Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SỰ PHÁ CÁCH TRONG NGÔN NGỮ
CỦA MỘT SỐ VĂN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI




N gôn ngữ là “vỏ vật chất của tư duy” Dấu ấn văn hóa cũng như ý thức xã hội được thể hiện rất rõ qua ngôn ngữ. Hơn nữa vấn đề ngôn ngữ thực chất là vấn đề thể hiện. Tuy nhiên thứ ngôn ngữ bấy lâu nay vẫn mặc định trong hệ thống ngôn từ do nam giới áp đặt và hầu như những gì liên quan đến nữ giới đành phải nhận hậu tố tòng thuộc hay như một phái sinh đầy thứ yếu. Đơn cử như với tiếng Anh (ngôn ngữ biến hình) thì đặc điểm đó dễ dàng thấy trong cấu tạo từng bộ phận ngôn ngữ. Ví dụ như từ gốc ban đầu là “man” (nghĩa là đàn ông) khi thêm tiền tố đằng trước thành “woman” (đàn bà) và lẽ dĩ nhiên “women” là nhánh phái sinh từ “man” . Đối với tiếng Việt ngôn ngữ đơn lập, không biến hình thì dấu ấn quyền lực cũng thể hiện trong các cặp xưng hô. Ví dụ như trong văn học dân gian hay văn học trung đại, có các cặp xưng hô kiểu như: chàng – nàng/ thiếp, quân tử - thiếp. Tất nhiên tự trong bản thân cách xưng hô đã có sự phân biệt vị thế: “Quân tử”, “chàng”, “anh” luôn thuộc vai trước, vị thế cao và là chỗ trụ cột bất chấp quan hệ tuổi tác, trong khi đó “thiếp”, “nàng”, “em” thuộc vai sau, ở vị thế bề dưới, nhỏ bé, mong manh, yếu ớt.

Sang đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tinh thần dân chủ phương Tây, hệ thống đại từ nhân xưng trong đối thoại của nhân vật nam - nữ trong văn học viết Việt Nam đã có sự biến chuyển bình đẳng hơn. Khoa học ngôn ngữ xác định cấu trúc của một tình huống tương tác trong cách xưng hô thể hiện rõ sắc thái, vị thế cũng như mối quan hệ đó như thế nào. Nếu như trong các sáng tác dân gian, trung đại và ngay cả ở giai đoạn 1930- 1945 (với “ Tự lực văn đoàn ”) cách xưng hô chủ yếu giữa nhân vật nam và nữ trong tác phẩm thường nằm trong khung quyền lực cố định và nó chỉ diễn ra theo quan hệ một chiều: vai trước (bề trên, cao hơn) – vai sau (bề dưới, thấp hơn) như: “quân tử/chàng – thiếp”, “anh – em” thì xu hướng trút bỏ vai chỉ thực sự diễn ra khi xuất hiện các cặp xưng hô “tôi – anh”, “tôi – ông”, “tôi – thầy nó” hay “tao – mày”... và đại từ “tôi” hay “tao” có thể xuất hiện trong lời nói của cả hai nhân vật giao tiếp tạo nên khung quan hệ bình đẳng về quyền. Điều đó cho thấy cán cân phái tính đã dần khôi phục lại trong hệ thống ngôn từ vốn mang đậm tính phụ quyền do ảnh hưởng dấu ấn văn hóa Nho giáo. Ngôn ngữ nhiều nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ bặm trợn, táo bạo. Trong “Phù thủy” , người vợ đã có nhiều cách xưng hô khác nhau với chồng những lúc chị tức giận: Bốp chát chửi thẳng vào mặt chồng “Mày thằng đàn ông bẩn thỉu nhất trên đời mà tao từng gặp. Số tao ăn mày nên vớ phải thằng cha căng chú kiết như mày…”,“Hôm qua. Ra tòa. Tao chửi nhau một trận” …hoặc trịch thượng hơn khi đặt mình lên vị thế bề trên “Thế đấy. đây không đi thì ở nhà nhìn chúng mày đú à?” . Dường như không còn phân biệt đâu là vị thế cao hay thấp, đâu là vị thế trên hay dưới nữa. Trong “Hậu thiên đường” có những so sánh khá “nặng tay” về người đàn ông: Họ chẳng khác gì một món ăn “nạc thì nạc ra thành bã, mà mỡ thì đến buồn nôn, mặn chát mồm mà có khi nhạt đến tanh” , có khi họ lại giống như một cái oản bẹp “ chàng cười khuôn mặt méo xệch, vẹo vọ như cái oản bẹp” và “hai mắt lờ đờ như cá ươn”, “người đàn ông nhàu nhò, nụ cười méo xệch như phải gió”, “mặt anh ta bạch phếch, tóc tai như bị đói hàng thế kỷ” …Lê Thị Thấm Vân để cho nhân vật nữ nhiều lần tự xưng là “bà”: “Hôm qua chồng đưa con đi coi bóng rổ ở Palo Alto suốt từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối. có một buổi tối rỗi rảnh, dự tính làm vài chuyện thuần giải trí. Gọi hỏi thăm Q, rủ T đi xi nê, tới nhà H tán dóc, ghé tiệm sách cũ ở Redwood City, đi shopping mua vài thứ lặt vặt, hay ra Blockbuster mướn phim về nhà nằm coi. Những dự tính cuối cùng đều là dự tính. dọn lại closet, bỏ xấp hình vào album, nằm ngâm mình trong bồn, đầu óc thể xác đồng thư giãn bỗng thèm đĩa bánh cuốn tráng hơi ở tiệm Bắc Hương. thay đồ lái xe xuống phố, khi rẽ xe vào đường Santa Clara, tấm bảng quảng cáo tiệm Thanh Thế hôm nay có bún riêu đặc biệt, thế là bà tạt vào, thêm một dự tính không thành…” (“ Âm vọng ”) . Tuy đó là chi tiết nhỏ nhưng nó cho thấy chính đại từ “bà” tạo vị thế mới trong cấu trúc quyền lực (người nói là người bậc trên).Võ Thị Hảo lại không ngần ngại khi để cho nhân vật nữ của mình dám kết tội không phải chỉ một người đàn ông mà có khi là cả một lũ đàn ông “Đàn ông là một cái gì đó bậm bịch, khen khét và thô bỉ (…) vì hắn là đàn ông, hắn coi đàn bà chúng ta là đồ chơi, là miếng mồi con ạ” (“ Làn môi đồng trinh” ) , thậm chí có khi lại là lời nguyền rủa Tao nguyền rủa mày . Tất thảy. Tất thảy lũ đàn ông các người đều độc ác! Độc ác!” (“ Biển cứu rỗi ”)… Y Ban trong I am đàn bà lại để cho “thị” gọi một cách suồng sã bố cu nhà chị khỏe mạnh lắm”, “A, thì ra mắt cu cậu có tỉnh rồi. Nhận ra nhau rồi phải không? Thế để chị xoa bóp cho nhé…”, “gì vậy cu ? Định nói gì? Nóng hả? Biết rồi…”, “ cu nằm đây chờ chị dọn dẹp xong nhà cửa rồi chị vào xoa bóp cho…”

Biểu hiện cao nhất và rõ nét nhất của ngôn ngữ táo bạo, đậm cá tính chính là ở những trang viết về tình dục. Không còn những thứ ngôn ngữ gọt đẽo, trau chuốt kiểu văn chương bác học của các bậc quân tử. Các nhà văn nữ đã mạnh dạn đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ dung tục, tầm thường. Thậm chí họ còn gây hấn và gây shock bằng những từ ngữ mang đậm màu sắc dục tính để đi thẳng vào vùng thâm u vốn là cấm địa của văn chương. Nếu như trước đây, người đọc biết đến họ bởi thứ ngôn ngữ dịa dàng, ngọt ngào đầy thơ mộng thì giờ đây là những ngôn ngữ góc cạnh, đầy cá tính. Họ không ngần ngại phô bày những bản năng thầm kín của phái mình trong tác phẩm. Dục tính là một công cụ để họ “thoát xác” để khẳng định tiếng nói của phái mình với các lớp ngôn ngữ lột tả từng chi tiết tâm, sinh lý của nhân vật. Hàng loạt những từ trần trụi của tính giao được đưa vào như: “âm hộ”, “âm vật”, “mông”, “vú”, “tinh trùng”… Phổ biến và chiếm ưu thế vẫn là những động từ, cụm động từ đi kèm với một loạt từ ngữ dục tính tầm thường.

Trong Bóng đè , Đỗ Hoàng Diệu diễn tả những khát khao bản năng cháy bỏng của nhân vật “tôi” bằng những động tác làm tình với số lượng động từ dày đặc “Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập . Tôi ưa kéo Thụ lên chà xát . Tôi bắt đôi tay Thụ bóp nắn liên tục. Tôi muốn đã cơn thèm khát từ buổi trưa ấy...”. Rồi một loạt những động từ mô tả cảnh cô con dâu bị “bóng” ma tổ tiên nhà chồng cưỡng hiếp như “Mảng đen thôi uốn lượn trên mền vải, nó thò hẳn vào lùng sục từng bộ phận thân thể tôi. Bàn tay lần rờ trọn đường viền môi, nắn từng chiếc răng xinh xắn hệt như khi Thụ trườn lên tôi thổi khúc dạo đầu (…) Bàn tay bắt đầu mạnh bạo hơn gỡ lớp vải kết mồ hôi, bóc tách thuần thục. Mồ hôi tướp đùi non, rãi rề xuống mặt phản trơn rít” . Hoặc liên tiếp dày đặc động từ: “Tôi muốn anh bóp nát, bục vỡ, tan òa”, “Gẫy gập, cắt khúc tôi trong cơn xoáy liệt. Bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man ”. Trong truyện ngắn Bốn người đàn bà và một đám tang ”, có đoạn miêu tả trần trụi, nham nhở với những động từ mạnh “Đã nhiều lần Sơn dùng đôi bàn tay mạnh khỏe chàng trai ba mươi ăn uống bổ dưỡng bóp bầu vú ấy nhưng vẫn nghe tiếng la: bóp mạnh nữa lên, bóp mạnh nữa lên! Sơn nhìn thấy người đàn bà to cao ấy đang ưỡn người, tay chân đạp loạn xạ, cấu cào vào bất cứ thứ gì..”. Cô gái điếm trong truyện ngắn Cô gái điếm và năm người đàn ông để lại ám ảnh cho cả năm người đàn ông bởi những ám dấu, những động tác làm tình của cô. Để rồi cả cuộc đời họ không yên ổn khi luôn có sự so sánh với những người đàn bà đến sau ngay cả với vợ mình : Với Toàn “Chiếc lưỡi mềm mại ấy đu kéo trên đùi Toàn, ràn rượi trên thân thể Toàn, cô gái lại về ám ảnh Toàn, chiếc lưỡi ấy, bàn tay ấy không thôi làm hoa nở trên chân anh. Những bông hoa hình nốt nhạc tạo thành bản tình ca êm đềm và lãng mạn nhất… Người con gái rút anh lên và nâng anh đi. Rồi vỡ tan tất cả, anh tụt xuống”. Với Mạnh thì cô ta lại rất đặc biệt “Cô ta đặc biệt lắm...Cô ta dùng hai bên vú góp chặt hạ bộ của anh và anh xuất tinh, anh nhìn thấy hai núm vú cô ta mở ra hút hết tinh trùng của anh vào đấy" . Với Đạo thì không thể quên được “cái sâu hun hút và thít chặt của cô ta”v.v… Có thể nói Đỗ Hoàng Diệu rất cao tay trong việc làm cho các động từ “biết nói” những gì nhà văn muốn diễn tả.

Nếu như Đỗ Hoàng Diệu có ưu thế trong việc mở rộng trường nghĩa của động từ để nhằm khơi gợi cho người đọc nhiều chiều liên tưởng thì Y Ban lại khác. Y Ban sử dụng những động từ nguyên nghĩa mô tả trực tiếp, trần trụi từng động tác làm tình “Chồng tôi ôm tôi rồi hôn . Tôi đê mê trong vòng tay anh. Đột nhiên anh sốc tôi đến bên một gốc cây to. Anh ấn tôi vào gốc cây, cởi bỏ quần tôi. Anh cuồng nhiệt làm tình với tôi dưới gốc cây”… “Tôi chủ động đè anh xuống rồi lột quần của anh ra…Anh rên lên rồi chồm dậy. Anh ngấu nghiến hôn tôi khắp mặt…Tôi nắm chặt thằng bé của anh đưa vào cửa sinh…tôi lật người đè anh xuống (…) khi tôi trèo khỏi người anh, anh cứ nhất quyết níu lấy”. Thuận trong T mất tích khi mô tả những ám ảnh về quan hệ tình dục giữa nhân vật “tôi” và Anna, hệ thống các động từ thân xác được nhà văn sử dụng khá hiệu quả “Tôi thấy Anna một tay vòng qua lưng, một tay đỡ lấy gáy tôi ngã ra giường. Tôi cởi quần áo rất nhanh. Bộ ngực đồ sộ ấm như bông khiến đầu óc tôi tê liệt. Uyển chuyển và điêu luyện cô ta trườn lên tôi. Âm hộ để trần nóng rẫy (…) hai cơ thể lại hừng hực trong cơn sốt”.

Có thể nói hệ thống những động từ được sử dụng với tần số khá cao gợi ra những động tác cụ thể trong quan hệ tính giao. Sử dụng nó không phải là chuyện dễ, bởi nếu không khéo chính nó lại là con dao hai lưỡi làm rạn nứt cấu trúc ngôn từ trở thành thứ ngôn ngữ đơn thuần như trong nghiên cứu sinh học, y học.

Một kiểu cấu trúc ngôn ngữ khác thường gặp trong những trang viết về tình dục của các nhà văn nữ là họ đã tạo ra những tính ngữ.

Theo viện sĩ A.N.Vêxêlỗpki “Tính ngữ là định ngữ một phía của ngôn từ hoặc xác định ý nghĩa chung chiếm ưu thế hoặc làm tăng thêm, nhấn mạnh thêm một phẩm chất đặc trưng, nổi bật nào đó của sự vật”. Đỗ Hoàng Diệu khá thành công khi sử dụng hàng loạt những tính ngữ trong cấu trúc ngôn ngữ: miêu tả vẻ đẹp tràn đầy sức sống của người phụ nữ như “cặp đùi dài như dòng sông nhắm mắt”, “Chiếc lưỡi mềm mại ấy đu kéo”, “làn da nõn nà thơ ngây”, “rút vào một hình tròn êm ái”, “bộ ngực cong vểnh sừng trâu”, “bộ ngực cong ngễu nghện”, “bộ ngực tròn cong vểnh lên như chiếc tù và”…( “ Cô gái điếm và năm người đàn ông ”), hay như “Mông và ngực đều nhỏ nhưng săn chắc. Miệng rộng, trán cao mênh mông tựa phi trường Tân Sơn Nhất..”, “ Cặp đùi dài thẳng băng”. “Mắt ướt rườn rượt và mở to sáng long lanh (…) “Người em đỏ hồng lên quyến rũ quá!”, “những cơn rùng mình thoả mãn”, “đôi môi mọng đỏ … vẫn hừng hực thèm khát”, “đôi mắt ẩn chứa ma lực chết người” (trong Tình chuột ). Trong Bóng đè các tính ngữ xuất hiện với mật độ dày đặc, từ những tính ngữ ngắn như “da thịt non tơ, hứng háo”, “toàn thân căng cứng”, “tấm thân nóng ẩm”, “bầu vú tự do khiêu khích” đến những tính ngữ khá dài như “chất lỏng đẫm ướt sền sệt ngầy ngậy mông đùi”, “cơ thể săn chắc mượt mà vun đầy hai mươi rúc lên hồi còi dài”, “thân thể tôi giống một quả mít tố nữ ngậy thơm đợi bổ đôi”... tất cả đều có sức gợi cảm lớn và đương nhiên sắc thái ngôn từ rõ nét hơn. Thuận – một tên tuổi khá mới nhưng để lại dấu ấn trên văn đàn. Kể từ tiểu thuyết “ Paris 11 tháng 8”, “T mất tích” nhà văn đã đề cập đến vấn đề tình dục. Với Thuận tính dục không chỉ ngưng lại ở phương diện đời sống mà còn khái quát lên thành những biểu tượng cacnavan. Khi mô tả hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp những biểu tượng thân xác như: môi, ngực, lưỡi, mông, đùi, cặp vú… bao giờ cũng gắn thêm những tính ngữ để làm nổi bật cái gợi cảm. Như: “Đôi vú trần vĩ đại của Emmanuelle Béart…Mặt trời chói chang chiếu vào hai đầu vú đỏ nhòn nhọn”, “đôi môi phụ nữ ngọt ngào như thế”, những tấm ảnh quảng cáo phơi bày “váy mỏng trong suốt để lộ cặp đùi dài”. Bộ ngực của cô bán bánh mỳ khiến nhân vật “tôi” liên tưởng đến “cặp bánh mỳ gối nồng mùi bột ủ chua” . Bộ ngực của Anna “đồ sộ ấm như bông” . Còn hình ảnh một nữ giáo viên hiện lên trong kí ức của “tôi” “cô ta bận một chiếc váy khá ngắn để lộ đôi đùi hồng hồng” . Đó là hình ảnh về cô nhân tình của Brunel dưới sự tưởng tượng của nhân vật “tôi”: “đôi mông tròn rắn chắc”, “cái eo mỏng nõn nà”, “bộ ngực non nhu nhú”, “cặp đùi dài thuôn thả”, “bờ vai trần đong đưa”, “khe nhỏ xinh hé mở”… hay hình ảnh “T” với “thân hình gợi cảm, đường nét mềm mại, nước da mịn, vòng hông nhỏ, bộ ngực nhu nhú…” .Rõ ràng các tính ngữ ở đây đóng vị trí trung tâm và có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm đối tượng mô tả. Các cấu trúc cụm từ không chỉ dừng lại với một tính ngữ đơn mà đa phần là tính ngữ kép trở lên với sự bổ sung tầng bậc gợi ra nhiều liên tưởng về ngầm dấu hiệu sự vật. Có thể khái quát thành mô hình như sau:

Danh từ/ cụm danh từ/ cụm chủ vị + tính ngữ 1 + tính ngữ 2…
Chẳng hạn như:

- Bộ ngực cong ngễu nghện

- Cặp đùi dài thuôn thả

Nếu chỉ dừng lại ở tính ngữ thứ nhất như “Bộ ngực cong”, “cặp đùi dài” thì cũng chỉ đơn thuần dừng lại ở mô tả dấu hiệu nhận dạng sự vật thông thường khách quan trung tính như kiểu “cành trúc cong”, “lá ngô dài” . Nhưng khi nó tăng lên với các tính ngữ sau bổ sung cho tính ngữ trước “bộ ngực cong ngễu nghện”, “Cặp đùi dài thuôn thả” thì không những cụ thể hóa trạng thái đối tượng mô tả (sung mãn/ đẹp/ đạt chuẩn…) mà còn kích thích trí tưởng tượng của người đọc, đồng thời thể hiện dấu ấn chủ quan của tác giả (ngợi ca/ tự hào…).

Ngoài ra, ngôn ngữ trong sáng tác của các nhà văn nữ dường như “thoát xác” trong những cấu trúc ngữ pháp ngắn, gọn, dồn nén khi viết về tình dục.

Đây là một đoạn trong “Âm vọng” của Lê Thị Thấm Vân “Giữ nhé! kẻo tuột, bám lấy mỏm đá trơn trượt(...) Chóa lòa. Hồng hoang. Vô địa hình. Vô phương hướng. Vô địa táng. Đỉnh thóp đầu bé vừa lọt lòng mẹ phập phồng, anh quờ quạng tìm em, nút bầu vú cạn nguồn. Nhay trì. Bé ơi, bầu vú, những ngón tay thừa, vò xát. Mạnh. Mạnh nữa đi bé ơi! (…) Nào, em leo qua được một phần rồi, cứng ngắc, nhọn... nhưng nóng hổi, mùi vị tham tàn. Sao chẳng ấm êm, mềm mại? Bầy cá đang rỉa dần bầu vú bé. Nhẹ, nào hãy nhẹ nhàng với em. Bé đau. Sao miệng bé ngậm đầy hột é trương phình? Ôi! anh. ..Ồ, bé muốn mạnh hơn, nhanh hơn. Có cái gì đó đang nói hộ em. Ồ, anh ơi! Môi khô nứt tanh ngậm nút trọn bầu vú con con nhú nụ. ..Nút mạnh đi anh. Sức mạnh là vũ khí, là quyền lực. Hãy cho em nếm mùi vị hào quang hy vọng...Đớn đau và sung sướng. Mạnh lên đi anh. Làm Bé sướng đi anh” . Trong “Bóng đè” là một loạt những câu ngắn liên tiếp khi mô tả cảnh gần gũi giữa cô gái và chồng “Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập. Tôi ưa kéo Thụ lên chà xát. Tôi bắt đôi tay Thụ bóp nắn liên tục.” . Những câu văn ngắn kiểu như thế dường như để đẩy nhanh tốc độc, thể hiện sự gấp gáp của hành động nhân vật sống động như chính đời sống quan hệ tính giao. Điều đó không đơn thuần là ngẫu nhiên mà là chủ tâm, dụng ý trong cách sắp xếp cú pháp của tác giả.

Viết về tình dục rất khó, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng chỉ một số người tiên phong mới dám động bút viết về đề tài này, nhà văn dí dỏm dẫn chứng hai câu thơ “nếu không hiểu rõ con cu. Đọc vạn quyển sách cũng ngu như bò” (thơ Bảo Sinh). Và viết thế nào để đạt đến giá trị đích thực của văn chương lại càng khó hơn, bởi nếu không cẩn thận họ dễ dàng bị sa đà vào những câu chữ dâm thư, kích dục…Dù sao cũng phải thừa nhận sự táo bạo bứt phá trong sự sáng tạo ngôn từ của các cây bút nữ đã tạo một dấu ấn riêng.-./.




VVM.12.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .