Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



NỖI LÒNG NGƯỜI NHẬP CUỘC

  


N hững ngày Covid,cách li xã hội,”cách” luôn cái thỉnh thoảng ra hóng phố Saigon rửa mắt - làm gì cho hết ngày - thôi thì không sống với hiện tại ta chui vào sách để tìm về quá khứ.

Tôi đọc một hơi “Những ngọn đèn dầu trong đêm”(NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM - 2011)của tác giả - họa sĩ Hà Thị Hạnh(*).Tác phẩm dày 210 trang gồm 38 mẩu ký - hồi ức bình dị chân phác mà trữ tình,khẽ khàng đánh thức cảm xúc yêu thương sâu lắng trong người đọc - (Con Chó,Cuộc gặp không định trước,Những ngọn đèn dầu trong đêm,Gia đình của con chim xanh,Đêm biên giới,Đêm sang sông,Những cuộc chia ly,Con gà,Chuyện thật như đùa,Đêm Tháp Mười,Nắm cơm vắt,Con sóc,Đêm giữa đồng,Ăn Tết ở Long Hòa,Tiếng chim trong vườn,Bài học đắt giá nhất,Ngọn núi quê tôi,Mẹ tôi,Bánh ướt của thím Mười quê tôi,Cái giếng làng,Cái thau đồng,Cái chết của con Ki Ki,Ngôi trường đầu tiên,Xem hát lúc xả giàn,Giã gạo đêm trăng,Anh Hai tôi,Vẫn còn bao bà mẹ như vậy,Chuyện những chú chim,Năm tháng không thể nào quên,Tản mạn về một dòng sông,Chị Tư Sang,Ông bánh chưng,Chợ Tết miền quê,Bà đậu hủ,Thấy gì ở Thái Lan,Một thoáng quê hương nơi xứ người,Nỗi lòng người Việt trên đất Mỹ,Sau một chuyến đi xa).

Hình ảnh trích xuất từ cuộc sống nhặt được dọc đường băng rừng,lội suối,vượt sông vùng miền Đông Nam bộ gian khổ,người đi vào chinh chiến phải đối mặt thường xuyên với đạn pháo,bom đìa cày nát hệ thống địa đạo - “Nằm dưới hầm bụng đói meo không một hột cơm,không một hớp nước.Lâu lâu,hầm lắc lên như đưa võng”(Đêm sang sông - tr 38).Tuy nhiên không vì thế ta không nhìn ra được những đốm sáng tâm hồn trong trẻo đậm chất thơ khiến vơi đi những hiểm nguy rình rập - “Xuôi theo dòng kênh,chung quanh là đồng nước trắng xóa bao la phất phơ những cây lúa trời vươn những ngọn lá xanh bén ngót theo điệu gió đong đưa;những dề rau dừa ngả màu xanh tim tím dập dềnh theo sóng nước nhấp nhô, một chú chim trời lạc bầy sà xuống mặt nước rồi bay vút lên giữa bầu trời xanh bao la.Bóng chiều buông xuống,cả đồng nước lăn tăn những ánh vàng.Chiếc xuồng con của chúng tôi len lỏi qua những cánh đồng sen bát ngát,ngan ngát hương sen”(Đêm Tháp Mười - tr 61,62)- Và cũng không vì thế ta không thấy được tấm lòng yêu thương muôn loài thấm đượm trong “chút cơm nguội” dành cho chú chó còm nhom xấu xí,đầy ghẻ chóc bên miệng hố bom đìa(Con chó,tr12) - Con gà bị chồn vồ,đôi cánh đầy máu được bôi thuốc đỏ lên vết thương chăm sóc lành lặn.(Con gà,tr 48) - Lũ chim non mất mẹ,bị vặt đứt đầu gãy cánh,tung tóe trên nền đất đươc gom chôn cẩn thận(Gia đình của con chim xanh – tr30)…

“Những ngọn đèn dầu trong đêm”là tiếng lòng của người đi kháng chiến được giải bày một cách chân thực,thoải mái khi đứng lùi xa lịch sử gần nửa thế kỷ .

Cục diện khách quan lịch sử Việt Nam (1945-1975)chỉ có một,nhưng hàng trăm,hàng ngàn tình huống xảy ra,đã định hình số phận dân tộc này.Tùy cảnh ngộ,thành phần xuất thân,mỗi công dân – ngay lúc bấy giờ,buộc phải có những lựa chọn khác nhau. Chẳng hạn nhạc sĩ Phạm Duy trong “Hồi ký tập II - Thời Cách mạng Kháng chiến”(nguồn internet),đã kể : “Thế chiến thứ 2 kết thúc,Pháp bị lép vế ở VN,Nhật chuẩn bị đầu hàng,nước ta được bỏ trống,các tổ chức chính trị ùa ra,đảng nào mạnh và giỏi thì đảng đó nắm chính quyền.Đám thanh niên thuộc tuổi tôi và không theo đảng phái nào thì chỉ biết nhào ra theo CM.Nghe thấy có “tổng khởi nghĩa”là hè nhau đi “cướp chính quyền”.Thấy Pháp trở lại VN thì xung phong vào “kháng chiến Nam Bộ”.Rồi khi có lệnh “toàn quốc kháng chiến”là đua nhau rời phố phường về nơi thôn quê xây làng chiến đấu.CM và KC thu hút tất cả,không chừa một ai !”.

Thi sĩ Quang Dũng chẳng tiếc thời xuân trẻ :“Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh/Áo bào thay chiếu,anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”(Tây tiến).

Nhà nghiên cứu Lữ Phương trong “Những chuyến ra đi”(nguồn viet-studies.info)nhớ lại: “tôi không hề tiếc nuối gì về sự dấn thân của mình: tất cả chỉ là những trải nghiệm để hiểu hiện thực như cái sống thực chứ không phải là những tư biện trong tháp ngà.Không có sự dấn thân đó,tôi không thể biết thế nào là thực chất của cuộc cách mạng nhân danh “vô sản” để giải phóng những người lao khổ,điều mà tôi chỉ hình dung qua những huyền thoại suốt thời niên thiếu”.

Về phần tác giả Hà Thị Hạnh, chị rời Saigon tháng 10 năm 1964,xa gia đình,xa bạn bè,xa trường học,xa những phố xá thân quen để ra vùng kháng chiến - xóm Thuốc thuộc xã An Phú,Củ Chi. Chị bộc bạch chân thực :“Tôi bỏ học để đi vào kháng chiến mà chẳng có một mục đích lý tưởng cao cả nào hết.Chẳng qua là tôi thích cuộc đời mơ mộng phiêu lưu như anh chàng Dũng trong“Đôi bạn”của Nhất Linh;hoặc nhân vật Chính trong“Hai thiêng liêng”của Nguyễn Vỹ.Trong tôi,tôi lại có thêm nỗi bế tắc của lớp thanh niên mới lớn đang trong thời loạn lạc“ưa đi lặng lẽ trong những đêm gió mưa u buồn mà nghe cô đơn”,cùng nỗi khát khao“sống đời đáng sống” (Bài học đắt giá nhất - tr.100).

Tự nhận mình thuộc thành phần “tạch tạch sè”(trí thức TTS/tiểu tư sản),tác giả không ngần ngại tâm sự:“Những năm đầu kháng chiến,nỗi khổ về vật chất tôi chịu được,cam go ác liệt tôi vượt qua;nhưng nỗi đau về sự xúc phạm thì nó làm trái tim tôi muốn tan nát …Có lúc tôi bị quy là“chống Đảng”,vì tôi không tuân theo sự sắp xếp và áp đặt của lãnh đạo,mà chỉ nghe theo sự mách bảo của trái tim mình …Có lúc bị phê bình gay gắt vì là“quần chúng chưa giác ngộ”…Những lần đau khổ tưởng chừng như ngã gục,tôi đi vào rừng một mình để kiếm củi khô.Đêm đêm, lúc mọi người ngủ yên là tôi lội ra đồng ruộng tối đen như mực,lâm râm mưa để cắm câu,bắt cá và được tự do khóc mà không để ai được biết.” (BHĐGN – tr10)

Đóng lại tác phẩm,người đọc bỗng dưng thoáng thấy bóng người đi kháng chiến,lướt qua như gió thoảng.Bom đạn không hề là trò đùa.“Những ngọn đèn dầu trong đêm”,giống như một chuyến “phượt” vô cùng thú vị ! Vẻ đẹp sáng lên từ sự lựa chọn :“ tôi đã chọn con đường đi của mình - con đường nhiều gập ghềnh,gai góc để thử thách chính mình.Nó đã đánh đổi cả tuổi trẻ của tôi,và tôi cũng đã đem cả tính mạng của mình ra cá cược…Nhưng chính từ sự đau khổ tột cùng ấy đã giúp tôi trưởng thành hơn,chín chắn hơn và có tấm lòng hơn.Tôi biết lắng nghe,thông cảm,chia sẻ với nỗi đau của người khác…” ( BHĐGN – tr 103).

Họa sĩ Hà Thị Hạnh “đã đi – đã dám dấn thân” và “đã về” chung cuộc 30/4/75 – hòa bình ,đất nước thống nhất – rất khâm phục “sức chịu đựng” của chị !

(Saigon,viết 26/4/2020 – chỉnh sửa 18/4/24)
(*) Vài nét về tác giả Hà Thị Hạnh : Sinh 26/4/1945 Dầu Tiếng,Bình Dương – Tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật TP HCM khoa Lý luân và Lịch sử Mỹ thuật khóa I(1980) – Nguyên Trưởng khoa Lý Luận-Lịch sử ĐH Mỹ Thuật TP.HCM – Nguyên PGĐ Làng Thiếu niên Thủ Đức.Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và TP.HCM – Huy chương “Vì sự nghiệp Việt Nam” năm 2001.




VVM.19.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .