T
ên gọi KBC Hải Ngoại xuất hiện đầu tiên báo in vào thập niên 1980’ của anh Võ Văn Thạnh (thường gọi là Thạnh Tú Quỳnh) vì có nhà sách Tú Quỳnh trong khu Bolsa Mini Mall, trên đường Bolsa, thành phố Westminster. Đây là nhà sách tiếng Việt đầu tiên trên toàn quốc từ năm 1979 đến năm 2020. Lúc đó tờ KBC Hải Ngoại, chỉ phát hành tam cá nguyệt (copy) được vài số thì ngưng…
Với tờ báo in KBC Hải Ngoại từ khi ra đời năm 2002 cho đến tháng 6/2024 cho biết đã đình bản, với tôi, là sự mất mát cho tờ báo lính VNCH, và hiện nay chỉ còn tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi vừa đảm nhiệm chủ bút và layout năm thứ 16.
Với tờ KBC Hải Ngoại, năm 2005 khi chia tay, tôi viết khá dài nhưng không phổ biến trên intrenet, nay trích hai bài viết còn lưu trữ.
Trong bài viết Từ ‘Thư Cho Người’ đến ‘Tiếng Việt Mến Yêu’, November 15, 2018. Trích: “Đầu năm 2002, tạp chí KBC Hải Ngoại, khổ tabloid, ra đời gồm có bốn người trong ban chủ biên: Nguyên Huy, Trần Bình Phương (Anh Thành), Vương Hồng Anh và Hồ Huấn Cao (Du Tử Lê).
Sau khi số 1 phát hành (không hiểu vì lý do gì, chuyện nội bộ nên không đề cập), Nguyên Huy và Lê Tường Vũ gặp tôi và bàn chuyện thực hiện tờ báo số 2. Chủ Nhiệm: Nguyên Huy, Phụ tá: Lê Tường Vũ và tôi làm Thư Ký Tòa Soạn, đảm nhận layout. Hồng Huy (Đặng Trần Hoa) nhân viên phát hành báo Người Việt đảm nhận công việc này. Nghe nói nguồn tài trợ ban đầu do anh Nguyễn Văn Cảnh.
Qua tờ KBC Hải Ngoại, chúng tôi thực hiện “Trang Chiến Hữu” vào Thứ Tư hằng tuần trên nhật báo Người Việt… Mỗi tháng được trả 800 đô la, số tiền này nhập vào quỹ để nuôi tờ báo, tôi chỉ nhận số tiền tượng trưng để uống cà phê. Tôi không để ý và chẳng biết gì về vấn đề tiền bạc của tờ báo. Khi tôi nghỉ qua vài năm thực hiện, Trang Chiến Hữu đổi thành trang “Cựu Chiến Binh” cho đến nay.
Khi Tập Thể Chiến Sĩ VNCH thành lập, tuy tờ báo KBC Hải Ngoại độc lập nhưng xem như “cơ quan ngôn luận” để phổ biến sinh hoạt của tổ chức này...
Năm 1998, khi viết bản tin về Khóa Tu Nghiệp do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức, sau đó tôi được mời làm trưởng khối báo chí. Các thầy cô muốn quảng bá phong trào giảng dạy tiếng Việt cho con em, Ban Đại Diện gặp anh Đỗ Ngọc Yến, sáng lập viên nhật báo Người Việt, và được chấp thuận để tôi thực hiện trang “Tiếng Việt Mến Yêu” vào Thứ Năm hằng tuần. Trang báo nầy xuất hiện vào ngày Thứ Năm và nhuận bút tượng trưng mỗi tuần 100 đô la…
Đầu năm 2005, Tập Thể Chiến Sĩ mời ông Võ Long Triều làm ủy viên báo chí và tờ KBC Hải Ngoại giao lại cho ông. Sau 35 số (2-36), tôi không còn cộng tác. Anh Đỗ Ngọc Yến qua đời vào tháng Tám, 2006. Sau khi anh mất, trang “Tiếng Việt Mến Yêu” được sáu năm, tôi nghỉ, trang báo đổi thành “Tiếng Việt Dấu Yêu”…
Nói về tờ KBC Hải Ngoại, nếu người trong cuộc viết thì “chuyện dài thiên hạ sự”… “lắt léo và ngõ ngách” vào thời điểm cuối cùng đổi chác cho nhau! Rất tiếc cho Lê Tường Vũ, anh rất nhiệt tình, có công nhất trong tờ báo và trang báo qua thời gian thực hiện nhưng cuối cùng “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng!”
Riêng anh Đỗ Ngọc Yến, xin trích vài dòng bài viết của anh Vi Anh trên tờ Việt Báo (01, 03, 2006):
“… Chính anh Yến âm thầm giang tay ra giúp để tạp chí KBC sống còn với sự nối tiếp của anh Võ Long Triều để làm tiếng nói cho Tập Thể Chiến Sĩ.
Nhưng lực bất tòng tâm, anh Yến ngã bịnh nặng, còn anh Võ Long Triều thì ở xa phải tạm đình bản” sau khi phát hành được vài số. Sau này tờ KBC ra đời với anh Tô Phạm Thái.
Không còn tờ KBC Hải Ngoại, tháng Năm, 2005, tôi ra trang web và tờ Cali Weekly, vừa ra tờ báo mới, vừa lo bài báo cho bạn bè và vẫn tiếp tục layout cho tờ Trách Nhiệm vì giữ lời hứa với nhau…
Trong cuộc phỏng vấn: Nhà báo Vương Trùng Dương kể chuyện người lính làm báo lính, Uyên Vũ thực hiện 6/2019, tôi nhắc lại thời gian đầu 3 năm với tờ KBC Hải Ngoại.
“Hình như tháng Tư, 2003, tôi thay Vương Hồng Anh làm thư ký tòa soạn và đảm nhận layout. Đến tháng Hai, 2005, KBC Hải Ngoại số 36 thì đánh dấu bước ngoặt trong cuộc họp của Tập Thể Chiến Sĩ QLVNCH tại San Jose. Vấn đề nội bộ “dài dòng văn tự” không tiện đề cập, tờ báo giao cho ông Võ Long Triều… Bản tính tôi thích độc lập nên thời gian thực hiện tờ báo này, tôi không sinh hoạt trong Tập Thể Chiến Sĩ nhưng anh em chúng tôi đồng tình hỗ trợ cho tập thể này. Từ đó, không còn cộng tác nữa. Tờ KBC Hải Ngoại sau này vẫn tiếp tục nhưng trải qua mấy đời chủ nhiệm. Tháng Năm năm đó, tôi ra tờ Cali Weekly”…
Với tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, vào tháng 8 năm 2008, tuần báo Saigon Nhỏ ra đời. Được 3 số thì có sự thay đổi, bà Hoàng Dược Thảo cho biết vì là nữ giới nên chủ bút, tổng thư ký để tên các ông quân nhân VNCH, vì vậy có khi tôi làm chủ bút, có khi làm tổng thư ký và đảm trách layout. Trong thời gian nầy tôi đảm trách section B của nhật báo Saigon Nhỏ (bài vở và layout) 7 số trong tuần kéo dài từ khi ra đời cho đến khi đình bản (2008-2016).
Trong cuộc tranh tụng giữa nhật báo Người Việt và hệ thống báo Saigon Nhỏ vào năm 2015 & 2016. Hệ thống báo Saigon Nhỏ thua kiện nên thuộc công ty Người Việt.
Với tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi trả lời với Uyên Vũ:
“Thật tình không có bộ mới, bộ cũ nào cả. Đầu tháng Ba, 2016, anh Đinh Quang Anh Thái gọi tôi, hẹn nhau ở Z Cafe, trong khu Catinat. Trước đó tôi đã biết chuyện “chuyển đổi” chủ nhân từ cơ quan ngôn luận này sang cơ quan ngôn luận khác. Tôi không quan tâm chuyện nội bộ… Khi gặp nhau, anh ĐQAT hỏi tôi về việc đảm trách tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa. Tôi nói, tôi là người lính, việc duy trì và tiếp tục với tờ báo lính cũng nên, và tôi nhận lời.
Chiến Sĩ Cộng Hòa số 82, tháng Tư, 2016, vẫn liên tục cho đến hôm nay… Trang bìa 2 tờ báo cũng không có tên chủ bút, tổng thư ký gì cả.
Có các bài viết tôi viết đôi dòng “Lời Tòa Soạn” ký tắt VTrD, quý độc giả lâu năm cũng đoán biết là tôi. Sau nầy trang bìa 2 chỉ ghi email
vuongtrungduong20@gmail.com.
Trong ba số liền tôi viết Thư Tòa Soạn không đá động gì về việc đổi thay mà chỉ đề cập đến tinh thần và lập trường tờ báo trước sau như một. Có lẽ chủ báo cũng tin tưởng và hiểu bản tính “cóc cần” của tôi nên không nêu ra ý kiến thế này thế nọ vì vậy khi layout xong tờ báo, giao cho nhà in. Ai cũng có tinh thần tự trọng, người ta tin mình thì mình phải chu toàn, coi như đáp lễ với nhau…”.
Nguyệt san KBC Hải Ngoại phát hành vào đầu tháng và nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa phát hành vào giữ tháng. Kể từ tháng Hai năm 2005 đến nay, tờ KBC Hải Ngoại trải qua các đời chủ nhiệm, vì chuyện nội bộ và thật tình tôi chỉ lo cho tờ báo của mình nên ít khi để ý đến tờ báo báo khác. Với tôi, nếu tiếp tục duy trì cả hai tờ báo lính ở Little Saigon, nói riếng và hải ngoại nói chung là niềm vui của người lính già xa xứ. Câu nói của Thống Tướng Douglas MacArthur “Người lính gìa không bao giờ chết” vẫn là hình ảnh đẹp trong tâm thức người lính VNCH.
Vì vậy khi được tinh tờ KBC Hải Ngoại đình bản, bạn bè có hỏi, tôi chia sẻ nỗi buồn của người lính già. Tờ KBCHN có đăng quảng cáo, tờ CSCH không đăng, với 128 trang, có 125 trang cho bài vở. Báo in hiện nay khó sống nếu chỉ phân phối ở số nơi hạn chế. Vì cước phí bưu điện quá cao nên độc giả mua báo ở xa, ngày càng giảm.
Sở dĩ tờ CSCH sống đến nay cũng nhờ được phân phối qua hệ thống báo Saigon Nhỏ đến các thành phố, tiểu bang xa ở Hoa Kỳ. Nay tôi ở tuổi tám mươi, chỉ muốn ngưng việc tìm bài vở và layout nhưng “bỏ thì thương và vương thì mỏi mệt”, đành chấp nhận được ngày nào hay ngày đó khi “người lính già bỏ cuộc”!
Little Saigon, June 2024
VVM.01.7.2024.
Little Saigon, June 2024