Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGHĨ GÌ SAU KHI XEM BỘ PHIM
ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM    



                    

B ộ phim được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) vừa mới khởi chiếu từ ngày 16/10. Bộ phim gây sốt trên cộng đồng mạng vừa qua với những luồng ý kiến trái chiều. Chính vì vậy kích thích sự tò mò của tôi. Đi xem cho biết sao vì sao họ cãi nhau: Kể cả người chưa đi xem bộ phim cũng cãi nhau ỏm tỏi! Họ chê nào là không bám sát nguyên tác, nào sai chi tiết lịch sử, yếu tố người Hoa,…

Mở đầu phim: Dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ðoàn Giỏi và bộ phim Ðất phương Nam”. Đây là một bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ tiểu thuyết (mà tiểu thuyết thì có nhiều chi tiết hư cấu tưởng tượng rồi). Từ tác phẩm văn học chuyển sang loại hình khác như điện ảnh thì có thể có ba dạng:

1.Chuyển thể (bám sát nguyên tác, chỉ khai thác thêm tâm lý nhân vật nếu cần)

2. Phóng tác, sáng tạo tự do hơn.

3. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, được phép tự do sáng tạo, có thể thêm hoặc bớt nhân vật, bối cảnh, chỉ cần giữ được hồn cốt, tinh thần của nguyên tác”, có thể xem tiểu thuyết là một gợi ý để sáng tạo, tưởng tượng vượt ra ngoài nguyên tác.

Ngôn ngữ điện ảnh cũng khác với ngôn ngữ văn học. Theo các nhà chuyên môn: “Đạo diễn điện ảnh có quyền làm những gì thuộc về ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ để tăng tính hấp dẫn cho phim”.

Từ đó chúng ta sẽ có góc nhìn thích hợp hơn

Bối cảnh Vùng đất Nam bộ và những năm 1020-1930 ( chưa có Việt Minh, những tổ chức hoạt động kháng Pháp là tự phát.) Khác với bối cảnh của tiểu thuyết Ðất rừng phương Nam của nhà văn Ðoàn Giỏi (vào năm 1945). Nên các nhóm hội tên gì không quan trọng, nhưng sau khi nghe góp ý từ phía khán giả thì phía nhà sản xuất phim cũng đã tiếp thu, cầu thị có điều chỉnh cho phù hợp.

Tóm tắt nội dung: Cậu bé An sống ở Nam Kỳ Lục tỉnh cùng mẹ vào những năm 1920 - 1930. Ba của An là Hai Thành, đi theo cách mạng với mong muốn đánh đuổi Pháp. Khi danh tính Hai Thành bị lộ, mẹ của An rời khỏi đô thành duới sự chỉ dẫn của thầy giáo Bảy. Trên đường đi thì một cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra khi Võ Tòng - một thành viên của tổ chức Chính Nghĩa hội bị bắt giữ. Tại đây, một vụ xô xát giữa lính Pháp và những người biểu tình, mẹ của An vô tình bị lính Pháp bắn chết. Út Lục Lâm - một tên trộm trong thời chiến đã vô tình thấy cảnh tượng này nên quyết định cứu An rời khỏi đó.

Sau khi chôn cất mẹ, An bị ngất vì đói được Út Lục Lâm cưu mang bằng tiền mà hắn trộm được. Để sinh tồn, An cũng đã phải học cách ăn trộm theo Út Lục Lâm. Trong một dịp Tết Đoan ngọ, chính quyền bảo hộ Pháp- trực tiếp là tướng Durie định xử tử Võ Tòng công khai, nhằm răn đe hành vi chống lại chính quyền bảo hộ. Trong lúc chứng kiến việc hành quyết, An đã bị say men cơm rượu và vô tình trở thành người khai màn cho việc cướp pháp trường và giải cứu Võ Tòng, với sự xuất hiện ngay sau đó của tổ chức Chính Nghĩa hội. Sau đó,An và Út Lục Lâm mất liên lạc với nhau. An ông Tiều (một thầy thuốc người Hoa, thành viên của Chính Nghĩa hội) cưu mang. Ông có đứa con tên là Xinh. An đã được ông Tiều huấn luyện và trở thành một thành viên của Chính Nghĩa hội An gặp gỡ với Cò, ông Ba "bắt rắn", bác Ba Phi, Tư Ù và Tư Mắm. Một gánh hát cải lương với sự góp mặt của thầy giáo Bảy đến khu vực nhằm lan tỏa nghệ thuật về lòng yêu nước cho nhân dân. Cả ba bạn An, Cò và Xinh cũng được mời tham gia diễn tuồng trong dịp Tết Trung Thu. Ông Tiều bị lính Pháp bắt. Trong tù, ông Tiều phát hiện ra Tư Mắm là nhân tình của tướng Durie. Út Lục Lâm lẻn vào dinh thự của tướng Durie để trộm thì phát hiện sự việc nên liền báo về cho An. Khi bị bắt giữ, Xinh vô tình kể cho Tư Mắm ba của An là Hai Thành và sẽ gặp nhau trong dịp Tết Trung thu ở gánh hát cải lương.

An vào vai một vị vua, ba của An khom xuống làm ngai vàng cho An ngồi. Cậu phát hiện ra, cảm động quỳ xuống và cảm tạ. Lúc này, Tư Mắm ngồi ở ghế khán đài ra hiệu cho tướng Durie đổ quân vào gánh hát. Vở kịch vẫn tiếp tục diễn và rồi che màn lại để cho ba của An vào trong cánh gà. Tướng Durie yêu cầu ngừng diễn và bắt phải giao nộp Hai Thành, nhưng thầy giáo Bảy từ chối. Tướng Durie bắn Thầy giáo Bảy chết , bác Ba Phi cũng kêu gọi quần chúng chống lại, cũng bị Tư Mắm bắn chết. lo sợ nhiều dân thường hy sinh nên Hai Thành quyết định lộ diện, nhưng được các nghĩa quân giải vây. Biết An là con Hai Thành, nên Tư Mắm đuổi theo An đang cùng ông Tiều, Cò và Xinh chạy. Út Lục Lâm bất ngờ xuất hiện và đỡ đạn khi Tư Mắm định giết An, may là thoát chết. Ông Tiều phi đao giết chết Tư Mắm.

Trốn thoát, An và những người thân cận đi dạo trên sông, gặp Út Trong, với câu hò của vùng đất Nam Bộ. Có cảnh cá sấu xuất hiện tấn công và đoàn người được Võ Tòng giải cứu. Ba của An đã trốn thoát trong cuộc bao vây của lính Pháp. Hành trình của An và những người thân cận khác vẫn sẽ còn phía trước. Kết thúc Phim: “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết Phần 1.

Như vậy có thể sẽ có phần 2 trong tương lai.

Bộ phim được đầu tư các cảnh quay, rất ấn tượng, dàn diễn viên, đặc biệt là diễn viên chính như bé An, Út Lục Lâm, mẹ An, Tiều,…đóng rất đạt.

Lời thoại đầy hơi thở của cuộc sống thường nhật.

Phim đã đem lại nhiều xúc cảm cho người xem ở nhưng chi tiết đầy tình người. Ngay cả tên ăn trộm (Út lục Lâm), trộm do hoàn cảnh. Trong con người tưởng như xấu nhưng vẫn ẩn chứa tình người ngay cả những con người do hoàn cảnh côi cút, đời xô đẩy đến cùng vẫn đủ đầy tình yêu thương cưu mang cho An, người đang cần giúp đỡ. Tiều (người Việt gốc Hoa ) thì cũng là phản ánh xã hội nước ta có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có lượng người Hoa là có thật. Họ đã di cư đến cũng như người Việt chúng ta di cư khắp nơi trên thế giới trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Người gốc Hoa cũng đã nhiều đời làm ăn sinh sống và cũng có những đóng góp nơi họ chọn làm quê hương thứ hai.

Bộ phim cho chúng ta thấy lại hoàn cảnh Xã hội thời kháng Pháp. Lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, vật lộn từng tấc đất trong cảnh điêu linh của chiến tranh, cảnh chém giết đầu rơi máu chảy khi bị xâm lược từ đó trân trọng hòa bình hơn!

Sau những khen chê thì tôi vẫn thấy đây là bộ phim giải trí ấn tượng, Trong phim có sử dụng kỷ xảo điện ảnh để tăng tính hấp dẫn là cần thiết. Phim có bóng dáng một thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh sống của vùng đất Phương Nam khi chúng ta chưa có mặt trên đời. Thêm yêu đất rừng Phương Nam phì nhiêu trù phú của một thời và những khó khăn, thách thức, hi sinh vất vả của người đi mở cõi và đấu tranh sống còn để lại vùng đất Phương Nam cho con cháu hôm nay và mai sau.

Điều đọng lại của bộ phim là Tình Người!

Tóm lại Bộ phim vẫn để lại nhiều cảm xúc tích cực, nên xem!

Tuy nhiên bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều nhận được lời khen, kẻ chê dù ít dù nhiều là điều tất nhiên. Những người làm nghệ thuật nói chung như sáng tác, viết văn làm thơ, điện ảnh gì cũng cùng chung số phận. Làm dâu trăm họ- chin người mười ý là chuyện bình thường ở thế gian này. Người sáng tạo nói chung và nhà làm phim nói riêng đều phải rèn cho mình sức chịu đựng trước làn sóng chê khen của xã hội. Có tinh thần cầu thị, tiếp thu nếu phù hợp. Mâu thuẫn là động lực để phát triển.

LỜI CUỐI VỀ “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM”

Bộ phim Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được mới công chiếu (những suất chiếu sớm từ tối ngày 13-15 /10 và chính thức khởi chiếu ngày 16 /10 / 2023) đã nhận về nhiều luồng dư luận, tranh luận rôm rả. Dù ý kiến tích cực hay tiêu cực cũng đều đem đến những thành công nhất định, dù khen hay chê đều gây được sự chú ý, quan tâm của công chúng. Ở thời đại 4.0 có nhiều phương tiện để bộc lộ cảm xúc: truyền thông báo chí, comment trực tuyến trên báo chí online, youtobe, tiktok, mạng xã hội,...Nó cũng tạo thuận lợi quảng bá các sản phẩm nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng. Người sáng tạo nghệ thuât cũng phải đón nhận tất cả, lắng nghe tất cả để tham khảo, tiếp thu có chọn lọc để nhìn lại tác phẩm, tích lũy kinh nghiệm và có hướng phát triển trong tương lai.

Điểm lại ba tác phẩm nghệ thuật:

1.Tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (1957) thuộc về nghệ thuật ngôn từ- tiếp thu bằng cách đọc hiểu văn bản tác phẩm. (Bản thân tiểu thuyết nó cũng có nhiều chi tiết hư cấu, sáng tạo)

2.Bộ phim Đất Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (1997) là phim truyền hình nhiều tập. Nó thuộc về nghệ thuật kết hợp hình ảnh và âm thanh, được tiếp thu thông qua kênh nghe nhìn.

3.Bộ phim Đất Rừng Phương nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (2023) là bộ phim điện ảnh, cũng qua kênh nghe nhìn như trên nhưng thời gian chỉ gói gọn chuyển tải trong trong 2 tiếng đồng hồ, thì nó có độ cô động nhất định, không thể đòi hỏi dàn trải chi tiết như phim nhiều tập và ngôn ngữ điện ảnh có đặc trưng riêng và dĩ nhiên là khác với nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết. Điện ảnh là một trong 7 loại hình nghệ thuật cơ bản và được gọi là nghệ thuật thứ bảy (theo phân loại của Hegel: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, nhảy múa và điện ảnh). Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp thể hiện bằng hình ảnh kết hợp âm thanh, hình thức kích thích giác quan, nghe nhìn; được lưu trữ trên một số dạng thiết bị ghi hình để phổ biến tới công chúng qua các phương tiện kỹ thuật khác nhau: chiếu rạp, truyền hình, web / stream, video, băng, đĩa, máy chiếu. Như vậy ba tác phẩm nghệ thuật khác nhau về thể loại, được sáng tạo ở ba thời điểm khác nhau chắc chắn là có sự khác biệt. Và bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng cũng mang dấu ấn của người làm ra tác phẩm nghệ thuật đó, rồi còn tùy thuộc vào hình thức thể hiện và dĩ nhiên là mang hơi thở thời đại. Từ đó chúng ta sẽ có góc nhìn phù hợp và có những đánh giá công tâm hơn!

Người sáng tạo nghệ thuật cũng phải đón nhận tất cả những lời khen hay chê:

Những ý kiến tích cực của công chúng về tác phẩm tâm huyết là nguồn động viên, khuyến khích, tạo động lực cho nhà sáng tạo. Những ý kiến chưa tích cực thì cũng có tác dụng giúp cho người sáng tạo nghệ thuật tham khảo, nhìn nhận lại tác phẩm, nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu để có định hướng cho những sáng tạo mới trong tương lai.

Tuy nhiên, tâm lý ai cũng vậy, thích khen hơn thích chê. Mà có chê thì cũng nên lựa lời, góp ý thiện chí có tính chất xây dựng. Không mạt sát, kiểu dìm hàng. Mình không thích ai dùng lời lẽ khó nghe với mình thì cũng đừng nên đem lời lẽ đó đến cho người khác. Và vô hình dung lại tác động đến thế hệ sau. Người trẻ thấy người lớn tranh cãi kịch liệt với ngôn từ như thế nào, họ sẽ bắt chước theo. “lời nói chẳng mất tiền mua…” cha ông mình đã đúc kết bao đời nay rồi. Bản thân mỗi người cũng không muốn ai chê mình nặng nề! Những tranh luận mang tính tiêu cực, cực đoan, chủ quan ít nhiều làm nản lòng những người sáng tạo nghệ thuật, do định kiến, yêu ghét ai đó rồi nhận định bằng cảm tính là không công bằng cho tác phẩm mà nó còn có thể kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh, trong một mức độ nào đó nó cũng có thể cản trở sự phát triển văn minh của xã hội. Một tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của chủ thể sáng tạo, từ những ấp ủ, lao tâm khổ tứ biết bao công sức, đầu tư thời gian và vật chất cho tác phẩm, dù đạt được ở mức độ nào thì nó cũng mang lại giá trị nhất định đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Bản thân chúng ta là người thưởng thức nghệ thuật cũng có những đóng góp nhất định bằng những quan tâm, nhận định, động viên hoặc góp ý có tính xây dựng một cách thiện chí. Hãy tìm hiểu thêm những gì liên quan với điều mình thắc mắc để có căn cứ xác đáng.

Trăm nghe không bằng một thấy, cần tự mình trải nghiệm để đưa ra nhận định của riêng mình, không hùa theo ai cả. Bởi vì, góc nhì còn tùy thuộc vào khả năng tư duy, gu thẫm mỹ,…của mỗi người khác nhau.

Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình trước vấn đề mình quan tâm. Nhưng có người chưa xem phim, thậm chí chưa hề đọc tác phẩm, nghe thiên hạ xôn xao, không biết thực hư thế nào cũng hùa theo đám đông mà phán như đúng rồi. Như kiểu hè nhau đấu tố nhà sáng tạo và sản xuất phim một cách không thương tiếc. Nói gì thì nói chứ bộ phim đã được phép công chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam có nghĩa là được sự cho phép của các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cục điện ảnh, v..v…và dĩ nhiên đã được xét duyệt, thông qua, cấp phép để sản xuất và công chiếu. Điều thực tế cho thấy rằng bộ phim được phép công chiếu, có nghĩa là không vi phạm pháp luật, và nói gì thì nói họ cũng đã thu về như sau: Theo báo Tienphong.vn “Tính đến trưa 21/10, phim Đất rừng phương Nam thu 81,3 tỷ đồng, theo số liệu của đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam”. Ngày 23/10/2023 các báo: Báo thanh niên.vn, Tuổi Trẻ online, VOV- Văn Hóa, Sân Khấu, Điện ảnh, vnExpress, congthuong.vn đồng loạt đưa tin: “Doanh thu Đất rừng phương Nam đạt, cán mốc 100 tỉ đồng sau gần 10 ngày”.Theo Wikipedia: “Mặc dù bị chỉ trích về những chi tiết làm sai lệch lịch sử cũng như lời thoại và kỹ xảo, song nhìn chung, tác phẩm nhận về những lời khen ngợi từ giới chuyên môn sau khi ra mắt. Tác phẩm hiện là một thành công về mặt doanh thu khi đang thu về 108,4 tỷ.

Bản thân tôi không quen biết các nhà làm phim, cũng không phải fan hay Anti fan ai cả, chỉ là một khán giả xem phim với trách nhiệm công dân của mình tôi bày tỏ ý kiến của cá nhân tôi, trên tình thần vô tư khách quan và công tâm nhất có thể. Tóm lại ai thích thì mua vé xem, không thích cũng chẳng sao! Thấy không giống tiểu thuyết, không cam lòng thì mua sách về đọc cũng được, không sao cả! Không thích thì thôi! Đừng nói lời cay đắng!

Sài Gòn, ngày 19-23/10/2023



VVM.17.8.2024.