N ăm 1957 tôi học lớp 9, giáo sư Sử Địa Vũ Huy Chấn kể rằng năm 1922, ngay ngã ba sông Saigòn và sông Ông Lãnh, một đêm trăng người ta bỗng thấy như hai con rắn lớn và dài, dài lắm. Đầu rắn có hình dáng giống như đầu rồng mà người ta chạm trổ hay tạc tượng ở các đền thờ, chùa… Dân ra xem rất đông và có cả người Pháp nữa. Một lát lâu sau, có hai người Pháp đem súng ra định bắn thì người Việt cản lại.
Người ta cho rằng đó là một cặp Rồng, là linh khí của đất Việt. Nó hiện nguyên tinh khí của nó lên đùa giỡn khoảng hơn một giờ thì lặn mất. Từ đó đến nay không nghe ai nói về hai con Rồng đó xuất hiện nữa.
Địa danh Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có từ lúc nào? Con Rồng có thiệt hay không? Nhiều người cho rằng con Rồng mà các đền thờ, chùa… chạm trổ hay tạc tượng là do người Trung Hoa tưởng tượng, gán ghép mà vẽ ra thôi. Rồng là linh vật được truyền tụng từ xưa đến nay có thật hay chỉ là tưởng tượng? Nước Cambodia ở cạnh ta cũng có biểu tượng Rồng. Con Rồng Naga của Cambodia có bảy đầu trông giống như con rắn, đuôi xòe ra.
Về con Rồng có râu, có mào trên đầu như đã hiện ra ở ngã ba sông Saigòn và sông Ông Lãnh thì trước đây, vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20; người ta kể rằng có một viên phi công bay qua một sa mạc, ông thoáng thấy một con Rồng đang rượt theo, ông vội ghi hình dáng con Rồng vô sổ nhựt ký. Thế rồi con Rồng bắt kịp máy bay của ông, nó đưa hai chiếc râu dài của nó quấn vô hai cánh máy bay của ông. Ông quăng sổ nhựt ký xuống đất. Đương nhiên chiếc máy bay mất tích. Một thời gian sau, có người lượm được cuốn nhựt ký nên kể lại sự việc.
Ở Saigòn nầy, ngoài Nhà Rồng còn có một chỗ không xa Nhà Rồng cũng gọi tên có từ “Rồng” nữa. Đó là Phủ Đầu Rồng hay Dinh Độc Lập hay Dinh Thống Nhứt.
Xưa kia sông lớn vô tới Chợ Bến Thành. Phải chăng đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ… xưa kia là sông? Như vậy vùng ngã ba sông Saigòn với sông Ông Lãnh là một vùng nước tụ rộng lớn nuôi cho con Rồng ở Phủ Đầu Rồng mà lâu lâu các con Rồng nầy hiện tinh khí nguyên hình lên đùa giỡn chăng? Sông Saigòn uốn khúc hợp với sông Ông Lãnh, rạch Cần Giuộc tiếp giáp phía Đông và Nam Saigòn. Sông Saigòn lại tiến ra phía Đông Nam hợp với sông Đồng Nai ở Nhà Bè để chảy ra biển. Con Rồng ở Phủ Đầu Rồng được gọi là con Phục Long. Đầu ở Phủ Đầu Rồng, mình chạy dài vô Chợ Lớn rồi cuộn lại, cái đuôi ở Hồ Con Rùa đường Phạm Ngọc Thạch, gần Nhà Văn hóa Thanh Niên. Tôi cho rằng nguồn nước nuôi con Phục Long nầy dồi dào lắm nên nó vẫn còn sống lâu.
Con Rồng có hay không, không ai biết. Nhưng Rồng đối với dân Việt Nam ta thì được cho là biểu tượng hưng thịnh của đất nước. Dù Rồng vẫn còn là một ẩn số nhưng ta cứ tin con Rồng Việt Nam vẫn trường tồn. Khánh Hội - Quận Tư Saigòn 14-4-2017