Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



NHA TRANG
MIỀN QUÊ HƯƠNG CÁT TRẮNG

  


T ôi nhớ về Thành phố biển đáng yêu này – nơi gần trọn thời niên thiế, tôi đã sinh sống tại nơi đây và hàng ngày tung tăng đến trường và mong chờ ngày nghỉ hè mau đến, để lũ học sinh chúng tôi kéo nhau ra tắm biển suốt cả ngày mới thú vị.

Nhạc sĩ Minh Kỳ - người con của Nha Trang – đã có nhiều bài hát ca ngợi miền biển quê hương của mình, trong số nhạc phẩm đó, tôi thích nhất là ca khúc “Nha Trang”:

“Nha Trang là miền quê hương cát trắng, Có những đêm nghe vọng lại, Ầm ầm tiếng sóng xa đưa.”

Nha trang là một đô thị có diện tích 251km2, dân số vào khoảng 500 000 người (năm 2007). Thành phố giáp ranh huyện Ninh Hòa ở hướng bắc, thị xã Cam Ranh ở hướng nam, huyện Diên Khánh ở hướng tây và hướng đông là Biển Đông, chính Biển này đã mang lại cảnh quan mỹ miều và nên thơ cho Đô thị này. Nha Trang được bao bọc bởi núi ở ba mặt và một hòn đảo lớn ở mặt thứ tư (nằm ngoài đại dương ngay trước mặt Thành phố), đã che chắn, bảo vệ Đô thị tránh khỏi các trận bão tố. Từ năm 1653 cho đến thế kỷ 19, Nha Trang còn là một vùng hoang dã có nhiều thú dữ, nhất là hổ (hổ Khánh Hòa nổi tiếng), sau chỉ hai thập niên vào đầu thế kỷ 20, Nha Trang đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Vào ngày 30-8-1924, Toàn quyền Pháp ra quyết định Nha Trang trở thành Thị trấn bao gồm các xã cổ xưa là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải. Ngày 7-5-1937, Pháp nâng Nha Trang lên thành Thị xã.

Vào ngày 22-10-1970, Thị xã Nha Trang có xã Nha Trang Đông và xã Nha Trang Tây, sau đó trở thành 2 quận: Quận 1 và Quận 2. Tới ngày 30-3-1977, Chính phủ Việt Nam quyết định Nha Trang trở thành Thành phố thuộc Tỉnh Khánh Hòa. Vào ngày 22-4-1999, Thủ Tướng Chính phủ quyết định Thành phố Nha Trang là Đô thị loại 2. Hiện nay, Việt Nam có quy chế các đô thị: - đô thị đặc biệt (Hà Nội và Saigon-Tp.HCM, T.Phố trực thuộc Trung ương) và - đô thị loại 1 (Hải phòng, Đà nẵng, Cần thơ –TP trực thuộc T.Ư), - đô thị loại 2 (Nha trang, Đà lạt, Thái nguyên…–TP thuộc Tỉnh) - đô thị loại 3 (cũng gọi là TP, thuộc Tỉnh) và còn lại là – đô thị loại 4 và loại 5 (chỉ gọi là Thị xã). Việt Nam hiện có 63 tỉnh và 5 TP trực thuộc Trung ương.

Tên “Nha Trang” biến cải từ cách phát âm nhầm lẫn tiếng Chàm của “Ya Trang” (sông cây sậy), tên mà người Chàm gọi con sông, nay là sông Cái. Từ tên sông này, Nha Trang được chính thức trở thành lãnh thổ Việt Nam vào năm 1653. Xa hơn nữa “Nha Trang có trong sách ‘Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư’, sách về địa lý của Đỗ Bá, vào nửa cuối thế kỷ 18, tên “Nha Trang Môn” (cổng Nha Trang) được đề cập. Trong tác phẩm của Lê Quý Đôn là ‘Phủ biên Tạp lục’ (1776), nhiều tên đã nói tới: “đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang và đèo Nha Trang”.

Các tỉnh miền nam Trung bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa – trong đó có Nha Trang, đều có các bãi biển cát mịn và trắng phau, rất tốt cho việc chế tạo thủy tinh loại cao cấp, Nhật bản đã mua nhiều cát trắng của nước ta. Đó là điều chúng ta nên tự hào.

“Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát, Hương quê dâng lên ngào ngạt, Hòa cùng sức sống yên vui”.

Tôi sinh sống cùng Thân phụ - đổi sở làm về Khu Công Chánh Nha Trang- trụ sở này hiện nay đươc sử dụng làm Thư viện tỉnh Khánh Hòa, nằm góc đường Duy Tân (nay là Trần Phú) và đường Yersin. Hồi đó, vào năm 1955, là một cậu học sinh lớp Nhất H của trường Nam Tiểu học Nha Trang, tôi tung tăng vô tư đi bộ tới trường, đi qua những con đường nho nhỏ. Lúc mới đến, tôi sống ở đường Phương Câu –là tên một xã thời xưa ở đây, nay là một phần của TP. Nha Trang, rồi tôi dọn nhà về đường Hoàng tử Cảnh –vị hoàng tử lúc còn nhỏ đã phải gồng mình lo sứ mệnh “cõng rắn cắn gà nhà” của cha mình (sau đó chết sớm), cùng theo Giám mục Bá Đa Lộc sang cầu cứu Pháp về để đánh với Nguyễn Huệ, lý do vì Nguyễn Ánh toàn là thua trước tài ‘điều binh khiển tướng’ thiên tài của Nguyễn Huệ. Sau đó, Thân phụ tôi dọn nhà về ở đường Yersin –vị bác sĩ người Pháp - Thụy Sĩ nhận Nha Trang làm quê hương thứ hai, sinh sống, nghiên cứu, và cuối đời nằm lại chính tại nơi đây, và sau cùng tôi dọn nhà về ở trên lầu tòa nhà cổ số 15 đường Độc Lập, nhà dưới họ mở Trường dạy học đánh máy (hiện nay, sau một trận hỏa hoạn, khu này thay đổi hoàn toàn, khi tôi đã xa Nha Trang)

Khi lên Trung học, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập Võ Tánh, tọa lạc ở đường Bá Đa Lộc (nay là trường trung học Lý Tự Trọng trên đường mang cùng tên) - thế là bản thân lại gặp vị tướng của Nguyễn Ánh và vị giám mục Pháp của hoàng tử Cảnh. Trường của tôi nổi tiếng ở khu vực miền Trung, chỉ kém trường Quốc học Huế mà thôi. Tôi học hết trung học tại ngôi trường này. Cũng nằm trên đường Bá Đa Lộc về hướng sát đường Duy Tân (nay là Trần Phú) nhìn ra biển, là trường College Française de Nhatrang (trường trung-tiểu học Pháp), và sau lưng trường Pháp, xa xa một chút, là trường trung học tư thục Bá Ninh- một trường cũng khá nổi tiếng ở Nha Trang lúc đó. Sau lưng trường tôi, hơi xa xa là trường trung học bán công Lê Quý Đôn, sau đó trường Nữ Trung học Nha Trang cũng được xây ở gần đây.

Trong thời gian là cậu học sinh của trường trung học Võ Tánh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp chúng tôi đi cắm trại tại:

- Khu rừng nhỏ nằm gần trường Lasan và Hòn Chồng nổi tiếng,

- Suối Ba Hồ với cảnh trí rất hoang dã, thơ mộng nằm ở Ninh Hòa (nổi tiếng với món đặc sản “Nem Ninh Hòa”).

- Bờ biển Đại Lãnh, cách Nha Trang 80 km, nằm giữa đèo Rọ Tượng và đèo Cả, có bờ biển khá rộng, dài với bãi cát trắng, mịn và ngay từ xa xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thợ chạm hình vào một trong 9 chiếc đỉnh đồng lớn trang trí trước sân Thế Miếu và có tên trong từ điển quốc gia do triều Tự Đức biên soạn. Những kỷ niệm trên sẽ hằn ghi mãi mãi trong tâm khảm một cậu học sinh trung học,và sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời của chính tôi về Nha Trang.

Nha Trang hiện có: trường Đại học Nha Trang (trước đây là trường Thủy sản), Học viện Hải quân, Học viện Không quân, trường Sư phạm, trường Sư phạm Mẫu giáo, trường Cao đẳng Nghệ thuật và Du lịch, Viện Hải dương học Nha Trang – viện duy nhất về hải dương ở Việt Nam, Viện Pasteur Nha Trang - một trong các viện Pasteur nổi tiếng tại VN - tọa lạc tại đây; và nhiều trường trung học nữa.

“Nha Trang còn tràn hương thơm gió núi, hoa xuân trao nhau nụ cười, Người người sánh bước chen vai…”

Chúng ta biết là Nha Trang được bao bọc bởi 3 phần là các ngọn núi có độ cao vừa phải, còn 1 phần kia là các hòn đảo nhỏ nhắn, xinh xinh. Trước hết, đây là các di tích nằm chễm chệ trên các ngọn đồi nằm rải rác quanh Thành phố:

1- Chùa Long Sơn.

Là ngôi chùa có quy mô lớn nhất trong số hơn 20 ngôi chùa ở Nha Trang. Chùa nằm ngay trong nội thành, bên Quốc lộ 1A, dưới chân Hòn Trại Thủy. Ở đây có đến 3 ngôi chùa: chùa Long Sơn dưới chân núi, chùa Hải Đức ở phía trên và chùa Bửu Phong ở phía nam. Vừa đến Nha Trang, du khách rất dễ dàng nhận ra ngay hòn Trại Thủy nhờ có pho tượng Kim Thân Phật Tổ rất lớn ngự trên đỉnh. Chùa được khai sơn vào cuối thế kỷ 19 và được xây dựng mới theo quy mô như hiện nay vào năm 1940 với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tuy mang đậm dấu ấn hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật, nhờ sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.

2- Mộ bác sĩ Yersin.

Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Thụy sĩ. Cha gốc Thụy sĩ, mẹ gốc Pháp; lúc nhỏ Yersin học ở Thụy sĩ, lớn lên học tại Pháp, đậu bằng tiến sĩ y khoa ở Pháp và nhập quốc tịch Pháp. Tháng 7-1891, Yersin đến Nha Trang lần đầu tiên; đến cuối năm 1899, ông trở lại Nha Trang thành lập Viện Pasteur. Gần 50 năm sống độc thân ở Nha Trang, ông đã dành trọn cuộc đời cho sư nghiệp khoa học, nghiên cứu thành công việc sản xuất thuốc chữa bệnh dịch hạch. Ông sống giản dị gần gũi với nhân dân xóm Cồn nên được mọi người quý mến. Ông còn tham gia nhiều cuộc thám hiểm và góp phần tìm ra vùng Đà Lạt.

Ngày 1-3-1943, Yersin mất tại Nha Trang, theo di chúc của ông, khi khâm liệm người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay về biển, để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Mộ phần của Yersin đặt trên một ngọn đồi nhỏ không tên tại khu vực Suối Dầu, huyện Diên Khánh. Ngôi mộ hình chữ nhật xây bằng xi-măng, sơn màu xanh mát dịu, trên bề mặt có hàng chữ: Alexandre Yersin (1863-1943). Kế đó là ngôi chùa Long Tuyền, trên điện thờ đặt ảnh Yersin thờ ngang hàng với các bức tượng Bồ Tát. Yersin là của Pháp, của Thụy Sĩ và của Việt Nam.

3- Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang

Nhà thờ được xây trên một ngọn đồi nhỏ, từ năm 1928 đến năm 1934 thì hoàn thành với 10 hạng mục công trình. Ba quả chuông lớn do hãng Bourdons Carillons cung cấp năm 1934, đồng hồ trên tháp lắp ráp tháng 12-1935. Đã trên 70 năm, công trình vẫn nguyên vẹn và hấp dẫn nhiều du khách đến thăm.

4/- Đại dương phía trước Nha Trang.

Có rất nhiều Hòn đảo ngọc, xinh xắn, nên thơ, thú vị. Sau đây đơn cử vài hòn đảo chính: Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Con Sẻ Tre, Hòn Ông, Đảo Yến, Hòn Tre, Hòn Bà...

“Nha Trang là miền khách du muốn tới, Cho phai bao nhiêu bụi đời, Để tìm nguồn yêu sống vui…”

Nha Trang nổi tiếng với bãi biển nguyên sinh và môn lặn SCUBA, nhanh chóng trở thành nơi đến nổi danh cho các du khách quốc tế, hấp dẫn số lượng lớn các khách du lịch “ba lô” cũng như các du khách dư dả du lịch thường xuyên tới khu vực Đông nam Á này.

- Vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những Vinh đẹp nhất thế giới vào tháng 7-2003. Thế là cùng với Vịnh Hạ Long (không bao gồm cả quần thể là Di sản Thế giới) của Quảng Ninh và Vịnh Lăng Cô (đúng ra là Làng Cò nói sai ra thành Lăng Cô) ở ngay chân đèo Hải Vân phía gần Huế, Vịnh Nha Trang đã góp phần làm rạng danh đất nước Rồng Tiên với 3 Vịnh đẹp trong các Vịnh đẹp Nhất của Thế giới.

- Về khảo cổ học, Trống Đồng Nha Trang đã xuất hiện từ 2000 năm trước, và việc tìm thấy những phiến lythophone của bộ Đàn đá cổ- mà chủ nhân là người Ra Glai tại di chỉ Gốc Gạo, huyện Khánh Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, đã chứng tỏ nơi đây sản xuất ra dụng cụ âm nhạc bằng đá từ thời nguyên thủy (khoảng 3000 năm trước)

- Lễ hội Tháp Bà

Lễ hội này được tổ chức vào ngày 20-24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu di tích Tháp Ponagar- thành phố Nha Trang. Đây là lễ hội lớn nhất trong khu vực để tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ sở (phiên âm tiếng Chàm là Po Ino Nogar). Theo truyền thuyết, Bà Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt... Nghi lễ có 2 phần: -Lễ Thay Y (ngày 20-3) và Phần hội chủ yếu là múa bóng (điệu múa có động tác uốn éo, ưỡn hông như các vũ nữ Chàm có phù điêu tại khu di tích Tháp Bà), múa dâng bông và hát bộ diễn các tuồng cổ trước ngôi đền chính. Lễ hội Tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chàm ở Nha Trang, Khánh Hòa mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cùng nô nức kéo về dự hội.

- Lễ hội Am Chúa

Tổ chức vào ngày 22-4 âm lịch để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, là Mẹ Xứ Sở tại Am Chúa, nơi thờ nữ thần Pô Nagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa) thuộc xã Diên Điền, Diên Khánh. Theo truyền thuyết, đây là nơi nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng Bà.

- Viện Hải Dương Học

Được thành lập năm 1923, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu biển nhiệt đới ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Viện nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi kề ngay cảng Cầu Đá, cách trung tâm Nha Trang khoảng 6km về hướng đông nam. Đến thăm Viện, du khách sẽ tận mắt xem Bảo tàng Sinh vật biển với trên 20000 mẫu vật của hơn 4000 loài sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong các bể kính. Nơi đây có cả bộ xương cá voi khổng lồ dài tới gần 26m, cao 3m với 48 đốt sống được phục chế đầy đủ phục vụ nghiên cứu khoa học và khách tham quan, du lịch.

- Hồ cá Trí Nguyên

Nằm trên đảo Bồng Nguyên, còn gọi là Hòn Miễu, cách cảng Cầu Đá chưa đầy nửa giờ thuyền máy, Hồ cá được xây dựng từ năm 1971 do sáng kiến độc đáo của một người dân vùng biển yêu thiên nhiên. Hồ cá là một vùng hồ trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá. Với hàng trăm loại sinh vật biển quý hiếm và đẹp mắt được nuôi thả ở đây, Hồ cá như bảo tàng sống về biển. Trên đảo Hòn Miễu còn có Khu thủy cung Trí Nguyên- được xây dựng theo mô hình một con tàu hóa thạch dài 60m, cao 30m là một nơi giới thiệu thế giới thủy cung. Ngoài ra, trên đảo còn có Bãi Sạn là một bãi tắm được nhiều người ưa thích.

- Bãi Trũ

Nằm trên đảo Hòn Tre, ngay trước mặt thành phố Nha Trang. Từ trong đất liền nhìn ra núi Hòn Tre, đứng sừng sững như hình con cá sấu khổng lồ đang bò xuống biển, ít ai có thể hình dung nơi đây lại có một bãi tắm thiên nhiên đẹp, tinh khiết và nên thơ như thế. Cát ở đây trắng và mịn lạ lùng, dưới làn nước trong xanh có thể nhìn thấu đến tận đáy, bờ cát thoai thoải dần khi ra xa. Bãi tắm trên đảo ít khi có sóng lớn vì hướng về phía đất liền. Phía sau là núi Hòn Tre như bức tường thành sừng sững ngăn gió đại dương. Phía trong bãi tắm là sườn núi rợp bóng cây, du khách có thể vừa đi dạo trên bờ cát, lượm vỏ ốc, vỏ sò, đi câu hay lặn hụp săn tôm, mực hoặc nghỉ ngơi dưới những bóng cây xanh mát rượi ven núi và có cảm giác như vừa gần kề với đại dương, lại như đang đứng trước một cửa rừng.

Ngoài các thắng cảnh quyến rũ nêu trên, du khách còn có thể đi tham quan tại:

- Suối Ba Hồ, cách Nha Trang 25km, thuộc huyện Ninh hòa

- Dốc Lết, cách Nha Trang chừng 50km, thuộc Ninh hòa

- Vịnh Vân Phong, cách Thành phố hơn 50km, có thể tổ chức thể thao dưới nước

- Suối Tiên, cách Thành phố 20km

- Bãi biển Đại Lãnh, cách Nha Trang 80km, có bãi tắm với cát trắng, mịn rất nên thơ.

“Còn đâu những chiều vui xưa, Còn đâu những chiều say sưa,

Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông...”

Nha Trang là một trong những thành phố du lịch với bờ biển cát trắng, chúng tôi hồi ấy là học sinh, thường tắm và đùa với sóng tại bãi biển hình vòng cung, chạy dài theo đường Trần Phú) – cũng được gọi là Xa lộ ven biển Thái bình Dương của Việt Nam, vì các ngôi trường trung học nổi tiếng ở Nha Trang đều nằm gần bãi biển. Học sinh thường ra bãi biển nhìn trông về phia chân trời để mơ màng về tương lai hình như hiển hiện trước mắt.

Với những bãi biển xinh đẹp, cát trắng, mịn nước biển trong xanh; với khí hậu ôn hòa quanh năm nên Nha Trang có rất nhiều khu nghỉ mát (Resorts)- chẳng hạn như: Vinpearl, Diamond Bay và Ana Mandara – và những công viên giải trí dưới nước, vừa ở trong Thành phố và vừa trên các hòn đảo ngọc xa xa ngoài khơi. Nằm trên đảo Hòn Tre ở phía trước mặt Nha Trang, với khu nghỉ mát chính do Vinpearl quản lý, có hệ thống cáp treo tối tân, hiện đại, nối liền đất liền với khu nghỉ mát 5 sao và công viên đa năng trên đảo Hòn Tre.

“Còn đâu Tháp Bà êm mơ, Còn đâu Đá Chồng bơ vơ, Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ!”

- Tháp Bà (Tháp Pô Nagar)

Là đền thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở (Pô Inu Nagar) của người Chàm, nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên cửa sông Cái và Quốc lộ 1A, ở phía bắc Thành phố. Tháp là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chàm. Quần thể tháp Pô Nagar được xây dựng và tu bổ rải rác qua nhiều thời kỳ từ thế kỷ 8 và thế kỷ 12 trên hai mặt bằng: -Mặt bằng thứ nhất lát gạch, có 14 trụ và các bậc liên tiếp. - Mặt bằng thứ hai có một cụm gồm 4 tháp bố trí hình thước thợ, các tháp được xây bằng gạch rất khít mạch không nhìn thấy chất kết dính, lòng tháp rỗng tới đỉnh. Trên thân tháp đắp nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung như thần Pô Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử... Tháp chính để thờ thần Pô Nagar, vợ của thần Siva tượng trưng cho sắc đẹp, ca vũ. Tháp chính 4 tầng cao gần 25m, có một tầng thân và 3 tầng lầu, các tầng lầu thu nhỏ dần theo chiều cao. Tháp có một cửa ra vào hướng chính đông, các hướng tây, bắc nam ở tầng thân và các tầng lầu đều có cửa giả chạm trổ cầu kỳ. Hướng đông theo quan niệm của người Chàm là hướng của thần linh thờ thần. Đứng trên đồi tháp nhìn xung quanh, phong cảnh rất nên thơ. Dưới chân đồi là sông Cái tấp nập tàu thuyền,cạnh đó là Xóm Cồn nhà chen chúc, Xóm Bóng với phố xá, chùa chiền, ngoài biển xa xa là Hòn Chồng.

- Hòn Chồng (Đá Chồng)

Ở ngay Thành phố, lại có thể vừa leo núi, vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi, Hòn Chồng có thể thỏa mãn yêu cầu này của du khách. Đó là 2 khối đá lớn: một nằm trên bờ, một dưới biển, nếu gọi tách ra là Hòn Chồng và Hòn Vợ. Khu vực Hòn Chồng là một quần thể những khối đá lớn, nhỏ nhiều tầng, nhiều lớp với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau, chạy từ bờ cao xuống biển, như có một bàn tay của vị thần khổng lồ sắp đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Lạ nhất là trên khố đá lớn nhất, có mặt hơi phẳng hướng ra biển, có in dấu năm ngón tay hằn sâu trong đá, phải chăng đây là bàn tay của Phật Tổ đang lật úp đề nhốt Tôn Ngộ Không- vì tội đại náo Thiên cung- vào trong Ngũ Hành sơn thuở trước!

Hồi đó là học sinh, tôi và bạn bè hay đến đây leo trèo quanh 2 khối Đá lớn này, thường bị các con hào bám vào đá, cứa chân tay làm chảy máu, đau ơi là đau nhưng cũng chẳng nề hà gì, vì cái thú leo trèo, trốn tìm thú vị chui vào hốc đá, leo lên, tụt xuống, đôi khi đụng mặt vài cặp trai gái đang tâm sự trong một vài hốc đá. Những kỷ niệm này càng khiến tôi nhớ về Nha Trang da diết, lúc ấy chỉ ước mong có cây Chổi biết bay của cậu bé phù thủy Harry Potter, để tôi sẽ leo lên cây Chồi thần, bay vèo một mạch tới Hòn Chồng ấm áp thời niên thiếu của tôi.

- Cảng Cầu Đá

Nằm gần Viện Hải Dương Học, đây là Cảng biển của Nha Trang với bờ kè lớn xây bằng đá, tàu thuyền ra vào tấp nập. Xa xa ngoài biển là Hồ cá Trí Nguyên, về phía đồi là Biệt thự của Bảo Đại, -vị vua cuối cùng của nước ta, - nay được sử dụng làm khách sạn, Gần đó là sân bay Nha Trang, Trung tâm huấn luyện hải quân và không quân, và có con đường ven núi – đã có từ lâu, hồi nhỏ học sinh chúng tôi hay rủ nhau đi xe đạp chạy lòng vòng trên con đường mòn này. Hiện nay con đường này được mở rộng để du khách - chạy quanh co theo sườn núi, qua một bãi tắm mới mở, có rất đông người đến đây tắm biển, vì bãi tắm còn nguyên sơ – để dẫn tới thẳng sân bay Cam Ranh, nay là sân bay Quốc tế- thay thế cho sân bay Nha Trang cũ, cách Nha Trang 35 km về phía nam. Vào tháng 10-2010, Việt Nam dự định kế hoạch sử dụng cảng Cam Ranh, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu của hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm, theo cơ chế thị trường, - vì cảng Cam Ranh là một nơi trú ẩn rất tốt cho các tàu thuyền khi muốn tránh bão, mà Mỹ trước đây đã xây dựng Cảng rất kiên cố, sử dụng làm căn cứ Không quân.

“Nha trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát,

Ai qua không quên để lại, Một vài luyến tiếc xa xôi!”

Nha Trang, Khánh Hòa còn nổi tiếng về Yến Sào và Trầm Hương:

- Yến Sào: là tổ của chim Yến, sống trên các hòn đào nằm ngoài khơi, là một trong 8 món ăn bổ dưỡng (bát trân). Khoa học hiện đại đã giải mã được thành phần trong tổ Yến, Yến Sào chứa hàm lượng protein cao (45-55%) trong đó có chứa 18 loại acit amin.

- Trầm Hương: Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của Trầm Hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của cả thế giới hiện nay và cả trong tương lai về loại dược liệu và hương liệu thượng thặng không có gì có thể thay thế này. Nha Trang, Khánh Hòa cũng vinh dự góp phần vào sứ mệnh này mà Hội thảo quốc tế lần đầu về Trầm Hương được tổ chức tại Tp.HCM và An Giang hồi giữa tháng 10-2003 đã xác định.

Có lẽ vậy Nha Trang mới xuất hiện “Tháp Trầm Hương” nằm tại bờ biển Nha Trang (đây là công trình được cải tạo lại từ “Công trình nghệ thuật Hoa Biển”- nay khai thác làm nơi triển lãm để quảng bá về du lịch Nha Trang, Khánh Hòa) chăng?

“Ai ơi người về cho ta nhắn với, Nha Trang quê hương dịu hiền,

Ngàn đời lòng tôi mến yêu!”

Du khách đến Nha Trang đều bị lôi cuốn bởi 2 món ăn đặc sản địa phương là: Bánh canh chả cá và Bún cá sứa. Nha Trang là nơi nổi tiếng và hấp dẫn du khách quốc tế, du khách được chào đón đến tham dự Lễ hội Biển (tổ chức cứ 2 năm một lần), và chính Nha Trang là nơi đăng cai tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 vào ngày 14-7-2008, và sẽ đăng cai cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2010 sắp tới.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau hát vang nhạc phẩm “Nhớ Nha Trang”, cũng của Minh Kỳ và Hồ Đình Phương, sau đây:

“Nha Thành mến yêu; một ngày trời sang mùa mới,

Gió từ biển khơi lộng về mừng khách ngàn nơi,

Ôi nguồn vui sống nắng nhìn vành môi nàng má hồng,

Nắng say lướt nhanh qua lòng người trai đùa sóng.

Nha Thành đón tôi gặp đời bình yên vừa tới,

Cát vàng nước xanh đẹp màu đôi bóng thùy dương,

Câu thề câu nói kết thành ngàn khúc nhạc ấm lời.

Gió ơi, gió ơi ngân hòa thêm tiếng lòng tôi.

Từ ngày được trông Nha Trang, tôi càng mến yêu quê nhà:

Đây là đóa hoa muôn đời còn hương.

Từ ngày biệt ly Nha Trang, mỗi lần trông nắng vàng tới...Xót xa hồn tôi!

Nhờ ai ghé thăm miền ước mơ, Gửi dùm bài ca buồn nhớ:

Nhớ bờ cát tươi hợp lòng non nước của tôi,

Bây giờ nơi ấy có còn người trai vượt sóng cười,

Để cô gái xuân ngây nhìn thương mến đầy vơi...”




VVM.04.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .