Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



MÙA XUÂN - ĐỜI NGƯỜI


V ới người phương Đông, khái niệm mùa xuân có ý nghĩa là thời gian- đời người. Tản Đà tính thời gian theo Xuân (Ngày xuân, nhớ xuân), mỗi Xuân đến là “tám năm”, “mười năm”, “năm chục năm” hay “một trăm năm” đã trôi đi. Đó là cuộc hành trình sinh mệnh đời người. Trong vũ trụ mênh mang, sinh mệnh của con người chỉ là một thoáng ngắn ngủi. Vậy con người phải thiết kế cuộc đời mình ra sao?

Tản Đà luôn ý thức về cái hữu hạn của kiếp người, ông biết tiêu dùng thời gian có ích cho đời mình: “Sáu tuổi đọc Luận ngữ làu làu/ Xuân mười tuổi học làm thơ/ Xuân mười bốn tuổi văn đủ lối/…

Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông. Ông đã sống hết mình với cách sống sáng tạo, hành động cháy sáng ước mơ, chí lớn, mở những tư tưởng mới, xây dựng thế giới mới… Để đến nay“ Ngoài trăm tuổi vắng ta nơi trần thế” mùa Xuân vẫn gõ cửa tìm ông.

Khổng Phu Tử (551- 479 TCN) người thầy vĩ đại, trên hai ngàn năm trước đã vạch ra một niên biểu thiết kế đời người. Khổng Tử nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi trí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du cử”.

(Ý nói: Tôi mười lăm tuổi đã có chí hướng về học tập; ba mươi tuổi biết khuôn phép, có thể đứng vững trong xã hội; bốn mươi tuổi tri thức tương đối phong phú, nghe mọi điều bàn luận khác nhau, không đến nỗi bị mê hoặc; năm mươi tuổi biết vận mệnh trời phú cho mọi người; sáu mươi tuổi hễ nghe lời lẽ của người khác đã có thể phân biệt được thật giả, phân biệt rõ phải trái; bảy mươi tuổi thì có thể tùy ý, không đến nỗi xa rời khuôn phép”).

Tác giả XiZi (Trung Hoa) trong sách Sinh mệnh đời người (NXB Hà Nội-2002) cho rằng đời người là một loại năng lượng. Nhưng khai thác năng lượng của đời người đòi hỏi phải trả giá thành to lớn. Ai nắm được tri thức khai thác năng lượng sinh mệnh, người đó có thể sáng tạo ra vẻ huy hoàng của nó. Trong bộ não của mỗi người đều có một mỏ vàng, chỉ có rất ít người khai thác được nó. Đằng sau lưng mỗi người đếu đang ngủ say một người khổng lồ thần thông quảng đại, nhưng rất ít người thức tỉnh họ. XiZi đưa ra thiết kế đời người theo hướng dọc, chia ba thời kỳ của đời người: thời hoàng kim, thời đồ bạc, thời đồ sắt.

Thời hoàng kim

Là thời thơ ấu, giai đoạn khơi dậy năng lượng đời người, thời kỳ quan trọng nhất của đời người. Nếu như năng lượng của đời người không thể thức tỉnh được ở thời thơ ấu, thì con người khổng lồ của năng lượng đời người sẽ có thể ngủ say suốt đời.

Tất cả mọi đứa trẻ con sinh ra đều là thiên tài, nhưng chúng ta lại làm phai mờ tư chất bẩm sinh trong sáu năm đầu tiên sinh mệnh của chúng nó.

Bởi vậy giáo dục tuổi mẫu giáo, bảo hộ dục vọng, bảo hộ tính hiếu kỳ của nhi đồng là cực kỳ quan trọng. Ý thức sáng tạo là tài sản suốt đời quí giá nhất của trẻ con, nhưng phương pháp giáo dục của chúng ta lại kiềm chế sự sáng tạo của chúng.

Thời kỳ hoàng kim là giai đoạn con người sống hoàn toàn thuộc về mình, tâm hồn chân thực, tình cảm tốt đẹp, hạnh phúc nhất. Cần phải thiết kế thời kỳ hoàng kim của con người những phẩm chất quí hơn vàng như: tạo dựng cho trẻ một tâm hồn cao thượng, bảo vệ bẩm tính của trẻ con, giữ gìn và bồi dưỡng lòng tự tôn để chúng sớm biết tự quí trọng giá trị của mình. Thiết kế sức căng sáng tạo: xây dựng chí hướng cao cả là động lực bên trong kích dậy sức sáng tạo, bảo vệ bồi dưỡng lòng ham hiểu biết, sự hiếu kỳ, học mà chơi, chơi mà học. Cuối cùng là chăm sóc cơ sở thể năng, rèn luyện thể lực, tố chất thân thể khỏe mạnh, là vốn liếng cả một đời.

Thời kỳ đồ bạc

Là thời thanh niên, vai trò đời người phát sinh và biến đổi rất nhanh. Đây là thời kỳ thực hiện của đời người, phải gánh vác gánh nặng cuộc sống lớn nhất: với ông bà, cha mẹ, con cái; và phải bắt tay thực hiện lý tưởng manh nha từ thời thơ ấu của mình. Đây là thời kỳ tự chủ, quyết định sự lựa chọn của đời người. Tuổi thanh niên phải làm thế nào để cá nhân được hoàn toàn độc lập; là một thời rực cháy ước mơ và hành động mạnh mẽ, chính xác, đầu tư nguồn vốn năng lượng đến tuổi già.

Chesterfield nói:” Thời trẻ không vun trồng tri thức, đến già sẽ không có bóng cây hóng mát”

Thời đồ sắt

Vấn đề tuổi già là một quan niệm triết học. Thời kỳ này con người hài hòa với hoàn cảnh xã hội và thiên nhiên, thích ứng với tất cả.

Đây là vẻ đẹp của con người trước tạo hóa, người ta cần phải đổ sức mạnh mới cho thời tuổi già của mình. Một đời của con người cần một sự trẻ trung, hào khí. Người ta khi về tuổi già có thể trở lại trạng thái ngây thơ một lần nữa. Tuổi già được gọi là tuổi thơ ấu thứ hai của đời người. Nếu một người bảy mươi tuổi vẫn có thể giữ được sự ngay thật và trong sáng, như thế thì cuộc đời của họ là chân thực, đẹp đẽ. Người già cần phải luôn hấp thu chất dinh dưỡng và “linh khí” của trời đất để bổ sung sức sống. Một báo cáo về người già đã chỉ ra: “Hiện nay, sáu mươi lăm tuổi là bắt đầu của phần nửa đời sau, mà không phải là bắt đầu của những ngày cuối cùng”. Lớp người sáu mươi lăm tuổi trở lên là một giai đoạn sống quan trọng của đời người, chưa được khám phá và giáo dục. Cần có một quan niệm triết lý nhân sinh mới cho cuộc sống của người già. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu còn bị bỏ trống.

Tôn giáo và Đời người

Truyền thống Hindu Ấn Độ chia bốn giai đoạn chủ yếu của cuộc sống con người: môn sinh, bậc trưởng giả, ẩn sĩ và nhà tu khổ hạnh.

Bốn giai đoạn này gắn với bốn mục đích của cuộc sống, thúc đẩy cá nhân hành động và có liên quan đến thế giới:

sự làm tròn đạo đức;

đạt được vật chất, thành công và giàu sang;

hạnh phúc, dục lạc và tình yêu;

sự thỏa mãn tâm linh đạt được bằng cách thoát khỏi sự bám víu vào xã hội và những mục đích vật chất tầm thường.

Trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống, người ta sống thích ứng với mục đích phù hợp lứa tuổi:

Giai đoạn môn sinh: học hỏi trách nhiệm xã hội và đạo đức.

Giai đoạn trưởng giả: thỏa mãn khát khao giàu sang và dục lạc qua hưởng thụ vật chất và tình dục.

Giai đoạn thứ ba và thứ tư: những thôi thúc thành công và dục lạc giảm bớt, con người theo đuổi sự thỏa mãn, tâm linh dẫn đến sự giải thoát.

Những nhà hiền triết Hindu dạy rằng khao khát vật chất, dục lạc, được chạy đua một cách ích kỷ và thiếu hiểu biết, chúng có thể đưa dắt con người vào vòng bất hạnh. Nhất là khi con người đã bước vào tuổi trung niên.

Hiền triết khuyên họ làm giảm ham hố vật chất, dục tính, trong sự học tập mang tính đạo đức và tâm linh.

Nhiều người Hindu cố gắng kết hợp chặt chẽ những hình thức này vào cuộc sống đời thường của họ, nhờ những lễ nghi tôn giáo và sự tu tập thiền theo Raja Yoga. Họ lưu tâm đến việc định hướng lại những suy nghĩ và cảm xúc, kết nối với tâm linh để có được một đời sống hài hòa, bình an, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần.

Sự thỏa mãn tâm linh là đời sống tinh thần tối cao của con người.

Raja Yoga (Raja=vua, Yoga= kết nối, có ý nghĩa: Raja Yoga là vua của các loại hình Yoga) là phương pháp thiền cổ xưa nhất của Ấn Độ, được ứng dụng trong đời sống hiện đại (là mục đích không vụ lợi) của trường đại học Tâm linh thế giới Brahma Kumaris( ĐHTLBK) do Brahma Baba sáng lập năm 1936 tại Ấn Độ, đã tạo cơ hội cho người dân 129 nước đóng góp mọi sáng kiến nhằm tạo dựng cho mọi người được sống trong hòa bình và hòa hợp.

Tại Hà Nội, những năm qua, chúng tôi may mắn được Frederic Labarthe là người Pháp đến từ ĐHTLBK, dạy những bài tập tinh thần và tiếp nhận năng lượng vũ trụ, nhằm nâng cao sức khỏe, quản lý stress, làm cho tâm trí được bình thản, trí tuệ đạt tới sự sáng suốt.

Sau khi học, thực hành và trải nghiệm chúng tôi nhận ra những giá trị lớn từ khối tri thức của ĐHTLBK mà Frederic đã ân tình truyền cho người Việt Nam, giúp ta hiểu rõ mối liên quan giữa tinh thần và vật chất, giữa tâm trí và cơ thể, tác động qua lại giữa thế giới tâm linh với thế giới vật chất… để tự khám phá và quản lý bản thân, tạo dựng lòng tự tin, biết ta là ai, ta muốn gì, thể hiện được phẩm chất tích cực vốn có của mình.

Frederic đã hiến dâng trọn đời mình cho những mục đích cao cả của ĐHTLBK, gần hai mươi năm qua, anh kiên trì khổ luyện rèn bản thân và quên mình truyền đạt kiến thức cho cộng đồng quốc tế ở nhiều nước.

Đến Việt Nam anh đã hợp tác với các tổ chức trong nước giảng dạy, đào tạo và thảo luận chuyên đề các lĩnh vực thuộc con người: phát triển cá nhân, giao tiếp, kỹ năng tư duy, kỹ năng sống, quản lý bản thân và nhận biết các giá trị; cộng tác với các nhà xuất bản Việt Nam dịch thuật, viết và xuất bản các đầu sách về: giáo dục, tâm lý, nét đẹp truyền thống, văn hóa, quản lý nhân sự, làm việc nhóm, quản lý bản thân và phát triển cá nhân… Trái tim thông tuệ, tình yêu tâm linh của anh dành cho Việt Nam, một đất nước tươi đẹp, đã bao thế kỷ, con người không ngừng vượt lên đau thương, nay cần được sống trong hòa hợp, bác ái, bình yên.

Frederic bây giờ là người thầy, người bạn thân thiện, tinh khiết, chân thành, yêu thương và thông thái của: sinh viên, trí thức, thương nhân, nhà ngoại giao, kinh tế, văn nghệ sĩ, giảng viên đại học, toàn cầu. Anh luôn trở đi trở lại các trung tâm ĐHTLBK do anh xây dựng từ Ấn Độ, Anh, Hồng Kông, Việt Nam Hà Nội, Sài Gòn…

Những ai được học Frederic đều nhận thấy anh đang từng giây tận tụy dâng hiến linh hồn thánh thiện của mình cho ngôi nhà chung của nhân loại sự bình an.

Bạn còn trẻ, bạn đang gánh vác trọng trách xã hội, bạn không có thời gian rảnh rỗi? Ngày xuân thong thả, bạn hãy lắng lại phút giây, nghe Frederic nói, bạn sẽ hiểu là mình đang bỏ lỡ cơ may gặp thiền, để thành đạt và bình an trong cả cuộc đời mình:

- Thiền là một nghệ thuật sống gần với chính bạn, là bản ngã tâm linh trong sáng của chính bạn. Qua đó những cảm xúc của niềm tự tin và sự an lạc bên trong, được phơi bày với mọi công việc và mọi hoàn cảnh. Những bạn bè, các mối quan hệ gia đình, xã hội, công việc, mọi sở hữu vật chất… Tất cả những điều ấy thay đổi, duy chỉ có một yếu tố không thay đổi trong cuộc đời bạn là chính bạn. Đó là cái bất biến, cái vĩnh hằng, nguyên thủy, cái tôi chân thật, phẩm chất và sức mạnh nguyên thể, sự an lạc, tình thương yêu, trạng thái của lòng tự trọng, tự tin. Thiền là cuộc đối thoại bên trong với chính bạn, để tự chữa lành bên trong, là sự phục hồi nguồn điện cho chính bạn, tạo nên sức mạnh bên trong khi ta biết kết nối với nguồn năng lượng tối cao. Thiếu nguồn năng lượng này, cá nhân hay từng cộng đồng luôn nảy sinh sự uất ức, sự quấy phá, stress, nỗi buồn đau, cô đơn, chống đối, bạo lực…

Sức mạnh tâm linh hiến dâng cho mỗi cá nhân: tinh thần hợp tác, lòng khoan dung, sự mềm dẻo, tha thứ, khả năng đương đầu với những khó khăn, tình yêu thương, sự bình an, giúp phụ nữ tìm lại thế cân bằng, hòa hợp với chính mình và thế giới, khám phá lại sự trong trắng, gắn kết với sức mạnh của sự trong trắng đó…

Với tôi, sau nhiều năm học và thực hành Raja Yoga, giờ đây đã cảm nhận được vẻ đẹp của Phù Vân:

Phù Vân

Dưới ánh mặt trời lặng ngắm phù vân
Tôi đã đi qua tất cả mọi thời
Chào đời, nhảy múa, trồng cây, khóc than
Kiếm tìm, đánh mất, vá khâu, lên tiếng
Yêu, thương, giận, ghét, trốn chạy ôm hôn…
Thượng đế dẫn, mọi thời đều đúng lúc
Gió thổi phía Nam, ngược xoay phía Bắc
Trở qua, trở lại lòng vòng phù vân
Gầm nhật nguyệt không có gì mới lạ
Tất cả có trước ta bao thế hệ
Chỉ còn hát ca “Phù vân, phù vân”
Đẩy lùi sầu não, trừ khử đớn đau
Sống vui Đấng Sáng Tạo định mọi phần
Tuân giữ mệnh lệnh Thượng đế Thiêng Liêng.

Hồ Gươm Xuân 2004- 2012.    



VVM.29.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .