Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


(1926 - 2008)

SƠN NAM


     S ơn Nam là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng Ông tên thật là Phạm Minh Tài (tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày). Sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).

Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam)[1]. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.

Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Lẽ Sống...

Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương)[2]. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn

Chuyện xưa tình cũ (1958); Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959); Hương rừng Cà Mau (1962); Chim quyên xuống đất (1963); Vạch một chân trời (1968); Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao (1969); Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam; Danh thắng Miền Nam; Theo chân người tình & một mảnh tình riêng; Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An; Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang.

- HƯƠNG RỪNG CÀ MÂU -

Nhà văn Sơn Nam chuyên viết về vùng đất Nam bộ và nhiều tác phẩm để lại dấu ấn mạnh nơi bạn đọc, những tên gọi như "ông già Nam Bộ", "Pho từ điển sống về miền Nam" hay là "Nhà Nam Bộ học" có từ duyên cớ đó . Ông sống ở đô thị nhưng cả đời đi bộ nên ông còn được gọi với cái tên dân gian “ông già đi bộ’.

Sơn Nam sinh ra ở vùng đất U Minh, Những cánh rừng tràm vùng đất U Minh quê Sơn Nam khi xưa bạt ngàn kéo dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến tận Cà Mau.Những câu chuyện kể của Sơn Nam trong Hương Rừng Cà Mâu làm bạn đọc liên tưởng tới câu chuyện “Cao bồi” miền viễn Tây của Hoa Kỳ . Qua đó bạn đọc thấy những khó khăn trớ trêu, lối sống, cách nghĩ và tình cảm của những người dân ở buổi đầu đi khẩn hoang, vùng đất hoang sơ thâm u này khi xưa đầy kỳ bí, nơi

"muỗi vắt nhiều hơn cỏ
chướng khí mù như sương

chiều chiều nghe vượn hú
hoa lá rụng buồn buồn”

Năm 56, một truyện ngắn của Đoàn Hùng Việt (Sơn Nam) được ông Trần Tấn Quốc, chủ báo Tiếng Dội, nồng nhiệt đón nhận. Sơn Nam gửi mỗi tuần một truyện ngắn trên Nhân Loại như: Hương rừng Cà Mau, Tình nghĩa giáo khoa thư, Hát bội giữa rừng, Mùa "len" trâu… mà sau này gom lại thành tuyển tập“Hương rừng Cà Mau’ do nhà Phù Sa của Ngọc Linh phát hành năm 62.

Nghe ông già Năm xay lúa nói chuyện thời tiết trong “Ông già xay lúa” hay nghe ông mù Vân Tiên bàn về chuyện cá ăn câu trong "Người mù giăng câu", chúng ta thấy, dân khai hoang thu lượm kinh nghiệm từ cuộc sống hàng ngày . Những tên Hòn Cổ Tron, sông Gành Hào, rừng U minh... hiện ra cứ như chỉ có trong truyện cổ tích.

Sống trong rừng thiêng nước độc, nỗi lo âu sinh kế và đối đầu với thú rừng nguy hiểm, hổ chực chờ lấy mạng của họ bất cứ lúc nào Họ sống bằng đủ nghề, ngoài việc bắt cá, nuôi ong, bắt sấu, ruộng nông, họ lưu lạc nay đây qua mai đó qua nghề len trâu, kiếm cỏ cho đàn trâu ăn giữa rừng hoang, lẫn lộn với voi và cọp. Chỉ cần một chút sơ xuất là họ có thể bị mất hết gia tài .

Đồng bằng Sông Cửu Long mỗi năm nước lại rùng rùng đổ về, mênh mông biển nước. Người ta đua nhau “len” trâu của mình lên miệt Thất Sơn.

Cuộc sống trăm bề cơ cực, nhưng câu thơ trong Thay lời tựa lại đầy thi vị cảnh sông nước miền Nam, dầy hương vị rất Cà Mâu

Dưới trời mây heo hút...,
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Ðiệu Hò... ơ theo nước chảy, chan hoà




VVM.12.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com