến chất từ ám chỉ chưa đẹp lắm về phẩm cách người con gái vừa kênh kiệu vênh vênh vừa đanh đá sang tư thế ngạo nghễ với mùa đông – mùa của khó khăn khắc khổ. Câu thơ trở nên đẹp lạ. Và tên đất, tên người được hiện lên là những chị, em, là làng trong kháng chiến. 

Xa quê mà “ biết em còn giữ Đông Bàn bắc. Biết chị còn thổi buồn qua lửa/ cái Tấm, Út Hiền đã mấy con ”.

Đất nước mình chiến tranh triền miên. Thống nhất bao năm rồi nhưng quê xưa gian khó, oai hùng chưa bao giờ nhạt phai trong trái tim người con của đất Quảng xa nhà. Chiến tranh, máu và nước mắt. Người ra trận không về nên chị thổi buồn qua lửa. Một cụm từ, một hình ảnh vừa thực, vừa mới trong cách thể hiện: “ còn thổi buồn qua lửa ”. Chẳng phải thông thường xưa, người phụ nữ buồn nẫu ruột gan, ngồi trong xó bếp, nhờ lửa sưởi ấm sao? Nhưng “ thổi buồn qua lửa ” lại là nghị lực chiến thắng nỗi buồn – hình ảnh người phụ nữ trở nên đẹp kín đáo và phi thường. Đất nước hoà bình bao nhiêu năm nhưng hậu quả của chiến tranh là hy sinh, mất mát vẫn còn đó. Chị “ còn thổi buồn qua lửa ” và kiêu hãnh “ ngẩng mặt trông đình làng Ngũ Phụng ”. Năm danh sĩ tỉnh Quảng Nam cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi năm 1898, nơi đây trở thành mảnh đất tự hào, ai cũng biết. Đình làng Ngũ Phụng Tề Phi thành biểu tượng của năm con chim phượng hoàng cùng bay. Tác giả nhớ Đông Bàn bắc, đình làng Ngũ Phụng, Hòn Kẽm phía đèo Le, sông Thu Bồn. Những cái tên gắn bó với tuổi thơ, với quê hương nhưng chợt buồn: “ thương cha chí lớn không thành ”. Cha anh mất sớm. Và đẹp hơn nữa là hình ảnh “ tiền nhân đi mở cõi/ mài gươm trên mặt nước Thu Bồn ”. Phi lý và siêu thực. Có ai mài được dao gươm trên mặt nước không? Dựa vào việc thực của việc mài dao gươm trên đá cũng phải vảy chút nước thì mài mới sắc, sáng loáng, tác giả nhân hoá, nâng việc ấy: mài gươm trên mặt nước Thu Bồn thành số nhiều, toàn dân làng bên dòng Thu Bồn, thành ý chí quyết tâm của bậc tiền nhân đi mở cõi. Cái thời bi tráng dù lau sạch gươm, rửa sạch hận thù giặc cướp làng thì nỗi đau vẫn còn Hòn Kẽm phía đèo Le. Lịch sử bi thương, xót xa, và hào hùng, kiêu hãnh về một thời chiến tranh luôn đau đáu trong lòng người con xa quê, dù hôm nay đây, Quảng Nam đã thành địa danh du lịch nổi tiếng. Thế mới hay lòng thi sĩ – người con của quê cha nặng tình nghĩa với làng quê xiết bao. Chiến tranh dằng dặc. Chị “ thổi buồn qua lửa/ mẹ vẫn ngồi như tượng, chờ con ”, cha thì chí lớn chưa thành. Bức tranh làng vừa đượm buồn thiên cổ, vừa tự hào về khí phách “ mài gươm trên mặt nước Thu Bồn ”, tư thế “ ngẩng mặt trông đình làng Ngũ Phụng ”, rồi lặng “ bốc nắm đất luồn qua quá khứ ”. Không chối cãi được cái tài dùng ngôn từ, hình ảnh sắc nét riêng biệt của nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa trên con đường cầm bút. Anh viết:… “ từng tháo máu ngày đêm mài óc/ cũng từng cắt ruột vá trăm năm…” ( Kể chuyện kẻ không nhà – Nguyễn Tam Phù Sa ). Rồi:

“ Đất nước tôi có một thời
dàn hợp âm tiếng đạn bay từng đàn
tiếng bom rơi từng chùm
nhà trăm họ bập bùng cột lửa
trước một phút mẹ còn bên kia dốc
sau một giây nhiều người chết giữa đường ”
( Đất nước tôi có một thời như thế - Nguyễn Tam Phù Sa ).

Cuối cùng, trở về và lặng lẽ “ bốc nắm đất luồn qua quá khứ ”. Ngôn ngữ, hành vi “ bốc ” không dễ gì có được, chẳng dễ gì làm được nếu là người hời hợt, thờ ơ, vô cảm với đất nước, dân làng. Sâu sắc và đẹp thật! Con của làng bốc nắm đất “ luồn ” qua quá khứ – từ uyển chuyển, sâu sắc quá, “ đắt ” trong giá trị liên tưởng. Mấy khổ thơ trên là cả sự đau đáu nhớ, ngẫm về làng mình trong quá khứ - thời chinh chiến. Ở khổ cuối, tác giả kết lại bằng một khổ thơ rất đẹp, hàm xúc. Nâng bổng tình yêu quê cha, tự hào về quê cha từ quá khứ dẫu buồn tới hiện tại tươi mới, đan xen. Vóc dáng, tấm lòng, phẩm cách người dân làng cũng được đúc kết lại một lần “ sắt son ” với dòng sông Thu Bồn “ mượt điệu hò khoan ”, “ thơm đủ bốn góc làng ”. Cảm xúc ấy lan sang người đọc. Người đọc thêm yêu “ Làng tôi ”của tác giả: 

Bốc nắm đất luồn qua quá khứ
nghe quê thơm đủ bốn góc làng
cha dù khuất, sắt son còn thắm
Thu Bồn vẫn mượt điệu hò khoan.

Khác với trường ca Làng tôi của thi hào Nguyễn Bính là những câu chuyện của mày, của tao, về mẹ cha, dân làng:

“ … Bắt phu, cướp thóc 
Nghênh ngang súng ngắn gươm dài 
Khắp cả vùng ngậm đắng nuốt cay 
Trời nghiêng đất lệch…”

với lễ hội, đêm chèo v.v. chỉ dừng ở câu cảm: “…Nghĩ tới mẹ cùng em, bỗng dưng tôi nhớ quá! ”. Với đề tài viết về “ Làng tôi ” thì hẳn thi hào Nguyễn Bính - nếu còn sống, ông sẽ hài lòng về thế hệ sau có nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa biết chắt lọc ngôn từ, hình ảnh đẹp, sâu sắc như thế. Bạn đọc ước một lần được về thăm làng tác giả có dòng Thu Bồn lịch sử như thơ.




VVM.06.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .