Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.


12 - VIÊN LINH
( Nguyễn Nam, 1938 - )




Cũng vào khoảng 1956-57, sự xuất đầu lộ diện của một số người thơ trẻ Saigon, có thể nói là điển hình, thì vào thời gian ấy, họ góp mặt trên thi đàn, đăng thơ trên báo Văn Nghệ Học Sinh của Lê Bá Thảng, Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh và một vài tờ báo khác nữa. Hoài Nam buổi đầu vào làng chịu gục đầu khuất phục lục bát Nguyễn Bính bậc thầy thì VIên Linh làm bài thơ Mây Giăng (1957) mang ý thơ Nguyễn Bính (cả giọng thơ và cách kết cấu bài thơ). Như Chắt Chiu (1958) sẽ trích ở cuối bài. Đây là một đôi dòng :

Mai về Ba Động cùng anh
Cho mây vàng nắng cho xanh ân tình
Cho anh sang cưới cô mình
Cho bươm bướm cũ tự tình dưới hoa

hoặc bài thơ Bài Ca Thư Sinh mượn ý Thâm Tâm, hoặc Tăm Tắp 10 Ngàn Chín Trăm cũng chưa phải là thực chất mang bản sắc thơ Viên Linh.

Viên Linh có tên thật là Nguyễn Nam, sinh 1938 ở Hà Nam (Miền Bắc). Anh có khác Hoài Nam (hay Trần Dạ Từ về sau) là không làm thơ đặt hàng ca tụng chế độ, đúng lập trường, dễ đăng và dễ nổi hơn. Có lẽ, Viên Linh nhờ có gia đình đùm bọc, đúng hơn, anh có bản năng tự trọng trong ý thức đời sống làm văn nghệ hơn Hoài Nam. Khoảng thời gian từ 1959 đến 1961, Viên Linh làm thơ lục bát, mô phỏng cách diễn đạt lục bát Cung Trầm Tưởng. Nhưng trong thơ Viên Linh cũng có những câu thơ đẹp, từ hình ảnh, tứ thơ, ngôn từ, như: Anh đi gió núi mưa đời ru em/ nửa chì nửa đục nửa băng đá hờn (Tình Ca 2 và Ngoại Ô của Cung Trầm Tưởng) sang đến thơ lục bát, âm thanh, từ ngữ tân kỳ lạ tai, nhưng chưa thoát được ý non dại bước đầu - bởi cái chính : ý thơ khô không phải của chính tác giả. Chẳng hạn, hầu hết thơ lục bát của Viên Linh, như bài số 73 là điển hình:

Thôi tôi giao lại cho người
Ga đêm lẻ đợi bến vui nằm chờ
Cây rù bóng tối đi đo
Buồn thanh niên đứng co ro phố dài
Thời gian đón tiếp tương lai
Đêm đang rời rã bên ngoài hành lang
Với chim di rét từng đàn
Tôi đi nốt cuộc truy hoan buồn buồn
Biển nằm dỗ mộng thùy dương
Non cao lộ nhỏ dừng cương muốn về

Ở câu 3 và 4 bài thơ trích dẫn trên đây, ý thơ ngây ngô, gượng gạo, chỉ vì cố tìm ngôn từ mới, âm thanh lạ để ghép vần - thơ trở thành chắp vá cho đúng niêm luật - đó là sự vô nghĩa tòan diện, cả bài thơ có nói lên được điều nào cho ra điều nào đâu? Chất thơ xây cất bằng vật liệu ngụy tạo, nôm na hơn là thiếu rung cảm thực của tác giả, thơ chưa đủ độ chín làm rung động người đọc và chính tác giả nữa! Nếu ta quan niệm thơ là động lực tác động làm rung cảm con người thì điều này không có trong bài thơ này.

Xét về mặt tứ thơ, chẳng có gì gọi là mới mẻ, xét về cách kết cấu từ nhạc điệu, tiết tấu, ngôn từ toàn bài chưa có gì gọi là chỉnh bị một bài thơ vượt người đi trước mà anh mượn đà (CTT và lục bát Tình Ca 2 và Ngoại Ô) và xét về ý khinh bạc, chỉ đạt được một phần rất nhỏ cái ngông nghênh của kẻ giang hồ vặt. Cũng nói thêm, đôi chút âm thanh lạ tai nhưng chưa đồng nhất, thành thử âm thanh lạ tai kia bị nghe với cảm giác rất ngái!

Tôi chưa rung động khi đọc lục bát của Cung Trầm Tưởng, mới chỉ cảm được thơ anh đẹp như một bóng mây thoáng qua, hay như một cánh chim lượn trên không trung với niềm vui thoảng - cuối cùng chẳng còn giữ được nhiều trong lòng, kể cả say mê!

Như vậy với thơ Viên Linh, người mô phỏng theo thơ lục bát Cung Trầm Tưởng, hẳn không tạo được một sự rung cảm. Bây giờ bước qua lối thơ được gọi là tượng trưng, tôi cố tìm bản sắc thơ tượng trưng của anh, nhưng vẫn chưa thấy, mà ở thơ Trần Dạ Từ, tôi còn thấy phảng phất qua nhiều bài như Thơ Tình Tháng Sáu, Nhã Ca. Với Viên Linh, qua Dạ Khúc 2, Khi Người Chết, Một Hồi Sau, Kết Cuộc, Lớp Học, Tháng Soan Tây… chưa mang lại cho tôi một hồi cảm về cái gọi là thơ tượng trưng của Viên Linh. Phải nói là không phải tôi chỉ đọc thơ một lần, mà rất nhiều lần, của nhiều lúc khác nhau. Chất thơ tượng trưng của anh phảng phất buồn một cách bàng bạc, mơ hồ, lờ mờ. Đó là giai đoạn thơ Viên Linh cho đăng từ 1958 đến 1961. Tôi trích bài thơ Kết Cuộc, nhưng nếu phải tỏ bầy về cảm tưởng, thì chưa phải lúc, kể cả dự đoán tương lai nhà thơ Viên Linh, với tôi, cũng vẫn là chưa.

Nói cho rõ hơn, tại sao tôi lại đề cập đến nhà thơ này trong số 12 nhà thơ trẻ tài hoa? Xin thưa, tâm hồn thơ Viên Linh chưa vỡ luống, anh có phong độ một nhà thơ lớn chưa hoàn hảo, còn nghệ thuật thì chưa làm rõ nét bản sắc, nhưng đúng anh là một thi nhân có tài. Chỉ có một điều, hiện nay, Viên Linh chưa phô bầy được cái tài mình có, rất có thể vốn sống chưa đủ sâu sắc, hay là chưa kịp chín nhịp độ cao để triển khai cảm nghĩ - và giờ này thơ anh chưa đủ sức mạnh đứng đầu gió, nhưng phải tin là sẽ có ở một ngày nào đó ở ngày mai. Viên Linh khi ấy hẳn là một nhà thơ có bản sắc riêng, độc đáo.

Toa tầu thơ thì nhiều, thiếu đầu máy kéo rúc chạy, chuyển bánh khởi hành. Tôi còn yêu Viên Linh qua một truyện ngắn mới đăng trên báo chí, truyện nói về đời sống một nhà giáo bất đắc dĩ, với ngôi trường xây dựng trên miền đất đỏ Ban Mê Thuột. Ở khía cạnh này, tôi tin Viên Linh sẽ là nhà văn nổi tiếng hơn thơ hôm nay.


©

Trích thơ Viên Linh:

I - CHẮT CHIU

Gặp mình trên biển Nam sang
Buồn cao ngun ngút qua ngàn dâu xanh
Ngày xưa sao cũng xin đành
Mình đi thì để một mình mình vui
Nhìn nhau không nói không mời
Chắt chiu mười mấy năm rồi mình ơi

Tôi đi cùng 9 phương trời
Tôi mang theo một phuơng trời có em
Có sân trường lúc gió lên
Có người xưa ở trên thềm giải ranh

Vàng chiều xao xuyến bay quanh
Ngừng tay vơ sỏi nhiều nhanh lên mình
Mình mời cho gió mênh mênh
Cho hồn tôi cũng mênh mênh quá ngàn

Hết ô mình lại ăn quan
(Có 5 ao cá thua nàng cả 5)
Hết quan thì tàn đến dân
Tôi thua xin để tôi cầm bàn tay

Nợ nần chưa trả đã vay
12 năm ấy hôm nay gặp nàng
Sầu chiều lên bến Nam sang
(Người xưa giờ đã con mang con bồng)

Mùa xuân rượu đỏ pháo hồng
Mình đi pháo tỏ cho long xác chàng
Gặp mình hoa võng hôm nay
Thì xưa cho chuộc bàn tay đã cầm

Hết quan thì tàn đến dân
Có 5 ao cá đã cầm cả 5
Gói khăn lên núi tôi nằm
Nửa đêm giở giấc xin trăng gió về

Mai chiều in bóng em đi
Trối trăn thì có ra gì phải không?
Để mình nay bắc mai đông
Tấp tênh lên mái cửu trùng tiễn ma

Tháng giêng tôi bước lên chùa
Trông lên 9 bậc xem ma yêu mình
Vua yêu vua mới trao quyền
(Vua yêu vua để cả tiền mình tiêu)

1958

II - KẾT CUỘC

Sự tầm thường như sóng biển nô đùa
trên bãi hoang liêu những mùa nước lớn
một con chim nhỏ lỡ quá ra khơi
đáp xuống nơi nào yên thân nằm lại sức

tôi hằng lẩm bẩm những khi tối trời
sự sợ hãi và lo âu tới đó
ngày rên rên du những cánh tay

Khép nhỏ vòng ôm rút lần hy vọng
cho tới xế buồn khi cho tới cuối đời
hai tay mình ôm thân mình thôi
những đốm thuốc đỏ thắp đêm khuya
âm ỉ cháy đốt thêm ngày tháng nữa
thời khắc ghi bằng tiếng trống khua
và hồi âm những đớn đau cầm canh một kiếp

điều tri thức nào kết bền chứng tỏ
tôi chẳng đáp xe đò lên thị trấn tôi
và công chuyện bắt đầu như thường lệ
bỏ lại đàng sau niềm vui mới truy hoan

quên quên hết hoặc giả đò quên hết
rồi ngày mai tiếp tục sự luân lưu

sách vở chỉ là kẻ nhắc tuồng quá lố
khi cuộc đời tôi là tấn kịch cương
con chim có cánh thì đã bay lên
và mảnh ván thân tầu kia trôi băng theo dòng nước lên.

6.60
(trích tạp chí Thế Kỷ 20)

VIÊN LINH




VVM.21.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .