Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

SỬ TA SỬ TÀU




N gười Việt bị người Tàu đô hộ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Tàu ra sức hủy diệt văn hóa Việt, đồng hóa người Việt, sáp nhập đất Việt vào đất Tàu. Lịch sử cho thấy họ không thể làm được việc đó. Người Việt vẫn giữ được nước và bản sắc văn hóa riêng của mình, tuy nhiên bị ảnh hưởng nặng nề về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, thể chế chính trị…

Ngoài chủ đích xâm lăng và đồng hóa của người Tàu ra, các triều đại phong kiến Việt cũng tôn sùng văn hóa và văn tự Tàu một cách cao độ, gắn kết chặt chẽ với những hình thức nhà nước, tư tưởng văn hóa. Sau những chiến thắng về quân sự, các triều đại phong kiến Việt vẫn cúc cung với văn hóa Tàu, xem văn hóa Tàu như là mực thước, là đỉnh cao, là tất cả, tôn lên thành đạo thánh hiền, chữ thánh hiền...Việc này kéo dài hàng ngàn năm, người Việt bị vây hãm trong cái “ngục tù văn hóa Tàu”, mãi đến khi người Pháp xâm lược và đô hộ nước ta thì mới tạ mới tạm tách khỏi cái quỹ đạo văn hóa Tàu. Pháp xâm lược nước ta là một nỗi đau đớn của lịch sử, sự cai trị của người Pháp gây ra bao nhiêu thống khổ cho dân và người Việt tốn rất nhiều xương máu để đấu tranh giành độc lập. Nhưng ở một khía cạnh khác thì Pháp xâm lăng đã đưa ta thoát khỏi nạn “bóng đè” của văn hóa Tàu, từ đó tiếp cận với văn minh phương tây từ văn hóa, kỹ thuật, kinh tế, nghệ thuật, tư tưởng… (ta tiếp cận với văn minh phương tây không phải là mục đích của thực dân Pháp).

Người Việt chúng ta bao lâu nay mê phim kiếm hiệp Tàu, phim bộ Hồng Kông, Đài Loan...Biết rất nhiều những sự kiện và nhân vật lịch sử Tàu, thuộc rành rẽ nhiều chi tiết sử Tàu, trong khi ấy thì sử Việt, nhân vật sử Việt lại hoàn toàn mơ hồ. Có một giai đoạn vào khoảng thập niên tám mươi và chín mươi của thế kỷ trước, phim Tàu thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt, càn quét từ quốc nội ra hải ngoại, nhà nhà xem phim Tàu, người người mê phim Tàu, những bộ phim như: Thần điêu đại hiệp, Tam quốc chí, Tây du ký, Tể tướng Lưu gù, Hoàn Châu cách cách, bao công… Những tiệm sang phim, cho mướn phim mọc lên như nấm và người xem quên cả thời gian. Người Việt thuộc sử Tàu như cháo nhuyễn, tên những nhân vật sử Tàu thành lời cửa miệng. Những giai thoại và nhân vật sử Tàu ăn sâu vào tâm trí người Việt. Ai ai cũng biết Bao công,khổng Minh, Tào Tháo, Lưu Bị, Càn Long Khang Hy, Nhạc Phi... Buồn một nỗi không ai biết về sử Việt, những nhân vật lịch sử Việt cũng không ai hay, mà những nhân vật sử Việt cũng hào hùng nào có kém, ấy là chưa nói đến công lao đã giữ gìn và bồi tài cho nước Việt của chính mình. Bút giả không thích xem phim Tàu, tuy nhiên có đọc qua những tác phẩm văn học, tất nhiên cũng thích thú với những câu chuyện lịch sử hay ví dụ như Tam quốc chí. Thế rồi một lần đọc sử Việt, bút giả tình cờ phát hiện ra sử ta cũng có một câu chuyện thật trong lịch sử, câu chuyện hay và thú vị nhưng cũng đầy bi thương. Sử Việt có một tình tiết giống hệt chuyện Khổng Minh tặng váy áo đàn bà cho Tư Mã Ý. Chuyện trong sử ta là vào năm 1377, lúc này nhà Trần đã suy yếu rệu rã lắm rồi. Nhà Trần bấy giờ có một ông vua trẻ là Duệ Tông được xem như là hy vọng có thể phục hưng được cơ nghiệp Trần triều. Duệ Tông vốn trẻ, khỏe, háo thắng và liều lĩnh. Năm ấy Duệ Tông thống lĩnh đại binh đi đánh Chiêm Thành, kéo quân vào tận kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) của Chiêm Thành (tức Bình Định ngày nay). Thành Đồ Bàn cửa mở toang để trống, các tướng can gián bảo đây là mưu kế của quân Chiêm ( kiểu như Khổng Minh chơi chiêu “không thành kế”). Tướng Đỗ Lễ ba lần can gián, Duệ Tông không nghe lời mà còn giận dữ chửi mắng tướng Đỗ Lễ hèn nhát, Duệ Tông ngạo mạn, đại ngôn kiểu mấy anh tướng Tàu:” Ta đường đường là hoàng đế, kéo quân từ ngàn dặm đến đây, quân Chiêm nghe danh ta sợ vỡ mật đã bỏ trốn hết rồi, chẳng dám đối địch với ta...” nói xong hạ lệnh đem một bộ váy áo đàn bà ban cho Đỗ Lễ hòng làm nhục Đỗ Lễ, xem Đỗ Lễ hèn nhát, đàn bà… Duệ Tông kéo quân vào thành Đồ Bàn và hậu quả là quân Chiêm mai phục sẵn xông ra tiêu diệt gần hết quân Đại Việt, bản thân vua Duệ Tông cũng bị chém chết tại Đồ Bàn. Vua Duệ Tông là ông vua Việt duy nhất bị chết trận và chết ngoài biên giới quốc gia Đại Việt thuở ấy. Ngoài chuyện này ra còn có rất nhiều những chuyện khác rất hào hùng, bi tráng tỷ như hậu quân Võ Tánh tự thiêu, tướng Trần Quang Diệu vào thành cho tẩm liệm tử tế kẻ thù không đội trời chung và tôn trọng di thư của Võ Tánh, không làm hại một ai… Sử ta hay như thế, đẹp như thế và là sự thật chứ chẳng phải tiểu thuyết hay tô vẽ của các nhà làm phim, tiếc là đa số người mình không biết đến mà chỉ biết chuyện sử Tàu.

Sử Việt và nhân vật sử Việt cũng hay và thú vị không kém sử Tàu, tuy nhiên chúng ta không có được những bộ phim tầm cỡ như Tam quốc chí của Tàu. Điện ảnh Việt không có khả năng làm những bộ phim sử thi lớn, không có kịch bản lớn, không đủ năng lực, vật lực và tài lực… Từ đó người Việt xem phim tàu và mê sử Tàu là vậy.

Hồi bút giả còn học ở trường đại học Tổng Hợp (tức đại học Văn khoa cũ), lúc ấy có giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần (thầy của cô Hậu khảo cổ) ông là một vị giáo sư đáng kính, có tâm huyết với sử Việt. Ông có viết mục “giai thoại sử Việt” cho các báo, những bài viết của ông đã nêu ra nhiều nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử, những nghi án sử… Việc này gây hứng thú cho nhiều người trong một thời gian, rất tiếc sau đó thì tắt lịm đi. Văn học sử chúng ta có bộ “Hoàng Lê nhất thống chí”, đây cũng có thể tạm xem như “Tam quốc chí” của Việt nam, tuy nhiên tầm vóc và quy mô không thể tương xứng, tiếc là người Việt ít biết đến, giá mà điện ảnh có đủ khả năng thì cũng sẽ làm được phim hay như Tam quốc chí. Khoảng đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, ở Sài Gòn có cha con nhà họ Huỳnh lấy bối cảnh Hoàng Lê nhât thống chí để dựng phim nhưng làm quá nhếch nhác, cẩu thả, qúa tệ hại: Vua Quang trung là anh chàng tí tởn, cỡi con ngựa gầy nhom nhỏ xíu, đại quân tây Tây Sơn chỉ một dúm diễn viên quần chúng chạy bộ theo sau và vài con ngựa nhỏ bé, thành Thăng Long chỉ là bức tường ở khu du lịch Văn Thánh, lời thoại ngây ngô không có hồn khí… phim làm như vậy thì chỉ làm hại thêm, chỉ bôi bác lịch sử chứ chẳng thể làm người ta yêu sử được.

Sử Việt cũng hào hùng với những trận đánh dẹp quân Nguyên, phá Tống, phá Thanh… Những trận chiến oai hùng quyết liệt giữa Đại Việt và Chiêm Thành suốt hơn bảy thế kỷ, những tình sử Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân, Ngọc Vạn hay công chúa Mỵ ê của ChamPa… giá mà chúng ta có nhà viết kịch bản giỏi, có những nhà làm phim tài ba và đủ năng lực thì ắt sử Việt lên phim cũng hay không kém phim Tàu, và việc ấy sẽ lôi kéo được khán giả Việt xem phim sử thi Việt. Tiếc là giấc mơ chẳng biết bao giờ mới có thể thành sự thật!

Cơn sốt phim Tàu ngày trước giờ đã qua, tuy nhiên người Việt vẫn thích và xem phim Tàu, văn hóa Tàu, hàng Tàu vẫn thống trị ở đất Việt và những nơi có người Việt sinh sống. Thế hệ phim Tàu mới với những: Ngô Kinh, Tiêu Chiến, Dương mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba… vẫn làm cho người Việt mê. Thật chẳng biết đến bao giờ người Việt mới có được những bộ phim hấp dẫn như phim Tàu và có lẽ phải đến lúc ấy thì người Việt mới yêu thích phim Việt, sử Việt.

Ất Lăng thành, 0523



VVM.29.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .