Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SỰ THANH KHIẾT CỦA SEN


S en được phân bố rộng rãi từ biển Caspien đến Nhật Bản, Philippin, Ấn Độ, Bắc Úc, nay cũng được trồng nhiều ở Nam Âu, Bắc Phi và Hoa Kỳ. Người ta đã tạo ra nhiều giống, nhiều dạng. Ở Nhật Bản có tới 80 giống và dạng, còn ở Pháp có tới 12 giống. Các giống sen cao thấp, hoa đơn, hoa kép, hoa to, hoa nhỏ và màu sắc khác nhau.

Nước ta là quê hương của sen. Sen ở nước ta có 2 loại:

- Sen hồng: cây cao khỏe, hoa màu hồng to, hương thơm ngát

- Sen trắng: cây cao, yếu hơn, hoa màu trắng

Bộ phận nào của sen cũng có ích cho con người: hoa đẹp thơm, nhị hoa đem ướp trà, lá dùng gói bánh, nhất là cốm, củ sen, hạt sen, ngó sen là thực phẩm ngon, làm mứt, nấu chè. Hoa, hạt lõi, lá, thân, rễ… đều có các vị thuốc để chữa bệnh và bồi dưỡng con người. Từ xa xưa, hoa sen (Nelumbium nelumbo (L) Druce) đã được con người, nhất là nhân dân các nước theo đạo Phật, đặc biệt trân trọng vì hương sắc thanh khiết cao quý của nó. Trong kinh điển Phật giáo (như Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh) sen thường được nhắc đến, với tên Mạn-đà-la (sen) hay Ma-ha Mạn-đà-la (sen lớn) và hình tượng sen nở, còn được dùng để chỉ sự kiện Phật xuất thế.

Ở Đông phương, với truyền thống Nho giáo, sen còn được tôn vinh làm biểu tượng cho đức độ quân tử như Chu Đôn Dy đã phô bày phẩm tính cao quý “mọc lên từ bùn lầy mà chẳng nhiễm” trong bài “Ái liên thuyết” của mình? Từ xưa, sen đã được các tao nhân mặc khách nuôi trồng trong chậu cảnh, để thưởng thức và ngâm vịnh những lúc trà dư tửu hậu, gọi là “bồn tài hà hóa” (hoa sen trồng chậu) hay gọi như ngày nay “sen bonsai” (bon sai là âm Hán Nhật của bồn tài).

Công viên Cảnh Sơn ở phía Bắc cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa được xây dựng để đón du khách đến thưởng ngoạn Sen vào mùa hoa nở - mùa Hạ hàng năm. Hơn 4.000 loài sen muôn vàn hương sắc, thuộc đủ mọi chủng loại, được trồng trong chậu trưng bày xen lẫn với các kiến trúc lầu, đài, đình trong Công viên, để mọi người xem tận hưởng hương thơm cách sắc của một vùng sen.

Nổi bật trong số hơn 4 ngàn chậu sen này là 2 chậu từ Nhật Bản được người xem trân trọng: một bồn “Sen chùa Đường Triệu Đề” là con cháu của cây sen mẹ, vốn là cây đã được trồng từ hạt sen, do vị cao tăng đời Đường là Giám Chân (hạt sen “Dương Châu”) đem từ Trung Quốc qua trồng ở chùa Toshyoteji (Đuờng Triệu Đề Tự), Nara (Nại Lương) ở Nhật Bản cả ngàn năm nay vẫn còn và mới đây lại hồi hương.

Bồn sen thứ hai là “Trung Nhật hữu nghị liên” (Sen hữu nghị Trung – Nhật) có sắc thái rất huyền ảo.

Thi sĩ đời Đường (Trung Quốc), nhà thơ Lý Bạch (701 – 762) có bài Thái Liên khúc (khúc hát hái sen):

Có cô con gái nhà ai

Hái Sen chơi ở bồng ngoài Nhược Da

Mặt hoa cười cách đóa hoa

Cùng ai nói nói mặn mà thêm xinh

Áo quần mặc mới sáng tinh

Nắng soi đáy nước, rung rinh bóng lồng

Thơm tho vạt áo gió tung

Bay lên phất phới trong không ngọt ngào

Năm, ba chàng trẻ nhà nào

Ngựa hồng rặng liễu, bờ cao bóng người

Ngựa kêu lần bước hoa rơi

Đoái trông ai đó, ngậm ngùi tiếc thương

    Tản Đà (10.12.1937)

Bài Trì Thượng (Trên ao) của nhà thơ Bạch Cư Dị (772 – 846):

Người xinh, bơi chiếc thuyền xinh

Bông sen trắng nõn mới tinh hái về

Hớ hênh dấu vết không che

Trên ai để một luồng chia mặt bèo

    Tản Đà (24.10.1937)

Bài Thái Liên khúc (khúc hát hái sen):

Ấu sen sóng gió một miền

Con thuyền len lỏi lối sen mịt mùng

Gặp chàng muốn nói, thẹn thùng

Cúi đầu trâm rớt vào trong nước hồ…

Tương truyền Vua Lý Thái Tôn nằm mộng thấy Phật trao cho đóa hoa sen. Tỉnh giấc, vua cùng đình thần đóan mộng, rồi truyền xây dựng Chùa Một Cột, hình đóa sen nở xòe, để ghi lại sự tích này. Chùa Một Cột là nỗi nhớ quê hương của những người xa xứ. Một trong những người ấy, nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế viết:

“Thăm Chùa Một Cột, hương thơm ngát

Như đóa hoa sen giữa bụi mù

Bụi vẫn bay và hoa vẫn nở

Hoa còn nở mãi với ngàn Thu”

Vẻ đẹp của sen gợi lên cốt cách cao thượng, trong sạch của con người, Cao Bá Quát viết:

“Ví hoa đương túc liên

Hương thanh cán tựa tu duy tiên”

Nghĩa là: “Nếu là hoa, thì nên là sen

Hương thanh, cành thẳng, đẹp như tiên”

Ca ngợi tình yêu:

Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen

Sông sâu nước chảy vui vầy

Ai xui em đến chốn này gặp anh?

Đào tơ sen ngát xanh xanh

Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên

Chị thời như cánh hoa sen

Chúng em bèo bọt, chẳng chen được vào

Lạy trời cho cả mưa rào

Cho sen chìm xuống, bèo trào lên sen…

Ở nước ta, sen mọc rải rác khắp mọi nơi ao, hồ, đầm… người ta còn xây hồ nhân tạo để trồng sen ở các đình chùa, lăng tẩm, để làm tăng vẻ đẹp phong cảnh.

Sen tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp Mười mà địa danh ở đây mang tên Làng Sen. Nhắc đến vùng bưng biền nổi tiếng này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bên cạnh rừng tràm, không thể không nói đến cây sen:

Sen Tháp Mười, hương thơm ngào ngạt

Lúa Tháp Mười, trĩu hạt sai bông

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Ở Mộc Hóa, Vĩnh Hưng có những Bàu sen, làng sen rộng đến 2, 3 cây số vuông. Trong chiến tranh đánh Mỹ, cán bộ, bộ đội, du kích đã từng “chém vè” ở các láng sen, bàu sen, để tránh những trận càn lớn của giặc. Nhiều khi phải ngâm mình dưới nước cả ngày, chịu đói, chịu lạnh. Nhưng nếu may mắn gặp mùa sen đã có hạt, thì có thể vững bụng. Bởi vì chỉ cần bứt mươi chiếc gương sen, bóc lấy hạt rồi nhai sống, thế là cơ thể có đủ chất dinh dưỡng và nhiệt lượng, để con người chịu đựng cả ngày dưới nước.

Trong những ngày đánh Mỹ, bức ảnh chụp những chị em du kích Đồng Tháp Mười đang phục kích địch dưới tàu lá sen và bông sen, đã đến với bạn bè năm châu, qua báo Ảnh Việt Nam, giúp họ hiểu thêm về con người và đất nước Việt Nam.

Trong bộ tranh Tứ quý cổ truyền, Sen tượng trưng cho mùa Hạ. Thế nhưng, trên đồng đất phương Nam, do điều kiện đất đai và khí hậu, sen không chỉ trổ hoa vào mùa Hạ và tàn vào mùa Thu theo quy luật, mà lại nở hoa ra tươi đẹp gần như quanh năm.

Vào mùa Hạ ở miền Nam, nơi những ao hồ cạn nước, bị dậy phèn thì sen ở nơi đó không những không trổ hoa, mà còn tàn rụi, để rồi khi mùa mưa đến thì lại mọc lên.

Doãn Uẩn, một nhà nho quê Nam Định, khi được điều về làm quan tại An Giang vào thế kỷ 19, đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra điều lý thú là ở phương Nam, dưa hấu chín vào tiết Đông, trong lúc ở quê ông thì dưa lại chín vào mùa Hạ; và sen ở phương Nam thì nở quanh năm, chứ không phải chỉ nở vào mùa Hạ. Quả thật, sen đã cho ta nhiều lý thú…




VVM.04.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .