Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


(1921 – 2013)

PHẠM DUY - NGƯỜI TÌNH


     T rên thế giới, rất ít ca sĩ lại trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Phạm Duy là một trong những số ít đó. Với một nghìn nhạc phẩm, Phạm Duy là “Đại lực sĩ” trong làng âm nhạc Việt Nam. Đời nghệ sĩ là Rượu, Đàn bà, Ca hát (Wein, Weib, Gesang) thì “cái nòi tình” ở Phạm Duy mãnh liệt hơn Văn Cao, nhưng lại thua Văn Cao hai lít rượu đế suông. Người này bên người tình, người kia trầm ngâm suy tư bên rượu.

Nói đến hát, tôi lại nhớ anh Phúc học chung lớp Đ67 Trường Đại học ngoại ngữ (sơ tán ở Gia Lương Hà Bắc) . Đêm liên hoan cuối năm niên khóa 1967-1968, anh là người duy nhất kéo nhị. Lần đầu tiên lên sân khấu, trước ban giám khảo là những nhạc sĩ nổi tiếng, anh kéo: “Con cò bay lả bay la…” Rồi anh bỗng nhiên kéo sang:”Giải phóng Điện biên bộ đội ta… “ Chẳng bài nào anh kéo cho đến cùng, bài nào cũng chỉ được hai câu đầu. Cứ như vậy năm bài liền. Hôm sau anh bảo:”Ở trên sân khấu hoảng và cuống quá, kéo cho dân nghe thì nhớ (anh con ông hát sẩm), kéo cho nhạc sĩ đâm ra hoảng, cuống cả lên, bỏ xuống thì không được, thôi thỉ nhớ gì kéo đó cho xong để còn xuống!” Anh được “thưởng” giải nhì. Tôi không hay hát, mà hát cũng không hay, nhưng cũng có lúc nghêu ngao kiểu chợt nhớ câu nào ư ử câu đó một mình.

Trong lúc ngồi uống cà phê, tôi nói đùa: “Người ta đi lề bên phải, Phạm Duy đi cả bên lề phải lẫn bên lề trái. Một hiện thực mà PD có hai bài, một bài nói tinh thần hăng say chiến đấu, bải kia nói cảnh chết chóc trong chiến tranh. PD nói cả hai mặt của một vấn đề. “
     Ông nói, bố tôi là Phạm Duy Tốn, tác già truyện “Sống chết mặc bay”. Có lần đọc xong “Tiếu lâm An Nam”, tôi hỏi Thọ An là ai, mẹ tôi bảo là Phạm Duy Tốn chứ còn ai. Tôi giống cái tính của bố tôi.
    Phạm Duy Tốn (1883-1924) từng làm ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ, nhưng “là một trong số rất ít người đi tiên phong trong bước chuyển mình của thể loại truyện ngắn ở nước ta trong những năm 30 của thế kỷ XX. Ông nổi tiếng trong văn giới nước ta.” (trang 817, Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX của Trần Mạnh Thường, NXB Hội nhà văn, 2003)

Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn . Ông sinh ngày 05 tháng 10 năm 1921 tại Hà Nội trong một gia đình theo văn nghiệp. Ông từng theo học tại các trường Kỹ Nghệ Thực Hành và Cao Đẵng Mỹ Thuật, Trong thời gian 1954-1955 ông dự thính những lớp giảng tại Institut de Musicologie ở Paris. . Trong những năm 1943-1945, Phạm Duy là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi hát lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam . Ông là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Saigon vào năm 1944.

Trong cuộc Kháng Chiến chống Pháp ông từng đến chiến trường Bình Trị Thiên, ăn khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị, nghe những câu chuyện của những bà mẹ có con đi làm Cách mạng và bị chặt đầu. Phạm Duy khai thác vốn dân ca, đưa chất liệu dân ca vào sáng tác mới. Cho nên những “Bà mẹ Gio Linh”, những “Về miền Trung”… ngày ấy rất được nhiều người tán thưởng (lời nhạc sĩ Hồng Đăng). Cái tài của Phạm Duy là ông nắm bắt nhanh cái hồn của sự việc và vẽ lại hiện thực bằng lời ca, bằng bài hát. “Ca khúc của ông là sự phản hồi trung thực trước những biến cố thường là hi hữu, và do đó là hình ảnh chính xác của những thời kỳ này” (Jackson Gibbs Ngọc).

Phạm Duy là con người đa cảm, biết người biết ta, dám làm theo chỉ bảo của con tim. Ông tâm sự:
    “Kể từ năm 1988, tôi đã thay đổi, sống xa đất nước chỉ viết những gì thuộc về tâm linh, thiền ca, đạo ca, trường ca Hàn Mặc Tử, chỉ những gì liên quan đến lịch sử.
    Chỉ những ai sống cùng đất nước mới có thể viết âm nhạc về đề tài xã hội. Về đây, tôi mới có thể đóng góp một phần nhỏ bé - âm nhạc của tôi - cho nền âm nhạc quê hương.”
    “Năm 1994, tôi được anh Lưu Trọng Văn - là con một người bạn tôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư - tặng cho bài thơ Về thôi (+). Có mấy câu đã làm tôi hết sức xúc động và quyết định phải về:

Về thôi...
Làm gì có trăm năm mà chờ
Làm gì có kiếp sau mà đợi..”.

Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy bao gồm nhiều thể loại :

”* Khởi đi từ dân ca, phản ánh người dân Việt Nam trong thời đấu tranh giành độc lập rồi tới trường ca là liên khúc của nhiều bài dân ca, nói lên cái vĩ đại của dân tộc Việt.
     * Sau đó là tâm ca, những bài ca thức tỉnh lương tâm, phản đối bạo lực và lòng phi nhân.
     * Tới đạo ca, mang tính chất thiền ca, là những bài hát đi tìm sự thật.
     * Rồi tới tục ca, những bài hát tiếu lâm nói thẳng vào cuộc đi đầy rẫy ngụy thiện.
     * Tới bé ca, nữ ca và bình ca là những khúc hoan ca.”

     Ngoài sáng tác nhạc, Phạm Duy còn là tác giả của nhiều sách như Đặc Khảo Về Dân Nhạc Việt Nam, Đường Về Dân Ca …

Tháng 5/2005, Phạm Duy đã chính thức trở về định cư ở Việt Nam, đến nay đã có nhiều ca khúc Phạm Duy được cấp phép phát hành trong nước.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy “sống trong giai đoạn Việt Nam là một nước thuộc địa, bị chiếm đóng trong Thế Chiến, chịu nạn đói, đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua cuộc chiến người Việt đánh người Việt, kinh qua bất ổn về chính trị, và sau hết hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi làm thân tị nạn rải khắp bốn phương tám hướng” (Jackson Gibbs Ngọc). Gia tài của cả hai đều đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam.
    Nghệ sĩ sống nhiều cuộc sống hơn người thường: là con ong làm mật trong đời thường, máu nghệ sĩ như con bướm đa tình, như con chuồn chuồn tính khí thất thường. Phạm Duy cũng không là ngoại lệ. Ở ông ta thường thấy cả ba nét ấy thể hiện cùng một lúc qua dáng ngồi, cách nói.
    Ba nhạc sĩ được nhiều người ưa thích là Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Ba người, mỗi người một vẻ, một phong cách. “Đại lực sĩ” Phạm Duy có một nghìn nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn có sáu trăm bài hát, Văn Cao có con số khiêm tốn hơn nhiều. Văn Cao đa tài với nhạc-họa-thơ; Trịnh Công Sơn thì nhạc-họa; Phạm Duy chỉ tập trung vào âm nhạc và lập ngôn (viết sách) Trong khi Văn Cao thích trầm ngâm suy nghĩ như nhà hiền triết thì Phạm Duy thích “đời hát ca”, ở Trịnh Công Sơn là “du ca”.

” Âm nhạc, nghệ thuật không bao giờ có tuổi, Phạm Duy là người thể hiện điều đó rõ ràng nhất, ông đã ở trong cái ước muốn của một cô bé 13 tuổi, ông đã hòa nhập với nỗi lòng của người cô phụ, ông đã ở trong tinh thần của một chiến sĩ... ông cất tiếng hát thay cho họ và họ cảm thấy bước chân của họ vững chắc hơn, thơ mộng hơn, tuyệt vời hơn và giờ đây với ''Người tình già trên đầu non'', Phạm Duy đang ở trong chính Phạm Duy, ông đang từng bước đi sâu vào nội tâm ông, ông đang khám phá chính ông. Không còn ai là kẻ đồng hành với ông trên đoạn đường nầy nữa, Nếu người nghe bước qua khỏi được những giới hạn của chủ quan, hẳn sẽ cảm thấy được sự kỳ diệu của một đời người sáng tạo, hẳn sẽ thấy được cái chung trong cái riêng của Phạm Duy, cái riêng trong cái chung của Phạm Duy và hôm nay cái riêng trong cái riêng của Phạm Duy (lời của Lê Uyên Phương).

“Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ." (lời Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý)




VVM.19.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com