Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



NHÀ VĂN LINH BẢO,
CÁNH DIỀU THA HƯƠNG TRỞ VỀ ĐẤT MẸ


1.

Tôi và võ sư Từ Võ Hạnh thân nhau qua nhiều năm. Hai anh em cùng viết chung và cùng làm chung nhiều tạp chí võ thuật trong và ngoài nước. Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ, võ sư Từ Võ Hạnh thường đưa tôi đến thăm nhà văn Linh Bảo.

Nhà văn Linh Bảo là dì ruột của võ sư Từ Võ Hạnh và chị ruột của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh - tác giả của nhiều bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó tôi thích nhất hai bài thơ Đừng Bỏ Em Một Mình và Kiếp Nào Có Yêu Nhau được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Ngoài việc hai dì cháu chuyện trò tâm đắc về văn thơ, tranh tượng, nhà văn Linh Bảo trong 10 năm nay còn học võ với võ sư Từ Võ Hạnh.

Tôi được biết trước khi học võ cùng võ sư Từ Võ Hạnh, nhà văn Linh Bảo đã có huyền đai đệ nhị đẳng, vô địch công phá nữ. Bà đã học võ tại Trung Hoa và Hương Cảng, sau khi sang Mỹ bà tiếp tục học võ tại võ quán Bảo Truyền.

Nhà văn Linh Bảo tuy tuổi lớn nhưng rất linh hoạt, nhân hậu, khiêm tốn, quý phái và nụ cười luôn nở trên môi. Trong những lần trò chuyện về văn học nước nhà liên quan đến văn nghiệp, tôi thường được nghe bà nhắc đến nữ nhà văn Nguyễn Thị Vinh và nhà văn Nhất Linh như một sự biết ơn. Bà tâm sự nếu không gặp được nữ nhà văn Nguyễn Thị Vinh tại Hương Cảng thì truyện dài Gió Bấc không thể đến tay nhà văn Nhất Linh. Và không có nhà văn Nhất Linh thì con đường văn nghiệp của bà liệu có được rạng rỡ như hôm nay.

Trong số tác phẩm của bà ký tặng tôi, có tuyển tập đoản văn Mây Tần do Nxb Việt Nam Hải Ngoại phát hành năm 1981 đúng 10 năm sau tập truyện ngắn Những Cánh Diều do Nxb Trí Đăng trong nước phát hành năm 1971.

Tôi nhớ sau bài thơ Lệ Nở Thành Hoa Ngỡ Sương Mai của tôi đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ (hải ngoại) số 28 tháng 11-2023, võ sư Từ Võ Hạnh đã gửi cho tôi một tin nhắn: “Với Phương Tấn ‘khen chỉ có vẻ thừa!’ nhưng khi Phương Tấn vung bút vẫn đành phải làm ‘người trần gian’…mở miệng cười một nụ ....TUYỆT! Tôi sẽ đọc bài thơ này của Phương Tấn cho Dì Linh Bảo thưởng thức trong ngày sinh nhật của Dì...”

Để mừng sinh nhật của nhà văn Linh Bảo và mừng cho tôi được bạn tôi – võ sư Từ Võ Hạnh – đọc thơ cho nhà văn Linh Bảo nghe trong ngày sinh nhật của bà, tôi đã gửi tặng võ sư Từ Võ Hạnh qua đường bưu điện theo địa chỉ nhà của nhà văn Linh Bảo 3 tập thơ của tôi vừa được nhà xuất bản Nhân Ảnh (hải ngoại) phát hành. Thật tiếc, tôi đang ở tiểu bang Florida, không về kịp ngày14-4-2024 để mừng sinh nhật của bà, nhưng tôi vui lắm khi thấy võ sư Từ Võ Hạnh gửi cho xem ảnh bà đang tươi cười thổi 99 ngọn nến bao quanh chiếc bánh sinh nhật bên cạnh võ sư Từ Võ Hạnh.

Không ai nghĩ. Vâng, không ai nghĩ chỉ sau 9 ngày mừng sinh nhật – ngày 22 tháng tư năm 2024 bà đã thanh thản ra đi trong một giấc ngủ dài… Một giấc ngủ không thèm dậy!....

2. TIỂU SỬ - TÁC PHẨM - NHẬN ĐỊNH

* Tiểu sử;

Nhà văn Linh Bảo, tên Võ thị Diệu Viên, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1926. Cha tên Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc tên Tôn Nữ Thị Lịch. Năm 1945, nhà văn Linh Bảo đã rời xa gia đình và quê nhà, sống qua nhiều quốc gia như Trung Hoa, Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ.

Vừa học xong năm thứ hai (1947-1949) Đại học Tôn Trung Sơn (Sun Yat Sen University], thì Hồng quân của Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục 1950, nhà văn Linh Bảo từ Quảng Châu chạy tỵ nạn sang Hương Cảng. Tại đây, bà đã làm mọi việc để kiếm sống: từ phụ tá nha sĩ tới lồng âm tiếng Việt cho các bộ phim Tàu đang thịnh hành thời bấy giờ.

Năm 1951, bà lập gia đình với một người Hoa tên Trần Linh Bảo (Ling Po Chan) mang quốc tịch Anh và trở thành công dân Anh. Bà lấy bút hiệu Linh Bảo và bút hiệu này gắn mãi với văn nghiệp của bà từ năm 1953 đến nay.

Năm 1954, Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hòa được thành lập tại Hồng Kông, nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, bà được tuyển vào làm việc tại tòa Lãnh Sự. Năm 1957, bà trở về nước và chỉ sau 2 năm bà lại xa quê nhà...

Bà qua Pháp, qua Anh một thời gian rồi qua Mỹ. Sau khi được tuyển dụng giảng dạy môn Việt ngữ 14 năm (1962-1976) tại trường Sinh ngữ Quân đội Mỹ (Defense Language Institute, Monterey, California) cho đến khi ngôi trường bị giải thể. Bà chọn nước Mỹ và định cư tại Nam California.

* Tác phẩm:

1. Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953.

2. Tầu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961.

3 .Chiếc Áo Nhung Lam, Nxb Đời Nay 1953 (sách nhi đồng).

4. Con Chồn Tinh Quái, Nxb Ngày Mới 1967 (sách nhi đồng).

5. Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971.

6. Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981.

* Nhận định:

WOMEN WRITERS OF SOUTH VIET NAM (1954-1975) biên khảo của tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, xuất bản lần đầu trên tạp chí Vietnam Forum, số 9 năm 1987, của Đại học Yale Hoa Kỳ. Năm 2000, Nhà xuất bản Văn Học Press đã chọn dịch công trình biên khảo này ra Việt ngữ (Bản dịch của nhà văn Trùng Dương) và xuất bản CÁC NHÀ VĂN NỮ MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1975).

Đoạn kết bài viết về nhà văn Linh Bảo, tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang đã nhận định:

“ Đọc xong các truyện của bà, người đọc cảm thấy bất ổn, đồng thời thú vị với một cảm giác buồn buồn trước việc tác giả bày ra cạnh nhau những yếu tố đối nghịch. Nội dung châm biếm ấy đã được bà diễn tả bằng giọng tinh nghịch, đặc biệt qua đối thoại, bằng thứ ngôn ngữ dí dỏm của một phụ nữ thông thái và có nhận xét tinh tế. Văn của bà trôi chảy tự nhiên như nói chuyện, khác với lời văn trau chuốt cẩn trọng của Tự Lực Văn Đoàn, trong khi vẫn để lộ một văn phong tao nhã và chính xác."

3. CỐT CÁCH MỘT NHÀ VĂN

Trong thời gian sống tại Hương Cảng, bà gặp và quen với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn. Sau khi nhà văn Nguyễn Thị Vinh đã đọc qua một số tác phẩm của bà. Bà chọn và gửi bản thảo truyện dài Gió Bắc cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Gió Bắc – là một tự truyện kể lại thời gian trôi dạt của bà ở quê người. Tự truyện Gió Bắc đã được nhà văn Nguyễn Thị Vinh trao cho nhà văn Nhất Linh.

Ngày 29 tháng 5 năm 1953, nhà văn Nhất Linh sau khi đọc Gió Bắc đã viết thư khen và đề nghị bà thay ngôi thứ nhất trong Gió Bắc sang ngôi thứ ba và nhan đề Gió Bắc thành Gió Bấc. Thư của nhà văn Nhất Linh:

Kính gửi chị Hoa, (*)

Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn. Sách chị ra chắc sẽ được hoan nghênh…

Tôi sẽ chữa lại văn, xóa bỏ ít đoạn (việc này cũng mất độ mươi hôm) rồi đánh máy đưa kiểm duyệt. Cái chính là hay, còn văn là phụ; song hoàn toàn thì vẫn hơn…

…Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị.

Chúc chị mạnh.

Nhất Linh

Gió Bấc của nhà văn Linh Bảo viết tại Hương Cảng năm 1952 lúc bà 26 tuổi được nhà xuất bản Phượng Giang in năm 1953. Gió Bấc là tác phẩm đầu tay của bà, không những thành công ở số lượng phát hành mà còn được giới cầm bút uy tín thời ấy hết lời ngợi khen đúng như nhà văn Nhất Linh đã dự đoán ngay sau khi đọc bản thảo Gió Bắc trong thư gửi cho bà: “Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị…”

Sau Gió Bấc là truyện dài Những Đêm Mưa, tiếp đó là truyện dài Tầu Ngựa Cũ. bà hoàn tất sau 5 năm ở tuổi 31 cũng tại Hương Cảng năm 1957. Với tác phẩm Tầu Ngựa Cũ, bà được trao Giải Thưởng Văn Chương 1961 của VNCH. Với các tác phẩm văn học giá trị, một cây bút có văn tài qua nhận định của các nhà văn Nhất Linh (1953), nhà văn Bình Nguyên Lộc (1958), nhà văn Võ Phiến (1962)… đã mở ra sự thành công rạng rỡ cho bà trên đường văn nghiệp. Bà trở thành nhà văn chủ lực của các tạp chí uy tín như Văn Hóa Ngày Nay (nhà văn Nhất Linh), Tân Phong (nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Trương Bảo Sơn), Bách Khoa (Lê Ngộ Châu) trong hai thập niên 1950s và 1970s.

Sau khi được giải, học giả Nghiêm Xuân Việt, Văn Bút Việt Nam đã chọn hai truyện Người Quân Tử và Áo Mới trong Tầu Ngựa Cũ của bà dịch ra Anh ngữ với tên truyện The Noble Man và Our Brand New Robes gửi dự thi truyện ngắn do International PEN tổ chức năm 1961. Cả hai truyện đều được tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm 1961.

4. MÂY TẦN, TÁC PHẨM CUỐI CỦA NHÀ VĂN LINH BẢO

Sau năm 1975, tiếc thay không còn thấy sáng tác của bà trên các báo và sau tuyển tập đoản văn Mây Tần do NXB Việt Nam Hải Ngoại in năm 1981, hình như bà không còn quan tâm đến sự nghiệp văn chương. Nhà bà ở Santa Ana, Cafornia. Ngày ngày ngoài việc làm vườn, bà học vẽ, nặn tượng, làm đồ men sứ, in hình trên đĩa, tập yoga, chơi đàn và đặc biệt 10 năm gần đây bà học võ với cháu ruột của bà là võ sư Từ Võ Hạnh... đến ngày bà ra đi thanh thản ở tuổi 99.

5. CÁNH DIỀU THA HƯƠNG TRỞ VỀ ĐẤT MẸ

Tôi thuộc lòng một cầu nói của bà trong tập truyện ngắn Những Cánh Diều. Và tâm nguyện này rải rác trong các tác phẩm của bà: “Lạy trời thổi ngọn gió hiền, ngày mai đưa những cánh diều tha hương trở về đất Mẹ!" Vâng, ngày 22 tháng tư năm 2024, bà – nhà văn Linh Bảo, một cánh diều tha hương ròng rã bao năm, nay đã được ơn trên thổi ngọn gió hiền đưa hồn bà trở về đất Mẹ.

Trích bút ký: Những Ngọn Nến Trong Cõi Ta Bà – Phương Tấn.
(*) Nhà văn Linh Bảo lấy tên Lại Cẩm Hoa trong thời gian sống ở Trung Hoa, Hương Cảng.
(**) Đúng 10 năm, sau lá thư gửi cho nhà văn Linh Bảo. nhà văn Nhất Linh đã tuẫn tiết ở tuổi 57 (1953-1963).
CHÚ THÍCH HÌNH:
HI: Phương Tấn, võ sư Từ Võ Hạnh và nhà văn Linh Bảo tại nhà riêng của bà ở California, USA.
H2: Thư riêng của nhà văn Nhất Linh (Tự Lực Văn Đoàn) gửi nhà văn Linh Bảo.
H3. Với tác phẩm Tầu Ngựa Cũ, nhà văn Linh Bảo nhận Giải Thưởng Văn Chương 1961 của VNCH.
H4. Nhà văn Linh Bảo ký tặng Phương Tấn tác phẩm Mây Tần.
H5. Nhà văn Linh Bảo đang thổi nến mừng sinh nhật (99 tuổi) ngày 14-4-2024 bên cạnh võ sư Từ Võ Hạnh.




VVM.21.7.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .