Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HOÀNG CẦM VỚI NGUYỄN TUÂN


     G iai thoại về Hoàng Cầm yêu biết yêu từ tuổi lên tám là có thật.   

Thi sĩ quê Thuận Thành Bắc Ninh. từ tuổi lên tám đã biết yêu một cô gái, không phải là chuyện lạ lẫm không hiểu được. Nhưng tình yêu của Hoàng Cầm với Chị đặc biệt, bởi Chị là người hơn tuổi, thì Lá Diêu Bông là một ảo tưởng tình yêu của cậu. Lá Diêu Bông, không phải là có thật. Nhưng có một sự thật là Chị biết thế, nên Chị đã đưa ra lời đố là tìm một chiếc lá không hề có, để tình kia sẽ là không thể có. Nhưng Em vẫn cứ tìm thấy lá, tất nhiên chỉ nói Em tìm thấy lá chứ không nói là tìm thấy lá Diêu Bông. Nhưng thực ra cả hai đều hiểu ấy là gì rồi. Có thể thấy ở Lá Diêu Bông những ý khác nhau. Có người cho đó là chiếc lá hoài tưởng, như bài viết của Thanh Thảo, bài phổ nhạc của Phạm Duy. Có là tình yêu như bài phổ nhạc của Trần Tiến. Còn có người cho đó là về chiếc lá của dân gian như phổ nhạc của Lê Yên. Có thể tất cả đều có ý nghĩa nhưng đúng hơn, là hệ quả của sự mặc cảm tự thân từ một mối tình mộng ảo. Hoàng Cầm, bút danh của nhà thơ Bùi Tằng Việt, là tên một vị thuốc đắng, dường như để bổ sung vào thơ chuyện ấy suốt đời mình cho đến ra đi vào tháng 5 năm 2010 ở tuổi 89.

 Đi tìm lá Diêu bông mà thấy bất cứ cái gì từ chị đều ngất ngây, cũng còn có chuyện mà thơ cũng là ý nghĩ ở Hoàng Cầm thế này. Chị leo lên cây, xoạc chân trên cành ngang hái quả ổi (vườn ổi). Em đứng ở gốc cây. Chị trở thành trái cấm. Lá Diêu Bông còn do âm hưởng, gợi đến lá vông hay hình dạng chiếc lá như bộ phận ấy của phụ nữ trong ca dao: “Ngồi lá vông, chổng mông lá chốc”hoặc “Ngồi lá tre, tè he lá mít, hay trong Hồ Xuân Hương: “Đố ai biết được vông hay chốc” đố về thân thể người phụ nữ khi cúi chổng mông, là một giấc mơ có một thứ lạ ở cậu. Vì Em nhìn Chị xoạc cành ngang, làm thành hình ba cạnh, có tam giác ở trên. Em ở gốc cây, xin Chị một quả chín, quả chín quá tầm tay. Về sau thành thanh niên mới thú nhận như trong ca dao có câu “Có cây mà chẳng có cành, Có hai hòn đá để dành gốc cây”. Nhưng thơ có cái hay của thơ còn thực lại là chuyện khác.  

  Có những ám ảnh huyễn tưởng ở những người thời vị thành niên, thì phức cảm ấy sẽ dâng lên và trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó sẽ cuộn thành một cơn xoáy day dứt, rôì dài mãi, mà sự giải tỏa nó là vô cùng khó khăn, có khi là của cả đời người. Hoàng Cầm thành một người có thơ như thế.

 Khi người đẹp Minh Phụng diễn vai Kiều Loan  trong vở “Kiều Loan” của tác giả thi sĩ Hoàng Cầm. Thấy Phụng cau mày, nghiến răng, cười, ôm hoàng tử vào trong tay, làm người xem và nhà viết kịch Thế Lữ, thi sĩ Hoàng Cầm đa tình và có cả nhà văn Nguyễn Tuân khinh bạc mà uyên thâm của đời, lại ghen và đau khổ. Chuyện chàng Nguyễn vét cạn túi mua hết hoa ở Bờ hồ Gươm để tặng một người đẹp cũng là có thật như thế.

Đó là một đêm xuân năm 1938, anh chàng Nguyễn Tuân quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà nội đã vét sạch tiền trong túi mà không đủ, thực ra tiền túi chàng lúc đó chẳng có nhiều. Mua tất tật số hoa của những quầy hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm đêm ấy, mà còn phải mua chịu nữa, đem để tặng. Chàng họ Nguyễn chạy tuốt tuột đi mua hoa sau khi thốt lên với đám bạn bè về Phụng thế này: “Trời ơi, Phụng tài quá! giỏi quá, thông minh quá. Phụng không phải là hoàng hậu mà sao giống hệt một bà hoàng!” thì cả một rừng hoa đã là nghĩa lý gì. Nguyễn Tuân còn muốn chiếm lĩnh thứ mà nhiều người muốn ở cô gái là út trong gia đình họ Trịnh quê ở Tứ  Kỳ, Hải Dương.  

  Trong đám lăn lóc với Minh Phụng, có chàng nào chết vì Phụng hay chưa thì không rõ. Trịnh thị Nụ đẹp như Kiều, nhưng hễ người nào đụng vào thì y như rằng đời người đó tan nát. May cho chàng Nguyễn chỉ là ao ước. Bởi sau có thi sĩ nói "Sống như Phụng mới là người biết sống. Phụng là người trí thức, trí thức của giang hồ. ”. Đời người giang hồ ấy cũng muốn neo đậu nhưng trời đã làm ra giông tố bắt cái nồng nàn, dào dạt trong cháy sáng hết mình cả tài lẫn sắc của Phụng, phải nổi chìm. Ở Côn Minh Phụng đã rực rỡ hết mình trong những cuộc giao tiếp. Đi Nam Kinh, đi Thượng Hải đàn ông mê Phụng là một nhẽ, quý bà quý cô cũng mê Phụng mới lạ, Nguyễn Tuân có lần trốn sang Hồng Kông với một thân phận tha hương lang thang đi tìm. Chàng Nguyễn ở Hàng Bạc được hưởng những tinh hoa “Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương”. Chàng Nguyễn là người đã “đến được với cái đẹp và cái thật đẹp” Người lại viết về “Tản mạn chung quanh một áng Kiều”. Nguyễn Tuân vẫn nhớ Phụng cho đến khi Nguyễn Tuân qua đời, năm 1987 cách đây 23 năm, ở tuổi 77.

  Còn khi đó Phụng qua Quảng Đông sa vào một nhóm cướp, bắt lấy cái đẹp. Kiếp giang hồ bắt đầu lưu đầy, loanh quanh thế mà rồi lại chói sáng hơn, đoạt giải nhất trong cuộc thi sắc đẹp ở Hồng Kông. Rồi gặp Cựu hoàng Bảo Đại mà Một đóa hoa danh lạc đất người/ Trăm hoa thua kém sắc xuân tươi/ Hương ngát một trời xuân sắc dậy/ Quân vương ngây ngất mộng uyên đôi, Phụng đi Nhật, đi Macao. Rồi suýt chết trong một vụ cướp biển khác. Nhưng số Phụng chưa dứt đoạn trường của kiếp giang hồ bởi còn có giời bắt, chỉ kết thúc bằng những năm tháng sống ở  Sài Gòn cuối cùng vào năm 1989 cách đây 21 năm ở tuổi 67.  

  Thì ra ở con người cái tình là vẫn hơn cả. Nhưng tình mà không được hả, sắc mà chẳng thoả thuê thì những kẻ như Nguyễn như Hoàng sinh ra lắm chuyện. 

Cầm ơi, Cầm ơi !                                          

  Lớn bên dòng sông một thời thiếu nữ, sắp qua cái tuổi cứ bẽn lẽn nắm tay mẹ, mải ngắm những con chuồn chuồn ớt đỏ thắm lạ lùng, bay loáng nhanh trong cơn gió thổi lên dưới bờ sông. Sông hiền hoà cứ trôi về Đuống. Chuồn chuồn cứ rực rỡ cái màu tươi non tuổi thơ vô tư bay lượn, còn cát trắng thì in thành từng ô tròn dưới gót chân be bé.

 Chợt giật mình, thấy ai đang nhìn đăm đăm chỗ sóng nước đang trôi. Xấu hổ, nhưng không có mẹ lúc này để giấu mặt sau lưng.  

 Chẳng biết từ bao giờ để biết mình đã lớn, chỉ thấy phải tránh đi cái nhột nhạt mỗi khi gặp lại cậu bé lớp dưới, cứ chiều chiều ra sông đón chờ một cơn sóng.

 Đã bao lần giấc mơ giữa đêm bên bà, ước ao một hoàng tử hiện ra xinh đẹp cưỡi con ngựa hồng, bờm bay dài trắng như tuyết. Tóc chàng xù ra trong gió. Đôi mắt chàng thật diệu kỳ nhưng dễ làm thất thần bất cứ ai nhìn thấy. Không còn đi với mẹ, chẳng ẩn nấp vào đâu. Không nói một lời nào, chỉ có ánh mắt hoàng tử đăm đăm. Ôi thiên thấn của chuyện bà, mà xinh xinh như một cậu bé thế này ư ?

 Mỗi ngày vắng xa lại càng lạ lùng. Con sông bên lở, chỗ đứng cao lên trên bờ, lặng chờ nghe sóng vỗ dưới chân cho lòng trải ra, để gió lồng vào trong tóc, để mong manh một chút mơ hồ.

 Chợt đến bên, thiên thần bé nhỏ của bà chỉ đứng ngang ngực. Đầu cúi thấp tránh thứ ánh mắt đang trùm lên mong đợi, giấu đi những đốm sáng lấp lánh dưới cái đầu bù xù : “Chào chị !”

  Cậu bé thật đáng yêu, rụt dè hơn cả lúc ai bên mẹ. Giật mình thấy như mình đang lộ liễu không chỉ trong cái nhìn mong đợi. Cậu lí nhí điều gì. Chợt cầm tay hổn hển : “Chị ơi, chị chờ ai sang sông phải không?”

Cái đầu vẫn cúi gần sát, run run. Dòng sông lắng nghe tiếng đập cánh một bóng chim trời.

Bẵng đi một thoáng bận rộn sách và trường. Dòng sông yên lặng vẫn chảy về Đuống, dấu chân sóng cát lấp đầy. Trường làng không còn chỗ, lớp trên ở tít bên sông. Chỉ những ánh trăng mới lên chờ đợi, khi chiều hết buổi học qua đò. Cậu bé còn theo dưới hai lớp không được sang sông. Bạn bè bảo cậu ấy đáng yêu lắm !

 Một đêm muộn trăng đầu tháng, sóng run run dưới bến con đò. Hết học rồi. Cậu bé chờ một sự hiển nhiên sẽ đến, không ai biết cái bóng lặng lẽ, cái đầu bù xù đã cao hơn lên nhiều.

 Chợt cầm tay không nói, chỉ đôi mắt trong chuyện cổ tích của bà làm thất thần một thứ vụng dại không hơn. Cậu đã lớn, đầu vẫn cúi xuống.

   “Tên em là Cầm phải không?” - Bàn tay nóng hổi chợt giật ra, xấu hổ!

  “Không sao. Tay đây, em cứ cầm đi !” 

  Bóng trăng non đầu tháng ngỡ ngàng, dải mây như bờm thiên mã bay bồng bềnh, trắng như tuyết. 

  “ Chị có biết, Hàng cây kia dài bao nhiêu bước chân không?”

 “ Chị không ! Dấu chân chị chỗ sông, cát lấp đầy rồi”.

  “ Em lấp đi đấy, lúc tự giận mình sao không lớn hơn, sao không phải là em. Lấp đi để dấu chân mới của chị đẹp hơn, nhưng không có !”.

  Gió chiều nói hộ từ nơi sâu thắm non nớt đầu tiên:

“Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống, nơi ngày xưa cát trắng phẳng lỳ…”

  Rồi xa lâu quá, Cầm đi đâu không về? Chân trời nào có Cầm? “Cầm ơi, Cầm ơi! Tay em đây. Cầm ơi!”

 Nơi xa cuối hàng cây kia dài lắm, lặng không! Con sóng nào xin đừng lấp dấu chân em.

 Gió hát dài từng cơn vô tư. Cơn gió nào ngân lên :

   “Ai… có về… bên bến sông Tương/ Nhắn người con gái tôi thương…/ Duyên tình xưa đã vấn vương… Ôi…ôi!...”.

   Ôi đừng, sẽ không thèm khóc đâu!

   Thôi không chơi với gió nữa. Giận đấy, giận lắm !

   Sông lấp lánh ánh vàng, Sông lại hát lời của trăng đang tròn.

  “ …Sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết /   Để bây giờ thầm tiếc, một vừng trăng không tròn…”.

Giá mà cứ dại dột ôm ghì lấy cái đầu bù xù lúc ấy. 

Dấu chân vẫn mới. Con đò lênh đênh, sợi dây buộc mong manh nơi bến đợi chùng xuống mãi. rồi tự nhiên tuột mất. Con đò trôi theo dòng sông, nhạt nhoà bóng trăng đẫm nước, mờ xa.

Bất chợt một cơn gió cuộn theo sát mặt sóng ướt nhoà, không thấy thuyền đâu, chỉ thấy trăng vẫn đẫm nước. 

Gió hát từng cơn:

- Cầm đây! Cầm đây rồi thương ơi !

Gió lại cuộn lên, quặn lên :

- Ta về, ta đây rồi ! Ơi con sông, ơi quê!

- Ta về ta đây thôi. Ta lỡ quên bến đợi. Ta bỏ quên con đò.

- Hàng cây xưa còn đó/ Con đò nào quê ơi/

- Dấu chân còn trên cát/ Vẫn vẹn nguyên nỗi buồn.

- Sông từ đâu về đấy? Có thấy lòng chơi vơi.

- Nắng chiều không ra nắng/ Sóng không còn là sóng/ Trăng tròn em đâu rồi? Trăng ơi trăng có biết/ Trăng in nhoà mắt ai?

- Lạnh trong chiều hơi thở/ Hàng cây kia lặng im/

- Trăng ơi, thương đâu rồi?

- Chỉ mình ta với gió. Ai có về… vấn vương/

- Ta sao ta chẳng biết/ Hàng cây xưa đợi chờ.

- Nàng cho ta nỗi nhớ/ Chưa bao giờ khôn nguôi.

- Ta đi dọc cuộc đời/ Dài nỗi buồn xa xứ/ Thương mình trong mưa rơi/ Không một chiều nắng đẹp/ Không hàng cây bên bờ/ Không con đò bến đợi.

- Gió mưa cùng nắng thôi !

- Hoa nở đầy trong mắt/ Hoa đỏ trên niềm vui, Hoa vàng trong chiến thắng.

- Ngỡ ngàng tôi và tôi.

- Trả cho ta nỗi nhớ/ Trả cho ta con đò/

- Trả cho ta nước mắt / Trả nàng về cho ta.

- Trả ta con sóng vỗ/ Trả những đêm đợi chờ.

- Trăng soi dài bãi cát. Một mình ta bơ vơ.

- Xin đổi hết cho tôi /

- Hoa vàng trên niềm vui/ Rực hồng trong ánh mắt/

- Xin đổi hết cho tôi/ Những gì tôi có được.

- Để nàng về bên tôi.

- Xin đất trời cho tôi/ Khóc đi khóc nữa đi/

- Hát lời xưa vương vấn/ Duyên tình em …dịu êm.

- Xin nàng hãy cho tôi/ Hôn dấu chân trên cát/

- Hôn nỗi buồn đẫm ưởt/ Tràn đầy trên đôi môi.

- Em đi xa mất rồi/

- Chân trời nào có biết?

- Cầm đây mà, thương ơi !




VVM.19.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com